Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 2
Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
– Gợi ý mục vụ –
Đề tài 2. Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông dể truyền giáo
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12)
Giáo xứ là Gia đình của Thiên Chúa bao gồm các gia đình là Hội thánh tại gia và truyền giáo. Nếu gia đình có sứ mệnh gìn giữ, biểu lộ, và thông truyền tình yêu Thiên Chúa, và từ đó phản chiếu cách sống động cũng như tham dự một cách huyền nhiệm vào tình yêu thần linh đó, thì giáo xứ (và rộng hơn là giáo phận) mang sứ mệnh cùng độ sâu ấy (thậm chí còn sâu hơn), cao và rộng hơn, trên cả bốn khía cạnh: duy nhất, thánh thiện, công giáo, và đặc biệt là tông truyền.
1. Hiệp thông: một tên gọi khác của Yêu thương
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
– Đức Giêsu đã làm mẫu gương cho tình yêu ấy biểu lộ đặc biệt qua hành động Người rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Ăn sau cùng, và qua cái Chết trên Thập giá như hành động hiến tế tự nguyện của Tình yêu cứu chuộc. Tình yêu tự hủy mình ra không (nihil) để kẻ được yêu hiện hữu, tức trở thành có (esse). Tham dự vào Tình yêu phong nhiêu ấy bằng cách sống tinh thần khiêm nhu, chia sẻ huynh đệ đến mức chia sẻ chính sự sống mình, thể hiện ở đỉnh cao là hành động phụng tự của Bữa Tiệc Vượt Qua hay Lễ Bẻ Bánh, chính là cử hành và sống mầu nhiệm Hiệp thông. Hiệp thông chính là tên gọi của Tình yêu, một Tình yêu tự hiến tác sinh nên sự sống mới. Bởi thế, Hiệp thông đã là truyền giáo. [1]
– Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Hiệp thông trước hết là trong đức tin, đức tin của Hội thánh được đón nhận từ các Tông đồ, là kho tàng của sự sống. Nhờ các bí tích, như các mối dây thánh thiêng, các tín hữu được kết hiệp với Đức Kitô và với nhau, đặc biệt là bí tích Rửa tội là cửa đón mọi người vào Hội thánh. Hiệp thông trong dân Thánh là hiệp thông nhờ các bí tích. Bí tích nào cũng tạo sự Hiệp thông, vì kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, nhưng bí tích Thánh Thể đưa ta vào sự hiệp thông trọn vẹn. Trong sự hiệp thông của Hội thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội thánh. [2] “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). [3]
“Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Kitô hữu thật sự coi tất cả những gì mình có như là của chung của mọi người, luôn mau mắn sẵn sàng làm nhẹ bớt gánh nặng cuộc sống của những kẻ khốn cùng. Họ là những người quản lý tài sản của Chúa (x. Lc 16,1-3). [4]
2. Giáo xứ là Cộng đoàn sống mầu nhiệm hiệp thông
– Như thế, đời sống trong Cộng đoàn hội thánh tại địa phương, mà đỉnh cao là Cộng đoàn Thánh Thể, là biểu hiện sự Hiệp thông với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, mang tính bí tích đó. Biểu hiện bí tích đó nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, ơn Thông Hiệp, mà thành hiện thực cho cộng đoàn cử hành. Hiện thực Tình yêu đó vừa là hiệu quả của ân sủng vừa là do sự tham dự tự do của tín hữu. Hoa quả của ân sủng và lòng tin đó thể hiện qua thái độ sống thường nhật trong cộng đoàn giữa các thành viên và với người khác: đó là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; [...] tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
– Đời sống gia đình Kitô hữu đã là đời sống cộng đoàn hướng tới hiệp thông. Bàn ăn là nơi cả nhà vui vẻ sum vầy ăn chung trong thanh bình đầm ấm; và bàn thờ là nơi cả nhà cầu nguyện chung tạo nên giờ phút hồi tâm sau một ngày, hay một tuần, một tháng. Thế nhưng, giáo xứ mới là nơi các tín hữu có thể tập họp quanh Bàn tiệc Thánh Thể, là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cứu độ của Chúa Kitô, cho trẻ nhỏ và cho cha mẹ chúng, và là nơi thuận tiện cho việc thực thi bác ái, từ thiện và huynh đệ. [5] Như vậy, đời sống cộng đoàn giáo xứ hướng tới sự hiệp thông sâu hơn, cao hơn, rộng lớn hơn trong cộng đoàn nhỏ gia đình.
– “Ngoài ra, giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. [6]
3. Giáo xứ là Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo
– Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định. [...] Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi xem xét lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”. [7]
– Mỗi Giáo hội địa phương phải được xây dựng trên những chứng từ của sự hiệp thông hội thánh, đó vốn là điều làm nên chính bản chất của Giáo hội. Giáo phận và giáo xứ là một sự Hiệp thông của các cộng đoàn, tập hợp xung quanh Vị Mục Tử, trong đó các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân “đối thoại trong cuộc sống và bằng con tim” được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trong giáo phận sự hiệp thông của các cộng đoàn này được thực hiện trước hết ngay giữa lòng các thực tại xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hoá. Sự hiệp thông hội thánh đó hàm nghĩa mỗi Giáo hội địa phương phải trở thành một “Giáo hội tham gia” (partipatory Church), có nghĩa là, một Giáo hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi riêng của mình và thực hiện vai trò riêng của mình. Để xây dựng sự “hiệp thông vì sứ vụ” và thực hiện “sứ vụ của hiệp thông”, đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy, và sử dụng cách hiệu quả. Cách riêng, cần để cho các giáo dân và tu sĩ tham gia sâu xa hơn nữa trong việc lên kế hoạch mục vụ và ra quyết định, thông qua các cơ chế tham gia như là Hội đồng Mục vụ hay các Công hội Giáo xứ. [8]
Câu hỏi thảo luận
1. Hiện tình của giáo xứ của anh chị em có những điểm nào cần đổi mới để trở thành một cộng đoàn giáo hội hiệp thông và tham gia?
2. Anh chị em có ý thức thường xuyên nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong gia đình, trong giáo xứ, cộng đoàn nhỏ của mình không? Các mục tử nên làm gì giúp dân Chúa sống ý thức truyền giáo này?
3. Giáo xứ (và các gia đình) của anh chị em đã và đang làm gì trong quan hệ đối thoại liên tôn, đối thoại với người không tin, đối thoại trong văn hoá, với người nghèo trong định hướng Loan báo Tin mừng?
––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Tertullian, Giáo phụ thế kỉ thứ II/III, nói: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các Kitô hữu” (Apologeticus).
[2] X. Lumen gentium, 12.
[3] GLHTCG, 949, 950, 951.
[4] GLHTCG, 952.
[5] X. GLHTCG, 2179; 2226.
[6] HĐGMVN, Thư Mục vụ 2014, số 4.
[7] X. Evangelii Gaudium, 28.
[8] ĐGH Gioan Phaolô II, TH. Ecclesia in Asia (06 / 11 / 1999) (EA), 25.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
bài liên quan mới nhất
- Nhạc sĩ Phanxicô: Bài "Cầu cho Cha Mẹ 2" chỉ có hai phiên khúc
-
Khóa học: “Giáo Huấn Giáo Hội về Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình” -
Khóa học "Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức Tin -
Khóa học "Sơ cứu Tâm lý" -
Khóa học: “Thân Thể - Nhân Tố để kiến tạo Tình Yêu Trọn Vẹn” -
Chuyên đề: “Can Thiệp Khủng Hoảng” -
Khóa học: Những thăng trầm của Thánh Gia: bài học cho gia đình hôm nay -
Chuyên đề 393: Học Cách Sống Chung -
Chuyên đề: 392: Định hướng vào đời -
Chuyên đề 391: Vượt qua khủng hoảng - Tiến bước vững vàng
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: thông báo đào tạo Giáo lý viên khóa mới (K13) 2020 - 2021
-
Nhạc sĩ Phanxicô: Bài "Cầu cho Cha Mẹ 2" chỉ có hai phiên khúc -
Thông báo: Đại Hội Giới Trẻ - TGPSG -
Hiệu đính sách "Lời nguyện tín hữu" -
Khóa học “Lối Về Bình Yên” -
Khóa học: Tâm Lý Hệ Thống Gia Đình -
Học viện Công Giáo Việt Nam: Nghi thức Khai giảng và Trao bằng Thạc sĩ, Cử nhân ngày 13.09.2023 -
Đào tạo Giáo Lý Viên khóa mới (K11) -
Khóa học: Chăm Sóc Các Gia đình Dễ Bị Tổn thương -
Giới thiệu sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam