Giáo hội Công giáo Việt Nam và nỗ lực truyền giáo 50 năm qua (1)

Giáo hội Công giáo Việt Nam và nỗ lực truyền giáo 50 năm qua (1)

MỞ ĐẦU

Lịch sử Giáo Hội chính là lịch sử truyền giáo, vì Sứ Mạng Truyền Giáo tạo nên và duy trì sức sống của Giáo Hội. Trong sách Giáo Lý Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam in dưới hình thức các câu hỏi - đáp, bài “Lịch sử Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam” [NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2004, tr. 44, bài 21] nhắc cho người giáo dân rằng: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu. Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái [Eph 4,15-16]”. Hội Thánh được sinh ra và lớn lên cùng với Đức Kitô trong sức mạnh Chúa Thánh Thần. Bài giáo lý đó cũng đề cập chặng đường 50 năm của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam khi đặt ra các câu hỏi: Hàng Giám Mục Việt Nam được thiết lập năm nào? Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có bao nhiêu Giáo phận? Năm 1980 Hội Thánh Việt Nam có sự kiện nào đáng ghi nhớ? Người tín hữu Việt Nam ngày nay sống Đức Tin giữa lòng dân tộc như thế nào? Những câu hỏi này dù đã được trả lời, nhưng ta vẫn có thể khám phá thêm những nhân tố nào đã tác động để công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên Đất Nước chúng ta.

1. GIỚI HẠN PHẠM VI ĐỀ TÀI

Nhóm Nghiên Cứu Loan Báo Tin Mừng của chúng tôi thấy rằng đề tài Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Và Nỗ Lực Truyền Giáo 50 Năm Qua bao quát nhiều lãnh vực thuộc các Uỷ Ban Mục Vụ khác. Do vậy, chúng tôi tập trung cái nhìn vào góc độ chỉ đạo của các Giám Mục Việt Nam từ năm 1960 cho đến nay tích tụ trong những văn thư mà các Vị đã ban hành, hoặc gửi cho các tín hữu trong giáo phận hoặc toàn quốc liên quan tới sứ mạng Truyền Giáo. Đó là điểm nhấn của bài viết này.

2. THOÁNG NHÌN TIẾN TRÌNH TRUYỀN GIÁO

Trong thời kỳ Bảo Trợ (1533 – 1659), ngươi Đại Việt được tiếp nhận Phúc Âm nhờ bao công lao vất vả của các Vị Thừa Sai ban đầu. Đến thời kỳ Tông Toà (1659 – 1960). nhờ ơn Chúa củng cố nền tảng Đức Tin vững chắc, các tín hữu đã tiếp tục trưởng thành đến độ có thể làm chứng nhân bằng hiến cả mạng sống cho Hội Thánh được lớn mạnh, và “khi thời gian đã mãn” Hội Thánh tại Việt Nam đã hiên ngang bước vào thời kỳ Chính Toà kể từ năm 1960 tới nay, theo Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum ngày 24/11/1960 của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam (x. Niêm Giám 1964 – Việt Nam Công giáo, trang 174).

Trong thoáng nhìn ấy, người tín hữu Việt Nam vẫn đọng lại trong tâm tư những lời khuyên nhủ, các giáo huấn, hướng dẫn, và những chia sẻ tâm tình của các Vị Chủ Chăn kính mến nơi giáo phận, cũng như trên toàn quốc. Nơi đây, chúng tôi chỉ ghi lại một số lời các chủ chăn tác động hiệu quả tới công cuộc Truyền Giáo mà chúng ta đang bàn.

3. THẬP NIÊN CUỐI THỜI KỲ TÔNG TOÀ

Thư Chung 1951: Giữ gìn Đức Tin và bước đi thận trọng

Lịch sử có lối đi riêng của nó. Đức Tin của người Công giáo lại bị coi như vật cản của một chính thể mới. Trước những khó khăn cho việc truyền đạo và sống đạo, các Giám Mục tại Đông Dương lúc đó đã họp tại Hà Nội từ 05-10/11/1951 dưới quyền chủ tọa cuả ĐGM John Dooley Khâm Sứ Toà Thánh Tại Đông Dương để soạn thư chung mô tả tình hình Giáo Hội và đưa ra phương thức đối phó, trong đó có đoạn: “Vậy, hỡi các bạn linh mục thân yêu, anh em hãy dạy cho dân chúng biết học thuyết xã hội Công giáo, nhất là phải nhấn mạnh vào hai nhân đức nền tảng: công bình và bác ái. Cả giáo sĩ và giáo dân, hãy sống một đời Công giáo sâu xa đặt nền trên nguyên tắc Phúc Âm. Đức bác ái cuả bổn đạo thời xưa đã chinh phục được thế giới trở lại. Bác ái là nhịn nhục, chịu đựng, tha thứ và thành thực muốn làm sự lành cho người khác. Đức bác ái cuả Chúa Kitô đã toàn thắng tật ghen tương của thế gian thì đức bác ái của anh em cũng sẽ thắng cơn ghen ghét của những địch thù Thiên Chuá”. Trong số 11 Giám Mục ký thư chung này có 5 Giám Mục là người Việt Nam (GM Phêrô Ngô Đình Thục, GM Anselmô Lê Hữu Từ, GM Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, GM Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, GM Giuse Maria Trịnh Như Khuê).

Trong thời điểm có vẻ đen tối này, thì một an ủi lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam đó là ngày 29/4/1951 Đức Thánh Cha Piô XII suy tôn chân phước 25 vị Tuẫn Đạo Việt Nam. Biến cố này cũng cố đức tin của người Công giáo Việt Nam (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 30)

Thư Chung 1952: Sống đạo trong dòng văn hóa dân tộc

Các Giám mục tại Việt Nam luôn cố gắng theo sát diễn biến thời cuộc, nên năm 1952 đã gửi một thư chung nữa để nhấn mạnh sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, mà mọi Kitô hữu phải dự phần theo “nhiệm vụ giáo hóa và hướng dẫn trong phạm vi Đức Tin và Luân lý” của giáo quyền. Thư chung đề cao lòng yêu mến nền văn hóa dân tộc: “Hội Thánh Chúa Kitô không thể nghĩ đến việc chỉ trích hay miệt thị những tính cách riêng biệt mà từng dân tộc với lòng sùng kính ham chuộng và sự hãnh diện sáng suốt bảo tồn và coi như một di sản quí hoá”. Về mặt xã hội, thư chung cảnh cáo: “Tư sản là một thực quyền phát nguyên từ nhân vị, muốn phá tư sản tức là đồng thời muốn huỷ hoại trật tự trong xã hội”. Giáo huấn của thư chung cũng hô hào giáo dân tham gia sinh hoạt các đoàn thể Công giáo tiến hành để được huấn luyện sống đạo vững chắc hơn.

Để cụ thể hóa các giáo huấn về truyền giáo, các Giám Mục đã quyết định thành lập một “Trung tâm hoạt động tông đồ giáo dân” và đặt Linh Mục Gérard Gagnon (Cha Nhân), dòng Chúa Cứu Thế điều khiển trung tâm. Sau này Cha Gagnon đã lập “biệt thự Thánh Tâm” tại Đà Lạt giúp tập trung huấn luyện nhiều đoàn viên tông đồ cho các đoàn thể của nhiều giáo phận. Cộng tác với Cha Gagnon có Linh Mục Bart. Nguyễn Trí Mạnh (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 34).

Thư Chung 1953: Phân biệt phạm vi Công giáo và phạm vi chính trị

Băn khoăn về tình hình phức tạp của thời cuộc và ý thức trách nhiệm của chủ chăn, nên các Giám Mục lãnh đạo Giáo Hội viết thêm một thư chung để chỉ ra những nguyên tắc cụ thể về những hoạt động thuộc phạm vi quốc gia hay thế tục. Trong đó xác định Công giáo là một “đoàn thể hoàn toàn tôn giáo và là thành phần của Hội Thánh chung cho thế giới, và không bao giờ có ý nghĩa Hội Thánh là một đoàn thể chính trị”. Từ nguyên tắc này các Giám Mục xác định quyền “nói nhân danh Hội Thánh Việt Nam” - “Không gia nhập một đảng phái chính trị nào và không phản đối chính thể nào, nếu chính thể đó biết công nhận những quyền lợi bất di dịch của Hội Thánh” - Người Công giáo “được tự do nhập đoàn thể hay đảng phái chính trị họ thấy am hợp, miễn là những đoàn thể đảng phái đó tôn trọng tôn chỉ hay trong chương trình hoạt động không có gì phản trái với một lương tâm Công giáo sáng suốt”.

Thư chung cũng nhấn mạnh người Công giáo lúc nào “cũng phải giữ đạo Công giáo một cách khiêm tốn nhưng cương quyết”. Mặt khác, các giám mục cũng tìm cách phổ biến sâu rộng giáo dục Công giáo, nên Đức Khâm sứ Dooley đã mở hội nghị báo chí Công giáo 30/3/1954, có 13 tờ báo tham dự, lập ra uỷ ban liên lạc báo chí Công giáo Việt Nam. Uỷ ban đã không thực hiện đuợc mục tiêu vì xảy ra biến cố di cư 1954 (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 34 và các trích dẫn HGPCGVN từ tr. 109-114)

Biến cố lịch sử: cuộc di cư 1954

Hiệp Định Genève 1954 chia đội đất nước Việt Nam: từ vĩ tuyến 17 lên phía Bắc thuộc chế độ cộng sản, phần còn lại là miền Nam tự do. Giáo Hội Việt Nam cũng chịu chung số phận chia cắt này, vì phần bị chia cắt ở miền Bắc lại là phần rất đông giáo dân. Khoảng 650.000 giáo dân đã rời bỏ miền Bắc di cư vào Nam, tìm tự do và được giữ đạo dễ dàng hơn. Cùng cuộc di cư này, còn có mấy trăm ngàn đồng bào khác. Các linh mục, tu sĩ người nước ngoài cũng dần dần phải rời bỏ nhiệm sở miền Bắc.

Đức Cha Phêrô Maria Phạm ngọc Chi được Đức Khâm sứ Dooley trao nhiệm vụ coi sóc giáo dân và giáo sĩ di cư. Có hai linh mục phụ tá là Mic. Nguyễn Khắc Ngữ giáo phận Lạng Sơn và Dom. Hoàng Mạnh Hiền, dòng Đa Minh.

Trong thời điểm chia cắt phũ phàng này, nhiều vị chủ chăn đã chọn thi hành sứ mạng trong thử thách của chế độ mới, nhiều vị đã vào miền Nam tự do lại trở ra Bắc để ươm trồng và truyền giảng Phúc Âm. Vị Giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh như Khuê, một người nổi tiếng khôn ngoan, thánh thiện và cương quyết đã xây dựng và khánh thành một nhà thờ mới do một linh mục thừa sai ngoại quốc làm chính xứ chỉ vài tháng trước khi thành lập nhà nước cộng sản miền Bắc vào năm 1954 (Histoire universelle des missions catholiques. Vol III, p. 232-233-photos). Thời gian ngắn sau đó, các thừa sai cũng phải ra đi. Cha Paul Carat MEP viết về Đức Cha Khuê: “Chúng tôi được lãnh đạo bởi một con người thánh thiện, Ngài nêu gương sáng cho mọi người ... Ngài lợi dụng tự do tương đối đi thăm Phủ Doãn Tông Toà của Ngài. Bị chặn chỗ này, Ngài chạy chỗ khác, và nài nỉ tín hữu giữ Đức Tin kiên cường ... Ngài nói: “Nếu sau này các giáo dân của tôi phải chịu khổ thể xác hay tâm hồn, thì chính tôi là người phải trả lẽ trước mặt Chúa” (Lettres du P. Paul Carat, MEP).

Sau cuộc di cư, 10 giáo phận miền Bắc chỉ còn lại 7 Giám Mục, 374 Linh Mục và một số ít tu sĩ phục vụ 750.000 tín hữu. Xem ra biến cố 1954 là một thử thách gay go cho sự sống đạo và truyền đạo của Giáo Hội Công giáo cả 2 miền Nam - Bắc tại Việt Nam: Sứ mạng truyền giáo phải thích nghi theo dòng lịch sử.

Trong góc độ truyền giáo, ý nghĩa của sứ mạng Phúc Âm lúc này nhấn mạnh vào cầu nguyện, hy sinh, và chia sẻ. Những tín hữu Việt Nam lúc này chính là những hạt giống tuyệt hảo nhất đang được gìn giữ ấp ủ trong kho lẫm của Thiên Chúa, đợi ngày tung gieo trên cánh đồng quê hương. Thời điểm này chưa phải là mùa gặt để có thể nói tới con số các tín hữu gia tăng do những phong trào truyền giáo hằng mong ước chỗ này hoặc chỗ kia.

Cũng nên nhắc lại ở đây sau Hiệp Định Genève 1954, vì tình hình chính trị, vị Khâm sứ Toà Thánh đóng ở miền Bắc Việt Nam, không liên lạc được với các lãnh thổ khác thuộc quyền, vì vậy ngày 15/2/1956 Toà Thánh đặt một vị Thanh tra Tông Toà tại Saigon. Sau đó, ngày 13/3/1957 vị Thanh tra Tông Toà được nâng lên thành Đại lý Khâm Sứ (x. Niêm Giám 1964 - VNCG tr. 166). Đến năm 1959 vị Khâm Sứ Toà Thánh rời Hà Nội. Toà Thánh thiết lập Toà Khâm Sứ tại Saigon. Đức Cha Mario Brini được cử làm Khâm Sứ Toà Thánh ở Việt Nam. Ngài có công rất lớn trong việc Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam.

Từ những ghi nhận trên đây, ta có thể hướng tới thời kỳ Chính Toà đầy phấn khởi đã gặt hái nhiều kết quả, và làm nảy sinh những viễn tượng lạc quan hơn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top