Đức Phanxicô: không có hai nhà nước, hòa bình ở thánh địa vẫn còn xa vời

Đức Phanxicô: không có hai nhà nước, hòa bình ở thánh địa vẫn còn xa vời

Đức Phanxicô: không có hai nhà nước, hòa bình ở thánh địa vẫn còn xa vời

ĐỨC PHANXICÔ: KHÔNG CÓ HAI NHÀ NƯỚC, HÒA BÌNH Ở THÁNH ĐỊA VẪN CÒN XA VỜI

Vatican News

Trong một cuộc phỏng vấn được nhật báo La Stampa của Ý đăng tải, Đức Phanxicô khẩn thiết kêu gọi “một lệnh ngừng bắn toàn cầu”, bởi vì “chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm”. Về chủ đề Fiducia supplicans, ngài hy vọng “mọi người bình tâm”, Tuyên ngôn này mong muốn “bao gồm chứ không chia rẽ”. Đức Thánh Cha cũng nói rằng ngài cảm thấy “giống như một cha sở của một giáo xứ toàn cầu”.

Đã có thỏa thuận Oslo, rất rõ ràng, với giải pháp hai Nhà nước. Chừng nào thỏa thuận này còn không được thực hiện, thì hòa bình đích thực sẽ vẫn còn xa vời”. Đây là cảm nhận của Đức Thánh Cha về tình hình ở Thánh địa, sau các cuộc tấn công của Hamas và cuộc chiến tàn phá các thành phố ở Dải Gaza, được thổ lộ với Domenico Agasso, chuyên viên về Vatican của nhật báo La Stampa của Ý, trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Hai ngày 29/1/2024. Đề cập đến nhiều cuộc xung đột đang diễn ra, Đức Phanxicô mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình, chỉ ra rằng đối thoại là con đường khả thi duy nhất và yêu cầu “ngăn chặn ngay lập tức bom và tên lửa, chấm dứt thái độ thù địch ở khắp mọi nơi”, nhấn mạnh tính cấp bách của “lệnh ngừng bắn toàn cầu”, bởi vì “chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm”.

Niềm hy vọng cho Thánh địa và Ucraina

Đức Thánh Cha giải thích sự phản đối của ngài khi nói về một cuộc chiến tranh “chính đáng”, ngài thích nói rằng việc tự bảo vệ mình là hợp pháp, nhưng tránh “biện minh cho các cuộc chiến tranh, vốn luôn có hại”. Ngài nói rằng ngài lo sợ một sự leo thang quân sự nhưng vẫn nuôi dưỡng một niềm hy vọng nào đó “bởi vì các cuộc họp bí mật đang diễn ra để cố gắng đạt được một thỏa thuận. Một thỏa thuận ngừng bắn sẽ là một kết quả tốt”. Đức Phanxicô mô tả Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là một “nhân vật quan trọng”, người “hành động tốt” và cố gắng hòa giải.

Ngài gọi bằng video đến giáo xứ Gaza hàng ngày và nói rằng “việc thả con tin Israel” là ưu tiên hàng đầu.

Liên quan đến Ucraina, người kế nhiệm Thánh Phêrô nhắc lại sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi trong cuộc phỏng vấn: “Tòa Thánh đang cố gắng làm trung gian cho việc trao đổi tù nhân và trao trả thường dân Ucraina. Chúng tôi đang làm việc đặc biệt với Maria Llova-Belova, ủy viên về quyền trẻ em của Nga, để hồi hương những trẻ em Ucraina bị cưỡng bức đưa về Nga. Một số đã trở về với gia đình của mình”.

Tuyên ngôn Fiducia supplicans muốn bao gồm

Về chủ đề Fiducia supplicans, ngài hy vọng “mọi người bình tâm”, Tuyên ngôn mong muốn “bao gồm chứ không chia rẽ”. Trong cuộc phỏng vấn được đăng bởi nhật báo La  Stampa, Đức Phanxicô nhắc lại rằng “Chúa Kitô kêu gọi mọi người” và khi đề cập đến Tuyên ngôn cho phép chúc lành cho các đôi bạn bất quy tắc và đồng tính luyến ái, ngài giải thích: “Tin Mừng nhằm mục đích thánh hóa mọi người. Tất nhiên, với điều kiện là có thiện chí. Cần phải đưa ra những hướng dẫn chính xác về đời sống Kitô hữu (tôi nhấn mạnh rằng chúng ta không chúc lành cho sự kết hợp mà là cho con người). Nhưng tất cả chúng ta đều là tội nhân: vậy tại sao lại lập ra một danh sách những tội nhân có thể vào Giáo hội và một danh sách những tội nhân không thể ở trong Giáo hội? Đó không phải là Tin Mừng”.

Về những lời chỉ trích tài liệu, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “những người phản đối một cách hung hăng đều thuộc về các nhóm nhỏ ý thức hệ nhỏ”, trong khi ngài xác định “một trường hợp riêng biệt”, vấn đề của Châu Phi, bởi vì đối với Châu Phi, “đồng tính luyến ái là một điều gì đó “xấu xí” theo quan điểm văn hóa, họ không chịu đựng được điều đó”. Nhưng nhìn chung, “tôi tin chắc rằng, từng chút một, mọi người sẽ bình tâm về tinh thần của Tuyên ngôn” vốn “muốn bao gồm chứ không chia rẽ. Nó mời gọi mọi người được đón nhận, rồi phó thác cho Thiên Chúa”.

Đức Phanxicô thừa nhận đôi khi cảm thấy cô đơn, “nhưng tôi luôn tiến về phía trước, ngày này qua ngày khác” và khẳng định rằng ngài không sợ ly giáo: “Luôn luôn có những nhóm nhỏ trong Giáo hội biểu lộ những suy tư ly giáo… chúng ta phải để họ như vậy và vượt qua… và nhìn về phía trước”.

Trí tuệ nhân tạo, cơ hội và nguy cơ

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến chủ đề trong sứ điệp gần đây của ngài nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, dành bàn về trí tuệ nhân tạo, mà ngài mô tả là “một bước tiến đẹp đẽ có thể giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng cũng có thể gây ra tác hại lớn ‘đối với nhân loại’ nếu nó được quản lý một cách phi đạo đứcMục tiêu là nó phải “luôn hài hòa với phẩm giá con người”, nếu không “đó sẽ là tự sát”.

Những chuyến tông du sắp tới

Đức Thánh Cha nói rằng ngài cảm thấy dễ chịu, mặc dù có một số cơn đau nhức, và ngài không nghĩ đến việc bỏ cuộc vào lúc này. Ngài nói về chuyến đi sắp tới ở Bỉ, Đông Timor, Papua New Guinea và Indonesia vào tháng Tám. Ngài để sang một bên giả thuyết về một chuyến đi đến Argentina và nói rõ rằng ngài không cảm thấy bị tổn thương trước những bình luận của Tổng thống Milei trong chiến dịch bầu cử. Ngài xác nhận một cuộc gặp với tân nguyên thủ quốc gia Argentina trong những ngày tới, ngay sau lễ phong thánh cho “Mama Antula” người Argentina dự kiến ​​vào ngày 11 tháng Hai. Ngài tuyên bố sẵn sàng đối thoại.

Giáo hội sắp đến và Mật viện 2013

Sau khi nhắc lại Ngày Thế giới Thiếu Nhi, vốn là những “thầy dạy cuộc sống” mà cần phải biết lắng nghe, Đức Thánh Cha nhắc lại ước mơ của ngài về một “Giáo hội đi ra” và nhớ lại những gì đã xảy ra sau bài phát biểu của ngài trong các phiên họp chung trước mật nghị vào năm 2013: “Sau bài phát biểu của tôi, đã có những tràng pháo tay, chưa từng thấy trong bối cảnh này. Nhưng tôi hoàn toàn không đoán được điều mà sau này nhiều người sẽ tiết lộ cho tôi: bài phát biểu này là sự “kết án” của tôi (cười, ghi chú của biên tập viên). Bước ra khỏi “phòng Thượng hội đồng”, một Hồng y nói tiếng Anh nhìn thấy tôi và thốt lên: “Đúng như những gì ngài nói! Bello. Bello. Tuyệt vời. Chúng tôi cần một Giáo hoàng như ngài! Nhưng tôi đã không để ý đến chiến dịch đang được chuẩn bị để bầu tôi. Cho đến bữa trưa ngày 13 tháng 3, tại Nhà Thánh Mátta, vài giờ trước cuộc bỏ phiếu quyết định. Trong khi chúng tôi đang ăn, tôi được hỏi hai hoặc ba câu hỏi “khả nghi”… Trong đầu tôi bắt đầu nghĩ nghĩ rằng “có điều gì đó kỳ lạ ở đây…”. Nhưng tôi vẫn chợp mắt được. Và khi họ bầu tôi, tôi có một cảm giác bình yên đến bất ngờ trong mình”.

Cuối cùng, Đức Phanxicô tâm sự với La Stampa rằng ngài cảm thấy như “một cha sở, thuộc một giáo xứ rất lớn, toàn cầu, nhưng tôi muốn giữ tinh thần của một cha sở. Và sống giữa mọi người. Đó là nơi tôi luôn tìm thấy Thiên Chúa”.

Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (29.01.2024)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (29.01.2024)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top