Lễ bổn mạng Học viện Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình, 6-11-2010
Trong những câu chuyện kể về cuộc đời của 117 vị thánh anh hùng tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ rằng các ngài đã làm chứng cho Chúa không chỉ bằng mạng sống mà cả bằng lời nói. Mỗi vị đã lên tiếng tuyên xưng niềm tin của mình một cách, nhưng hi hữu nhất có lẽ là chuyện hai linh mục Vinh Sơn Liêm và Jacinto Gia, đã tranh luận suốt ba ngày với đại diện ba tôn giáo lớn ở nước ta khi đó, là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Con người bởi đâu mà có? Sống ở đời để làm gì? Và chết rồi đi về đâu? Ba vấn đề lớn ấy của cuộc sống nhân sinh đã được các ngài đem ra trao đổi bằng những lời lẽ nhã nhặn và sáng sủa, những phân tích sâu sắc về lịch sử với các trích dẫn chính xác mà nội dung được thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm ghi lại trong cuốn “Hội Đồng Tứ Giáo” đã từng được tái bản 14 lần tại Sài Gòn. Vì thế thánh Vinh Sơn Liêm được xem là một sinh viên xuất sắc, một nhà hùng biện, một nhà văn hoá, một linh mục nhân lành và một vị anh hùng trung kiên với Đức Tin của Giáo Hội Việt Nam.
Nhắc đến thánh Vinh Sơn Liêm, chúng ta có thể hình dung ra một cậu bé từ lúc 12 tuổi đã vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy năm 1732. Sau sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được chọn vào số các thầy có học bổng đi du học tại Manila - Phi Luật Tân. Sau ba năm học đạt kết quả xuất sắc, Thầy Liêm đã xin gia nhập dòng Đaminh, được học thêm bốn năm thần học và thụ phong linh mục năm 1758 rồi trở về phục vụ tại quê hương. Cha Liêm đã đem hết tài trí và nhiệt thành đào tạo các chủng sinh, đồng thời cũng là người hăng say loan báo Tin Mừng. Hoạt động thừa sai của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo cho tới khi chịu tử vì đạo năm 1773. Cha Vinh Sơn Liêm được tôn phong lên bậc Hiển thánh năm 1988, và nhiều trường học đã nhận ngài làm bổn mạng, trong đó có trường cao đẳng Juan de Letran ở Phi Luật Tân, nơi ngài từng theo học.
Ngày lễ thánh Vinh Sơn Liêm cũng được chọn là Lễ Bổn mạng của Học viện Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình. Vì thế tháng 11 hàng năm là dịp để tổ chức những ngày hội vui và gặp gỡ giao lưu giữa anh chị em tu sĩ thuộc các cơ sở khác nhau của Liên Học Viện. Trước hết là Hội thi tranh giải Bóng đá và Bóng chuyền của Liên Dòng Nam. Tiếp đến, một tuần trước dịp Lễ là ngày Hội Thao Liên Dòng Nam Nữ với các bộ môn: Bóng Chuyền Nữ, Cầu Lông, Bóng Bàn, Nhảy Dây, Kéo Co và Đua Xe Đạp Chậm. Ngày “vọng” Lễ Bổn Mạng là Hội Thi Cắm Hoa, Tổng Dợt Văn Nghệ và các Nghi thức. Và đúng ngày 06/11/2010 là “chính lễ” ngày được cử hành long trọng nhất tại khuôn viên Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, với khoảng 600 nam nữ tu sĩ sinh viên thuộc các Hội Dòng tham dự. Năm nay chương trình ngày lễ gồm có bài thuyết trình của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn – OP, về đề tài “Tín lý và các giá trị nhân sinh”, tiếp đến là Văn nghệ Liên Dòng, Thánh lễ Tạ ơn và bữa cơm gia đình...
Mở đầu bài nói chuyện, cha giáo Giuse đặt vấn đề cho các sinh viên: “Nếu cha mẹ có hai đứa con nhưng chúng lại giành nhau một món đồ chơi duy nhất, là người cha hoặc mẹ chúng ta sẽ làm thế nào để giải quyết vấn đề?” Có những câu trả lời rất hồn nhiên cho rằng người mẹ sẽ lấy lại chơi một mình, hoặc nếu hai đứa sinh đôi cho đánh nhau đứa nào thắng cho chơi, hay cất đồ chơi đó đi không cho đứa nào hết… Nhưng các cách trả lời đó đâu đúng với tinh thần Kitô giáo! Cùng chơi với chúng nó cũng là một cách khác để có sự công bằng. Nhưng đường lối của Chúa cũng không như thế. Với Chúa không có sự công bằng kiểu cào bằng, tất cả đều như nhau. Chúa là Cha chung nhưng Chúa lại ban ơn cho mỗi người một khác. Đức Mẹ được nhiều ơn quá, nhưng không phải cho mình Mẹ. Chúa đã chọn dân Israel giữa các dân, hoặc chọn các vị tổ phụ, các ngôn sứ vì Chúa muốn khởi đầu lịch sử cứu độ nơi đó, chứ không phải Chúa muốn loại trừ các dân khác. Chúa cũng chọn các vị thánh hoặc những người theo Chúa, với nhiều ơn đặc biệt, nhưng là để cho toàn Giáo Hội...
Từ những câu chuyện vui như thế, cha giáo Giuse phân tích cho thấy tâm lý “ăn đồng chia đều” vẫn tồn tại trong cộng đoàn chúng ta nhưng đó không phải là tinh thần Kitô giáo. Ngài cho thấy rằng theo Thánh Kinh, Mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa là một trong những chiều hướng căn bản của nhiệm cục ơn cứu độ. Thiên Chúa của Kinh Thánh là một vị Thiên Chúa không an vị trên trời, nhưng dính dáng, liên luỵ vào lịch sử loài người. Giáo Hội đã tiếp nối truyền thống ấy bằng cách dấn thân vào lịch sử nhân loại, thể hiện niềm tin theo chiều hướng nhập thể, nghĩa là đón nhận tất cả những sự việc, những biến cố, những diễn tiến trong vận hành lịch sử của nhân gian. Trong lịch sử nhân loại, Kitô giáo đã mạnh dạn dấn bước vào cuộc đối thoại và hội nhập văn hoá. Các nhà trí thức Kitô giáo đã từng bước hình thành lại những nền tảng mới của đời sống nhân bản Kitô giáo ngay trong cuộc sống thường ngày, và khám phá ra rằng chính cái đẹp, chính những giá trị nhân sinh chân thật mới là sức mạnh để “cứu độ” con người. Khi một giá trị nhân sinh càng chân chính, càng hợp với “lòng trời”, với “ý dân”, càng đụng đến nền tảng “hữu thể” của con người thì càng có khả năng thay đổi hữu thể của con người và xã hội.
Những bài hát của Trịnh Công Sơn hoặc các tư tưởng của cha Anthony de Mello rất hay, nhưng mang nặng linh đạo “giác ngộ”, “trầm mặc man mác”, khác với linh đạo “sống với”, “liên đới”, “hiệp thông” của Kitô giáo. Có rất nhiều điều trong tín lý và luân lý Kitô giáo, đáng lẽ bao hàm những giá trị nhân sinh cao đẹp, thì lại bị biến thành những quy định cứng nhắc, những giới luật đòi buộc cách áp đặt, những cấm kỵ vô cớ. Chúng ta theo Chúa không phải để học một số luật lệ rồi mỗi người tự mình thực thi, gồng mình lên sống kiểu “chịu vậy”, hoặc hiểu biết về các chân lý đức tin như một khối kiến thức không liên hệ gì đến đời sống của mình. Các mầu nhiệm tín lý phải mang tính mục vụ, tỏa sáng các giá trị nhân sinh trong đời sống chúng ta: hiệp thông, phục vụ, yêu thương… Khi tìm ra những giá trị nhân sinh của Kitô giáo như thế, nội dung tín lý trong kinh Tin Kính không phải chỉ là một bản “nội quy” buộc phải chấp nhận, một bài học cần phải thuộc lòng. Nhưng nội dung tín lý đó thực sự là một bản hùng ca của sức mạnh cứu độ, một bản hoan ca của tình thương đại đồng, một bản hòa ca đầy hy vọng cho tương lai nhân loại…
Phần văn nghệ thật khởi sắc với những vũ điệu đầy sôi động, từ các điệu sôi nổi trẻ trung tới nhạc khúc dân tộc Tây Nguyên trầm ấm và làn điệu dân ca duyên dáng… Đan xen là những bài hát thật sâu lắng và đầy ý nghĩa cho cuộc đời dâng hiến, mà các MC đã giới thiệu thật hay… Và còn có cả một màn trình diễn thời trang đầy sáng tạo độc đáo, với những mẫu thiết kế “Toàn Lượm” từ những thứ đồ phế thải: giấy gói quà, bao mì gói, hộp đựng cơm, ống hút, bao gạo, bịch nilon… với một thông điệp mời gọi mọi người biết quan tâm đến người nghèo và những thứ “đồ bỏ” quanh ta để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Những tràng cười rộn rã hân hoan không ngừng vang lên từ những người tham dự làm niềm vui lan rộng…
Tiếp đến là thánh lễ đồng tế do Đức cha Phaolô Hoan, nguyên giám mục giáo phận Phan Thiết chủ tế. Cha Quốc văn đại diện ban Giám đốc các Học việc ngỏ lời chào mừng Đức cha, các cha đồng tế, quý quan khách, quý bề trên, quý giáo sư và mọi người tham dự. Trong bài giảng lễ, Đức cha chủ tế nhắc đến ơn gọi và sứ mạng của người tu sĩ, cũng như Chúa đã gọi các tổ phụ, các ngôn sứ, các tông đồ… là để đem tình yêu Chúa đến cho mọi người. Ngài chia sẻ về các giáo điểm giữa lòng dân chúng đã đem lại những kết quả tốt đẹp dù nơi đó các thành viên Tu Hội không nói gì về Chúa mà chỉ thực thi bác ái yêu thương. Đó là bằng chứng rõ nét cho tầm quan trọng của việc sống các giá trị Tin Mừng trong công cuộc truyền giáo…
Sau thánh lễ là bữa tiệc “buffet” rất đơn sơ và ngon miệng. Đây là cơ hội cho anh chị em tu sĩ các Dòng giao lưu trao đổi… Ai ai cũng nhận xét rằng Lễ Bổn mạng Liên Dòng năm nay rất đặc biệt. Không phải chỉ vì được cử hành long trọng trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, nhưng còn vì tinh thần tham gia của các Học Viện, vì bài chia sẻ rất hay của Cha giáo Giuse, vì chương trình văn nghệ rất sống động, vì nơi chốn và bầu khí thật tuyệt vời… Và nhiều người đã nhận xét rằng chương trình văn nghệ năm nay được tổ chức trước thánh lễ nên thánh lễ rất sốt sắng không bị phân tâm… Sau phần “lễ” và “lạc”, mọi người lưu luyến chia tay ra về, trong lòng còn ghi nhớ bài thơ tứ tuyệt nói về vị thánh bổn mạng của mình:
Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời
Vì trung với Chúa mặc đầu rơi
Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ
Đức ái ngàn trùng tát chẳng vơi…
Xin cảm tạ vô vàn hồng ân Thiên Chúa, và cũng xin chân thành cảm tạ Ban tổ chức, Ban điều hành các Học Viện, Đức cha chủ tế, quý khách mời, quý giáo sư, cũng như từng anh chị em tu sĩ sinh viên thuộc tất cả các Hội Dòng đã góp phần làm cho ngày lễ thật tuyệt vời. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho công cuộc đào tạo của các Hội Dòng, cũng như việc học hỏi của anh chị em tu sĩ sinh viên, để tất cả trở thành những tông đồ nhiệt thành cho tương lai của Giáo Hội trên quê hương Việt Nam.
bài liên quan mới nhất
- Nhịp sống Giáo hội Việt Nam số 2
-
Thánh lễ An Táng Đức Cố Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu -
Giáo phận Long Xuyên: Thư phân ưu của Đức Hồng Y Pietro Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu vào lúc 08:30 thứ Sáu ngày 10/01/2025 -
Cáo phó Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu -
Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Chánh tòa của Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi -
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ -
Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia sinh hoạt của Hội thánh -
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô