Chúa nhật VIII Thường niên A

Chúa nhật VIII Thường niên A

CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6,24-34

MỤC LỤC

1. Thiên Chúa quan phòng
2. “Dân ngoại đạo!”
3. Người biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy
4. Thiên Chúa hay thần tài? - Lm Nguyễn Hồng Giáo
5. Đơn sơ như trẻ nhỏ
6. Quan tâm đúng, lo lắng không đúng
7. Tin Chúa quan phòng
8. Gợi ý giảng của Lm Carôlô

SUY NIỆM

1. Thiên Chúa quan phòng.

Có một nhà hiền triết quan sát cơn gió thổi qua đồng cỏ. Khi cơn gió nổi lên, cây cỏ đều ngả theo chiều của gió. Khi cơn gió tạm ngưng thì cây cỏ lại ngóc đầu lên. Khi con giớ đổi chiều, thì cây cỏ cũng đổi chiều.

Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Cây cỏ là chúng ta, còn cơn gió là số mệnh. Số mệnh không bao giờ để cho chúng ta nghỉ yên, nó thổi tung và thổi tung mãi, khi thì thổi bên trái, lúc thì thổi bên phải. Điều quan trọng là phải biết nương theo chiều gió. Đừng chống cự, đừng phản kháng, nhưng hãy biết gắn bó với số mệnh của mình, bởi vì số mệnh là chính Thiên Chúa, là thánh ý của Ngài.

Từ đồng cỏ, nhà hiền triết ghé thăm một người bạn quen. Thoạt khi tới cửa, thì con chó sủa vang, đứa bé đang chơi ngoài sân, nhìn thấy người lạ, bèn chạy đi nép mình vào vòng tay người mẹ. Nhà hiền triết càng tiến tới, thì đứa trẻ níu chặt lấy đôi tay người mẹ.

Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Đứa trẻ sợ hãi là chúng ta. Người lạ mặt là số mệnh, còn vòng tay chở che là Thiên Chúa. Số mệnh nhiều khi âm thầm từng bước tiến lại gần, khiến chúng ta sợ hãi, thế nhưng điều khôn ngoan là hãy noi gương bắt chước đứa trẻ, biết nép mình vào vòng tay uy quyền của Thiên Chúa. Tương lai càng đen tối, chúng ta lại càng phải níu chặt bàn tay của Thiên Chúa. Sống dưới cái nhìn trìu mến của Ngài, chúng ta sẽ không còn sợ hãi. Nếu đứa trẻ nhận ra tôi là một người quen, thì nó sẽ vui mừng chạy ra và ôm lấy. Cũng vậy, số mệnh dù có bẽ bàng thì cũng là thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận không kêu ca oán trách.

Thế nhưng có một người đàn bà đã lên tiếng phản đối: Làm sao tôi có thể giơ tay đón nhận số mệnh, vì nó như những ngọn roi quất vào cuộc đời tôi. Chồng tôi bị chết trong chiến tranh, và bây giờ, mười mấy năm sau, đứa con trai tôi cũng lại chết trong chiến tranh.

Nhà hiền triết thông cảm với những đau khổ ấy, nhưng rồi ông đã trả lời bằng một giọng đầy an ủi khích lệ: Tôi biết, rất có thể chúng ta sẽ phải khóc dưới sức nặng của thập giá, nhưng chúng ta không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Chúng ta phải tin rằng Đấng đã dựng nên những bông hoa xinh tươi, những trái cây ngon ngọt, Đấng đã cẩn thận sắp xếp từng nguyên tử của vật chất, thì Ngài sẽ chẳng để cuộc sống con người bị bất ổn.

Con người đau khổ, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng đau khổ không phải là một cái gì thừa thãi và vô ích, chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ, nhưng Ngài đã mặc cho những đau khổ ấy một giá trị tuyệt vời và đã dùng những đau khổ ấy để cứu chuộc chúng ta. Rồi Ngài lại phán: Phúc cho những ai than khóc vì Nước Trời là của họ. Vậy thì chị là người đang đau khổ, Nước Trời là của chị đó. Nếu không có Nước Trời, thì tôi sẽ lên tiếng kêu gọi mọi người đau khổ hãy đoàn kết, chống lại số mệnh, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Nước Trời còn đó, và Thiên Chúa đang chờ đón chúng ta. Hãy để Ngài tẩy rửa và thanh luyện chúng ta nên xứng đáng với hạnh phúc tuyệt vời ấy.

Đừng hỏi tại sao Thiên Chúa lại dựng nên bông hồng có những gai nhọn, Ngài có chương trình của Ngài. Hãy để cho Ngài uốn nắn và hành động. Thái độ khôn ngoan nhất là biết nép mình vào bàn tay Chúa. Nếu cây cối chống trả với ngọn gió, nó sẽ bị gẫy đổ, nếu chúng ta chống trả với Thiên Chúa, đời chúng ta sẽ chồng chất thêm nhiều khổ đau, dù cuộc đời chúng ta có sóng gió, thì cũng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đáng giá hơn chim trời và hơn hoa cỏ đồng nội rất nhiều.

2. “Dân ngoại đạo!”

Chúa Giêsu không thích những kẻ hay lo lắng. Họ làm thương tổn điều mà Ngài sống với Chúa Cha. Làm sao nghĩ rằng có giây phút nào Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng vũ trụ vì hạnh phúc của con cái loài người, lại có thể để họ sống trong nghèo túng. “Dân ngoại đạo!”, Chúa Giêsu nói như thế với kẻ nào hay lo lắng. Người Kitô- ngoại đạo biết Chúa nhưng không biết lòng Chúa. “Những người kém tin!”. Chúng ta kém tin khi, để ngăn chận những mối lo, chúng ta chọn việc tin vào tài khoản ngân hàng của chúng ta ở ngân hàng hơn là tin vào Chúa.

- Không sao, tin vào Chúa rất có thể kèm theo sự cẩn thận theo lương tri đơn sơ! Những câu chuyện trong Tin Mừng nói về chim chóc và hoa cỏ này rất đẹp, nhưng có những lúc cạn lương vào cuối tháng, bệnh tật, thất nghiệp, lo âu muốn biết chúng ta có thể trang trải chuyện học hành cho đứa con nhỏ hay không, vết thương ăn sâu trong tâm trí khó xoá nhoà bằng một dịp tĩnh tâm ngắn ngủi. Tại Palestin, vào thời Chúa Giêsu, người ta dễ dàng phó thác vào Chúa hơn hay sao?

* Vấn đề không phải ở đó, Tin Mừng là lời nói dành cho các hoàn cảnh của chúng ta. Chúa Giêsu nói với tôi “Dân ngoại đạo!” hoặc”Con thật Cha trên trời” trong thế giới hiện tại. Chính so với thái độ của tôi trước những khó khăn hiện tại này mà sự kém tin của tôi làm Ngài nổi giận.

Bởi vì đây chính là một vấn đề đức tin. Đây không phải là chuyện chơi mà là tìm biết ai là kẻ giải thoát chúng ta khỏi những lo toan: Chúa hay cuốn sổ chi phiếu của chúng ta? Chúng ta ghét thế nước đôi này, chúng ta muốn giao phó chúng ta cho cả hai. Nhưng Chúa Giêsu nói:”Không ai có thể làm tôi hai chủ”.

Ngài nói điều đó bởi vì Ngài biết sự hấp dẫn của tiền bạc. Và chúng ta cũng biết sự hấp dẫn ấy! Trước tiên chúng ta muốn có tiền bạc để sống một cách liêm khiết, một cách đơn sơ. Chúng ta muốn có tiền bạc để đảm bảo không thiếu thốn. Sau đó chúng ta muốn có tiền bạc để có tiện nghi hơn. Và cuối cùng chính tiền bạc điều khiển cuộc sống của chúng ta, bỏ mặc cuộc sống chìm trong ba mối lo toan kiếm tiền, mua sắm và đảm bảo tương lai. Trong cuộc sống đó, nói với Chúa: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” chỉ còn là một lời kinh máy móc mà thôi.

* Thế thì Chúa Giêsu muốn chúng ta cư xử như những người bất cẩn và vô trách nhiệm hay sao?

* Chúng ta biết rõ rằng cái được thua không phải ở đó. Chúng ta thấy rõ vấn đề mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta nhưng chúng ta lại muốn gạt đi: “Bạn có tin rằng bạn có một người Cha trên trời hay không?”

Nếu có, phải dẹp bỏ các lo lắng vừa quấy rầy nhưng rốt cục vừa trấn an bởi vì đây là điều đã biết. Chúng ta e sợ dấn mình sâu hơn trong cái không biết của niềm tin!

Cuối cùng có thể nói: “Lạy Cha, con biết Cha yêu con và con không sợ gì cả”. Đó là chọn sự an bình ở một mức độ rất sâu xa trong con tim của chúng ta. Đây là một sự an bình thường là khá dễ dàng, may thay, nhưng lại có thể đòi buộc tính anh hùng: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” trở thành một hành vi đức tin rất ý thức và là một hành vi tình yêu. “Các ngươi đừng lo lắng cho ngày mai” từ nay là sự khôn ngoan của chúng ta.

Điều mà Chúa Giêsu nói thêm: “Ngày mai, mai sẽ lo” không nói ngược lại ba lần “Các ngươi đừng lo lắng” trước đó, mà tô đậm chúng. Cần phải lo lắng đến công việc, lương bổng, bệnh tật, nhà cửa phải mua, việc hưu dưỡng phải dự kiến. Nhưng sự lo lắng này chỉ tốt nếu nó diễn ra trong niềm tin tưởng vào Chúa. Và dấu hiệu thì rõ ràng: vẫn an bình.

Tìm kiếm Nước trời trước tiên, chính là kiếm tìm Chúa trước tiên, bền bỉ quy hướng về Chúa, chắc chắn rằng với Ngài chúng ta có thể được giải thoát. Những người nào dám tin tưởng như thế thì có được kinh nghiệm kỳ diệu này là con tim có tự do.

3. Người biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy. (Trích trong ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Đời sống chúng ta hiện nay còn nhiều khó khăn. Vấn đề lương thực là một và có lẽ phải đứng hàng đầu. Chúng ta đầu tắt mặt tối mà vẫn chưa đủ cơm ăn áo mặc. Thế mà Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay lại bảo chúng ta đừng lo lắng! Chúng ta có thể bình thản sống như Lời Chúa dạy không?

Thiết tưởng trước hết phải hiểu đúng ý của Chúa đã! Và cho được như vậy, chúng ta phải nhờ chính Phụng vụ hôm nay giúp đỡ. Không phải vô lý mà trước khi đọc cho chúng ta nghe bài Tin Mừng, Phụng vụ đã công bố mấy lời của sách Isaia. Và chúng ta sẽ thấy những lời thư Phaolô cũng giúp chúng ta thi hành Lời Chúa.

1) Hơn một người mẹ thương con

Chắc chắn những lời sách Isaia hôm nay không phải của nhà tiên tri đã hoạt động trong dân Israel trước khi dân này mất Nước và bị đem đi lưu đày. Sấm ngôn của vị tiên tri này chỉ chiếm 39 chương đầu trong sách Isaia thôi. Những chương 40-55 là của một ngôn sứ khác, mai danh ẩn tích, thường được gọi là Isaia II. Và người ta phải nói đến một Isaia III làm tác giả cho những chương cuối cùng của sách Isaia hiện nay, gồm những chương 56-66.

Bài trích đọc hôm nay nằm trong Isaia II. Tác giả bấy giờ đang sống trong cảnh lưu đày với con cái Israel ở Babylon. Ông được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ: Người sắp tái tạo và tái sinh Dân Người, tức là phục hồi Israel và trùng tu lại Yêrusalem.

Sứ mạng không dễ đâu. Sion đã kiệt quệ rồi. Nó chỉ còn biết nói: “Yavê đã bỏ tôi, Đức Chúa đã quên tôi”. Và bề ngoài rõ ràng như vậy. Con cái Israel đã tha phương lâu quá rồi. Các tin tức từ Yêrusalem cho biết Đất Nước đã trở thành của ngoại bang; Đền thờ chẳng còn gì nữa; và ở tại nơi lưu đày này, đa số đã xây dựng cơ nghiệp như là vĩnh viễn. Có chăng chỉ còn một thiểu số đạo đức chẳng bao giờ chịu quên Sion và chỉ muốn được trở về để làm lại Dân Chúa. Nhưng đó là thành phần khó nghèo, hy vọng gì làm được công việc đáng kể. Người ta hiểu rằng “quyền năng của Thiên Chúa hay viên thành nơi sức yếu đuối của con người”, tức là Thiên Chúa càng biểu lộ sự cứu độ của Người khi con người tỏ ra bất lực.

Đó chính là trường hợp lúc bấy giờ, khi Thiên Chúa sai Isaia đến với Dân. Thay mặt Người, ông phải công bố cho họ biết Thiên Chúa sắp ra tay cứu Dân. Họ tưởng Người bỏ họ và quên họ rồi sao? Chỉ có họ đã bỏ Người và đường lối của Người, nên họ mới như ngày hôm nay. Họ đã quên Người và huấn giáo của Người nên mới nghi ngờ lòng tốt và quyền năng của Người. Trước kia, Người đã thi thố bao nhiêu kỳ công cho họ, đâu phải vì họ xứng đáng? Chính lúc họ thất vọng, chán nản như đã quên Người thì Người đã đến phục hồi họ. Tất cả quá khứ của lịch sử Israel là như vậy. Và bây giờ cũng sắp như thế. Bởi vì:
“Mẹ nào lại quên con đẻ của mình...?”.

Isaia cho chúng ta một hình ảnh khác về Êzêkiel. Nhà tiên tri này nói đến Thiên Chúa như là một người chồng trung thành. Không những chính Người đã làm ra thân thể kiều diễm, lộng lẫy của Dân Người khi lôi kéo nó ra khỏi cảnh bỏ rơi nhớp nhúa, đói ăn, xấu xí; Người đã đem về tắm rửa, dưỡng nuôi, may mặc và trang sức và dạy cho yêu thương... nhưng rồi nó đã trở thành bạc phục, chạy theo trăng gió để phá hoại thân thể và đời sống. Tuy nhiên Thiên Chúa luôn trung thành và mãi mãi trung thành. Người sẽ tìm cách đưa bạn Người vào sa mạc để khuyên nhủ, để cải hóa... Theo Êzêkiel, tình yêu của Thiên Chúa nói lên sự trung thành không thể nào tưởng tượng được.

Isaia cũng nói đến tình yêu ấy. Nhưng nơi ông nó tha thiết, sâu xa, vô vị lợi và êm ái như lòng mẹ. Và hơn lòng mẹ, bởi vì cho dù “chúng quên được con mình, thì phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên ngươi”.

Thiết tưởng không cần giải thích thêm. Ai có thể phủ nhận tình hiền mẫu? Ai không biết nó chân thật, sâu xa, êm ái và vô vị lợi? Nó đáng tin và đáng tin hơn hết: vì người ta có thể đặt những nghi vấn về tình yêu vợ chồng hay bạn hữu, nhưng chẳng ai dám nghi ngờ gì về tình yêu của người mẹ.

Isaia có thể kéo được lòng con cái Israel trở về với Thiên Chúa nhờ lời sấm chân thật, đơn sơ và cảm động này. Chúng ta hoan hô các bà mẹ. Chúng ta cảm mến lòng các bà mẹ, nhất là các bà mẹ Việt Nam. Chúng ta hãy đi từ đó để hiểu về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, để hiểu lời Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về Cha trên trời.

2) Người biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy

Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người đã sinh ra chúng ta, nên Người không thể bỏ và quên chúng ta được. Loài người lầm lạc sa ngã, thì Người đã sai Con của Người đến để tìm gặp chúng ta, nơi Đức Yêsu Kitô.

Nhưng rất ít kẻ đón nhận Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người. Đại đa số bộ phận nhân loại vẫn dửng dưng với lời loan truyền Tin Mừng Cứu Độ. Vì sao, nếu không phải vì như lời nhận xét của chính Chúa Cứu thế? Là: Không ai có thể làm tôi hai chủ; người ta không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền của được.

Nhưng chúng ta muốn thưa lại với Người: Chúng tôi không tìm tiền của thì chúng tôi ăn gì, mặc gì? Thế là chúng ta mặc nhiên bỏ Thiên Chúa và quên Người đi, để lo có cơm ăn áo mặc. Những yêu cầu này khẩn trương và bức thiết quá!

Tuy nhiên chính vì vậy mà Thiên Chúa sai Con của Người đến. Người mời chúng ta coi chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm và Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, nuôi nấng chúng. Các ngươi không hơn chúng sao? Chắc chắn chúng ta phải hơn chúng, không phải chỉ vì chúng ta linh ư vạn vật, nhưng nhất là vì Đấng nuôi chim trời lại là Cha của chúng ta. Người phải săn sóc đến chúng ta trước chứ. Lẽ tự nhiên là vậy; sau chúng ta yếu tin vậy?

Còn về áo mặc chúng ta lo làm gì? Kìa xem cỏ đồng nội nay còn mai sẽ quăng vào lò mà Thiên Chúa còn cho mặc đẹp hơn cả Salômon trong vinh hoa đời ông, huống chi là chúng ta, con của Thiên Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương?

Lời Chúa dạy rất đơn sơ, chí lý. Nó chân thật rõ ràng. Nhưng sao chúng ta khó tin vậy. Phải chăng chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực trong lời giáo huấn kia mà chưa đi sâu vào phương diện tích cực. Chúng ta mới chỉ nghĩ tới việc “đừng” lo ăn lo mặc. Nhưng Chúa không bảo chúng ta như vậy. Cùng lắm, chúng ta có thể hiểu rằng Người bảo chúng ta “chớ lo đến ngày mai, mai sẽ lo cho mai; khó ngày nào đủ cho ngày ấy”. Tuy nhiên đó cũng chưa phải là giáo huấn tích cực, sâu xa và cốt yếu của Người. Điều Người muốn nói với chúng ta là “hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước đã, và các sự ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi”. Vì Cha trên trời biết rõ chúng ta cần những điều ấy. Người không thể bỏ và quên chúng ta. Chúng ta có lo cũng chẳng có thể thêm cho đời mình một gang nữa. Khởi đầu sự khôn ngoan chân thật là lòng kính sợ Thiên Chúa, là tin vào tình thương của Người, là được sự bình an của Người, rồi nhờ Người hướng dẫn sống trong sự bình an ấy.

Những con người như thế vẫn lo cơm ăn áo mặc; nhưng họ lo trong niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Cũng chẳng thể nói được rằng họ “lo”, bởi vì niềm tin luôn giữ họ trong sự bình an. Họ không bị các lo lắng đời này lôi đi đến nỗi chưa hết hôm nay đã lo sang ngày mai, để cuối cùng không còn suy nghĩ, yêu mến gì khác nữa ngoài tiền của và những sự ở đời này. Họ đã bỏ và quên Chúa, vì không thể làm tôi vừa Thiên Chúa vừa tiền của được. Còn kẻ tin Chúa, luôn tìm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Người trước đã và sẽ tìm thấy mọi điều cần khác ở đó; và sẽ thấy chúng chỉ là những phương tiện sinh sống chứ không phải là đối tượng của đời sống con người. Những người như vậy dù có vất vả vẫn thư thái bình an vì Chúa chẳng bỏ quên họ, hay nói đúng hơn vì họ chẳng bỏ quên Chúa. Họ luôn thấy Chúa là Cha là Mẹ. Họ được an ủi nhất là thấy Chúa yêu thương mình và Người không thể không săn sóc mình hơn chim trời và hoa cỏ ngoài đồng nội.

Nhưng con người không sống chỉ nhờ bánh, mà còn cần vinh dự, cảm thông của xã hội. Chúng ta cũng lo điều này không ít. Lời thư Phaolô hôm nay có lẽ giúp được chúng ta.

3) Đấng xét xử tôi chính là Chúa

Chúng ta ít có khi nào đau đớn như thánh Tông đồ. Người đã vất vả hình thành ra đoàn chiên ở Côrinthô. Chính người đã sinh ra giáo đoàn ấy. Thế mà bây giờ vì có kẻ thọc gậy bánh xe, và cũng vì tâm lý những người Côrinthô bồng bột nhẹ dạ không những ưa mới nới cũ mà còn nông nổi thích chạy theo những sự bay bướm, uy tín của Phaolô đang mất dần. Không thiếu những kẻ xấu miệng phê phán người thế này thế khác. Nói đúng ra, thánh Tông đồ không buồn cho mình. Người chỉ sợ vì thế mà đức tin ở Côrinthô sa sút và lầm lạc.

Người không chủ quan, chỉ thấy những sự tốt ở nơi mình. Người có tự kiểm điểm và kiểm điểm cả những dư luận về mình. Nhưng người không mảy may bận tâm. Không phải những dư luận và đánh giá ấy làm cho người xao xuyến lo lắng. Đấng xét xử tôi, người nói, chính là Chúa. Chỉ có Chúa là quan trọng. Chỉ có tình yêu của Người là cần thiết. Phaolô tìm Nước Đức Chúa Trời trước đã và sự công chính của Người. Chính Người là Cha là Mẹ và hơn cả cha mẹ vô vàn. Cho dù trước lương tâm chúng ta không thấy có gì, nhưng không phải cứ thế là chúng ta được giải án tuyên công. Không phải xã hội và người ta hay lương tâm của mình sẽ trao tặng lời tán thưởng đời đời cho chúng ta, nhưng là Thiên Chúa, Đấng xét xử chúng ta. Cho nên chúng ta đừng vội xét đoán trước khi Chúa đến và mọi dư luận trước đó cũng chỉ là không.

Tuy nhiên không vì vậy mà ai muốn sống thế nào cũng được. Trong xã hội, tất cả chúng ta đều là những người quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa. Và trong các sách Tin Mừng, nhiều lần Người đã nói đến vai trò quản lý này. Người đòi họ phải trung thành với chức vụ, phân phát các ơn của Chúa trong bác ái khiêm tốn, và tỉnh thức cần mẫn chờ đợi chủ về. Tất cả những tư cách ấy, Chúa dạy chúng ta phải đem ra thi hành trong đời sống xã hội. Nếu đã thi hành thì chúng ta cứ yên tâm, không phải xao xuyến vì các dư luận đánh giá đoán xét công việc và thiện ý của chúng ta. Chỉ có điều chúng ta có thật là người quản lý trung thành và khôn ngoan không?

Giờ đây chúng ta hợp dâng thánh lễ. Chẳng có điều gì cần hơn trong lúc này là đến gần bên Chúa để cảm thấy tình Cha, tình Mẹ của Người. Đời sống của chúng ta đang có nhiều khó khăn và lo lắng ư? Kìa, Thiên Chúa đang ban Con Một của Người cho chúng ta; và Con Một của Người đang trao cả Mình Máu Người cho chúng ta. Thiên Chúa còn có thể tiếc gì, không muốn ban cho chúng ta khi hiến ban cho chúng ta mối tình to lớn như thế? Chúng ta hãy có niềm tin, đón nhận mối tình ấy, lãnh nhận chính Thiên Chúa. Chính Người ở trong chúng ta sẽ hướng dẫn chúng ta trong đời sống hàng ngày, để dù lam lũ vất vả, dù gặp những xét đoán bất lợi, chúng ta vẫn không mất niềm tin, vì có Chúa đang ở với chúng ta và giúp chúng ta là các người quản lý tốt ở trong một xã hội.

4. Thiên Chúa hay thần tài? - Lm Nguyễn Hồng Giáo.

Trong bài Phúc Âm Mt 6, 24-34 mà chúng ta nghe đọc trong Chúa Nhật 8 Thường Niên năm A, và trong dịp Tết Nguyên Đán, Đức Giêsu dùng ba ví dụ rất nên thơ gợi cảm để chỉ cho chúng ta thấy một sự lo lắng thái quá về đời sống vật chất là vô lý nếu như chúng ta còn tin có Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ví dụ thứ nhất: chim trời không gieo, không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống. Ví dụ thứ hai: cuộc đời của mỗi người chúng ta có một quảng thời gian nhất định sống ở trần gian này, - điều đó chúng ta không thay đổi được, dù có lo lắng cũng chẳng kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc! Và cuối cùng: hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà dù vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng nó. Kết luận của ba ví dụ là: nếu như Thiên Chúa quan tâm nuôi sống chim trời và ban áo mặc cho hoa đồng cỏ nội, thì lẽ nào Chúa lại không lo lắng cho con người hơn gấp bội sao? Kết thúc bài giảng, Chúa Giêsu tuyên bố: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".

Chúng ta đồng ý rằng lời Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay thật là hấp dẫn. Có gì đáng mong ước hơn là có Cha Trên Trời lo lắng cho ta? Tuy nhiên, càng suy nghĩ và đi sâu vào thực tế, chúng ta càng thấy mọi sự chẳng đơn giản chút nào.

Những lo lắng chính đáng
Con người thời đại ta cũng như mọi thời đại, đều có trăm ngàn nỗi lo, và những nỗi lo chính đáng. Đừng nói gì xa xôi, chỉ nguyên những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống đã làm điên đầu nhiều bậc cha mẹ gia đình: lo sao cho có cái ăn, cái mặc, cho căn nhà ở khỏi giột nát khi tới mùa mưa, cho con cái được học hành, cho có thuốc thang khi bệnh tật, cho giá cả đừng tăng vọt, mùa màng không thất thoát... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người, đều chính đáng và đẹp lòng Chúa.

Chúa Giêsu không muốn cho chúng ta lười biếng hoặc sống vô trách nhiệm. Chim trời cũng phải vất vả tìm mồi. Có những thứ chim phải bay thật xa mới tới chỗ có thức ăn. Hoa huệ ngoài đồng cũng có khi phải đâm rễ len lỏi giữa sỏi đá để tìm chất nuôi sống. Đàng khác chính Chúa cũng nói rằng: "Ngày nào có cái khó, cái khổ của ngày đó". Vậy khó nhọc, gian khổ là điều có thực, gắn vào thân phận con người.

Không những Chúa không muốn ta sống lười biếng, vô lo, vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải làm việc để cùng với Người hoàn hiện thế giới này và góp phần vào công cuộc cứu độ thế giới. Ngay lúc vừa mới dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25, 15-25), Chúa Giêsu đã hỏi mỗi người đã dùng tài năng Chúa ban mà làm lợi cho Người được bao nhiêu, chứ không phải đã chôn giấu nó an toàn như thế nào. Thế thì ta có quyền và có bổn phận phải lo lắng, tính toán, phải có kế hoạch, phải phòng xa. Điều Chúa không chấp nhận là chúng ta lo lắng về đời sống vật chất như thể đó đã là cùng đích của đời sống, là tuyệt đối cho đời mình.

 

Thiên Chúa hay Thần Tài?
Câu then chốt nhất của bài Phúc Âm hôm nay là: "Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Chúa và đời sống công chính như Nguời đòi hỏi, còn các thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho." Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa: đây mới là vấn đề ưu tiên.

Nỗi lo số một của người môn đệ Chúa Giêsu là nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết. Nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đó là trật tự phải tôn trọng. Nhưng đây không phải là vấn đề thời gian sau trước nhưng là vấn đề giá trị mà khi cần phải chọn lựa, ta phải biết đâu là thiết yếu đâu là thứ yếu.

Lời dạy của Chúa Giêsu là hệ trọng. Và nó cũng phù hợp với kinh nghiệm sống của chúng ta. Người ta thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Nhưng thực tế luôn luôn chứng minh rằng suy nghĩ và hành động như thế là sai lầm. Xã hội tư bản lấy sự sản xuất của cải hàng hoá dư dật và sự hưởng thụ tự do làm mục tiêu, và bắt mọi sự khác phải phục vụ cho mục tiêu ấy, nên đã rơi vào khủng hoảng về tinh thần, về lý tưởng sống. Và vì mục tiêu ấy, người ta khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách vô độ và ngày nay thiên nhiên quay lại "trả thù" con người, đe dọa cuộc sống trên trái đất. Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, theo lý thuyết người ta coi kinh tế là yếu tố quyết định mọi sự khác, và tuy vẫn nói kinh tế phải phục vụ con người, nhưng trên thực tế con người và các giá trị đạo đức bị chà đạp trầm trọng... Sau khi hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, những nước khác đã quay sang kinh tế thị trường và cũng đang phát triển theo hướng phương Tây, liệu có tránh nổi những tiêu cực gắn liền vào tư bản chủ nghĩa không? Của cải vật chất là ông chủ không dễ gì khuất phục nổi. Tinh thần thường tỏ ra yếu đuối và không hấp dẫn bằng của cải giàu sang. Ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa "thời mở cửa", điều đó cũng đang được chứng minh.

Của cải là cần thiết. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc cho con người. Nó phải là một phương tiện, một người tôi tớ. Nhưng khốn thay, tên đầy tớ này rất có uy quyền, rất dễ trở thành ông chủ của con người, để con người phục dịch nó với bất cứ giá nào.

"Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi": Sống theo ưu tiên đó, có nghĩa là chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất.

Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

5. Đơn sơ như trẻ nhỏ (Trích trong ‘Đối Thoại với Thiên Chúa’ của Fernandez)

1) Sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn, không lo lắng thái quá. Tư cách con Thiên Chúa. Tin tưởng và phó thác vào Người

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa khuyên chúng ta: "Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Ngày hôm qua đã qua đi rồi. Chúng ta không biết mình có thấy được ngày mai hay không, vì không một ai có khả năng biết trước về tương lai. Tất cả những vất vả nhọc nhằn của ngày hôm qua còn lại với chúng ta hôm nay đều là lý do cho chúng ta tạ ơn Thiên Chúa: chúng ta cám ơn Chúa đã đổ xuống muôn vàn ân sủng và phúc lành; chúng ta cũng mắc nợ lòng biết ơn đối với anh em đồng loại. Chúng ta cũng sẽ đặt thêm hy vọng, dù chỉ là thêm một chút, vào kho tàng của chúng ta ở trên trời. Từ những ngày đã qua, chúng ta có thêm động lực để thống hối và đền bù tội lỗi, sai phạm và thiếu sót của mình. Chúng ta có thể mượn lời Ca nhập lễ trong thánh lễ hôm nay để nói về ngày hôm qua: "Chúa đã cứu trợ tôi, đã đưa tôi đến chỗ thênh thang rộng rãi, và đã cứu sống tôi bởi vì Người thương tôi". Ngày mai “chưa bắt đầu”. Nếu nó đến, nó sẽ còn tuyệt vời hơn cả những gì chúng ta ước mong, bởi vì Thiên Chúa chúng ta đã chuẩn bị nó cho chúng ta được thánh hóa: "Số phận con ở trong tay Ngài " (Tv 31,16). Khách quan mà nói, chúng ta không thể để cho những băn khoăn lo lắng về ngày mai đè nặng lòng mìh: Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết đề vui lòng đón nhận bất cứ điều gì thâu hoạch được. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng lẫy lừng!

Điều quan trọng là ngày hôm nay. Hôm nay là ngày mà chúng ta cần có để yêu thương, để phát triển trong sự thánh thiện, qua vô số những sự kiện nhỏ nhặt, tự như những họa tiết dệt nên dải lụa cuộc đời. Một số sự việc tự nhiên làm chúng ta cảm thấy dễ chịu, một số khác có lẽ khiến chúng ta ít hài lòng hơn, nhưng mỗi một sự kiện ấy đều có thể góp phần làm rạng rỡ viên đá quý mà chúng ta dày công gọt dũa và đánh bóng bằng sự hoàn hảo nhân loại và ý nghĩa siêu nhiên, vì Chúa và vì sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta không thể đùa giỡn với ý nghĩ ấy. Đôi khi óc tưởng tượng bay bổng của chúng ta "tô son trét phấn" cho các thực tại quá khứ và trói buộc chúng ta bằng cách lý tưởng hóa một tương lai không phải nhọc công nỗ lực; hay trái lại nó bày ra một chân trời u ám, một viễn cảnh đen tối khiến chúng ta phải lo sợ hãi hùng. "Kẻ nào mải ngóng theo gió sẽ không đủ tự tin gieo hạt, và kẻ nào cứ dõi mắt nhìn mây sẽ chẳng dám thu hoạch ". Đó là một lời mời gọi chúng ta bắt tay thực hiện ngay bổn phận của phút giây hiện tại, tuy vẫn để tâm tìm kiếm cơ hội tốt hơn có thể xảy đến. Trong hoạt động tông đồ, chúng ta cũng dễ dàng trì hoãn một dự án để tìm một dịp thuận tiện hơn. Công cuộc rao giảng Tin mừng của các Tông đồ sẽ ra sao nếu các ngài lần lữa chờ đợi và tìm kiếm những hoàn cảnh thuận lợi hơn? Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đệ Đức Kitô dậm chân tại chỗ "chờ thời "? Hic et nunc: Ngay tại đây và lúc này là kẻ khởi điểm mà chúng ta phải chứng tỏ tình yêu Chúa bằng tất cả tấm lòng và bằng hành động.

Xét về mặt tự nhiên cũng như siêu nhiên, sự thánh thiện và hiệu năng hệ tại chủ yếu ở chỗ sống mỗi ngày như thể đó là ngày duy nhất trong cuộc đời mình: mỗi ngày đều là một ngày mà chúng ta phải lấy tình yêu dành cho Chúa lấp đầy vào đó; mỗi ngày đều là một ngày mà chúng ta phải hoàn tất, phải vun đắp "đầy tới miệng" bằng các việc tốt. Chúng ta không thể để cho bất kỳ cơ hội nào vuột khỏi tầm tay. Ngày hôm nay không quay lạil ần nữa đâu, mãi mãi, và Chúa mong chờ chúng ta lấp đầy ngày hôm nay bằng tình yêu và bằng những hành vi phục vụ nhỏ bé cho tha nhân. Thiên thần hộ thủ sẽ hân hoan vui sướng khi đem một ngày sống như thế dâng lên Thiên Chúa.

2) Lo lắng luống công vô ích. Chúng ta sẽ luôn luôn được ban đủ ơn để giữ vững lòng trung thành

“Anh em đừng lo lắng..." Lo lắng luống công vô ích chẳng không xóa được nỗi bất hạnh, mà còn làm chúng ta khổ sở hơn. Vì chúng ta phải nai lưng vác lấy gánh nặng mà chẳng nhận được ơn Chúa nâng đỡ. Sự lo lắng thổi phồng những khó khăn thử thách, trong khi lại bóp nghẹt khả năng thi hành bổn phận của giây phút hiện tại. Điều tệ hại nhất là chúng ta không tin tưởng Chúa Quan phòng luôn luôn can thiệp vào mọi tình huống của đời mình. Trong Bài đọc I hôm nay, Chúa hỏi chúng ta qua miệng ngôn sứ Isaia: Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ". Qua mọi việc xảy đến hôm nay, Thiên Chúa Cha vẫn luôn luôn yêu thương nghĩ đến chúng ta.

Và Đức Giêsu vẫn thường nhắc nhở chúng ta như thế! Người nói: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ". Chúng ta không thể vừa quán xuyến mọi việc hôm nay vừa lo toan cho ngày mai. Chúng ta luôn luôn nhận được ơn nâng đỡ hiệu quả để sống trung thành hôm nay, sống ngày đặc biệt này với niềm vui và bình an. Ngày mai sẽ mang đến những ân huệ mới, và gánh nặng của ngày mai sẽ không nặng nề hơn ngày hôm nay đâu. Ngày nào có lao nhọc vất vả, thập giá và niềm vui của ngày ấy. Mỗi một ngày trong đời sống chúng ta đều được Thiên Chúa Cha canh phòng cẩn mật. Chúng ta không thể chỉ biết có hiện tại mà thôi. Mọi nỗi lo âu sợ hãi chỉ chực nổi lên khi chúng ta không dốc hết nỗ lực ở đây và lúc này, khi chúng ta không đặt hết niềm tin tưông vào Chúa Quan phòng; những nỗi lo lắng sẽ tiêu tan hết khi chúng ta chân thành lặp đi lặp lại: “Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, vì Chúa muốn, như Chúa muốn, bao lâu Chúa còn muốn”.Lúc đó niềm vui và bình an sẽ đến.

Đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ muốn điều khiển cả tương lai, quên mất rằng cuộc đời mình nằm trong tay chúa. Đừng để mình như đứa trẻ mất kiên nhẫn bỏ qua nhiều trang sách để khám phá câu chuyện kết thúc thế nào. Thiên Chúa ban cho chúng ta ngày giờ đẻ sống, từng ngày nối tiếp nhau, để chúng ta lấp đầy sự thánh thiện vào đó. Trong Cựu ước, chúng ta đọc thấy câu chuyện người Do thái sống trong sa mạc: họ thâu nhặt manna Thiên Chúa ban cho mỗi ngày làm thức ăn. Một số người vì muốn dự trữ cho tương lai nên đã tích trữ nhiều hơn mức cần thiết. Ngày hôm sau họ thấy số manna ấy bị hư đi không thể ăn được. Họ đã thiếu niềm tin vào Thiên Chúa Giavê, Đấng canh phòng họ bằng tình phụ tử. Dĩ nhiên chúng ta nên biết khôn ngoan tiên liệu cho tương lai, nhưng không như những người Do thái hồi còn lang thang trong sa mạc chỉ dựa vào sức mình.

Niềm hạnh phúc của chúng ta phải là niềm hạnh phúc đầy hy vọng, khi chúng ta thi hành bổn phận hàng ngày, tập trung trí óc, con tim và mọi năng lực vào đó. Sự tin tưông vào Chúa - sự phó thác thánh thiện không làm giảm sút trách nhiệm trong khi hành động, và trong khi tiên liệu những việc phải làm trong mỗi tình huống. Cũng không có nghĩa là chúng ta không cần vận dụng sự khôn ngoan. Nó hoàn toàn trái ngược với thái độ thiếu tin tưởng vào Chúa và có cái nhìn mơ hồ về những việc sắp sẩy đến. Chúa lặp lại với chúng ta: "Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai". Chúng ta hãy tận dụng tốt ngày hôm nay.

3) Tìm kiếm Chúa trong công việc. Khổ chế trong trí tưởng tượng để sống giây phút hiện tại: tại đây và lúc này

Thiên Chúa biết chúng ta cần gì. Chúng ta hãy lo trước tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, và tất cả những cái khác sẽ được ban cho chúng ta.. "Chúng ta hãy vững vàng quyết tâm dành cả cuộc đời để phục vụ Chúa cách tận tụy. Chúng ta đừng mải tìm cách biết nhiều hơn về ngày mai, vì đó không phải là bận tâm chính đáng Mà đúng hơn chúng ta hãy quan tâm đến điều tốt có thể làm hôm nay. Ngay mai sẽ sớm trở thành hôm nay, và chúng ta sẽ quan tâm đến nó. Chúng ta cần tích lũy lượng manna cần thiết cho ngày hôm nay, chứ không nhiều hơn. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ rằng không biết Chúa có mưa manna xuống không vào ngày hôm sau, rồi ngày kế tiếp, và ngày kế tiếp nữa, bao lâu cuộc đời lữ thứ của chúng ta còn kéo dài”. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta đâu.

Khi chúng ta sống trong phút hiện tại, chúng ta chú tâm vào những sự việc và những con người thật. Điều này có nghĩa là chúng ta khổ chế trong trí tưông tượng và không phí thời gian cho những hồi ức vô bổ và không thích đáng. Óc tưông tượng có thể lôi kéo chúng ta vào một thế giới khác, xa rời cái thế giới duy nhất được tạo dựng để làm môi trường cho chúng ta nên thánh. Óc tưởng tượng của chúng ta thường làm lãng phí thời gian quý báu, và khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội chính đáng làm việc tốt. Thiếu sự khổ chế nội tâm, trí tưởng tượng và óc tò mò, là một trong những kẻ thù lớn nhất cản trở việcnên thánh.

Nếu chúng ta sống giây phút hiện tại, chúng ta sẽ chắc chắn loại bỏ được những nỗi sợ giả tạo về các hiểm họa tưởng tượng trong tương lai mà óc tưông tượng của chúng ta phóng đại lên hay bóp méo đi. Cũng có đôi khi những thập giá không có thực mà óc tương tượng của chúng ta vẽ vời ra đẩy chúng ta xa rời thực tế. Lúc đó chúng ta khổ sở một cách vô ích, thay vì vui vẻ chấp nhận những thập giá nho nhỏ Chúa gởi đến cho con cái của Người mỗi ngày để tâm hồn được đầy ắp bình an và mềm vui.

Nếu chúng ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại vì Tình Yêu, chúng ta không thể không nhận ra những chi tiết khó hiểu mời gọi mình sống trung thành. Tại đây và lúc này chúng ta cần phải giữ đúng thời khóa biểu đã đặt ra cho bản thân: Tại đây và lúc này chúng ta cần phải quảng đại với Chúa, kẻo chứng ta rơi vào trạng thái dửng dưng nguội lạnh. Tại đây và lúc này Thiên Chúa đang mong đợi chúng ta chế ngự bản thân trong tiểu tiết này hay tiểu tiết khác mà chúng ta thấy khó thực hiện hay khó bỏ qua. Người muốn chúng ta tiến lên tại những "tọa độ nóng" này, những điểm quan trọng làm chất liệu cho cuộc hồi tâm đặc biệt.

Chúng ta hãy cầu xin Ba Ngôi Cực Thánh ban ơn giúp chúng ta sống giây phút hiện tại của từng ngày với một con tim đầy ắp Tình Yêu, như thể đó là lễ vật cuối cùng của cuộc đời chúng ta trên trần gian.

6. Quan tâm đúng, lo lắng không đúng (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)

Những người có trách nhiệm nặng nề đối với những người khác có thể đã nghĩ về lời giáo huấn của Chúa Giêsu hôm nay là tốt đẹp, tuyệt vời nhưng không thực tế. Điều đó có nghĩa là không thực hiện được. Thí dụ: nói những bậc làm cha mẹ đừng lo lắng về việc nuôi dưỡng may mặc và giáo dục cho con cái của họ. Những lời của Chúa Giêsu có vẻ như thích hợp với một vị ẩn tu sống trong một vùng hoang mạc, nhưng họ không nhìn thấy có một ứng dụng cho đa số những người trưởng thành như chúng ta đây.

Chúng ta không hề xua đuổi những lời của Chúa. Thật ra vì một lý do khác là chúng ta không đủ khả năng để lờ những lời ấy đi, chúng ta vẫn tuyên xưng rằng mình là những người Công giáo, những môn đệ của Người. Có lẽ chìa khóa cho những lời giáo huấn của Chúa Giêsu được tìm thấy trong một từ duy nhất “lo lắng”.

Có một sự khác nhau giữa lo lắng và quan tâm. Chúa Giêsu không nói rằng chúng ta sẽ không quan tâm. Người chỉ nói rằng chúng ta đừng lo lắng. Quan tâm là sự đáp trả chín mùi của những người nhận biết trách nhiệm của mình với những người khác, cũng như đối với chính họ. Lo lắng là sự bực dọc phiền phức của những người lòng đầy đau khổ. Quan tâm có thể trở thành viên mãn. Quan tâm là bông hoa lớn lên trên cây trách nhiệm. Lo lắng là hoa trái hư thối của sự lo âu.

Người lo lắng nghĩ rằng chính họ phải làm mọi sự. Trách nhiệm là một gánh nặng mà họ bực dọc khi mang lấy bởi họ nghi ngờ không biết mình mang gánh nặng ấy có nổi không. Thường thì họ hay quên sự trợ giúp của Thiên Chúa hoặc họ có thể thất vọng khi nhận lãnh bất cứ sự trợ giúp nào từ Thiên Chúa. Họ giống như những người mới đọc diễn văn lần đầu tiên.

Những người này ở nơi lưu đày xa nơi quê hương yêu dấu và Đền Thờ Giêrusalem, là trung tâm cuộc sống của họ. Bây giờ Đền Thờ bị đổ nát và hoang vu nên họ cảm thấy cuộc sống của mình bị hủy diệt. Họ đang hiện hữu giống như những người nô lệ hơn là sống cuộc sống tự do của con dân Chúa. Họ lo lắng rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Họ than khóc: “Chúa đã bỏ tôi, Chúa đã quên tôi rồi”. Nếu sự sợ hãi của họ trở thành sự thật thì đúng là họ có lý do để mà lo lắng. Nhưng vị tiên tri đã nói với họ những lời tốt đẹp đầy an ủi: “Có người mẹ nào quên con nhỏ của mình hoặc không chăm sóc đứa con của lòng bà ư? Mà nếu có người mẹ nào như thế thì Ta cũng sẽ không bao giờ quên ngươi đâu”.

Thiên Chúa cũng không quên chúng ta đâu mà là chúng ta quên Chúa thì đúng hơn. Hãy cầu nguyện, kiên bền cầu nguyện là điều cốt yếu. Tiếp theo kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ, vị linh mục cầu nguyện nhân danh tất cả chúng ta: “Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi lo âu đang khi chúng con chờ đợi niềm hy vọng vui mừng bởi việc ngự đến của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng con”. Việc ngự đến của Đấng Cứu Chuộc không phải chỉ vào lúc tận thế. Chúng ta có thể hiểu việc cầu nguyện này là xin Chúa đến giúp đỡ mọi nhu cầu của chúng ta khi chúng ta chỉ trông mong vào Người, hướng đến Người bằng việc cầu nguyện nồng nhiệt nhất. Đặc biệt là tại Thánh Lễ, Người đến với chúng ta qua việc Hiệp lễ. Khi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa, chúng ta phải biến đổi đời sống để cho Ngài làm chủ cuộc sống chúng ta. Trong khi cầu nguyện, hãy nói với Chúa rằng các bạn cần Người. Và ngay cả khi các bạn quan tâm về nhiều chuyện, bạn phải hứa là không lo lắng.

7. Tin Chúa quan phòng (Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)

Quan phòng là hành động của Chúa hướng dẫn con người và thế giới cách nào đó mà ta không ngờ. Nó không phải là định mệnh, hay số mệnh như quan niệm bình dân. Bình dân hiểu: Số mệnh, định mệnh là sự ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành hay bại giống như rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.

Quan phòng là việc của Người Cha khôn ngoan sáng suốt, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con, nhưng cũng rất tôn trọng tự do sáng kiến của con, khi con hết lòng yêu mến, kính phục Cha, nó sẽ hết lòng vâng theo lời hay lẽ phải của Cha.

Cũng vậy, khi ai hết lòng thảo kính, vâng theo ý Cha trên trời như Abraham, Giuse tổ phụ, đặc biệt như Đức Giêsu, thì luôn luôn phó thác trong tay Chúa quan phòng hướng dẫn, vì thấy rằng chim trời, chồn đất còn được Cha trên trời nuôi dưỡng, cỏ hoa ngoài đồng sớm nở tối tàn còn được Cha trên trời trang điểm xinh đẹp hơn cả cẩm bào Salômon, huống chi con người trọng hơn muôn phần.

Vì tin vào Chúa quan phòng ban cho mọi sự tốt lành, Abraham đã vâng lời Chúa đem con lên núi giết đi tế lễ Chúa.

Vì tin vào Chúa quan phòng, tổ phụ Giuse đã không kết án anh em trói mình bán làm nô lệ, ông tin việc đó do Chúa quan phòng định liệu trước, để cứu sống ông và dân tộc mình. Ông nói: “Không phải các anh, nhưng chính Thiên Chúa đã lo cho tôi đến đây. Sự dữ các anh đã làm cho tôi đã biến thành điều lành... để cứu sống một dân tộc đông đúc (Is. 49,14-15; 1Cr.4,1-5; Mt. 6, 24-34; Stk. 45,8 - 50,20).

Vì hoàn toàn tin vào chương trình cứu độ của Chúa Cha vô cùng khoan dung, Đức Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha”, dù đó là chén đắng thập giá khủng khiếp!

Với đức tin mãnh liệt như thế, đâu còn lo âu, áy náy phải ăn gì, mặc gì, sống chết ra sao, vì “Cha các con trên trời biết tất cả những gì các con cần và những gì xẩy ra cho các con” cho nên “chỉ một điều cần thiết là các con hãy tìm nước Trời và sự công chính của Người, và mọi điều khác sẽ ban thêm cho các con” (Mt. 6, 2-33)

Chính vì thế, để củng cố đức tin của giáo đoàn Rôma đang chao đảo vì bắt bớ, khủng bố, thánh Phaolô đã nói với họ rằng: “Thiên Chúa đã an bài mọi sự để làm ích cho anh chị em” không có gì phải sợ “dù gian khổ, dù đói khát, dù nguy hiểm, dù bắt bớ cực hình” (Rm. 8, 28. 35).

Sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Ngài dựng nên mọi sự tốt đẹp; biết xây dựng nước Trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi người.

“Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”. Trời hành động kiên cường thế nào thì quân tử cũng phải tự cường, hết sức làm như thế, không ngừng nghỉ. Quân tử là con vua, con Trời, là hiền nhân, minh triết, phải biết tri thiên mệnh: Biết ý Trời, biết mệnh lệnh của Trời để làm theo. Bởi vì: Trời có đạo sáng tỏ, muôn loài đều thấy rõ: “Thiên hữu hiển đạo, quyết loại duy chương” (Kinh Thư Thái Hệ Hạ 2). Ai làm theo đạo Trời mới được Trời phù giúp, chứ Trời không có vị nể ai: “Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị phù” (Kinh Thư, Thái trọng chi mệnh, 4)

Tin có thiên mệnh, tin có đạo Trời, chính là tin Thiên Chúa Quan Phòng sắp xếp mọi trật tự cho muôn loài trong trời đất, và tuân theo Minh Đạo là thực hiện Đạo có nguồn gốc xuất phát từ trời: “Thủ Minh Đạo chi bản nguyên xuất ư Thiên” (Trung Dung, Chương II, 1). Nhờ hết tâm linh hành Đạo Trời, các bậc Thánh hiền đã chuyển hóa cả thiên hạ: “Chung ngôn Thánh Thần công hóa chi cực “.

Nhà nho chân chính Nguyễn Công Trứ luôn luôn kiên cường hành đạo không mỏi mệt, không vụ danh lợi, dù làm tướng, làm quan hay làm lính “vẫn ra tay buồm lái với cuồng phong”. Nhờ thế, ông đã biến biển cả thành nương dâu, đồng ruộng Kim Sơn, Tiền Hải cho muôn dân được ấm no. Nhất là ông đã biến những con người yếm thế thành những nam nhi anh hùng: “Chí những toan sẻ núi lấp sông”, biến những tâm hồn tham danh lợi thành trong sáng thanh tao: “Chẳng lợi danh gì lại hóa hay”.

Một con người đầy chí khí không cầu thành công danh lợi, chỉ cầu thành nhân mưu ích cho đời: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Đức Giêsu đâu có thành công lúc sinh thời, nhưng đã thành Đấng Cứu Độ của muôn dân.

“Lậy Chúa con,.. Chúa tốt lành biết bao! Tình yêu Chúa đã giữ gìn con tránh khỏi bao nhiêu tai nạn” té ngựa, những cuộc đấu kiếm rùng rợn, những cuộc mạo hiểm ghê sợ, những cuộc hành trình sống sót... Chúa đã cứu con... giữ gìn con nhiều quá, ấp ủ con dưới đôi cánh dịu hiền vô hạn... Ôi lậy Chúa, Đấng chăn chiên nhân lành của con. Xin cảm tạ ơn Người, Amen. (Charles Foucauld).

8. Gợi ý giảng của Lm Carôlô.

SỐNG TRONG SỰ CHĂM SÓC CỦA CHÚA

1. “Có người mẹ nào quên con mình được không?”

Tại Dublin có một người mẹ hết sức đau khổ vì bà có một đứa con trai hư đốn. Nó không chịu học hành mà cũng chẳng chịu làm ăn. Suốt ngày chỉ biết ăn uống nhậu nhẹt và kết bạn với những tên lưu manh. Tiền bạc và đồ đạc gì có giá trị của bà hể hở ra thì bị nó ăn cắp. Nhiều lần Bà hết khuyên dạy đến năn nỉ nó sửa mình, nhưng chẳng bao giờ nó nghe theo. Cuối cùng nó bị bắt giam trong tù. Nhiều người nghĩ rằng bây giờ bà có thể nhẹ gánh khỏi phải lo cho nó nữa. Nhưng không, tuần nào bà cũng đều đặn vào tù thăm nó với một túi xách đầy những thứ nó cần.

Một hôm khi Bà đang trên đường vào tù thăm con thì gặp Cha Xứ. Cha nói:

- Thằng con của Bà đã phá hỏng tất cả hạnh phúc của đời Bà. Thôi từ này về sau đừng thèm nghĩ tới nó nữa.

Nhưng Cha rất đỗi ngạc nhiên khi Bà đáp lại:

- Dù nó đã gây biết bao tội lỗi và dù con không hề thích những tội lỗi của nó, nhưng dù sao nó vẫn luôn là con của con, con không thể bỏ nó được.

Lời bà mẹ này nói cũng chính là lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay: “Có người mẹ nào quên con mình được chăng? Và cho dù có người mẹ nào như thế, thì Ta, Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi đâu”. Quả thật không có tình yêu nào bao la và bền vững như tình mẹ, tình cha, và trên cả tình mẹ cha là tình yêu Thiên Chúa.

Chính vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu bao là bền vững như thế cho nên trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mới khuyên chúng ta hãy phó thác tất cả nơi tình yêu của Ngài: Đừng lo chi đến cái ăn, cái mặc, cũng đừng lo đến mạng sống và tuổi thọ. Hãy chỉ lo một điều duy nhất mà thôi là lo tím kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

2. Hãy xem chim trời và cỏ hoa đồng nội

Những người lớn quá bận rộn nên không còn thời giờ làm một việc mà hồi nhỏ rất thường làm, đó là ngắm nhìn thiên nhiên. Hôm nay, chúng ta hãy tạm gác qua một bên mọi bận rộn của người lớn để tìm lại thú vui thời con nít.

Hãy ngắm chim trời: mặt trời mọc lên, chim thức giấc với những tiếng hót líu lo, bắt đầu một ngày cách rất lạc quan. Rồi chim mẹ đi kiếm ăn. Xem ra ngay cả việc kiếm ăn này dù cực khổ nhưng cũng rất lạc quan: chim bay đi bay lại trong bầu trời cao rộng, lượn lờ trên những khóm cây, vừa bay lượn vừa tíu tít ca hót. Tìm được một chút thức ăn, chim vui mừng mang về tổ cho con, chim còn vui mừng hơn nữa khi thấy đám con vui sướng với những miếng mồi nhỏ xíu mình mang về… Cứ thế cho đến khi mặt trời sắp gác bóng, chim tìm về tổ ấm, cả gia đình chim cùng nhau đi vào giấc ngủ thảnh thơi, không cần lo lắng gì cho ngày mai…

Hãy ngắm hoa cỏ ngoài đồng: chúng đẹp rực rỡ, “ngay cả Salomon trong tất cả vinh hoa của ông cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó”. Có đóa màu vàng tươi sáng, có đóa màu hồng êm dịu, có đóa màu trắng khiết trinh, rồi màu tím, màu đỏ, màu xanh… Thật là muôn màu muôn sắc. Nhưng thử hỏi hoa làm gì để có những màu sắc tuyệt vời ấy? Ta có hỏi hoa thì hoa cũng chẳng biết trả lời. Hoa chỉ nói: “Em chỉ biết sống trong thiên nhiên thôi, em hứng lấy sương trời, em tiếp nhận nhựa sống từ thân cây, em vui đùa trong ánh nắng. Em không biết tại sao từ một chiếc búp rồi tới ngày em hé nhụy, cánh em nở ra, sắc màu em tươi thắm”. Nếu hoa biết suy nghĩ thì hoa sẽ nói thêm: “Chúa làm đó!”

Chim và hoa chỉ biết làm theo những gì mà thiên nhiên hướng dẫn chúng làm. Ngoài ra, chúng chẳng lo lắng gì cả. Mọi kết quả tốt đẹp rực rỡ đều là thiên nhiên làm cho chúng. Mà “thiên nhiên” là gì? Thưa là Tạo Hoá, là Thiên Chúa. “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Còn tất cả những điều khác Người sẽ ban thêm cho các con”.

3. Suy nghĩ về sự lo lắng

Theo kết quả thống kê, người Mỹ thường lo lắng về những điều sau đây:

- Lo về tiền bạc: 45 %

- Lo về người khác: 39 %

- Lo về sức khoẻ bản thân: 32 %

- Lo về học hành thi cử: 20 %

- Lo mất công ăn việc làm: 15 %

Thực ra biết lo không phải là vô ích, vì nhờ biết lo xa nên người ta mới thoát khỏi những tình trạng bối rối (như chuyện ngụ ngôn Con Ve và Con Kiến của Lafontaine). Nhưng sự lo lắng thái quá rất có hại.

Chính vì thế, Đức Giêsu không bảo ta đừng lo gì hết. Ngài dạy chúng ta cách giảm bớt sự lo lắng: một mặt là tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha, mặt khác là hãy tập trung lo điều chủ yếu quan trọng nhất mà thôi, tức là lo làm theo ý Chúa (ý nghĩa của kiểu nói “Tìm Nước Thiên Chúa và Sự công chính của Ngài”).

Thánh Augustinô chia xẻ cho chúng ta một cách sống hồn nhiên và vô tư như sau: “Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài”.

4. Làm tôi tiền của

“Làm tôi tiền của”, một câu nói quá nặng! Chắc không ai chịu nhận rằng mình đang làm tôi mọi cho tiền của. Tuy nhiên, ta hãy bình tĩnh để làm hai bảng trắc nghiệm.

A/ Bảng trắc nghiệm thứ nhất:

- Tôi vừa khai trương quán ăn. Mấy bữa trước khách đến lưa thưa. Hôm nay Chúa nhựt chắc chắn sẽ đông từ sáng tới chiều. Tiếc quá, tôi phải đến nhà thờ dự lễ. Không có tôi thì ai đón khách? ai coi chừng tủ tiền? rủi có chuyện gì xảy đến thì ai có thể xử lý? Tôi nên bỏ lễ không?

- Con của thằng em tôi bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện. Nó túng quá đến mượn tiền tôi. Mà tôi thì đang để dành tiền để sắm một chiếc Wave. Tôi sẽ từ chối nó?

- Khi trả tiền mua một món hàng, cô bán hàng thối lại cho tôi dư một số. Tôi biết cô này thường bán mắc lắm, tôi nghĩ bấy lâu này cô đã lời của tôi hơn số tiền này nhiều. Vậy tôi sẽ làm như không biết gì cả, coi như hôm nay mình hên vậy chăng?

Đặt mình vào 3 tình huống trên, nếu bạn đều trả lời “Phải” hay “Có” thì bạn đã làm tôi cho tiền của rồi, vì rõ ràng bạn đã coi tiền của trọng hơn Chúa, trọng hơn anh em ruột của mình, thậm chí còn trọng hơn danh dự và lương tâm của mình nữa.

B/ Bảng trắc nghiệm thứ hai:

- Nhà tôi bị trộm, vợ tôi tiếc nên cứ than vắn thở dài mãi. Phần tôi thì nghĩ “Có tiếc thì cũng mất rồi. Thôi từ từ sẽ làm lại”.

- Đồng bào nhiều nơi đang bị lũ lụt. Nhiều tổ chức từ thiện đi quyên góp. Gia đình tôi thì không dư dả gì, nhưng cũng hy sinh góp một ít tiền, vì tôi nghĩ “Mình nhịn ăn nhịn xài một chút, để giúp cho những người đang thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống”.

- Tôi đang thất nghiệp. Có người bạn chỉ tôi đi buôn lậu, vốn rất ít mà lời rất nhiều. Tôi thà nghèo chứ không thèm đến những đồng tiền bất chính.

Nếu tôi đồng ý với cách những giải quyết trên thì chứng tỏ tôi quả thực không bị nô lệ cho đồng tiền.

5. Đừng xét đoán

Một thực tế rất rõ ràng là người ta hay xét đoán nhau, chính chúng ta cũng hay xét đoán người khác: Anh đó sai, Cô đó làm vậy là xấu, mấy người ấy thật đáng trách… Thử nhớ lại những cuộc trò chuyện của chúng ta. Có bao nhiêu cuộc trò chuyện mà trong đó không có những lời xét đoán người khác?

Giả như ai đó vì tín nhiệm chúng ta nên đem một vụ việc đến nhờ chúng ta xét đoán. Muốn xét đoán cho nghiêm túc, chúng ta phải làm gì? Trước tiên là tìm hiểu vụ việc, không chỉ tìm hiểu một phía mà cả hai, có khi nhiều phía. Rồi tìm bằng chứng hay lý chứng. Rồi suy nghĩ thật kỹ. Sau cùng mới đưa ra kết luận.

Có khi nào chúng ta làm đúng và đủ những việc cần thiết đó không? Ngay cả các quan tòa làm việc rất nghiêm túc mà cũng có khi đưa ra những xét đoán sai lầm.

Bởi vậy, Thánh Giacôbê hỏi: “Bạn là ai mà dám xét đoán người khác?”

Còn thánh Phaolô trong bài Thánh thư hôm nay nhắc: “Anh em đừng đoán xét; Đấng đoán xét chính là Thiên Chúa”.

6. Chuyện minh họa

Dân chúng ở một thành phố nọ có quá nhiều điều phải lo lắng. Vì thế họ họp nhau bàn cách giải quyết vấn đề này.

Một người đề nghị phải lập một công viên để người ta đến đó giải khuây. Người thứ hai đề nghị làm một sân chơi golf. Người thứ ba đề nghị xây một rạp xinê. Người thứ tư có một đề nghị độc đáo:

- Chúng ta hãy hùn tiền mướn một người gánh hết mọi nỗi lo của chúng ta.

- Nhưng người đó là ai?

- Là anh thợ vá giày David đó.

- Mướn bao nhiêu?

- Mỗi tuần 1000 bảng anh.

Tất cả mọi người đồng ý. Họ hỏi David người thợ vá giày:

- Anh có đồng ý với việc làm mới này không?

David cười rạng rỡ:

- Tại sao không!

Tưởng là mọi việc đã thu xếp ổn thỏa. Nhưng bỗng một người đặt vấn đề:

- Chúng ta mướn David gánh hết mọi nỗi lo. Nhưng mỗi tuần hắn có 1000 bảng anh thì hắn còn gì phải lo nữa? (Flor McCarthy)

Top