Lễ Chúa Chịu Phép Rửa: Bí tích Rửa Tội & ý nghĩa cuộc sống

Lễ Chúa Chịu Phép Rửa: Bí tích Rửa Tội & ý nghĩa cuộc sống

Lễ Chúa Chịu Phép Rửa: Bí tích Rửa Tội & ý nghĩa cuộc sống

WGPSG / WordonFire -- Món quà của Bí tích Rửa tội và sự tìm kiếm ý nghĩa cho đời sống của chúng ta.

Khi Giáo hội cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, tâm trí tôi nhớ lại một chuyến hành hương tới Đất Thánh mà tôi đã thực hiện vài năm trước đây. Một trong những điều ấn tượng của chuyến hành hương đó là cuộc viếng thăm bờ sông Giođan, nơi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả. Trong cuộc viếng thăm tại sông Giođan, chúng tôi đã lập lại những lời tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

Trải nghiệm rất thiêng liêng và đáng nhớ đó đã đưa tôi về với một số chân lý quan trọng liên quan đến căn tính: Tôi là một Kitô hữu đã được rửa tội. Ở đây tôi muốn nêu ra chỉ một trong những chân lý ấy, đó là tin mừng cho tất cả những ai đã được dìm trong dòng nước của Bí tích Rửa Tội: vì nhờ Bí tích Rửa Tội, đời sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa. 

Chúng ta đồng ý với nhau rằng chính việc thiếu ý nghĩa trong cuộc sống tạo nên khủng hoảng về căn tính và cứu cánh của con người. Điều này đã được Victor Frankl lập luận một cách mạnh mẽ trong cuốn sách “Đi Tìm Lẽ Sống”, nơi ông quan sát thấy rằng những người có cơ hội lớn nhất để sống sót trong trại tập trung Auschwitz là những người có thể tìm thấy ý nghĩa trong sự đau khổ của họ. Frankl đã quả quyết rằng: “Người có lý do để sống thì có thể chịu đựng gần như mọi hoàn cảnh.” Sống sót sau trại tập trung, Frankl đã phát triển thành công một liệu pháp gọi là “Trị liệu Logo”, dựa trên việc giúp mọi người tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của họ và như vậy có lý do để sống. 

Không phải ai cũng đồng ý rằng có thứ ý nghĩa như vậy tồn tại. Đối với nhiều người vô thần hiện nay, Thiên Chúa không tồn tại và do đó mọi thứ đều vô nghĩa; tất cả những gì tồn tại là vật chất. Triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) đã từng viết: “Chúng ta ngồi ở đây, tất cả chúng ta, ăn và uống để duy trì sự tồn tại đáng quý của chúng ta nhưng thực sự chẳng có gì, chẳng có gì, hoàn toàn chẳng có lý do gì để tồn tại”(Buồn Nôn).

Tương tự như vậy đối với nhà khoa học người Anh Richard Dawkins, “Vũ trụ không có sự thiết kế, không có mục đích, không có sự dữ và sự lành, không có gì ngoài sự hững hờ tàn nhẫn (Dòng Sông Trôi Khuất Địa Đàng: Một góc nhìn theo học thuyết Darwin về sự sống). 

Khi người ta rời xa niềm tin tôn giáo và thế giới quan kinh thánh, chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất đi cảm thức về ý nghĩa và trôi dạt theo những kết luận đáng sợ của Sartre và Dawkins. 

Và khi điều này xảy ra, cảm thức về mục đích sống, lý do sống và thậm chí sức khỏe tinh thần của chúng ta có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Theo bác sĩ tâm thần Andrew Simms: “Đau khổ sâu sắc trong cuộc sống của nhiều bệnh nhân tâm thần là do cảm giác mọi sự đều vô nghĩa… Thiếu hoặc mất ý nghĩa trong cuộc sống có lẽ là triệu chứng tinh thần thường gặp nhất đối với các bệnh nhân của chúng tôi. Đó có thể là triệu chứng của sự trầm cảm, nhưng trầm cảm cũng có thể là triệu chứng của một khoảng trống trong tâm hồn.” (Đức tin có phải là ảo tưởng? - Tại sao Tôn giáo lại tốt cho sức khỏe của bạn?) 

Khoảng trống tâm hồn này rất rõ nét trong cuộc sống của nhiều người ngày nay, kể cả những người đã được rửa tội. Đối với hầu hết chúng ta, Bí tích Rửa tội chỉ xẩy ra một lần duy nhất khi còn thơ ấu nhưng chúng ta hầu như đã quên mất. Bằng chứng là, chúng ta thường hay nói “tôi đã được rửa tội” thay vì nói “tôi được rửa tội”. Trong suy nghĩ của chúng ta, Bí tích Rửa Tội là điều đã từng xảy ra hơn là điều vẫn còn đang định hình con người của ta ngay trong lúc này. 

Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu chúng ta vào ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa “hãy hỏi về ngày tháng bạn được rửa tội. Bằng cách này bạn có thể ghi khắc trong tâm trí mình ngày trọng đại đó. Biết chính xác thời điểm chúng ta chịu phép Rửa Tội là biết về một ngày hồng phúc. Không biết ngày tháng mình được rửa tội, chúng ta có nguy cơ đánh mất nhận thức về những gì Thiên Chúa đã làm trong chúng ta, mất luôn ký ức về món quà mà chúng ta đã lãnh nhận” (ĐTC Phanxicô, ngày 8 tháng 1 năm 2014). 

Nếu chúng ta là những người đã quên mất món quà đã nhận được trong Bí tích Rửa Tội và cảm thấy đời mình thiếu ý nghĩa, thì đã đến lúc tái khám phá sự tinh tuyền và ý nghĩa của con người mà chúng ta đã trở thành vào ngày chúng ta được rửa tội. 

Vào ngày chúng ta được rửa tội, chúng ta được Chúa Thánh Thần xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế.

Là tư tế, chúng ta đi vào trong mối quan hệ mật thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha và được ban tặng đặc ân tuyệt vời là được gọi Chúa Cha là Cha trong tư cách là con yêu dấu của Người. Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô trong việc thờ phượng chính đáng và ngợi khen Chúa Cha đầy lòng yêu thương. Lời cầu nguyện của tất cả những người được rửa tội là cần thiết để hòa vào dàn đồng ca chúc tụng tuyệt đẹp đang được Giáo hội dưới trần gian và trên trời dâng lên Thiên Chúa. 

Là một linh mục, tôi thường xin những người già yếu và những người nội trợ cầu nguyện cho giáo xứ, cho những bệnh nhân và cho Giáo hội. Điều này nhắc nhở họ rằng nhiệm vụ của họ trong Giáo hội không phải là nhỏ bé nhất nhưng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất: cầu nguyện cho Giáo hội. Từ lúc rửa tội cho đến ngày chúng ta qua đời, chúng ta luôn là tư tế. 

Là ngôn sứ, chúng ta được đi vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Người trên trần gian. Các ngôn sứ suy ngắm và cảm nghiệm với Thiên Chúa và Lời của Người, không ngại đi ngược lại với phong tục, tập quán hoặc ý kiến đám đông khi cần thiết. Bằng mẫu gương đời sống của mình, các ngôn sứ mời gọi người khác sống như Đức Kitô trở thành tình yêu hiến tế. Dù già hay trẻ, ốm hay khỏe, giàu hay nghèo, lòng trí của các ngôn sứ luôn hướng về Thiên Chúa và Nước Trời. Từ lúc rửa tội cho đến ngày chúng ta qua đời, chúng ta luôn là ngôn sứ. 

Khi được rửa tội, chúng ta được xức dầu để làm vương đế. Vào ngày đó, chúng ta đã được tham dự vào một công trình vĩ đại hơn chính chúng ta, đó là kế hoạch của Thiên Chúa để Nước Trời được hiện thực hóa trên trần gian. Vào ngày đó, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa, được dành riêng cho công cuộc của Người và tận hiến cho Người trong tình yêu. 

Trong Nghi thức Rửa Tội, với dấu thánh giá, chúng ta đã “thuộc về Chúa Kitô Cứu Thế.” Điều này có nghĩa là trước tiên Thiên Chúa đòi hỏi chính cuộc đời của chúng ta, hoặc như Đức cha Barron không ngừng nhắc chúng ta rằng chúng ta không sống cho chúng ta mà là cho mục đích của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. 

Vào ngày được rửa tội, chúng ta đã lãnh nhận một ơn gọi từ Thiên Chúa, một lời mời gọi duy nhất để thực hiện trong cuộc đời, một sứ mệnh đặc biệt để hoàn thành. Theo lời Đức Hồng Y Newman: “Thiên Chúa đã tạo ra tôi để phục vụ Người một cách dứt khoát; Thiên Chúa đã cam kết thực hiện với tôi những công việc mà Người đã không cam kết với người khác. Tôi có sứ mệnh của riêng tôi.” Những ai đã được rửa tội đều có thể áp dụng những lời này cho riêng họ. 

Để chúng ta có thể hoàn thành sứ mệnh đó, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều món quà để làm phong phú thêm đời sống của Giáo hội và thế giới. Người ban những món quà đó cho chúng ta ngay cả trong lúc này. Đây là những món quà mà Thiên Chúa không bao giờ lấy lại. Chúng được trao ban mãi mãi nhưng cũng được ban thêm vào những lúc chúng ta cần. 

Chính vì điều đó là rất thật, nên cuộc sống của mỗi Kitô hữu được nổi bật lên nhờ có ý nghĩa và mục đích. Dù tôi là một người cha, một người mẹ, một người chồng, một người vợ, một linh mục, một tu sĩ, một người độc thân, một học sinh hay một đứa trẻ, thì những hồng ân của tôi và cuộc sống của tôi là để phục vụ Nước Thiên Chúa. Điều này đúng ngay cả khi chúng ta đau bệnh và và cảm thấy không thể làm gì hoặc không có nhiều đóng góp. 

Dựa trên phép lạ Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá trong Tin Mừng, chúng ta đừng đánh giá thấp những gì Thiên Chúa có thể làm dù với nguồn lực hạn chế. Điều quan trọng là chúng ta dành cho Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta có với tình yêu và niềm tin rằng Người sẽ khiến cho dư đầy và làm cho vương quốc của Người được triển nở. Từ lúc rửa tội cho đến ngày chúng ta qua đời, chúng ta luôn là vương đế. 

Khi tôi trồi lên từ nước sông Giođan hôm đó, từ nơi mà Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả, tôi cảm thấy được tiếp thêm sinh lực và được đổi mới trong căn tính một Kitô hữu được rửa tội. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của tôi tiếp tục được định hình như là con người mà tôi đã trở thành vào ngày tôi được rửa tội. Không ai trong chúng ta có thể sống một cách vô nghĩa. Mặc dù ý nghĩa trọn vẹn của đời sống chúng ta sẽ chỉ được tỏ lộ trong tương lai, vì chúng vẫn còn “được ẩn giấu với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3), nhưng Bí tích Rửa Tội đã mang lại cho cuộc sống chúng ta “một chân trời mới và một hướng đi rõ rệt.” (ĐTC Bênêđictô, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu) 

Lm. Billy Swan (WordonFire) / Minh Lộc chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Top