Con chiên lạc và mùa Chay
Trên trang bìa của tờ báo Công giáo và Dân tộc (tuần lễ từ 11.06 đến 17.06.2010) có đăng hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử đang vác con chiên lạc màu đen trên vai. Khi tờ báo được phát hành, đã có nhiều cảm nhận khác nhau về hình ảnh này. Một người thích cách thể hiện Chúa như thế, vì anh thấy ở đây hình ảnh Chúa thật mộc mạc, thật gần gũi con người, không giống như nhiều tranh khác diễn tả Chúa là một Đấng siêu phàm. Người khác liên tưởng đến dụ ngôn về con chiên lạc trong Tin Mừng Mathêu và Luca (15,4-7). Người khác nữa, một thầy giáo dạy tiếng Anh, cảm nhận: “Trong một bầy cừu trắng tình cờ có một con lẻ loi, khi sinh ra đã mang bộ lông đen (di truyền học gọi là tính lặn). Khi làm len, lông cừu đen không thể nhuộm màu được như lông cừu trắng, do đó lông cừu đen bị chê vì không có giá trị thương mại. Người Anh thế kỷ 18,19 xem cừu đen là một phần tử bị tập thể cho ra rìa, bị phân biệt đối xử. Như vậy, họa sĩ này không chỉ đơn thuần vẽ con chiên đi lạc mà ông còn ngụ ý rằng nó còn là con chiên hẩm hiu vì bị bầy đàn lạnh nhạt, hắt hủi, tẩy chay…”
Bạn thân mến, những dòng cảm nhận trên đây muốn nói gì với chúng ta trong mùa Chay Thánh 2012 này? Phải chăng, mỗi người chúng ta cũng cảm nhận nơi bản thân mình từng là con chiên lạc trong đời sống đạo? Phải chăng, chúng ta cảm nhận nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, luôn yêu thương chăm sóc chúng ta, nhất là những lần chúng ta vấp ngã, yếu đuối, chán nản và tội lỗi?
Trước hết, Tin Mừng Luca thuật lại: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.” (Lc 15,4-5). Quả thật, đây là những lời diễn tả tinh tế về một Thiên Chúa luôn gần gũi với con người như mục tử luôn gắn bó với đoàn chiên của mình. Một Thiên Chúa không bị đóng khung trong dân tộc Israel nhưng là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Thật ra, Chúa không bỏ rơi “chín mươi chín con chiên kia ngoài đồng” để chỉ chăm sóc cho một con chiên lạc. Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhất là những đứa con hay bệnh tật, thiếu thốn. Vì thế, Chúa luôn yêu thương tất cả chúng ta, nhất là những người tội nhân, nghèo khổ và cô đơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cảm nhận điều gì với hình ảnh “một con chiên lạc”? Kinh nghiệm đời sống đạo cho chúng ta thấy: biết bao lần chúng ta khô khan nguội lạnh, bỏ tham dự Thánh lễ Chúa nhật, không xưng tội rước lễ trong mùa Phục sinh; biết bao lần chúng ta để lòng mình chìm ngập trong tội lỗi, hay biết bao lần chúng ta đánh mất cảm thức về đức tin: Tôi có đi lễ cũng vậy thôi! Chỉ cần có đức tin là đủ rồi… Tất cả những não trạng sai lầm như thế cho thấy sự lệch lạc trong đời sống đạo của chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng là những con chiên lạc: đang suy nghĩ và hành động lệch lạc theo ý riêng chứ không phải theo ý Chúa.
Ngoài ra, mùa Chay Thánh 2012 là dịp để chúng ta quan tâm đến tha nhân. Hình ảnh con chiên màu đen phải chăng gợi lên trong chúng ta những người nghèo khổ, già cả không nơi nương tựa hay những người đang bị gạt ra bên lề xã hội? Họ cũng là những con chiên lạc bị chính những người anh em của mình loại trừ. Họ rất cần sự chăm sóc của người thân và những tấm lòng cảm thông chia sẻ của tha nhân. Một người thanh niên có đạo kia có lần chia sẻ rằng: Nhìn thấy một bà lão cầm trên tay xấp vé số lang thang trên một con đường ở Sài Gòn, anh thấy nghẹn ngào và tội nghiệp cho bà. Anh ước ao phải chi bà được con cháu chăm sóc. Phải chi bà được náu thân nơi một nhà dưỡng lão nào đó… Dưới cái nắng chang chang và nóng bức của Sài Gòn, bà lão bước đi trong âm thầm với cảnh mưu sinh nghiệt ngã của kiếp người… Là những Kitô hữu, chắc hẳn chúng ta không khỏi xót xa và ngậm ngùi khi chứng kiến hình ảnh thật cảm động như thế!
Bạn thân mến, phải chăng hình ảnh của con chiên lạc, hình ảnh của bà lão bán vé số trong câu chuyện trên đây gợi lên trong chúng ta biết bao những hình ảnh thương tâm trong cuộc sống đô thị Sài Gòn này? Vẫn còn đó biết bao bà lão, ông cụ bị mù đôi mắt ngồi ăn xin ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ trên khắp các con đường Sài Thành. Vẫn còn đó biết bao người tật nguyền tay chân phải lang thang dưới cái nắng chói chang vào những buổi trưa nóng bức của chốn thị thành. Vậy, đã mấy lần chúng ta để mắt quan tâm đến những hình ảnh của những kiếp người như thế? Đã mấy lần chúng ta cảm nghiệm rằng: Chúa Giêsu đang dõi cái nhìn yêu thương của Ngài nơi những phận người đáng thương như thế? Vâng, Chúa Giêsu đang cần đến những nghĩa cử yêu thương của chúng ta: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10,42). Giúp đỡ tha nhân là tự cứu lấy mình. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để thực hiện lời dạy này của Chúa?
Thật vậy, mỗi người chúng ta đều là những con chiên lạc dưới cái nhìn yêu thương của Chúa. Chúng ta cần Chúa và cần nhau. Đức Giêsu đã nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” (Ga 10,14). Điều này muốn nói với chúng ta rằng: cho dù chúng ta có tội lỗi, phản bội; có nghèo hèn, nguội lạnh khô khan đến đâu thì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Từ “biết” trong Kinh Thánh nói lên cả một vận mệnh của con người. Chúa biết vua Đavit phản bội nhưng Chúa vẫn chọn Đavit làm vua. Chúa biết Phêrô không trung thành nhưng Ngài vẫn tin tưởng nơi ông. Mỗi người chúng ta đều là một con chiên lạc trong trái tim của Chúa. Con số “một” bao giờ cũng là duy nhất. Mỗi người chúng ta đều độc đáo trong tình thương của Thiên Chúa. Chúa không bao giờ đóng khung, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời chúng ta. Một tác giả đã viết về người chăn chiên như sau: “Trên một cánh đồng khô cỏ cháy, ban đêm chỉ có tiếng chó hú, người chăn chiên với gương mặt tỉnh táo, đôi mắt nhìn xa, màu da cháy nắng, mình đeo khí giới, đứng dựa trên cây sậy, mắt chăm chú nhìn bầy chiên đang ăn.” Điều này cho chúng ta thấy: cái nhìn của Thiên Chúa luôn dõi theo chúng ta. Đó là cái nhìn yêu thương, có sức biến đổi cả một tâm hồn và một cuộc đời lạc lối, phản bội. Vậy, đã mấy lần trong cuộc đời, chúng ta cảm nhận được cái nhìn của lòng Chúa yêu thương?
Ước gì mùa Chay Thánh 2012 là mùa của ân sủng và là mùa hạnh phúc của “những con chiên lạc” trên cuộc sống dương gian này!
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024