Chúa nhật IV Phục Sinh A
4th Sunday of Easter
Reading I: Acts 2:14,36-41 II: 1Peter 2:20-25
Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I: Công vụ 2:14,36-41 II: 1Pr 2:20-25
Gospel
John 10:1-10
1 "Truly, truly, I say to you, he who does not enter the sheepfold by the door but climbs in by another way, that man is a thief and a robber;
2 but he who enters by the door is the shepherd of the sheep.
3 To him the gatekeeper opens; the sheep hear his voice, and he calls his own sheep by name and leads them out.
4 When he has brought out all his own, he goes before them, and the sheep follow him, for they know his voice.
5 A stranger they will not follow, but they will flee from him, for they do not know the voice of strangers."
6 This figure Jesus used with them, but they did not understand what he was saying to them.
7 So Jesus again said to them, "Truly, truly, I say to you, I am the door of the sheep.
8 All who came before me are thieves and robbers; but the sheep did not heed them.
9 I am the door; if any one enters by me, he will be saved, and will go in and out and find pasture.
10 The thief comes only to steal and kill and destroy; I came that they may have life, and have it abundantly.
Phúc Âm
Gioan 10:1-10
1 Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.
2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.
3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.
4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.
5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."
6 Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giêsu lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.
8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.
9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Interesting Details
• In this passage Jesus is the sheepgate, not the good shepherd (that comes later in Jn 10:11-16).
• So who are the shepherds here? They are the leaders of the Church.
• Shepherds normally walk behind the sheep and urge them forward, but some shepherds walk ahead and call them with a distinct cry ("they recognize his voice").
• In Numbers 27:17 Moses asked God to give the people a leader so that the community would not be like "sheep without a shepherd."
Chi Tiết Hay
• Trong đoạn Phúc Âm này, Đức Giêsu là cửa ràn, còn đoạn Phúc Âm sau (Gioan 10:11-16) mới nói tới Đức Giêsu là mục tử nhân lành.
• Vậy ở đây ai là người mục tử? Đó là những người chăn dắt Hội Thánh.
• Người chăn chiên thường đi sau đàn chiên để hối thúc chiên đi tới, nhưng cũng có người lại đi trước đàn chiên và dùng tiếng hú đặc biệt để gọi chiên đi theo vì các con chiên nhận ra tiếng hú này.
• Trong sách Dân Số 27:17 Môsê đã xin Chúa cho dân một người lãnh đạo để dân khỏi bị như chiên không người chăn dắt.
One Main Point
Jesus is the sheepgate.
Every family then had a flock of sheep, but extended families keep their flocks together in one pen. A gatekeeper must know everyone in the extended family. The good shepherd leads the flock in and out of this gate.
Một Điểm Chính
Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên.
Thời đó mỗi gia tộc thường giữ chiên của các gia đình chung vào một ràn. Người giữ cửa ràn phải biết hết mọi người trong gia tộc. Người nhà dẫn chiên ra vào cửa ràn này, còn kẻ trộm thì leo tường.
Reflections
1. Imagine the state of the pen with Jesus as the sheepgate and his loving, faithful disciples as the good shepherds. What role do I play in the "pen" that is the community?
2. When I participate in the activities of the Church, do I enter through Jesus and act out of love, or do I steal for my own pride, causing conflicts and hatred?
Suy Niệm
1. Một ràn chiên, một cộng đoàn nếu sống theo tình Chúa thì sẽ ra sao?
2. Tôi ra vào cử tình thương của Chúa, hay leo tường một cách ích kỵ, tự kiêu, tự mãn như kẻ trộm?
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu Linh Mục và Tu sĩ
Lời Chúa: Cv 2,14a.36-41; 1Pr 20b-25; Ga 10,1-10
MỤC LỤC
1. Mục tử & Cửa chuồng chiên
2. Cửa chuồng chiên – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Tôi đến để chiên được sống
4. Chúa Chiên Lành – R. Veritas
5. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên – Lm Trần Ngà
6. Nhân loại chỉ có một Đức Kitô – Achille Degeest
7. Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng – R. Veritas
8. Chủ chăn
9. Chúa chiên nhân lành
10. Mục tử nhân lành - JNK
SUY NIỆM
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất đó là người mục tử.
Trong Cựu Ước, dân Do Thái thường dành tước hiêu này cho Thiên Chúa. Ngài chính là người mục tử, đã dẫn dắt họ qua sa mạc, qua biển Đỏ để tiến vào miền đất hứa. Ngài đã chăm sóc, dưỡng nuôi họ bằng manna, bằng chim cút, bằng suối nước vọt lên từ tảng đá. Như người mục tử gắn liền số mạng với đoàn chiên, thì Thiên Chúa cũng và đã luôn ở giữa dân Ngài để chia sẻ những buồn vui gian khổ với họ dưới sương sớm và nắng chiều.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đã tự sánh ví mình như người mục tử nhân lành. Khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Đổi lại, con chiên nghe tiếng người mục tử, hăm hở đi theo và tỏ lòng yêu mến quyến luyến với người mục tử. Người ấy sẽ đi trước để bảo vệ đoàn chiên. Còn đoàn chiên thì theo sau một cách ngoan ngoãn, để rồi cuối cùng sẽ đến được nơi đồng cỏ xanh và nơi dòng suối mát. Chính Ngài đã phán: Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào. Thực hiện mục đích ấy, Ngài đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.
Hình ảnh thứ hai, đó là hình ảnh của chuồng chiên. Mỗi khi tổ chức Năm Thánh, thì trong ngày khai mạc và bế mạc, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự một nghi lễ đặc biệt, đó là đóng và mở một cánh cửa lớn nằm bên phải đền thờ thánh Phêrô. Nghi lễ ấy có nền tảng trong Kinh Thánh tượng trưng cho ơn thánh đổ xuống nhân loại, cho cuộc trở về toàn thắng của đức vua, cho nơi gặp gỡ của sự bình an và hiệp nhất.
Với lời khẳng định: Ta là cửa chuồng chiên, ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy sẽ tìm thấy của nuôi thân, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: Nơi Ngài, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Nơi Ngài, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời.
Còn chúng ta thì sao? Hãy đến với Đức Kitô và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài, như lời Thánh Phaolô đã diễn tả: xưa kia anh em là những con chiên lạc, giờ đây anh em đã trở về cùng vị mục tử Đấng canh giữ linh hồn anh em.
Để kết luận, tôi xin kể lại mẩu chuyện sau đây: Trời mùa đông giá rét, một đêm nọ, vua thánh Venceslaô đi đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Viên thị vệ theo hầu xuýt xoa vì giá lạnh, nhưng thánh nhân bảo: Cứ chịu khó đi theo và đặt bàn chân ngươi lên vết chân ta. Viên thị vệ làm như vậy và cảm thấy ấm hẳn lên.
Với chúng ta cũng vậy. Theo dấu chân của vị mục tử nhân lành, chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc bởi vì Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
2. Cửa chuồng chiên – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Cửa có hai công dụng. Để đóng vào và để mở ra. Có những cánh cửa như cửa tù ngục để giam kín phạm nhân. Có những cánh cửa giam hãm, bưng bít con người không cho thông giao với thế giới bên ngoài. Có những cánh cửa lò sát sinh nhốt thú vật để giết chết. Đó là những cánh cửa đóng kín chết chóc, huỷ hoại. Có những cánh cửa mở ra đón gió mát, đón khí trong lành, đón ánh sáng mặt trời tươi vui. Có những cánh cửa mở ra những chân trời xa tắp, khơi lên trong tâm hồn mơ ước cao xa. Có những cánh cửa mở ra đón nhận anh em trong tình huynh đệ thân mến. Đó là những cánh cửa mở ra sự sống.
Hôm nay, Chúa Kitô nói: “Ta là cửa chuồng chiên”, Người đã tự nhận mình là cánh cửa. Chúa Giêsu là cánh cửa không phải để đóng kín giam hãm đàn chiên. Nhưng là cánh cửa mở ra.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận.
Thỉnh thoảng ta nghe có dư luân xôn xao về ngày tận thế. Tất nhiên đó là một tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, đượm mầu sắc mê tín dị đoan. Nhưng tin đồn đó cũng nói lên một sự thực là: Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới hạn hẹp, sinh mạng con người là bèo bọt, kiếp sống con người là monh manh. Thật đáng buồn nếu con người chỉ có thế, bị kết án chung thân vào một thân xác mau tan rã, bị giam hãm trong một thế giới vật chất mau tàn tạ.
Chúa Giêsu Phục sinh đã phá vỡ vòng vây giam hãm đó. Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa. Cánh cửa đó dẫn vào một không gian vô tận. Từ nay con người không còn bị kết án chung thân vào thân xác mau tan rã nữa, vì Chúa Giêsu phục sinh đã mặc lấy thân xác vinh hiển không bao giờ chết. Từ nay con người không còn bị giam hãm trong thế giới vật chất mau tàn tạ nữa, vì Chúa Giêsu Phục sinh đã mở lối ra thế giới thần linh, trong đó con người sống trong tự do, không còn bị ràng buộc trong không gian. Đó là một thế giới mới, thế giới vĩnh hằng, không bao giờ tàn tạ, thế giới vô biên chẳng có giới hạn.
Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã đẩy lùi ranh giới của thế giới vật chất đến vô hạn. Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã chắp cánh cho ước mơ của con người. Ước mơ ấy chẳng còn hạn hẹp trong những hạn chế của vòng vây thế giới, nhưng bay lên ngang tầm trăng sao để mơ những giấc mơ thần thánh. Khi mở cửa và thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi cảnh ngộ nô lệ vật chất hư hèn, nâng con người lên cuộc sống tự do của con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra suối nguồn sự sống
Thật là vô lý nếu con người sống chỉ để chết. Thật là vô lý nếu chết là hết. Nếu định mệnh con người là như thế, thà không sống còn hơn. Mỗi khi vào bệnh viện, ta không khỏi suy nghĩ khi nhìn những bệnh nhân rên xiết, quằn quại đau đớn hoặc thấy những tấm thân gầy còm, những khuôn mặt hốc hác. Đó là cái chết đang sống hay là một sự sống đang chết? Đời sống như thế còn có ý nghĩa gì không?
Chúa Giêsu đã bước vào thế giới kẻ chết để chiến đấu chống lại thần chết. Người đã chiến thắng. Và khi Người mở cửa mộ bước ra, Người đã mở cánh cửa dẫn vào một cuộc sống mới. Cuộc sống mới là một cuộc sống trọn vẹn bởi vì không còn bóng dáng Thần chết. Cuộc sống mới là một cuộc sống sung mãn bởi vì chẳng còn vết tích của đau khổ, bệnh tật, đói khát. Cuộc sống mới là một cuộc sống siêu nhiên trong đó con người được nâng lên làm con Thiên Chúa, được tham dự vào chính sự sống của chúa. Cuộc sống mới là một cuộc sống hạnh phúc vì được kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một tình yêu trọn hảo.
Như thế cuộc sống con người vẫn có một hướng đi lên, để được nâng cao, để được phong phú, để được hoàn hảo. Chính vì thế mà dù biết cuộc sống khổ đau, người ta vẫn vui mừng khi một em bé chào đời. Chính vì thế người ta vẫn ăn mừng sinh nhật, coi đó là ngày trọng đại trong đời người.
Chính Chúa Giêsu đã biến đổi thân phận con người. Con người sinh ra không phải để chết, nhưng để sống, sống sung mãn, sống trọn vẹn, sống vĩnh viễn trong suối nguồn sự sống.
Nhưng để mở ra cho ta những chân trời vô tận của con Thiên Chúa, chúa Giêsu đã chịu nhận lấy kiếp sống mong manh, phù du, bèo bọt của con người. Để mở ra cho suối nguồn sự sống, Người đã phải đón nhận cái chết đau đớn. Người chính là vị Mục tử chân chính đã thí mạng vì đàn chiên.
Chúa Giêsu quả thật là cánh cửa mở ra cho đàn chiên đi đến những chân trời xa rộng, đi đến những đồng cỏ xanh tươi, đi đến những dòng suối trong lành.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống, ta hãy theo sát gót Người. Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Tôi có theo vào cửa Người hay tôi đã chọn nhầm cửa khác?
2) Chúa Giêsu là cánh cửa mở. Tôi có thường đóng cửa, ngăn không cho người khác vào?
3) Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để mở cửa cho tôi. Tôi có sẵn sàng hi sinh để mở cửa thêm rộng không?
Suy Niệm
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường ví mình với điều cụ thể: "Tôi là bánh, là Ánh Sáng, là Đường...”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài ví mình như Mục tử.
Người mục tử chân chính đi qua cửa mà vào chuồng chiên. Anh gọi chiên của anh bằng một tiếng gọi riêng, chiên nhận ra tiếng của anh và đi theo.
Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng. Chiên không theo anh ta, nhưng sợ hãi chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.
Đức Giêsu gọi những mục tử giả hiệu là trộm cướp. Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên.
Còn Ngài đến để chiên được sống, và sống dồi dào. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết: "Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi." Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.
Giáo Hội muốn đặc biệt dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ. Đây là vấn đề sống còn của Giáo Hội.
Nhiều nơi trên thế giới đang thiếu linh mục trầm trọng, nhiều nhà thờ phải giao cho giáo dân coi sóc. Cũng có những dòng tu phải đóng cửa cơ sở của mình vì không có lớp người trẻ kế tục.
Giáo Hội hôm nay cũng như mai ngày vẫn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi.
Giáo Hội vẫn cần đến các tu sĩ sống đời thánh hiến, để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu, thấy được những thực tại vô hình, và vươn lên khỏi cái tự nhiên, bình thường, hợp lý.
Được làm Kitô hữu là một ơn gọi của Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng, nhưng một số người được mời gọi đặc biệt để dấn thân cách trọn vẹn hơn cho Nước Chúa và bắt chước Đức Giêsu tận căn hơn.
Chúng ta băn khoăn trước câu hỏi tại sao Giáo Hội hôm nay thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Vì đời tu không hấp dẫn người trẻ? Vì bầu khí của thời đại: thực dụng, hưởng thụ, Mất cảm thức về đức tin, xa lạ với Thiên Chúa? Hay vì chúng ta chưa có can đảm để cổ võ ơn gọi?
Trong sứ điệp năm 1996 về ơn gọi, Đức Thánh Cha đã nhắc đến việc phải chăm lo cho mảnh đất nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên. Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ. Ngài đã phác họa những nét chính của cộng đoàn này như sau:
Một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa. Khi đã quen nghe tiếng Chúa trong Thánh Kinh, người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi vang lên từ sâu thẳm của con tim mình.
Một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện, dành ưu tiên cho đời sống tâm linh, coi trọng việc cầu nguyện riêng tư, lặng lẽ trước nhan Chúa. Chỉ trong bầu khí trầm lặng của cầu nguyện, người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời, quên mình để phục vụ cho lợi ích của tha nhân.
Một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa. Từ đó những bạn trẻ quảng đại sẽ được thúc đẩy dâng trọn đời mình để làm cho Chúa Kitô được nhận biết.
Một cộng đoàn quan tâm phục vụ người nghèo, chọn đứng về phía những người khổ đau, túng thiếu. Cộng đoàn này sẽ sản sinh những bạn trẻ biết phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện.
Như thế ơn gọi chỉ nảy nở từ vùng đất màu mỡ. Nó là hoa trái của một Giáo Hội đầy sức sống.
Một Giáo Hội mạnh mẽ sẽ cho nhiều ơn gọi. Nhiều ơn gọi sẽ làm cho Giáo Hội mạnh hơn.
Giới trẻ hôm nay không thiếu lòng quảng đại, không thiếu lý tưởng và những ước mơ cao cả.
Họ cần có ai đó giúp họ gặp được Đức Giêsu, say mê con người Ngài, và chia sẻ nỗi bận tâm của Ngài về thế giới.
Họ cần có ai đó giúp họ nghe được tiếng kêu của bao người đói khát chân lý và công lý, giúp họ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng trái đất thành mái ấm yêu thương.
Giới trẻ cần những người thầy, người bạn dám sống điều mình tin giữa muôn vàn khó khăn và giúp họ đứng vững trước cơn lốc của cám dỗ.
Giáo Hội thiếu ơn gọi là do lỗi của mỗi người chúng ta. Cần phải cầu nguyện và cũng cần phải canh tân cuộc sống.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Bạn mơ ước một linh mục trong thời đại hôm nay cần có những phẩm chất nào, để có thể phục vụ hữu hiệu cho Dân Chúa?
2. Theo bạn, đâu là nét nổi bật trong công việc phục vụ của các nữ tu ở Việt Nam: ở nhà thương, trường học, trại phong, giáo xứ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu dâng hiến, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
4. Chúa Chiên Lành – R. Veritas. (Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Hôm nay là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Từ hơn ba mươi năm nay, cứ đến mỗi Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, Giáo Hội dành riêng một ngày để kêu gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho ơn kêu gọi. Nói đến việc cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ, thì có lẽ chúng ta nghĩ đến tình trạng hiện nay tại hầu hết các nước Tây Phương càng lúc càng có nhiều chủng viện phải đóng cửa, nhiều Dòng tu trống vắng, số linh mục và tu sĩ già nua thì càng gia tăng. Thế nhưng nói đến cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam của chúng ta, thì chắc chắn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến không biết bao nhiêu chủng sinh phải chờ đợi có khi từ hơn hai mươi năm qua mà vẫn chưa được chịu chức. Không biết bao nhiêu người vì lý lịch mà không được nhận vào danh sách chủng sinh, không biết bao nhiêu người phải tu chui tu nhủi.
Giáo Hội tại Việt Nam của chúng ta quả thật không thiếu ơn gọi, Giáo Hội chỉ thiếu tự do để cho các sinh hoạt tôn giáo được bình thường, để cho cánh cửa các chủng viện và Dòng tu được mở rộng, để cho sự phục vụ không bị giới hạn. Như vậy đối với chúng ta ngày hôm nay, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ thiết yếu là cầu nguyện cho tự do tôn giáo được nhìn nhận và tôn trọng một cách đầy đủ, để Giáo Hội qua các linh mục và tu sĩ được quyền phục vụ theo cung cách của Chúa Giêsu.
Chiếm độc quyền phục vụ là một điều bất công, phục vụ mà không theo Chúa Giêsu thì cũng chỉ là trò lừa bịp mà thôi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi cách phục vụ đó là trộm cướp. Chúng ta hiểu được giọng điệu gay gắt của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, nếu đặt vào trong bối cảnh toàn bộ bài diễn văn, thánh Gioan tác giả của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đã lên tiếng trước đám đông nhân ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ của người Do Thái, đây là Lễ tưởng niệm cuộc kháng chiến và chiến thắng vẻ vang của anh em nhà Macabê chống lại đế quốc Hy-Lạp vào thế kỷ II trước Công nguyên. Nhiều người lợi dụng dịp này để hô hào dân chúng đứng lên chống lại sự cai trị của đế quốc La-Mã, nhưng những người biệt phái lại bắt lấy cơ hội để xúi giục dân chúng chống lại Chúa Giêsu.
Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã đọc bài diễn văn về người mục tử nhân lành và đồng thời tố cáo các hành động mà Ngài gọi là trộm cướp của những người biệt phái. Quả thực, những người biệt phái cũng hô hào phục vụ và canh tân, nhưng như Chúa Giêsu đã điểm mặt là họ chỉ chất lên vai người dân không biết bao nhiêu là gánh nặng còn chính họ thì không lay đến ngón tay.
Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Ngài đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Ngài, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Ngài thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.
Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội tại Việt Nam luôn được sống theo cung cách phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin cho các Giáo Xứ và các gia đình Việt Nam biết sống tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, ngõ hầu trở thành mảnh đất phì nhiêu trổ sinh nhiều ơn gọi phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Amen.
5. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên – Lm Trần Ngà
"Tôi là Cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào”. (Ga 10, 9-10)
***
Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên
Cửa đóng lại để bảo vệ chở che
Ban đêm hầu như tất cả mọi nhà đều đóng cửa lại. Nhà có cửa đóng then cài chắc chắn thì chủ nhà ngủ mới yên giấc và tài sản trong nhà mới được bảo vệ. Vì thế, khi xây nhà, việc đầu tiên là lắp đặt cửa ngõ thật vững chắc rồi khoá lại kỹ lưỡng để người nhà được yên giấc về đêm và của cải được an toàn.
Nhưng tìm đâu trên đời nầy một thứ cửa đủ vững chắc và kiên cố có thể bảo vệ tâm hồn con người được bình an và giúp cho linh hồn họ được an toàn trước những đợt tấn công ác liệt của ác thần? Cửa nào có thể bảo vệ tâm linh con người khỏi bị công phá bởi vô vàn hung thủ của thế gian?
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Ngài là thứ Cửa như thế. Ngài nói: "Tôi là Cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu", tức là được bảo vệ. Ngài là cửa đóng lại để bảo vệ đoàn chiên trong chuồng được an toàn, không bị trộm cướp và ác thú giết hại.
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại có nhiều cạm bẫy của ác thần, nhiều nọc độc của văn hoá sự chết, nhiều cám dỗ tệ hại lôi kéo nhân loại vào vòng sa đoạ như trong thế kỷ hôm nay.
Vô vàn sách báo xấu xa, phim ảnh đồi trụy, tư tưởng độc hại, lối sống thác loạn; được quảng bá khắp nơi trên thế giới, được tung lên mạng lưới điện toán toàn cầu làm sai lệch méo mó lương tâm con người, khiến họ xem tội ác là chuyện bình thường, xem việc phá thai, mẹ giết con là điều chính đáng, xem hôn nhân đồng tính là lẽ tự nhiên, xem việc huỷ hoại đời sống chung thuỷ của vợ chồng là điều đơn giản và cần thiết...
Trước những nguy cơ khủng khiếp như thế đang đe doạ nhân loại trên khắp thế giới, chỉ có một lá chắn vững chắc, một cánh cửa an toàn, một thành trì kiên vững là Chúa Giêsu Chúa. Giáo huấn của Ngài là tấm Cửa che chắn đoàn chiên được an toàn không kẻ thù nào xâm hại được, nếu chiên của Ngài biết đón nhận giáo huấn của Ngài.
***
Cửa mở ra để dẫn đưa vào đồng cỏ thiêng liêng
Không chỉ đóng lại để bảo vệ chở che, Cửa Giêsu còn mở ra để mở lối cho nhân loại tiến vào đồng cỏ thiêng liêng.
Các vị đại thánh trong Giáo Hội như Phanxicô Át-xi-di, Phanxicô Xaviê, Têrêxa Hài Đồng Giêsu của những thế kỷ trước hay những nhân vật tầm cỡ như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêxa Calcutta thời nay, nhờ được dẫn vào nuôi ăn trong cánh đồng cỏ thiêng liêng nầy nên đã được trở thành những vĩ nhân của nhân loại và những thánh nhân sáng ngời trong Hội Thánh.
Nhân loại hôm nay như đàn chiên đói khát, đói khát lương thực tinh thần cách khẩn thiết, nhưng tiếc thay, còn lắm người chưa chấp nhận bước qua Cánh Cửa Giêsu để được dẫn vào đồng cỏ tốt tươi.
***
Lạy Chúa Giêsu,
Nhờ Chúa là Cửa đóng lại che chắn nên chúng con được bảo vệ khỏi sự xâm nhập và tàn phá của ác thần;
Nhờ Chúa là Cửa mở ra đồng cỏ xanh, chúng con được nuôi dưỡng sung mãn trong vô vàn ân phúc của Chúa.
Xin cho nhân loại hôm nay biết nhìn nhận Chúa là Cửa, là Thành Trì chở che bảo vệ tâm linh nhân loại và xin cho mọi người nương vào Chúa như Cửa rộng mở vào đồng cỏ thiêng liêng cho muôn người được lớn lên thành người có đạo đức và phẩm chất cao đẹp.
6. Nhân loại chỉ có một Đức Kitô – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Nền văn minh cơ giới khiến chúng ta quen thấy các bãi đậu xe hơn là các chuồng chiên. Để hiểu rõ bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta cần gợi lại trong trí tưởng tượng một trong những quang cảnh đời sống thôn dã quen thuộc vào thời Đức Kitô. Những người chăn chiên chiều đến lùa đàn súc vật của mình vào một ràng để cho một người trong bọn trông coi, canh giữ cửa ra vào suốt đêm. Kẻ toan tính vào trong ràng để giết trộm buộc phải trèo qua rào. Chiên thuộc các bầy khác nhau biết tiếng người chăn mình. Sáng đến, người ấy tới trước cửa, người canh mở cửa cho ông ta. Nghe tiếng gọi mà chúng nhận ra không lầm lẫn. Chiên mỗi bầy tụ lại chung quanh người chăn của mình rồi ra đi đến đồng cỏ. Chúa Giêsu tự ví mình như người chăn chiên và đoàn lũ đông đảo của gia đình nhân loại Ngài ví như đoàn chiên. Ngài biết toàn thể loài người, cũng như từng người riêng biệt. Đối với nhân loại đã không có ai và sẽ không có ai được như Ngài. Ngài không những là người chăn chiên mà còn là cửa ràn chiên. Người ta chỉ hiểu biết thâm sâu cộng đoàn nhân loại bằng cách nhờ vào sự thông hiểu của Đức Kitô. Có nhiều đường lối khác, nhưng ít hay nhiều đó là những đường đột nhập. Những lời mời gọi con người mà không có cung giọng, tiếng nói của Đức Kitô dẫn đưa họ đến những mục đích không có được sự toàn vẹn, như ơn cứu độ Đấng Kitô Cứu Chúa duy nhất mang lại.
1) Các chiên của Ngài, Ngài gọi từng con một
Điều này có nghĩa là Chúa biết mỗi người riêng biệt. Ngài biết được vì Ngài là Thiên Chúa. Đó chẳng phải là một sự kiện khiến lòng ta phấn khởi sao? Chúng ta sống trong một xã hội giảm trừ dần dần con người vào chỗ vô danh của một lá phiếu điện toán. Vì hiện nay giá trị độc nhất của nhân vị càng tiêu tán dần, nên người ta phản ứng lại bằng việc học hỏi cách khoa học vấn đề các tương giao liên vị. Làm như thế, người ta lại phá huỷ thêm tính chất liên lạc hợp nhất của nhân vị. Còn lại được gì? Đối với người Kitô hữu còn lại việc Thiên Chúa biết đến mình, biết đến chỗ thâm sâu độc nhất và không thể thông truyền của mình. Khi trong đám đông có lúc chúng ta cảm thấy hết sức trơ trọi cô độc, hãy nhớ đến một Đấng thông hiểu chúng ta tường tận riêng biệt. Hãy nhớ đến một giọng nói hoà hợp với khả năng đón nghe bên trong chúng ta.
2) Ta đến để chúng được sống
Sự sống Đức Kitô mang lại cho chúng ta là điều mà người ta gọi là ơn thánh hoá, một sự thông phần vào chính cuộc sống của Thiên Chúa. Tại thế này chúng ta đang sống những chặng khởi đầu, chờ đợi hồi triển nở đầy đủ khi chúng ta được hoàn toàn thông hiệp vào sự phục sinh của Chúa. Ngay tự bây giờ trí khôn, ước muốn, tâm hồn chúng ta đã được hưởng nhờ hồng ân Thiên Chúa. Khả năng hiểu biết sự thật, ước muốn điều thiện được tăng cường đến một mức vượt quá sức tự nhiên. Không bao giờ một mình trí khôn chúng ta biết được mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh. Không bao giờ tâm hồn chúng ta tự mình khám phá được niềm hy vọng lớn lao. Chính Đức Giêsu Kitô mang sự sống của con cái Thiên Chúa đến cho chúng ta. Đó chẳng phải là sự sống đầy tràn quý nhất hay sao?
7. Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng – R. Veritas. (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Anh chị em thân mến,
“Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng và thông truyền Ơn Cứu Độ”, đó là tựa đề của Sứ Điệp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gởi đến cộng đoàn chúng ta trong ngày Lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành cũng là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ. Vậy hôm nay, tôi xin chia sẻ với anh em nội dung sứ điệp này của Đức Giáo Hoàng.
“Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng và thông truyền Ơn Cứu Độ”. Vậy là chúng ta đều có một ơn gọi chung. Dù sống đời sống vợ chồng hay chịu chức thánh, linh mục hay tu sĩ, tất cả đều được Thiên Chúa chọn để công bố Tin Mừng và chuyển thông ơn Cứu Độ. Đây không phải là một trách vụ đơn độc, riêng lẻ mà là trách vụ chung của Giáo Hội (x. LBTM. 60). Đó là ơn gọi chung của Giáo Hội. Cùng với ơn gọi chung ấy, còn có ơn gọi đặc biệt với những trách nhiệm riêng biệt trong Giáo Hội. Đó là những ơn gọi tiến đến tác vụ linh mục, ơn gọi đời sống thánh hiến của các tu sĩ nam nữ hoạt động thừa sai và đời sống chiêm niệm.
Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha đặt trọng tâm của ơn gọi linh mục, tu sĩ, vào đời sống của cộng đoàn Kitô hữu. Vì “cũng như hạt giống trổ sinh dồi dào hoa trái nơi mảnh đất tốt thế nào thì ơn gọi cũng tăng triển và trưởng thành trong cộng đoàn Kitô hữu như vậy”. Chúng ta phải khởi đi từ các cộng đoàn để chuẩn bị cho một mảnh đất phì nhiêu, cho hạt giống ơn gọi nẩy mầm, trổ sinh hoa trái. Vì chỉ có các cộng đoàn Kitô hữu sống động mới có thể làm nẩy sinh các ơn gọi, vun trồng, chăm sóc các ơn gọi và làm cho các ơn gọi phát triển, như một người mẹ hằng lưu tâm đến hạnh phúc, đến sự tăng trưởng của các con cái mình. Vì thế, tác nhân chủ động và tiên phong trong việc cổ võ ơn gọi chính là cộng đoàn Giáo Hội: từ Giáo Hội toàn cầu cho tới Giáo Hội địa phương, cũng như từ Giáo Hội địa phương cho tới từng giáo xứ và từng thành phần Dân Chúa (x. Tông huấn Các Mục Tử, số 41).
Ngày nay, trước những thách đố của thế giới hiện đại, cần phải có nhiều lòng dũng cảm sống Tin Mừng hơn nữa, để dám dấn thân cổ võ ơn gọi; như Đức Kitô đã kêu mời hãy cầu xin không ngừng để có những thợ làm vườn nho, cho Nước Chúa được lan rộng khắp nơi (x. Mt 9,37-38). Hơn lúc nào hết, ngày nay cần phải làm cho mọi thành phần Dân Chúa nhận biết và xác tín rằng: tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, không trừ một ai, đều có ân sủng và trách nhiệm chăm sóc các ơn gọi (x. Tông huấn Các Mục Tử, số 41). Đức Thánh Cha kêu gọi các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ phải dấn thân chăm sóc cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, đặc biệt bằng việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và phục vụ người nghèo.
Trước hết, cộng đoàn phải biết lắng nghe Lời Chúa để nhận ra ánh sáng hướng dẫn tâm hồn con người. Khi Kinh Thánh trở thành sách của cộng đoàn, chúng ta sẽ dễ dàng nghe và hiểu được tiếng nói của Chúa. Đấng kêu gọi chúng ta. Hơn nữa, cộng đoàn phải biết khẩn khoản cầu nguyện để có thể thực hiện được ý định của Thiên Chúa. việc cầu nguyện mang lại sức mạnh giúp ta đón nhận cách tích cực lời mời gọi của Chúa, để dấn thân phục vụ đời sống tinh thần và vật chất của anh em. Cộng đoàn cũng phải nhạy cảm trước sứ mạng truyền giáo để đem ơn Cứu Độ đến cho những người chưa nhận biết Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Nếu cộng đoàn hết lòng sống mệnh lệnh của Đức Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19) chắc chắn cộng đoàn đó sẽ không thiếu những người trẻ quảng đại muốn dâng hiến đời mình để đảm nhận trách vụ loan báo Tin Mừng cho con người thời đại. Cuối cùng, cộng đoàn phải biết mở ra cho việc phục vụ người nghèo. Một mẫu sống khiêm tốn và từ bỏ, thẳng thắn chọn lựa đứng về phía những người nghèo, dấn thân trợ giúp những anh chị em túng thiếu và đau khổ. Những điều đó góp phần tạo nên một môi trường thuận lợi cho ơn gọi nảy sinh, vì phục vụ Tình Yêu là ý nghĩa nền tảng của mọi ơn gọi.
Thưa anh chị em, trong phần cuối sứ điệp, một lần nữa, Đức Thánh Cha lại kêu gọi các giám mục, các linh mục Dòng cũng như Triều, các giáo lý viên và các bạn trẻ phải ý thức trách nhiệm chăm sóc mục vụ ơn gọi trong cộng đoàn Giáo Hội: Khi làm cho cộng đoàn Giáo Hội sinh động, các linh mục có thể khơi dậy các ơn gọi, cổ võ các thiếu niên nam cũng như nữ được Thiên Chúa kêu gọi, hướng dẫn các em qua những hướng dẫn tinh thần và cuộc sống vui tươi phục vụ anh em.
Các giáo lý viên là những người tiếp xúc trực tiếp với các thanh thiếu niên, nhất là suốt thời gian chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích khai tâm Kitô giáo, các giáo lý viên cũng có trách nhiệm góp phần giúp các em sống trọn vẹn lời mời gọi của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha: “Cha muốn nói với các con, các con thân mến, cha trìu mến lập lại những lời này với các con: Hãy quảng đại hiến cuộc đời mình cho Đức Kitô. Đừng sợ hãi! Các con không có gì phải sợ, vì Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và của vũ trụ. Hãy để những khát vọng về những kế hoạch vĩ đại và cao thượng lớn lên trong các con. Hãy nuôi dưỡng cảm thức về tình liên đới: đó là dấu chỉ Thiên Chúa hành động nơi tâm hồn của các con. Hãy sẵn sàng sử dụng các tài năng mà Đấng Quan Phòng đã trao ban cho các con, vì cộng đoàn của các con. Các con càng sẵn sàng dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và tha nhân, các con sẽ càng khám phá ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Thiên Chúa mong đợi nhiều nơi các con!”.
Thưa anh chị em, tôi xin kết thúc nội dung tóm lược sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi bằng một lời nguyện của Đức Thánh Cha: “Lạy Chúa, xin gởi cho chúng con những người hướng dẫn tinh thần mà cộng đoàn chúng con đang cần: những linh mục thực sự của một Thiên Chúa sống động, những người được ánh sáng Lời Ngài soi chiếu, để có thể nói về Ngài và dạy người khác nói với Ngài. Xin hãy làm cho Giáo Hội của Ngài lớn mạnh nhờ sự phát triển của những con người thánh hiến, những người dâng hiến tất cả cho Ngài để Ngài cứu độ tất cả mọi người”. Amen.
Chủ chăn đi trước và đoàn chiên theo sau.
Một trong những việc người chủ chăn thường phải làm, đó là đi trước để tìm đường nẻo bảo đảm và an toàn cho đoàn chiên yên hàn theo sau.
Người chủ chăn cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không? Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Người chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ.
Người chăn chiên ở Do Thái không dễ dàng như người chăn trâu chăn bò ở Việt Nam, vì đất nước họ có quá nhiều sỏi đá và cát nóng. Nhất là vào mùa hè, người chủ chăn phải dành hết thời giờ ban ngày để phấn đấu kiếm của ăn cho đoàn chiên.
Từ đó chúng ta đi vào đời sống riêng tư. Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được sự dẫn dắt của Chúa, có bao giờ chúng ta nhận ra Chúa hằng đi trước mặt chúng ta hay không? Biết bao nhiêu biến cố đã xảy đến trong cuộc đời và bàn tay Chúa đã dẫn dắt chúng ta vượt qua một cách bình an mà ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa hay biết.
Đã bao nhiêu lần chúng ta thất bại trắng tay mà rồi tới ngày hôm nay vẫn chưa phải chết đói. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp phải những cảnh lo âu, nhưng rồi lại được tai qua nạn khỏi. Chúng ta có biết rằng đó là bàn tay nhân từ của Chúa đã chăm sóc chúng ta hay không?
Xét mình lại, chúng ta thấy mình không xứng đáng để được hưởng những ơn huệ to lớn đó mà Chúa đã ban, và chỉ ban riêng cho chúng ta mà thôi.
Chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp của vua Đavid. Từ khi còn là một cậu bé chăn chiên đến khi lên làm vua, đã phải đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn. Một mình tay không đánh nhau với sư tử, chiến đấu với Goliat, có lúc ông ở kề bên tử lộ nhưng Chúa kéo ông ra khỏi. Sau này nhớ lại ông mới thấy Chúa đã chăm sóc cho ông quá nhiều và ông đã viết lên thánh vịnh 23:
- Ngài dẫn dắt tôi qua những nẻo đường ngay chính.
Phải, Ngài muốn chúng ta làm những điều tốt lành. Nếu tuân theo, chúng ta sẽ không bao giờ bị lầm lạc và hối tiếc. Thế nhưng đôi khi vì thiển cận, vì những hào nhoáng bên ngoài, chúng ta không thấy được đường nẻo của Chúa, chúng ta chống đối Ngài và làm Ngài buồn lòng.
Có những khi càng xa Chúa, Chúa càng để chúng ta bị thất bại cay đắng. Trong trường hợp ấy, người con Chúa phải biết nhận ra mình đã dại dột đi theo ý riêng và phải sớm lo trở về cùng Chúa qua tâm tình ăn năn thống hối. Còn nếu chúng ta sống công chính mà lại gặp phải buồn khổ, thì hãy bình tĩnh vì Thiên Chúa đang tinh luyện chúng ta, đang cần sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta.
Hẳn rằng giờ đây trong chúng ta có những người đang bị ngọn sóng khổ đau vùi dập. Trước mắt là màu đen của tang chế, màu tím của bệnh tật. Không biết ngày mai sẽ ra sao? Nào cơm ăn áo mặc, nào tương lai sự nghiệp, nào con cái.
Xin hãy đặt trót niềm tin tưởng vào Chúa, Người chủ chăn tốt lành, Ngài sẽ lo liệu tất cả nếu chúng ta nương cậy nơi Ngài như một con chiên bé nhỏ. Chúa biết chúng ta không đủ sức đạp đổ những khó khăn, như vậy Chúa bảo chúng ta hãy đứng vào bày chiên của Ngài, để thấy được Ngài thực sự là chủ chăn đã hiến mạng sống vì con chiên để nhờ đó con chiên được sống và sống dồi dào hơn.
Các Giám mục Brazil trong khóa họp thường niên tháng 11 năm 1995 lên tiếng báo động vì sự ra đi đáng kể của tín hữu. Số tín hữu quy thuận các giáo phái Tin Lành gia tăng đáng ngại. Hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ thì hờ hững với bổn phận. Tín hữu ham vật chất hưởng thụ đã ngã vào vòng tay tân tư bản, tân cường hào bá và tân địa chủ. Các giáo phái Tin Lành vung tiền lập xưởng, trả lương hậu hĩ và chỉ thu nhận những ai thuộc giáo phái của họ. Họ kỳ thị và lạnh lùng trả lời "không có việc" khi thấy cái mác "Công Giáo" trong đơn xin việc. Họ công khai hóa hứa hẹn cho việc làm nếu tự nguyện "gia nhập giáo phái chúng tôi".
Chiên bị bỏ rơi nên đi hoang, bị thú dữ ăn thịt và kẻ cướp dẫn đi là chuyện đương nhiên phải xảy ra. Có trách là trách các chủ chăn đã không màng đến sự an nguy của chiên. Chuồng thì rách nát và tan hoang; cửa thì hư hỏng và bỏ ngỏ; thức ăn thì thiếu thốn và không hợp vệ sinh; sói chưa đến chủ chiên đã bỏ chạy. Với những điều kiện tồi tệ như thế, số phận của chiên thật thê thảm!. Ý thức được vấn đề mất chiên mới là bước đầu. Bước quan trọng kế tiếp là duyệt xét và sửa sai vấn đề mục vụ, đời sống thiêng liêng, chương trình huấn luyện và vào đời theo mô hình Đức Kitô là Chúa chiên.
Chuyện kể rằng "trong giấc mơ diễm phúc, Loan được song hành với Chúa bên bờ biển. Chân dẫm trên cát mịn và êm ái; mặt được làn gió nhè nhẹ ban mai vuốt ve, phổi uống từng ngụm khí trong lành. Đi được một quãng, Loan nhìn lại sau lưng, thấy những dấu chân của Chúa và Loan xếp thành từng đôi rất đều đặn, nên hớn hở thưa "Chúa coi kìa, dấu chân của Chúa và của con sao mà khắn khít và đều quá". Chúa nhìn Loan mỉm cười. Cơn giông bỗng xuất hiện và thổi mạnh, sóng biển gào thét và đưa những đợt nước toé tung lên bờ. Loan rùng mình khiếp sợ, nhưng Chúa vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì. Nhìn lại phía sau, lạ quá! Loan không thấy hai dấu chân song hành nữa mà chỉ còn một nên thưa "Sao chỉ còn có một dấu chân thôi Chúa?" Chúa thân thương trả lời "Trước con vui vẻ và hạnh phúc. Ta để con bước theo Ta. Bây giờ con hoảng hốt và mất bình tĩnh nên Ta đã vác con trên vai. Dấu chân con thấy bây giờ là của Ta đó con ạ!"
Giấc mơ thần tiên này diễn tả tình phụ tử của Chúa qua hình ảnh Chúa Chiên Nhân Lành. Chúa chăm sóc, yêu thương và bảo vệ. Chúa thấy rõ tình trạng non yếu và bệnh hoạn, vững mạnh và trưởng thành của từng chiên. Chúa dẫn chiên đến bờ suối trong lành và vào đồng cỏ xanh tươi. Chúa xua đuổi sói dữ và hy sinh cứu chiên. Nếu không có cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh thì hình ảnh Chúa chiên nhân lành vẫn là một giả tưởng. Nhưng với thánh giá, máu đổ, mộ trống và thân xác hiển vinh, Chúa chứng minh tình lý tưởng và tuyệt vời của kẻ dám "thí mạng vì người yêu". Đây là dạng thức tuyệt đỉnh của tình yêu cao thượng mà hàng giáo phẩm, tu sĩ, và giáo dân phải ước mơ và thực hiện.
Chúng ta thường trách khi Chúa thinh lặng quá lâu trước cơn khổ và làm ngơ trước những bất công. Chúng ta quên rằng ơn Chúa vẫn đủ để chúng ta vác thánh giá, chịu đau khổ và theo Chúa. Chúng ta lại trách oan Chúa khi đang được yên lành ngồi trên vai Chúa dù chưa hoàn hồn, vẫn còn đau và đang khóc. Chúng ta cướp công Chúa khi được thành công và gặp an ủi. Chúng ta quá dại khờ vì lời thánh không nghe, đường thánh không theo, lại tự chọn ngõ cụt, nẻo chết và nơi khổ đi vào. Rồi nhăn nhó chạy tội và đổ lỗi giống như đám trẻ thơ. Chúng bực bội vì không được leo cây, xài dao và lái xe, nên tố cha mẹ lỗi thời. Khi lỡ trẹo giò, gẫy chân, đứt tay và đụng xe thì "tại cha mẹ không cản, không dậy và không khuyên". Chúng quên đi mặt phụng phịu, cái tâm bất mãn, và đôi mắt trách móc khi cha mẹ dậy dỗ và cấm cản.
Người trần nhận phép trời và người trần sống kiếp thần thánh là lý tưởng cao vời của tín hữu. Tất cả đang song hành với Chúa Kitô. Người khoẻ đang vực người yếu. Người lãnh đạo đang xả thân vì tập thể. Cha mẹ đang hy sinh cho đàn con. Đàn con đang ngoan hiền vâng lời cha mẹ. Tất cả cùng tiến vào trời là suối mát, là đồng cỏ xanh tươi, là nơi an nghỉ. Dù hiện giờ chúng ta phải đồng khổ với Chúa (bài đọc 2). Chúng ta hãy nghe lời chủ chiên để "được sống viên mãn" (Ga 10,10) sống kiên vững, can trường khôn ngoan và không lạc lối.
Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu nói: "Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử". Từ câu này, ta có thể suy ra phong cách của người mục tử chân chính phải như thế nào?
2. Người mục tử chân chính phải có đức tính cốt yếu nào khiến mục tử khác hẳn kẻ chăn chiên thuê hay bọn trộm cắp chiên?
3. Qua bài Tin Mừng này, Đức Giêsu muốn nói với chính bạn điều gì? Ngài muốn bạn làm gì và có thái độ nào đối với Ngài?
Suy tư gợi ý:
1) Người mục tử trong nếp sống của người Do Thái xưa
Để hiểu được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trở về với nếp sống của người Do Thái thời Đức Giêsu. Thời ấy, chiên được nuôi theo bầy hàng trăm con tại những đồng cỏ xanh. Mục tử hay người chăn chiên đi theo bầy chiên và cùng sống với chiên ngày này qua ngày khác. Ban ngày, mục tử dẫn đàn chiên đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để chiên ăn cỏ. Ban đêm, để tránh trộm cướp hay thú hoang, và để tránh mưa tránh rét, mục tử đưa chiên vào một nơi an toàn được gọi là "ràn chiên", thường là một hang đá hay một khu đất trống có hàng rào bằng đá hoặc bằng cây bao quanh. Người chăn chiên ngủ ngay trong ràn chiên để bảo vệ chiên, và thường ở ngay cửa ràn. Mục tử và đàn chiên vì thế gắn bó với nhau rất mật thiết. Mục tử chỉ biết có chiên của mình, và chiên cũng chỉ biết và chỉ đi theo mục tử của mình, không chịu theo bất kỳ ai khác.
2) Ý tứ của Đức Giêsu khi nói dụ ngôn này
Đức Giêsu nói dụ ngôn này với người Pharisiêu, sau khi đối chất với họ về việc Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Ga 9). Nên nhớ: những người Pharisiêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, tức đóng vai trò mục tử đối với đàn chiên. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn cho họ thay hai thái độ trái nghịch nhau giữa Ngài và họ trong cách đối xử với dân chúng hay các tín đồ tôn giáo. Sự trái nghịch nhau đó được thể hiện qua cách ứng xử với người mù bẩm sinh.
* Cách ứng xử của người Pharisiêu:
Khi thấy người mù được chữa lành, thay vì mừng cho anh ta đã thoát khỏi điều bất hạnh vô cùng lớn lao, những người Pharisiêu lại có một thái độ thù nghịch và bực tức. Họ tỏ ra không có một chút tình yêu, lòng thương xót hay sự cảm thông nào đối với người mù được Đức Giêsu chữa lành. Trái lại, họ đã dùng lề luật để bắt bẻ vị ân nhân đã chữa lành bệnh cho anh ta, đồng thời gây khó dễ cho anh và gia đình anh vì việc được chữa lành ấy. Đối với dân chúng, họ không giống như người mục tử đích thực đối với đàn chiên, mà giống như người chăn chiên thuê. Kẻ chăn chiên thuê không yêu thương gì chiên, vì chiên không phải là của hắn (x. Ga 10,12-13).
Vì thế, trong tôn giáo, những người Pharisiêu lợi dụng chức vụ lãnh đạo, hướng dẫn để ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ dân chúng (x. Mt 23,5-6). Họ giảng dạy toàn những điều tốt nhưng chỉ để cho dân chúng làm chứ không phải họ làm (x. Mt 23,2-3). Họ giảng dạy điều tốt vì chức vụ họ đòi buộc phải làm như vậy, chứ không phải vì lòng yêu mến sự thiện mà giảng dạy. Đức Giêsu đã tố cáo việc họ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người nghèo, người cô thân cô thế trong xã hội (23,4.14). Nhưng họ vẫn muốn được mọi người tôn trọng, ca tụng, suy tôn, nên phải giả bộ đạo đức, phải làm những việc tốt để khoa trương (23,5), và muốn mọi người gọi mình là "Rabbi" hay "Thầy" (23,6).
* Cách ứng xử của Đức Giêsu
Đức Giêsu có một thái độ khác hẳn, một thái độ nhân từ đầy yêu thương đối với mọi người, được thể hiện một cách cụ thể trong việc Ngài chữa lành người mù. Ngài sống và hành động vì tình yêu chứ không vì lề luật. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài đã thúc bách Ngài bất chấp luật sa bát, bất chấp sự phản đối và bực tức của người Pharisiêu về việc lỗi luật của Ngài, bất chấp những hậu quả rất bất lợi có thể xảy đến cho Ngài. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân để xoa dịu đau khổ, để làm mọi người hạnh phúc.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn cho người Pharisiêu thấy thái độ của họ đối với dân chúng, với các tín đồ tôn giáo mà họ dẫn dắt chẳng khác gì thái độ của kẻ trộm cướp, của kẻ chăn thuê đối với đàn chiên: chỉ muốn lợi dụng đàn chiên chứ không hề yêu thương chúng. Còn thái độ của Ngài mới là thái độ người mục tử đích thật: Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi sẵn sàng "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên" (Ga 10,11). Nhưng rất tiếc là "họ không hiểu những điều Người nói với họ".
3. Mục tử nhân lành (mục tử thật) và kẻ trộm cướp (mục tử giả)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái "đường đường chính chính". Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng hôm nay, lại cũng chính là Đức Giêsu: "Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào". Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Đức Giêsu mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.
Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính "quang minh chính đại", hay "đường đường chính chính", luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật… thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn.
Đương nhiên để thực hiện ý định của mình, kẻ trộm cướp - những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử - phải giả làm mục tử. Hắn tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình. Nhưng chiên "không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ", không cảm nhận được tình thương của hắn. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên "khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn" (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên" (Ga 10,11) "để cho chiên được sống và sống dồi dào" (10,10).
4. Đức Giêsu là mục tử tốt lành
Ngoài mục đích đối chất với bọn Pharisiêu, Đức Giêsu còn dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy đối với người Do Thái để diễn tả sự yêu thương gắn bó giữa Ngài và chúng ta, những kẻ theo Ngài. Như mục tử tốt lành yêu thương và chăm sóc chiên mình thế nào, Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta như vậy. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh người mục tử với đàn chiên để diễn tả tương quan giữa Đấng Mê-si-a và dân của Ngài: "Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó là tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng" (Ed 34,23). Ngài chính là người mục tử được Thánh Vịnh mô tả: "Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên" (Tv 23).
Vì thế, khi ý thức được Đức Giêsu luôn chăm sóc mình như người mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên, người Ki-tô hữu có thể hết sức an tâm trước tất cả mọi giông tố, thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương vô biên và chân thật của Ngài, và an tâm phó thác mọi sự cho Ngài, kể cả mạng sống, hạnh phúc của mình. Nhờ đó cuộc đời ta luôn luôn bình an, vui tươi, hạnh phúc, và Tin Mừng chúng ta rao giảng mới đúng là tin mừng đích thực (=tin thật sự đem lại vui mừng!)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con nhận thức được tình thương vô bờ và quyền năng vô biên của Cha, của Đức Giêsu, để con có thể hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Cha, cho Đức Giêsu. Nhờ đó, con luôn luôn bình an, hạnh phúc bất chấp cuộc đời có sóng gió đến đâu. Vì con luôn luôn tin tưởng rằng, con được một bàn tay quyền uy và yêu thương bảo vệ. Mọi biến cố xảy ra, dù thế nào, cuối cùng đều ích lợi cho con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024