Chúa nhật VII Thường niên A

Chúa nhật VII Thường niên A

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Lv 19, 1-2.17-18; 1Cr 3, 16-23; Mt 5, 38-48

MỤC LỤC

1. Tha thứ kẻ thù
2. Trở nên con cái Chúa
3. Tình yêu vượt ra khỏi mối hỗ tương 
4. Giơ má kia ra chăng?
5. Yêu kẻ thù
6. Chúng ta có tiến bộ tí nào không?
7. Yêu kẻ thù là thánh
8. Gợi ý giảng của Lm Carôlô

SUY NIỆM

1. Tha thứ kẻ thù

Đâu là phương thế để làm cho thêm bạn bớt thù trong cuộc sống của mình?

Có một bản du ca tôi rất thích hát, bản du ca ấy có những lời lẽ như thế này: Kẻ thù ta đâu có phải là người giết người đi thì ta ở với ai. Đúng thế, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi của mình. Nhân vô thập toàn là thế. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh là thế.

Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền, như một câu danh ngôn đã bảo: Hễ ở đâu có hai người sống với nhau, thì ở đó thế nào cũng có sự xích mích và giận hơn.

Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy trên đời đâu phải chỉ có một hay hai người làm cho tôi sự mất lòng, làm cho tôi phải nhục nhã và tức giận. Ngay cả đến những người bạn thân tình, ngay cả đến cha mẹ và anh chị em ruột thịt cũng đã nhiều lần làm cho tôi phải bực bội.

Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này.

Hơn nữa, xã hội và ngay chính bản thân tôi, sẽ không thể nào được xây dựng trên sự thù oán và đấu tranh, vì thù oán này sẽ nảy sinh ra thù oán khác, như một thứ bệnh truyền nhiễm làm cho xã hội bị sụp đổ, còn bản thân tôi sẽ phải quay quắt khổ đau. Thế nhưng, điều tệ hại nhất, đó là chính bản thân tôi nhiều khi lại là nguyên nhân cho sự thù oán, vì hơn một lần tôi đã sai lỗi, hơn một lần tôi đã gian tham và bất công. Cho nên người đáng phải giết, đáng phải loại trừ lại chính là bản thân tôi. Vì vậy mà bản du ca trên có những lời lẽ được tiếp nối như sau: Kẻ thù ta tên nó là gian ác, tên nó là điêu ngoa, tên nó là tham tàn...

Phương thế hữu hiệu nhất để làm cho thêm bạn bớt thù, không phải là chết giết những kẻ thù ở bên ngoài, vì sự trả thù chỉ là cái vui của những tâm hồn đê tiện, nhưng là phải lột mặt nạ và tận diệt cho bằng được những thói hư tật xấu, là những kẻ nội thù, nằm sẵn trong cõi lòng chúng ta, như người xưa đã dạy: Kẻ thù đích thực thì ở trong tâm hồn, vì đó là những nguyên nhân gây nên thù oán ngoài xã hội.

Cùng với việc uốn nắn sửa đổi những sai lỗi của mình, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tha thứ, cố gắng đi bước trước tiến đến sự hoà giải cùng nhau. Đừng khoan dung với mình mà gay gắt với anh em, trái lại hãy khoan dung với anh em mà gay gắt với chính mình. Cách tốt nhất để khỏi băn khoăn về kẻ thù là hãy làm cho họ trở nên một người bạn, bởi vì thù oán không thể huỷ diệt được thù oán, chỉ có tình thương mới huỷ diệt được nó mà thôi.

Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói:

- Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.

Tức thì các thực khách cười lên hô hố một cách khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:

- Một miếng ư, được lắm.

Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng như thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:

- Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.

Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta chẳng bao ngờ tới trên cõi đời nham nhở này mà lại có được một người khí phách như vậy. Anh lòm còm ngồi dậy và lắp bắp nói:

- Tôi... tôi sẽ gởi tặng các em.

Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân một số tiền lớn để tạ lỗi.

Hãy tha thứ để rồi bản thân sẽ được Chúa thứ tha.

2. Trở nên con cái Chúa (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khi chúng ta suy niệm bài Tin Mừng này thì Xuân đã về.

Mùa Xuân làm cho lòng người rộn rã, cỏ cây chim chóc cũng reo vui với con người. Người ta chúc cho nhau bao điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp nhất vẫn là sự bình an trong tâm hồn, sự bình an mua được bằng tha thứ yêu thương.

Khi dạy chúng ta đừng chống cự người ác, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ báo thù, ăn miếng trả miếng.

Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, là mở ra con đường để người kia hoán cải.

Có một vị rất tâm đắc với bài Tin Mừng này, đó là Gandhi, người được dân Ấn-độ coi là đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động, để giành lại độc lập cho đất nước từ tay người Anh. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú.”

Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi thấy ta lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của Tình Yêu. Chính Tình Yêu chứ không phải bạo lực mới có thể làm trái tim con người tan chảy.

Đức Giêsu mời gọi ta yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù để trở thành con cái Cha trên trời. Chúng ta không chỉ trở thành con Cha vào ngày Rửa tội. Chúng ta trở thành con Cha hơn nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày. Chúng ta thật là con, vì giống Cha, Đấng cho nắng ấm, mưa rơi trên kẻ lành người dữ.

Chúng ta thường khó quên một xúc phạm đã qua, những chuyện cũ vẫn làm tim ta đau nhói. Cần nhìn lên Cha trên trời, Đấng để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, Đấng mà ta phải nài xin ơn tha thứ mỗi ngày. Chỉ Ngài mới làm ta quên được điều tưởng như không thể quên.

Thế giới hôm nay có nhiều sự ác và người ác. Chúng ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện, hoán cải người ác bằng tha thứ yêu thương.

Kitô hữu là người dám đi lại con đường của Đức Giêsu, chấp nhận bị sự ác vùi dập và nuốt chửng, mà trên môi vẫn nói lời tha thứ. Nhưng cuối cùng là phục sinh, là niềm vui, hy vọng. Chúng ta có dám tin rằng rốt cuộc chân lý, tình yêu và sự thiện sẽ chiến thắng không?

Gợi Ý Chia Sẻ

• Bạn có thấy những lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là những điều không thể thực hiện được? Có phải đó là thái độ của kẻ yếu nhược và hèn nhát không? Theo ý bạn, Đức Giêsu có dạy ta dung túng, bao che cho sự ác không?

• Bạn đã và đang có những “kẻ thù” trong đời bạn, những người làm cho bạn phải đau khổ. Bạn có dám sống theo lời Chúa để tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho họ không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha,

Cha đã cho chúng con sống thêm một năm, đi thêm một đoạn đường đời.

Nhìn lại đoạn đường đã qua, chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành, vì Cha vẫn cho chúng con sống, và sống trong tình yêu.

Mọi biến cố vui buồn của năm qua đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.

Tạ ơn Cha vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con, và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.

Xin cho chúng con sống những ngày tết dân tộc trong tinh thần vui tươi, hoà nhã, và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.

Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau là những lời chúc lành xuất phát từ trái tim yêu thương.

Và lạy Cha, năm mới đã đến, trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời, chúng con cũng muốn ở lại trong quỹ đạo của Cha, nhận Cha là trung tâm cuộc sống, và nhận mọi người là anh em. Amen.

3. Tình yêu vượt ra khỏi mối hỗ tương. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Khi đề nghị một buổi lễ đọc một đoạn Phúc Âm, Giáo Hội ao ước cho ta làm quen với giáo huấn, lối nhìn, cách suy nghĩ, sứ điệp của Chúa Giêsu. Ít nhất người ta cũng có thể nói một điều: là Chúa Giêsu đi ngược lại các phản ứng thuộc bản năng của con người. Không chống lại sự ác nghiệt và yêu mến kẻ thù, đó không phải là những khám phá của sự khôn ngoan sơ đẳng của bản tính nhân loại. Sự táo bạo kêu mời con người thực thi tình yêu hoàn hảo, chỉ có thể xuất phát từ Con Thiên Chúa, Đấng đã nêu gương về một mức độ tình yêu như thế. Nếu Người dám xin ta yêu mến thù địch ta, là vì Thiên Chúa đã yêu loài người trước hết, ngay trong khi họ còn chống lại Người, còn nằm trong tội lỗi. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu Người đối với ta: ấy là khi ta còn tội lỗi, Đức Kitô đã chết cho ta (Rm 5,8). Có những triết thuyết, những tổ chức tôn giáo ngoài Kitô giáo đôi khi đã xích lại gần sự đòi hỏi của Chúa Giêsu nhưng không hề đạt tới được. Phúc Âm quả là một chóp đỉnh duy nhất mà chỉ Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô dám xin ta leo lên. Tình yêu đối với thù địch nằm ở chóp đỉnh ấy. Giới răn của Chúa Giêsu buộc ta không được giản lược tình yêu vào trình độ của mối hỗ tương, trao đổi không vươn xa hơn. Tình yêu tuỳ thuộc ở một sự trao đổi là một tình yêu mong manh. Trái lại, tình yêu mà phát xuất từ sâu thẳm của hữu thể là một sức vọt mạnh mẽ, chỉ lấy tự do mình làm giới hạn. Mà chiến thắng của cái tự do ấy, chính là ở chỗ nó quyết định yêu thương, cả khi gặp cản trở, tức bị từ chối. Chúa nêu gương cho ta về điều này:

1) Chúa muốn điều hay cho những kẻ muốn làm hại Người. Người chịu khổ, chịu chết để những ai bắt Người phải khổ, phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối tuyệt đối của con người không đáp lại tình yêu – (trước sự từ khước một mối hỗ tương), Chúa vẫn duy trì quyết định tuyệt đối là thương yêu.

2) Tình yêu ấy mặc khuôn mặt của lòng tha thứ. Tình yêu theo Thiên Chúa biết nhìn từ bên trong. Tha thứ là một sự sáng suốt của tình yêu. Lạy Cha, xin tha cho họ, vì ho không biết mình làm gì. Người tự coi là kẻ thù của ta, họ vâng theo những động lực nào? Có lẽ họ là nạn nhạn của sự dốt nát, của những sức mạnh tối tăm làm chủ họ, của tính tình v.v… Không ai nói phải khuyến khích lòng độc dữ của họ, nếu họ tỏ ra nguy hiểm. Điều cấm làm, là trả thù. Điều phải làm theo là yêu mến họ, dầu sao đi nữa, và ao ước sự tốt lành cho họ. Điều này có thể đòi hỏi một sức mạnh tinh thần gần như là khí phách anh hùng. Phải biết thưa với Chúa rằng, nếu Người đòi hỏi phải nên anh hùng, thì Người cũng phải ban đủ sức làm anh hùng.

4. Giơ má kia ra chăng?

Đây là một thí dụ điển hình để kiếm chứng bài giảng trên núi về chữ nghĩa và tinh thần. Đâu là tinh thần của câu “Hãy giơ má kia ra” là câu làm bất cứ ai cũng nhăn mặt? Khi chính mình bị một cái tát trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã chẳng giơ má kia ra. Ngài đã đặt kẻ vũ phu đứng trước hành vi của mình: “Nếu ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó: nếu ta nói phải, tại sao lại đánh ta?” (Ga 18,23).

Điều sai lầm đó cứ lao theo từ ngữ như con bò mộng lao vào cái khăn nhử: “Tôi mà giơ má ra à? Để tạo điều kiện cho bạo lực sao?” Đúng ra là Chúa Giêsu muốn điều ngược lại. Khi Ngài nói: “Ngươi đừng đánh trả kẻ dữ dằn”, thì Ngài đã chỉ đích danh, và chúng ta biết phải làm gì đối với một kẻ dữ dằn rồi. nhưng đó là một cái gì vượt xa trên kẻ dữ dằn này cũng như trên cái má rát bỏng của chúng ta. Dưới cái hình ảnh gây ấn tượng này (giơ má kia ra!) ẩn giấu một kế hoạch phi thường: ngăn chận bạo lực gia tăng.

Con ngưới chấp nhận bạo lực như là một dữ kiện không thể bàn cãi vào đâu được. Đánh trả và báo thù dường như là điều tự nhiên, mọi người đều như thế, ngay cả những Kitô hữu tốt cũng vậy. Nếu chúng ta muốn đo lường sự đảo ngược to lớn mà Chúa Giêsu đưa ra, chúng ta hãy mở Kinh thánh ra, Sáng Thế ký 4,24: “Lameck sẽ bị báo thù 77 lần!”. Và chúng ta hãy đặt mình vào địa vị của Phêrô khi được trả lời rằng: “Ngươi hãy tha thứ bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Có thể tỏ ra hoàn toàn vô lý, sự đảo ngược này bắt đầu xảy ra thực sự ngay khi chúng ta có can đảm nói không đối với bạo lực của chính chúng ta. Không phải bạo lực của người khác, mà là bạo lực của chúng ta. Khi lái xe, khi làm việc, khi coi truyền hình chúng ta muốn la lên: “Đồ thối tha! Quân sát nhân!” (và con cái có thể nghe được).

- Ngươi hãy im đi, hãy bình tĩnh, đừng đánh trả những người hung dữ, Chúa Giêsu nói.

- Chúa muốn chúng con để cho tất cả những người gàn dở, tất cả những kẻ bạo hành tha hồ hành động hay sao?

Tin Mừng không đơn giản chút nào cả. Sau đây là một câu chuyện đã xảy đến với tôi. Tôi đã chứng kiến hai tên vô lại đi xe máy làm một bà già bị thương nặng khi kéo lê bà ta dưới đất để giật túi xách. Một nỗi oán ghét dâng lên trong lòng tôi. Khi hai cảnh sát đến tôi nghĩ họ phải bắt hai tên đó, tẩn chúng cho tới chết để dạy cho chúng một bài học!

Điều đó chẳng dạy cho chúng một bài học nào cả. Bạo lực không bao giờ dạy cho ai một bài học nào cả. Nó chỉ có kêu gọi thêm bạo lực mà thôi. Tôi đã thấy rõ điều đó chung quanh bà già bị thương tội nghiệp. Chúng ta sẽ nhìn tất cả các thanh niên đi xe máy bằng con mắt thành kiến.

Thánh Phaolô đã đào sâu vấn đề này: “Đừng để mình thua điều ác” (Rm 12,17). Đừng để cho ai cả, từ cậu bé vô lại cho tới tên đồ tể, có khả năng biến đổi bạn thành một con người đầy căm thù. Nếu không, bạn sẽ thua điều ác.

Chúng ta không lúc nào cũng có thể hoàn toàn tự kiềm chế trước một kẻ tàn ác hoặc xảo trá. Nhưng chúng ta có thể chống lại làn sóng bạo lực ở trong ta, chống lại những lời nói và những cử chỉ bạo lực. Chúng ta có thể không cố gắng làm cho sự tự vệ và sự tức giận chính đáng biến thành bạo lực lớn và mù quáng hơn, biến thành sự khinh bỉ, biến thành ước muốn và hành vi báo thù thuần tuý.

Nơi nào một Kitô hữu ngăn chận được việc lan truyền bạo lực bằng cách từ chối làm một mắt xích của chuỗi sự ác, thì nơi đó một thế giới mới sinh ra.

5. Yêu kẻ thù (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,44-45).

“Anh em hãy yêu thương kẻ thù mình”. Việc này thật đòi hỏi: Nó đảo lộn các suy nghĩ của ta và làm mọi người phải thay đổi hướng đi của đời mình! Bởi vì, đừng dấu diếm nữa, tất cả chúng ta đều có một vài kẻ thù… lớn hoặc nhỏ.

Kẻ thù đang ở đàng sau cánh cửa căn nhà bên cạnh, nơi người đàn bà đáng ghét đó mà tôi thường tìm cách tránh né mỗi làn bà ta sắp sửa cùng bước lên cầu thang. Kẻ thù ở chính nơi người bà con mà cách đây ba chục năm đã đối xử bất công với cha tôi, vì thế tôi không còn chào hỏi nữa. Kẻ thù ngồi ở bàn đàng sau trong lớp học và từ ngày nó tố cáo cho bạn tôi với thầy giáo, không bao giờ bạn nhìn mặt nó. Kẻ thù là người bạn gái đó, vì cô ta đã bỏ bạn để đi với người khác. Kẻ thù là người bán hàng đã đánh lừa bạn. Đó là những người không nghĩ như bạn về chính trị, vì thế ta tuyên bố họ là kẻ thù. Có người coi Nhà Nước là kẻ thù, nên dùng bạo lực đối xử với người đại diện Nhà Nước. Cũng có người nhìn các linh mục và Giáo Hội như là thù địch. Tất cả những người này và vô vàn những người khác mà ta gọi là “kẻ thù” ta phải yêu thương họ.

Phải yêu thương họ sao?

Thưa phải, phải yêu thương họ! Và đừng cho mình có thể làm được bằng cách thay đổi tình cảm oán ghét thành tình cảm nhân hậu hơn.

Mà còn hơn nữa. Bạn hãy lắng nghe lời Đức Giêsu dạy:

“Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy, anh em mới thực sự trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt”.

Bạn thấy không? Đức Giêsu muốn một tình thương thể hiện qua việc cầu nguyện và những hành động cụ thể.

Ở nơi khác, Ngài cũng dạy: “Anh em hãy làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu cho kẻ nhục mạ mình” (Lc 6,27-28).

Ngài giải thích cho ta lý do tại sao Ngài truyền dạy như vậy, và chỉ cho ta mẫu gương là tình thương của Thiên Chúa, Cha Ngài; Ngài dạy ta làm như vậy cùng hành xử theo gương Chúa Cha. Điều đó có nghĩa là trên đời ta không còn cô đơn: ta có một người Cha và phải sống như Người. Không những thế, mà Thiên Chúa còn có quyền đòi ta làm như vậy, bởi vì khi ta còn là thù địch của Người, còn sống trong tội lỗi, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x.2Ga 4,19), và sai Con của Người đến với ta, Đấng đã chết cách nhục nhã vì mỗi người chúng ta.

“Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt”.

Bài học ấy chú bé Jery người da đen đã học được ở Washington. Vì có trí thông minh, em đã được nhận vào một lớp đặc biệt gồm toàn thiếu niên da trắng. Nhưng trí thông minh không đủ để làm cho các bạn cùng lớp hiểu rằng em cũng bình đẳng như chúng. Màu da đen đã làm cho tất cả ghét bỏ em, đến độ ngày lễ Giáng Sinh các học sinh tặng quà cho nhau nhưng không thèm để ý tới Jery. Em bật khóc, điều này dễ hiểu! Nhưng khi về nhà em nghĩ đến Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù của anh em”, và đồng ý với má, em mua quà vui vẻ tặng cho tất cả những “người anh em da trắng” của mình.

“Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt”.

Ngày hôm đó Elizabeth, cô bé có đạo ở thành phố Florence (Italia) thật đau lòng, khi bước lên bậc thang vào nhà thờ dự lễ, vì cô nghe tiếng cười nhạo của một nhóm đồng lứa tuổi. Cho dù muốn chống lại, em mỉm cười và trong nhà thờ em cầu nguyện cho những thiếu niên ấy.

Khi đi ra, các thiếu niên chặn em lại và hỏi lý do tại sao em xử sự như vậy. Em trả lời, mình là người có đạo, nên phải thương yêu luôn luôn. Em nói lên điều đó với niềm xác tín mạnh mẽ.

Chứng ta của em Elizabeth đã được thưởng công: Chúa Nhật sau đó em thấy tất cả các thiếu niên ấy trong nhà thờ, rất chăm chú ở hàng ghế trên cùng. Các thiếu niên chấp nhận Lời Chúa như thế. Do đó các em là người lớn trước mặt Chúa.

Có lẽ ta cũng nên điều chỉnh lại một vài tình trạng, hơn nữa cũng vì ta sẽ được xét xử theo như cách ta xét đoán người khác. Thật vậy, chính ta là người trao vào tay Chúa cái thước mà Ngài phải dùng để đo tình yêu của chúng ta. Ta đã chẳng xin Chúa: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” đó sao? Vậy ta hãy yêu thương kẻ thù! Chỉ khi xử sự như vậy ta mới có thể sửa chữa lại sự chia rẽ, đạp đổ những hàng rào ngăn cách và xây dựng cộng đoàn huynh đệ.

Điều đó khó khăn sao? Nặng nề sao? Nó không để ta ngủ yên, ngay khi mới nghĩ đến sao? Hãy can đảm lên! Điều đó không phải là quá sức: một nỗ lực nhỏ từ phía ta, rồi 99 phần trăm Thiên Chúa sẽ làm, và… trong tâm hồn ta sẽ dâng trào niềm vui.

6. Chúng ta có tiến bộ tí nào không? (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)

Dòng giống nhân loại đã làm một tiến bộ vượt bực trong lịch sử gần đây. Hãy suy nghĩ về điều tương phản giữa một “toa xe không ngựa kéo và một chiếc xe hơi hiện đại”, hoặc sự khác nhau giữa “chuyến bay đầu tiên ở Kitty Hawk, Bắc Caroline vào năm 1903 và một cuộc du hành bằng máy bay hiện đại”. Vào một trăm năm trước, không người nào có thể tưởng tượng ra rằng người ta có thể ngồi trước một cái hộp, vừa gọi điện vừa nghe được tiếng nói, vừa xem thấy người đang trò chuyện với mình.

Những tiến bộ của chúng ta thật đáng kinh ngạc, nhưng một vấn nạn về luân lý và giáo dục vẫn còn tồn tại và nặng nề hơn cả người sống ở thế kỷ trước hay ba mươi thế kỷ qua. Chúa Giêsu trong Phúc Âm, Người đã ám chỉ tới sách Xuất hành, sách đó thuật lại sự kiện đã xảy ra trước khi Chúa Giêsu sinh ra khoảng một ngàn bốn trăm năm. Đoạn văn mà Người đã trích dẫn như sau: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Điều này có nghĩa là chỉ có mắt mới đền mắt được và chỉ có răng mới đền răng được. Nói cách khác, đây là một sự bào chữa cho một công lý chính xác vào một thời mà nền quân chủ ngự trị, không hè do dự phạt tội chết một người ăn cắp một quả nho trên bàn của vua. Hãy nhớ lại vào những ngày tháng của Chúa Giêsu, nhiều năm sau lời bào chữa này đã trở nên hòa hoãn hơn. Vua Hêrôđê đã không do dự chém đầu Gioan Tẩy Giả bởi vì vị quốc vương dại gái ấy đã làm một lời hứa ngu ngốc với một cô gái nhảy dâm đãng.

Chúa Giêsu tìm kiếm một nền đạo lý cao hơn cho những người đi theo Người. Nơi hình ảnh một bức tranh Người đòi hỏi chúng ta không nên nhấn mạnh đến một sự công lý nghiêm thẳng. Điều đó đang muốn nói đến án lệnh làm cho sự việc nên nghiêm trọng hơn. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa. Người tuyên bố nếu chỉ yêu thương những người cùng dân tộc với mình thì không đủ. Người ban mệnh lệnh yêu thương ngay cả kẻ thù của mình và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình. Những kẻ hoài nghi chế tạo những giáo huấn này. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu là một gã khờ khạo và những giáo huấn của Người là những lý tưởng không thể thực hiện được. Đương nhiên Chúa Giêsu không ngây thơ tí nào, Người rất khôn ngoan. Những lý tưởng Người đưa ra là những mục đích không phải là không đạt tới được. Ít nhất chúng ta cũng như những người có dit đã nghe và chấp nhận sự thách đố của Người: “Các con phải trở nên hoàn hảo như Cha các con ở trên trời là Đấng Hoàn Hảo”.

Thánh Phaolô hỏi chúng ta: “Anh em không ý thức anh em là Đền Thờ Chúa Thánh Thần ư, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong lòng anh em sao?”. Một sự khiêm nhượng giả hiệu sẽ không bao giờ làm cho chúng ta quên đi giá trị của mình. Chúng ta xét thấy nhà thờ là nơi thánh thiêng bởi vì đó là nhà của Thiên Chúa. Cùng một cách ấy, chúng ta phải nhận biết sự thánh thiêng của chúng ta vì nó là Đền Thờ của Thiên Chúa. Thánh Thần Thiên Chúa sống động bên trong chúng ta, biến đổi chúng ta nên con cái của Thiên Chúa, củng cố hình ảnh Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu nơi chúng ta. Có phải không khi nói với chúng ta rằng chúng ta phải trở nên khác đi, rằng chúng ta không phải tự dối mình bằng việc suy nghĩ theo lối trần tục sao? Chúng ta được kêu gọi để hành động theo những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, không phải theo những tiêu chuẩn của xã hội thế trần.

Khi chúng ta đến dự Thánh Lễ, việc đầu tiên chúng ta lắng nghe Lời Chúa, Thánh Kinh sẽ dẫn chúng ta đi đến những lý tưởng và những thách đố. Tiếp đó, chúng ta tham dự Phụng vụ Thánh Thể và chúng ta được lãnh nhận Mình và Máu Chúa. Thánh Thể là nguồn sức mạnh Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta tiến bước theo những lý tưởng của Thánh Kinh và để chấp nhận những thách đố ấy. Sẽ không có sự tiến bộ thật sự trong đạo đức nếu chúng ta không sẵn lòng cố gắng, dù vất vả cũng không hề chi để toàn tâm toàn ý với tiếng gọi của Chúa Giêsu là: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”.

7. Yêu kẻ thù là thánh. (Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)

Mở đầu sách Đại học của Nho Giáo đã nêu rõ mục đích là “Đại học chi đạo: Tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”.

Kết thúc Hiến chương nước Trời trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt rõ mục đích là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời... là yêu kẻ thù”.

Nho Giáo ở phương trời Viễn Đông, Kitô giáo ở phương trời Cận Đông, tuy xa nhau hàng ngàn dặm, nhưng tình yêu đâu có khác nhau?

Một đàng muốn con người nên chí thiện ở tại thân dân, thương yêu dân.

Một đàng bảo: “Anh em hãy nên toàn thiện ở tại thương yêu cả kẻ thù”.

Một đàng: “Minh minh đức”, minh là làm sáng tỏ, minh đức là đức sáng láng của Trời; minh minh đức là làm cho đức sáng của Trời sáng tỏ ra, chiếu sáng ra.

Một đàng bảo: hãy cầu nguyện, cốt yếu của cầu nguyện là làm cho danh thánh Cha trên trời hiển sáng, chiếu sáng ra khắp muôn dân. Thiên Chúa là ánh sáng, Đức Kitô là ánh sáng bởi ánh sáng (Ga. 1, 9).

Phần kinh của sách Đại học chỉ có 205 chữ: đây là cương lĩnh, là Hiến chương của Nho Giáo, mục đích đào tạo người học Thánh quân tử, thánh nhân.

Hiến chương nước Trời của Đức Giêsu cũng rất ngắn gọn, vài trăm chữ, nhằm đào tạo con người thành con Cha trên Trời, thành Thánh nhân của Thiên Chúa.

Hai Hiến chương có lẽ chỉ khác nhau ở chỗ: Tin Mừng nói rõ Cha trên trời là Đấng hoàn thiện và hạnh phúc Nước Trời; sách Đại học không nói rõ, nhưng cũng ngầm hiểu: làm cho dân được hạnh phúc là ở tới đích chí thiện; chí thiện chính là Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay đặt chương trình nên chí thiện, nên chí thánh rất cụ thể.

Bài I (Lv. 19, 1-2; 17-18) Chúa phán dạy: “Các ngươi phải nên thánh”. Nhờ sống thánh thiện, mới tránh được: ghen ghét, oán hận, trả thù; mới biết yêu đồng loại như chính mình. Nền tảng của dân thánh đặt trên: “Ta là Đấng Thánh”.

Ở thời Cựu Ước, trước kỳ lưu đầy, khi nghe nói đến “Đấng Thánh” thì dân nhớ đến Đền Thánh, nhớ đến nơi cực Thánh trong cung thánh, nhớ đến những ngày lễ Thánh, những việc Thánh họ phải làm nơi đền thờ để được nên thánh.

Đến thời lưu đầy đền thờ bị phá hủy, dân bơ vơ, không còn điểm tựa để nhận ra Giavê là Đấng Thánh cho dân nên thánh. Họ phải nhớ lại giới luật giao ước núi Sinai mà Giavê, Đấng Thánh đã ban cho họ. Họ cần sống thực hiện giới luật đó để họ nên thánh như Đấng Thánh đã truyền dạy họ. Họ mới mong Đấng Thánh giải phóng họ khỏi cảnh lưu đầy như Ngài đã giải phóng tổ tiên họ khỏi nô lệ Ai Cập.

Bài II (1Cr. 3, 16-23) Phaolô không nhắc tới đền thờ Giêrusalem, không nhắc đến luật cũ nữa. Tân Ước là thời đại mới, dân Chúa thực sự không nên thánh nhờ đền thờ hay lề luật. Họ nên thánh, họ là dân thánh (1Phêrô 2, 9) nhờ được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Phaolô cho họ thấy: “Anh em là đền thờ Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” Từ nay họ là chi thể thánh của Đức Kitô “Anh em thuộc về Đức Kitô, Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”

Thánh Phaolô đã cho ta biết rõ, bản chất cốt yếu của thánh thiện, không nhờ đền thờ hoặc bất cứ ai dù là Phaolô... hay luật lệ chỉ nhờ một mình Thiên Chúa: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người” đã làm cho ta nên thánh.

Khi đã nhờ Người mà nên thánh, thì chính nhờ Người mà chúng ta mới có thể yêu kẻ thù.

Nhờ Người và như Người, chúng ta sẵn sàng chịu vả má phải và giơ thêm má trái cho họ vả, chứ không như luật dạy: mắt đền mắt răng đền răng. Nhờ Người và như Người, chúng ta không cần che thân, không cần bảo vệ, sẵn sàng chịu bóc lột áo trong cũng như áo ngoài. Nhờ Người và như Người không có hòn đá gối đầu, chúng ta không tiếc xót khi cho vay mượn, không bám gót của cải, dễ dàng cho đi, bỏ đi.

Nhờ Người và như Người đã vác khổ giá, chúng ta sẵn sàng phục vụ công việc như nô dịch, làm phu như ông Simon vô cớ bị quân dữ bắt làm phu vác đỡ thánh giá Chúa. Hơn nữa, còn phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để yêu kẻ thù.

Như thế, mới được trở nên con Cha, Đấng đã làm cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống cho kẻ dữ cũng như người lành. Chiêm ngắm những kỳ công bao la đó, Nho gia xưa đã rất ngạc nhiên kêu lên: “Ôi đạo của bậc thánh vĩ đại thay! mênh mông như biển cả, sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, thánh hóa tất cả vạn vật trong vũ trụ từ đất đi tới trời cực kỳ tốt đẹp: Đại tai thánh nhân chi đạo! dương dương hồ, phát dục vạn vật; tuấn cực vu thiên” (Trung Dung - chương 27)

Thánh như vậy đã “phối hợp với trời đất rộng dầy cao minh: bác hậu phối địa, cao minh phối thiên” (Trung Dung - 26)

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thấy ba mức độ thánh thiện:

- Thánh thiện ở đền thờ, kinh lễ như hạng tư tế, bị Chúa phê: quân này mến Ta bằng môi miệng và lòng nó xa Ta.

- Thánh thiện ở giữ trọn lề luật như chàng thanh niên giàu có, nhưng anh thiếu một điều là: hãy về bán những gì anh có mà cho người nghèo, người nghèo là kẻ thù của người giàu.

- Thánh thiện ở yêu kẻ thù, yêu kẻ thù mới thực là tình yêu chí thiện, chí thánh phản ánh rõ nét tình yêu Thiên Chúa đã thí mạng sống Con Một cho kẻ thù: kẻ thù của Thiên Chúa là kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa, xin thánh hóa tình yêu con, cho con biết yêu mến mọi người, nhất là những người thù ghét, oán hận con. Amen.

8. Gợi ý giảng của Lm Carôlô.

SỐNG BẰNG YÊU THƯƠNG

1) Thế nào là thánh?

Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nghe được hai lời kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (bài đọc I); “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Bài Tin Mừng).

Thánh là thế nào?

Người ta thường hình dung vị thánh là một người khổ hạnh, xa lánh thế gian, chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện… Vì hình dung như thế, người ta ngưỡng mộ các vị thánh nhưng không thích làm thánh.

Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay hình dung vị thánh một cách rất dễ thương, dễ thích: Thánh là người cố gắng giống Chúa. Mà vì Chúa là tình yêu cho nên thánh là người sống yêu thương, chẳng những yêu thương những người thân cận với mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù ghét mình.

Một vị thánh như thế, ai mà không thích? Hình ảnh một vị thánh như thế, ai mà không muốn trở thành? Và những người thánh như thế, xã hội nào mà không cần đến?

2) “Mắt đền mắt, răng thế răng”

Toàn văn của khoản luật trả đũa được ghi trong sách Xuất hành (Xh 21,24) như sau: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng”. Mục đích của khoản luật này là tuy cho phép trả đũa nhưng giới hạn sự trả đũa đúng mức bị gây hại: kẻ thù làm mình hư một mắt, mình có thể trả đũa làm cho nó hư lại một mắt (không được hai); nó đánh mình bầm, mình có thể đánh nó bầm lại (không được hơn)…

Một điều đáng buồn là ngay trong thời đại Tân Ước này, nhiều người chẳng những chưa giữ được giới hạn tối thiểu của luật Cựu Ước mà còn tệ hơn thế nhiều. Họ sống theo luật “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Hãy nhìn tình hình xung đột bên Trung Đông giữa Palestine và Israel: một người của bên này bị bắn tỉa chết là liền sau đó một làng của bên kia bị máy bay bên này ném bom. Trên bình diện nhỏ hơn: hai đứa trẻ đánh nhau kéo theo hai gia đình xung đột với nhau; khi hai người cãi nhau, người này chửi một câu thì người kia đáp lại ba câu; người này nói “Cha mầy” thì người kia đáp lại “Tổ tiên sư mầy”…

Làm thế nào để chấm dứt xung đột? Cách giải quyết “Mắt đền mắt răng đền răng” rất khó dừng lại ở giới hạn hợp lý mà thường có khuynh hướng leo thang trả đũa. Còn nếu giải quyết bằng cách “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại” thì xung đột càng leo thang nhanh hơn.

Đến đây chúng ta mới thấy giáo huấn của Đức Giêsu rất khôn ngoan. Xung đột chỉ chấm dứt được khi một bên chịu nhường nhịn. Nhường nhịn không có nghĩa là mình yếu, mình thua, nhưng là mình đang cố gắng nên thánh như Thiên Chúa ở trên trời là Đấng thánh.

3) Yêu thương kẻ thù không phải là thiện cảm, mà là thiện chí

Martin Luther King là một mục sư da đen, người đã đấu tranh để người da đen không còn bị người da trắng ngược đãi. Ông có một cách hiểu rất dễ chấp nhận về lời Chúa Giêsu dạy “Hãy yêu thương kẻ thù”, như sau:

“Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nới tâm hồn con người. Khi vươn lên một đỉnh tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy “Anh em hãy yêu thương kẻ thù”. Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói “Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em” bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đã ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người” (Trích bởi Fiches Dominicales, Năm A, trang 201)

4) Mảnh suy tư

- Khi đọc lịch sử người ta rất buồn, không phải buồn vì những tội ác mà những kẻ ác đã phạm, cho bằng vì những sự trừng phạt mà người lành phải gánh chịu; và một cộng đoàn trở nên hung ác không phải do những tội ác thỉnh thoảng xảy ra cho bằng do thói quen xử dụng hình phạt. (Oscar Wilde)

- Tha thứ giống như cái gì? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát.

5) Lời cầu nguyện cuối ngày

Lạy Chúa, mỗi ngày khi chúng con đi ngủ là đi vào một cái chết nho nhỏ để chịu một cuộc phán xét nho nhỏ về một ngày vừa qua.

Ước gì khi đó từng điều lầm lỗi của chúng con đều đã được tha thứ, và từng điều không thánh thiện của chúng con đều đã được thánh hóa.

Xin đừng để còn một điều gì đi theo chúng con vào giấc ngủ mà chưa được tha thứ và thánh hóa.

Có như thế chúng con mới luôn sẵn sàng cho cuộc tái sinh vào cõi đời đời, chúng con dám nhìn về phía trước với ánh mắt chan chứa tình yêu và hy vọng và có thể đứng vững trước mặt Chúa là Đấng vừa là quan tòa vừa là Đấng cứu độ chúng con, một quan tòa thánh thiện và một đấng cứu độ yêu thương. (Đức Giám Mục Appleton)

6) Chuyện minh hoạ

a/ Trả thù

Một thanh niên trong làng bị lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng đến mục sư kể cho ông nghe và muốn đi trả thù ngay.

- Tốt hơn, con nên về nhà.

- Nhưng con bị nhục mạ.

- Vậy thì con càng nên về nhà ngay lúc này. Sự nhục mạ cũng giống như bùn.

- Đúng thế. Con sẽ làm sạch nó.

- Này con, có một điều con có thể học hỏi tốt ngay bây giờ và sau này: Bùn được gạt sạch dễ dàng khi nó khô.

b/ Tiêu diệt kẻ thù

Một hoàng đế Trung hoa tuyên bố sẽ tiêu diệt hết các kẻ thù. Nhưng ít lâu sau, thần dân thấy nhà vua đi lại, ăn uống với kẻ thù trước kia.

- Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù?

- Đúng, ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

Top