Lễ Chúa Thăng Thiên A
Các bài suy niệm LỄ CHÚA LÊN TRỜI (Năm A)
NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Lời Chúa: Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20
MỤC LỤC
1. Ngày Chúa trở lại
2. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Thầy ở cùng anh em mọi ngày
4. Ta ở với các ngươi mãi mãi
5. Nơi chân trời và mặt đất giao nhau
6. Lời Chúa – R. Veritas
7. Cùng loan Tin Mừng với Chúa Giêsu – Lm Trần Ngà
8. Niềm hy vọng Nước Trời
9. Bí tích rửa tội bằng chứng tình yêu
10. Bài chia sẻ của Chân Phước Gioan Phaolô II
SUY NIỆM
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ trở lại Giêrusalem, chính tại đây bổn phận và nhiệm vụ đang chờ đón các ông.
Với chúng ta cũng thế, thời gian hiện tại không phải là thời gian mơ mộng, thương tiếc vẩn vơ, nhưng là thời gian hành động. Vậy chúng ta phải làm gì trong lúc trông chờ ngày Chúa lại đến. Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong Phúc Âm bằng những hình ảnh cụ thể.
Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh những nén bạc. Một người giàu có trước khi trẩy đi phương xa, đã gọi các đầy tớ đến và trao phó tiền bạc của mình cho họ tuỳ theo như khả năng của họ. Sau khi chủ lên đường, người thì dùng tiền ấy đầu tư cho công chuyện làm ăn và đã sinh lời. Kẻ thì chôn giấu số tiền của mình dưới đất. Và khi chủ về đòi tính sổ, ông đã nói với những đầy tớ sinh lời rằng: Hỡi tôi tớ trung thành và khôn ngoan, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi. Còn tên đầy tớ biếng nhác, chôn vùi tiền bạc, thì đã bị trừng phạt một cách đích đáng.
Qua hình ảnh này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chúng ta không được phép chờ đợi ngày Ngài trở lại một cách thụ động và biếng nhác. Chúng ta cũng không được phép chọn lựa giữa hành động và chối từ. Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta một sứ mệnh mà chúng ta có bổn phận phải thực hiện. Ngài cần đến chúng ta. Đó là một nhu cầu, một đòi hỏi cần thiết. Nếu chúng ta không làm gì cả là chúng ta đã xỉ nhục Ngài và trong ngày sau hết Ngài sẽ không đón nhận chúng ta như là những người con của Ngài.
Hình ảnh thứ hai là hình ảnh 10 cô trinh nữ được mời đi phù dâu trong số đó 5 cô khôn ngoan đem đèn và dầu. Còn 5 cô khờ dại, đem đèn mà không có dầu. Và khi chàng rể đến, những cô đã sẵn sàng thì bước vào phòng tiệc với chàng, còn những cô khờ dại thì chạy đi mua dầu và bị chàng rể từ chối. Để kết luận Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta: Hãy tỉnh thức. Điều quan trọng không phải là biết được ngày giờ Ngài trở lại, nhưng là sẵn sàng với đèn cháy sáng trong tay.
Điều này đòi buộc chúng ta phải cố gắng thực thi thánh ý Chúa, tuân giữ những điều Ngài truyền dạy. Để trở nên bạn hữu của Chúa, chúng ta phải cố gắng, chúng ta phải hành động. Thế nhưng chúng ta phải cố gắng những gì và phải hành động ra làm sao?
Yêu mến Thiên Chúa là chu toàn thánh ý Ngài trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ. Nghĩa là sẵn sàng xin vâng ở mọi nơi và trong mọi lúc. Xin vâng là dùng mọi khả năng của mình để chu toàn điều Chúa muốn, như những người đầy tớ đã sinh lời cho chủ. Xin vâng là sống gắn bó mật thiết với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện. Vì cầu nguyện không phải chỉ kết hiệp chúng ta lại với Thiên Chúa mà còn giúp chúng ta khám phá ra được những điều Chúa muốn nơi chúng ta. Xin vâng là sẵn sàng thực hiện những hành động bác ái giúp đỡ anh em.
Bởi vì trong ngày thẩm phán, chúng ta sẽ bị xét xử về những hành động yêu thương chúng ta đã làm hay không làm để giúp đỡ những người nghèo túng, ốm đau và bất hạnh. Thi hành được như thế là chúng ta đã góp phần xây dựng Nước Chúa, và tương lai của chúng ta sẽ được bảo đảm trong ngày Chúa trở lại.
2. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
SỰ SỐNG MỚI- HIỆN DIỆN MỚI
Có lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: sao trong bài Phúc Âm lễ Thăng Thiên hôm nay, chẳng thấy nói gì đến trời, đến bay lên? Thắc mắc như vậy là hợp lý. Ta vẫn quen gọi hôm nay là lễ Chúa Giêsu lên trời. Và theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng. Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết. Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian. Và tầng trên mặt đất là trời. Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty. Sống lại, Người trở lại mặt đất. Và hôm nay Người được đưa lên trời, bay lên đám mây, ngự bên hữu Chúa Cha.
Đó chỉ là một lối diễn tả bình dân. Thực ra, trời đâu phải là một nơi chốn. Con người có thân xác, bị giới hạn trong không gian, cần một nơi chốn để cư ngụ. Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian thì đâu còn bên tả bên hữu gì nữa.
Vậy, tại sao ta nói Chúa Giêsu lên trời? Lên trời ở đây có ý nghĩa gì?
Trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương. Sự sống của Thiên chúa không giống sự sống của cây cỏ. Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người. Đó là sự sống thần linh. Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất. Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát. Đó là sự sống viên mãn tràn đầy. Được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đường. Lên trời hay lên thiên đàng như vậy không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống. Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa. Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa. Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý. Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn.
Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù. Nhưng Người không đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn. Không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi. Không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Người ở đó trong những trang Sách Thánh đầy lời lẽ nhiệm mầu để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Người ở đó trong bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ. Người ở đó trong những người anh em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Người ở đó trong những anh em bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái. Người ở đó trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình, cho chân lý, cho một thế giới tươi đẹp hơn. Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu: Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bây giờ chúng ta đã hiểu lên trời không phải là bay bổng lên không gian. Nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, hay là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.
Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại. Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta. Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: con đường khiêm nhường phục vụ. Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình.
Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn có cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày?
2) Bạn làm cách nào để mọi người cảm thấy Chúa Giêsu đang hiện diện mãnh liệt trong thế giới?
3) Bạn làm gì để xây dựng Nước Trời?
3. Thầy ở cùng anh em mọi ngày (Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Nếu trời là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời. Trời ở quanh ta, trời ở trong ta... Trời vượt xa đất muôn trùng, nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự thì đất cũng mang dáng dấp của trời.
Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ thích ở trên trời. Ngài thích con người, Ngài thương trái đất, nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.
Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất. Đất chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.
Đất đã bắt đầu thành trời từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó. Đất vẫn luôn thuộc về trời vì Đức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.
Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.
Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.
Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp, là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.
Trời cao đã gần bên, chỉ người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau.
Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.
Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.
Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được. Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.
Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu bằng một cuộc sống ủ rủ, buồn phiền.
Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ. Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.
Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi: "Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy" (Ga 14,24).
Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường... mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Có phi hành gia, sau khi du hành trong vũ trụ, đã quả quyết không hề có thiên đàng. Bạn nghĩ gì về nhận xét đó?
2. Theo bạn, có thể dùng lý luận để chứng minh cho người khác về sự hiện hữu của thiên đàng không? Có thể dùng cuộc sống để cho thấy thiên đàng không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
4. Ta ở với các ngươi mãi mãi (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúng ta không có một chỉ dẫn nào về vị trí ngọn núi xứ Galilêa, nơi Chúa Giêsu hẹn các môn đệ. Bài tường thuật của thánh Matthêu được viết theo dàn bài thông thường của các cuộc hiện ra. Chúa Giêsu tỏ mình, Ngài đánh tan sự nghi ngờ, Ngài ban một sứ mạng cho các môn đệ. Bài Phúc Âm hôm nay bao phủ một sự phong phú ý nghĩa đặc biệt. Chúa Giêsu trao cho các môn đệ mệnh lệnh rao giảng Phúc Âm, uỷ thác cho các ông quyền làm phép rửa tội, Ngài hứa tiếp tục có mặt bên các ông. Chúa Giêsu còn hiện diện với Giáo Hội, thay mặt ở đây bởi mười một tông đồ, đặc biệt trong bí tích rửa tội và trong công cuộc truyền bá Phúc Âm.
1) Chúa Giêsu hiện diện trong phép Rửa tội.
Ta biết rằng người chịu phép rửa tội được tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông với sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Phép rửa tội đặc biệt là bí tích của sự kết hợp vượt qua với Đức Kitô, vì phép ấy cho ta đạt tới sự sống qua khỏi sự chết. Điều ấy chỉ thành sự thật nhờ tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ không biết gì cả về Ba Ngôi Thiên Chúa nếu không có Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta. Đối với các tông đồ đã như thế, đối với chúng ta cũng như vậy. Chúa Giêsu còn hiện diện để dạy dỗ chúng ta bằng cách nào? Người hướng dẫn chúng ta đến phép rửa tội ra sao? Và sự hiện diện của Ngài tỏ ra đặc biệt gần gũi và tác động nơi linh hồn người chịu phép rửa tội như thế nào? Để trả lời những câu hỏi ấy cần viện đến sự kiện Giáo Hội và đến mầu nhiệm bên trong của đời sống Kitô hữu. Chúa Giêsu hiện diện để dạy dỗ người ta bởi Giáo Hội của Ngài. Chính Giáo Hội là điểm gặp gỡ giữa Đức Kitô và loài người và chính ở điểm gặp gỡ ấy nảy sinh đức tin. Do đó ta thấy tầm quan trọng của việc theo sát những vị có sứ mạng uỷ quyền giảng dạy trong Giáo Hội, những vị thừa kế các tông đồ. Mặt khác, qua ân sủng bí tích rửa tội, Đức Kitô tiếp tục nơi chúng ta công cuộc mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngược lại, lòng sẵn sàng tuân theo Chúa Thánh Thần và đón nhận Chúa Cha giúp ta tiến tới trong việc hiểu biết Chúa Con. Đây là một cái gì sống động không thể diễn tả bằng lời nói được. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta cảm nhận được thực tại sống động của bí tích rửa tội.
2) Đức Kitô hiện diện trong công việc truyền bá Phúc Âm.
Trước hết cần nhớ rằng, bổn phận truyền bá Phúc Âm thuộc mọi môn đệ của Đức Kitô, nghĩa là thuộc mọi người chịu phép rửa tội với những phương tiện riêng (bắt đầu bằng kinh nguyện). Chúa hiện diện nơi công việc của các tông đồ Ngài bằng hai cách chính. Trước hết Ngài hiện diện nơi công việc của người chiến sĩ Phúc Âm bằng sự hiện diện nơi chính người chiến sĩ. Như vậy có nghĩa là người chiến sĩ cần phải để tâm gặp gỡ riêng Chúa mình. Người môn đệ chỉ loan báo Đức Kitô cách hữu hiệu trong mức độ chính mình sống thân thiết bên trong và riêng biệt với Chúa. Sau đó hãy nhớ lời dạy quan trọng: nơi nào nhiều người tụ họp lại nhân danh Ta, có Ta ở giữa họ. Chúa hiện diện với các môn đệ khi họ đoàn kết. Thiếu đoàn kết giữa các Kitô hữu là nguyên do chính của việc thiếu hữu hiệu trong công việc truyền bá Phúc Âm. Đừng nói chi đến sự chia rẽ bi đát giữa các Giáo Hội. Hãy nghĩ đến mức độ chúng ta trong cách suy nghĩ, trong lời nói, trong các quyết định, trong cách hành động, chúng ta có lo lắng liên kết và hiệp nhất với các anh em tín hữu gần gũi nhất với chúng ta không? (xứ đạo, khu xóm, xưởng làm, phong trào Công Giáo Tiến Hành…). Nếu có, Đức Kitô hiện diện nơi công việc tông đồ của chúng ta.
5. Nơi chân trời và mặt đất giao nhau (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Có hai nhà đạo sĩ kia, một hôm đọc thấy trong một cuốn sách khảo cổ cho biết: có một nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai nhà đạo sĩ bèn quyết định lên đường đi tìm cho được nơi chân trời và mặt đất giao nhau như trong sách đã cho biết. Hai ông còn thề nguyền sẽ không trở về bao lâu chưa tìm được nơi trời đất giao nhau đó. Bởi vì hai ông được biết ở nơi đó sẽ có một cánh cửa mở ra chân trời. Khi cửa mở ra, người ta sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Sau một cuộc hành trình lâu dài và gian khổ, hai nhà đạo sĩ đã tìm được nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai ông cũng đã mở được cánh cửa trời… Nhưng đến lúc bước vào cửa trời, hai ông hết sức bỡ ngỡ, vì hai ông gặp lại chính căn phòng quen thuộc của mình… Lúc ấy hai ông mới hiểu: con đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, trong đời thường, nơi mình đang sống hằng ngày.
Anh chị em thân mến, đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, nơi “Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã lên trời”. Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài ra đi. Bởi vì ra đi là để lại sự vắng mặt. Đàng này, Chúa không để chúng ta đơn độc, Ngài còn “ở lại với chúng ta mãi cho đến tận thế”.
Chúa lên trời là Chúa “khuất dạng”, không còn hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt chúng ta nữa, để bắt đầu một sự hiện diện ẩn khuất, nghĩa là Chúa vẫn có mặt đó mà chúng ta không thấy được. Ngài vẫn ở giữa chúng ta, trong những nơi mà Ngài đã dạy chúng ta biết để nhận ra Ngài: trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong anh chị em, trong những người nghèo khổ… Ngài không chỉ hiện diện mà còn ở, còn cư ngụ. Một chỗ ở có ý nghĩa sâu sắc hơn một sự hiện diện: Người ta có thể hiện diện trên đường phố, còn ở thì chỉ ở trong nhà mà thôi. Thiên Chúa chỉ muốn có một chỗ ở, một ngôi nhà riêng của Ngài và ngôi nhà đó là chính chúng ta: “Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”, Ngài ở với chúng ta như ở trong ngôi nhà của Ngài.
Khi nói “Chúa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” hay khi cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chúng ta đừng tưởng Chúa ở xa cách chúng ta. Ngài ở trên các tầng mây xanh. Không! Nếu đóng khung Chúa ở trên trời là chúng ta bắt Ngài phải di tản. Chúng ta đánh mất Ngài! Nhưng qua kiểu nói tượng hình của Kinh Thánh, chúng ta hãy hiểu việc Chúa lên trời là một cuộc thăng quan tiến chức, được thêm uy quyền, hiệu năng, và do đó được hiện diện một cách sâu đậm, thắm thiết hơn, chứ không phải một cuộc thăng thiên xét theo không gian, khiến Ngài xa lìa thế giới chúng ta.
Vì vậy, thiên sứ phải lay tỉnh các môn đệ đang mải mê nhìn lên trời: “Hỡi các ông, người Galilê, thôi đừng đứng đó mà nhìn lên trời nữa!”. Nhưng hãy đi mở mang Nước Chúa và sự hiện diện của Ngài bằng cách hoàn thành công trình đang dang dở của Ngài ở trần gian này: “Hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy”. Đó, như thế là Chúa lên trời là để khởi đầu sứ vụ của Giáo Hội: Các môn đệ phải ra đi làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, không phải chỉ ở Giêrusalem và nơi những người Do Thái mà thôi, mà còn ở khắp nơi, cho đến tận cùng trái đất và nơi tất cả dân tộc.
Anh chị em thân mến, từ ngày Chúa lên trời, sứ mạng của chúng ta là phải đi vào trần gian, trở về với thực tế, nhìn kỹ vào cuộc sống của nhân loại, của mọi người anh em trên mặt đất này, để cùng với mọi người ra sức xây dựng Nước Trời đang thành hình ngay trong trần thế này, giữa thế giới hôm nay, tuỳ theo mức độ chính thế giới này có thể hiện được tình thương, có phản ảnh được tình yêu vô biên của Thiên Chúa hay không. Đúng theo tinh thần của Tin Mừng: Nước Trời không phải chỉ là chuyện đời sau, mà còn phải là thực tế hiện tại: như hạt cải trong thửa vườn, như men trong bột, như muối cho đời: “Nước Trời ở giữa anh em”.
Như thế, thưa anh chị em, Thiên Chúa không đóng đô ở riêng một chỗ nào trong không gian, trên các tầng trời. Ngài ở bất cứ nơi nào có tình yêu thương. Nếu cứ luyến tiếc nhìn lui lại quá khứ, hãy mải mê ngước mắt lên trời, chúng ta sẽ quên rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Thiên Chúa đang hiện diện bất cứ nơi nào có tình yêu thương nhau, đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau. Và chỗ nào có một cộng đoàn, một xã hội như vậy, lớn hay nhỏ, đang thành hình thì từ chỗ đó, Nước Trời đang bắt đầu hiện diện.
Trái lại, chỗ nào người ta còn giành giựt nhau, còn áp bức, khai thác, bóc lột nhau, còn coi nhau như thù nghịch, thì khỏi cần tìm địa ngục ở đâu xa hơn nữa: địa ngục đang bắt đầu từ chỗ đó. Thiên đàng hay địa ngục, chúng ta đang bắt đầu xây dựng hay đào sâu ngay từ trong cuộc sống chúng ta hôm nay.
Vậy, ngày Chúa lên trời, thay vì chỉ mải mê nhìn lên trời, thụ động trông chờ ngày Chúa trở lại, chúng ta hãy nhìn xuống mặt đất, hãy cùng nhau góp sức xây dựng con đường lên trời ngay từ mặt đất này; vì chính từ mặt đất này mà “Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã về trời”.
Công đồng Vaticanô II đã nói: “Vẫn biết rằng quê hương vĩnh cửu của chúng ta không phải ở trần gian này và chúng ta chỉ đi qua để về quê hương trên trời, nhưng thực là sai lầm, nếu vì đó mà nghĩ rằng mình có thể xao lãng nghĩa vụ của mình ở trần gian” (Mv 43,1b). Vì thế, trông đợi “Trời Mới Đất Mới” không những không làm giảm bớt mà còn tăng thêm nơi chúng ta ý chí xây dựng trời đất hiện tại này. Bởi vì xây dựng trời đất hiện tại là xây dựng “Trời Mới Đất Mới” (MV 39,2a), là xây dựng quê hương vĩnh cửu của chúng ta vậy.
6. Lời Chúa – R. Veritas (Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Nơi mục tựa ngắn của một tập sách do chính mình viết có tựa đề: "Biết Và Không Biết Về Thiên Chúa". Tác giả Đức Hồng Y Sacrunez, một triết gia và cũng là một thần học gia nổi tiếng của thập niên 60 đã trình bày niềm xác tín của mình như sau:
"Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa, mọi kinh nghiệm tốt xấu, tích cực hay tiêu cực đều đưa con người đến việc đặt vấn đề về Thiên Chúa. Con người không thể loại bỏ hay quên hẳn Thiên Chúa được, con người vẫn nói về Thiên Chúa, nhưng khi nói rồi con người cảm thấy lời nói của mình về Ngài như không có ý nghĩa gì cả, lời nói đó trở thành như một sự im lặng to lớn."
Từ nhận định trên đây Đức Hồng Y rút ra hai điểm kết luận ngắn rất quan trọng:
Thứ nhất, con người cần trân trọng quí mến những lời nói, tuy là của con người nhưng đã được Thiên Chúa sử dụng để mạc khải chính Mình cho con người.
Thứ hai, để lời nói của mình về Thiên Chúa có được chút giá trị nào đó, diễn tả thực thể Thiên Chúa thì con người cần có cảm nghiệm về Thiên Chúa.
Chúng ta ghi nhận là các Tông Đồ ngày xưa đã thực hiện hai điều căn bản này. Họ trân trọng, quí mến lời Chúa giảng dạy. Họ trung thành thông truyền, không xuyên tạc và các ngài là những kẻ có kinh nghiệm trực tiếp về Chúa trước khi ra đi rao giảng cho kẻ khác.
Chúa đã gọi các Tông Đồ để các ngài sống bên cạnh Chúa trong suốt thời gian Chúa giảng dạy, đến độ tác giả của thư thứ nhất Thánh Gioan và truyền thống cho là thánh Gioan Tông Đồ, một trong mười hai Tông Đồ đã sống bên cạnh Chúa trong suốt cuộc đời rao giảng, tác giả thư thứ nhất thánh Gioan đã viết ngay đầu thư như sau: "Những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe, đã chạm đến về Ngôi Lời Hằng Sống, về Con Thiên Chúa, chúng tôi loan truyền lại cho anh chị em."
Mừng Lễ Chúa Lên Trời hôm nay, chúng ta được mời gọi như các Tông Đồ ngày xưa, tiếp tục công việc của Chúa. Trước khi lên trời, Chúa đã ra lệnh cho các Tông Đồ: "Mọi quyền hành trên Trời, dưới đất, được trao ban cho Thầy, chúng con hãy ra đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Giảng dạy và tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế."
Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa. Chúng ta, những đồ đệ của Chúa không thể nào không chia sẻ về Chúa cho anh chị em, không những bằng lời nói mà còn bằng những việc làm. Nhưng để làm chứng nhân cho Chúa thì hai điều kiện căn bản mà Đức Hồng Y đã nhắc cho chúng ta là trân trọng, quí mến những lời nói của Chúa, đây là những lời mà Con Thiên Chúa Nhập Thể đã nói cho con người biết về mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cần trân trọng, quí mến Lời đó. Những Lời đó và cũng là những Lời mà Con Thiên Chúa đã chọn để mạc khải Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cần trân trọng những Lời đó.
Điểm thứ hai, chúng ta cần sống trực tiếp có cảm nghiệm về Chúa, sống với Chúa trước để có thể làm chứng cho Chúa: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế." Trân trọng tuân giữ lời rao giảng và duy trì kinh nghiệm khi gặp Chúa, sống với Chúa qua đời sống cầu nguyện, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thánh Thể là phương thế để Chúa hiện diện, để Chúa thực hiện điều Ngài đã quả quyết: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế."
Chúng ta không nên có thái độ vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, kể Chúa như kẻ ra đi đã khuất mắt không còn hiện diện trên trần gian này nữa, để chúng ta được tự do gây xáo trộn, tự do phá bỏ mọi giá trị. Chúa Lên Trời là một biến cố khai mạc giai đoạn mới, giai đoạn của một sự hiện diện mới và của sự dấn thân mới của mỗi người chúng ta để làm chứng cho Chúa. Chúng ta cần sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và trân trọng tuân giữ Lời Chúa để trở thành những chứng nhân của Chúa.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được thực hiện điều này và cho chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.
7. Cùng loan Tin Mừng với Chúa Giêsu – Lm Trần Ngà (Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
Tin Mừng hôm nay cho biết ngay khi Chúa Giê-su từ biệt các môn đệ để lên trời thì đồng thời Ngài lại hứa ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế. Vừa lên trời xa khuất các ông lại vừa ở lại mãi với các ông, hai việc nầy xem ra mâu thuẫn. Nhưng thực ra, chẳng có mâu thuẫn gì, vì Chúa Giê-su lên trời là lúc Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh, đồng thời là lúc Ngài chấm dứt sự hiện diện hữu hình trong một thân xác cụ thể để chuyển sang một hình thức hiện diện vô hình không bị giới hạn bởi thân xác, bởi không gian và thời gian. Nhờ đó, Ngài có thể hiện diện trong tâm hồn các môn đệ khắp nơi trên thế giới cho đến ngày tận thế: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Nếu tôi chỉ có một quả cam và tôi muốn phát cho một ngàn người hiện diện trong nhà thờ nầy, mỗi người một quả, thì điều đó không thể thực hiện được.
Nhưng nếu tôi có một điều khôn ngoan, chẳng hạn điều tôi học được từ Chúa Giê-su: "được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì" rồi tôi đem phát điều khôn ngoan đó cho cả ngàn người ngồi nơi đây, hay cho cả tỉ người trên thế giới... thì mỗi người đều có thể nhận được nguyên vẹn một điều khôn ngoan y như nhau.
Thế đó, một quả cam thì không thể ban phát cho nhiều người, mỗi người một quả được, nhưng một điều khôn ngoan, một món quà thiêng liêng thì có thể phân phát cho nhiều người và ai cũng được lãnh nhận trọn vẹn món quà đó như nhau.
Khi Chúa Giê-su lên trời, Ngài không còn hiện diện trong thân xác hữu hình nữa. Ngài không mang thân xác vật chất nên không còn bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian, do đó Ngài có thể hiện diện trong tâm hồn mọi tín hữu và ai ai trong chúng ta cũng có Ngài hiện diện trọn vẹn trong bản thân mình. (* Tất nhiên minh hoạ nào cũng khập khiễng, không thể diễn tả mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự khôn ngoan thì không ngôi vị còn Chúa Giê-su thì có Ngôi Vị)
Chúa Giê-su ở với chúng ta để làm gì?
Là để cho chúng ta được tham gia vào công cuộc cứu thế của Ngài, được tiếp tục sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa Cha đã trao cho Ngài như lời Ngài mời gọi: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em".
Thế là từ đây, chúng ta được vinh dự cùng loan Tin Mừng với Chúa Giê-su, cùng được tham gia sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su, mặc dù chúng ta yếu hèn và bất xứng.
Nhưng phận người phàm hèn như chúng ta làm sao có thể đảm đương một trách nhiệm cao cả và lớn lao như thế?
Lúc mới lên bốn, tôi bắt đầu cắp sách đến trường làng để học đọc, học viết. Cô giáo đầu đời của tôi là một nữ tu. Dì phát cho tôi cuốn tập trắng, một cây bút chì và dạy tôi tập viết. Vì tôi viết ngoằn ngoèo không ra chữ nên Dì mới nắm lấy bàn tay nhỏ bé của tôi, để bàn tay bé xíu của tôi nằm gọn trong bàn tay của Dì, và cứ thế, Dì kèm cho tôi viết những nét chữ đầu đời. Nhờ thế tôi mới viết ra chữ ra câu.
Hôm nay Chúa Giê-su đang ở trong mỗi một người chúng ta như lời Ngài đã phán: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". Ngài đang kêu mời chúng ta hợp tác với Ngài trong việc loan báo Tin Mừng. "anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em".
Nhiều người chưa hề nhận biết Tin Mừng của Chúa Giê-su. Tâm hồn họ còn là một trang giấy trắng. Chúa Giê-su muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé yếu đuối của chúng ta để viết lên trong lòng họ những trang Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, về tình huynh đệ không biên giới... Chúa Giê-su muốn dùng cuộc đời chúng ta để đem lại ơn cứu độ cho nhiều người.
Chúng ta chỉ là những con người hèn mọn yếu đuối, chẳng làm nên tích sự gì. Vậy hãy để bàn tay nhỏ bé của mình nằm gọn trong lòng bàn tay Chúa. Hãy trao cuộc đời chúng ta cho Chúa sử dụng để Ngài viết nên Tin Mừng trong tâm hồn tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su, dù chúng con bất xứng nhưng Chúa vẫn cư ngụ trong chúng con và cùng chúng con loan báo Tin Mừng. Xin cho từng người trong chúng con quảng đại hiến thân cho Chúa, cộng tác với Chúa trong sứ mạng vô cùng cao cả và tốt đẹp nầy.
Có người kia nhặt được trứng đại bàng, đem về cho ấp chung với trứng gà. Đại bàng con nở ra cùng với đàn gà con. Ngày ngày đại bàng con theo gà mẹ bới đất tìm sâu như một chú gà con thực thụ. Một hôm đang bới giun, đại bàng con kinh hãi khi thấy một con chim khổng lồ bay lượn trên không. Đôi cánh hùng vĩ giang rộng như cánh buồm. Đường bay lượn uy dũng mà đẹp đẽ. Nó hỏi các anh chị em gà: “Con chim gì mà ghê gớm thế nhỉ”? Gà mẹ trả lời: “Chim đại bàng đấy. Đại bàng thuộc về trời, còn chúng ta thuộc về đất. Đại bàng bay lượn trên mây, còn chúng ta chỉ biết bới đất tìm giun thôi”. Đại bàng con không hề biết nó thuộc dòng giống đại bàng. Suốt đời nó sống như loài gà, và sẽ chết như gà.
Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Đức Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.
Việc Đức Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.
Đức Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.
Đức Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.
Đức Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.
Tuy nhiên Đức Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.
Hôm nay, trước khi về trời, Đức Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu loan Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.
Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó làm cho cuộc sống của có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo qui luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mạng Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen.
Gợi ý chia sẻ
1) Ham hố tiền bạc, danh vọng, chức quyền, khoái lạc làm đời sống ta nặng nề, không vươn lên cõi tâm linh được. Bạn thấy mình bị nặng nề về ham mê nào?
2) Đời sống là một nỗ lực bay lên cao. Có khi nào bạn cảm thấy mình thoát khỏi những ràng buộc tầm thường để nhẹ nhàng bay lên không?
3) Đời sống là một bổn phận phải chu toàn. Bạn nghĩ gì về điều này?
9. Bí tích rửa tội bằng chứng tình yêu
Thánh Lu-y IX của nước Pháp, sinh năm 1215 và lên ngôi vua ở tuổi 11, dưới quyền nhiếp chánh của thân mẫu. Trong 40 năm, Ngài là một vị cầm quyền đầy nghị lực và rất thận trọng. Ngài sống cầu nguyện, hy sinh và hãm mình đến nỗi Voltaire, một nhà tư tưởng tự do lỗi lạc cũng đã nhận định: “Ngài kết hợp các đức tính của một vị vua với các đức tính của một vị anh hùng và của một con người”.
Ông vua giống Chúa Kitô này thường ký tên “Louis de Poissy”, nghĩa là Lu-y của Poissy. Poissy là thành phố mà Ngài đã lãnh bí tích Rửa tội. Một ngày kia, Ngài đã lưu ý quan cận thần: “Ở Poissy, Ta đã lãnh nhận vinh dự cao cả nhất trong đời sống”. Quan cận thần thưa cùng Đức Vua: “Tâu bệ hạ, Ngài đã lầm lẫn, chắc là Ngài ám chỉ thành Rheims”. Nhà vua nhấn mạnh: “Ta không lầm. Đúng là ở Rheims ta đã được phong vương trên trần thế, nhưng ta được làm Kitô hữu ở Poissy, và ở đó, ta có quyền lên ngôi trên trời”.
Mọi người chúng ta đều có thể nói như thế. Vì tất cả chúng ta đã được rửa tội. Chúa nhật trước chúng ta đã thấy rằng: Mười giới răn là bằng chứng tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Hôm nay chúng ta muốn suy nghĩ một bằng chứng khác nữa về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta – Bí tích Rửa tội. Vào ngày Thăng Thiên, Chúa Kitô đã ngự bên Chúa Cha trên trời. Chúng ta cố gắng sống bí tích Rửa tội, thì cũng sẽ được theo Ngài lên trời, vì bí tích Rửa tội ban cho chúng ta quyền lên trời. Bí tích này còn ban cho chúng ta nhiều phúc lành khác nữa.
Trong bí tích Rửa tội, Thiên Chúa tha thứ mọi xúc phạm đến Ngài và tha cả hình phạt vì tội. Thật là yêu thương biết bao.
Bí tích rửa tội cho chúng ta được chia sẻ đời sống Thiên Chúa. Cha mẹ cho chúng ta đời sống tự nhiên. Thiên Chúa cho chúng ta sự sống siêu nhiên, chính đời sống của Ngài. Chúng ta gọi đó là ơn thánh hóa. Còn bằng chứng nào cao cả hơn nữa về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta?
Bí tích Rửa tội còn ban cho chúng ta một số khả năng tinh thần – khả năng tin tưởng, khả năng trông cậy và khả năng yêu mến. Chúng ta gọi đó là nhân đức tin cậy mến.
Bí tích Rửa tội làm cho mỗi người chúng ta nên một tông đồ – là Linh mục, tôi nói cho người khác về Chúa Kitô. Công việc ấy đã không bắt đầu từ ngày tôi chịu chức. Tôi trở nên tông đồ ngày tôi lãnh bí tích Rửa tội. Tất cả các Kitô hữu được rửa tội đều là tông đồ.
Hôm nay chúng ta vui sướng vì Chúa Kitô theo phương diện thể xác – trở về nhà cha trên trời. Chúng ta là những người đã được rửa tội, cũng có thể trong vui mừng và hy vọng, mong đợi ngày lên trời, giây phút hạnh phúc khi chúng ta sẽ được ở trong nhà Thiên Chúa.
Vua thánh Lu-y đã nhận thức rõ điều này. Đó là lý do Ngài nhấn mạnh rằng: nơi Ngài, lãnh nhận bí tích rửa tội còn quan trọng hơn được phong vương. Đó là lý do chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Bạn hãy chú ý cầu nguyện với những lời kết thúc Kinh tin Kính: “Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội... và sự sống đời sau”.
Xin Chúa chúc lành cho các bạn.
10. Bài chia sẻ của Chân Phước Gioan Phaolô II (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
LỄ CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN
Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:
"Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất".
Từ hai ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Ðây là một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm.
Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn trời?"
Việc cầu nguyện chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi việc dấn thân vào trong lịch sử. "Trời", nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Ðó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang. Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi. Ðòi hỏi chúng ta phải làm chứng bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước. Và chính để làm sống lại ý thức này mà tôi đã muốn triệu tập hội nghị Hồng Y đặc biệt được bế mạc hôm nay (thứ Năm 24/05/2001). Các vị Hồng Y, từ các nơi trên thế giới mà tôi xin kính chào với lòng mộ mến huynh đệ. Các ngài trong những ngày qua đã hội họp với tôi để bàn về một vài đề tài trong số những đề tài nổi bật nhất của công việc rao giảng Phúc Âm và làm chứng Kitô trong thế giới hôm nay, vào khởi đầu Ngàn Năm Mới. Ðây, đối với chúng tôi, là giây phút sống hiệp thông, trong đó chúng tôi cảm nghiệm được một phần nào của niềm vui đã tràn ngập tâm hồn các tông đồ ngày xưa, sau khi Chúa Phục Sinh chúc lành cho các ngài và tách rời ra khỏi các ngài để lên trời. Thật vậy, thánh Luca đã ghi lại rằng: "Sau khi bái lạy tôn thờ Chúa, các tông đồ trở lại Giêrusalem với niềm vui lớn lao và các ngài luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa."
Và tiếp sau trong bài giảng, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển thêm bản chất cũng như sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội, và cuộc hội Hồng Y cũng được Ðức cố Giáo Hoàng đặt trong viễn tượng này: "Thực hiện sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội, để Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm Chúa một cách đáng tin hơn cho mọi anh chị em."
Trong thánh lễ Chúa Thăng Thiên và trong giây phút này, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta biết ý nghĩa của biến cố quan trọng này: Không phải Chúa lên trời để bỏ chúng ta, mà Ngài bước sang một sự hiện diện mới với chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Ngài luôn ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng. Và Ngài muốn mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần của Ngài để làm chứng cho Ngài trong môi trường chúng ta sinh sống.
Từ Chúa Nhật này cho tới Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy dành thời giờ để nhìn lại cuộc sống của mình, mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa đến mức độ nào rồi. "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng và các con sẽ làm chứng cho Thầy khắp nơi trên mặt đất này".
Xin Chúa gìn giữ chúng ta vững mạnh trong đức tin để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024