Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ: “Xin cho tôi các linh hồn!”
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ: “Xin cho tôi các linh hồn!”
Trả lời phỏng vấn của website Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ (19.08.2009) – Như tin đã đưa, ngày 25-07-2009, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB, làm Giám mục Chính tòa Thái Bình.
Với việc bổ nhiệm này, giáo phận Thái Bình được chào đón vị mục tử kế vị Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang vừa được Tòa Thánh chấp thuận đơn xin nghỉ hưu.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ làm Giám mục Phụ tá giáo phận Bùi Chu, hiệu tòa Ammaedara, từ 2005 (Tòa Thánh bổ nhiệm ngày 29-11-2005, Lễ tấn phong ngày 18-01-2006), và đến 25-07-2009, Đức cha được bổ nhiệm Chính tòa giáo phận Thái Bình.
Hơn ba năm qua, Đức cha Phêrô đã thể hiện tinh thần của khẩu hiệu giám mục ngài đã chọn “Da mihi animas” - Xin cho tôi những linh hồn - qua sứ vụ phụ tá giám mục Bùi Chu và Chủ tịch Ủy ban Truyền thông trực thuộc HĐGM Việt Nam.
Nhân dịp này, Bản tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) thực hiện cuộc phỏng vấn Đức cha Phêrô, qua đó cung cấp cho quý độc giả những cảm nhận và chia sẻ của vị mục tử lãnh đạo dân Chúa tại Thái Bình, một giáo phận giàu kinh nghiệm sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Xin chân thành cảm ơn Đức cha Phêrô đã nhận trả lời phỏng vấn của WHĐ. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
* * *
1. Cuộc đời của Đức cha gắn liền với Dòng Salêdiêng và vừa trải qua ba năm phụ tá giám mục Bùi Chu. Đức cha có những cảm nhận gì về cuộc sống và con người ở những môi trường này?
Đức cha Phêrô Nguyễn văn Đệ: Thật là khó để trả lời câu hỏi nầy cho WHĐ khi phải nói về cuộc sống và con người ở những môi trường khác nhau mà tôi đã gặp, đã sống và đã trải qua nhiều năm trong đời: từ môi trường nhà Dòng Don Bosco Thủ Đức suốt 40 năm (1958), đến Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội với các cha giáo, các thầy đại chủng sinh, giáo dân Hà Nội hơn 5 năm và đặc biệt môi trường giáo phận Bùi chu trong 3 năm làm giám mục phụ tá vừa qua. Thật lòng, ở đâu tôi cũng thấy bình an, thư thái, thân thiện với mọi người, mọi việc được trao phó.
Tôi đã tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người, từ hàng giáo phẩm, hồng y, giám mục đến linh mục, tu sĩ, giáo dân, lương dân đến các trẻ lang thang bụi đời, khuyết tật, mồ côi v.v. ở miền Bắc nói chung và Hà Nội, Bùi Chu nói riêng. Mặc dầu vẫn có người định kiến, chê bai, gièm pha, phân biệt Bắc, Trung, Nam v.v.. nhưng tôi không cảm thấy tổn thương hay mặc cảm vì tôi nghĩ giá trị mỗi người không tùy thuộc nhiều vào những yếu tố ngoại tại bên ngoài như tầm vóc, hình dáng hay địa lý, thời tiết, môi trường cho bằng ở những giá trị nội tại, bên trong, thuộc bản chất, làm thành giá trị thật của người đó!
Về cuộc sống và con người của anh chị em giáo dân Bùi Chu mà tôi đã phục vụ trong 3 năm qua trong tư cách giám mục phụ tá, tôi đã nhận định và chia sẻ với hàng vạn người về dự lễ truyền thống Thánh Đa Minh trong ngày 8/8/2009 vừa qua là: càng sống lâu trong giáo phận Bùi Chu, tôi càng tự hào về giáo phận, một giáo phận phong phú, dồi dào về mọi mặt, cách riêng về đức tin, lòng đạo đức, nhiệt thành, thờ phượng Chúa, yêu mến Mẹ Maria, về lòng quảng đại, hào hiệp với Chúa, với tha nhân trong việc đóng góp công sức xây dựng, tái thiết thánh đường, về sự đoàn kết, hiệp nhất, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau trong gia tộc, làng xóm, quê hương, về lòng trung thành, mến yêu, phục vụ Giáo Hội, giáo phận của các Ban hành giáo, các đoàn thể và về nhiều mặt tích cực khác. Tôi rất cảm phục và biết ơn giáo phận Bùi Chu. Tôi sẽ luôn giữ mãi hình ảnh thân thương của giáo phận Bùi Chu trong trái tim tôi và trong lời cầu nguyện hằng ngày của tôi
2. Được biết Đức cha chọn khẩu hiệu cho sứ vụ giám mục “Da mihi animas” - Xin cho tôi các linh hồn. Xin Đức cha chia sẻ cho độc giả WHĐ về ý nghĩa của sự lựa chọn này.
Đức cha Phêrô Nguyễn văn Đệ: Thánh Don Bosco, Đấng lập Dòng Salêdiêng Don Bosco mà tôi được may mắn trở thành môn đệ của Ngài, đã chọn lấy cho mình câu châm ngôn “DA MIHI ANIMAS, COETERA TOLLE – XIN CHO TÔI CÁC LINH HỒN, CÒN MỌI SỰ KHÁC CỨ LẤY ĐI”.
Tôi đã được sống 51 năm trong ơn gọi Tu hội Thánh Don Bosco (1958-2009), chắc chắn tôi được giáo dục và hấp thụ rất nhiều tinh thần của Thánh Don Bosco. Để kính nhớ Cha Thánh Don Bosco và để tỏ lòng biết ơn với Tu hội Salêdiêng Don Bosco đã cưu mang, nuôi dưỡng và giáo dục tôi nên ngày hôm nay, tôi muốn chọn lại câu châm ngôn nầy của Don Bosco.
Khi chọn lại câu châm ngôn của Thánh Don Bosco, tôi có ý nhắc nhở mình nhớ đến đối tượng ưu tiên của sứ mệnh Don Bosco là phục vụ con người, cách riêng những người nghèo đói, khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Ý nghĩa của huy hiệu cũng có ý giúp tôi sống và thực hành châm ngôn nầy: Huy hiệu có hình của một tấm khiên thuẫn của người lính xưa dùng để chiến đấu và phòng vệ, được trang trí bằng 3 màu bạc, vàng, xanh với 2 biểu tượng mỏ neo và trái tim.
– Màu bạc của tấm khiên: diễn ta sự trong sáng, trung thực, công bằng là những nhân đức nền tảng của mọi Kitô hữu.
– Màu xanh của mỏ neo nói lên niềm tin tưởng, hy vọng tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa,
– Màu vàng với 12 ngôi sao bao quanh tượng trưng Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, một tước hiệu nói lên bản chất của mọi người Mẹ là yêu thương, che chở, phù hộ cho các con cái của mình. Thánh Don Bosco đã yêu mến và phó thác toàn thể công cuộc giáo dục và lập Dòng giáo dục của Ngài cho Mẹ Phù Hộ, và không ngừng quảng bá tước hiệu nầy! Ngài cam đoan “ai tin tưởng tuyệt đối vào Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu sẽ thấy phép lạ là gì.”
– Sau cùng là một trái tim rộng mở, cháy lửa sốt mến trao ban, khao khát các linh hồn, cách riêng linh hồn của những người nghèo đói, túng thiếu, cùng cực, bị bỏ rơi.
3. Vào lúc này, Đức cha muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng Dân Chúa tại Thái Bình và công việc của Ủy ban Mục vụ Truyền thông ?
Đức cha Phêrô Nguyễn văn Đệ: Với cộng đồng dân Chúa tại Thái Bình, tôi xin mượn lời của Thánh Phêrô để nói với anh chị em như sau: “Thưa anh chị em, vàng bạc, tiền của thì tôi không có, nhưng tất cả những gì quý giá nhất mà tôi có, tôi xin trao tặng tất cả cho anh chị em, đó là Đức Giêsu Kitô” (Cv 3,15)
Thật vậy, tôi ý thức hơn bao giờ hết về những giới hạn của mình trước một sứ vụ đầy thách đố và kỳ vọng của trên 3.600.000 lương dân thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, trong đó chỉ có 120.000 giáo dân, 70 linh mục và 150 tu sĩ. Tôi không thể không lo lắng; nhưng phó thác vào Chúa và lời cầu nguyện, sự cảm thông của anh chị em, tôi không còn lo sợ.
Tôi thâm tín rằng Chúa đang có một kế hoạch yêu thương tuyệt vời đối với giáo phận Thái Bình, và Chúa đang mời gọi mọi người trong toàn giáo phận, cách riêng các chủ chăn, giám mục, linh mục, tu sĩ cùng chung tay, cộng tác, đoàn kết, hiệp nhất với Chúa và với nhau, trở nên dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa, để Chúa sử dụng và thực hiện chương trình đầy yêu thương kỳ diệu của Chúa trên giáo phận, cho giáo phận và vì giáo phận.
Thật vậy, điều quan trọng để chương trình của Chúa được thực hiện không phải là tiền của, tài năng hay vật chất mà chính là: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không, con có yêu mến Giáo hội của Thầy không? Con có yêu mến Giáo phận Thái Bình của Thầy không?” Chớ gì mọi người chúng ta, ai ai cũng trả lời được cách nhiệt tình và mạnh mẽ như Thánh Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa, Chúa biết con yêu mến Giáo hội Chúa, Chúa biết con yêu mến giáo phận Thái Bình hết sức, hết lực, hết linh hồn, hết trí khôn con!”
Xin anh chị em hãy quảng đại đón nhận tôi như một thành viên bé nhỏ vào Đại gia đình giáo phận và xin cầu nguyện nhiều cho tôi để tôi luôn cố gắng bắt chước sống và thực hành tinh thần và lý tưởng sống của Thánh Phaolô: ‘Từ nay không còn là tôi sống nữa, mà là giáo phận Thái Bình, là anh chị em sống trong tôi!”
Từ nay sự sống tôi, trái tim tôi, hơi thở tôi, vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại của đời tôi xin được hoàn toàn gắn liền với cuộc sống của anh chị em, với cộng đồng Dân Chúa tại giáo phận Thái Bình. Xin cầu nguyện cho tôi đừng bao giờ nói gì, làm gì mà không vì lợi ích thiêng liêng của anh chị em và các linh hồn.
Với công việc của Ủy ban Truyền thông: Nhiều người nói rằng ai làm chủ được truyền thông, người đó chiến thắng. Thật vậy, ai ai cũng thấy tầm mức vô cùng quan trọng, sự khẩn thiết, ảnh hưởng và hiệu quả khôn lường của truyền thông trong mọi lãnh vực đạo đời, tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế v.v... tất tất đều lệ thuộc vào tiếp thị, thông tin. Công đồng Vativcan II đã dành hẳn một khoá hội để thảo luận bàn về vai trò nhiệm vụ của Truyền thông và các phương tiện truyền thông trong mục vụ và trong Truyền giáo.
Về truyền thông và trang web của các giáo phận, dòng tu, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica (1963) nhắc lại, đây là một trong những nhiệm vụ chính của Giám mục Giáo phận. Hiện tại đã có 15/26 giáo phận, và khoảng 20 dòng tu có trang web rất mạnh và rất phong phú. Hy vọng sớm muộn tất cả các giáo phận còn lại và các dòng tu đều có trang web của mình. Trong dịp các Giám mục Việt Nam viếng thăm ad limina Hội đồng Tòa thánh về Truyền thông, Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Truyền thông, đã biểu dương, cổ vũ và khuyến khích phát triển tốt hơn nữa và phong phú hơn nữa các trang web giáo phận và dòng tu để bù lại cho sự hạn chế về quyền tự do thông tin, tự do báo chí, truyền thanh, truyền hình, in ấn và phát hành sách báo công giáo v.v... Ngài còn hứa cung cấp học bổng để đào tạo các chuyên viên truyền thông phục vụ Giáo hội và Dân tộc với điều kiện các chuyên viên nầy phải phục vụ thời gian lâu dài, nhiều năm cho truyền thông.
Về cơ cấu, nhân sự, hoạt động của Uỷ ban Truyền thông: tuy đã có chỉ nam, nội dung, đường huớng hoạt động rõ ràng trên văn bản, nhưng cho đến nay hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân và lý do chính là vì nhân sự không ổn định, và kinh phí hoạt động không có. Các nhân sự giáo phận và dòng tu không được bề trên cắt cử nhiệm kỳ rõ ràng, nên chỉ làm việc cách tự nguyện, bán thời gian, hay kiêm nhiệm nhiều việc, do đó không chuyên nghiệp, ngoài ra cũng còn thiếu rất nhiều các phương tiện tối thiểu như thời giờ, máy tính, điện, internet, phương tiện đi lại để hội họp, học hỏi…
Riêng về đường hướng kế hoạch phát triển truyền thông của Uỷ ban Truyền thông trong năm 2009-2010, thì vẫn tiếp tục duy trì và triển khai các kế hoạch của các tiểu ban ngành đã được toàn ban thông qua. Cũng vậy với các chương trình huấn luyện, dạy học các chủng sinh, tu sĩ về truyền thông trong các đại chủng viện. Tiếp tục mở các khóa tập huấn ngắn hạn về viết bài, thông tin, bình luận báo chí, và thao tác nghiệp vụ chụp hình, quay phim, vi tính... cho sinh viên, học sinh, giáo lý viên, giáo dân. Tiếp tục nỗ lực dịch các sách vở, tài liệu về truyền thông trong bộ sách của Cha Jozef Eilers, trưởng phân khoa Truyền thông đại học SVD, Manila, ra tiếng Việt và có thể dùng làm giáo trình trong các đại chủng viện, các khóa đào tạo. Hiện đã dịch được 4 cuốn. Các chương trình dài hạn khác sẽ được bàn thảo trong cuộc họp thường niên của toàn Uỷ Ban vào cuối năm 2009.
Để kết thúc, tôi xin được nhắc lại về sự khẩn thiết, tầm quan trọng và lợi ích vô cùng lớn lao của truyền thông trong việc thông truyền Chúa. Kính xin quý Đức cha, quý dòng tu nam nữ, quý hiệp hội tông đồ và anh chị em giáo dân hãy dành sự quan tâm thích đáng cho nhiệm vụ truyền thông của giáo phận, dòng tu và hiệp hội tông đồ, vì bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, là thông truyền Chúa cho mọi người, mọi nơi. Hãy dùng những phương tiện tân kỳ nhất cho việc truyền giáo.
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô