Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh
TGPSG -- Nhân ngày Chúa nhật Phục Sinh 4-4-2021, tôi có dịp tới thăm những mảnh đời đau khổ, đang được cưu mang chăm sóc tại mái ấm Phan Sinh tọa lạc tại địa chỉ: thôn Tây Lạc, ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Đoạn đường từ Sài Gòn xuống tới mái ấm khoảng 50 km cũng không xa lắm. Vừa bước vào cổng, trước mắt tôi là tòa nhà khang trang sạch sẽ, được xây dựng nhờ lòng hảo tâm của quý vị ân nhân.
Thầy Châu phụ trách mái ấm, một người có lòng bác ái, khiêm tốn giản dị, đã sáng lập và âm thầm phục vụ mái âm suốt nhiều năm qua. Thầy ra đón tôi với nụ cười thân thiện. Lần đầu tiên được gặp thầy, tôi rất ngưỡng mộ lòng quảng đại hy sinh thầy dành cho những mảnh đời bất hạnh ở nơi đây.
Qua cuộc nói chuyện với thầy, tôi biết được những nhu cầu về tinh thần vật chất, những hạn chế… Tôi rất muốn giúp nơi này thật nhiều, nhưng bản thân còn giới hạn, chỉ biết làm những gì trong khả năng của mình, mang theo chút quà một vài người muốn gửi đến để sẻ chia…
Thầy Châu dẫn tôi đi thăm những người đang lưu trú tại đây, gồm đủ mọi thành phần, từ trẻ em tới người già, người còn minh mẫn cũng như người chẳng biết mình là ai, người còn lành lặn cũng như người bị khuyết tật… Chứng kiến tận mắt những người mang trong mình nỗi đau, khiếm khuyết nơi tâm hồn và thể xác, lòng tôi chùng xuống, im lặng cảm thương cho những con người đau khổ. Tôi liên tưởng tới Đức Giêsu vẫn đang âm thầm vác thập giá nơi những con người ở nơi đây.
Nếu như không có niềm tin, thì khi gặp những cảnh đời ngang trái như thế này, tôi không thể chịu đựng, không thể chấp nhận nổi những điều xem ra bất công không thể lý giải. Nhưng khi nhìn lên Đức Giêsu trong mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Ngài, tôi tìm lại được sự bình an. Cuộc sống trần thế của Ngài đầy dẫy những đau khổ, lao động vất vả, nhất là trong cuộc khổ nạn, phải chịu đau đớn từ thể xác đến tinh thần, phải chết nhục nhã ê chề trên thập giá… Và nếu như chỉ dừng lại ở đó thì thực sự là tuyệt vọng, là đi vào ngõ cụt. Nhưng chính trong đau thương ấy, Ngài đã phục sinh, bước vào cuộc sống mới, mở ra niềm hy vọng cho toàn nhân loại đang đầy dẫy những đau khổ… Nhìn những con người khốn khổ đang ở trước mắt tôi, tôi cố liên tưởng đến tất cả những điều đó, rồi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, xin Ngài nâng đỡ họ…
Đặc biệt có em nhỏ bị bệnh bẩm sinh, chỉ mới một vài ngày tuổi đã bị gia đình bỏ rơi, được thầy Châu mang về nuôi dưỡng tới nay đã 15 tháng. Bé chỉ biết ăn uống ngủ nghỉ và sống đời thực vật…
Những em khác thì lớn hơn một chút, đa số bị bệnh hiểm nghèo, tàn tật, bị gia đình từ bỏ. Nhìn thấy các em mà tôi không khỏi chạnh lòng. Các em mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung số phận bị bỏ rơi, và cùng được đón nhận ở nơi đây với tất cả tình thương và sự cảm thông…
Có người tới thăm, các em thể hiện niềm vui với nụ cười hồn nhiên vì được quan tâm. Tôi thầm ước mong các em được nhiều người gần xa biết tới, đến thăm nom, chia sẻ nâng đỡ bằng cách này cách khác, phần nào an ủi cho số phận của các em.
Tôi chẳng biết nói gì trước các em nhỏ này. Các em mới lớn lên đã phải chịu đựng những căn bệnh, những khiếm khuyết về tinh thần, thể xác. Tôi nắm lấy tay em nhỏ này thể hiện sự cảm thông; em cũng cảm nhận được sự quan tâm an ủi, nắm chặt tay tôi như muốn níu kéo, không muốn rời xa.
Thấy các em bị cột chân tay, tôi nhìn mà xót xa và không khỏi thắc mắc: Tại sao lại phải cột chân tay như vậy? Tôi được người phụ trách cho biết: tâm trí các em không bình thường, không làm chủ được những hành động của mình, luôn phá phách, giãy giụa, nên buộc lòng phải làm vậy, nếu không các em sẽ có những hành động gây nguy hại cho bản thân mình...
Dãy phòng gần cạnh đó là nơi dành cho các cụ cao niên - vì hoàn cảnh gia đình, đã chọn nơi này làm mái ấm cho tuổi già. Các cụ tâm sự: được ở nơi đây là niềm an ủi rất lớn. Được đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, họ an tâm sống quãng đời còn lại. Mỗi cụ một hoàn cảnh, đến từ những địa phương khác nhau trên mọi miền đất nước. Có người đến thăm hỏi nói chuyện và được quan tâm, các cụ cảm thấy vui vì thấy mình chưa bị lãng quên.
Còn hai khu khác dành cho những bệnh nhân tâm thần - một cho nam và một cho nữ. Có những phòng riêng cho những bệnh nhân tâm thần nặng. Có các tu sĩ thay phiên nhau tới phục vụ…
Tôi rất cảm phục tấm lòng và tinh thần của người sáng lập mái ấm này là Thầy Châu và những người ngày đêm âm thầm phục vụ. Nhờ những tấm lòng ấy, biết bao nhiêu con người đau khổ được nâng đỡ, có chỗ dung thân trong cuộc đời mau qua này.
Tôi thiết nghĩ, bình thường chăm sóc cho gia đình nhỏ thôi cũng không đơn giản, lo những những nhu cầu sinh hoạt hằng ngày thôi cũng nhức đầu. Vậy mà mái ấm này có tới 180 người với những nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, chăm sóc, thuốc men… Riêng tiền tã lót cho những người liệt mỗi tháng từ 50 đến 55 triệu đồng. Ngoài ra còn lo hậu sự khi họ qua đời. Thầy Châu cho biết, trung bình mỗi tháng chi phí tất cả khoảng từ 220 đến 250 triệu đồng.
Ước mong có sự cảm thông, quan tâm chia sẻ giúp đỡ của những tấm lòng mở rộng yêu thương, để những mảnh đời đau khổ nơi mái ấm này được an tâm sống quãng đời còn lại.
Tạ ơn Chúa đã gửi đến trong cuộc đời này những người như thầy Châu và những người cùng cộng tác - những người mang tình thương của Chúa đến cho người nghèo khổ, khơi cho họ niềm tin yêu vào cuộc sống này và niềm hy vọng vào một cuộc sống trọn hảo nơi nhà Cha trên trời.
bài liên quan mới nhất
- Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện
-
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I -
Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên thăm và sẻ chia cùng người dân vùng lũ
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô