Ky cóp cuối năm

Ky cóp cuối năm

Tan lễ chiều, trời mát, một vòng “hóng gió” trời!

Vừa đến ngã tư, đèn đỏ vừa chợp sáng! Dừng lại! Bên cạnh là dáng của một “cô em Bắc Kỳ nho nhỏ” vì lẽ cô mặc áo dài tay, mang đôi dép nhựa trắng trên chiếc xe đạp cùng cái nón bộ đội. Nghĩ ngay như vậy vì đây là cách ăn mặc hết sức “đặc sản” của chị em ngoài í!

Chiếc xe đạp, cái áo dài tay, đôi dép nhựa trắng không phải là điều gợi lên suy nghĩ cho người viết. Chuyện suy nghĩ, chuyện để bụng ở đây chính là đàng sau chiếc xe đạp ấy là một bầy chó con. Bên trên của chiếc rọ đựng bầy chó đó là tấm biển “Bán chó con : 300.000 đồng/1 con”. Chắc có lẽ những con chó đựng trong rọ đó là những con chó bình thường chứ chó Nhật, chó Mỹ làm sao có được cái giá hời như thế! Chó Mỹ, chó Nhật nghe đâu vài triệu đến chục triệu chứ làm gì có cái giá khiêm tốn như vậy.

Nhìn người phụ nữ tiều tụy, nhìn bầy chó con nằm trong cái rọ ấy sao mà thương quá!

Trong tâm thức người Việt, con chó là con vật hết sức gần gũi, hết sức dễ thương. Ngày còn bé, thời bao cấp, vẫn còn nhớ là hễ nhà nào có con chó cái sắp “vỡ bụng” là hàng xóm xúm xít lại đăng ký con chó nhỏ còn nằm trong bụng. Thế là sau cái ngày chó cái “vỡ vụng” một thời gian ngắn khi cún con mở mắt thì bà con lối xóm lại đến mang về. Thật dễ thương khi cả nhà đón nhận “thành viên” mới bằng những muỗng nước cháo, bằng những muỗng cơm dằm nho nhỏ. Lối xóm mang cậu cún, cô cún về hoàn toàn không phải trả một khoản nào cả ngoài lời cảm ơn.

Chó con hết sức dễ thương, hết sức gần gũi. Chẳng ai đi bán chó cả. Thế nhưng, ngày nay, vì hoàn cảnh cuộc sống, vì kế sinh nhai, người ta phải tính đến cái nghề đi bán chó con như vầy.

Chạy một lát thì cũng đến nhà thôi. Gần ngõ vào nhà đó là chiếc xe đẩy với vài chục quả chuối nướng. Ghé vào mua vài quả để “góp vui” cho cái bụng. Trong lúc chờ chị cho nước cốt dừa vào bao vội mắt đếm xem xe chuối của chị còn bao nhiêu. Nhẩm tới nhẩm lui cả vốn lẫn lời trên cái xe chuối nướng ấy chắc chưa được 500.

500 với nhiều người thì chẳng là gì cả nhưng 500 với người phụ nữ này đó chính là tài sản quý nhất của chị. Chị và có lẽ gia đình chị sống nương nhờ vào cái xe chuối nướng này. Quả thật như dòng suy nghĩ. Hỏi thăm chị một chút thì chị nói phải nuôi hai đứa nhóc lẫn ông chồng đau nặng.

Lên xe về nhà nhưng hình ảnh của người nữ bán chuối còn đó.

May mà hôm nay trời khô tạnh chứ gặp những hôm ngập đường ngập sá thì chẳng biết phải làm sao với cái xe chuối nướng ấy. Những hôm trời mưa ngập đường như vậy chắc có lẽ vợ chồng con cái đành phải ăn phần còn lại chưa bán được để trừ cơm.

Còn nữa và còn nữa…

Dọc theo những con đường to nhỏ của mảnh đất Sài Thành, không chỉ có người phụ nữ bán chó, bán chuối nướng mà thấp thoáng đâu đó cả những chàng trai. Họ rong ruổi trên mọi nẻo đường có thể để vội bán cho xong xe cam, xe khoai lang nướng, xe bắp luộc…

Những người rong ruổi trên những chiếc xe đẩy đó cố mong ky cóp tìm chút gì để sống. Năm hết, Tết lại đến! Nhiều gia đình sum vầy bên nhau nhưng với những người xa quê, xa gia đình như vậy quả là điều mơ ước. Ai ăn Tết thì mặc ai còn họ thì cứ vẫn rong ruổi giãi nắng dầm sương để tìm miếng cơm manh áo.

Ngẫm đi ngẫm lại mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với những con người ấy!

Tạ ơn Trời, tạ ơn Người đã ban cho mình những hồng phúc lung linh ấy trong cõi tạm nhân sinh này.

Top