Đối thoại: Nhịp cầu nối kết các tôn giáo - Tham luận của ĐGM Tôma Vũ Đình Hiệu tại ĐHDC 2010
DẪN NHẬP
Trong bối cảnh hiện tại, nhờ sự phát triển của nền công nghệ viễn thông và thông tin mới, thế giới được thu nhỏ, con người liên kết với nhau tạo nên một nền văn minh tình thương và một nền văn hóa mang tính đại chúng toàn cầu. Để đạt tới lý tưởng đó, cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là điều không thể thiếu. Cuộc đối thoại này không chỉ góp phần ngăn chặn những xung đột tiềm tàng mà còn thúc đẩy sự phát triển chung và đưa tính nhân văn vào quá trình toàn cầu hóa, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Hiện diện trong thế giới, thiết tưởng không phải là lúc các tôn giáo tranh đấu đòi quyền lợi riêng cho chính mình, nhưng sẵn sàng dấn thân để bảo vệ nhân phẩm, phát triển niềm tin và phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ, cô thân cô thế và bị loại trừ. Để có thể xây tạo một thế giới văn minh tình thương, sống hòa hợp trong an bình, các tôn giáo cần liên kết với nhau.
Tại Việt Nam, có nhiều tôn giáo khác nhau đang cùng hiện diện, đồng hành với dân tộc, nhưng làm sao để xây tạo nên cầu nối với các tôn giáo? Các tôn giáo phải liên kết với nhau thế nào để cùng góp phần xây dựng quê hương, phục vụ đồng bào? Phải chăng con đường dẫn đến đại đoàn kết chính là đối thoại? Nhịp cầu kết nối các tôn giáo là sống tinh thần đối thoại?
Trong tham luận này, xin được chia sẻ về ý nghĩa và sự cần thiết của đối thoại liên tôn, qua những hoạt động cụ thể của Giáo hội Công giáo Việt Nam và cuối cùng là vài góp ý cho việc xây dựng cầu nối giữa các tôn giáo tại Việt Nam.
1. Ý nghĩa của đối thoại
Có thể nói đối thoại là một từ ngữ xem ra có vẻ lạ trong ngôn ngữ Việt Nam. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Đối thoại là chuyện qua lại giữa hai người hay nhiều người với nhau” [1].
Như thế, đối thoại không phải là nói suông, nói một mình, nhưng là nói cùng, nói với người khác. Lời nói phải là nhịp cầu để đi tới tha nhân, lấp đầy cách khoảng giữa ta với người. Lời nói đòi hỏi phải vượt thắng cảm xúc, thiên kiến mới có thể lắng nghe và đón nhận quan điểm của người khác. Nói theo Socrate: “Đối thoại là thái độ dấn thân tìm kiếm chân lý xây dựng niềm cảm thông giữa người với người” [2]
Trong thế giới hiện nay, để có thể đối thoại, phải chấp nhận đa dạng, đa diện, đa văn hóa và trân trọng những khác biệt. Vì thế, đối thoại là việc gặp gỡ giữa các nhân vị chứ không phải chỉ là so sánh về ý tưởng hay một cuộc tranh giành giữa các ý thức hệ. Trong đối thoại, mỗi cá nhân được nhìn nhận như những nhân vị có quyền lợi, tự do, cá tính và sắc thái riêng.
Đối thoại luôn bao hàm tính hỗ tương giữa cho và nhận. Một cuộc đối thoại đích thực không thể chấp nhận ưu thế tiên thiên của một đối nhân nào đó trên những người khác. Không thể có đối thoại đích thực nếu một bên nào đó cho mình nắm chắc chân lý và người khác hoàn toàn sai lầm.
Đối thoại đòi hỏi phải tôn trọng sự khác biệt và chối từ tham vọng chinh phục người khác. Người khác, tự bản chất, không những không thể đồng hóa với ta mà luôn khác với ta. Chấp nhận sự khác biệt này, họ mới là họ với căn tính đặc thù, chứ họ không phải là ta hay một ai khác.
2. Nền tảng thần học của đối thoại
Thiên Chúa ra khỏi chính mình để mặc khải chính Ngài cho con người. Nhờ mặc khải, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1, 15; 1 Tim 1, 17), do tình yêu sung mãn của Ngài đã đến đàm đạo với con người, đi vào cuộc đối thoại với con người: “Thiên Chúa đàm đạo với ông Môse, mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau” (Xh 33, 11). Ngài đối thoại với con người như những người bạn: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15, 14). Đức Gioan Phaolo II khẳng định: “Việc đối thoại liên tôn, trên một mức độ sâu xa hơn, luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại” [3].
Đối thoại còn mang ấn dấu của mầu nhiệm nhập thể, vì Đức Kitô đã chấp nhận mang nhận thân phận con người với xác phàm như chúng ta để có thể đối thoại với nhân loại như Đức Gioan Phaolo II khẳng định: “Công cuộc đối thoại của con người bắt nguồn từ cuộc đối thoại cứu độ đầy tình yêu giữa Chúa Cha với nhân loại, qua Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần (…). Giáo Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh đúng như cách thế Thiên Chúa đã hành động trong Đức Kitô: Ngài đã làm người, chia sẻ cuộc sống nhân loại và dùng ngôn ngữ nhân loại để chuyển đạt sứ điệp cứu độ. Đối thoại mà Giáo Hội đề nghị được sử dụng trên logic nhập thể” [4].
3. Những điều kiện khi đối thoại
3.1. Để đối thoại, phải biết lắng nghe:
Không thể có đối thoại nếu không biết lắng nghe. Không biết lắng nghe, làm sao có thể hiểu người khác và cảm thông với họ? Nói như thế, lắng nghe không có nghĩa là phải đón nhận mọi sự của người khác và hoàn toàn chấp nhận hành động theo họ mà không cân nhắc phê bình, nhưng bao hàm nghĩa là, chúng ta phải đi vào chiều sâu những gì người kia nói để hiểu họ một cách tỏ tường trọn vẹn. Lắng nghe còn đòi hỏi sự chân tình thành thật. Không thể có đối thoại đích thực, nếu không có lắng nghe thực sự. Chỉ sau khi biết lắng nghe, chúng ta mới có thể cất tiếng nói trong đối thoại.
3.2. Biết tiếp nhận ý kiến khác biệt:
Theo thần thoại Hy Lạp, Procuste là một tên tướng cướp kỳ khôi. Y có một chiếc giường kiểu mẫu. Mỗi lần bắt được ai, y đặt lên chiếc giường đó để đo. Nếu vừa vặn, y sẽ thả cho đi bằng an; nếu thừa, y sẽ dùng gươm xén bớt; còn nếu ngắn quá, y sẽ kéo cho tới khi bằng chiếc giường mới thôi.
Trong đối thoại không được phép tạo ra những chiếc giường Procuste như thế, để đúc khuôn, cào bằng nhằm loại trừ khác biệt. Thực tế, nhìn từ một góc độ nào đó, những khác biệt không những làm giàu cho cộng đoàn, mà còn bổ túc và làm triển nở bản sắc của riêng ta. Đón nhận sự khác biệt căn bản giữa người với ta để cố gắng bắc nhịp cầu thông cảm và tiến tới một giải pháp thỏa đáng cho cả đôi bên.
3.3. Đối thoại nhưng không đánh mất chính mình:
Đối thoại đích thực đòi buộc mở rộng cõi lòng tiếp nhận ý kiến của người khác và tôn trọng những điểm nét riêng của đối tác, nhưng không được đánh mất căn tính của mình. “Chỉ có đối thoại thực sự giữa người chân thành với chính mình và nói sự thật” [5]. Paul Ricoeur nói: “Để có thể là mình hãy đối thoại với người. Nhưng để đối thoại với người, mình phải là mình” [6]. Buddhahasa cũng nhắc nhở: “Mỗi người tham gia đối thoại cần phải đào sâu không những kiến thức của mình về đạo của người mà cả kiến thức về lý thuyết của đạo mình nữa” [7]. Như thế, trong đối thoại liên tôn, chúng ta không được phép để “đức tin của mình trong ngoặc kép” để tìm kiếm sự hài hòa đồng thuận với các tôn giáo khác, nhưng phải khôn khéo trình bày nguyên vẹn giáo lý của Kitô giáo.
3.4. Tình yêu: ngôn ngữ của đối thoại:
Chúng ta có thể nói rằng, ngôn ngữ chung của đối thoại phải là ngôn ngữ tình yêu. Các triết gia như Martin Buber, Franz Rosenzeig, mô tả cuộc sống con người không phải là một sự khép lại trong chính mình, nhưng như quan hệ “tôi – anh”[8]. Đức Gioan Phaolo II dùng từ đối thoại để ám chỉ tình yêu: “Con người không thể sống nếu thiếu tình yêu…Đời sống con người sẽ trở nên vô nghĩa nếu không đón nhận mặc khải tình yêu, nếu không gặp gỡ tình yêu, không thể nghiệm tình yêu, và không lấy tình yêu làm của mình, nếu không dự phần mạnh mẽ vào tình yêu” [9]. Chỉ ngôn ngữ tình yêu mới giúp cho người đối thoại vượt qua những xung đột, khác biệt, tranh chấp, chia rẽ, nghi kỵ, hận thù, khủng bố, chiến tranh… Thay vì nói với nhau bằng ngôn ngữ của tiền bạc, sức mạnh, quyền lực, ưu thế quân sự. Chì có ngôn ngữ này mới đem lại cảm thông, bình an và hạnh phúc cho con người. Muốn nói được thứ ngôn ngữ trong cuộc đối thoại này, mỗi người chúng ta phải xóa bỏ mình [10].Nếu chúng ta không bỏ được chính mình thì làm sao học được ngôn ngữ đích thực của tình yêu? Và nếu không nói được ngôn ngữ tình yêu, phải chăng đối thoại liên tôn chỉ là những tiếng vang vọng của thanh la não bạt [11], không thể xây dựng được cầu nối liên kết.
4. Những hình thức đối thoại:
Được sự hướng dẫn của Công Đồng Vatican II và các văn khiện của Giáo Hội như: Redemptoris Misio, Ecclesia in Asia… Giáo Hội bắt đầu mở ra con đường đối thoại nhất là đối thoại liên tôn. Giáo Hội đối thoại với môi người, mọi tôn giáo trong mọi lãnh vực.
4.1. Đối thoại trong cuộc sống:
Đức Phaolo VI nói: Con người ngày nay thích chứng nhân hơn thầy dạy, dễ cảm kích trước hành động bác ái yêu thương hơn những lý thuyết cao siêu . Như thế để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, Kitô hữu phải can đảm sống và làm chứng cho niềm tin của mình. Trong thư mục vụ năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh: “việc đối thoại trước hết phải diễn ra ngay trong cuộc sống hằng ngày, giữa các tín đồ cùng sống trong một khu xóm, khu phố, qua các giao tiếp , làm ăn buôn bán với nhau. Tôn giáo phải là nền tảng cho người ta xích lại gần nhau” [12]. Đối thoại liên tôn không chỉ là những trao đổi lý thuyết, nhưng phải minh chứng bằng cuộc sống. Một cuộc sống hòa hợp đón nhận nhau.
4.2. Đối thoại bằng hợp tác:
“Con đường đối thoại này sẽ giúp chúng ta hợp tác với mọi người thành tâm thiện chí dẩy lùi nền văn hóa của sự chết với lối sống áp bức bất công, phi nhân, bằng cách phát triển một xã hội với lối sống văn minh tình thương và hoà bình ” [13]. Cuộc đối thoại cần phải thể hiện qua những hoạt động chung, qua sự cộng tác làm việc, nhất là trong lãnh vực bác ái xã hội, để cùng với những người thành tâm thiện chí, góp phần xây dựng nền văn minh tình thương. Càng chung sức đan tay làm việc, càng hiểu nhau hơn, càng phong nhiêu hoa trái.
4.3. Đối thoại trong tri thức:
Hình thức đối thoại này mang tính hàn lâm giữa những chuyên gia về tôn giáo, bàn đến truyền thống và giáo lý của các tôn giáo, hay giữa những đại biểu của các truyền thống ấy với mục đích hiểu rõ hơn về các tôn giáo. Hội đồng giáo hoàng đặc trách đối thoại liên tôn xác định: “cần phải thực hiện những công trình nghiên cứu chuyên biệt về tương quan giữa đối thoại và rao truyền, liên hệ đến mỗi tôn giáo cá biệt ” [14].
4.4. Đối thoại bằng chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng:
“Đây là hình thức cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh bao la, mầu nhiệm ấy có thể là Thiên Chúa, là Đấng Thiêng liêng, hay bất cứ một thực tế mang một tên nào khác…, là Niết Bàn hay Thiên đàng…Ở đây, chân lý không phải là điều trừu tượng, song là cụ thể và sống động, một chân lý mà người khác tôn giáo cũng có thể cảm nghiệm” [15]. Với tâm thức tôn giáo sẵn có gắn liền với tâm hồn, con người có những trải nghiệm tôn giáo mang tính cộng đoàn và cá nhân, những cảm nghiệm đó làm phong phú tâm tình thiêng liêng nơi con người và giúp thăng tiến đời sống tâm linh.
5. Hoa trái của đối thoại liên tôn
5.1. Hoán cải về với Thiên Chúa:
Điểm đến của đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá “Chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa với mọi tôn giáo.” [16]. Chính Thánh Thần thanh tẩy, thúc đẩy và cứu vớt từng cá nhân trong các nền văn hóa và các tôn giáo. Ngoài hiện diện bên trong cũng như bên ngoài Kitô Giáo và hướng dẫn mọi người trên hành trình truy tầm chân lý, đồng hành, đồng tâm tiến về sự thật. Đối thoại không nhằm mục đích cải đạo đối tác theo tôn giáo của mình, nhưng hướng đến cuộc hoán cải sâu xa trở về với Thiên Chúa.
5.2. Phong phú hóa hỗ tương:
Dấn thân trong đối thoại, cả hai đối tác đều nhận được hoa trái là sự phong phú hóa, một sự phong phú mang tính hỗ tương. Họ được phong phú trong đức tin của mình. Nhờ kinh nghiệm và chứng từ của đối tác, họ có thể khám phá cách sâu xa hơn những chiều kích của mầu nhiệm thần linh mà họ chưa hiểu tỏ tường hay truyền thống tôn giáo của họ chuyển trao lại chưa được rõ ràng. Nhờ đó đức tin của họ được thanh tẩy, được rạng sáng hơn bởi vì cả hai đang cùng nhau đi tìm chân lý . Qua chứng từ của hai bên, chính Thiên Chúa kêu gọi và can thiệp để cả hai đều trở thành dấu chỉ dẫn đến Thiên Chúa. Sự chia sẻ hỗ tương, dấu chỉ lời mời gọi của Thiên Chúa sẽ trở thành tác dộng phúc âm hóa lẫn nhau, kiến tạo giữa các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau sự hiệp thông ghi ấn dấu sự viên thành của Nước Thiên Chúa [17].
5.3. Đối thoại nối kết các tôn giáo nhằm phục vụ hạnh phúc của con người:
Hầu hết các tôn giáo đều chủ trương công trình bác ái, yêu thương san sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Không tôn giáo nào có thể hoàn toàn phủ nhận trần gian, vì dù siêu việt đến đâu, nếu muốn tồn tại, vẫn phải chấp nhận một thứ cơ cấu tối thiểu hay một hình thức nhập thể nào đó. Và người tín đồ, dù xuất thế đến đâu đi nữa, trước khi về nơi vĩnh cửu, nhập Niết Bàn hay lên Thiên Đàng, vẫn phải trải qua một giai đoạn hiện diện nơi trần thế. Họ không thể là lữ khách lạnh lùng bước lên chuyến đò trần gian trong một chuyến sang ngang để mặc ai chèo chống và khi thuyền cập bến thanh thản bước lên bến bờ vĩnh cửu. Trái lại, các tín đồ hải tin tưởng mãnh liệt vào những giá trị của cuộc đời hiện tại, dấn thân và không ngừng dấn thân phục vụ con người, xây dựng và phát triển xã hội, kiến tạo một thế giới “văn minh tình thương”, nơi đó, con người sống trong an hòa hạnh phúc, bởi vì, không một hành động, một cố gắng phấn đấu, một chương trình cải thiện nào trong kiếp nhân sinh này mà không có dư âm nơi tương lai vĩnh hằng.
6. Vài góp ý cho vấn đề đối thoại liên tôn tại Việt Nam
Đề nghị thành lập một tiểu ban đặc trách đối thoại liên tôn, quy tụ một số chuyên viên nghiên cứu về các tôn giáo tại Việt Nam. Tiểu ban này trực thuộc Ủy Ban Giáo Lý đức tin của Hội Đồng Giám Mục.
Trong các dịp lễ lớn của các tôn giáo bạn (cấp toàn quốc), tiểu ban này đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi thư chúc mừng hoặc đến tham dự. Đồng thời cổ võ sự hợp tác đối thoại tại các địa phương (giữa giáo xứ, dòng tu với các Chùa hoặc đền thờ lân cận).
THAY LỜI KẾT
Để có thể yêu thương và phục vụ hạnh phúc con người, các tôn giáo được mời gọi chia sẻ niềm hy vọng của mình bằng cách không ngừng thực hiện công cuộc đối thoại: Đối thoại với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với khoa học kỹ thuật, với các nền văn hóa và giữa các tôn giáo với nhau. Chính việc đối thoại trong tin tưởng và xây dựng giữa tất cả các thành phần xã hội, dân sự cũng như tôn giáo, sẽ đem lại an vui và hạnh phúc đích thực cho mọi người.
Một hành trình đối thoại như thế, sẽ xây lên nhịp cầu liên kết giữa các tôn giáo với nhau, đồng thời cũng bắc những nhịp cầu nối kết các tôn giáo với nhau, với đồng bào, với dân tộc, với quê hương để phục vụ hạnh phúc cho con người.
+ ĐGM Tôma Vũ Đình Hiệu
(Giám mục phụ tá Xuân Lộc)
(Giám mục phụ tá Xuân Lộc)
[1] VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006, tr. 338.
[2] NGUYỄN THÁI HỢP, Đường vào thần học về tôn giáo, Dấn thân, Houston, 2004, tr. 26.
[3] Insegnamenti di Giovanni Paolo II, Vol. XV, 2 (1992), trg. 551, được trích trong NGUYỄN THÁI HỢP, Đường vào thần học về tôn giáo, sđd, tr. 51.
[4] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 29.
[5] Được trích trong NGUYỄN THÁI HỢP, sđd, tr. 55
[6] M. BUBER, Je et Tu, Paris, 1969, tr. 30, được trích trong NGUYỄN THÁI HỢP, sđd, tr. 55.
[7] BUDDHAHASA, Kitô giáo dưới mắt một phật tử, Định hướng tùng thư, 1969, tr. 178.
[8] Vũ Phan Long, “Con đường của Giáo hội hôm nay và vấn đề đối thoại”. Chia sẻ, số 52, Nội san Thần học – Mục vụ - Tu đức, Liên tu sĩ thành phố, tháng 12/2006, trg. 56
[9] Ibid, tr. 57.
[10] x. Mt 16, 24 ; Mc 8, 31
[11] x. 1Cr 13,
[12] HĐGMVN, Thư mục vụ năm 2001, số 13
[13] HĐGMVN, Thư mục vụ năm 2001, số 13
[14] Hội đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, Đối thoại và rao truyền, số 88
[15] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 31.
[16] Vaticano II, Ad gentes, số 9
[17] X. JACQUES DUPUIS, Vers une théologie chrétienne du pluralisme religieux, Cerf, 1999, tr. 580.
bài liên quan mới nhất
- Nhịp sống Giáo hội Việt Nam số 2
-
Thánh lễ An Táng Đức Cố Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu -
Giáo phận Long Xuyên: Thư phân ưu của Đức Hồng Y Pietro Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu vào lúc 08:30 thứ Sáu ngày 10/01/2025 -
Cáo phó Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu -
Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Chánh tòa của Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi -
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ -
Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia sinh hoạt của Hội thánh -
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô