Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
1.Thời kỳ tiền chủng viện
Ngày 09.09.1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII đã ban hành Tông thư Super Cathedram thiết lập hai giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời bổ nhiệm hai linh mục thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê làm Đại Diện Tông Tòa tiên khởi: Giáo phận Đàng Trong do Đức Cha Lambert de la Motte cai quản; Giáo phận Đàng Ngoài do Đức Cha François Pallu cai quản.
Trong huấn dụ “Monita ad Missionarios”, Bộ Truyền Giáo đã chỉ thị cho hai vị Đại Diện Tông Tòa Lambert de la Motte và François Pallu phải chú tâm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc: “Lý do chính Thánh Bộ cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh thiếu niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục. Chư huynh sẽ tấn phong cho họ, và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người cộng tác trong quốc gia mình; ở đó, họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần chăm sóc”.
Tại Giáo phận Đàng Trong, Đức Cha Lambert de la Motte và các đấng Giám mục sau này đã tìm cách đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ theo chỉ thị của Bộ Truyền Giáo. Tuy nhiên, do bối cảnh chính trị xã hội và những cuộc bách hại đạo kéo dài, nên việc đào tạo chủng sinh phải di chuyển nay đây mai đó: Juthia – Thái Lan (1665), Chantaboun – Cao Miên (1765), Hòn Đất - Hà Tiên (1765), Pondichéry - Ấn Độ (1769).
Từ năm 1775, việc đào tạo chủng sinh chủ yếu được thực hiện tại Việt Nam, chỉ trừ hai lần phải gởi ra nước ngoài vì lý do bách hại đạo: lần thứ nhất chủng viện phải di chuyển qua Chantaboun và lần thứ hai các chủng sinh được gởi sang Penang. Như thế trong thời kỳ này, chủng Viện cũng không có một nơi ở cố định: Cây Quao – Hà Tiên (1775), Tân Triều (1780), Mặc Bắc (1782), Chantaboun – Thái Lan (1783), Tân Triều (1791), Lái Thiêu (1799), Penang – Mã Lai (1807), Thị Nghè (1850), Cái Nhum (1850) và Xóm Chiếu (1862).
Trong thời gian này, chủng viện có ba linh mục tử đạo, đều dưới triều vua Tự Đức: Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853) học tại chủng viện Lái Thiêu, sau là cha giáo chủng viện Cái Nhum, tử đạo năm 1853 tại Đình Khao, Vĩnh Long; Thánh Phaolô Lê Văn Lộc (1830-1859) học tại chủng viện Cái Nhum, sau làm giám đốc chủng viện Thị Nghè, tử đạo năm 1859 tại Gia Định; Thánh Phêrô Đoàn Công Quý (1826-1859) học tại chủng viện Thị Nghè, tử đạo năm 1859 tại Châu Đốc, An Giang.
2. Đại Chủng Viện Thánh Giuse được thành lập
Ngày 17.05.1844, Đức Grêgôriô XVI chia Giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận: Giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) do Đức cha E.T. Cuénot Thể cai quản; Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) do Đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi coi sóc. Đến năm 1850, Tòa Thánh lại chia Giáo phận Tây Đàng Trong thành hai giáo phận: Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) do Đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi cai quản, và Giáo phận Nam Vang dưới quyền điều khiển của Đức cha Jean-Claude Miche Mịch.
Sau khi các cơn bách hại lắng dịu, Đức cha Lefèbvre cho chuyển chủng viện về nội thành Sài Gòn năm 1862, và một năm sau, năm 1863 thì chuyển về vùng đất tọa lạc chủng viện hiện nay, chấm dứt thời kỳ nay đây mai đó. Đức cha Lefèbvre đã phó thác công việc xây dựng chủng viện và đào tạo chủng sinh cho cha Théodore Louis Wibaux.
3. Đấng sáng lập: cha Théodore Louis Wibaux
Cha Théodore Louis Wibaux sinh ngày 28.03.1820, tại giáo xứ thánh Martin ở Roubaix, miền Bắc nước Pháp. Năm 1840, cha vào chủng viện và lãnh chức linh mục ngày 06.06.1846. Ngày 24.11.1857, cha Wibaux gia nhập Hội Thừa Sai Balê và được sai đến truyền giáo tại Việt Nam. Ngài đặt chân đến Đàng Trong vào tháng 1 năm 1860, và được Đức cha Dominique Lefèbvre bổ nhiệm làm Tổng Đại Diện Giáo phận Tây Đàng Trong. Ngài cũng là Đấng sáng lập và là cha bề trên tiên khởi của Chủng Viện Thánh Giuse. Ngài đã dành hết tâm huyết cho việc xây dựng chủng viện và huấn luyện chủng sinh.
Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, 07.10.1877, cha Wibaux qua đời sau 17 năm truyền giáo tại Việt Nam. Mộ phần của cha nằm sau nhà nguyện Đại chủng viện. Ngài để lại một tấm gương hy sinh cao quý với một gia sản vật chất và tinh thần đáng khâm phục.
4. Một vài cột mốc lịch sử liên quan đến chủng viện
- Năm 1863, Đức cha Dominique Lefèbvre đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng chủng viện, cơ sở đào tạo linh mục của Giáo phận Tây Đàng Trong cho đến ngày nay.
- 1866, Đức cha Miche Mịch long trọng làm lễ khánh thành và khai giảng với tên gọi chính thức “Chủng Viện Thánh Giuse”.
- Năm 1867, cha Wibaux cho xây dựng nhà nguyện chủng viện, và Đức Cha Miche làm phép nhà nguyện mới cách trọng thể năm 1871.
- Năm 1932, Đức cha Dumortier cho cất dãy nhà hai lầu (hay còn gọi là “Trại lính”).
- Năm 1933 tách Tiểu Chủng Viện ra khỏi Đại Chủng Viện.
- Ngày 10.01.1933, Tòa Thánh bổ nhiệm cha G.B. Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Ngài là linh mục xuất thân từ Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
- Tháng 7.1961, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm cha Giuse Phạm Văn Thiên làm giám đốc Đại Chủng Viện. Ngài là vị giám đốc người Việt Nam đầu tiên của Đại Chủng Viện.
- Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, năm 1963, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xây dựng hai khu triết học và thần học mới.
- Năm 1977, Tiểu Chủng Viện đóng cửa. Năm 1982, Đại Chủng Viện tạm ngừng hoạt động.
- Ngày 18.12.1986, Đại Chủng Viện Thánh Giuse mở cửa trở lại và lễ khai giảng khóa I được long trọng cử hành ngày 06.02.1987.
- 19.03.2012, Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà mới, nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập chủng viện. Ngôi nhà này được khánh thành vào ngày 22.03.2014.
- 16.10.2013: Kỷ niệm 150 năm Đại Chủng Viện Thánh Giuse.
- Ngày 11.12.2016, tại Viêng Chăn, Đức Hồng Y Orlando Quevedo, Tổng Giám mục giáo phận Cotabato tại Philippines, đại diện Đức Thánh Cha, đã cử hành thánh lễ tuyên phong chân phước cho 17 vị tử đạo tại Lào, trong số các Tân Chân Phước, có cha Giuse Thao Tien, đã từng học tại Chủng Viện Thánh Giuse.
5. Kết quả đào tạo
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn tính đến nay đã đào tạo được 1.485 linh mục phục vụ Giáo phận Đàng Trong trước kia và nay các giáo phận trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Tổng cộng có 34 giám mục xuất thân từ Đại Chủng Viện và Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, trong đó phải kể đến Đức cha G.B. Nguyễn Bá Tòng - Giám mục Việt Nam tiên khởi, Đức HY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức HY G.B. Phạm Minh Mẫn, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc…
II. NHÂN SỰ
Ban Giám đốc và Ban Đào tạo:
- Cha Giám đốc Giuse Đỗ Xuân Vinh
- Cha Phó Giám đốc Phaolô Nguyễn Đức Nguyên
- Cha Quản lý Giuse Maria Bùi Tuấn Anh
- Các Cha giáo nội trú: Cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn; Cha Tôma Thiện Trần Quốc Hưng; Cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng; Cha Giuse Phạm Văn Trọng; cha Giuse Nguyễn Thanh Thuần; Cha Phaolô Nguyễn Thành Sang; Cha Denis Phạm Bùi Vượng; Cha Phaolô Nguyễn Phú Cường; Cha Giuse Nguyễn Trung Hiếu; Cha Giuse Nguyễn Hồng Quân; Cha Giuse Trần Hoàng Quân; Cha GB Ngô Hữu Tiến; Cha Phêrô Nguyễn Đức Trọng; Cha Giuse Cao Minh Triết; Cha Giuse Nguyễn Quốc Viễn; Cha Giuse Phạm Quang Vũ; Cha Tôma Martino Nguyễn Diệp Lê; Cha Phêrô Nguyễn Minh Tâm; Cha Gioakim Nguyễn Ngọc Hưng; Cha Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Sơn.
Các giáo sư nội trú đảm trách việc đào tạo, giảng dạy, đồng hành và linh hướng. Số giáo sư ngoại trú gồm khoảng 45 người, đến từ các giáo phận và dòng tu khác nhau, đảm trách việc giảng dạy các môn học theo chương trình của Đại chủng viện. Về mảng linh hướng, ngoài các cha linh hướng nội trú và ngoại trú thuộc giáo phận Sài Gòn, còn có các cha linh hướng các giáo phận và các cha đồng hành tâm linh.
Đại chủng viện hiện có 8 lớp: 1 lớp Tu Đức, 2 lớp Triết Học, 4 lớp Thần Học và 1 lớp Năm Thử. Tổng số chủng sinh hiện nay khoảng trên dưới 300 chủng sinh, đến từ các giáo phận: Sài Gòn, Mỹ Tho, Phú Cường, và một số ít thuộc giáo phận Phan Thiết.
III. CÁC VỊ GIÁM ĐỐC TIỀN NHIỆM
1. Cha Théodore Louis Wibaux (1861-1877)
2. Cha Julien Thiriet (1877-1897)
3. Cha Jean Augustin Dumas (1897-1913)
4. Cha Urbain Anselme Delignon (1913-1916)
5. Cha Auguste Ernerst Hay (1916-1927)
6. Cha Urbain Anselme Delignon (1927-1930)
7. Cha Albert Pierre Delagnes (1930-1952)
8. Đức cha André Lesouef (1952-1961)
9. Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên (1961-1966)
10. Đức cha Gia-cô-bê Nguyễn Văn Mầu (1966-1968)
11. Cha Phao-lô Huỳnh Ngọc Tiên (1968-1975)
12. Cha Đaminh Trần Thái Hiệp (1975-1992)
13. Cha Phao-lô Lê Tấn Thành (1992-2005)
14. Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng (2005-2011)
15. Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm (2011-2012)
16. Cha Gioakim Trần Văn Hương (2012-2016)
17. Cha Giuse Bùi Công Trác (2016-2024)
18. Giuse Đỗ Xuân Vinh (2024 đến nay)
IV. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình đào tạo tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn theo sát Ratio 2012 của Ủy Ban Giáo sĩ - Chủng sinh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và Ratio 2016 của Bộ Giáo Sĩ, cụ thể:
1/ Thời gian đào tạo với ba giai đoạn:
- Thời gian trước Chủng Viện (đào tạo mở đường): Bao gồm thời gian dự tu tại gia đình và thời kỳ dự bị tập trung. Thời kỳ này kéo dài từ 4-6 năm tùy theo chương trình của các giáo phận.
- Thời gian đào tạo tại Đại Chủng Viện (đào tạo căn bản): kéo dài 8 năm, cụ thể: năm tu đức, 2 năm triết học, 1 năm thử tại các giáo xứ và 4 năm thần học,
- Thời gian đào tạo sau Chủng Viện (đào tạo trường kỳ): năm mục vụ bắt đầu từ sau khi kết thúc chương trình tại Đại Chủng Viện và kéo dài cho đến hết đời.
2/ Nội dung đào tạo thực hiện theo chỉ dẫn của Giáo Hội xoay quanh hai điểm:
- Động lực ơn gọi, nhằm giúp chủng sinh nhận định và thanh luyện “ý ngay lành” hướng tới ơn gọi linh mục triều, càng ngày càng sống mật thiết với Chúa Giêsu, có lòng yêu mến Giáo Hội và hướng tới sứ vụ truyền giáo mai ngày.
- Những khả năng thích hợp với đời sống linh mục triều tại giáo xứ, nghĩa là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô linh mục, với bốn chiều kích đào tạo: nhân bản (là nền tảng của việc đào tạo), thiêng liêng (là linh hồn của việc đào tạo), trí thức (là phương tiện của việc đào tạo) vàmục vụ (là mục tiêu cụ thể của việc đào tạo). Bốn chiều kích này đan kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau.
V. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
- Địa chỉ: Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 6 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM
- Điện thoại: 08.39104818 – 08.38290109
- E-mail: giamdocdcvsg@gmail.com
- E-mail: buicongtrac@yahoo.com
Đại chủng Viện Sài Gòn
Cập nhật ngày 07/10/2024
______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- EXLUROSAIGON, 150 năm Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn 1863-2013, Nhà Xuất Bản Phương Đông, Tp. HCM 2013.
- HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam - Niên Giám 2016, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2016.
- TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 150 năm Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn: Bài của Lm. Phêrô NGUYỄN THANH TÙNG “Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 150 năm hình thành và phát triển”, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2013.
- TRẦN ANH DŨNG (chủ biên), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980-2000, Đắc Lộ Tùng Thư, Paris 2001.