Giáo phận Phan Thiết: Phong chức Linh mục
Tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là mùa khấn dòng và phong chức.
Hôm nay ngày 1.6, khởi đầu tháng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ phong chức Linh mục cho Thầy Phó Tế Phêrô Nguyễn Châu Linh tại Nhà thờ Thuận Nghĩa. Tân chức tốt nghiệp khoá VI Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế. Cùng đồng tế thánh lễ có Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài gòn và 80 Linh mục trong và ngoài giáo phận; đông đảo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, thân nhân ân nhân và cộng đoàn Dân Chúa chung lời cầu nguyện.
Lễ phong chức lần này có những nét đặc biệt là phong chức chỉ một linh mục, tân chức có thời gian khá dài, 5 năm làm Phó Tế và thánh lễ tại xứ nhà của tân chức.
Giảng lễ, Đức cha Giuse suy niệm về ánh sáng và bóng tối trong cuộc đời Thánh Phêrô qua Tin mừng Mt 16,13-23.
Trang Tin mừng chúng ta vừa lắng nghe là một trích đoạn họa hiếm trong Tân ước, tập trung vào một nhân vật duy nhất và đồng thời cũng trình bày đỉnh cao của ánh sáng lẫn vực sâu của bóng tối trong đời nhân vật ấy, đó chính là thánh Phêrô.
Đỉnh cao của ánh sáng chính là lời tuyên xưng đức tin có một không hai mà ngài do cảm hứng từ Thánh Thần đã thay mặt anh em nói lên, đến nổi Chúa Giêsu đã để lời khen tặng và trao cho ông những quyền bính để lãnh đạo Giáo hội. Vực sâu tối tăm trong cuộc đời ấy chính là việc thánh Phêrô can gián Chúa Giêsu trên đường dấn bước thực thi cuộc thương khó cứu độ, đến nỗi Chúa Giêsu đã phải nghiêm nghị dành cho một lời quở trách.
Người ta thường hỏi, không biết khi Phúc âm hình thành, nhất là với Phúc âm thánh Matthêu, tức là khoảng năm 60-70, nghĩa là những sự kiện tuyên xưng đức tin hoặc là can gián Chúa Giêsu trên đường thương khó đã xảy lâu lắm rồi, có lẽ nửa thế kỷ trôi qua, thế mà thánh ký vẫn ghi lại như là một ký ức vẫn còn đậm nét như mới xảy ra ngày hôm qua. Tại sao vậy?
Có thể có nhiều cách lý giải, tất nhiên Chúa Thánh Thần là tác giả chính của Phúc âm vì thế những gì xảy ra đều được ghi lại một cách rõ nét, có sao ghi lại như vậy.
Có thể ký ức về những sự kiện gắn liền với đời thánh Phêrô là những ký ức sống động và cuộc đời thánh Phêrô đối với những tín hữu ban sơ là một cuộc đời thân quen, thành thử ra thánh ký cũng chẳng cần phải uốn nắn lại, chỉ giữ lại những điểm sáng và quên đi những bóng tối, cũng có sao tường thuật như vậy. Đó là một cách lý giải tổng quát.
Hôm nay lễ truyền chức Linh mục cho Thầy Sáu Phêrô Châu Linh, có lẽ chúng ta tìm được những lý do khác hơn nữa.
Lý do trước hết. Nếu Phúc âm không uốn nắn, chỉ giữ lại những ánh sáng và quên đi bóng tối trong đời của Phêrô là bởi vì cả hai sự kiện này, sự kiện tuyên xưng và sự kiện can gián Chúa Giêsu đều là những sự kiện tiêu biểu cho một cuộc đời. Cộng đoàn dễ dàng nhận ra bóng dáng của Phêrô như thế nào giữa lòng nhóm Mười Hai. Có thể bảo là ngài một người nóng tính, trực tính; có thể bảo ngài là người đã được Chúa Giêsu tín nhiệm đặt lên làm đầu nhóm Mười Hai; và người ta có thể ghi nhận dài dài hơn nữa. Nhưng chỉ biết rằng con người ấy qua một lần tuyên xưng đức tin trọn vẹn, tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Hằng Sống để rồi sau đó Chúa Giêsu trao cho ngài quyền bính cai quản Giáo hội Người sẽ thành lập. Rõ ràng đây là một đỉnh cao không thể quên được trong một tên tuổi, trong một cuộc đời. Thế nhưng, khi thánh Phêrô kéo Chúa Giêsu riêng ra mà nói: “Lạy Thầy, Thầy chẳng phải như vậy đâu”, một cách nào đó ngài đã cản trở Chúa Giêsu thực thi ý Chúa Cha là đến trần gian chịu đau khổ cứu độ cho nhân loại, chịu chết để ban cho nhân lại sự sống. Lúc ấy, chắc cộng đoàn vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời Chúa Giêsu quở trách ông Phêrô nặng nề: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy”. Diễn tả theo kiểu nói người Việt là: “Satan, hãy xéo đi”, nghe nặng nề lắm. Đó là hai mặt gắn liền với một tên tuổi, hai khuôn mặt gắn liền với một cuộc đời, và ta cũng có thể nói một cách mạnh mẽ rằng: đây là những sự kiện tiêu biểu giúp chúng ta hình dung con người của thánh Phêrô với tất cả những nét thăng trầm trong đời sống đức tin bên cạnh Đấng Cứu Thế.
Thánh Phêrô là người đã được Chúa Giêsu tin cẩn và yêu mến. Nhiều lần Chúa dẫn ngài vào trong vòng tròn thân tình, như là lần dẫn vào gần gũi trong lời kinh bên cạnh con cái ông Giairô sắp sửa được ban cho sống lại; chẳng hạn như lần được diện kiến Chúa biến hình trên núi Tabor; chẳng hạn như lần được bên cạnh Chúa Giêsu lúc Chúa hấp hối trong vườn Giêtsimani. Quả là một tình thân không phải Tông đồ nào ước mơ cũng thấy. Thế mà cũng chính tên tuổi Phêrô lại đi liền với những lỗi phạm, đi liền với những nghịch cảnh trong đời sống đức tin. Không có ai trong nhóm Mười Hai chối Chúa Giêsu cả, chỉ một mình Phêrô thôi. Không phải một lần mà là ba lần. Chẳng phải trước những bậc quyền quí tra hỏi cật vấn gì đâu cho cam! Chỉ trước mặt một đầy tớ gái vô danh tiểu tốt. Điều đó cho phép hình dung ngài đã bước xuống vũng sâu của tội lỗi bằng sự yếu đuối vấp ngã.
Vâng, con người của thánh Phêrô là thế đó. Sau này, cũng bằng tình yêu của Đấng Cứu độ, ngài đã đón nhận ơn tha thứ bằng những lần tuyên xưng gắn bó với tình yêu để có thể đứng lên chăn dắt đoàn chiên mà Chúa trao phó. Rõ ràng là hai biến cố tuyên xưng đức tin và cản ngăn Chúa Giêsu thực thi chương trình cứu độ đã là những biến cố biểu trưng cho cả cuộc đời thánh Phêrô. Một cuộc đời có đỉnh cao, và một cuộc đời cũng có trũng thấp để mãi mãi gắn liền với một tên tuổi đứng đầu Giáo hội Công giáo. Thiết nghĩ đó là lý do thứ nhất mà Phúc âm còn giữ lại một cách sống động ký ức này.
Lý do thứ hai, là bởi vì hai sự kiện tuyên xưng và cản trở kia nơi con người của vị đứng đầu Giáo Hội đã khái quát nên cuộc sống đức tin của tất cả mọi tín hữu, trong đó có quí ông bà anh chị em và chính chúng tôi nữa. Thực vậy, bằng ơn thánh của các bí tích, cách riêng bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đã đón nhận lấy ơn thánh hóa, ơn cứu độ. Một cách khách quan, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đầy đủ ơn thánh. Ai lãnh nhận bí tích Rửa Tội cũng là được dẫn vào nẻo đường mới, nẻo đường thánh đức để trở thành những thánh nhân trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Xét về mặt hiệu quả bí tích, trực tiếp là thế, nhưng về mặt chủ quan của từng người chúng ta, nhất là vẻ mặt trong biến số của thời gian, thời gian của cuộc đời, 20 năm, 40 năm, 60 năm, 80 năm và hơn nữa, mỗi người chúng ta luôn luôn cảm nhận thấy rằng mình chưa đóng góp với ơn thánh hóa đủ để có thể ngẩng cao đầu mà đứng trước Chúa để thưa rằng mình là thánh nhân. Nói khác đi, cuộc đời của mỗi người, ngoài mặt ơn thánh đem chúng ta lên đỉnh cao của thánh đức, chúng ta vẫn còn mặt nhân loại, chính là mặt trì trệ, chính là sức nặng của cuộc sống thân xác luôn đẩy đưa chúng ta ra xa với tình thương của Thiên Chúa, để một ngày nào đó xét mình, bỗng dưng thấy mình đã trở thành tội nhân. Vì vậy, đầu lễ chúng ta đã cùng nhau đấm ngực: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nếu như thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu ghi nhận là người có “tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt thì yếu đuối”, thì mỗi một người tín hữu cũng cảm nhận được điều này: trong ơn thánh chúng ta trở thành những thánh nhân, nhưng trong thân xác, trong cuộc sống hằng ngày thì nặng nề, có thể bị biến chất trở thành những tội nhân. Nhưng điều quan trọng ở đây chính là biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Và đó chính là những bước đi dệt nên lộ trình thánh hóa của người tín hữu. Giáo hội là thánh tự trong bản chất. Tất cả những ai là thành viên của Giáo hội phải hướng đến sự thánh thiện như là lý tưởng, phải luôn luôn nhận được ơn thánh hóa để mà bước lên, bước dần đến hồng ân của Thiên Chúa. Nhưng Giáo hội cũng ôm ấp trong lòng mình, dang rộng cánh tay ôm vào lòng mình những tội nhân, trong đó có ông bà anh chị em cũng như chúng tôi, tất cả mọi người. Ơn thánh hóa thì dồi dào, nhưng mà mình vẫn cứ thấy tội lụy. Đây là điều ta cảm nhận được từ chính cuộc đời thánh Phêrô, cũng như cách riêng từ hai sự kiện tuyên xưng và cản trở Chúa Giêsu trên đường khổ nạn.
Thiết nghĩ hai lý do chia sẻ trên đây cũng chính là hai lý do khiến mỗi người chúng ta cảm nhận hơn nữa giữa lòng Năm Linh Mục. Các linh mục là những người sống nhờ hồng ân Thiên Chúa. Linh mục là người có chút ít thiệt chí đi theo Chúa, được Chúa chạm đến, được Chúa biến đổi để trở thành những tông đồ của Chúa trong chức Linh mục thừa tác. Chúng tôi hằng ngày vẫn cử hành những mầu nhiệm thánh đức, hằng ngày cũng đón nhận ơn thánh hóa, ước muốn được bước lên những đỉnh cao thánh thiện. Linh mục hằng ngày cũng như cộng đoàn, phải đấm ngực dài dài, nhất là buổi tối xét mình, thấy mình hôm nay khác quá, những cái khác ấy chính là lúc giúp linh mục nhìn lại đời sống của mình, không phải thất vọng mà là dâng lên tâm tình sám hối để hướng nhìn lên Chúa mà đón lấy ơn thứ tha để hy vọng làm lại cuộc đời. Nhật nhật tân, mỗi ngày mỗi mới thêm. Linh mục mong rằng mình được thánh hóa trong khi cử hành những mầu nhiệm thánh cho cộng đoàn mà mình phục vụ. Nhưng cộng đoàn cũng đóng góp với chúng tôi một cách rất tích cực bằng những lời cầu nguyện, bằng những lời khuyên nhủ, bằng gương sáng, bằng sự trợ giúp, bằng sự chung tay chung lòng. Chúng tôi mang ơn Thiên Chúa và chúng tôi cũng mang ơn tất cả mọi người. Điều này hôm nay trong thánh lễ Truyền chức Linh mục, chúng tôi cảm nhận được và tạ ơn Thiên Chúa muôn vàn. Nếu như trong cuộc đời của thánh Phêrô, vị đứng đầu Giáo hội đã có những đỉnh cao thánh đức nhưng cũng có những vũng sâu của nặng nề xác thân, thì trong đời sống của mỗi linh mục, ắt hẳn đều cảm nghiệm và xưng thú trước cộng đoàn những điều mà mình đã nhẹ dạ, mà mình đã lỗi điệu trong lý tưởng và trong ơn gọi.
Cách riêng, hôm nay đối với Thầy Sáu Phêrô Châu Linh. Sau 5 năm thi hành tác vụ Phó Tế tại nhiều giáo xứ, giáo điểm của Giáo phận. 5 năm Thầy đã âm thầm phục vụ ở nhiều nơi. 5 năm Thầy đã lặng lẽ đón nhận tất cả những góp ý, những xây dựng từ các cha sở, từ những người thiện chí. Và 5 năm ấy, đối với chúng tôi là một thời gian dài đủ để nói lên lòng kiên trì theo Chúa của Thầy. Nếu như khẩu hiểu trong đời Thầy đã chọn là “làm mọi sự trong đức ái”, thì tôi thiết nghĩ, tất cả những gì là thiện chí Thầy đã trải ra trong suốt thời gian phục vụ với tư cách là Phó tế cũng đã là một thời gian giàu ý nghĩa góp phần để cho việc bước lên chức Linh mục hôm nay được vững chải.
Xin cám ơn tất cả mọi thành phần dân Chúa, các linh mục, các tu sĩ cũng như giáo dân đã chung lời cầu nguyện cũng như đã chung một tâm tình để cho một người con của giáo phận, người con của giáo xứ, hôm nay được cảm nhận hồng ân Thiên Chúa cách đầy tràn, cũng như cảm nhận được sự nâng đỡ cả thiêng liêng, cả tinh thần lẫn vật chất để có thể đón nhận tác vụ Linh mục với một lương tâm ngay lành.
Năm Linh Mục, tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận có thêm một tân Linh mục.
Hôm nay ngày đầu tháng Thánh Tâm, mỗi người được mời gọi để thánh hiến đời mình trong tình yêu thánh hiến của Đức Kitô. Xin nhờ tình yêu thánh hiến của Đức Kitô qua Thánh Tâm ban xuống trên đời sống của tân chức, cũng như hàng linh mục và cho tất cả mọi người chúng ta có được những dấn khởi tình yêu, có được những nét diễn tả bằng tất cả tấm lòng, trái tim của mình, để chung xây Giáo Hội ngày một vươn lên trong tinh thần thánh đức.
Những suy niệm về đỉnh cao ánh sáng và lũng sâu bóng tối nơi cuộc đời Thánh Phêrô, có ý nghĩa sâu xa với mỗi linh mục, và đặc biết thấm thía với Tân linh mục nhận Thánh Phêrô làm Quan Thầy.
Bài cám ơn của tân chức biểu tỏ những tâm tình ấy.
Trọng kính Đức Cha Giuse,
Kính thưa Cha Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
Kính thưa quí Cha, quí Tu sĩ và cộng đồng dân Chúa.
Lời đầu tiên, con xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ghé mắt đoái thương chọn con nên bạn tâm phúc của Ngài dẫu biết rằng con bất xứng, nhưng con tin tưởng rằng tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Chính thánh Phêrô cũng đã thốt lên lời này với tất cả kinh nghiệm sống của bản thân.
Kính thưa Đức Cha, nhờ ơn Chúa và với tấm lòng mục tử, con được tái sinh trong ơn thánh của Chúa qua việc xức dầu và đặt tay của Đức Cha, con và gia đình xin ghi lòng.
Trong huyền nhiệm tình yêu, Thiên Chúa đã dẫn con đi qua muôn vàn nẻo đường. Trên bước đường con đi có những giọt cay giọt đắng, nhưng nẻo đường ấy cũng được dệt bằng những sợi mến sợi thương. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, sự tận tụy của Cha Giám đốc và quí Cha giáo sư Đại Chủng viện Sài Gòn, lòng quảng đại của quí ân nhân và thân nhân, lời động viên của bạn bè, sự đồng tình của anh em đã từng học ở Đại Chủng viện mà hôm nay cũng hiện diện nơi đây, nhất là lòng mến thương của quí Cha và giáo dân nơi con đã từng làm mục vụ như: Hòa Thuận, Vinh Phú, Chính Tòa, Cù Mi, Bình An, Tân Lập, Đa Mi, và cuối cùng là Hiệp An, nơi con được Cha Anphong yêu thương nâng đỡ. Cách riêng xin được nhắc đến Cha linh hướng Cao Văn Đạt – Đại Chủng viện Sài Gòn, Cha Vũ Ngọc Đăng, Cha Hoàng Văn Khanh, Cha Nguyễn Huy Hồng cũng như quí Cha khác đã âm thầm nâng đỡ con trong hành trình ơn gọi. Nhắc tên những con người và địa danh ấy là để nói lên lòng biết ơn của con, đồng thời thấy được những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trên nẻo đường con đi, đã đến lúc chân rời gối mỏi thì Thiên Chúa đã cho con dừng chân nghỉ ngơi, bổ sức trên đồng cỏ xanh tươi, để hôm nay, con cùng cộng đoàn hát câu tạ ơn, chuẩn bị cho một sứ mạng mới.
Cảm ơn Cha xứ, Hội Đồng Mục Vụ, quí Nữ tu và giáo dân Thuận Nghĩa đã vất vả để tổ chức Thánh lễ này. Xin cảm ơn Cha Quản lý, Cha Thư ký Tòa Giám Mục, Cha Quản xứ Vinh Thủy, quí Thầy Chủng viện Nicôla, Đại Chủng viện Xuân Lộc, âm thanh Đức Đại, đội trống Đakim 2, ban kèn giáo xứ Trà Cổ, các tôn giáo bạn, các anh em dân tộc thiểu số, quí khách xa gần, đã góp phần làm nên nét đẹp cho ngày hôm nay.
22 năm theo Chúa, chỉ ước mơ có một ngày, và ngày hôm nay điều ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. “Cởi áo sô, Chúa mặc cho con lễ phục huy hoàng”. 22 năm Thiên Chúa đã cưu mang con, “và ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Niềm vui hòa nước mắt, thất bại lẫn thành công, tất cả đã dệt nên ơn gọi của con.
Cuối cùng, có gì thiếu sót, mong Đức Cha và quí cộng đoàn thứ tha, kính chúc Đức Cha và quí cộng đoàn niềm vui và sức khỏe. Xin cảm ơn.
Tân chức với nụ cười rạng rỡ khẽ hát lên: chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Ngày phong chức là ngày đẹp nhất trong hành trình ơn gọi “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng tư tế”. Là con người thấp hèn được Chúa nâng lên nên Linh mục là một hồng ân và là một huyền nhiệm. Là một hồng ân nên cần phải tạ ơn. Thánh kinh xác định : Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi” (Dt 5,4). Là một huyền nhiệm nên cần phải khám phá và quý trọng. Huyền nhiệm thì lớn hơn con người. Trước thực tại như thế cần phải cùng với Thánh Phaolô lập lại : “ Oi sự giàu có khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!” (Rm 11,33).
Sứ vụ Linh mục cao đẹp lắm bởi nhận được từ Chúa Kitô, từ Giáo hội.
Sứ vụ Linh mục nặng nề lắm bởi vừa phải chu toàn trách vụ riêng vừa phải chăm lo phục vụ Dân Chúa.
Sứ vụ càng cao đẹp Linh mục càng thấy mình bất xứng.Sứ vụ càng phức tạp Linh mục càng thấy mình giới hạn. Sứ vụ càng trường kỳ, Linh Mục càng sợ mình mệt mỏi. Chính vì thế, Linh Mục càng cần đến lời cầu nguyện của hết mọi người.
Hoà cùng niềm vui của Giáo phận, cầu xin Thiên Chúa thánh hoá tân linh mục, nguyện xin cho ngài biết đáp trả ơn Thiên Chúa trong bổn phận mục vụ và trong đời sống hiến dâng mỗi ngày.
bài liên quan mới nhất
- Nhịp sống Giáo hội Việt Nam số 2
-
Thánh lễ An Táng Đức Cố Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu -
Giáo phận Long Xuyên: Thư phân ưu của Đức Hồng Y Pietro Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu vào lúc 08:30 thứ Sáu ngày 10/01/2025 -
Cáo phó Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu -
Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Chánh tòa của Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi -
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ -
Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia sinh hoạt của Hội thánh -
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô