Chúa nhật III Phục Sinh A
3rd Sunday of Easter
Reading I: Acts 2:14,22-28 II: 1Peter 1:17-21
Chúa Nhật 3 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I: Công vụ 2:14,22-28 II: 1Pr 1:17-21
Gospel
Luke 24:13-35
13 That very day two of them were going to a village named Emma'us, about seven miles from Jerusalem,
14 and talking with each other about all these things that had happened.
15 While they were talking and discussing together, Jesus himself drew near and went with them.
16 But their eyes were kept from recognizing him.
17 And he said to them, "What is this conversation which you are holding with each other as you walk?" And they stood still, looking sad.
18 Then one of them, named Cle'opas, answered him, "Are you the only visitor to Jerusalem who does not know the things that have happened there in these days?"
19 And he said to them, "What things?" And they said to him, "Concerning Jesus of Nazareth, who was a prophet mighty in deed and word before God and all the people,
20 and how our chief priests and rulers delivered him up to be condemned to death, and crucified him.
21 But we had hoped that he was the one to redeem Israel. Yes, and besides all this, it is now the third day since this happened.
22 Moreover, some women of our company amazed us. They were at the tomb early in the morning.
23 and did not find his body; and they came back saying that they had even seen a vision of angels, who said that he was alive.
24 Some of those who were with us went to the tomb, and found it just as the women had said; but him they did not see."
25 And he said to them, "O foolish men, and slow of heart to believe all that the prophets have spoken!
26 Was it not necessary that the Christ should suffer these things and enter into his glory?"
27 And beginning with Moses and all the prophets, he interpreted to them in all the scriptures the things concerning himself.
28 So they drew near to the village to which they were going. He appeared to be going further,
29 but they constrained him, saying, "Stay with us, for it is toward evening and the day is now far spent." So he went in to stay with them.
30 When he was at table with them, he took the bread and blessed, and broke it, and gave it to them.
31 And their eyes were opened and they recognized him; and he vanished out of their sight.
32 They said to each other, "Did not our hearts burn within us while he talked to us on the road, while he opened to us the scriptures?"
33 And they rose that same hour and returned to Jerusalem; and they found the eleven gathered together and those who were with them,
34 who said, "The Lord has risen indeed, and has appeared to Simon!"
35 Then they told what had happened on the road, and how he was known to them in the breaking of the bread.
Phúc Âm
Luca 24:13-35
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem sáu mươi chặng.
14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.
15 Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ.
16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.
17 Người bảo họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơlêôpát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay"
19 Đức Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.
21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,
23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà nói; còn chính Người thì họ không thấy.
25 Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào loòi các ngôn sứ!
26 Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?
27 Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa.
29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn". Bấy giờ Người vào ở lại với họ.
30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.
31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
34 Những người này bảo hai ông: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon".
35 Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Interesting Details
• Seeing and hospitality: Luke uses many visual images, such as women who saw the angels, while the disciples did not see Jesus at the tomb, etc. The restored sight (recognizing Jesus) only comes after they show hospitality and invite Jesus to stay with them.
• Jesus shares food with the disciples to signify that the Kingdom has come, because previously he has said that "I shall not eat again until there is fulfillment in the Kingdom of God" (Lk 22:16,18).
• The disciples had all the "facts": They saw Jesus' wonderful words and deeds, and they were told about the empty tomb. Yet they give up, leave Jerusalem, and cannot even recognize Jesus. Why? Because they hold on to their own and erroneous hope, namely that Jesus would "set Israel free" politically.
• Jesus was able to teach them pretty quickly because they already know the Jewish Scripture.
Chi Tiết Hay
• Nhìn thấy và tiếp đón: Thánh Luca hay dùng những hình ảnh thấy rõ ràng, chẳng hạn các bà nhìn thấy các thiên thần, còn các môn đệ thì không thấy Đức Giêsu tại mồ, v.v. Hai môn đệ mở mắt nhận biết Đức Giêsu chỉ sau khi họ đã có lòng hiếu khách mời Ngài ở lại.
• Việc Chúa ngồi ăn là dấu chỉ Nước Chúa đã đến bởi vì trước đây Người đã phán: "Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa" (Lc 22:16,18).
• Hai môn đệ đã nghe Chúa giảng, đã thấy các phép lạ Chúa làm, đã nghe báo về mồ trống. Vậy mà họ vẫn nản lòng, rời bỏ Giêrusalem và không nhận ra ngay cả Chúa Giêsụ Tại sao vậy? Bởi vì họ vẫn giữ lấy ý riêng của mình là Đức Giêsu sẽ giải phóng đất nước Do Thái.
• Hai môn đệ học lời Đức Giêsu chỉ dạy mau chóng bởi vì họ đã thông hiểu các Sách Thánh Do Thái.
One Main Point
Discipleship is a story of journey, including coming and leaving (Jerusalem), walking along, staying together, and returning.
Một Điểm Chính
Làm môn đệ là một cuộc đồng hành có đến và ra đi, cùng tiến bước, cùng nối kết và có trở về.
Reflections
1. Do I show hospitality to Jesus so that he will stay with me and open my eyes?
2. Do I have false hopes that blinds me from seeing Jesus?
3. In what direction am I walking on the journey toward discipleship?
Suy Niệm
1. Tôi có sẵn lòng đón tiếp Chúa để Ngài ở lại trong tôi và mở mắt tôi ra không?
2. Tôi có nhận ra Chúa hay vẫn mờ mắt vì muốn Chúa làm theo ý tôi?
3. Tôi đang đồng hành về hướng Chúa gọi, hay đang bỏ đi theo ý riêng của tôi?
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – Năm A
Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35
MỤC LỤC
1. Emmaus
2. Mời Ông ở lại với chúng tôi
3. Đường hy vọng – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau
5. Từ tuyệt vọng đến chia sẻ – Achille Degeest
6. Người bạn đồng hành – R. Veritas
7. Trên đường Emmau – R. Veritas
8. Trên đường Emmau
9. Dừng chân
SUY NIỆM
Nhờ vào đâu mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa? Đã tới ngày thứ ba, mà không thu lượm được một nguồn tin nào chắc chắn. Hai môn đệ này, có lẽ đã thất vọng, không còn tin tưởng, bèn quay trở về với những người thân yêu nơi quê hương bổn quán. Vừa đi họ vừa nói về Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu đã hiện ra, nhưng nỗi cay đắng như một bức màn che phủ cặp mắt để họ không còn nhìn thấy. Ngài vừa đi vừa cắt nghĩa Kinh Thánh cho các ông, thế nhưng lúc bấy giờ đối với các ông, Ngài vẫn còn là một kẻ xa lạ. Rồi khi chiều xuống họ đã mời Ngài ở lại với họ, và họ đã nhận ra Ngài trong lúc bẻ bánh.
Từ đó chúng ta đi tới một ghi nhận cụ thể như sau: Các ông đã được soi sáng và nhận biết Chúa không phải do sự nghe cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng do việc làm, nhất là những việc làm mang tính cách yêu thương. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã viết: Không phải những kẻ nghe lề luật mà là những kẻ tuân giữ lề luật thì mới trở nên công chính. Bởi đó, khi nghe lời Chúa, chúng ta phải có cái quyết tâm đem ra thực hành, thì lúc bấy giờ lời Chúa mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.
Các ông đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng các ông đã nhận ra Ngài khi mời Ngài lưu lại với mình nơi quán trọ. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần phải chăm sóc cho tình thương và cần phải cố gắng thực hiện những hành động bác ái. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Hãy kiên trì trong đức ái. Thánh Phêrô thì nói với chúng ta: Hãy rộng lượng đón nhận người khác chứ đừng lẩm bẩm kêu trách. Còn Chúa Giêsu trong hoạt cảnh phán xét, cũng đã phán: Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, khi, Ta khát các con đã cho Ta uống, khi Ta mình trần các con đã cho Ta mặc, khi Ta đau yếu và bị tù đày, các con đã viếng thăm, khi Ta là khách, các con đã cho Ta ở trọ.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Một người cha trong gia đình có lòng hiếu khách. Ông thường mời những người xa lạ, nhất là những người nghèo đói túng thiếu đến nhà dùng cơm. Ngày kia ông múc nước rửa tay cho một vị khách lạ và đang lúc dẫn vị khách lạ ấy vào bàn ăn thì vị khách lạ ấy biến mất, khiến ông vô cùng ngạc nhiên. Thế nhưng ban đêm, Chúa Giêsu hiện ra với ông trong giấc mơ và phán: Những ngày khác con đã đón nhận những chi thể của Ta, còn hôm nay, con đã đón nhận chính Ta.
Đúng thế, đến ngày phán xét, chúng ta sẽ được nghe lời phán quyết của Chúa: Những gì các con làm cho một kẻ hèn mọn nhất, chính là các con đã làm cho Ta. Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau, thế nhưng chúng ta có nhận biết và giúp đỡ Ngài hay không?
2. Mời Ông ở lại với chúng tôi.
Suy Niệm
Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: "Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...". Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: "Chuyện gì vậy?" Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. "Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng..." Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.
Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.
Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.
Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.
Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng...
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Chán nản, bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn, mất niềm tin và hy vọng vào Chúa, vào con người. Bạn có gặp ai sống trong tình trạng như vậy không? Bạn đã lãm gì để giúp họ?
2. Khi ngắm nhìn Chúa Giêsu đến với hai môn đệ Emmau, bạn tâm đắc với cử chỉ hay lời nói nào của Chúa? Tại sao?
Cầu Nguyện
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.
3. Đường hy vọng – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.
Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hai ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.
Nhưng giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.
Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.
1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.
Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.
Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.
2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.
Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.
Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.
Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.
3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng
Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bán tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.
Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.
Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.
Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?
2. Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?
3. Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?
4. Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?
4. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (Suy niệm của ĐGM. Nguyễn Khảm)
Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.
Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.
Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: "Lạy Chúa hãy ở lại với con”.
Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.
Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.
Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?
Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.
5. Từ tuyệt vọng đến chia sẻ – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Đoạn độc nhất đầy đủ chi tiết mà chúng ta có được của một giai đoạn liên quan đến sự sống lại, là bài tường thuật kỳ diệu kể việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên đường Emmau. Nó tạo nên một trường hợp điển hình về tính cách bất ngờ đột ngột của những lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, điều này có vẻ củng cố giả thuyết về ảo giác thỉnh thoảng được đưa ra; tuy nhiên ảo giác là một hiện tượng thường xảy ra khi người ta chờ đợi, mong ước mãnh liệt một điều gì. Sự đồng hoá làng Emmau gây ra những khó khăn; nhưng các nhà chuyên môn nghĩ rằng đó là nơi hiện nay gọi là El-Kubebe, ở cách Giêrusalem chừng mười ba cây số. Dõi theo bài tường thuật, chúng ta nêu lên một vài nhận xét.
1) Mắt họ bị ngăn che không nhận ra được Ngài.
Người ta có thể tự hỏi tại sao và như thế nào? Nên nhớ rằng lối hiện hữu thể xác của Chúa Giêsu sống lại khác với lối hiện hữu trước khi chết. Chúa Giêsu có được một sự tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn dáng vẻ bề ngoài, cũng như trong cách thế di chuyển… Một cách loại suy, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đôi khi gần bên chúng ta và vì một lý do nào đó chúng ta không nhận ra Ngài. Chẳng hạn có thể xảy ra trường hợp trong cơn bị thử thách cùng cực, chúng ta không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa; và lắm lúc sau đó chúng ta mới nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa.
2) Chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel.
Câu nói ngắn ngủi này che dấu thảm kịch sâu xa bên trong của các môn đệ và tông đồ. Niềm hy vọng của họ nơi Chúa Giêsu diễn tiến trên bình diện trần thế. Trong những tháng dài, cố gắng sư phạm của Chúa Giêsu là đưa niềm hy vọng của họ lên một bình diện cao hơn, bình diện Nước vĩnh cửu. Phải đợi đến lễ Hiện Xuống, để có thể đạt được mức độ niềm tin thật nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Trong lúc chờ đợi, niềm tin này bị thử thách một cách ghê gớm.
3) Những trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói.
Khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu cho họ một bài học bằng sự vật. Ngài dẫn đưa tâm trí họ đến một sự khám phá: Ngài thật là ánh sáng làm cho người ta hiểu Kinh Thánh. Ngày nay cũng đừng quên rằng, Chúa Kitô là chìa khoá mở sách Kinh Thánh. Ngài là lời của Thiên Chúa, lời mang lại sức sống cho các đoạn sách, cho các lời nói trong Kinh Thánh.
4) Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng.
Từ câu này ta hãy giữ lại vài bài học thiêng liêng. Trước hết Chúa Giêsu không mang cho các môn đệ một lời giải thích Kinh Thánh trên bình diện thuần tuý tri thức; nhưng Ngài đánh động vào chiều sâu. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đừng bằng lòng với việc tìm kiếm tri thức, nhưng hãy đặt trong tinh thần cầu nguyện. Tiếp đến, trong cách thức đồng hành với con người thời đại, trong ước muốn mặc khải Chúa Kitô, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể đánh động tâm hồn họ theo mức độ Chúa Giêsu Phục Sinh sống và chiếu toả trong chúng ta.
5) Hãy lưu lại với chúng tôi… Và xảy ra là khi vào bàn với họ Ngài cầm lấy bánh…
Chúng ta hãy để mình chiều theo sức gợi cảm kỳ diệu chứa đựng ở đoạn cuối câu chuyện các môn đệ thành Emmau. Đặc biệt chúng ta tự hỏi: với người xa lạ nào chúng ta nói: “Hãy lưu lại với chúng tôi”, ‘hãy chia sẻ cơm bánh của chúng tôi’? Trong đời sống, chúng ta có biết thật sự tiếp đón và chia sẻ đáp lại lời nói của Đức Phaolô VI, chúng ta có thể nói rằng: “Giáo Hội hôm nay phải chia sẻ nhiều hơn để Chúa Kitô được biết đến nhiều hơn. Mà ‘Giáo Hội’ tức là mỗi một người trong chúng ta.
6. Người bạn đồng hành – R. Veritas. (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đoàn Emmaus giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào Cộng đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đoàn là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đoàn của cha là để nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
“Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống”, đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, giấy rác, ve chai, bao bì nylon, lon hộp… để chế biến và bán lại như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào Emmaus đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đoàn. Tất cả những người trong cộng đoàn đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó có hai môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus trở về làng cũ của họ. Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mong hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại đã trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan. Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: “Hãy xây dựng lại từ đổ nát!”. Đó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy… Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư? Chúa Giêsu của làng Emmaus đang nói với bạn: Đừng thất vọng! Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thưa anh chị em,
Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta, với chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến các anh em đang đau khổ, buồn sầu, chán nản, thất vọng, để mọi người cùng chia sẻ niềm tin. Thiên Chúa vẫn là người bạn đồng hành của con người, Ngài vẫn cảm thông với những ưu tư, đau khổ của con người, Ngài đang hoạt động với con người. Chỉ có con người không nhận ra Ngài, không biết lắng nghe Lời Ngài và không giữ Ngài ở lại với mình khi ngày đã xế bóng và màn đêm tăm tối đang bao phủ mặt đất, che khuất ánh mặt trời. Vì trong đêm tối, người ta khó tin có mặt trời, nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng sự thực Thiên Chúa vẫn luôn có đó, vì Chúa Kitô đã sống lại và đang sống bên cạnh chúng ta giữa những đêm tối, giữa những khổ đau, mặc dầu chúng ta không trông thấy Ngài.
Anh chị em thân mến,
Hãy nhận ra sự gần gũi thân thương của Chúa Giêsu trong Lời Chúa và Thánh Thể chúng ta chia sẻ cho nhau mỗi lần họp mặt mừng Chúa sống lại. Và cùng với Ngài, chúng ta ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh, niềm vui và hy vọng làm nền tảng cho cả cuộc đời của mọi người Kitô hữu.
7. Trên đường Emmau – R. Veritas. (Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Qua các báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, có lẽ ngày nào chúng ta cũng thấy tận mắt hình ảnh vô cùng thảm thương của những người tị nạn Kosovo, đã có trên nữa triệu người gốc Albani bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương mang theo không biết bao nhiêu câu chuyện, hay những hành động ngược đãi, hãm hiếp, tàn sát dã man mà Tổng thống Nam Tư đã trút xuống trên họ. Những hành động tội ác xuất phát từ chủ trương thanh lọc chủng tộc này không thể không gợi lại cho chúng ta các trại tập trung, những lò hơi ngạt mà Hitler đã từng dựng nên để sát tế trên sáu triệu người Do thái. Chúng ta cũng không thể quên được các quần đảo Gu-lắc của Stalin tại Liên Xô, những nhà tù của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, những cánh đồng giết người của Pôn-Pốt tại Campuchia. Dĩ nhiên, làm sao chúng ta không liên tưởng đến không biết bao nhiêu người vì chủng tộc, vì niềm tin tôn giáo, vì lương tâm, vì quan điểm chính trị mà đã phải bị kỳ thị, bị ngược đãi, bị bách hại trong các chế độ độc tài xây dựng trên các ý thức hệ độc đoán.
Ở vào thời điểm của xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng để tạo ra về các giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo thì chủ trương loại trừ, bách hại và tiêu diệt người khác chỉ vì chủng tộc, chỉ vì niềm tin tôn giáo, vì quan điểm chính trị, quả là một hành động lạc hậu dã man. Thế giới đã nhìn về tội ác của Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pôn-Pốt như những cơn ác mộng nhất của lịch sử nhân loại và sẽ mãi mãi lên án bất cứ chủ nghĩa nào tước đi quyền cơ bản của con người. Giờ đây nhân loại càng ý thức rằng, gặp gỡ, chia sẻ, tôn trọng những khác biệt mà điều kiện tối cần cho sự sống còn là nền hoà bình đích thực của thế giới.
Riêng các tín hữu Kitô chúng ta, ánh sáng đức tin soi dẫn chúng ta biết rằng, nền tảng những sự tôn trọng, những khác biêt nơi người khác là phẩm giá con người. Chúng ta tin rằng, một con người sinh ra trên cõi đời này đều mang lấy hình ảnh Thiên Chúa. Trong ánh sáng của việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, các tín hữu Kitô chúng ta còn biết rằng, con người có một phẩm giá cao trọng là bởi vì chính Chúa Kitô Phục Sinh đã tự đồng hóa với mọi người, nhất là với những người nghèo hèn nhất trong xã hội. Từ nay trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta biết rằng, con người là con đường gặp gỡ ưu việt với Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là chân lý Giáo Hội muốn nhắc nhở với chúng ta trong Tin Mừng chúng ta lắng nghe trong Chúa Nhật hôm nay.
Chúa Giêsu đã đến với hai môn đệ đi về làng Emmau như người khách đồng hành, đồng hành nhưng xa lạ, đây chính là cách thể hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc sống của chúng ta, Ngài đến với chúng ta như một người đồng hành, Ngài luôn đi bên cạnh chúng ta, thế nhưng người đi bên cạnh ấy lại là một người xa lạ, rõ ràng là Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta nhận diện Ngài trong tất cả mọi người và từng người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người sống bên cạnh chúng ta mà vẫn là người xa lạ hay vô danh, có biết bao nhiêu người đồng hành với chúng ta mà vẫn như vô hình vì sự dửng dưng của chúng ta, nhất là biết bao nhiêu người đau khổ bên cạnh chúng ta mà trái tim của chúng ta vẫn khô cứng chai lì.
Hai người môn đệ không nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh khi Ngài đồng hành với họ và chuyện vãn với họ, thế nhưng khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn, lấy bánh bẻ ra trao cho hai ông thì mắt của hai ông bỗng mở ra để nhận biết Ngài. Bẻ bánh trao ban vốn là cử chỉ đặc thù và cá biêt trong dung mạo của Chúa Giêsu, cử chỉ ấy thể hiện nhân cách và sứ mệnh của Ngài, Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ cho mọi người. Hai người môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu và tâm hồn của họ tràn ngập niềm vui.
Khi thông hiệp vào sự trao ban ấy của Chúa Giêsu, cử chỉ bẻ bánh trao ban của Chúa Giêsu đã trở thành trọng tâm của đời sống Giáo Hội. Giáo Hội được qui tụ để không ngừng lập lại cử chỉ ấy của Chúa Giêsu, đồng thời cũng được mời gọi để trở thành tấm bánh được bẻ ra trao ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng cử chỉ ấy của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa và trở thành hiện thực qua chính sự bẻ bánh và trao ban của các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi. Sự bẻ bánh hay Thánh Lễ mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày sẽ trống rỗng và vô nghĩa nếu không được thực hiện bằng cuộc sống bẻ ra và trao ban của chính các tín hữu Kitô chúng ta.
Có được bẻ ra, có được vỡ ra, chúng ta mới có thể ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, hận thù, dửng dưng của chúng ta. Có được bẻ ra mới mở ra để nhận diện được ngày đang đến trong mỗi một người anh chị em chúng ta.
Cũng chính lúc đó cùng với cử chỉ trao ban ấy, sự hiện diện của Đấng Phục Sinh mà chúng ta nhận ra nơi tha nhân để mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực.
Nguyện cho niềm vui đích thực của trao ban ấy làm tràn ngập tâm hồn chúng ta. Amen.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.
Chúa Giêsu tiến đến gặp hai môn đệ đang phân vân về ơn gọi và sứ mệnh theo Chúa. Sau biến cố Chúa bị đóng đinh và chết trên Thập giá, hy vọng về tương lai mà họ muốn xây dựng xem ra bị tiêu tan. Không còn gì giữ họ lại Giêrusalem, nơi Chúa đã dẫn họ đến và cũng là nơi sẽ khởi đầu sứ mệnh làm chứng cho Chúa, nên hai môn đệ quay trở lại Emmau với tâm hồn thất vọng và niềm tin bị thử thách nặng nề. Mô tả về cuộc gặp gỡ này, tác giả Luca đã chú ý đến ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Tuyên Xưng Đức Tin. Hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh sau khi nghe Chúa trong dung mạo người khách đồng hành giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh, rồi hai môn đệ trở về Giêrusalem và cũng được củng cố thêm bởi lời tuyên xưng của cộng đoàn: “Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với Simon”.
Để làm sống động lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Sống Đức Tin. Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh thánh đều qui về Chúa Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về; một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ “bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghĩa là cử hành Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người. Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin; đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin”.
Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm xem chúng ta có thái độ nào đối với lời Chúa? Chúng ta sống Bí tích Thánh Thể thế nào? Chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào?
Xin Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đức tin để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Hôm nay chúng ta chú ý tới một sự kiện trong đoạn Tin mừng, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh đã dừng chân ở lại quán trọ làng Emmau với hai môn đệ khi họ ngỏ ý mời Ngài.
Quả thực, đây không phải là lần đầu Chúa Giêsu dừng lại. Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Các sách Tin mừng đã ghi lại cho chúng ta biết: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chúa Giêsu luôn luôn dừng chân và ở lại với tất cả những ai cần đến Ngài, chẳng hạn: Ngài đã dừng chân và ở lại với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết mười hai năm, đang theo Ngài trong đám đông. Ngài đã dừng chân lại nhà ông Giakêu trong khi ông chỉ mong muốn được nhìn thấy Ngài thôi cũng đủ mãn nguyện rồi. Ngài đã dừng chân lại với các trẻ em khi chúng đến với Ngài, mặc dù các môn đệ xua đuổi chúng. Ngài đã dừng chân và ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Trên đường đi Giêrusalem nhận cái chết, Ngài cũng đã dừng chân để cứu giúp một người hành khất ngồi bên lề đường. Cuối cùng, trên thập giá, trong lúc hấp hối, Ngài còn dừng lại với một tử tội cũng đang hấp hối bên Ngài để ban ơn tha thứ và hứa cho anh được ở với Ngài trong nước trời… Tóm lại, Chúa luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài. Chúa luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người.
Tuy nhiên, những chuyện xảy ra trong khi Chúa Giêsu còn sống ở trần gian, thì cũng xảy ra như vậy sau khi Ngài đã sống lại, cho đến chúng ta hôm nay. Trong đời sống của chúng ta, đã biết bao lần chúng ta cảm thấy bản thân mình chẵng được ai để ý tới và cũng chẳng ai thèm nghe mình khiến chúng ta cô đơn lại càng cô đơn hơn, đã buồn chán lại càng buồn chán hơn. Nhưng có một điều chắc chắn là không có gì có thể ngăn cản được Chúa đến với chúng ta, và cũng chẳng có gì làm cho Ngài phải từ chối để rời xa chúng ta. Ngài sẽ ở lại với chúng ta như Ngài đã ở lại với hai môn đệ trên đường Emmau, nếu chúng ta biết đến với Ngài và nhìn lên Ngài.
Nói rõ hơn, tâm sự chán nản và sầu buồn của hai môn đệ ấy cũng là tâm sự sầu buồn, chán nản mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Bởi vì nỗi buồn cuộc đời nào ai thiếu: chúng ta buồn vì mục đích đời mình không đạt hay chưa đạt được như ý. Chúng ta buồn vì không ai hiểu tâm tư của mình, chúng ta buồn vì người khác nghi ngờ, ghen ghét, chơi xấu mình, chúng ta buồn vì không ai nâng đỡ mình, không ai về phe với mình để một mình cô đơn… Đó là chưa kể những chuyện không may, thất bại, thua lỗ, bất hòa, đắng cay… có khi lẻ tẻ, có khi dồn dập xảy đến trong gia đình hay bản thân chúng ta… vào những giờ phút đó, chúng ta rất dễ bị cám dỗ nghi ngờ về sự có mặt của Chúa và nghi ngờ về tình thương của Ngài.
Có lẽ chúng ta cho rằng Chúa biết thì biết vậy thôi, chứ bóng dáng Ngài chả thấy đâu cả, có thấy Ngài giúp đỡ được gì đâu… nhưng suy nghĩ và lý luận như thế là chúng ta đã mắc phải cái lỗi lầm thiếu lòng tin của hai môn đệ Emmau mất rồi. Đáng lẽ những lúc như thế, chúng ta phải vận dụng đức tin để đổi buồn thành vui, thì chúng ta đã không làm mà lại để tình cảm lấn át. Ai phản ứng theo tình cảm thì sẽ bị tình cảm chi phối, che khuất, quật đổ, vùi dập. Chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa đến với hai môn đệ kia cách rất bình thường và nhẹ nhàng như một người bạn đường tự nhiên, thì Chúa cũng sẽ đến an ủi và ở bên chúng ta cách nhẹ nhàng như thế. Có thể là một lời Kinh thánh, một lời giáo huấn giảng dạy ở nhà thờ, một lời khuyên răn của cha mẹ, một lời an ủi, động viên của bè bạn, hay cũng có thể là một sự bình an êm dịu nào đó Chúa ban trong tâm hồn… chỉ cần chúng ta mở rộng tâm hồn sẵn sàng đón nhận… Cho nên, chúng ta cần phải bình tĩnh và tỉnh thức để nhận diện ra Chúa, và đừng bao giờ vì một nỗi buồn thường tình nào đó mà quên Chúa, bỏ Chúa hay xa cách Chúa. Trái lại, càng buồn càng cầu xin Chúa, càng buồn càng neo chặt lòng tin vào Chúa hơn.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024