Đức Thánh Cha tông du Sri Lanka: để gặp gỡ, khích lệ và cầu nguyện
WHĐ (13.01.2015) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Colombo, Sri Lanka, vào khoảng 9 giờ sáng (giờ địa phương) hôm nay thứ Ba 13-01, mở đầu chuyến tông du kéo dài một tuần lễ đến hai quốc gia châu Á là Sri Lanka và Philippines. Nghi lễ đón tiếp Đức Thánh Cha diễn ra hết sức long trọng với các vũ điệu truyền thống, ban hợp xướng thiếu nhi trình diễn một bài hát được soạn riêng cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, ban nhạc quân đội cử quốc thiều của Toà Thánh và của Sri Lanka, cùng với 21 phát súng đại bác chào mừng.
Vị Tổng thống mới được bầu của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena, đã ngỏ lời chính thức chào mừng Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài đến thăm đất nước Sri Lanka và xin Đức Thánh Cha chúc phúc cho ông và và cho cả quốc gia và dân tộc của ông:
“Quả thật rất có ý nghĩa khi Đức Thánh Cha mở đầu chuyến tông du này đến châu Á với việc viếng thăm Sri Lanka. Chuyến viếng thăm của Ngài cũng đặc biệt quan trọng với cá nhân tôi, vì tôi mới chỉ được bầu vào chức vụ Tổng thống vài ngày trước đây. Chuyến viếng thăm của Ngài cho tôi cơ hội nhận được phúc lành của Ngài khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ của chức vụ Tổng thống”.
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đảo quốc được mệnh danh là “viên ngọc của Ấn Độ Dương” vì vẻ đẹp thiên nhiên của nó, diễn ra khi người dân Sri Lanka đang nỗ lực chữa lành những vết thương của cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ vừa mới kết thúc vào năm 2009. Nhu cầu hoà giải thực sự để thực hiện công lý và nền hoà bình chân thật và lâu dài, là chủ đề chính mà Đức Thánh Cha nói đến tại buổi lễ đón tiếp:
“Thật là một bi kịch kéo dài trong thế giới của chúng ta khi có nhiều cộng đồng đang có chiến tranh với nhau. Việc không có khả năng hoà giải những khác biệt và bất đồng, dù là cũ hay mới, đã làm tăng thêm căng thẳng về sắc tộc và tôn giáo, thường kéo theo sự bùng phát bạo lực. Sri Lanka trong nhiều năm qua đã nếm trải những kinh hoàng của cuộc nội chiến, và bây giờ đang tìm cách củng cố hoà bình và chữa lành những vết sẹo của những năm tháng đó. Thật không dễ dàng để vượt qua những di sản cay đắng của những bất công, thù địch và nghi ngờ mà cuộc xung đột đã để lại. ‘Chỉ có thể vượt thắng điều ác bằng điều thiện’ (Rm 12,21) và bằng cách vun trồng những đức tính nuôi dưỡng hoà giải, đoàn kết và hoà bình. Tiến trình chữa lành đòi hỏi phải tìm kiếm sự thật, không phải để khơi lại vết thương cũ, nhưng là một phương thế cần thiết để thúc đẩy công bằng, chữa lành và thống nhất”.
Vai trò của các tín hữu trong việc xây dựng hoà bình và cổ võ thiện ích chung cũng là một chủ đề khác mà Đức Thánh Cha muốn nói:
“Các bạn thân mến, tôi tin chắc rằng các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau đều có vai trò thiết yếu trong tiến trình tế nhị của việc hoà giải và tái thiết đang diễn ra tại đất nước này. Để tiến trình ấy đi đến thành công, mọi thành viên của xã hội phải chung nhau làm việc; mọi người đều phải có tiếng nói. Mọi người phải được tự do bày tỏ những quan tâm, nhu cầu, nguyện vọng và mối lo sợ của mình. Quan trọng nhất, họ phải được chuẩn bị để chấp nhận lẫn nhau, tôn trọng những khác biệt, và học cách sống như một gia đình. Khi nào chúng ta biết lắng nghe nhau một cách khiêm tốn và cởi mở, các giá trị và nguyện vọng chung của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đa dạng không còn bị coi là một mối đe dọa, nhưng như một nguồn mạch làm cho phong phú. Đường dẫn đến công lý, hoà giải và hoà hợp xã hội sẽ trở nên rõ nét hơn”.
Trọng tâm chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Sri Lanka là tuyên thánh cho Chân phước Joseph Vaz, một linh mục sống vào thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, là vị anh hùng vĩ đại của sự nghiệp Phúc Âm ở Sri Lanka - một sự nghiệp vẫn còn rất sống động và đem lại ích lợi cho người dân Sri Lanka ngày nay:
“Chuyến viếng thăm của tôi đến Sri Lanka chủ yếu là mục vụ. Với tư cách mục tử của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, tôiphải đến gặp gỡ, khích lệ và cầu nguyện với dân Công giáo của hòn đảo này. Điểm nhấn của chuyến viếng thăm này là lễ tuyên thánh cho Chân phước Joseph Vaz, mà tấm gương của ngài về lòng bác ái Kitô giáo và kính trọng mọi ngườikhông phân biệt sắc tộc hay tôn giáo, vẫn còn là niềm cảm hứng và lời giáo huấn cho chúng ta ngày nay. Nhưng chuyến viếng thăm của tôi cũng muốn thể hiện lòng yêu mến và sự quan tâm của Giáo hội đối với mọi người dân SriLanka, và khẳng định mong muốn của cộng đồng Công giáo, muốn là một thành viên tích cực trong đời sống của xã hội này”.
Lễ tuyên thánh cho Chân phước Joseph Vaz sẽ diễn ra trong một Thánh lễ ngoài trời tại Colombo vào ngày thứ Tư 14-01.
(Vatican Radio)
Minh Đức
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô