Đường vinh quang
WGPSG -- Vinh quang: Hai chữ làm cho con người phải quay quắt, phải cố tìm cho được bằng mọi giá. Vinh quang mà người ta có được có thể là do kỹ xảo, do tài năng của một cá nhân hay do cả nhóm của người ta làm ra... Và có vinh quang có nghĩa là có quyền lực, có lợi ích, có tiền bạc, có lạc thú… Tất cả những vinh quang ấy chỉ là vinh quang của người đời, của thế gian.
Có một vinh quang khác không phải của người đời, đấy là vinh quang trên thập giá, vinh quang bằng con đường khổ nạn mang tên Giêsu. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Philip:
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Pl 2, 6-9)
Hình ảnh cây thánh giá đã được loan báo tự ngàn xưa trong hành trình sa mạc Horeb. Ta nghe lại trình thuật trong sa mạc rằng dân Israel mất kiên nhẫn khi gặp khó khăn thử thách và họ đã tỏ lòng bất kính với Thiên Chúa: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Aicập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.”
Họ đã không cảm nhận được tình thương mà Thiên Chúa dành cho họ. Họ đâu chịu nhớ lại bao nhiêu lần họ quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương họ. Quá ngỗ nghịch, họ đã dựng con bò vàng lên để tôn thờ thay vì họ tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của đời họ.
Để nhắc nhớ cho họ về tình yêu của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho rắn độc đến. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết. Và rồi, dân lại đến năn nỉ ông Mô-sê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.”. Nghe những lời ai oán như thế, Môsê thương dân và rồi lại lên núi gặp Thiên Chúa để nài nỉ Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với Môsê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.”
Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
Con rắn đồng ngày xưa trong sa mạc chính là hình ảnh của Chúa Giêsu trên thập tự. Ngược với sự bất trung của ông bà nguyên tổ Ađam Eva khiến con người phải trầm luân, và ngược với sự nỗ nghịch của Dân Do Thái khiến hành trình sa mạc trở nên tồi tệ, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha! Xin theo ý Cha chứ đừng theo ý con". Với tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Cha và cho nhân loại, Ngài đã chấp nhận con đường thập giá, chấp nhận bị treo đau đớn trên thập tự, để có thể kéo mọi người lên cùng Ngài, lên với ơn Cứu độ muôn đời.
Hành trình thập giá không dễ dàng. Chúa Giêsu vẫn bị giằng co, vẫn bị cám dỗ rời xa con đường thập giá. Nhưng ngay sau những bày tỏ rất trung thực về cuộc chiến đấu nội tâm, Chúa Giêsu ngay lập tức xin được theo thánh ý của Chúa Cha chứ không theo ý của riêng mình.
Chợt nhớ lại chuyện hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin được làm tể tướng (bên tả và bên hữu) Thầy Giêsu khi Ngài được vinh quang. Không biết là do ý hai ông hay do bà mẹ, vì Tin Mừng cũng kể lại: chính bà mẹ đến xin cho hai con của bà được như thế. Chúa Giêsu nói ngay: chuyện ngồi bên tả hay bên hữu là tùy thuộc vào Chúa Cha, nhưng có can đảm uống chén đắng mà Ngài sắp uống hay không?
Chuyện hai anh em nhà Giêbêđê cầu xin như thế có hơi buồn cười một chút, nhưng nếu là ta, có thể ta cũng sẽ thưa ngay với Chúa Giêsu rằng: chén đắng thì con không dám đâu, nhưng ghế một hay ghế hai trong triều đình thì xin Thầy cứ để đấy cho con! Thực tế cuộc đời là như vậy, bởi lẽ ai cũng muốn vinh quang, nhưng chẳng ai thích đau khổ cả.
Thật ra, đau khổ có một giá trị nhất định trong cuộc đời cũng như trong đời sống thiêng liêng. Cái gì cũng phải có giá của nó. Người mẹ phải đau đớn vô cùng thì mới sinh ra được đứa con yêu dấu của mình. Ai thành công hôm nay cũng phải đi qua những đau khổ tê tái của cuộc đời. Vinh quang của Thiên Chúa, tất nhiên, phải được trả bằng cái giá của cây thập tự.
Chính vì bỏ mình đến tận cùng nên Chúa Giêsu đã vâng theo Cha đến tột đỉnh. Chỉ cần theo ý riêng một chút thôi thì coi như hỏng tất cả chương trình mà Thiên Chúa dành cho Chúa Giêsu. Vâng, Chúa Giêsu là Con Chúa Cha và là Thiên Chúa mà còn phải chịu đau khổ như thế; còn chúng ta là ai mà không đón nhận những đau khổ.
Để vui vẻ đón nhận đau khổ, ta nên mặc lấy tâm tình của ông Giob khi ông rơi vào hoàn cảnh bi đát của cuộc đời. Ông nói với vợ ông rằng: Khi ta nhận được ơn lành của Chúa thì ta không nói gì, khi Chúa gửi đến ta một chút đau khổ ta lại “càm ràm” với Chúa sao?
Hôm nay Giáo Hội suy tôn Thánh Giá để mời ta nhìn lại vinh quang mà Thiên Chúa trao ban cho Chúa Giêsu qua con đường thập tự, để rồi cũng mời ta nhìn lại đời mình. Hãy mang lấy tình yêu để chung chia với Chúa Giêsu những đớn đau ngoài thể xác cũng như trong tâm hồn, để rồi mai ngày chúng ta cũng được hưởng vinh quang Nước Chúa cùng với Chúa Giêsu.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024