Chuyên đề Cuối Tuần: tĩnh tâm Mùa Chay

Chuyên đề Cuối Tuần: tĩnh tâm Mùa Chay

WGPSG -- Vào lúc 17g30, ngày 26.03.2010, tại hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, thuộc Trung tâm Mục vụ TGP. TPHCM, hơn 700 tham dự viên đã dự buổi tĩnh tâm với chủ đề “HƯỚNG ĐẾN TÂM TÌNH SÁM HỐI BÊN THÁNH GIÁ” do xơ Maria Hồng Quế và linh mục Giuse Lê Quang Tuyến hướng dẫn, cùng với sự trợ giúp của nhóm kịch Rabboni và quí thầy ca đoàn dòng Chúa Cứu Thế.

Hoà mình trong bầu khí Mùa Chay của Năm Thánh 2010, mọi người có cơ hội nhìn lại mình với những yếu đuối, bất toàn của kiếp người, để rồi từ đó nhận ra tình yêu cứu độ mà Thánh giá Chúa mang lại. Hơn nữa, buổi tĩnh tâm còn là nơi gặp gỡ, liên kết nhiều tâm hồn đến với nhau: tu sĩ, giáo dân và cả những người chưa nhận biết Chúa.

Trước hết, cha Tuyến dẫn dắt mọi người nhìn vào bản chất của mình qua cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và các thiên thần về công trình tạo dựng con người. Con người là tạo vật vừa trường cửu lại vừa hữu hạn, vừa có hồn thiêng nhưng cũng là vật chất, vừa thánh thiện nhưng cũng đầy tội lỗi.

Những đặc tính ấy thể hiện rõ nét qua vở kịch nổi tiếng: “Người cha nhân hậu” mà nhóm kịch Rabboni sẽ thể hiện.

Một gia đình hạnh phúc là gì? Phải chăng là cha mẹ và con cái được sống bên nhau, cùng chia sẻ những vui buồn? Hay hạnh phúc còn là những gì khác nữa? Nếu hạnh phúc chỉ là cha mẹ và con cái sống với nhau thôi thì đến một lúc nào đó, khi con cái trưởng thành, những giá trị đó còn đúng không?
Người con thứ

Phần đầu của vở kịch là một cuộc đấu tranh quyết liệt của người con thứ. Anh cũng có khát vọng sống hạnh phúc. Và khát vọng đó đến với anh rất mãnh liệt. Vì thế, những giá trị hạnh phúc chỉ gói gọn trong gia đình vào thời điểm này thật không phù hợp. Anh đang bước vào tuổi mười tám đôi mươi. Anh cần khám phá thế giới, một thế giới rộng lớn hơn cái gia đình nhỏ bé của anh. Và anh đã sẵn sàng đánh đổi tất cả để chạy theo khát vọng đó, kể cả người cha già đáng kính lẫn người anh cả mà anh rất mực kính yêu - vì những đóng góp của người anh cho gia đình.

Người cha già

Những dòng nước mắt tuôn trào, những giây phút thẫn thờ, những tiếng lắp bắp gọi tên con, những đêm dài không chợp mắt của người cha cùng với bài hát “Chúa vẫn chờ” của linh mục Nguyễn Văn Tuyên qua sự thể hiện của chị Nguyễn Thị Huệ khiến nhiều khán giả rung động vì cảm nhận được không chỉ nỗi đau vô tận của người cha mà còn là niềm khát vọng mãnh liệt mong con trở về.

“Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7). Niềm mong chờ của người cha, cuối cùng, cũng đã được toại nguyện. Cha con đoàn tụ trong cái ôm thắm thiết, trong những giọt nước mắt vui buồn đan xen. Vui vì cha con đã gặp lại nhau nhưng buồn vì người con đã làm tổn thương cha mình, chỉ vì lối sống ích kỷ của bản thân.

Người anh cả

Câu chuyện sẽ trở nên đẹp hơn nếu người anh cũng có tấm lòng bao dung như người cha. Trái lại, anh đã không thể tha thứ cho em mình, cũng chỉ vì sự ích kỷ của anh mà thôi! Phải chăng cả đời anh phục vụ cha như một người làm công chứ không phải như một người con hiếu thảo.

Giải quyết cách nào?

Các vai diễn của 4 khán giả nhiều kinh nghiệm đã khai mở cho mọi người lời giải đáp:

- Với người cha, lời khuyên tốt nhất là năn nỉ người anh nhìn vào tình cảm của cha và của gia đình để cả nhà cùng vui vẻ. Nhưng người anh cả vẫn một mực chối từ.

- Với người em, một cách xin lỗi chân thành qua hành động quỳ gối cầu xin sự tha thứ của người anh. Nhưng người anh vẫn không chấp nhận.

- Với người hầu, chị nêu ra lỗi lầm của người cha vì ông đã yêu con quá mức đến nỗi khiến con mình lâm vào con đường hư hỏng.

- Và nhân vật người anh cả - trong sự thể hiện của một bác lớn tuổi - thật sự mang lại cho mọi người một cái nhìn vừa cảm thông vừa xâu xé. Hành động của anh để giải quyết tình huống này là anh cũng muốn ra đi, ra đi để tìm kiếm một chân trời mới, để thoát ra khỏi con người cũ của mình, và để là chính mình! Đó có phải là biện pháp tốt nhất không? Nhưng người cha vẫn sẽ chờ đợi nếu thật sự anh cả làm như vậy.

Con đường yêu thương

Cuối cùng, câu trả lời cho vấn nạn trên đã được giải quyết triệt để qua sự thể hiện tiếp theo của phần cuối vở kịch: Người anh cả đã ở lại gia đình thêm một tháng nữa kể từ ngày người em trở về. Trong một tháng đó, những buồn đau, những thù hằn của anh dần dần phai tàn theo những cử chỉ âu yếm, những lời nói yêu thương của cha và em mình. Lúc này, họ không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho nhau và sống vì nhau.

Một kết thúc có hậu, một cách giải quyết hợp tình, hợp lý mà tác giả Trần Duy Nhiên đã mang đến cho vở kịch một sức sống mới. Đó cũng là lời mời gọi mỗi người. Nếu trong cuộc sống, ai cũng chỉ biết sống cho mình thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu là điều tất yếu. Thế nhưng, luôn có một con đường giúp chúng ta sửa đổi những lỗi lầm. Đó là “Con đường yêu thương”.

Vết đinh hằn trên thanh gỗ

Phụ hoạ cho nội dung câu chuyện là những suy tư cùng đinh sắt: Một người cha đã khôn khéo khuyên con từ bỏ tính ích kỷ, nóng giận và thù hằn. Ông dặn con mỗi khi nóng giận ai, hãy lấy một cây đinh đóng vào thanh gỗ. Thời gian trôi qua, đinh trên thanh gỗ mỗi lúc một nhiều. Nhưng cậu cảm thấy như thế thật không hay. Cậu đã có một ý tưởng mới, cậu cảm thấy mình cần phải thay đổi. Cuối cùng, người cha bảo: “Hãy nhổ một cây đinh ở thanh gỗ nếu con kiềm chế được một cơn nóng giận”. Chẳng bao lâu, thanh gỗ không còn một cây đinh nào. Nhưng vẫn còn đó: những vết đinh hằn sâu trên thanh gỗ.

Những vết thương lòng mà chúng ta dễ dàng gây ra cho người khác cũng như những vết đinh ấy, nó in hằn trong lòng họ mãi mãi. Vậy, phải làm thế nào khi những cơn nóng giận, bực tức trổi lên? Làm thế nào tránh để lại những tổn thương cho người khác?

Tình yêu cứu thoát

Câu chuyện Chúa Giêsu tha thứ cho bà Maria Madalena trong Tin Mừng đáng cho chúng ta noi theo bắt chước.

Với giọng hát trầm ấm truyền cảm, chị Phương Khanh đã trình bày sự kiện ném đá qua ca khúc “Tình yêu cứu thoát” của nhạc sĩ Ý Vũ, để giúp mọi người nhận ra cái tôi của mình và cùng suy niệm trên hòn đá mà mỗi người đang cầm trên tay.

Nhìn vào tội lỗi và nhận ra lỗi lầm của người khác là một việc rất dễ dàng. Bởi lẽ, ai cũng mau mắn kết án người khác. Và chỉ có một cách không xúc phạm đến tha nhân là hãy nhìn vào chính mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Chính khi nhận ra tội lỗi nơi bản thân mình, chúng ta mới dễ dàng chấp nhận và thứ tha cho người khác.

Tình yêu tha thứ

Để mọi người có những cảm nghiệm đích thực của tình yêu giải thoát ấy, một nghi thức đặc biệt mời gọi mọi người cùng tham dự. Trên sân khấu, một thánh giá với đinh, đá và nến đã được chuẩn bị. Những ngọn nến bao quanh thánh giá như để thắp sáng lên tình yêu trao ban, tình yêu sống vì người khác. Tất cả đá và nến được bỏ vào thánh giá như hoà cùng khổ đau với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó.

Mọi người đã dâng đá và đinh sắt của mình lên thánh giá. Rồi từ thánh giá đó, thắp lên một ngọn nến mang về chỗ mình. Ánh nến như muốn nói lên quyết tâm biến đổi đời sống và mang tình thương của Chúa - tình thương tha thứ - đến với mọi người.

Buổi tĩnh tâm kết thúc lúc 20g30 nhưng nó còn đọng lại trong lòng mọi người nhiều tâm tình sâu lắng. Từ những xung đột rất đời thường của vở kịch mang đến cho mọi người một lối nhìn mới đến những giây phút linh thiêng mà chính mỗi người cảm nhận được qua đinh sắt, sỏi đá và nến sáng. Tất cả đã làm nên một đêm lung linh đáng nhớ và tràn đầy ý nghĩa trong Mùa Chay Thánh 2010.

Top