Di huấn của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Di huấn của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

WHĐ (24.10.2010) – Ngày 22-10-2010, tại Rôma, đã diễn ra nghi thức trọng thể khai mạc cuộc điều tra cấp giáo phận về cuộc đời, nhân đức và về sự thánh thiện của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), vị Tôi tớ Chúa.

Nghi thức được cử hành vào lúc 12 giờ tại Phòng Hòa giải trong Điện Latêranô, do Đức Hồng y Agostino Vallini, đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Giám mục giáo phận Roma, chủ tọa cùng với Đức Hồng y Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

Cùng ngày, đã có những cuộc cử hành và các hoạt động khác để cầu nguyện và tôn vinh vị Tôi tớ Chúa, Đức cố HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (x. Bản tin của WHĐ).

Trong những ngày vừa qua, cuộc đời, nhân đức và sự thánh thiện của Đức cố Hồng y được rất nhiều nơi trên thế giới nêu cao.

Nhân dịp này, WHĐ giới thiệu cùng quý độc giả bài Lời mở đầu của Đức cố Hồng y viết trong Sổ tay Xã hội – Tuyển tập các văn kiện Huấn quyền do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình ấn hành năm 2000.

Qua Lời mở đầu, người đọc sẽ nhận ra Đức cố Hồng y rất quan tâm việc phổ biến và thực hiện trong toàn thể Giáo Hội những văn kiện của Tòa Thánh về các vấn đề xã hội.

Lời mở đầu là một bản văn ngắn, được viết nhằm giới thiệu nội dung của một văn kiện và thể hiện lòng tri ân đối với những cộng tác viên của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, do Đức cố Hồng y làm Chủ tịch, đã góp công sức hoàn thành. Không những thế, bản văn còn ngời lên vẻ đẹp của một tâm hồn nhiệt thành với sứ vụ.

Một lòng nhiệt thành thấm đẫm toàn bộ cuộc đời của vị Tôi tớ Chúa, Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Một cuộc đời chỉ ước ao đưa mọi người “đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế của chúng ta và là con đường duy nhất mang lại ánh sáng và hy vọng” (trích Lời mở đầu).

Như vậy, một cách nào đó cũng có thể nói, đây là một phần trong những di huấn phong phú và sâu sắc của Đức cố Hồng y.

* * *

Sổ tay xã hội
Tuyển tập các văn kiện Huấn quyền về xã hội

Lời mở đầu
Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Khi bắt tay viết Lời mở đầu này cho Tuyển tập các văn kiện Huấn quyền về xã hội, tôi nhớ lại năm 1945, cách nay hơn 50 năm. Khi đó tôi 17 tuổi, giữa lúc đất nước Việt Nam của tôi đang phải trải qua những thời khắc rất khó khăn. Về nhiều mặt, đất nước tôi không còn giữ được căn tính của mình. Chiến tranh kết thúc. Nhật Bản và châu Âu rơi vào xáo trộn. Còn chủ nghĩa cộng sản thì đang tìm cách len lỏi vào.

Tôi là thành viên trẻ thuộc một nhóm nhỏ gồm những người Công giáo sống trong Kinh thành Huế. Chúng tôi may mắn có được tài liệu gồm một số Thông điệp xã hội như Rerum Novarum (Tân sự), Quadragesimo Anno (Năm thứ bốn mươi) và Divini Redemptoris (Chúa Cứu thế). Vào thời điểm rất khó khăn đó, chúng tôi cố gắng hết sức để có thể phổ biến những bản văn này.

Một người trong nhóm chúng tôi tên là Alexis đã đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, phân phát những bản văn tài liệu này đến cho nhiều gia đình và cộng đoàn. Việc làm này khiến cho gia đình đông anh em của anh có thể gặp nguy hiểm. Có khi anh phải bó tài liệu vào chân rồi bí mật đi đến các làng. Cuối cùng anh bị bắt giam rồi chết rũ tù.

Nhưng công việc của anh đã thành một di sản kỳ diệu. Nhiều thanh niên nam nữ đọc các bản văn giáo thuyết xã hội của Hội Thánh mà tìm được niềm hy vọng. Trong thực tế, sự hiểu biết về học thuyết xã hội đã mở ra cho họ con đường mới về ánh sáng và niềm hy vọng, giúp họ sống những ngày kinh hoàng sau đó.

Chúa Giêsu đã không bỏ rơi họ.

Học thuyết của Hội Thánh về xã hội ngày nay vẫn có tác động tương tự đối với hoàn cảnh chúng ta đang sống. Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong di chúc của ngài, đã gọi hoàn cảnh này là “bi đát, đau buồn nhưng vẫn đẹp”. Một loạt văn kiện về học thuyết xã hội của các đời Giáo hoàng, kể từ thời Đức Thánh Cha Lêô XIII, được coi là một nguồn tham khảo lớn, mang tính định hướng và là một khí cụ đích thực cho việc truyền giáo đối với người Kitô hữu chúng ta ngày nay.

Tất cả chúng ta vẫn đang cần đến những văn kiện ấy.

Trong Năm Thánh này [tức Năm Thánh Cứu chuộc 2000 – chú thích của người dịch], nhiều ấn phẩm đã ra đời, trình bày những nội dung phong phú trong học thuyết Công giáo về xã hội. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo thể hiện nhiều nội dung của học thuyết và là một trong những nguồn tham khảo chính thức. Tòa Thánh cũng đang chuẩn bị thực hiện công trình tổng hợp chính thức về học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhấn mạnh mối quan hệ của học thuyết với công cuộc “Tân Phúc âm hóa”. Gần đây các ấn phẩm khác đã xuất hiện tại Mexico và Tây Ban Nha.

Chúng ta cử hành Năm Thánh để kỷ niệm Mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Chúa và là người, Đấng đã qua kiếp sống loài người để sống với loài người. Trong tinh thần phục vụ việc cử hành Năm Thánh 2000, các vị biên tập quyển sách này đã đưa ra một tuyển tập hữu ích, gồm những văn kiện liên quan đến học thuyết xã hội của Giáo Hội. Sách này sẽ được xuất bản bằng 7 thứ tiếng và sẽ hữu dụng đối với các vị hữu trách trong lãnh vực học thuật và mục vụ, các chính trị gia và các doanh nhân, và tất nhiên, hữu ích đối với người lao động và những người nghèo.

Cách riêng tôi cầu xin cho những ai ngày nay đang là hiện thân của những nỗi thống khổ của nhân loại, qua các văn kiện này, tìm được con đường dẫn đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế của chúng ta, con đường duy nhất mang lại ánh sáng và hy vọng cho thời chúng ta đang sống.

Như mọi tuyển tập khác, ấn phẩm này không thể coi là đầy đủ. Những bản văn được các cá nhân tuyển chọn theo cách khám phá ý nghĩa riêng của các vị ấy, nhưng chúng tôi hy vọng, độc giả sẽ đọc các văn bản này trong bối cảnh xuất xứ, và như vậy, ngày càng làm quen với tầm phong phú sâu rộng của giáo thuyết Công giáo về xã hội.

Các sinh viên, quý vị giảng viên và mọi người đang muốn tìm hiểu thêm về học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ tìm được, qua Tuyển tập, những tuyên bố có giá trị trọng tâm của các Đức Giáo hoàng trong các loại văn kiện đa dạng, gồm các Sứ điệp Giáo hoàng, các Tông thư và các văn kiện Công đồng, về các đề tài liên quan đến chính trị, kinh tế và văn hóa. Các văn kiện được sắp xếp theo các đề tài khác nhau trong học thuyết Công giáo về xã hội. Dưới mỗi nhan đề, các trích dẫn được phân phối theo một trật tự có tính sư phạm, chứ không theo trình tự thời gian hoặc các thể văn huấn quyền, và mỗi chủ đề đều được bắt đầu bằng trích dẫn có mục đích giải thích vấn đề được nêu lên.

Những tuyên bố huấn quyền đều xuất phát từ trái tim của Giáo Hội hướng đến một thế giới đã rơi vào thất vọng và đang cần một tầm nhìn đạo đức để xây dựng một trật tự xã hội nhân bản hơn.

Giáo Hội không có ý định đưa ra các giải pháp khoa học cho những vấn đề kinh tế hoặc xã hội dưới hình thức của những khuyến cáo nhằm vào những chính sách công cộng hoặc các quy định pháp luật cụ thể.

Điều quan trọng hơn mà Giáo Hội mong muốn, là đưa ra một tập hợp những ý tưởng và các giá trị đạo đức, nhằm xác nhận và khẳng định phẩm giá của hết thảy mọi người. Áp dụng được những nguyên tắc đó vào các thực tại kinh tế, chính trị và xã hội, sẽ đưa đến công lý và hòa bình cho mọi người, cho sự phát triển con người đích thực và cho việc giải phóng người dân thoát khỏi cảnh áp bức, đói nghèo và bạo lực.

Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình bày tỏ lòng tri ân Cha Robert A. Sirico và Cha Maciej Zieba OP đã đọc thẩm tra Tuyển tập này.

Hội đồng cũng bày tỏ sự trân trọng sự giúp đỡ quý báu của quý vị sau đây đã cộng tác trong việc thực hiện tuyển tập:

- Quý viên chức của Viện Action Institute for the Study of Religion and Liberty tại Grand Rapids, Michigan (Hoa Kỳ), đặc biệt Giáo sư Gregory Gronbacher, Ph.D, Giáo sư Kevin Schmiesing, Ph.D, và giáo sư Stephen J. Grabill, Th.M.

- Viện Tertio Millennio tại Cracovie, đặc biệt Giáo sư Slawomir Sowinski và Giáo sư Piotr Kimla.

- Học viện Giáo hoàng Ateneo Regina Apostolorum tại Rôma, đặc biệt Giáo sư Giám đốc Alvaro Corcuera Martinez de Río, LC, quý viên chức và sinh viên của Học viện.

- Cha John-Peter Pham, STD, Rôma.

Tôi vui mừng giới thiệu tuyển tập này với mọi người đang chia sẻ cách nhìn của chúng tôi về cuộc quy tụ của công lý và hòa bình, và cho những ai đang tìm hiểu học thuyết của Giáo hội về xã hội. Đặc biệt tôi hân hạnh được tặng nguồn tham khảo này cho các nhà giáo, các nhà thần học, các giáo lý viên và những ai đang giảng dạy cho các tín hữu những con đường của sự thật.

Mong sao học thuyết của Giáo Hội về xã hội góp phần vào nền công ích khắp mọi nơi và làm cho thị kiến của của các tác giả Thánh vịnh trở thành hiện thực, mở đầu cho Nước Chúa đến: công lý và hòa bình hôn nhau (Tv 85, 9-12).

Vatican, ngày 01 tháng Năm 2000
Lễ Thánh Giuse lao động,
+ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng giám mục hiệu tòa Vadesi,
Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.
(Nguồn: clerus.org)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top