Chúa nhật VI Thường Niên A
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37
MỤC LỤC
1. Lề luật
2. Thầy bảo cho anh em biết
3. Từ lề luật tới lương tâm.
4. Đừng sợ trèo lên thang.
5. “Thầy nói cho các con biết!”
6. Kiện toàn lề luật.
7. Luật mới của Đức Giêsu
8. Gợi ý giảng của Lm Carôlô
9. Giáo huấn chung của Tân Ước
SUY NIỆM
Thiên Chúa đã trao ban cho con người một thứ quà tặng quý giá đó là sự tự do. Chính sự tự do, này nếu chúng ta biết sử dụng, sẽ đem lại cho chúng ta vẻ cao quý, bằng không nó sẽ vùi chúng ta xuống tận bùn đen.
Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự Ngài một cách tự do, không ép buộc, bởi vì hành động của một kẻ nô lệ, của một người máy thì làm sao tạo được công nghiệp. Sự tự do là như một chiếc chìa khoá, nhờ đó mà mở ra khung trời hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến biết bao nhiêu tội ác.
Thiên Chúa không bao giờ cưỡng bức chúng ta phải phụng thờ Ngài. Nhưng đồng thời, Ngài cũng không bao giờ làm cho bàn tay của kẻ độc ác bị bại liệt.
Bài đọc thứ I nói với chúng ta như sau: Nếu ngươi muốn, ngươi hãy tuân giữ những giới luật của Ta. Việc trung thành là tuỳ ở nơi ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn.
Tuy nhiên có kẻ sẽ nói: Sự gì phải đến, ắt sẽ đến. Tôi nghĩ rằng không phải là như thế, mỗi người chúng ta phải làm chủ lấy vận mạng của đời mình. Bởi vì chính chúng ta có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau muôn đời cho bản thân. Thiên Chúa có thể giúp đỡ và phù trợ chúng ta bằng ân sủng của Ngài, tuy nhiên không bao giờ Ngài bắt buộc chúng ta phải bước theo Ngài. Trong chiều hướng ấy, Péguy đã viết như sau: Nếu Thiên Chúa quá nâng đỡ, thì con người sẽ mất hết tự do, trái lại nếu Thiên Chúa không nâng đỡ đủ, thì con người sẽ sa ngã. Sự trợ gúip của Ngài không bao giờ huỷ diệt sự tự do mà chính Ngài đã trao ban cho chúng ta.
Cũng chính trong sự tôn trọng tự do mà chúng ta bước vào lãnh vực lề luật. Đúng thế, Chúa Giêsu đã so sánh luật của Cựu Ước với luật của Tân Ước là luật của tình yêu. Ngài đến không phải để xoá bỏ nhưng để kiện toàn. Ngài đã đưa ra nhiều trường hợp cụ thể. Chúng ta chỉ nhắc lại nơi đây hai trường hợp mà thôi.
Trường hợp thứ nhất, Cựu Ước dạy: Chớ giết người. Trong khi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta không được ghét bỏ người anh em. Và Ngài còn đi xa hơn nữa khi đòi buộc chúng ta phải yêu mến kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta.
Trường hợp thứ hai, Cựu Ước dạy: Chớ ngoại tình. Trong khi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta không những phải giữ gìn vẻ trong sạch cho thân xác, mà còn bảo chúng ta phải giữ gìn vẻ trong sạch cho tâm hồn. Ngài phán: Ai nhìn xem người nữ, mà có lòng ước ao thì đã phạm tội rồi.
Từ đó Ngài muốn chúng ta luôn luôn tấn công tội ác đến tận cội nguồn, đến tận căn nguyên. Bởi vì trái tim hay lòng muốn là nơi xuất phát ra những điều tốt cũng như những điều xấu.
Cha thánh Vianney có một trực giác bén nhạy về những hậu quả không hay do những cuộc khiêu vũ gây nên, bởi đó, ngài đã thẳng thắn phê bình và chỉ trích. Ngày kia ngài gặp một bác nhà quê cùng với đúa con gái của bác đang bước đi trên đường. Hôm đó lại là ngày Chúa nhật và hai bố con đang dắt nhau đi tham dự một cuộc khiêu vũ ở làng bên cạnh. Thấy ngài, bác nhà quê liền chống chữa:
- Thưa cha, nó không đi nhảy mà chỉ xem người ta nhảy mà thôi.
Thế nhưng ngài trả lời:
- Tay chân nó không nhảy nhưng trái tim nó đã nhảy, tay chân nó không múa may quay cuồng nhưng lòng nó đã múa may quay cuồng.
Bởi đó phải cương quyết xa tránh những dịp tội nếu muốn bảo vệ vẻ trong trắng cho tâm hồn, bởi vì như lời Chúa đã phán: Thà rằng mất một chi thể còn hơn toàn thân bị đày đoạ trong hoả ngục.
2. Thầy bảo cho anh em biết (Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Thiên Chúa là một nhà giáo đầy kinh nghiệm. Ngài đòi hỏi con người phải vươn lên, vươn cao lên mãi, nhưng Ngài không đòi hỏi điều vượt quá khả năng của họ.
Khi ban Mười Điều Răn cho dân Israel, qua ông Môsê, Ngài đưa họ ra khỏi tình trạng sống theo luật rừng. Luật Môsê là một tiến bộ lớn trong nền luân lý, nhưng vẫn chỉ là bước chuẩn bị cho luật của Đức Giêsu.
Luật mới này không phá bỏ, nhưng kiện toàn luật cũ.
Kitô hữu không chỉ xét mình theo Mười Điều Răn, mà hơn nữa còn xét mình theo tinh thần Bài giảng Trên núi. Lời của Chúa Giêsu phải là thước đo để ta xét mình. Có khi nào bạn tự kiểm dựa trên một đoạn Tin Mừng không?
Đoạn Tin Mừng hôm nay mời ta nhìn lại miệng và mắt, hai giác quan dễ được dùng để phạm tội.
Miệng là nơi phát xuất những lời lăng mạ, dối trá. Lời nói biểu lộ tâm hồn con người: lòng có đầy mới tràn ra miệng (x.Mt 12,34). Khi đêm về, nhìn lại những gì mình đã nói, ta thường thấy có rất ít yêu thương và sự thật, nhưng lại đầy ắp cái tôi ích kỷ, lọc lừa.
“Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng làm chủ được toàn thân” (Gc 3,26).
Mắt là cơ quan tiếp thu thế giới bên ngoài. Mắt không chỉ là cửa sổ, mà là cửa chính của tâm hồn. Các cơn cám dỗ thường qua cửa đó mà đến với ta.
Mắt thích nhìn cái đẹp. Eva nhìn trái cấm, Đavít thấy người phụ nữ khỏa thân.
Cái nhìn đem lại khoái lạc và thổi bùng lên ngọn lửa thèm muốn, khiến người ta dám làm chuyện trái luân thường đạo lý.
Chúng ta đang bị bao vây trong một thế giới đầy hình ảnh. Tivi, phim ảnh, sách báo, video, thời tranh, quảng cáo... tất cả tìm cách lôi cuốn cái nhìn của ta, kích thích khoái lạc nơi con mắt và cả thân xác.
Những điều cao quý và thiêng liêng như thân xác, như đời sống thầm kín vợ chồng lại bị trở thành tầm thường, dung tục. Tình yêu chỉ còn là vội vã chiếm đoạt thân xác nhau trong cơn mê say nhất thời, chứ không phải là sự trân trọng hiến dâng chính mình trong một quyết định chín chắn và đầy trách nhiệm.
Đức Giêsu nói đến thứ ngoại tình do cái nhìn thèm muốn.
• Làm sao tôi giữ được đôi mắt trong suốt của trẻ thơ?
• Làm sao để trí tưởng tượng và trí nhớ không bị vẩn đục?
• Làm sao để tôi nhìn người phụ nữ như chị, em của tôi?
• Làm sao để chính người phụ nữ không tự biến mình thành đồ chơi để người khác ngắm nghía?
Gợi Ý Chia Sẻ
• “Thành thật thường thua thiệt”, bạn có thấy điều đó đúng không? Bạn có nghĩ rằng thành thật là đức tính nền tảng cho mọi tương quan giữa người với người không?
• Nơi giới trẻ đã có nhiều biểu hiện của sự trụy lạc, sa đọa. Bởi đâu có những tệ nạn như thế? Giới trẻ công giáo đóng góp gì để bầu khí xã hội được thanh khiết?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và that vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
3. Từ lề luật tới lương tâm. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúa không đến huỷ bỏ Lề Luật nhưng kiện toàn Lề Luật. Mấy người tới nói chuyện với Chúa, xem Lề Luật là 1 mớ những mẹnh lệnh để điều chính trật tự bên ngoài trong lối sống của họ. Chúa Giêsu đi thẳng vào nguồn ngọn, vào đáy lòng và lương tâm, nơi xảy ra đích thực mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Lề Luật vẫn có giá trị trong những mệnh lệnh của nó nhằm quy định trật tự, luân lý, song Chúa Giêsu nói: như thế chưa đủ còn phải đánh giá hành động ngay từ ngọn nguồn của nó, bởi lẽ hành động bên ngoài chỉ là phát hiện cụ thể của một thực tại bên trong, và chính là ở trong cõi lòng sâu kín mà được quyết định cuộc tranh luận giữa thiện và cá. Giá trị luân lý của hành vi ta không nằm ở vẻ bên ngoài của chúng, nhưng ở những quyết định riêng tư dẫn đưa tới chúng. Hơn nữa, Đức Kitô nói rằng một ước muốn được chấp nhận cách ý thức đã đủ để thẩm định ta là tốt hay xấu, dù không được diễn tả ra bằng hành động cũng thế. Chúa Giêsu đến hoàn thành Lề Luật theo nghĩa này là Người nới rộng nó tới thế giới lương tâm. Từ một luật hành động, nó trở thành một câu hỏi đặt ra cho con người nội tâm có trách nhiệm trước mặt mình và Thiên Chúa. Phúc Âm hôm nay nêu cho ta thấy ba tỷ dụ:
1) Chớ giết người. Người ta giết người vì thù oán, căm hờn. Chúa Giêsu phán: đều xấu, đó không những là oán ghét, và còn là những gì Thiên Chúa không thể chấp nhận. Chúa loại trừ lòng thù oán và cả một loạt tâm tình gần như thế: nóng giận, cố tình giữ ác cảm, mắng nhiếc, hiềm khích v.v…
Đó là những tâm tình làm đầu giây mối nhợ cho tội giết người. Tội sát nhân bị luật lệ luận phạt, tâm tình bên trong bị Thiên Chúa thẩm xét.
2) Chớ ngoại tình. Điều răn này nhằm bảo vệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Song ý nghĩa nó đi xa hơn, sâu hơn nhiều. Chúa Giêsu đặt nó vào bình diện của ước muốn (lòng ước muốn được chấp nhận cách ý thức, hay là ước muốn được nuôi dưỡng), nghĩa là bình diện mà mọi vật thuộc về Thiên Chúa. Được phép ước muốn điều gì, nếu đó không phải là đồ ăn trộm của kẻ khác và nhất là của Chúa. Mà phải tôn trọng quyền tự hữu của Chúa tự đáy lòng ta. Lòng ước ao ngoại tình bao hàm sự thiếu tôn trọng đối với kẻ khác và với mình, do đó cũng ăn trộm điều thuộc về Thiên Chúa.
3) Chớ thề gian. Đức Kitô nói không được thề thốt gì cả. Có lẽ trong xã hội ta không còn tục lấy Danh Chúa mà thề. Song lời Chúa nói đây vẫn còn ý nghĩa. Nếu ta không phải cầu xin Chúa đứng ra bảo đảm cho sự thật của ta, thì ta vẫn có thể xin Người soi sáng lòng chân thành của mình. Ta có thể và phải tự vấn về chính mình ta và xem xét những điều ta quả quyết và những cái ta phủ quyết có được Chúa nhìn thấy là đúng hay không.
4. Đừng sợ trèo lên thang. (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)
Một bé trai đang thả môt con diều, cho tới khi con diều bị vướng vào một cành cây. Nó liền chạy vào nhà và yêu cầu ba nó lấy giúp nó con diều. Người cha liền cầm tay nó dắt đi và nói: “Hãy đi với ba”. Họ đi vào trong nhà xe, ông chống thang dựa vào thân cây rồi bảo đứa bé: “Con hãy trèo lên thang và lấy con diều của con”. Nhưng đứa trẻ sợ hãi và kêu lên: “Không, con sẽ ngã mất!”. Ông bố nhấn mạnh “Hãy trèo lên thang, bố sẽ ở đây đỡ con, nếu con rớt xuống”. Run rẩy nhưng bây giờ đã quyết, đứa bé bắt đầu từ từ bò lên thang và cố gắng gỡ con diều ra. Nó đã đi xuống an toàn và nở nụ cười thật tươi, ôm lấy ba nó và nói: “Con đã làm được rồi!”.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta trèo lên một cái thang, bài Phúc Âm hôm nay là một phần bài giảng trên núi của Người. Trong bài giảng trên núi, Người khẩn nài chúng ta làm việc để đạt tới những lý tưởng cao vời, không phải thỏa mãn những bậc nhỏ xíu của chiếc thang, trong quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Trên hết, Người không muốn chúng ta rời xa điều ấy để tới những điều khác, các thánh, những người đã đi theo những lý tưởng mà Người đã giảng dạy và họ đã trở nên gương mẫu.
Trong lúc giận dữ chúng ta có thể nói: “Tôi có thể giết anh đấy”. Dĩ nhiên chúng ta không muốn nói như thế. Trước lúc giận dữ chúng ta vẫn muốn chịu đựng cơn giận theo lý tưởng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta theo. Chúng ta có thể sợ hãi khi nghe những chuyện cãi cọ nhau trong nhà nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải tránh những lời thóa mạ. Chúng ta có thể than khóc về những lố bịch mà trên TV hoặc phim ảnh, chúng trình bày những cảnh ân ái dành cho những người trưởng thành, nhưng Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta không được nghe các ước muốn xấu trái với những gì Người trông đợi nơi chúng ta.
Có điều gì đó hơi “sốc” khi Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng nếu có một người nào đó có điều gì chống đối chúng ta, chúng ta phải để của lễ tại bàn thờ mà đi giảng hòa cùng người đó trước đã. Chúng ta có dám thực hành điều đó theo nghĩa từng chữ không? Hầu hết mọi người chúng ta có dám bỏ Thánh Lễ để đi tìm người mà chúng ta đã xúc phạm để giảng hòa không? Việc bắt đầu cầu nguyện bằng sự giảng hòa là quyết định tìm kiếm sự tha thứ.
Khi chúng ta lắng nghe cách cẩn thận những lời của Chúa Giêsu trong bài giảng của Người hôm nay, chúng ta có thể kết luận rằng, Chúa Giêsu dạy chúng ta tình yêu dành cho Thiên Chúa không tách biệt tình yêu dành cho người lân cận của chúng ta. Thật là một lỗi nghiêm trọng để hành động nếu chúng ta đặt quan hệ của mình với Thiên Chúa với tư cách cá nhân và riêng tư, không có gì để làm với tha nhân. Khi chúng ta hiểu biết Thiên Chúa như một người Cha, chúng ta phải dành tình yêu của mình cho tất cả con cái của Người.
Những lý tưởng này có thể làm cho chúng ta nhát sợ. Nhìn thẳng vào chúng có thể làm cho chúng ta sợ hãi. Như đứa trẻ muốn cứu con diều của mình, phải thay đổi cách suy nghĩ thế nào. Điều đó không xảy ra cho nó khi nó cố gắng lấy con diều theo cách của nó cho đến khi ba nó dạy cho nó cách thế. Ngay lúc đó, nó vẫn sợ ngã. Trong bài giảng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường mà chúng ta sẽ đi theo như những môn đệ của Người. Chúng ta phải tin rằng, khi chúng ta cố gắng trèo lên cao hơn Người sẽ ở với chúng ta, để đỡ lấy nếu chúng ta sa ngã và đặt chúng ta trở lại an toàn, để chúng ta có thể cố gắng lần nữa. Trong Thánh Lễ, Người ban cho chúng ta sức mạnh chúng ta cần, nhờ của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Chúa.
Chúng ta không bao giờ hỏi rằng: “Chúng ta phải làm gì để tránh tội?”. Chúng ta hãy lắng nghe lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy trèo lên thang”.
5. “Thầy nói cho các con biết!”
Chúa Giêsu không đưa ra một luật mới nhưng là một cách mới để hiểu luật cũ và mọi luật lệ khác. Chúng ta không phải là những người không có luật lệ. Nói “chỉ cần yêu là đủ” là đúng nếu chúng ta thêm rằng đây là một điều luật và phải áp dụng luật đó với những chi tiết luật rõ ràng: đừng giận hờn, đừng có ý xấu, đừng ly dị, có thì nói có không thì nói không, đừng trả thù, yêu thương chính kẻ thù của chúng ta.
Có những điều rất khó thực hành đến nỗi chúng ta cảm thấy ở trong một bầu không khí rất đặc biệt: sự bó buộc vô cùng của Tin Mừng. Bao lâu chúng ta không lượng định sự bó buộc này thì chúng ta vẫn ở trong môi trường lề luật mà Chúa Giêsu mạnh mẽ chống lại. Đó là dấu hiệu cho thấy sự cám dỗ rất mạnh và rình rập tất cả chúng ta.
Kiểu nói trịnh trọng (“Thầy nói cho các con biết!”) là một sự khiêu khích. Ngài nói với ai câu này: “Nếu các ngươi không ăn ở chính trực hơn các luật sĩ và Pharisêu, các ngươi chẳng được vào Nước Trời?” Ngài nói với những người khâm phục sự thông tuệ thực sự của các luật sĩ và nỗ lực nên thánh của các Pharisêu.
Vậy đâu là điều xấu? Hay đúng hơn đâu là sự thiếu sót bởi vì phải vượt qua sự thiếu sót đó? tôi không thể nói chi tiết sáu điều đối kháng nhau “Người ta nói với các con, phần Ta, Ta bảo các con”. Tôi chỉ mời gọi các bạn suy niệm về động thái sâu xa phát xuất từ công lý của Pharisêu để dẫn dắt chúng ta đi xa hơn bằng một cách khác!
Dầu sao thì tôi cũng lầm khi nói về “những điều đối kháng”, mà là có sự liên tục. Chúa Giêsu nói rõ điều đó với chúng ta. Đây không phải là vấn đề bỏ rơi luật cũ để xây dựng luật hoàn toàn mới: “Các con đừng nghĩ rằng TA đến để phá luật lệ hoặc lời các tiên tri. Ta đến không phải để phá mà để làm cho hoàn hảo”. Đây không phải là vấn đề tôn trọng quá khứ, lại càng không phải là lòng luyến tiếc quá khứ. Chúa Giêsu tự do đối với tất cả đến nỗi sự tự do tuyệt đối duy nhất này là một trong những dấu hiệu của thần tính của Ngài. Ngài nói một cách ung dung: “Ta đến để...” Môisê nào, sứ ngôn nào có thể nói lên một điều như thế? Trước Ngài người làm luật và vị sứ ngôn nói nhân danh Chúa, phát xuất từ cuộc sống của mình và từ các biến cố. Chúa Giêsu nói với tư cách là Chúa, phát xuất từ một nguồn gốc huyền bí và một sự hiểu biết rõ ràng về các khả năng của con người cũng như về những bó buộc của Chúa. Ngài là người làm luật tối cao và quyết định. Sau Ngài, không ai quả quyết rằng: “Chúa Giêsu đã nói thế này, nhưng tôi bảo cho các bạn biết...”
Và dầu vậy, Ngài nhắc lại điều “đã được phán dạy” (cách nói kín đáo và tôn trọng có nghĩa là”Thiên Chúa đã nói”). Rõ ràng đó là lời của Thiên Chúa. Lời đó có bất toàn hay không? Ở đây chúng ta đứng trước điều mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta: sự vượt lên trên. Qua nhiều tiếng nói Thiên Chúa đã đề ra những điều luật chính yếu: chớ giết người, đừng ly dị, sống chân thật, giới hạn sự trả thù. Điều đó đã được thích nghi với những thời kỳ khó khăn và nay vẫn còn giá trị. Nhưng chỉ có điều là hành động mà thôi! Điều này đòi hỏi đừng làm bất động cái gì cả, đừng giam hãm công bằng và sự thánh thiện trong một danh sách những điều phải làm hay không được làm: phải có khả năng phản ứng tốt trước điều mới lạ.
Chúa Giêsu không phải đến để thêm vào một vài qui định tinh tế hơn mà là để mạc khải bí mật làm cho luật lệ tinh tế hơn. Chữ nghĩa trong luật là rất cần thiết (“Dầu một nét trong luật cũng không bỏ qua được”) nhưng chi tiết luật đó chỉ có giá trị nhờ tinh thần mà chúng ta chu toàn. Chúa Giêsu cho chúng ta biết chỉ có một tinh thần mà thôi, đó là tình yêu thương. Chúng ta có thể gọi đó là luật mới, nhưng tốt hơn nên xem đó như là nguyên nhân và thước đo của mọi luật lệ.
Hoặc là sự quá mức! Đó là điều làm cho cuộc sống của người Kitô hữu rõ ràng vàkhó khăn biết bao! Không phải là tự hỏi chúng ta có thể tiến bước mà không phạm tội cho tới đâu, nhưng chúng ta có thể yêu thương đến cùng như thế nào:
“Chúa Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương họ cho đến cùng”. Thánh Gioan nói như thế khi bắt đầu thuật lại cuộc khổ nạn. Đó là sự vượt lên trên được dạy ở đầu bài giảng trên núi. Từ việc “chớ giết người!” trong luật cũ đến “Hãy yêu thương kẻ thù của ngươi!”, sự vượt lên trên không phải là một sự đối kháng hoặcmột điều được thêm vào. Đó chính là sự điên rồ của Tin Mừng: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành”.
Bạn hãy đi xa hơn tất cả những gì bị cấm đoán hoặc được qui định, bạn hãy đi xa hơn tình yêu thương. Chắc chắn, không được giết người, nhưng có biết bao nhiêu cách để làm hại kẻ khác. Bạn hãy hồi tâm thật sự, xua đuổi những ước muốn làm hại nhỏ nhặt nhất. Bạn hãy xem xét ý muốn yêu thương, chữa trị nó nếu nó bệnh hoạn, củng cố nó nếu nó yếu đuối. Khi bạn thật sự muốn yêu thương, thì bạn sẽ hoàn toàn gắn bó với Chúa Kitô. Thế là bạn có thể nghĩ ra cách sống giữa các luật lệ.
6. Kiện toàn lề luật. (Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)
Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đến để kiện toàn lề luật”. Lời tuyên bố quả quyết dứt khoát đến nỗi: trời đất qua đi thì lời Ngài nói vẫn tồn tại, và tất cả những ai tuân giữ lời Ngài cũng được tồn tại muôn đời trong nước trời.
Lời tuyên bố như đinh đóng cột làm “thiên hạ sửng sốt vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt. 7, 28; Mc. 1, 22; Lc. 4, 31).
Kiện toàn luật Môsê và các tiên tri là kiện toàn và thực hiện toàn bộ Kinh Thánh.
1- Thẩm quyền đó là thẩm quyền nào? “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã hỏi Người như thế (Mc. 11, 28).
Để thấy rõ thẩm quyền của Đức Giêsu, ta cần xét đến lời tuyên bố và nội dung kiện toàn lề luật của Ngài.
Trước hết, lời tuyên bố. Xưa, chính Môisê không dám tự mình tuyên bố ban lề luật, dầu ông là vị lãnh đạo vĩ đại nhất lịch sử dân Do Thái. Ông luôn luôn nói: “Này điều Thiên Chúa truyền dạy...”, chỉ khi chính Giavê Thiên Chúa ban bố lề luật, Thánh Kinh mới viết: “Thiên Chúa phán với Môisê rằng:...”, như trường hợp tuyên bố Thập giới ở núi Sinai (Xh. 19, 9-10; 21, 2-22)
Kiểu nói đó bộc lộ chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền ban bố lề luật mà thôi. Cùng một kiểu nói như thế, Đức Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ và dân chúng rằng: “Thầy bảo anh em biết...”. Mỗi lần kiện toàn một điều luật, Ngài lại nói: “Thầy bảo anh em biết...”, chứng tỏ thẩm quyền của Ngài là thẩm quyền Thiên Chúa.
Thứ đến, xét về nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay:
Người Do Thái cũng như chư dân chỉ nhằm cấm những hành vi phạm pháp cụ thể bên ngoài như giết người, ngoại tình, bội thề, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta không thể biết được những tội phạm thầm kín trong lòng người, cho nên không có quyền xét xử tội về tư tưởng con người, chỉ có Thiên Chúa thấu suốt những gì kín đáo bí ẩn mới đủ thẩm quyền xét xử.
Đức Giêsu cũng cho ta thấy Ngài có quyền xét xử các hành vi tội phạm bên ngoài cũng như bên trong, nên Ngài truyền dạy phải trừ khử những thèm muốn, giận hờn, ghen ghét ngay từ trong lòng người, là nguồn gốc phát sinh những hành vi tội ác bên trong. Ngài đã gọi đám đông đến mà bảo: “Xin mọi người nghe Tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì bên ngoài vào làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm ô uế con người. Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu...” (Mt. 7, 14-15. 21). Cho nên, muốn kiện toàn lề luật, muốn con người sống hoàn hảo, phải thanh tẩy nội tâm con người. Cái tâm chân chính sẽ hướng dẫn con người sống chân chính. Nguyễn Du, một thi sĩ bậc nhất Việt Nam, đã thấy rõ điều đó: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Khổng Tử đã huấn luyện các môn đệ trở thành người quân tử đã lấy chính tâm, thành ý làm nền tảng, vì “tâm quảng, thể bàn”, tâm quảng đại làm cho thể xác vững mạnh như bàn thạch (Đại học, chương IV).
Phương ngôn Tây Âu cũng nói: Tâm trí lành mạnh làm cho thân thể cường tráng - “mens sana in corpore sano”.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết mà Thiên Chúa muốn là lề luật, không phải để ngăn cấm, răn đe những điều tiêu cực, những diều xấu như luật loài người; luật Thiên Chúa chính là thực thi những điều tích cực, những điều tốt, tạo niềm tin vào Thiên Chúa tốt lành vô cùng để dẫn đưa con người trở về với Thiên Chúa. Đó là mục đích kiện toàn giới luật: Đấng ban bố lề luật thiện hảo.
2- Ngài kiện toàn giới luật thứ V bằng cổ võ lối sống hòa thuận, hòa bình, hòa hợp, yêu thương, hy sinh giúp đỡ nhau. Có hợp nhất với nhau mới xứng đáng được tham dự vào lễ hy sinh của Ngài, vì Thánh lễ là sự hiến mình, chết cho người Ngài yêu. Cho nên ai xây dựng hòa bình như Ngài mới được phúc làm con Thiên Chúa.
Ngài kiện toàn giới luật VI và IX để mọi người sống trong sạch với cái nhìn đơn sơ như chim bồ câu, sống vui tươi với nhau thật hồn nhiên như trẻ thơ, làm cho cuộc đời hạnh phúc biết bao!
Xưa Thầy Khổng Tử cũng dạy các môn đệ rằng: “Trước hết hãy có sẵn một nền trắng, rồi sau mới vẽ thành bức họa” (Luận ngữ II, 8).
Để vẽ một bức họa thật sắc nét, làm nổi bật những hình ảnh thật sống động và tươi thắm, họa sĩ phải bắt đầu từ nền trắng.
Để hình ảnh Thiên Chúa nổi rõ trên mỗi người, chúng ta phải có lòng trong trắng, vì ai có tâm hồn trong sạch mới được phúc chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa.
Ngài kiện toàn giới luật II và VIII: “Đừng thề chi cả”, “có nói có, không nói không”. Thề mà không có lòng chân thành thì cũng vô ích, còn giảm giá trị làm người, là kẻ không đáng tin. Nếu phải nhờ đến một thế lực thứ ba, một thế lực của những hạng thấp hèn hơn con người: trời, đất, quỷ thần, cô hồn, máu huyết làm chứng cho mình thì thật tồi tệ! Thành tín tin tưởng nhau chứng tỏ tôn trọng, mến phục nhau, tỏ ra có tình có nghĩa, có lòng bao dung, độ lượng. Tình yêu khoan dung sẽ sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi và phản bội. Đó chính là tình yêu của Đức Giêsu: yêu cả kẻ thù, kẻ phản bội. Sống chân chính như thế, mới mong “nên trọn hảo như Cha chúng ta ở trên trời”. Lý tưởng của Nho giáo không gì hơn là sống chí thành mới giống thần thánh: “Chí thành như thần” (Trung Dung 24 và 26).
Lạy Chúa toàn năng, toàn thiện, Chúa đã dựng nên muôn loài tốt đẹp, Chúa còn dựng nên con người tốt đẹp muôn vàn hơn nữa và luôn luôn chăm lo săn sóc cho nó trở nên kiện toàn để biểu lộ sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan chọn con đường sống theo Đức Giêsu để thực hiện mầu nhiệm tình yêu vô cùng khôn ngoan của Ngài. Amen.
7. Luật mới của Đức Giêsu (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Tạp chí Reader’s Digest, số xuất bản tháng 11 năm 1985 có đăng một truyện ngắn:
Đôi vợ chồng kia đã nhiều lần cãi nhau, và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say, thì người chồng đề nghị với vợ: “Thôi, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Bây giờ mỗi người hãy lấy giấy, viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối hả viết liên hồi, dường như cố ý tranh với chồng, để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng, và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.
Đến lúc không còn gì để viết nữa, hai người trao cho nhau bản kể tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt của người vợ bỗng biến đổi vì xúc động. Bà vội vàng đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và tỏ thái độ làm hoà ngay với chồng. Trong tờ giấy của người chồng, bà chỉ đọc được có một câu duy nhất: “Anh yêu em!”.
Anh chị em thân mến,
Tình yêu chính là Luật Mới đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”, nghĩa là Đức Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.
Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người sẽ không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa người với người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.
Luật mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới, tạo nên “Nước Trời”: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”. Trong một số ví dụ được Đức Giêsu đưa ra như giết người, gian dâm, bội thề… Luật mới không chỉ dừng lại ở những hành động tội ác, mà đòi hỏi phải đổi mới tận chiều sâu của tâm hồn, tận trái tim yêu thương:
- Trước kia, có huỷ hoại sự sống thể xác mới phải ra toà. Nhưng từ đây, chỉ mới có tâm tình giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã đủ để lãnh án nặng nề.
- Thậm chí chưa tích cực giải hoà với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng phải kể là không được liên hệ tốt với chính Thiên Chúa, không còn quyên dâng của lễ cho Thiên Chúa.
- Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và lãnh trách nhiệm bảo vệ người bạn đời của mình.
- Luật cũ cấm phản bội lời thề. Luật mới đòi phải sử dụng lời nói thế nào trong cả đời anh, để người nghe, hiểu và nhận được lòng chân thành của anh, mà không cần anh thề thốt gì hết.
Do đó, chúng ta không lạ gì lối giữ đạo duy hình thức, vụ Lề Luật của các luật sĩ và các nhóm Biệt phái Pharisêu thời Chúa Giêsu, đã bị chính cuộc sống của Chúa Giêsu vạch trần là giả hình là “mồ mả tô vôi”: Giữ luật chi li, nhưng là để cho bản thân mình nổi danh đạo đức trước người khác và tự mãn nơi lòng mình. Tệ hơn nữa là hạng người mượn danh “luật Chúa” để kết án người có tội, người nghèo khổ, hoặc người mang bệnh tật. Và còn đáng Ngài phản đối nặng nề hơn nữa khi họ chủ trương bắt người khác cũng phải hoạ theo lối sống hà khắc của họ. Chính Chúa Giêsu đã bảo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
Anh chị em thân mến,
Luật mới là một “Giao Ước Mới”, một “hợp đồng tình thương” với những điều khoản được Chúa “ghi tạc tận đáy lòng, tận trái tim con người” (Gr 31,33). Ngôn sứ Êzêkiel còn diễn tả qua hình ảnh cụ thể hơn nữa: “Ta sẽ ban tặng các con một trái tim mới, Ta sẽ đặt vào lòng các con một tinh thần mới, Ta sẽ lấy trái tim chai đá ra khỏi lòng các con và ban tặng các con một trái tim thịt mềm biết yêu thương. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các con để làm cho các con theo đúng luật của Ta” (36,23-27).
Đức Giêsu đã kiện toàn Luật của Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn đến từng chi tiết. Ngài đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa lấy con người làm đối tượng của tình yêu thương, khi đích thân Ngài, như một tên tử tội khốn nạn nhất, chết treo trên Thập giá, chỉ vì muốn nâng con người lên tận hàng con cái Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Nhập Thể không chỉ là mầu nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa làm con người mà còn là dấu chứng của tình yêu, cũng là bản thể Thiên Chúa đã dính chặt vào với mỗi con người của trần thế, đến độ bất cứ ai làm gì cho mỗi con người, đều làm cho đích thân Ngài, và bỏ qua không làm tốt cho con người, cho dù với mọi thứ lý do, sẽ chỉ đưa đến kết quả là: “Không được sống đời đời” (Mt 25,41).
Thưa anh chị em, Đạo của Chúa, Luật của Chúa là như thế đó. Nó nhằm mục tiêu cho mỗi người chúng ta hoà nhập vào dòng suối vô tận của tình thương vô biên, khơi nguồn từ Chúa Cha và thông qua Chúa Giêsu và nhờ Thánh Thần chuyển đến mỗi người chúng ta, đến với mọi người muôn thế hệ. Bởi vì chỉ có tình thương mới cho chúng ta góp phần xây dựng, phát triển hạnh phúc của con người anh em. Và chỉ có hạnh phúc của anh em, có chúng ta góp phần, mới cho chúng ta cảm nghiệm và dự phần hạnh phúc của Thiên-Chúa-Tình-Thương.
SỐNG THEO LUẬT CHÚA
1) Con đường sống
Trong bài đọc I, Ben Sira nói đến 2 con đường: con đường được vạch ra bởi các giới răn là con đường sống, con đường nước, con đường sự lành; con đường thứ hai thực ra không phải là đường mà là muốn đi đâu thì đi, không có chỉ dẫn, không có định hướng, không có ngăn cản… đó là con đường lửa, con đường sự dữ, con đường sự chết.
Chỉ cần một thí dụ nhỏ cũng đủ để nhất trí với Ben Sira: lái xe trên xa lộ. Muốn an toàn, hay nói cách khác là muốn sống, người lái xe phải tuân thủ rất nhiều luật: đoạn nào phải chạy với tốc độ nào, chỗ nào được quẹo, chỗ nào phải dừng lại, muốn vượt thì phải làm sao v.v. và v.v.
Người lái xe nào nghĩ rằng tất cả những luật ấy là bó buộc, là bóp chết sự tự do của mình, rồi bất chấp tất cả. Kết quả sẽ thế nào? Người đó chết. Chẳng những thế, có thể làm cho nhiều người khác chết theo.
Đi trên một đoạn đường xa lộ mà đã thế. Huống chi trọn cuộc hành trình của đường đời.
2. Luật là luật!
Nhiều người nói “luật là luật”. Những người này bám sát mặt chữ của các khoản luật và buộc người ta tuân thủ một cách nô lệ từng chữ ấy. Lúc đó, luật trở thành chủ, và con người trở thành nô lệ. Cuộc sống quá nặng nề, không chịu nổi. Luật của pharisêu là như thế đó. Ngày sabát, nếu có người bệnh cũng không được chữa, bởi vì “luật” cấm không được làm việc gì trong ngày đó.
Nếu chú ý đọc hết bài giảng trên núi rất dài của Đức Giêsu (từ đầu chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mátthêu), chúng ta sẽ ngạc nhiên là tuy Ngài nói đến luật cũ và luật mới, nhưng Ngài chỉ giải thích những khoản luật cũ chứ không đưa thêm khoản luật nào “mới” của Ngài cả. Đức Giêsu không thêm luật, nhưng Ngài chỉ cho thấy tinh thần của luật. Vì thế ta có thể nói: luật của Chúa Giêsu không phải là luật, mà là tinh thần. Tinh thần là sự sống của luật. Đã có quá nhiều khoản luật, chỉ thiếu tinh thần và sự sống thôi.
Sau này, trong một cuộc đối thoại với một luật sĩ, Đức Giêsu có nói tới hai khoản “luật” quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Nhưng thực ra hai khoản đó cũng đã có sẵn trong bộ luật cũ Cựu Ước. Khoản luật thì vẫn cũ, cái mới là tinh thần: tinh thần “yêu” và tinh thần “mến”.
Tín hữu chúng ta đang cố gắng tuân giữ rất nhiều luật: Luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng hãy lưu ý kỹ điều này: nếu chỉ giữ “luật” mà không giữ đúng “tinh thần” của luật thì ta sẽ thành nô lệ, sẽ thành pharisêu.
3. Luật gia đình: Cha con, anh em
Tinh thần bao trùm tất cả mọi khoản luật là tinh thần gia đình: đối xử với Thiên Chúa bằng tình hiếu thảo cha con và đối xử với người khác bằng tình huynh đệ anh em.
Đọc lại Bài giảng trên núi rất dài từ chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mt, ta thấy mỗi lần nói đến Thiên Chúa thì Đức Giêsu đều nhắc ta nhớ Ngài là Cha, và mỗi lần nói đến người khác thì Đức Giêsu cũng nhắc ta nhớ họ là anh em của ta.
- Thí dụ như về luật đối xử với người khác (Mt 5,21-26): “Ai giận anh em mình… Ai mắng anh em mình… Ai chửi anh em mình… Khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con…”
- Thí dụ về những việc đạo đức (Mt 6,1-18): “Khi bố thí thì đừng có khua chiêng đánh trống… Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh… Khi cầu nguyện… Hãy cầu nguyện với Cha của anh, Đấng thấu suốt những điều kín đáo… Còn khi ăn chay… Cha của anh Đấng thấu suốt những gì kín đáo…”
Thánh Kinh thường gọi Luật là “ách” và “gánh”. Nhưng luật của Chúa Giêsu là luật gia đình. Luật gia đình tuy cũng là “ách” và “gánh” nhưng rất nhẹ nhàng, êm ái: “Ach Ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng”.
4. “Đừng nổi giận với anh em mình”
Đức Giêsu không bảo “Đừng nổi giận”, mà bảo “Đừng nổi giận với anh em mình”. Nhận xét này có nhiều ý nghĩa.
Xét về mặt tâm lý, giận là một trong “thất tình”, nghĩa là một trong 7 thứ tình cảm tự nhiên mà người lành mạnh nào cũng có. Nếu ta biết yêu ta và tự trọng ta thì khi ai đó đối xử bất công với ta thì tự nhiên ta nổi giận. Khoa tâm bệnh học còn cho biết rằng cứ đè nén cơn giận mãi còn có thể gây hại cho tâm thần và cả sức khoẻ nữa. Tự nó, tình cảm giận không có gì xấu. Chính Đức Giêsu cũng từng nổi giận khi thấy người ta buôn bán trong sân Đền thờ Giêrusalem.
Chỉ xấu khi “nổi giận với anh em mình”, nghĩa là vì giận quá mà không còn coi người anh em mình như anh em nữa, trái lại coi họ là người dưng, thậm chí là kẻ thù. Nói tóm lại là giận đến nỗi mất tình huynh đệ. Trong trường hợp này “giận” đồng nghĩa với “giết”: không phải giết chết một mạng sống mà giết chết một mối tình, vì người trước đây là anh em nay không còn là anh em nữa.
5. Chuyện minh họa
a/ Giận dữ
Khi R. Weaver còn làm công nhân hầm mỏ, có lần anh vô tình chọc giận một công nhân khác. Anh này gầm lên:
- Chắc tao phải cho mày mấy bạt tai quá!
- Nếu anh thấy cần thì cứ làm đi.
Người ấy tát Weaver một cái. Anh đưa má kia, tát nữa. Tất cả là 5 lần. Đến lần thứ 6, người kia hậm hực bỏ đi. Weaver còn nói theo: “Chúa tha thứ cho anh. Tôi cũng thế. Xin Chúa cứu anh.”
Sáng hôm sau khi xuống mỏ, người đầu tiên mà Weaver gặp là người tát mình. Anh mỉm cười lại gần. Người ấy chợt bật khóc: “Ôi anh Richard. anh thực sự tha thứ cho tôi chứ?”
Cả hai ôm chầm lấy nhau. Rồi người ấy nhập đạo.
b/ Tha thứ
Dick và Dorothy là hai chú bé luôn bị một chú nọ to con bắt nạt. Hai chú tức mà không làm gì được. Ngày nọ, hai chú đọc đoạn Tin Mừng kể chuyện Phêrô hỏi Chúa: “Khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha bao nhiêu lần? Có phải 7 lần không?”- “... Không phải 7 lần, mà là 70 lần 7.” Dick làm tính nhẩm: “Vậy là Chúa bảo tha 490 lần.” Hai đứa thinh lặng một lúc, rồi Dorothy nói: “Ta hãy mua một cuốn vở, mỗi khi tha cho hắn, mình ghi vào.” Và Dick reo lên: “Sau lần thứ 490, tụi mình sẽ cho hắn biết tay!”
Phụng vụ Mùa Thường niên không đề cao một mầu nhiệm nào đặc biệt, nhưng chỉ trình bày giáo huấn thông thường của Hội Thánh liên quan đến đời sống hàng ngày của tín hữu. Hôm nay chúng ta vừa được nghe một đoạn sách Huấn ca, một khúc thơ Phaolô và một số lời Tin Mừng theo thánh Mátthêô. Nếu được phép tổng hợp, chúng ta có thể nói Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta hãy lựa chọn đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa và đến với Đức Giêsu Kitô là Đấng đang rao giảng sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho loài người.
A. Chúng ta hãy lựa chọn đường lối khôn ngoan
Huấn ca là một tác phẩm trong loại sách khôn ngoan của Thánh Kinh Cựu Ước. Ngay trong đoạn trích đọc vắn tắt hôm nay, người ta đã có thể nhận ra mấy sắc thái chính yếu của tác phẩm cũng như của loại sách Khôn ngoan này. Tác giả kêu gọi sự tự do lựa chọn của con người. Không có sự tự do, không thể nói đến triết học và khôn ngoan. Do đó các sách khôn ngoan không có tính cách giáo điều. Luôn luôn độc giả được kêu mời tự do lựa chọn. Hơn nữa, hạnh phúc mà người ta tìm kiếm nằm ngay ở tầm tay của họ. Giơ tay nắm lấy cái gì, hạnh phúc hay bất hạnh, thì người ta sẽ được ngay cái đó.
Như vậy, tư tưởng của Thánh Kinh không có gì là “định mệnh” cả. Chính con người làm chủ vận mạng của mình. Và điều này, ngay trang đầu của bộ Kinh Thánh cũng đã khẳng định. Thiên Chúa bấy giờ dựng nên Ađam-Evà. Người đặt họ trong “vườn địa đàng” có đủ mọi thứ cây ngon lành có thể thỏa mãn sự thèm khát của con người. Nhưng giữa vườn cũng có một cây “lành dữ”, mà nếu giơ tay bất quả nó mà ăn, con người sẽ có kinh nghiệm mất mát tất cả những gì đang có và bắt được những gì ngược hẳn với nếp sống hiện nay. Lúc này họ đang sống trong tình giao hữu hạnh phúc với Thiên Chúa là nguồn mọi sự sống. Bứt quả cây trái cấm mà ăn, họ sẽ rơi vào tình trạng thù địch với Người và nếm biết sự chết đời đời. Ađam-Evà đã được đặt trong tình trạng tự do để lựa chọn tương lai cho mình và con cháu. Trái cây hạnh phúc và bất hạnh ở ngay tầm tay của họ. Họ có thể lựa chọn giữa sự sống và sự chết, giữa “lửa và nước” như lời sách Huấn ca hôm nay viết, bởi vì “lửa” là hình ảnh về sức mạnh tiêu diệt, tàn phá và chết chóc, còn “nước” lại nói lên nguồn mạch sinh ra sự sống và sự sống dồi dào. Con người muốn lựa chọn đàng nào cũng được.
Ađam-Evà đã lựa chọn thế nào thì chúng ta ai cũng đã biết. Chúng ta có thể tức vì tại hai ông bà đã chọn điều dữ, nên loài người chúng ta ngày nay đang sống trong tình trạng sa đọa. Nhưng ngay trong tình trạng này, con người chúng ta vẫn có sự tự do lựa chọn. Mặc nhiên, mọi người đều tin như vậy. Chỉ mấy triết gia suy đi tính lại tỉ mỉ quá mức mới dám hoài nghi: không biết cuối cùng con người có còn tự do hay không? Hay là họ đã nằm trong bàn tay của một “con tạo đa đoan” và định mệnh của họ đã được ghi khắc một lần thay vì tất cả ngay cả từ trước khi họ sinh ra ở đời. Hai câu cuối của bài sách Huấn ca hôm nay phi bác mọi luận điệu như thế. Tác giả viết: Thiên Chúa không truyền cho ai phạm tội; Người không ủy lạo kẻ dối trá. Ngược lại truyền thống Thánh Kinh luôn khẳng định: vì là Đấng tốt lành, Thiên Chúa không muốn ai phải chết: Người luôn ra tay cứu độ; tất cả những gì Người làm chỉ là hướng dẫn con người về đường ngay nẻo chính để họ được sống và được sống dồi dào. Lựa chọn sự dữ và bất hạnh là quyền lợi - nói đúng hơn, là quyền hạn - của con người. Đúng hơn nữa, đó là lạm dụng quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho mình.
Chúng ta có nhiều kinh nghiệm về thái độ của nhiều người khác. Rõ ràng họ được tự do hoàn toàn để lựa chọn điều hay, hay là điều dở, đặc biệt trong các quan hệ với chính chúng ta. Chúng ta tạo mọi điều kiện để giữa họ và ta có những tương quan thuận lợi. Thế mà dường như có một cái gì như cố chấp ở nơi họ. Mối tình giữa họ và ta chẳng sao xây dựng được và khả quan hơn. Tất cả, theo quan điểm của ta, chỉ vì họ không muốn.
Có lẽ bài sách Huấn ca đã đi từ kinh nghiệm ấy. Tác giả mở đầu bằng mấy chữ “nếu muốn”. Nếu muốn thì con người sẽ giữ lệnh truyền của Chúa; và như vậy họ sẽ được sống. Bằng không họ sẽ tra tay vào lửa và lựa chọn sự chết. Tư tưởng của Thánh Kinh vì thế đề cao sự tự do của con người. “Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên họ và trao họ cho tâm thuật của họ” (Hc 15,14), tức là để cho họ được tự do làm theo ý mình. Tuy nhiên “Người biết hết mọi sự và toàn năng. Mắt Người nhìn xuống những kẻ kính sợ Người”
Thế nên sự khôn ngoan của sách Huấn ca cũng như của tư tưởng Kinh Thánh là con người hãy đi theo đường lối của Thiên Chúa. Chính đó là sự khôn ngoan. Con người giữ lệnh truyền của Thiên Chúa sẽ chắc chắn đi trong đường lối khôn ngoan dẫn đến sự sống, vì sự “khôn ngoan của Thiên Chúa thật vạn năng”.
Chân lý này, người tín hữu nào cũng công nhận. Khó khăn nằm ở chỗ thực hành. Trong đời sống thực tế, không phải lúc nào cũng dễ tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính dân Israel ngày xưa cũng vậy. Mặc cho các tiên tri kêu gọi họ trở về đường lối mà Chúa đã vạch ra trong Luật pháp, họ vẫn đi theo đường lối của họ. Nói đúng hơn, họ muốn sống như mọi dân tộc khác và khước từ cố gắng chu toàn ơn gọi làm Dân Riêng của Chúa. Chúng ta, những kẻ ở trong Dân Mới của Người, cũng không hơn gì họ. Chính vì vậy mà chúng ta cần lắng nghe lời khuyên bảo của thánh Phaolô.
B. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Thư 1 Côrinthô quen được coi như thư riêng của người Công giáo, theo nghĩa những người này thích đọc nó như người Tin lành thường thích đọc thư Rôma. Và quả thật, thư 1 Côrinthô có nhiều yếu tố để nói với các cộng đồng Công giáo. Nó có cả những đề tài, như lời mở đầu đoạn trích đọc hôm nay cho biết, dành cho những “người thành toàn”, tức là những người đã tiến bộ trong đức tin và đời sống tín hữu. Trong số đó có đề tài về sự khôn ngoan mà bài đọc I hôm nay đã đề cập.
Sự khôn ngoan của đạo chúng ta, kể từ lời mạc khải đầu tiên cho đến lời Kinh Thánh cuối cùng, không phải là sự khôn ngoan của đời tạm này. Càng không phải là sự khôn ngoan của những đầu mục của đời tạm này. Nó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan mà các sách khôn ngoan trong Thánh Kinh Cựu Ước thường đem ra bàn. Tác giả sách Huấn ca đã thấy nó nằm trong các lệnh truyền của Thiên Chúa. Và những tác giả khác cũng đồng ý bảo nó nằm nơi Luật pháp mà Chúa đã ban cho Dân Riêng của Người.
Tuy nhiên Luật pháp thì dài và lệnh truyền thì nhiều. Hơn nữa dù vẫn nghe Luật pháp và Tiên tri trong các ngày Hưu lễ nơi Hội đường, người dân Israel ngày xưa vẫn không nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Dường như vẫn còn có một tấm màn che mắt họ, khiến họ nghe đọc mà chẳng hiểu, xem thấy mà chẳng nhận ra. Mãi đến khi tấm màn trong Đền thờ rách toang ra vào Giờ Chúa Giêsu chịu chết trên Thập giá, sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới tỏ hiện. Người ta mới biết Đức Giêsu là ai. Người là Đấng Cứu thế! Và Thiên Chúa đã muốn tỏ hiện sự khôn ngoan của Người ở nơi Ngài: “Ngài là Con Chí Ái của Ta, các ngươi hãy nghe Ngài”.
Chính vì vậy mà thánh Phaolô viết rằng, sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn giữ kín từ đời đời cho đến lúc bấy giờ. Trước đó người ta đã được nghe nói về đường lối khôn ngoan cứu độ của Thiên Chúa. Người ta cũng đã thấy rất nhiều kỳ công mà Người đã làm. Tuy nhiên tất cả như còn là tiền ảnh và biểu tượng và như còn được nói bằng “dụ ngôn”. Nhưng mọi sự đã trở nên sáng tỏ và mới hẳn trong mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô, cách riêng trong biến cố Tử nạn - Phục sinh của Người. Đứng trước mạc khải này, những người được ơn khôn ngoan nhất, cũng bàng hoàng như thể trong mơ. Không vậy thì người Do thái đã không đóng đanh Đức Giêsu; và ngay các Tông đồ đã không lấy việc sống lại làm khó hiểu. Chỉ khi đã chắc chắn về biến cố Phục sinh, các môn đệ mới thấy Đức Giêsu là “Chúa”; họ mới tuyên xưng Người là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa; họ mới thấy Luật pháp và Tiên tri trước kia đã chỉ nói về Người.
Như vậy, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho con người, không phải là Luật pháp và các Tiên tri, nhưng là Đức Giêsu Kitô; mà cũng không phải là Đức Giêsu Kitô như xác thịt cho biết, nhưng là “Chúa” Giêsu Kitô trong ánh sáng đức tin mà mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người đã ban cho. Nhờ ánh sáng tỏa ra từ mầu nhiệm này, Luật pháp và Tiên tri mới minh bạch. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa giữ kín ở đó mới bộc lộ ra. Từ nay đọc lên người ta mới hiểu rõ vì họ đã nhận được Thánh Thần, Đấng dò thấu mọi sự, cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Và Thánh Thần chỉ được ban cho người ta sau khi Đức Giêsu đã tử nạn-phục sinh lên ngự bên hữu Thiên Chúa để tuôn đổ xuống cho những kẻ có lòng tin.
Thế mà có những tín hữu cứ muốn luận lý với những người chưa có đức tin về đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa! Họ còn lầm hơn khi dám so sánh đường lối của Thiên Chúa với đường lối của thế gian. Lẽ ra họ đã phải cầu xin trước cho người ta được ơn đức tin. Họ phải lựa chọn Chúa trước rồi mới thấy được sự khôn ngoan của Người. Chính điều này cũng cần phải có để nhận ra ý nghiã của những lời Tin Mừng hôm nay mà Chúa Giêsu, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, đang nói với chúng ta. Người đang rao giảng sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở trong Hội Thánh. Chúng ta hãy nghe Người.
C. Thiên Chúa nói sự khôn ngoan của Người với chúng ta
Chắc chắn không nên tìm trong đoạn này một bố cục chặt chẽ. Vì đây không phải là một bài luân lý; nhưng chỉ là mớ những lời dạy dỗ, có thể đã được nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà tác giả sách Tin Mừng đã lấy đặt đứng bên nhau để làm thành một “bài giảng”.
Chúng ta có thể nhận ra một số câu mở đầu. Đức Giêsu tuyên bố: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật hay các Tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ mà để làm trọn”. Lời nói hết sức quan trọng. Lập tức, Chúa Giêsu đã khẳng định Người là Đấng phải đến trong thế gian, tức là Vị Cứu thế mà Cựu Ước loan báo phải trông đợi. Uy quyền của Người át cả Lề luật và các Tiên tri. Tuy nhiên Người không phủ nhận và bãi bỏ họ. Người kiện toàn họ. Thế nên không được coi nhẹ một nét nhỏ nào trong Luật pháp. Câu này không có ý nói lên bất cứ một chút xíu nào trong khuynh hướng bảo thủ và vụ luật. Nó muốn tăng cường sức mạnh cho câu khẳng định ở trên: Ta đến không phải để bãi bỏ mà để làm nên trọn. Và cũng chính vì vậy mà người trong Dân Mới phải công chính hơn các Ký lục và Biệt phái trong Đạo cũ. Những người này nổi tiếng là những người giữ Luật, thì những ai theo Đấng đến làm cho Luật pháp nên trọn phải công chính hơn.
Chẳng hạn Luật xưa bảo: Chớ giết người! Thì nay, Đấng đến làm trọn Lề luật truyền lệnh không được tức giận anh em mình. Người đòi hỏi một sự công chính lớn và sâu xa hơn. Người làm “trọn” luật chớ giết người, khi cấm ngay cả sự tức tối trong tâm hồn. Hễ bất hòa với ai, người ta phải mau mau hòa giải để có khả năng thờ phượng, tức là để xứng đáng ở lại trong Dân Mới của Thiên Chúa là Dân có bản chất tư tế. Đàng khác người ta luôn phải sợ có tâm hồn bất hòa như thế mà phải gặp mặt Đấng Chí Công phán xét khi Người bất thần kêu gọi họ ra khỏi đời này. Người muốn môn đệ của Người luôn sống trong trạng thái yêu mến, như Thiên Chúa là Đấng Mến Yêu.
Một thí dụ khác, Luật xưa dạy: Chớ ngoại tình! Nay Đấng kiện toàn Lề luật đến, Người tuyên bố: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng. Và Người truyền: con mắt nào có những cái nhìn như thế, thì tốt hơn nên móc mà quăng nó đi. Vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là có cả toàn thân mà bị xô vào hỏa ngục. Ý của Người muốn người ta phải tiêu diệt tội lỗi ngay từ trong lòng và nơi các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội lỗi.
Nhưng đã nói đến ngoại tình, Người không thể mau lẹ bỏ qua một thắc mắc đang sôi nổi ở thời bấy giờ và có lẽ ở mọi thời, đặc biệt ở thời đại chúng ta. Luật xưa nói: ai rẫy vợ thì hãy cho vợ ly thư. Và ở nhiều nơi luật đời hiện nay cũng cho ly dị. Còn Chúa Giêsu, Đấng đến kiện toàn Lề luật nghĩ thế nào?
Có lần Người đã khẳng định: Xưa Môsê nói như vậy là vì sự yếu đuối của con cái Israel, chứ tự nguyên thủy không như vậy và những gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân rẽ. Ở đây, trong đoạn văn này, lập trường trên vẫn không thay đổi, vì ai cưới người vợ ly dị là phạm tội ngoại tình. Nhưng cũng vì con người yếu đuối, và cũng để tôn trọng chứ không phải bãi bỏ Luật xưa đã cho phép, sách Tin Mừng Matthêô hôm nay viết: mọi kẻ rẫy vợ - trừ phi là nố dâm bôn - là làm cho vợ ngoại tình. Tác giả cho phép có một nố trừ. Các nhà chú giải mặc sức tìm hiểu sự thật nố trừ này là gì. Điều chắc chắn là ngoài tác giả Matthêô ra, không một tác giả Tân Ước nào khác cho phép có luật trừ trong việc cấm ly dị. Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng: trong toàn thể Hội Thánh thời các Tông đồ, đâu đâu cũng rao giảng giáo lý của Chúa tuyệt đối cấm ly dị. Nhưng ở những môi trường người Dothái theo đạo, người ta còn bám vào Luật Môsê; người ta nại đến việc Chúa không đến để bãi bỏ Lề luật; người ta muốn được áp dụng Luật mới một cách nhẹ nhàng... Có lẽ vì vậy tác giả Matthêô viết sách cho những môi trường này, đã đề cập tới một nố trừ nhưng vẫn khẳng định tính cách vĩnh viễn của hôn nhân. Nói theo danh từ của Giáo hội hiện nay, có những trường hợp được ly thân nhưng không được ly hôn vì ai cưới người vợ ly dị là phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên muốn nói cho hết lẽ, chẳng bao giờ được phép tựa vào một câu để đi ngược lại với toàn bộ giáo huấn chung của Tân Ước và giáo lý sống động của Hội Thánh. Và điều này chúng ta cũng phải áp dụng ở đây.
Chúa Giêsu đang dạy dỗ dân chúng một cách sống động. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến với loài người. Dân chúng không thấy Người nói như các Luật sĩ và Biệt phái. Người có giáo lý mới “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe”. Người kêu gọi lòng tin. Người ta được tự do lựa chọn. Và bắt đầu người ta phải tin Người. Đó chính là điều mới lạ. Và cũng là điều tồn tại mãi mãi trong đạo của Người, đạo của chúng ta.
Ngay trong giờ phút này và ở đây, chúng ta cử hành Thánh lễ. Đây là mầu nhiệm đức tin. Chúng ta tự do lựa chọn thái độ. Mầu nhiệm nằm ở tầm tay chúng ta, theo nghĩa chúng ta có thể đón nhận với niềm tin hay không. Và tùy đó, chúng ta sẽ lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa hay không. Chẳng sự khôn ngoan nào của loài người giúp chúng ta làm được công việc này. Chỉ có Lời của Chúa Giêsu Kitô, chỉ có uy tín của Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa khiến được chúng ta tin vào sự biến đổi của bánh rượu. Và khi chúng ta đã lãnh nhận Bí tích với niềm tin như thế, chúng ta sẽ được gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến để thay đổi cuộc đời hàng ngày của chúng ta, không theo sự khôn ngoan của thế gian nữa, nhưng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được biểu lộ cho chúng ta trong Lời Chúa và Mình Thánh Chúa mà chúng ta đón nhận trong Thánh lễ này.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 12 tháng 01: Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
-
Ngày 06 tháng 01: Lễ Trọng Chúa Hiển Linh -
Ngày 01 tháng 01: Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa -
Ngày 29 tháng 12: Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse -
Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh -
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024