GP. Đà Lạt: Ngày Quốc tế Ơn gọi lần 47

GP. Đà Lạt: Ngày Quốc tế Ơn gọi lần 47

Trong ngày Giáo Hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa cầu nguyện cho Ơn gọi tu trì, gần 600 nam nữ tu sĩ, chủng sinh và những Bạn trẻ đang tìm hiểu đời sống tận hiến, đã quy tụ tại Nhà thờ Chánh tòa Đàlạt lúc 8g30, để cùng có những giây phút bên nhau, bên Chúa; cùng nhìn lại con đường mình đã đi, đang đi và sẽ đi theo Đức Kitô. Đức Cha Phêrô hiện diện với mọi người từ lúc khai mạc, cùng chia sẻ, thảo luận và cử hành Thánh lễ đồng tế trọng thể với 29 Linh mục triều và dòng lúc 11g00.

Lời Đức Kitô được Đức cha Phêrô lập lại vào đầu Thánh lễ : “Hãy xin cùng Chủ ruộng để Người ban nhiều thợ gặt đến trong thửa ruộng của Người”. Và ngài nói: “Ơn gọi là một hồng ân nhưng-không của Chúa, gọi ai và gọi làm gì là do Chúa. Chúng ta cầu nguyện để nhiều tâm hồn mở rộng, lắng nghe tiếng Chúa gọi và quảng đại đáp trả”.

Hôm nay cũng là ngày Năm Thánh dành cho các tu sĩ, Đức cha mời gọi: “Trong Thánh lễ này chúng ta được lãnh Ơn Toàn Xá. Mỗi người hãy có quyết tâm từ bỏ, dứt khoát với mọi dính bén tội lỗi, kể cả tội nhẹ. Đó là con đường mà những người sống Chức Thánh và sống đời tận hiến phải thực hiện. Với Ơn Chúa chúng ta có thể làm được điều này”.

Bài giảng lễ của Đức cha Phêrô, như lời tâm tình tiếp theo của buổi thuyết trình và thảo luận trước Thánh lễ, Đức cha chia sẻ cùng cộng đoàn tham dự :

“Chúng ta đã chia sẻ đề tài: “Chứng tá khơi dậy ơn gọi” trong giờ thuyết trình và thảo luận. Để sống đời chứng tá - chứng tá cá nhân và chứng tá cộng đoàn - chúng ta cần: 1. Sống liên kết mật thiết với Chúa; 2. Hết lòng tận hiến cho Chúa; 3. Có khả năng hiệp thông với mọi người.

Giáo phận Đàlạt có 137 cộng đoàn: 23 cộng đoàn nam và 114 cộng đoàn nữ ; gồm 247 tu sĩ khấn tạm và 734 tu sĩ khấn trọn. Chúng ta đã nói về đời sống chứng tá của gần 1000 tu sĩ - chứng tá cá nhân. Bây giờ chúng ta nói về 137 cộng đoàn của 43 Dòng, Tu hội - chứng tá cộng đoàn.

Rất nhiều lần, khi đến thăm, nói chuyện với các Hội Dòng hay các cộng đoàn, tôi đều trao đổi về việc huấn luyện, giáo dục, truyền giáo và ơn gọi. Về Ơn gọi, tôi luôn khẳng định với anh chị em: ơn gọi không thiếu, rất nhiều bạn trẻ quảng đại và muốn dâng mình cho Chúa.

Người trẻ nói chung, khi muốn đi tu là được thúc đẩy bởi Ơn Chúa và có khát vọng thật sự. Họ muốn chọn một đời sống thánh thiện, ý nghĩa và giá trị hơn. Vì vậy, nếu đến với một cộng đoàn mà không thấy lan tỏa 3 yếu tố : Sự thánh thiện - Hiệp nhất yêu thương - Tông đồ truyền giáo, người trẻ sẽ thất vọng và thấy không có gì đáng để họ tìm hiểu. Đó cũng là việc Chúa Giêsu đã làm đối với các tông đồ đầu tiên, Ngài mời gọi : ‘hãy đến mà xem’, họ đã theo Chúa Giêsu, đến và ở lại với Ngài chiều hôm đó. Chẳng những thế, họ còn mời gọi nhiều người khác cùng theo Chúa Giêsu. Chúng ta có một hình ảnh mẫu mực, hãy làm theo rồi tùy khả năng, tùy nhân sự, tùy hoàn cảnh mà thích ứng.

1. Một Hội dòng phải làm sáng tỏ ba lời khấn của mình : sống khiết tịnh, là dành để một tình yêu tuyệt đối cho Chúa và công việc của Ngài. Sống vâng lời : vâng lời Chúa qua việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa ; vâng lời Bề trên hay những người có trách nhiệm trên mình. Ngoài ra, còn phải diễn tả được việc theo Chúa Giêsu trong sự khó nghèo. Những yếu tố này làm tỏa hương thơm đạo đức, được nhiều người đón nhận và họ được lôi cuốn đến cùng Hội Dòng.

2. Phải nổi bật sự hiệp thông, yêu thương nhau: chỉ cần một buổi tiếp xúc, một giờ giải trí, một giờ cơm, một buổi Kinh Phụng vụ … đã có thể thấy được, cảm được cộng đoàn có yêu thương, có hiệp nhất không. Phải biết rằng điều người trẻ bị đánh động và nhận ra ngay tức khắc khi đến với một cộng đoàn đó là : tình hiệp thông. Vì sự hiệp nhất sẽ tỏa ra sự bình an và tình thương mà người khác không thể không nhận thấy.

3. Phải là cộng đoàn tông đồ và truyền giáo: không khép kín như để bảo toàn đời sống đạo đức, đời sống trật tự, lớp lang của mình. Ngay một cộng đoàn chiêm niệm cũng phải tỏa ra sức sống tông đồ và truyền giáo, vì việc truyền giáo phải đặt trên đời sống chiêm niệm và cầu nguyện. Nếu một cộng đoàn không cởi mở đón tiếp người nghèo, không cởi mở để hợp tác làm việc tông đồ ở Giáo xứ, không nhạy cảm trước những đau khổ, thiếu thốn của người khác… sẽ không hấp dẫn được ai.

Tôi cam đoan với anh chị em: một Hội Dòng biết sống những điều đó -như đã lưu ý từ ban sáng, không phải để quảng bá mà để sống ơn gọi của mình- chính đời sống này là chứng tá mạnh mẽ, không cần diễn tả, không cần làm một điều gì khác, Hội Dòng đó chắc chắn có nhiều ơn gọi và là những ơn gọi rất vững bền”.

Sau Thánh lễ, Sư huynh Gustave Diệp Tuấn Đức, thay lời cho mọi người hiện diện, đã dâng lời tạ ơn Chúa, cám ơn Đức cha Phêrô, không chỉ về sự hiện diện của ngài hôm nay, mà còn biết bao điều mà Đức cha đã dành cho các Hội Dòng tại Giáo phận: “Anh chị em chúng con trong Giáo phận này thường bảo nhau: chúng mình được nhiều may mắn, được Đức cha đồng hành, thường xuyên gặp gỡ, dạy bảo, “lên dây cót” khi gặp phải khó khăn… Chúng con nói lên với Đức cha lời cám ơn chân thành. Đức cha là người đã chính thức chấp thuận sự cộng tác của các dòng tu. Với sự cho phép nhiệt tình cùng những chỉ dẫn phù hợp với tình hình Giáo phận của Đức cha, chúng con đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ thợ gặt mà Chúa đã trao”. Sư huynh cũng ngỏ lời cám ơn Cha Phaolô Lê Đức Huân - Cha Sở Nhà thờ Chánh Tòa, quý Cha phụ tá, Bề trên các Hội dòng và những người đã góp công, góp sức cho ngày họp mặt này. Sư huynh cũng không quên cám ơn sự hiện diện của thành viên các Hội Dòng, vì : “Sự hiện diện tươi vui, trẻ trung và đầy sức sống của các Bạn, đã làm cho cả Giáo phận và các vị hữu trách vui mừng. Cung cách dấn thân và đáp trả tích cực của các Bạn trước lời mời gọi của Đức Giêsu, Chúa chúng ta, là bảo chứng chắc chắn cho tương lai sáng lạn của đoàn Dân Chúa tại vùng đất này và sẽ tỏa lan muôn nơi”. Với hồng ân Thiên Chúa thương ban, Sư huynh tỏ bày : “Và trên hết, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa. Chính Ngài là động lực và là mục tiêu tối hậu của mọi quyết tâm, mọi mục tiêu và mọi hành động của chúng ta : vinh danh Thiên Chúa trên trời và vui mừng hạnh phúc cho đoàn con được Chúa thương yêu”.

Không thể quên được là chỉ còn một thời gian ngắn, Đức cha Phêrô rời Giáo phận để nhận nhiệm vụ mới, thay mặt giới tu sĩ, Sư huynh Gustave hứa : “Trong vài ngày nữa, Đức cha lên đường để nhận nhiệm vụ mới. Sự biết ơn của anh chị em tu sĩ chúng con đối với Đức cha, sẽ được thể hiện trong việc thực hiện những lời dạy bảo của Đức cha, cầu nguyện nhiều cho Đức cha trong hoàn cảnh mới, trong sứ vụ mới”.

Trong phần đáp từ, Đức cha gửi đến các tu sĩ, các Hội Dòng tâm tình của ngài: “Xin hết lòng cám ơn là điều tôi muốn nói. Cám ơn anh chị em tu sĩ các Hội dòng, các Tu Hội. Trong Giáo phận Đàlạt, sự hiện diện của các tu sĩ là một truyền thống ngay từ khi bắt đầu truyền giáo tại phần đất này (1920). Trước đây, trong Giáo phận có Viện Đại Học Công giáo nên thu hút nhiều tu sĩ. Các dòng tu đều muốn có cơ sở để gửi các thành viên của mình theo học tại Đại học này. Khi hiện diện trong Giáo phận, các Hội Dòng đã cộng tác tích cực trong việc tông đồ và truyền giáo.

Sau 1975, các Hội Dòng cùng chia sẻ những khó khăn với Giáo phận trong hoàn cảnh chung, các cộng đoàn phân tán về các vùng kinh tế mới. Nhờ vậy, các vùng kinh tế mới đứng vững để giờ đây, nhiều nơi đã phát triển thành Giáo họ, Giáo xứ.

Phải nói sự cộng tác của các cộng đoàn tu sĩ như một gương mẫu. Đi nơi nào, tôi cũng có cơ hội để nói về sự hiện diện và cộng tác của các tu sĩ trong Giáo phận Đàlạt. Cụ thể về sự đóng góp của các Linh mục Dòng, khi được hỏi Giáo phận Đàlạt có bao nhiêu Linh mục, tôi phân biệt trong trả lời: Linh mục triều khoảng 100-110; Linh mục dòng khoảng 80. Trong số Linh mục dòng thì 1/3 dành toàn thời gian để phục vụ như cha xứ hoặc cha phó; 1/3 dành thời gian phục vụ dòng tu và cộng đoàn; 1/3 còn lại vừa phục vụ nhà dòng, vừa nhận một số việc hợp tác với Giáo phận. Sự cộng tác của các Linh mục và tu sĩ trong các Hội Dòng chưa bao giờ là vấn đề hay khó khăn cho Giáo phận, nhiều nơi đều nhận thấy đó là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho Giáo phận chúng ta.

Từ giã anh chị em, tôi mang theo hình ảnh và những kỷ niệm đó, luôn cầu nguyện cho anh chị em. Tôi xin cám ơn”.

Sau Thánh lễ, các nhóm cùng ăn trưa và sinh hoạt theo nhóm. Chẳng còn phân biệt áo xanh hay áo nâu, áo đen hay áo trắng, còn là học sinh sinh viên hay là những người đã 40, 50 năm sống đời tu trì… tất cả đều sống tình hiệp nhất, yêu thương thật chan hòa.

Ngay sau giờ ăn trưa, mọi người lại quây quần bên nhau trong nhà Hội quán, để cùng dự khán các tiết mục văn nghệ thật đặc sắc và nhiều ý nghĩa. Đan xen giữa các tiết mục văn nghệ, Ban Tổ Chức đã giới thiệu đôi nét về từng Hội Dòng để phần nào có cái nhìn khái quát cho các Bạn trẻ và các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu. Cha Phaolô Lê Đức Huân, nguyên là Tổng Đại diện, đã bế mạc một ngày họp mặt thánh thiện, sinh động, tươi vui và chan chứa tình yêu thương này.

Cám ơn Chúa vì ngày hôm nay, không chỉ các tu sĩ và những ai đang khao khát sống đời tận hiến, mà cả Giáo Hội đều hướng về Chúa, Vị-Mục-Tử-Nhân-Lành-Duy-Nhất. Xin cho chúng con, mỗi người trong ơn gọi của mình, cũng biết đón rước Chúa vào chính tâm hồn mình, để chúng con mang tình yêu, niềm vui và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top