Đêm Vọng Phục Sinh, ánh sáng và niềm vui

Đêm Vọng Phục Sinh, ánh sáng và niềm vui

WGPSG -- Đêm vọng Phục sinh 2012 được cử hành vào thứ Bảy ngày 07.4.2012. Theo chu kỳ năm phụng vụ của Giáo hội, đêm nay là đỉnh cao của Tam Nhật Vượt Qua. Chúng ta nhìn sự kiện đêm vọng Phục sinh dưới nhiều góc độ: góc nhìn Thánh Kinh, góc nhìn phụng vụ, góc nhìn thần học v.v… Tựu trung lại, tất cả đều cắm mốc nơi một nhân vật trung tâm và quan trọng: Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Cử hành phụng vụ đêm vọng Phục sinh với nhiều nghi thức: làm phép lửa và kiệu nến Phục sinh, làm phép nước và tuyên xưng đức tin, rửa tội dự tòng v.v… Chúng ta không đề cập đến việc cử hành những nghi thức này như thế nào? Tuy nhiên, chúng ta chỉ bàn đến việc cử hành những nghi thức như thế để làm gì? Đặc biệt là nghi thức làm phép lửa và kiệu nến Phục sinh, nghi thức làm phép nước và rửa tội các anh chị em dự tòng. Điều này có ý nghĩa gì đối với đời sống đức tin của chúng ta? Dưới cái nhìn của đức tin, chúng ta cảm nhận đêm vọng Phục sinh là đêm của ánh sáng và đêm của niềm vui.

Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô bừng lên xua tan đêm tối

Nghi thức đầu tiên trong đêm vọng Phục sinh: làm phép lửa và kiệu nến Phục sinh. Trước đó, tất cả chìm vào bóng tối. Không thấy ánh sáng của đèn. Không thấy sự ồn ào của âm thanh. Tất cả cộng đoàn phụng vụ cùng hướng về phía cha chủ tế: với đống lửa đang cháy sáng và với ngọn nến Phục sinh được thắp lên. Lúc kiệu nến Phục sinh, linh mục chủ tế xướng lên ba lần: “Ánh sáng Chúa Kitô.” Và cộng đoàn cùng đáp lại ba lần: “Tạ ơn Chúa.” Nghi thức này muốn nói rằng: Ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô đã bừng lên xua tan bóng đêm của tội lỗi và sự chết. Ánh sáng ấy chính là niềm mong đợi của dân Israel thời cựu ước như ngôn sứ Isaia tiên báo năm xưa: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1). Ánh sáng ấy đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô Phục sinh thời tân ước: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16) Vâng, ánh sáng ấy được vận hành trong dòng lịch sử cứu độ của nhân loại. Đối lập với ánh sáng là bóng tối. Vậy thì, bóng tối đó là gì?

Trước tiên, chúng ta đề cập đến ánh sáng bởi vì thế giới hôm nay có quá nhiều bóng tối. Bóng tối của chiến tranh và chết chóc. Bóng tối của của cô đơn và bệnh tật. Bóng tối của tội lỗi. Và bóng tối của đức tin. Một cuộc đời sống trong bóng tối là một cuộc đời đắm mình trong tội lỗi và bất an. Vì thế, mỗi Kitô hữu chúng ta cần đến ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô. Ánh sáng ấy chiếu soi vào mọi ngõ ngách của những đam mê và ích kỷ trong sâu thẳm đáy lòng chúng ta như lời thánh Gioan đã diễn tả: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1,9).

Vậy thì, lúc cầm ngọn nến cháy sáng trong tay trong đêm vọng Phục sinh cũng là lúc chúng ta đón nhận ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô. Ánh sáng ấy không chỉ nhìn thấy ở phương diện vật lý nhưng còn là ánh sáng của niềm tin. Tâm hồn mỗi Kitô hữu chúng ta trong đêm vọng Phục sinh được Chúa Giêsu ngự đến. Ánh sáng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Thánh Gioan khẳng định rằng: nơi nào có sự hiện diện của Chúa Giêsu thì nơi đó có ánh sáng và sự sống: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” (Ga 1,4). Hay ở chỗ khác, thánh Gioan thuật lại lời của Đức Giêsu như sau: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12).

Bạn thân mến, thế nào là một người sống trong ánh sáng? Và thế nào là một người bước đi trong bóng tối? Xưa kia, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ cho người mù được thấy. Những con người bất hạnh ấy được giải thoát khỏi bóng tối và tội lỗi. Họ nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa của tình yêu. Không ít lần trong cuộc đời, chúng ta cũng sống như những người mù. Chúng ta không thấy Chúa. Chúng ta không thấy những ưu điểm của người khác. Chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của tha nhân. Hay biết bao lần trong cuộc đời, chúng ta sống trong sự giả dối: với Chúa, với bản thân và với mọi người. Điều này làm chúng ta bất an. Cuối cùng, tất cả đều được đưa ra ánh sáng: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.” (Lc 8,17). Bởi vậy, sứ điệp của đêm vọng Phục sinh mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta sống theo sự thật và ánh sáng như lời của ngôn sứ Isaia đã từng nói năm xưa: “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58,10) Vâng, sống trong ánh sáng là sống bác ái như Chúa dạy.

Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô mang đến niềm vui cho nhân loại

Đêm vọng Phục sinh, đêm của niềm vui. Niềm vui Chúa mang đến cho chúng ta. Niềm vui chúng ta mang đến cho nhau. Thật vậy, những ngày mùa Chay 2012, nhiều chủng viện, nhà dòng, giáo xứ đã tổ chức những buối tĩnh tâm, xưng tội cho các Kitô hữu. Chúng ta đến với bí tích Hòa Giải để chuẩn bị tâm hồn đón nhận niềm vui Phục sinh của Chúa Kitô: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15,11). Thật vậy, sau mỗi lần xưng tội chúng ta thấy tâm hồn ngập tràn niềm vui. Niềm vui ấy đến từ ân sủng của Chúa Giêsu Phục sinh. Đó là niềm vui hoán cải và yêu thương. Đó là niềm vui của lòng cậy trông và phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.” (Gc 1,2).

Quả thật, cuộc sống này có rất nhiều niềm vui. Chúng ta cần niềm vui. Đêm vọng Phục sinh, nhiều anh chị dự tòng tràn ngập niềm vui vì được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Đêm vọng Phục sinh, mỗi Kitô hữu chúng ta có cảm nhận được niềm vui trong tâm hồn? Chúng ta đã sống bí tích Rửa Tội như thế nào? Đêm vọng Phục sinh đọng lại nơi chúng ta những cảm thức và tâm tình gì?

Bạn thân mến, đêm vọng Phục sinh, tâm hồn chúng ta chan chứa một niềm vui vì tình thương của Chúa Giêsu Phục sinh dành cho chúng ta. Đêm vọng Phục sinh, chúng ta vui mừng vì được quy tụ gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Chúng ta trao cho nhau những nụ cười, những cái bắt tay hay chia sẻ cho nhau những món quà, những tiết mục văn nghệ trong đêm vọng Phục sinh. Tất cả những niềm vui ấy thấm đẫm tình Chúa và tình người. Ước gì, những niềm vui như thế luôn hiện diện trong cuộc đời mỗi Kitô hữu chúng ta.

Top