Giáo phận Phan Thiết: Bế mạc Năm Thánh 2010
Ngày đầu năm mới Dương lịch 01 tháng 01 năm 2011 là ngày ba trong một của Giáo phận Phan thiết. Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lễ Bổn Mạng Giáo Phận, Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 tại Giáo Phận.
Thánh Lễ cử hành lúc 9g sáng tại Nhà thờ Chính Toà. Gia đình Giáo phận cùng hiệp thông tạ ơn và cầu nguyện.
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng với Đức Cha Nicolas, Đức Cha Phaolô, hân hạnh gởi lời chào mừng năm mới đến đại gia đình Giáo phận: Linh mục đoàn, các Thầy Chủng viện Nicolas, Đại Chủng viện Xuân Lộc, các Nữ tu thuộc nhiều hội dòng, Ban thường vụ Hội đồng giáo xứ, các đoàn thể: Gia Trưởng, Bà Mẹ Công Giáo, Giới trẻ, Thiếu Nhi, Lêgiô, Phan Sinh, Têrêxa. Đại gia đình Giáo phận quy tụ lại dưới mái giáo đường Chính tòa để tôn vinh Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Giáo phận đã có một năm gặt hái được những thành quả phong phú cả về phương diện thiêng liêng lẫn tổ chức sinh hoạt thể hiện trong hội đoàn của các giáo xứ. Cùng 25 Giáo phận khác, Phan thiết tổ chức lễ bế mạc Năm thánh. Khép lại Năm thánh là lúc mở ra mở ra một chân trời mới trong nhãn giới truyền giáo. Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chung lời cầu với Giáo hội năm châu cho hòa bình tự do tôn giáo khắp nơi được tôn trọng.
Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm về ba nét đặc biệt của ngày lễ.
Ngày đầu năm dương lịch 01/01/2011 hôm nay là một ngày đặc biệt. Đặc biệt vì hôm nay khởi đầu năm mới lại là ngày kết thúc năm thánh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, được đồng loạt cử hành tại 26 Giáo Phận trên toàn quốc. Đặc biệt cũng vì này kính mừng lễ Mẹ Thiên Chúa theo lịch Công Giáo, bổn mạng Giáo Phận Phan Thiết, lại trùng hợp với ngày thứ bảy đầu tháng kính dâng Đức Maria theo truyền thống đạo đức của nhiều tâm hồn. Và có lẽ còn đặc biệt hơn nữa vì hôm nay, ngày hòa bình thế giới, Giáo Hội Công Giáo thiết tha chung lời cầu nguyện cho quyền tự do tôn giáo của con người được mọi quốc gia tôn trọng. Tự do tôn giáo là nẻo đường dẫn tới hòa bình đích thực và lâu dài.
1. Ngày kết thúc Năm Thánh 2010
Nghi thức mang tính toàn quốc được tổ chức tại Sở Kiện trước, còn nghi thức tại các giáo phận tiếp theo sau, thì bế mạc Năm thánh theo thứ tự ngược lại. Hôm nay được tổ chức tại các Giáo Hội địa phương, nhưng mãi đến tuần sau ngày 06/01/2011 nghi thức quốc gia mới diễn ra tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, thuộc Giáo Tỉnh Huế. Năm thánh 2010, kỷ niệm 350 thành lập Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và 50 năm thiết lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chắc đã để lại cho cộng đoàn tín hữu nhiều dấu ấn khó quên, không chỉ là những tổ chức bên ngoài vào những cao điểm Khai Mạc, Bế mạc hay Đại Hội Dân Chúa, mà thật ra là nội dung bên trong nhằm giúp mọi thành viên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ý thức hơn về vị trí của mình, để một mặt canh tân đời sống và mặt khác phát huy khả năng tham gia xây dựng Giáo Hội tại địa phương.
Trong Giáo Hội, dù nhìn theo nhãn giới Ba Ngôi như là “Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần”, hoặc theo nhãn giới Nước Thiên Chúa, mọi tín hữu Việt Nam cũng như mọi tín hữu Kitô ở khắp nơi trên thế giới đều được mời gọi ý thức đón nhận, góp phần thể hiện và nỗ lực phát huy sự sống mầu nhiệm, tinh thần hiệp thông và thao thức sứ vụ bằng chính bậc sống, đời sống và hoàn cảnh cụ thể của mình. Năm thánh qua đi, nhưng sức sống của Năm Thánh ấy hy vọng sẽ tồn tại như một vốn liếng thiêng liêng giúp Giáo Hội canh tân và như một tiền đề để thúc đẩy Giáo Hội trên đà thăng tiến, không chỉ về số lượng mà còn về phẩm chất nữa. Nếu lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 350 năm được dệt bằng gương sáng của các vị tử đạo, thì tương lai Giáo Hội khởi đi từ tín hữu chúng ta, cũng phải là những chứng nhân đức tin không mỏi mệt trên quê hương thân yêu này.
2. Ngày kính mừng Bổn Mạng Giáo Phận
Hôm nay, kết thúc tuần bát nhật Giáng Sinh, cũng là lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng Giáo Phận Phan Thiết. “Mẹ Thiên Chúa” là một phẩm tước cao quý nhất Đức Maria nhận được từ hồng ân tuyển chọn của Thiên Chúa, gói ghém trong lời chào “đầy ơn phúc” của sứ thần Gariel gửi đến Mẹ vào ngày truyền tin (x. Lc 1,28). Nếu khởi đầu hiện hữu của Mẹ, việc “đầy ơn phúc” thể hiện qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì kết thúc cuộc đời trần thế, việc “đầy ơn phúc” lại kết tinh trong đặc ân Hôn Xác Lên Trời. Đây chính là nội dung đức tin của giáo lý Công giáo, cũng là nội dung niềm vui của đại gia đình Giáo Phận Phận Thiết.
Nhưng “Mẹ Thiên Chúa” đâu chỉ là đối tượng của lòng tin, dẫu lòng tin ấy được cử hành trọng thể khắp nơi trong Giáo Hội hôm nay, mà đó còn là một phẩm tước mở ra vận hành của tình yêu mến. Tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chẳng làm cho ơn phúc của Mẹ được tăng thêm, bởi tình trạng ân sủng nơi Mẹ luôn đầy tràn và ngàn đời sẽ mãi còn ca ngợi như chính Mẹ đã khẳng định qua kinh Magnificat “từ nay đến hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48); mà tôn vinh Mẹ là cách diễn tả tình yêu đằm thắm con cái dành cho Mẹ mình. “Đầy ơn phúc”, Mẹ uy quyền bên cạnh Thiên Chúa, nhưng “đầy ơn phúc”, Mẹ cũng đầy tình thương bên cạnh các con cái của Mẹ. Mẹ uy quyền do ân sủng, Mẹ nhân hiền bởi trái tim. Chính vì thế, trong ngày mừng kính Mẹ là bổn mạng, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vì muôn phúc lộc nhờ Mẹ mà Giáo Phận đã nhận được, với Mẹ mọi người được thánh hóa và trong Mẹ các giáo xứ đã được chở che giữ gìn; đồng thời xin dâng lên Mẹ năm mới, nguyện Mẹ luôn thương yêu bảo vệ và xin cho mọi thành viên trong gia đình Giáo Phận cũng luôn biết gắn bó niềm cậy tin yêu mến nơi Mẹ mỗi ngày mỗi bền chặt hơn.
3. Ngày hòa bình thế giới
Ngày đầu năm mới còn là ngày Giáo Hội Công Giáo khắp nơi dành riêng để cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới. Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta đã nghe điệp khúc thiên thần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người thiện tâm” (Lc 2, 14) để thấm thía rằng: Thiên Chúa chỉ thật sự được vinh danh qua việc nhân thế sống an hòa với nhau, và khi con người chăm lo xây dựng an bình nơi trần thế chính là lúc họ góp phần làm rạng danh Thiên Chúa chốn trời cao. Trẻ thơ Giêsu bé bỏng bọc trong khăn đặt nằm trong máng cỏ, hình ảnh của một sự dập vùi trong tiết trời lạnh giá giữa vòng quay nghiệt ngã của thế sự và phận người, nhưng lại là những nết rất thật về chân dung của vị Hoàng Tử hòa bình, Con Thiên Chúa, Đấng làm người để cứu người, nhập thế để cứu thế.
Năm nay, ngày hòa bình thế giới trở về giữa bối cảnh của một thế giới bị tục hóa tràn lan, chẳng trừ một châu lục nào, từ châu Âu thừa hưởng nền văn hóa Kitô giáo lâu đời cho đến châu Á giàu di sản truyền thống, thể hiện qua việc những biểu tượng hoặc những điểm quy chiếu tôn giáo bị xâm phạm dưới nhiều hình thức, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong sứ điệp hòa bình đã kêu gọi những người thiện chí và các tín hữu hãy suy nghĩ cầu nguyện với chủ đề: “tự do tôn giáo, nẻo đường dẫn tới hòa bình”. Hòa bình là ơn ban của Thiên Chúa nhưng cũng là công trình vun đắp của con người; tự do tôn giáo là nội dung then chốt thuộc về học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo nhưng cũng là nhu cầu căn bản thuộc về bản chất của con người mọi thời. Khi biết tôn trọng quyền tự do tôn giáo, người ta sẽ gặp được bình an cho chính mình và khi đóng góp bảo vệ quyền này, người ta sẽ trở nên những công cụ kiến tạo hòa bình cho người khác nữa. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9).
Như vậy, ý nghĩa có ba ngày nhưng về thời gian lại chỉ có một ngày, khiến hôm nay trở thành một ngày đặc biệt. Xin tạ ơn vì muôn hồng ân trong Năm Thánh. Xin tạ tội vì nhiều lỗi lầm thiếu sót. Xin dâng năm mới lên Chúa với cả tin yêu. Và nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, xin cho gia đình Giáo Phận Phan Thiết luôn hiệp nhất yêu thương thăng tiến. Và xin cho khắp nơi được hưởng tự do tôn giáo và niềm bình an đích thực.
Cuối thánh lễ cử hành nghi thức sai đi. Hai Thầy phó tế kiệu nến Phục sinh ra trước bàn thờ.
Đức Cha Giuse dâng lời cầu nguyện:Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ chúng con. Chúa đã đến và chiếu giải ánh sáng Phục Sinh vào trần gian, để xua tan bóng đêm tội lỗi, dẫn đưa chúng con vào nguồn sống mới của Thiên Chúa. Xin cho chúng con trở nên ánh sáng của trần gian, để Danh Chúa ngày càng rạng rỡ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Ngài trao nến Phục sinh cho Thầy Phó tế. Đại diện các thành phần Dân Chúa tiến lên châm lửa từ nến Phục sinh và trao ánh sáng của Chúa Kitô cho đoàn thể của mình để ánh sáng Chúa Kitô phục sinh không ngừng lan rộng và lan xa trong dòng đời hôm nay. Cộng đòan đưa cao ánh sáng Chúa Kitô phục Sinh và cùng hòa vang bài ca“Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa”.
Sau phép lành, cộng đoàn cùng bày tỏ tâm nguyện được “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng”.
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô