Đám cưới nhỏ bên hang đá nghèo
Thường thì những người nghèo, những người bị bỏ rơi chẳng ai ngó ngàng đến, nhưng ở mái ấm này (Trung Tâm Mai Hoà) người nghèo được trân trọng, người nghèo được các nữ tu lo cho cả đến cái việc “dựng vợ gả chồng”.
Cũng đã khá lâu không có dịp trở lại với mái ấm nghèo ngụ tại mảnh “đất thép thành đồng”. Hôm nay, trở lại đây không phải do lời mời của vị phụ trách mà từ phía những học trò nghèo. Chuyện là sau một thời gian dài cầu nguyện và suy nghĩ, hai học trò nghèo ngày xưa đi đến quyết định cử hành bí tích Hôn phối. Bí tích hôn phối lại được chọn cử hành vào cái ngày áp lễ Chúa Giáng Sinh.
Vừa qua đoạn đường dài đầy bụi bặm cộng chút sương mù của chút chút gì đó gọi là mùa đông nên dừng chân một chút. Trong lúc nghỉ ngơi chợt nhớ đến người anh em ngày xưa cùng đồng hành bao năm tháng nơi mái ấm nghèo này. Chú rể ngày hôm nay cũng là học trò nghèo của người anh em ngày xưa cùng công việc mục vụ. Gọi để báo tin vui cho thầy biết hôm nay trò cũ lên “xe bông”.
Dẫu đoạn đường khá dài từ Bắc Sài về Nam Sài khá mệt nhưng hình ảnh của những người bị bỏ rơi đã làm vơi đi những mệt nhọc của phận người. Con đường quá quen thuộc này làm nhớ lại ngày dầm mưa dãi nắng để gắn kết với mái ấm này. Hình ảnh của những người nghèo đang sống lại trong tâm trí của hai anh em. Chẳng hiểu sao hai anh em lại được phục vụ ở mái ấm nghèo trên vùng đất “cày lên sỏi đá” đây.
Vừa đến mái ấm cũng là lúc bài ca nhập Lễ được ca lên : “Ngày hôm nao tiếng hát bay cao, quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời …”.
Cũng hay đấy chứ ! Giữa một cõi mà người ta thường chứng kiến cái chết, sự ra đi, sự buồn bã, ấy vậy mà hôm nay lại có một đám cưới, có một niềm vui. Đám cưới, niềm vui ấy lại là niềm vui của đôi vợ chồng nghèo đang mang trong mình căn bệnh hiểm ác lại càng có ý nghĩa hơn. Anh Luy và chị Anna sau những năm tháng trôi dạt theo dòng đời đã được về với mái ấm. Hai người chẳng hề biết nhau và cũng chưa bao giờ biết Chúa. Vào mái ấm này, kín múc được dòng chảy tình yêu, sự chăm sóc của các nữ tu nên tình Chúa và tình người chẳng biết thấm nhập vào đôi bạn tự lúc nào.
Từ ngày vào mái ấm này cho đến ngày hôm nay tính ra cũng non kém 5 năm trời. 5 năm trời tìm hiểu Chúa và tìm hiểu nhau cũng chưa gọi là bao nhưng đáng là bao so với cái xu thế xã hội thời nay là “yêu cuồng - cưới vội”. Và cũng nên nói rằng đôi bạn can đảm tín thác vào tình thương của Chúa để dẫn nhau đến trước bàn thờ Chúa xin Chúa chúc phúc và thánh hoá cho tình yêu của đôi bạn trong khi không ít người cứ vô tư chung đụng với nhau.
Tình Chúa và tình người cứ hoà quyện vào nhau để rồi hôm nay lại có một Thánh lễ hôn phối được cử hành ngoại lệ. Không những ngoại lệ mà còn hết sức đặc biệt ở cái mái ấm này vì lẽ từ xưa đến nay ở đây chỉ cử hành “đám chết” chứ chưa bao giờ có cử hành “đám cưới”. Đám cưới này phải nói là hết sức, hết sức đặc biệt vì đây là đám cưới giữa hai con người tạm gọi là bị đẩy ra ngoài lề của xã hội. Thường thì những người nghèo, những người bị bỏ rơi chẳng ai ngó ngàng đến, nhưng ở mái ấm này người nghèo được trân trọng, người nghèo được các nữ tu lo cho cả đến cái việc “dựng vợ gả chồng”.
Đám cưới nghèo này một lần nữa minh chứng rằng : Tình Yêu vượt thắng sự chết ! Cũng vì yêu, Giêsu đã chịu chết trên cây thập giá. Cũng vì yêu, đôi vợ chồng trẻ này đã cố gắng để đến với nhau dẫu cái chết cũng gần kề.
Sau đám cưới nghèo thì cũng có tiệc cưới như ai ! Tiệc cưới hôm nay vỏn vẹn với vài ba chiếc bánh mì kẹp chả cộng với tách cà phê pha vội mà thôi ! Những chiếc bánh mì, những ly cà phê hôm nay nhỏ bé thật nhưng chắc có lẽ chúng hạnh phúc hơn vì đã được hân hạnh phục vụ cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi.
Nhìn đến đôi bạn, tôi chợt nhớ đến lời kinh của Mẹ Maria thuở nào : “Linh hồn tôi hớn hở vui mừng trong Chúa. Ngài đã thương đến phận hèn tôi tớ!"
Vâng ! Thiên Chúa luôn luôn thương người nghèo và đặc biệt những người bị bỏ rơi. Tình thương ấy được diễn tả qua sự hiện diện của 4 hội dòng cùng với nhiều và nhiều con người nghèo trong mái ấm này.
Đám cưới của đôi học trò nghèo bên hang đá nghèo hôm nay sao mà thấy thương quá! Giữa chốn tuyệt vọng vẫn còn đó một chút của tình người.
Tan lễ, vị phụ trách ghé vào tai nói nhỏ “cha kiếm chút gì cho hai đứa sinh sống với!”.
Phải chăng đó là điều bận tâm của con người, còn với Chúa, ngày hôm nay có được như vậy quả là ngoài sức tưởng tượng của đôi bên. Chú rể và cô dâu đã được Chúa cưu mang suốt chặng đường dài đối chọi với những đau đớn bệnh tật của kiếp người lẽ nào Ngài lại bỏ họ khi họ mang tính yêu của họ gửi gắm vào lòng bàn tay của Chúa mà sao sơ phải lo?
Vẫn tin rằng Thiên Chúa luôn luôn thương người nghèo để rồi Chúa sẽ có cách với cái gia đình nhỏ bé mới nảy sinh ngày hôm nay. Vả lại, chắc gì ở cái cuộc đời này giàu là hạnh phúc. Nếu chỉ nhắm đến tiền tài, danh vọng và địa vị thì ngày hôm nay chẳng có cái đám cưới này. Đôi bạn ngày hôm nay cũng thừa biết mình là nghèo. Họ có thể nghèo tiền nghèo bạc nhưng không bao giờ nghèo tình nghèo nghĩa. Điều ấy đã được chứng minh trong Thánh Lễ sáng nay hết sức đơn sơ nhưng cũng quá sức long trọng.
Thiên Chúa khác người đời, Thiên Chúa vẫn luôn gìn giữ, luôn chúc phúc cho những tâm hồn nghèo khó, những con người bơ vơ tất bạt.
Chuyện quan trọng trước mặt Chúa vẫn là chuyện sống yêu thương hạnh phúc chứ chẳng phải là chuyện giàu, chuyện nghèo.
Giáng sinh năm nay, Hài Nhi Giêsu lại có thêm một niềm vui nho nhỏ : một đám cưới nhỏ bên hang đá nghèo. Hai vợ chồng nghèo hôm nay cũng có niềm vui tương tự : một hang đá nhỏ cạnh đám cưới nghèo.
Dự đám cưới nghèo này, lại một lần nữa mình học được bài học nghèo. Nghèo: nhưng hồn vẫn an và xác vẫn vui. Bài học nghèo này tuy nhỏ nhưng giá trị của nó hết sức lớn giữa cuộc đời mà người ta cứ loay hoay mãi để đi tìm vật chất và danh vọng.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024