Chúa nhật V Thường niên A

Chúa nhật V Thường niên A

5th Sunday of Ordinary Time
Reading I: Isaiah 58:7-10 II: 1Cor 2:1-5

Chúa Nhật 5 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaia 58:7-10 II: 1Cr 2:1-5

Gospel
Matthew 5:13-16

13 "You are the salt of the earth; but if salt has lost its taste, how shall its saltness be restored? It is no longer good for anything except to be thrown out and trodden under foot by men.

14 "You are the light of the world. A city set on a hill cannot be hid.

15 Nor do men light a lamp and put it under a bushel, but on a stand, and it gives light to all in the house.

16 Let your light so shine before men, that they may see your good works and give glory to your Father who is in heaven.

Phúc Âm
Mátthêu 5:13-16

13 "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì cho muối mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che dấu được.

15 Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà.

16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Interesting Details

• Salt is used to give flavor to food, to preserve food quality, to purify, and to use in a sacrifice.

• Salt can also be used to burn fuel. Young girls in some cultures, even today, collect donkey or camel dung, mix it with salt, shape it into cakes, dry it in the sun, and use it as fuel in an earth-oven with a layer of salt at the bottom. In Jesus' language, "earth" and "earth oven" are the same. Salt helps this dung fuel burn. The salt can "lose its taste" because after awhile it does not help to burn the dung cakes any more, and thus "thrown outside and walked upon." This use of salt, mainly to make fire, is closely connected to the next image, "light of the world."

• "Light of the world" and "city set upon a mountain" refer to the same image, namely Jerusalem (and its people) on Mt. Zion is supposed to be a "light to nations" (Is 2:2-5, 42:6, 49:6).

• Many houses in Palestine have only one room, so a clay oil lamp can light the whole house.

• Jesus is talking to the whole world, using words like "earth," "world," "all in the house."

Chi Tiết Hay

• Muối khi dùng để ướp thực phẩm sẽ giúp cho khỏi bị ung thối, làm tăng thêm hương vị, và tẩy sạch mùi hôi.

• Muối cũng được dùng để đốt lửa cho hiệu quả hơn. Thời đó muối còn dùng để giúp cho sự đốt cháy. Ở vài nơi trên thế giới, các thiếu nữ trộn muối vào phân lừa và phân lạc đà và đóng thành từng bánh tròn, phơi khô và dùng để đun lò. Người ta đun lò đất bằng cách chất những bánh phân khô trên một lớp muối. Khi đốt lò, muối sẽ giúp đốt cháy những bánh phân. Khi muối mất vị mặn sẽ không còn giúp đốt cháy nữa và sẽ bị đổ đi. Chúa Giêsu đùng "lò đất" hoặc "đất" để khi mô tả lò đất. Hình ảnh của muối đùng để đốt cháy liên kết với hình ảnh của lửa chiếu sáng thế gian.

• Cây đèn trên giá hoặc thành xây trên đồi ám chỉ Jerusalem (và dân cư ngụ trong thành) ở trên núi Sion. Jerusalem được coi là "ngọn đèn của thế gian" (Is 2:2-5, 42:6, 49:6).

• Nhiều nhà ở Palestine chỉ có một phòng, cho nên một ngọn đèn có thể làm sáng cả nhà.

• Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người khi Ngài dùng những chữ như "đời", "trần gian", hoặc "mọi người trong nhà."

One Main Point

Disciples have a mission to bring out the best in the whole world. When this gospel was written, Jesus' followers were being persecuted, yet they still participate in Jesus' mission to save the world.

Một Điểm Chính

Chúa Giêsu dùng hình ảnh muối và ánh sáng để dạy người Kitô hữu về vai trò của họ giữa thế gian, tức là làm cho những điều tốt lành nhất được xảy đến trong thế gian. Đoạn phúc âm này được ghi chép lại trong thời kỳ các môn đệ đang bị bắt bớ. Tuy nhiên, các ngài vẫn một lòng theo chân Chúa Giêsu mà tham gia vào công cuộc cứu rỗi nhân loại.

Reflections

1. Do I salt and light up the world? What good work do I do?

2. Salt and fire are not good by itself, but bring out the good in others. Do I?

3. When I do good work do I "glorify Father in heaven" or myself?

Suy Niệm

1. Những biến cố nào trong đời sống đã cho tôi thấy rằng tôi là muối, là ánh sáng cho thế gian?

2. Muối và lửa tự nó không có gì đặc sắc cả. Tuy nhiên, khi dùng chung với các thứ khác sẽ làm nổi bật hương vị cũng như đặc tính của các thứ đó. Tôi có những hiệu năng gì như muối và lửa?

3. Khi làm việc tông đồ, tôi làm để "sáng danh Thiên Chúa" hay để "sáng danh tôi"?

4. Nếu người ta nhìn vào tôi như ngọn đèn đặt trên giá hay thành xây trên đồi thì tôi phải làm gì để đáp ứng nhu cầu?

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16

MỤC LỤC

1. Muối và đèn sáng 
2. Là muối, là ánh sáng 
3. Muối cho đời – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Có can đảm sống trung thực theo con người mình
5. Chiếu ánh sáng của chúng ta khi cần
6. Thắp sáng cuộc đời – R. Veritas
7. Ánh sáng và bóng tối

SUY NIỆM

1. Muối và đèn sáng

Quan đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải trở nên muối ướp và đèn soi. Bằng hai hình ảnh cụ thể này, Ngài phác hoạ một luật sống mà các môn đệ phải tuân theo khi Ngài gởi họ đi vào đời.

Hình ảnh thứ nhất: “Các con là muối ướp thế gian”.

Muối là vật dụng thường thức dùng trong việc nấu nướng. Không có muối, đồ ăn thiếu hương vị và lạt lẽo. Nhưng người Do Thái còn dùng muối làm phân bón. Vì vậy mà Ngài bảo: Các con là muối đất. Trong Kinh Thánh, muối là hình ảnh được nhắc lại nhiều lần. Từ vụ vợ ông Lót nhìn lại đàng sau mà biến thành tượng muối, đến chút muối mà thánh Phaolô căn dặn nên đặt vào trong lời ăn tiếng nói cho có hương vị khi giao tiếp với anh em. Các con là muối, nghĩa là chúng ta hãy sống đạo dức, thực thi những điều Ngài dạy, để thánh hoá bản thân, nêu gương sáng cho người khác, hâm nóng những cõi lòng đã nguội lạnh. Nếu chúng ta không sống Lời Chúa trọn vẹn, thì chúng ta như muối đã nhạt, không ích lợi gì, chỉ đáng đem đổ ra ngoài đường cho người ta dày đạp. Người Do Thái ngày xưa đổ rác cả ra đường phố cho khách qua lại dẫm lên.

Người ta hỏi ông Ganhdi, nhà ái quốc Ấn Độ, rằng: - Trước thảm hoạ nguyên tử, ông sẽ làm gì?

Ganhdi trả lời:

- Tôi sẽ cầu nguyện.

Và được hỏi thêm:

- Vì sao ông không theo đạo công giáo?

Ông trả lời:

- Phúc Âm của Chúa thì rất tốt lành, nhưng người công giáo đã không sống Phúc Âm, nên không hơn gì chúng tôi.

Câu trả lời này khiến chúng ta nhớ lại lời Chúa: Các con là muối đất, nếu muối đã nhạt đi, thì biết lấy gì mà ướp cho mặn lại. Chỉ còn ném ra ngoài đường cho người ta chà đạp.

Hình ảnh thứ hai là đèn soi.

Có lần Chúa Giêsu đã xác quyết: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng đời đời. Và hôm nay Chúa dạy các môn đệ hãy bắt chước Ngài để trở nên ánh sáng thế gian: Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Chúng ta phải là đèn soi cho kẻ khác bằng lời nói, bằng việc làm và bằng gương sáng. Nếu Phúc Âm không được rao giảng người ta sẽ quên nó. Trái lại, nếu mỗi người chúng ta thắp lên cây đèn nhỏ của mình, thì không những nhà riêng của chúng ta mà cả thế giới sẽ được soi sáng. Sự sáng của các con sẽ chiếu soi trước mặt thiên hạ và mọi người sẽ ngợi khen Thiên Chúa.

Một buổi chiều, Mẹ Têrêsa đi qua một căn nhà ở ngoại ô Calcutta. Căn nhà tối om và có tiếng rên từ bên trong vọng ra. Mẹ đẩy cửa bước vào, sờ soạng đi lại giường một cụ già tiều tuỵ, đau yếu. Mẹ hỏi:

- Nhà của cụ không có đèn đóm gì à?

- Có một chiếc đèn còn tốt nhưng không có dầu.

Mẹ lục lọi tìm chiếc đèn, rồi lau chùi, mua dầu đổ vào và đốt lên. Mặt cụ tươi tỉnh. Ít lâu sau, Mẹ nhận được mấy dòng chữ sau đây: Nụ cười của Mẹ nhu dầu khích lệ, như đèn thắp sáng đời tôi.

Mỗi người chúng ta đều được Chúa kêu mời trở nên muối mặn ướp thế gian, và trở nên đèn thắp sáng cuộc đời mình và cuộc đời người khác.

2. Là muối, là ánh sáng

Suy Niệm

Anh em là muối cho đời: một định nghĩa tuyệt vời về người Kitô hữu. Kitô hữu gắn liền với cuộc đời, hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà.

Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối. Muối nhạt chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì. Khi đánh mất bản chất của mình, nó cũng hoàn toàn trở nên vô dụng.

Anh em là ánh sáng cho trần gian: một định nghĩa kinh khủng về người Kitô hữu, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Anh em là ánh sáng vì anh em gần Thầy, gần đèn thì sáng.

Thế giới hôm nay tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp, suy đồi, nhưng người Kitô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó.

Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này vô vị. Vì tôi là đèn hết dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối. Thế giới sẽ mang bộ mặt mới, nếu chúng tôi sống đúng định nghĩa của Đức Giêsu. Khi hoà mình với đời, chúng ta có thể trở thành muối nhạt, ngọn đèn chúng ta có thể bị hết dầu. Cần được ướp lại bằng vị mặn của Đức Giêsu, ngọn đèn cần được nuôi bằng dầu của Người.

Phải liên tục trở lại với Đức Giêsu để đừng đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình. Anh em ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin vào bản lãnh của mình, hay vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.

Cần có nhiều Kitô hữu làm băng video, viết kịch, quay phim. Cần nhiều người là văn nghệ sĩ, làm nhà nghiên cứu. Cuộc sống chúng ta phải tỏa sáng, qua bao điều tốt đẹp, để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Nguồn ánh sáng và cất tiếng ngợi ca tôn vinh.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Bạn biết gì về cha Đắc Lộ, người có công lớn trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ của dân tộc Việt Nam?

• Nhiều Kitô hữu đã bị biến chất khi dấn thân vào đời. Có cách nào hoà mình mà không đánh mất chính mình?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng. Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết gìn giữ ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, và biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con. Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

3. Muối cho đời – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.

Đó là một hiẹn diện khiêm nhường

Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.

Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.

Đó là một hiện diện tích cực.

Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.

Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.

Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.

Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.

Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.

Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?
2. Làm muối, dễ hay khó?
3. Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?

4. Có can đảm sống trung thực theo con người mình (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Chân lý, nhất là chân lý do đức tin mang tới, là muối và ánh sáng. Chân lý, tự nó, không thể nên lạt lẽo và tối mờ. Nhưng thực tế thì chân lý trở nên “khả giác” khi đi vào trí khôn và cõi lòng con người. Chính những con người mang chân lý và đức tin, là muối và ánh sáng gian trần. Bởi vì nhà ở của chân lý và đức tin là con người với tất cả sự phức tạp của nó, bản năng, sở thích của nó, cho nên sự biến chất lạt lẽo và tình cảnh bị bóp nghẹt vẫn là những mối đe doạ thường xuyên. Chúa nói với môn đệ rằng họ là muối và ánh sáng mà không để cho bị lạt lẽo và che mờ đi.

Muối được dùng nhiều trong các nghi thức tôn giáo, hẳn là vì nó chữa lành, không bị hư thối, vì nó cho hương vị. Sách Lêvi (2,13) nói đến muối của Giao Ước để chỉ rằng Giao Ước phải bền vững, không thể hư hỏng. Tiên tri Êlisê “tẩy sạch” một giòng suối bằng cách bỏ vào muối vào. (2V 2,21). Ánh sáng là để soi chiếu. Để rọi chiếu, ánh sáng chỉ cần là ánh sáng. Bài Phúc Âm nói tới cái thùng, có lẽ gợi lại tục lệ của mấy người nghèo thường đặt đèn trên một cái thúng lật ngược. Nếu lấy thùng chụp đèn lại, người ta giam hãm ánh sáng và làm nó phải tắt.

Để suy niệm, chúng ta sẽ hiểu muối và ánh sáng như những biểu tượng của người Kitô hữu.

1) Người Kitô hữu phải là muối thế gian. Ngày nay hơn bao giờ Giáo Hội phải thâm nhập vào nền văn minh với những giá trị của đức tin, hầu cho thế gian khỏi tan rã và thoái hoá trong bạo lực. Người ta nói nhiều đến thuyết duy vật, thuyết duy sắc dục… Lắm người quảng đại chiến đấu cho một thế giới công bình hơn, nhưng không biết bên kia cái cùng đích họ theo đuổi còn có gì… Nếu bị bỏ mặc cho mình, thì thế giới sẽ nên hủ bại. Người Kitô hữu phải làm chứng về phẩm giá, và số mệnh con người, để góp phần cứu vớt thế gian. Trong tất cả đời sống xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chính trị kinh tế, họ phải nghĩ tưởng và hành động theo như lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô soi sáng thúc đẩy họ. Nếu không có can đảm làm như thế, nếu trở nên lạt lẽo, thì nó sẽ không chu toàn sứ mệnh và thế gian có thể lôi kéo họ vào sự ghê tởm. Bị ném ra ngoài cho người ta dày đạp dưới chân. Phúc Âm nói thế.

2) Người Kitô hữu phải là ánh sáng gian trần. Vấn đề không phải là phô trương mình ra. Những cũng là ánh sáng soi chiêu vì nó là nó, thì người Kitô hữu cũng phải toả ánh sáng Tin Mừng bằng cách là người Kitô hữu đích thực, thế thôi. Một điểm đáng cho ta lưu ý. Khi hoạt động với tư cách Kitô hữu, có nên che dấu “sự quy chiếu” của mình về Chúa Kitô và đặc nó dưới thùng hay không? Nói cách khác, ánh sáng mà người tin Chúa mang trong mình không phải loan báo Đức Giêsu Kitô hay sao? Trả lời thực tế cho câu hỏi này không đơn giản đâu. Dù sao, theo Phúc Âm dạy thì hành động được thực hiện trong ánh sáng, phải dẫn đưa con người tới chỗ ngợi khen Cha trên trời.

5. Chiếu ánh sáng của chúng ta khi cần. (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)

Trong một cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một phóng viên đã hỏi ngài: “Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những ai và cho điều gì?” Đức Thánh Cha trả lời bằng việc trích dẫn đoạn văn mở đầu trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II. Đoạn văn ấy như sau: “Sự vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hay những người bị bách hại, cách nào đó là niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của những người theo Chúa Kitô” (Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, số 20).

Thật ra Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi không chỉ như ngài là một Giáo Hoàng mà với tư cách là một người Công giáo, một người theo Chúa Kitô, giống như mọi người chúng ta. Chắc chắn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cũng sẽ là của chúng ta nữa. Dĩ nhiên cầu nguyện phải dẫn tới hành động và hành động tương quan với tha nhân nữa.

Biến lời cầu nguyện thành hành động là giáo huấn của tiên tri Isaia trong Thánh Lễ hôm nay: “Hãy chia bánh với người đói, cung cấp chỗ cư trú cho kẻ bị áp bức và không nhà. Mặc quần áo cho kẻ mình trần khi thấy họ, đừng xoay lưng lại với những khốn khổ đang xảy ra”. Những lời cảm động này muốn nói tới những người Do Thái bị lưu đày, họ trở về sau khi thoát ách nô lệ ở Babylon. Họ tìm thấy quê hương họ đã bị xâm chiếm bởi một dân tộc khác, một dân không chia sẻ cùng một tôn giáo hay nền luân lý của họ. Họ cảm thấy mình như là một dân tộc thiểu số trong một khu vực thù địch.

Chúng ta không giống như họ nơi xã hội của chúng ta, những người Công Giáo không phải là một nhóm người thiểu số, nhưng một số người đang lớn dần lên chung quanh chúng ta có vẻ như trái tim họ bị xơ cứng trước những nhu cầu của người anh em, ví dụ như những người đói khát, những dân nhập cư, những người không nhà, những người nhận trợ cấp xã hội. Các nhu cầu giúp đỡ sẵn sàng bị loại bỏ như là việc vô giá trị và không đáng được phục vụ. Ở một số nơi, tinh thần này đã thay thế cho sự thương xót. Những người Công Giáo chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng của những biến chứng này. Đôi khi những hiệu quả thì rất tinh tế mà chúng ta không hề ý thức đên chúng.

Ngày nay, một số người nghèo khổ và thích cuộn mình nằm nơi góc tối, nơi đó họ không bị nhìn thấy. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng chúng ta phải chiếu sáng sự tốt lành của chúng ta trên những người có nhu cầu để họ không bị quên lãng, tiên tri Isaia đã giúp chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói bằng việc nói với chúng ta: “Nếu các người rời khỏi nơi áp bức, sự kết án gian dối và những bài giảng ác tâm, nếu các ngươi cho những kẻ đó bánh ăn, an ủi những kẻ ưu phiền, thì ánh sáng sẽ bùng lên ngay giữa nơi tối tăm của các ngươi”.

Chúng ta có thể cần tự nhủ phải trở lại với lối suy nghĩ của người Công Giáo và hành động theo Đức Kitô, những người mà niềm vui hay những đau thương, nhu cầu và những lo âu của họ trong thời đại này, đặc biệt là của những người nghèo khó hoặc những người đau khổ là những người có liên quan đến chúng ta.

Thật ra, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu lớn lao, không có mức độ tài chánh nào có thể đáp ứng cho đủ cả. Chúng ta cần Thiên Chúa và ân sủng của Người. Thiên Chúa không hề quay mặt đi khỏi chúng ta. Người hằng nhìn xem chúng ta và đáp trả những lời cầu xin của chúng ta cách quảng đại, đặc biệt là lời cầu trong Thánh Lễ. Người gọi chúng ta ra khỏi tình trạng không nhà của thế giới trần tục để vào trong nhà của Người là Giáo Hội. Ở đây, Người tiếp đón chúng ta bằng những lời êm dịu và yêu thương trong Thánh Kinh, nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu Con của Người. Có phải chúng ta xứng đáng với tất cả chuyện đó chứ? Chúng ta làm gì để xứng đáng với điều đó? Chắc chắn những hồng ân quảng đại của Thiên Chúa hằng ban xuống trên chúng ta, sẽ khiến chúng ta đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và làm cho những nhu cầu của tha nhân thật sự trở nên của chính mình.

6. Thắp sáng cuộc đời – R. Veritas (Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Khi tìm một bài hát về thánh Phêrô và Chúa Giêsu, tôi đã gặp được một bài rất ý nghĩa mà trước đó không hề biết đến. Đó là bài hát có tựa đề: “Con Là Đá”. Người quen thuộc bài hát “Con Là Đá” này cũng nên tìm đọc qua một bài hát tương tự khác có tựa đề “Con Không Là Đá”. Bởi một sự tình cờ và với sự tò mò thôi thúc, tôi có dịp nghe qua bài hát này và kể từ đó tôi cảm thấy rất thích bài hát nói về Phêrô: “Con Không Là Đá” đó, tác giả đã diễn tả ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa Giêsu nói cho Phêrô: “Con là Đá”.

Qua lời ca của bài hát, “Con Không Là Đá”, Chúa Giêsu nói với Phêrô, theo ý của tác giả, thì “con chỉ là Đá khi con nương tựa vào Chúa, sống kết hiệp với Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa, thật sự con chỉ là cát bụi; con chỉ có thể là Đá trên Thiên Chúa là Viên Đá Thật”.

Kể từ đó, bài hát nói về Phêrô “Con Không Là Đá” đã thấm nhập vào tâm hồn tôi, và hôm nay, khi đọc lại bài Phúc Âm thánh Mátthêu (Mt 5,13-19), nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Chúng con là ánh sáng thế gian”, tôi lại nhớ đến bài hát nói về Phêrô “Con Không Là Đá”. Tôi có thể chia sẻ với anh chị em rằng, tất cả chúng ta phải là ánh sáng mà Chúa Giêsu Kitô nói, Ngài là ánh sáng thật đã đến trần gian, đã soi chiếu cho mọi người và chúng ta chỉ là ánh sáng trong Chúa Kitô là ánh sáng thật.

Chúng ta chỉ là ánh sáng thế gian trong mức độ khi chúng ta để Chúa Kitô biến đổi cuộc sống mình, để cho ánh sáng của Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta trở thành cuộc đời của Chúa. Lời Chúa phán: “Chúng con là ánh sáng”, không là một lời khoe khoang để chúng ta hãnh diện, tự kiêu, nhưng là một mệnh lệnh, một đòi hỏi, mỗi người phải là một Chúa Kitô khác, hãy sống sự sống của Chúa, hành động như Chúa để trở thành một Chúa Kitô khác.

Nhân dịp này, chúng ta tự suy nghĩ lại câu nói chúng ta thường nghe qua: “Tốt đời đẹp đạo”. Người ta đến với đạo qua hành động, việc làm đời thường của chúng ta, họ muốn nhìn thấy việc làm tốt của chúng ta để đến với Đạo, để sống theo như lời Chúa nói: “Để ngợi khen Cha chúng con Đấng ngự trên trời”. Đó là cái nhìn của người ngoài từ đời đến đạo, và cái nhìn này có thể hiểu lệch lạc đến độ lấy đời làm méo mó đạo để thỏa mãn yêu cầu không đạo đức của đời. Là người Kitô, chúng ta hãy nhìn từ một quan niệm mới không phải từ đời đến đạo mà phải bắt đầu từ đạo đến đời. Tôi muốn nói từ đời sống đạo của mỗi người chúng ta, đời sống như Chúa Kitô đã sống để rồi chúng ta lan tỏa cho đời. Chúng ta phải là người đồ đệ đích thực của Chúa, sống đức tin chân chính, sống đức bác ái của Chúa, sống như Chúa sống, sống sức mạnh của Chúa Thánh Thần và như thánh Phaolô Tông đồ diễn tả trong bài đọc hai: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Thánh Phaolô đã để cho ánh sáng của Chúa được hiện diện trong cuộc đời của ngài, biến cuộc đời của ngài trở thành ánh sáng cho muôn dân. Chúng ta cần sống trọn vẹn Tin Mừng của Chúa, sống như Chúa đã sống, sống sức sống của Chúa, lãnh nhận ánh sáng của Chúa. Để làm tốt cho đời, chúng ta cần lấy Đạo Chúa mà chúng ta có để làm cho đời được tươi đẹp, như thế tốt đời mới đẹp đạo của Người, đó là đối với chúng ta phải tốt đạo để đẹp đời, chúng ta phải sống trọn vẹn đức tin của mình, phải thực hiện đức bác ái của mình cách hoàn hảo.

Bài đọc thứ nhất từ sách tiên tri Isaia hôm nay, là một bản kê khai những việc làm tốt mà chúng ta, những đồ đệ của Chúa cần phải biến đổi để trở thành ánh sáng, để mang ánh sáng của Chúa đến cho anh chị em. Chúng ta không phải là Ánh Sáng; chúng ta là ánh sáng thế gian khi nào chúng ta sống kết hợp với Chúa là Ánh Sáng Thật.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được lớn lên, được trưởng thành trong đức tin, được vững mạnh trong đức ái, để chúng ta sống trọn vẹn đức tin của chúng ta, sống tốt đạo của chúng ta để chúng ta làm đẹp cho đời.

7. Ánh sáng và bóng tối

Ngày kia, các môn đệ của thầy Haxiđich bên Ấn Độ đến than phiền với thầy về ảnh hưởng xấu của ma quỷ trên thế gian. Họ hỏi thầy phải làm thế nào để có thể xua đuổi ma quỷ?

Thầy Haxiđich đề nghị trước hết hãy lấy chổi bắt đầu quét bóng tối khỏi căn phòng nhỏ dưới hầm. Các môn sinh ngạc nhiên trước lời dạy bảo đó. Nhưng họ cũng đành lòng vâng theo. Sau nhiều giờ mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, nhưng họ vẫn không đuổi được bóng tối ra khỏi căn phòng nhỏ. Thầy Haxiđich bảo các môn sinh lấy gậy đập bóng tối để đuổi ma quỷ ra khỏi phòng. Nhưng vẫn uổng công vô ích. Lần thứ ba, thầy bảo các môn sinh hãy xuống hầm gào thét nguyền rủa bóng tối. Họ đã khan cổ, mất tiếng mà vẫn không sáng thêm được chút nào.

Sau cùng thầy bảo các môn sinh:

- Hỡi các con, mỗi người trong các con hãy đương đầu với thách đố của bóng tối bằng cách đốt lên một cây nến.

Họ thi hành theo lời thầy. Và kìa, lập tức bóng tối đã bị đuổi đi. căn hầm tối tăm lạnh lẽo bỗng trở nên sáng rực và ấm cúng.

Anh chị em thân mến,

Văn sĩ Locke, người Anh, cũng nói: “Thà bật lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”.

Bóng tối của tà thần vây phủ khắp nơi bằng nhiều hình thức: gian dối, hận thù, chiến tranh, bất công, bóc lột, tệ nạn xã hội, sách báo tranh ảnh đồi truỵ… Người ta đã tốn biết bao công sức, đổ biết bao mồ hôi, đã quá mệt mỏi. Tất cả hầu như đã không được gì. Bóng tối vẫn là bóng tối vây phủ con người. Ngoài ánh sáng ra, có gì xua đuổi được bóng tối? Nỗ lực trong bóng tối thì bóng tối vẫn cứ tối mãi. Cần phải khơi dậy nguồn sáng. Mỗi con người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên. Mỗi người cần phải tự mình thắp sáng lên cây đèn của mình. Một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thế giới tối tăm này sẽ bớt tối đi. Tất cả mọi người đều thắp sáng ngọn đèn của mình, cuộc đời này sẽ sáng rực lên nguồn sống mới, vui tươi và ấm cúng biết chừng nào?

Tuy nhiên, thưa anh chị em, có người đã tự hỏi: “Tại sao tôi lại phải là muối cho đời và ánh sáng cho người?”. Tôi chỉ muốn sống bình thường như mọi người, muốn đi lẫn vào đám đông chứ không muốn đi đầu như một người lãnh đạo. Tôi không muốn chơi nổi, không muốn chường mặt ra cho mọi người nhìn vào như ngọn đèn trên giá hay ngọn đèn đường trên cao nơi góc phố. Trở thành muối, thành ánh sáng có lẽ là nhiệm vụ của linh mục, tu sĩ hãy một số người đặc biệt nào đó chứ không phải là tôi.

Chúng ta được quyền tự hỏi như thế khi ý thức mình chỉ là con người tội lỗi, yếu đuối như mọi người. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay không muốn chúng ta từ chối nhiệm vụ này, khi Ngài nói: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Người Kitô hữu là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian, không có nghĩa là phải có thái độ cha chú, lên mặt dạy đời, tự phụ phô trương quảng cáo như kiểu bọn Biệt phái Pharisêu giả hình. Trái lại, là muối, là ánh sáng, người Kitô hữu phải có cung cách khiêm tốn, tan biến, lắng chìm giữa lòng đời, như hạt muối thấm vào thức ăn, như ánh sáng chan hoà trong không khí, và có như thế thì món ăn mới thêm đậm đà, không gian mới xinh đẹp, tươi vui.

Lẽ tất nhiên, muối phải luôn mặn từ bên trong, và đèn phải chiếu sáng từ trên cao. Bằng không, chúng sẽ trở thành đồ vô dụng, đồ phế thải, bỏ đi… Vậy, người Kitô hữu phải luôn sống đức tin của mình, phải thực thi Tin Mừng của Chúa Kitô ngay giữa các môi trường mình đang sinh sống hằng ngày. Trái lại, nếu sống bê tha, bất công, gian ác, thì sẽ trở thành bóng tối, sẽ bôi nhọ khuôn mặt của Chúa Kitô, của Giáo Hội: Muối đã biến chất, nhạt nhẽo, vô vị. Đèn đã cạn dầu, tắt ngúm, đứt bóng, còn ích gì?

Ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 hôm nay đã kê khai cách tỉ mỉ những việc cần làm để cho “ánh sáng chúng ta bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”, đó là hãy chia cơm, sẻ áo cho người đói rách, tiếp nhận người không cửa không nhà. Đó là loại bỏ những xiềng xích bất công, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu (x. Bài đọc 1). Chúa đã ban cho chúng ta thời giờ, sức lực và phương tiện đủ để chúng ta ướp mặn và soi sáng, nhưng nhiều người chúng ta bỏ quên, không sử dụng những ân huệ này.

Anh chị em thân mến, hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta phải là những cây đèn đặt trên giá đèn để xua tan bóng tối và chiếu sáng cả nhà. Căn nhà thế giới, căn nhà Giáo Hội, căn nhà của mỗi gia đình chúng ta cần thứ ánh sáng ấy biết bao!

Là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, chúng ta không thể quên lời Ngài đã quả quyết: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Xác tín vào Lời Chúa, chúng ta sẽ gắng công dùng mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên Chúa ban để ướp mặn đời, để toả sáng cho mọi người bằng một cuộc sống thánh thiện xứng đáng với tư cách là những người con của Cha trên trời.

Nếu mỗi người chúng ta đều thấm nhập chất mặn của Tin Mừng và phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, thì thế giới này làm sao còn bóng tối, cuộc đời này làm sao không rực sáng lên hy vọng và nguồn vui sống? Được Lời Chúa soi sáng, được Thánh Thể bồi dưỡng, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, thấm nhập tinh thần của Ngài để rồi hoàn thành sứ mạng Chúa đã trao phó cho chúng ta hôm nay, đó là làm muối cho đời, làm ánh sáng cho người.

Top