Cùng Hành Hương về La Vang

Cùng Hành Hương về La Vang

Cùng Hành Hương về La Vang

Hành hương là thực hiện chuyến đi đến một nơi linh thánh nào đó để kính viếng, tụng ca, tri ân, sám hối đền tội và cầu khẩn…Ngày nay phương tiện đi lại dễ dàng, người ta đã thực hiện những chuyến hành hương rất xa bằng máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả và các loại xe; có nhóm thực hiện cuộc hành hương bằng xe đạp, đi bộ, cùng nhau sống ân huệ của cuộc cử hành để tôn vinh, trao đổi một sứ điệp, sống một linh đạo, tha thiết xin một ơn trọng nào đó, dâng lên hy sinh, đền tội, góp phần vào việc tuyên xưng niềm tin… có người lại muốn tập nhân đức khiêm nhượng, khó nghèo, phó thác, người ta vừa đi vừa xin được bố thí (hành khất), chịu khinh dễ, chửi mắng; họ muốn thực hành cuộc “hành hương khổ nhục” vì lòng yêu mến Chúa, sám hối cầu nguyện theo ý Đức Mẹ.

Hành hương mang tính chất tôn giáo, tâm linh, nên người đi hướng về những nơi linh thiêng như La Mecque đối với Hồi giáo, sông Hằng đối với người Ấn Độ, Giêrusalem đối với dân Do Thái…Và nhiều nơi trên thế giới, những nơi Đức Mẹ hiện ra đã trở thành trung tâm hành hương, như tại Lộ Đức (Pháp) Fatima(Bồ Đào Nha), Loretta(Ý), La Vang (Việt Nam)…

Chiều hướng hành hương vẫn luôn phát triển do nhu cầu tâm linh, là đi theo tiếng gọi từ trời thúc bách, người ta vừa đi vừa cầu nguyện, ca hát như ngày xưa đoàn dân Chúa: “Tôi vui mừng khi người ta bảo tôi, chúng ta hãy về hãy tiến về Nhà Chúa, Giêrusalem hỡi, nơi chúng ta sẽ dừng chân” (Tv 21,1). Cho nên thực hiện một cuộc hành hương không phải chỉ với cá nhân, nhưng là của một tập thể, một giáo xứ, một giáo phận, một dân tộc, và ngày nay lại có khi lại cả Giáo Hội, mang tính quốc tế. Như vậy, Hành hương để nói lên một chân lý: Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, quy tụ mọi thành phần khác nhau về tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ văn hoá, có khi cả sắc tộc, màu da, ngôn ngữ… có cùng một niềm tin, một đức mến và một niềm hy vọng.

Năm nay, Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, ngày bế mạc: 4.5.6/ 01/2011, và Đại Hội Đức Mẹ La vang lần thứ 29, chúng ta hành hương về Thánh địa La Vang (Việt Nam), nơi Mẹ đã hiện đến với cha ông tổ tiên chúng ta hơn 200 năm trước (1798…). Từ đó, đoàn người vẫn khao khát và yêu mến tìm về nguồn cội của yêu thương, nơi Mẹ Thiên Chúa đã đặt chân đến.

Lịch sử câu chuyện đã được viết tại trang web tonggiaophanhue.net “Một hôm, đang lúc đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra uy nghi rực rỡ, tươi đẹp vô ngần. Mẹ mặc áo choàng, tay ẵm Chúa Hài Đồng. Mẹ xuống đứng trên đám cỏ, gần gốc cây đa, nơi họ đang cầu nguyện. Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các tín hữu vui lòng chịu khó và dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ còn hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn nầy, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”. Qua thời gian, với những ơn lành hồn xác, với lòng tin cậy của đoàn con không phân biệt tôn giáo khắp nơi tuôn đổ về. “Đền thờ LaVang được Đức Thánh Cha Gioan XXIII nâng lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường bằng Tông thư Magno Nos ngày 22.08.1961, hôm đó cũng là ngày ngôi Đền thờ La Vang được Cung Hiến và Giáo quyền chính thức tuyên bố Linh Địa La Vang là Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Ngày 01.05.1980, tại Hà Nội, các Giám mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong cuộc Hội nghị toàn thể lần đầu tiên đã đồng thanh biểu quyết “La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc của Giáo Hội Công giáo Việt Nam”.

Những cuộc hành hương về linh địa Lavang được thực hiện từ đầu thế kỷ XX (1901), lúc Thánh đường Lavang (thứ I) hoàn thành, vào ngày 6-8/8/1901 đó là Đại Hội hành hương lần I, Thánh lễ do Đức Cha Gaspar (Lộc) chủ sự. Sau thánh lễ là rước kiệu, làm phép nhà thờ, và Ngài tuyên danh Mẹ là: “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” và công bố thông lệ hành hương 3 năm 1 lần. Và vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày Mồng 3 Tết hay một ngày đầu năm mới, hành hương Minh Niên để chào kính Mẹ là Mùa Xuân, xin thánh hoá năm mới nhờ Mẹ nhân lành Lavang chúc phúc.

Năm nay, hành hương về Thánh địa Lavang trong Năm Toàn xá của Giáo Hội Việt Nam (2010-2011) và Đại Hội thứ 29, chúng ta càng xác tín hơn về hồng ân đức tin cho Hội Thánh Việt Nam, đã hơn 350 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng và 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ghi dấu giai đoạn trưởng thành của Giáo Hội trên đất nước hình chữ S nầy. Cám ơn Chúa vì những ân huệ Hội Thánh Việt Nam đã lãnh nhận, ơn chung hay ơn riêng cho giáo phận, mỗi cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, gia đình, từng cá nhân, từng hoàn cảnh...

Hành hương Năm Thánh GHVN cũng là dịp cộng đoàn Dân Chúa sống Mầu Nhiệm-HiệpThông - SứVụ trong tinh thần canh tân đổi mới, yêu thương và nhiệt tâm mang vào mình Sứ vụ Loan báo Tin Mừng cùng với Mẹ Maria. Để nhờ Mẹ, cộng đoàn Hành Hương đón nhận ý Chúa, sẳn sàng ra đi làm chứng nhân Tin Mừng Yêu Thương cho Đức Kitô và chia sẻ niềm tin, hy vọng cho anh chị em trong cuộc sống hằng ngày, như lời ca:

“Xin dâng lời cảm tạ và thao thức vươn xa,

Thêm tin yêu phấn khởi hiệp thông,

Đem yêu thương đến muôn cõi lòng,

cùng lo xây đắp tương lai”. (*)

Ban Thông Tin Lễ Bế Mạc Năm Thánh

* (Lời ca 5, bài ca chính thức Năm Thánh 2010: Mùa Hồng Ân của ĐC Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Uỷ Ban Thánh nhạcVN)

---------------------------------------------------------------------------------

 

TRẨY HỘI ĐỀN LAVANG

Có đàn chim nho nhỏ

Vui trên ngôi tháp cổ

Lúc chuông ngân nga đổ

Chim hót: Mẹ Lavang.

 

Khách lữ từ phương nao

Nam Quan hay Cà Mâu

Núi rừng đến biển sâu

Trẩy hội: Đền Lavang.

 

Hải ngoại về quê nội

La vang mùa Đại Hội

Người về như thác suối

Hát mừng: Mẹ Lavang.

 

Bụi hồng vương muôn lối

Bóng Mẹ từ trong núi

Ngày hội, niềm tin mới

Đắm say: tình La vang.

 

Vang vang khắp đồi núi

A- vê, tình diệu vợi

Mẹ giang tay chờ đợi

Cửa trời: Mẹ Lavang.

 

Hồng ân, Mùa Năm Thánh

Cho Giáo Hội Việt Nam

Đoàn con về Nhà Mẹ

Ôi lạy Mẹ Lavang.

                                                   (Mai Bảo Linh)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top