Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh: “Tôi khẳng định lại Đại hội (Dân Chúa) là diễn đàn cho mọi thành phần dân Chúa cùng nói lên tâm tư, nguyện vọng”
WHĐ (11.10.2010) – Từ ngày 4 đến 8 tháng 10/2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã họp Đại hội tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM. Sau Đại hội này, biên tập viên Gia Minh của RFA đã phỏng vấn Đức cha Nguyễn Chí Linh về hai nội dung của Đại hội: “Ủy ban Công lý và Hòa bình” và “Đại hội Dân Chúa”. Bài trả lời phỏng vấn được đăng thành 2 phần trên trang web của RFA ngày 09-10-2010 với 2 tựa đề. WHĐ đăng lại bài này với tựa đề mới và lược bỏ các tiêu đề.
GM Nguyễn Chí Linh: Kỳ này Hội đồng Giám mục bàn chủ yếu về Đại hội Dân Chúa sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây, và lễ bế mạc Năm Thánh vào tháng giêng năm 2011. Hội đồng Giám mục cũng bầu lại chủ tịch và những vị phụ trách các ủy ban, nhưng nói chung không có thay đổi gì nhiều: Đức cha Nhơn vẫn làm chủ tịch, tôi vẫn là phó chủ tịch. Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt xin nghỉ hưu vì vấn đề sức khỏe. Đức cha Hoàng Văn Đạt, giáo phận Bắc Ninh được bầu làm tổng thư ký, phó tổng thư ký là đức cha Nguyễn Văn Khảm. Ngoài các Ủy ban Giám mục nay có thêm Ủy ban Công lý và Hòa bình. Nói chung không có thay đổi lớn.
Gia Minh: Cơ sở cho sự ra đời của Ủy ban Công lý và Hòa bình là gì?
GM Nguyễn Chí Linh: Thực sự ra Ủy ban Công lý và Hòa bình là một ủy ban mà hầu hết Hội đồng giám mục nào cũng có. Đây cũng theo cấu trúc của Vatican: Văn phòng Giáo hoàng Ủy ban Công lý và Hòa bình. Tại Việt Nam, từ trước đến nay do tình hình nhân sự không đủ. Nay có thêm người, nên thêm Ủy ban. Đức giám mục mới nhất của Việt Nam, đức cha Nguyễn Thái Hợp, giám mục Vinh làm chủ tịch.
Gia Minh: Vừa qua tại nhiều giáo xứ ở Việt Nam có những vụ việc đòi hỏi công lý; những vụ đó dường như chỉ ‘gói gọn’ trong địa phương mà Hội đồng Giám mục Việt Nam không lên tiếng đại diện cho họ. Vậy Ủy ban Công lý và Hòa bình trong thời gian tới có kế hoạch gì trong vấn đề đó?
GM Nguyễn Chí Linh: Có lẽ dư luận chung hiểu khái niệm ‘công lý và hòa bình’ khác với quan điểm của giáo hội Công giáo. ‘Công lý’ cũng đồng nghĩa với ‘tình thương’, con người sống với nhau bằng sự tôn trọng quyền lợi của nhau, tôn trọng những sở thích của nhau…
Bây giờ trong bối cảnh Việt Nam có một số biến động, phần nào mang màu sắc chính trị, nên người ta hiểu công lý là phải đấu tranh cho quyền lợi của người Công giáo, chẳng hạn vấn đề đất đai. Thế nhưng thực sự không phải thế. Có người còn cho rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam phải lên tiếng để bênh vực quyền lợi. Nguyện vọng đó cũng chính đáng; nhưng Hội đồng Giám mục Việt Nam có sứ mệnh mang tính toàn diện, chứ không phải chỉ đấu tranh cho công lý và hòa bình.
Một đàng mình cũng cần ‘công lý, hòa bình’; một đàng cũng cần phải làm cho sự hiện hữu của mình giữa lòng xã hội hiệu quả về mọi phương diện. Đó là một bài toán khó; nhưng có người muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam phải ‘thế nọ, thế kia’.
Vấn đề không đơn giản, một cách ‘bàng quan’, chúng ta nghĩ đơn giản, thế nhưng đối với người xử lý không đơn giản như thế. Cho nên vấn đề đặt ra nói giáo dân yêu cầu phải lên tiếng cho ‘công lý, hòa bình’ là vấn đề khái niệm, quan điểm khác nhau. Như thế phải giải thích để người ta có thể hiểu đúng đắn về việc hoạt động cho ‘công lý và hòa bình’ của giáo hội, cách riêng của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Gia Minh: Người giáo dân cũng nói Hội Đồng Giám mục Việt Nam cho rằng mình có ‘cách’ riêng để giải quyết vấn đề; nhưng theo giáo dân cách ‘im lặng’ lâu nay không có hiệu quả, không theo đúng tinh thần Phúc Âm: gương Đức Kitô phải dấn thân đấu tranh và chịu hy sinh thân mình?
GM Nguyễn Chí Linh: Con người và sứ mệnh của Đức Kitô không thể giới hạn hay giản lược thuần túy vào vấn đề ‘im lặng’ hay ‘không im lặng’ mà thôi.
Đức Kitô xuống thế làm người, điều quan trọng là để giải phóng con người khỏi tội lỗi, khỏi những vướng mắc nội tâm. Bây giờ chúng ta chỉ nghĩ rằng Đức Kitô xuống thế làm người chỉ để đấu tranh cho công lý và hòa bình theo nghĩa mà người ta nghĩ lâu nay, theo tôi cũng hơi phiến diện.
Có điều là Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể giải thích, và nếu có giải thích không hiểu có người chịu hiểu hay không? Người ta có quan điểm của họ, nhưng Hội đồng Giám mục Việt Nam không nhất thiết phải làm y như người ta quan niệm hay chờ đợi. Bởi vì đa số người giáo dân Việt Nam sống đạo bình thường chứ không đòi Hội đồng Giám mục Việt Nam phải làm ‘thế nọ, thế kia’. Do đó chúng ta phải ‘cân, đong, đo, đếm’ thế nào để có sự công bằng trong vấn đề dư luận hay vấn đề truyền thông.
Gia Minh: Một nội dung quan trọng của kỳ họp Hội đồng Giám mục vừa qua là bàn về Đại hội Dân Chúa. Vậy đại hội đó có những đối thoại thế nào để phía ‘bản quyền’ và giáo dân có thể thông hiểu về đường lối chung của giáo hội Việt Nam và giáo hội hoàn vũ?
GM Nguyễn Chí Linh: Chữ ‘đại hội’ tự nó có nghĩa là ‘sự lắng nghe’, có nghĩa mọi thành phần dân Chúa đều nói. Cho nên đại hội là dịp cho người giáo dân chia sẻ sứ mệnh của giáo hội giữa lòng đời, mối quan hệ giữa các thành phần dân Chúa với nhau và giữa giáo hội với xã hội …
Tinh thần là như thế, nhưng đại hội có những giới hạn nhất định về thời gian, về không gian, rồi về khả năng của Ban tổ chức. Chứ không phải có đại hội, mọi người đều phải được nói, phải đòi hỏi cho bằng được mọi người đều phải nói.
Đại hội chỉ có chừng 300 đại biểu thôi, nên không thể có thời giờ cho tất cả mọi người đều nói được. Thế nhưng tôi khẳng định lại Đại hội là diễn đàn cho mọi thành phần dân Chúa cùng nói lên tâm tư, nguyện vọng.
Gia Minh: Như vậy, đại hội theo phương thức từ dưới đưa lên, rồi tổng hợp lại?
GM Nguyễn Chí Linh: Vâng, một đại hội phải vậy; không phải từ dưới lên trên mà tạo ra một diễn đàn, nhiều người nói chừng nào hay chừng đó. Dĩ nhiên phải có bộ phận thư ký đúc kết, tổng hợp. Cuối đại hội sẽ có thông điệp gửi đến cho mọi thành phần dân Chúa, chia sẻ quan điểm và tiếng nói của đại hội. Cuối cùng sẽ có bản đúc kết Tuyên ngôn đại hội mà cần phải năm ba tháng, có khi hằng năm.
Gia Minh: Có thắc mắc đại hội phải bao gồm mọi thành phần dân Chúa, các dòng tu; nhưng sao không có đại diện Dòng Chúa Cứu Thế?
GM Nguyễn Chí Linh: Tôi cũng có nghe người ta nói Ban Tổ chức Đại hội hay Hội đồng Giám mục Việt Nam có sự kỳ thị nào đó đối với Dòng Chúa Cứu Thế. Sự thực không phải thế. Mỗi thành phần tham dự đại hội, có số đại biểu nhất định. Cần phải khống chế con số, chứ không thể có chỗ cho tất cả mọi người được.
Đối với Dòng Chúa Cứu Thế, theo chỗ tôi biết, Dòng Chúa Cứu Thế là dòng giáo hoàng nam thuộc tổ chức liên dòng. Nếu tôi không lầm thì liên dòng có 30 chỗ. Liên dòng phải họp và cử đại biểu đi tham dự Đại hội Dân Chúa. Chắc chắn trong những lần họp đó không có đại diện Dòng Chúa Cứu Thế, nên người ta không thể cử đại biểu của Dòng Chúa Cứu Thế.
Do vậy việc không đề cử Dòng Chúa Cứu Thế không hề có sự tính toán nào của Hội đồng Giám mục hay của Ban Tổ chức Năm Thánh. Đó là chuyện nội bộ của các bề trên thượng cấp các dòng tu. Thứ hai nữa việc Dòng Chúa Cứu Thế không có tên trong danh sách dự đại hội không phải chỉ riêng dòng này mà nhiều dòng khác cũng không có tên vì phải chia sẻ trong số 30 đại biểu; chứ không riêng gì Dòng Chúa Cứu Thế.
Gia Minh: Vừa qua tại Cuba, Hội đồng Giám mục tại đó có tiếng nói góp phần giúp chính quyền Cuba trả tự do cho một số người đấu tranh bị cầm tù; điều đó được Hội đồng Giám mục Việt Nam xem xét thế nào?
GM Nguyễn Chí Linh: Có nhiều người nghĩ rằng ở các nước xã hội chủ nghĩa khác người ta làm thế nào, mình phải làm như thế; nhưng đôi khi người ta quên rằng bối cảnh mỗi nơi một khác, không nhất thiết ở Bắc Triều Tiên, Trung Quốc làm thế nào ở Việt Nam cũng phải làm như vậy.
Hội đồng Giám mục Việt Nam phải có quyền chủ động trong tất cả mọi vấn đề. Nếu chờ đợi như thế Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có thể làm tất cả mọi vấn đề được. Cho nên để công bằng hơn, tôi nghĩ Hội đồng Giám mục Việt Nam xem đó là điều để nghiên cứu, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có thể làm như thế.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh: Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng là con người Việt Nam nên phải có sự dè dặt nào đó khi quyết định làm ‘việc nọ, việc kia’. Không phải Hội đồng Giám mục Việt Nam bỏ mặc số phận của những người trong tù; tuy nhiên cách xử sự không phải y như Cuba hay như một nước nào khác.
Điều quan trọng: Hội đồng Giám mục Việt Nam là một pháp nhân, nhưng không thể đảm đương tất cả những việc mà người khác cho đó là trách nhiệm của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Vấn đề trách nhiệm, và vấn đề thiện chí- tấm lòng là hai vấn đề khác hẳn nhau.
Gia Minh: Cám ơn Đức Giám mục.
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX
-
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô