Hành hương những chiếc nôi văn hoá & đức tin của Giáo phận Đàng Trong

Hành hương những chiếc nôi văn hoá & đức tin của Giáo phận Đàng Trong

Nhân dịp một linh mục giáo phận Quy Nhơn, cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, được tấn phong giám mục ngày 4-2-2010, nhiều cuộc hành hương đức tin và văn hoá đã được thực hiện trên mảnh đất giáo phận rất đặc biệt này.

Vào ngày 2 và 3-2-2010, đoàn hành hương của ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã viếng Nhà thờ nhọn, Trại phong Quy Hoà, Trung tâm Thánh Thể, Mộ Hàn Mặc Tử, Quê hương Mằng Lăng của Á thánh Anrê Phú Yên, Đầm và cầu Thị Nại (bên cạnh Gò Thị, nơi từng là Toà Giám mục Đàng Trong). (Xem http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100204/3928)

Chiều 4-2-2010, sau lễ tấn phong giám mục tại khuôn viên chủng viện Quy Nhơn, một số đoàn hành hương của các giáo phận VN đã đi viếng Nước Mặn, Vĩnh Thanh, Gò Thị là những thánh địa của Giáo Hội Việt Nam.

Chiếc nôi Latinh hoá tiếng Việt: Nước Mặn

Vào lúc 5g chiều 4-2-2010, có những đoàn hành hương đã đến bên một bờ rạch vùng Nước Mặn, xưa kia đã từng là một dòng sông lớn để con thuyền truyền giáo của cha Buzomi có thể cập bờ ở đây vào năm 1618. Từ con rạch này, các đoàn hành hương đi theo một con đường nhỏ vào trong một ngôi nhà, nơi xưa kia là chỗ làm việc của cha Buzomi, đồng thời cũng là nơi các nhà truyền giáo Borri, Dias, De Pina hội họp với nhau để tìm cách ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, hầu có thể viết kinh bổn và dạy tiếng Việt cho các vị thừa sai đến sau, trong đó có cha Đắc Lộ. Bên cạnh ngôi nhà này có một khu vườn, nơi xưa kia ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo phận Đàng Trong đã được dựng lên.

Từ Nước Mặn, các đoàn hành hương đi xe về Vị Thanh, vào thăm ngôi đền thờ thánh Stephano Cuénot Thể. Mảnh đất của đền thờ này xưa đã từng toạ lạc ngôi nhà của bà Madalena Huỳnh Thị Lựu. Thánh Cuenot Thể thời đó đã ẩn nấp ở đây để tránh cơn bắt đạo, và ngài cũng bị bắt tại đây vào ngày 24-10-1861. Trên đường về Quy Nhơn, các đoàn hành hương đi ngang qua dòng sông Gò Bồi, nơi xác của Thánh Cuenot bị quăng xuống rồi bị nước cuốn trôi mất tích (trước đó, sau khi chết, xác của Ngài bị chôn xuống đất, rồi theo lệnh vua, lại bị quan quân đào lên để quăng xuống sông). Gò Bồi cũng là quê hương của nhà thơ Xuân Diệu.

Toà Giám mục đầu tiên của giáo phận Đàng Trong: Gò Thị

Trước khi đến Nước Mặn, một số đoàn hành hương đã đến thăm Nhà thờ Gò Thị. Gò Thị là quê hương của Thánh Anrê Kim Thông (1790-1855), cũng là nơi Thánh Giám mục Cuenot Thể đặt làm Toà Giám mục Đàng Trong. Sau khi viếng Nhà thờ và nhà xứ Gò Thị, đoàn hành hương của ĐHY Gioan B. sang thăm tu viện và nhà truyền thống của Dòng MTG Gò Thị, rồi đi bộ đến thăm nơi xưa kia đã từng là Toà Giám mục của Đức cha Cuenot. Tại đây ĐGM Cuénot Thể đã tấn phong giám mục cho cha Dominique Lefèbvre vào ngày 1-8-1841, và họp công nghị giáo phận Đàng Trong vào các ngày 5,6 và 10-8-1841. Đoàn hành hương tiếp tục đi bộ qua mấy dẫy nhà, vượt qua một cánh đồng, đến một nghĩa trang, trong đó có mộ của Thánh Anrê Kim Thông. Thánh Anrê Kim Thông có một con trai làm linh mục và một con gái làm nữ tu. Con cháu của ngài đã từng sống rất đông ở đây, nhưng nay đã lưu lạc khắp nơi, chỉ còn lại một hai người.

Đất Gò Thị đã sản sinh cho Giáo Hội Việt Nam bốn giám mục: Đức cha Các, Đức cha Hoa, Đức cha Soạn và Đức cha Khôi. Hiện nay có khoảng 40 linh mục và rất nhiều nữ tu gốc Gò Thị đang hoạt động cho Giáo Hội Việt Nam. Với những hoa trái và một lịch sử tuyệt vời như thế, Gò Thị quả là thánh địa, xứng đáng là nơi hành hương đúng nghĩa của Giáo Hội Việt Nam.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top