Để cho ánh sáng Giáng sinh tràn ngập tổ ấm và con tim
TGPSG / Aleteia -- Chúa Kitô là ánh sáng, và ân sủng của Ngài có thể biến ta thành những người mang ánh sáng.
Ánh sáng có thể tạo ra sự khác biệt hoàn toàn trong bất kỳ môi trường nào. Thông qua cường độ và sắc thái, ánh sáng giúp ta biết được không gian và ảnh hưởng đến cách nhìn cũng như cách liên hệ với môi trường. Hơn nữa, ánh sáng còn là công cụ giúp ta khơi dậy và gia tăng những cảm giác khác nhau. Ánh sáng cung cấp nét đặc trưng cho một địa điểm và góp phần xác định nó.
Chắc chắn ánh sáng ảnh hưởng đến nhận thức của ta về thế giới. Ánh sáng là nguồn cung cấp năng lượng cho mọi sinh vật. Ánh sáng mặt trời rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, còn ánh sáng nhân tạo thì không thể thiếu trong mái ấm của ta.
Ánh sáng cũng có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo. Trong mùa này, sắp đến Giáng Sinh, các đường phố chính của các thị trấn và thành phố được trang trí bằng ánh sáng rực rỡ. Cũng trong những tuần này, nhiều loại ánh sáng đặc biệt khác nhau sẽ tràn ngập phòng khách, hiên nhà, trung tâm mua sắm, mặt tiền của mái ấm và nơi làm việc. Trong mỗi không gian, ánh sáng và bóng tối thu hút ánh nhìn và truyền cảm hứng cho chúng ta.
Nhưng, loại ánh sáng nào đủ mạnh để xuyên thấu sự ích kỷ của ta? Loại ánh sáng nào có thể mang lại sức sống đích thực cho những người quanh ta? Loại ánh sáng nào có khả năng soi sáng và hướng dẫn những người đi trong bóng tối?
Ánh sáng của mùa Vọng
Chúng ta đang cử hành Mùa Vọng - thời điểm đặc biệt dẫn đến lễ Giáng Sinh. Đó là thời điểm mời gọi chúng ta hy vọng, thời điểm mừng Ánh sáng thực sự đã đến trong thế giới. Chúng ta được kêu gọi trở thành ánh sáng mang lại sự sống cho những người xung quanh.
“Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là Mặt trời mọc lên trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đến được với Ngài, ta cần đến những ánh sáng xung quanh, đó là những người đang chiếu tỏa ánh sáng của Chúa và nhờ đó hướng dẫn ta trên đường ta đi”. (ĐGH Bênêđictô XVI)
Với câu nói này từ văn kiện Spe Salvi, Đức Bênêđíctô XVI giúp ta hiểu rằng, ánh sáng mà ta nên chiếu tỏa không phải là của ta, mà đến từ một Ánh sáng khác. Vì vậy, ta phải “tiếp xúc” với Ánh sáng ấy, để ta có thể hấp thụ và truyền đến cho người khác.
Càng tràn đầy Ánh sáng, ta càng dễ dàng nói như Thánh Phaolô rằng: “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. (Galata 2:20)
Những ngôi nhà tràn ngập ánh sáng
Một môi trường tràn đầy ánh sáng sẽ mạnh mẽ cuốn hút sự chú ý của ta dù ta không nhận ra. Do đó, đặc biệt trong Mùa Vọng, ta phải để cho ân sủng của Chúa biến đổi ta trở nên hấp dẫn, để ta trở thành nơi ở của Đấng Kitô.
Được biến đổi như thế, ta có thể trở thành một phương tiện giúp cho bất kỳ ai cũng có thể khám phá ra ngay được lối sống mới, nhận được niềm hy vọng, mục đích và phẩm giá cho cuộc sống hằng ngày. Nếu ta để cho Thiên Chúa chiếu sáng trên ta, những người sống quanh ta sẽ có thể gặp được Đấng đáp ứng những nhu cầu sâu xa nhất của trái tim con người.
Tóm lại, bản thân chúng ta phải là “những mái ấm tràn ngập ánh sáng”. Có nhiều cách giúp đạt được điều này, cả ở cấp độ “nội tâm” và “ngoại tại”.
Làm thế nào để được tràn ngập ánh sáng
Ở cấp độ nội tâm, bên trong trái tim, chúng ta và gia đình của ta nên nuôi dưỡng niềm mong ước trở thành người bạn đồng hành tốt cho những người xung quanh. Ta phải cố gắng thương xót và kiên nhẫn hơn, quan tâm hơn đến nhu cầu sâu xa của các thành viên trong gia đình cũng như hàng xóm của ta.
Thiên Chúa trở thành một trẻ nhỏ để nên giống như chúng ta và làm cho ta trở nên giống như Ngài. Chúng ta phải mở cửa tâm hồn để ánh sáng của Ngài có thể đi vào và hành động trong chúng ta. Bằng cách này, chúng ta có thể sống mãnh liệt và có ý thức hơn.
Ở cấp độ bên ngoài, như ĐTC Phanxicô đã chia sẻ vào năm 2014, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Chúa đến chính là “máng cỏ và cây thông Noel, mang sứ điệp về ánh sáng, niềm hy vọng và tình yêu thương”.
Nhiều gia đình chọn trưng bày cảnh Chúa giáng sinh và cây thông Noel cùng với các đồ trang trí khác bên trong và xung quanh nhà của họ. Những đồ trang trí này giúp chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào mầu nhiệm vĩ đại mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành. Nó cũng mời gọi chúng ta suy tư về thời điểm đặc biệt này.
Trang trí đèn Giáng sinh
Trong Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh (điểm đáng chú ý là nó không kết thúc vào ngày sau lễ Giáng Sinh), đèn Giáng sinh có thể là vật dụng chính yếu để trang trí xung quanh nhà.
Ngày nay, may mắn thay, chúng ta có nhiều lựa chọn trong cách thắp sáng: bằng vòng hoa, hình chiếu sáng, ngôi sao sáng, rèm sáng, nến sáng… Việc thắp sáng này có thể tạo nên sự nổi bật và bầu khí đặc biệt cho các trung tâm, cửa hàng, lan can và mặt tiền. Chúng ta cũng có thể làm hoặc mua một vòng hoa Mùa Vọng và đặt ở nơi dễ thấy trong nhà.
Một kĩ xảo trang trí hiệu quả có thể tạo ra những “điểm nhấn” ở các phần khác nhau của ngôi nhà bằng cách sử dụng đồ trang trí Giáng Sinh, hoa hoặc cành cây và các điểm ánh sáng như nến hoặc các hình sáng. Chúng ta có thể sử dụng các hình dạng, kết cấu và kích thước khác nhau, tạo ra một không gian đầy cảm hứng trên tủ, bệ cửa sổ hoặc góc bàn.
Tuy nhiên, đừng quên rằng ánh sáng của Chúa mới là quan trọng nhất và tồn tại mãi mãi, ngay cả sau khi chúng ta đã gỡ bỏ đồ trang trí Giáng Sinh:
“Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi; Đức Chúa sẽ là ánh sáng đời đời của ngươi và ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ. Mặt trời của ngươi sẽ không lặn nữa và mặt trăng của ngươi sẽ tự rút lui; vì Chúa sẽ là ánh sáng đời đời của ngươi.” (Isaia 60:19)
Nhiệm vụ của ta là chiếu tỏa Ánh sáng của Đấng Kitô vào đêm đen của thế giới. Bạn có cùng chúng tôi đảm nhận thách đố này không?
Miriam Esteban Benito (Aleteia) / Nguyệt Nguyễn chuyển ngữ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024