ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 3)

ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 3)

ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 3)

UBCLHB – Đức Hồng y Bộ Trưởng Bộ Cổ võ các Kitô hữu hiệp nhất suy ngẫm về những cơ hội và thách thức đối với phong trào đại kết vào đêm trước Tuần lễ Cầu Nguyện cho sự hiệp nhất. Ban biên tập của Ủy ban Công lý & Hòa bình xin giới thiệu đến quý độc giả bài suy niệm của Đức Hồng y Kurt Koch về giá trị của Công đồng Nicaea, sau 1700 năm vẫn còn phù hợp cho thời đại hôm nay, đặc biệt trong Năm Thánh 2025 này.

Tính đồng nghị

Theo quan điểm đại kết, Công đồng Nicaea cũng có liên quan đặc biệt vì Công đồng này ghi lại cách thức mà cuộc tranh luận gay gắt lúc bấy giờ về lời tuyên tín Kitô học Chính thống và vấn đề mục vụ-kỷ luật về ngày Lễ Phục sinh đã được thảo luận và quyết định theo tính đồng nghị. Nhà lịch sử Giáo hội Eusebius xứ Caesarea, một trong những Giáo phụ của Công đồng và đã nhìn thấy một Lễ Ngũ tuần mới trong Công đồng Nicaea, đã ghi chú rõ ràng rằng những tôi tớ đầu tiên của Chúa đã tụ họp tại Công đồng "từ tất cả các Giáo hội ở khắp Châu Âu, Châu Phi và Châu Á”. Do đó, Công đồng Nicaea có thể được coi là sự khởi đầu, ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, của phương thức tranh luận các vấn đề và đưa ra quyết định theo cơ chế đồng nghị. Do đó, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea cũng phải được xem là lời mời gọi và thách thức để học hỏi từ lịch sử và đào sâu tư tưởng đồng nghị, gắn kết nó vào đời sống của Giáo hội. Sự hồi sinh hiện nay của chiều kích đồng nghị trong Giáo hội không phải là điều mới, mà bắt nguồn từ truyền thống đồng nghị của Giáo hội sơ khai. Giáo phụ nổi tiếng John Chrysostom đã giải thích rằng "Giáo hội" là một cái tên "chỉ ra một con đường chung" và do đó, Giáo hội và Thượng Hội đồng là "từ đồng nghĩa". Trong lĩnh vực này, chúng ta cũng có thể học hỏi lẫn nhau nhiều điều trong các cuộc đối thoại đại kết, vì tính đồng nghị đã phát triển theo nhiều cách khác nhau trong Giáo Hội và các cộng đồng Giáo Hội khác nhau. Điều này đã được chứng minh, ví dụ, bởi các hội thảo đại kết quốc tế do Viện Nghiên cứu Đại kết của Đại học Giáo hoàng Tôma Aquinô tổ chức để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục về các khái niệm và kinh nghiệm liên quan đến tính đồng nghị trong các Giáo hội Kitô giáo ở phương Đông và Tây, có tựa đề “Lắng nghe Phương Đông và Lắng nghe Phương Tây”. Các cuộc họp này đã chứng minh một cách đáng kể rằng Giáo hội Công Giáo có thể được làm giàu thêm bởi tư tưởng thần học và kinh nghiệm của các Giáo hội khác trong nỗ lực tái thiết lối sống đồng nghị và củng cố các cấu trúc tương ứng, và việc đào sâu chiều kích đồng nghị trong thần học và thực hành của Giáo hội Công Giáo là một đóng góp quan trọng mà Giáo Hội có thể thực hiện cho các cuộc đối thoại đại kết, cũng nhằm mục đích hiểu rõ hơn về mối liên hệ chặt chẽ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng. Chiều kích đại kết của tính đồng nghị cũng được nhấn mạnh tại Đại hội của Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc lại sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tính đồng nghị và hành trình đại kết, tuyên bố rằng hành trình đồng nghị do Giáo hội Công Giáo thực hiện phải mang tính đại kết, cũng như hành trình đại kết mang tính đồng nghị. Do đó, cách thức mà tính đồng nghị được trình bày và thảo luận trong Giáo hội Công Giáo là theo quan điểm đại kết.

Thẩm quyền của Giáo hội và Nhà nước

Tuy nhiên, có một sự khác biệt cơ bản không nên bỏ qua giữa những nỗ lực hiện tại nhằm khôi phục tính đồng nghị và Công đồng Nicaea. Thoạt nhìn có vẻ không đáng kể, nhưng sự liên quan của nó đặc biệt nổi bật khi nhìn từ góc độ đại kết. Vấn đề ở đây là sự kiện lịch sử rằng Công đồng Nicaea được triệu tập bởi một cơ chế xã hội, cụ thể là Hoàng đế Constantine. Constantine coi cuộc tranh cãi nổ ra về lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo là mối đe dọa lớn đối với dự án củng cố sự thống nhất của đế chế trên cơ sở sự thống nhất của đức tin Kitô giáo. Trước khả năng Giáo Hội sắp chia rẽ, ngài nhìn thấy trước hết là vấn đề chính trị; Tuy nhiên, ông đã có đủ tầm nhìn xa để nhận ra rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội không phải được giải quyết bằng chính trị, mà bằng phương pháp tôn giáo: thần học. Để hòa giải các cộng đồng xung đột lúc bấy giờ, ông đã triệu tập Công đồng chung đầu tiên tại thành phố Nicaea ở Tiểu Á, gần dinh thự của hoàng đế Nicomedia. Một trong những hậu quả đáng tiếc của cách tiếp cận này là sau Constantine, các hoàng đế, đặc biệt là con trai ông là Constantius, đã theo đuổi chính sách kiên quyết tách mình khỏi tín điều của Công đồng Nicaea và một lần nữa thúc đẩy tà thuyết của Arius. Điều này có nghĩa là quyết định của Công đồng Nicaea không chấm dứt tranh chấp về tính tương thích của việc tuyên xưng đức tin vào thiên tính của Chúa Giêsu Kitô với niềm tin độc thần của thế kỷ IV, mà thay vào đó lại làm sống lại cuộc tranh cãi về bản chất của Chúa Giêsu Kitô thuộc về Thiên Chúa hoặc thuộc về thụ tạo. Những sự kiện như vậy thậm chí còn khiến Basil, giám mục nổi tiếng của Caesarea, so sánh tình hình sau Công đồng Nicaea với một trận hải chiến vào ban đêm, trong đó mọi người đều chiến đấu với nhau, và kết luận rằng do những tranh cãi trong Công đồng, trong Giáo Hội "một sự hỗn loạn và nhầm lẫn khủng khiếp" và "tiếng nói chuyện không ngừng". Theo quan điểm đại kết, điều quan trọng cần lưu ý là, do bối cảnh lịch sử này, các khái niệm khác nhau về mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước đã xuất hiện trong Giáo hội Phương Đông và Giáo hội Phương Tây. Giáo hội Phương Tây đã phải học từ lịch sử lâu dài và phức tạp rằng cách thích hợp để định hình mối quan hệ với Nhà nước là đảm bảo có sự tách biệt giữa hai bên, trong khi vẫn duy trì sự hợp tác. Mặt khác, ở Giáo hội Đông Phương, mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà nước và hệ thống cấp bậc tôn giáo, thường được gọi là "bản giao hưởng của Giáo hội và Nhà nước", đã trở nên phổ biến rộng rãi như một mô hình, đặc biệt thể hiện rõ trong các khái niệm Chính thống giáo về quyền tự chủ, lãnh thổ và chuẩn mực. Những truyền thống khác nhau trong việc định hình mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước thường ẩn sau những xung đột trong suốt chiều dài lịch sử giữa Giáo hội Phương Đông và Giáo hội Phương Tây, và cũng có tác động đáng kể đến mối quan hệ đại kết. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng là một trong những chủ đề ít được thảo luận nhất trong các cuộc đối thoại đại kết. Do đó, điều quan trọng là phải ưu tiên chúng trong chương trình nghị sự đại kết, đặc biệt là khi hướng đến kỷ niệm trọng đại của Công đồng Nicaea vào năm 2025. Do đó, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea không chỉ là cơ hội hiệu quả để đổi mới, trong đại kết sự hiệp thông, sự tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha, nhưng cũng tạo nên một thách thức quan trọng để giải quyết và thảo luận rõ ràng các câu hỏi trong quá khứ, mặc dù còn bỏ ngỏ, nhưng chưa được giải quyết đầy đủ trong các cuộc tranh luận đại kết được tổ chức cho đến nay. Nếu nắm bắt được cả cơ hội và thách thức, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea thực sự có thể trở thành bước ngoặt quan trọng cho tương lai của phong trào đại kết.

______________________
Chuyển ngữ: Phêrô Lê Minh Hải, OFM
từ Vatican News
Nguồn: ubclhb.com

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top