Chúa nhật III Mùa Vọng A

Chúa nhật III Mùa Vọng A

3rd Sunday of Advent
Reading I: Isaiah 35:1-6,10 II: James 5:7-10

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng
Bài Đọc I: Isaia 35:1-6,10 II: Giacôbê 5:7-10

Gospel
Matthew 11:2-11

2 When John heard in prison of the works of the Messiah, he sent his disciples to him

3 with this question, "Are you the one who is to come, or should we look for another?"

4 Jesus said to them in reply, "Go and tell John what you hear and see:

5 the blind regain their sight, the lame walk, lepers are cleansed, the deaf hear, the dead are raised, and the poor have the good news proclaimed to them.

6 And blessed is the one who takes no offense at me."

7 As they were going off, Jesus began to speak to the crowds about John, "What did you go out to the desert to see? A reed swayed by the wind?

8 Then what did you go out to see? Someone dressed in fine clothing? Those who wear fine clothing are in royal palaces.

9 Then why did you go out? To see a prophet? 7 Yes, I tell you, and more than a prophet.

10 This is the one about whom it is written: 'Behold, I am sending my messenger ahead of you; he will prepare your way before you.'

11 Amen, I say to you, among those born of women there has been none greater than John the Baptist; yet the least in the kingdom of heaven is greater than he.

Phúc Âm
Mátthêu 11:2-11

2 Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:

3 "Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?"

4 Đức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:

5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,

6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi".

7 Họ đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?

8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.

9 Thế thì anh em ra làm gì? Để xem một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

Interesting Details

• The three sentences in 11:7-9 use a negating format to emphasize a point. First, the bold John is very different from a flimsy reed. Second, the simple and ascetic John is definitely not luxuriously clothed. Thus third, John is very different from a typical prophet, and this is the main point. What makes John so different, to underscore the point that there had not been anyone greater than John, is that he prepares the way of the Lord. That makes the Lord and those who followed Him even greater.

• John knew that Jesus was Christ, but he still could not figure Jesus out. First he wondered why Jesus wanted to be baptized, now he wondered why Jesus has not done anything significant, like striking down sinners and freeing the oppressed.

• "The blind receive their sight:" The Old Testament stated that the Messiah would heal the blind. Jesus is the only one in all of the Old and New Testaments to heal the blind, and it is the most frequent healing miracle of Jesus.

• "Lepers are cleansed:" Leprosy was a defilement that has to be cleansed in addition to being cured.

• "The poor have good news preached to them:" This is the last item, and the climax, echoing the beatitude in Mt 5:3.

• Favoring the poor has always been countercultural, and may not be what people expect of the savior. Therefore, " blessed is he who takes no offense in me."

Chi Tiết Hay

• Cách đặt câu hỏi để rồi phủ nhận của ba câu 7, 8 và 9, có mục đích nhấn mạnh một điểm. Ý thứ nhất, một người bạo dạn như Gioan thì tương phản với cây sậy mỏng manh. Thứ hai, một người bình dị và khắc khổ như Gioan chắc chắn không mặc sang trọng. Thứ ba, Gioan khác hẳn với những tiên tri thông thường, và đây là điểm chính. Gioan khác biệt hẳn ở chỗ ông là người dọn đường cho Chúa tới. Điều đó làm cho Chúa và những ai theo Ngài trở nên cao trọng hơn nữa.

• Gioan biết Đức Giêsu là Đấng Kitô nhưng ông không thể hình dung ra được. Trước tiên, ông thắc mắc tại sao Đức Giêsu lại muốn chịu phép rửa, kế đến ông phân vân tại sao Đức Giêsu không làm những việc trọng đại như trừng phạt kẻ có tội và giải phóng những người bị áp bức.

• "Người mù được thấy": Sách Cựu Ước đã nói rằng Đấng Mêsia sẽ chữa lành kẻ bị đui mụ Đức Giêsu là người duy nhất trong Cựu Ước cũng như Tân Ước đã chữa lành người mù, và đây cũng là phép lạ mà Ngài thường làm nhất.

• "Người cùi được sạch", bệnh phong cùi là điều ô uế không những cần được chữa khỏi mà còn đươc rửa sạch nữa.

• "Kẻ nghèo được nghe tin mừng", đây là điểm cuối cùng, và là tột điểm, làm ta liên tưởng đến các Mối Phúc Thật trong Mt 5:3.

• Đứng về phía những người nghèo khó luôn là việc làm phản với văn hóa, và đó không phải là điều người ta mong đợi nơi Đấng Cứu Thế sẽ làm. Bởi vậy, "phúc thay kẻ nào không bị vấp ngã vì Ta."

One Main Point

THE GREATEST

John is the greatest. It is hard for these people to believe that one of them could be greater than Abraham, Moses, David, etc. How is it possible? Because he prepares for Christ. So naturally the people that Christ blesses would be even greater, and become the new greatest. Who are these? They are the poor, because God preaches to them the good news. Jesus turns the world completely upside down. No wonder even John could not understand.

Một Điểm Chính

NGƯỜI CAO TRỌNG NHẤT

Gioan là người cao trọng nhất. Đối với đân chúng đó là điều thật khó hiểu vì ai có thể cao trọng hơn Abraham, Môisen, Đavít, v.v. Gioan là người cao trọng nhất vì ông là người dọn đường cho Chúa. Thật rõ ràng rằng những người được Chúa chúc phúc sẽ cao trọng hơn, và trở thành những người cao trọng nhất. Họ là ai? Họ là những người nghèo khó đã được Chúa đem tin mừng tới. Chúa Giêsu đã hoàn toàn đảo lộn thế giới. Vì thế không có gì lạ khi ngay cả Gioan cũng không hiểu nổi.

Reflections

1. Jesus said, "Tell John what you hear and see." What do I hear and see? What does Jesus say and do? How do people react? What do I react in thoughts, feelings, and actions?

2. Do I believe that Jesus' kingdom is the greatest? What is so great about it? Can I see the greatest of God's kingdom in my daily life?

3. How am I poor, or not? How is Jesus' good news so great for the poor?

Suy Niệm

Chúa Giêsu nói: "hãy thuật lại cho Gioan những gì các ngươi nghe và thấy."

- Tôi thấy gì và nghe gì?

- Chúa Giêsu nói gì và làm gì?

- Người ta phản ứng ra sao?

- Tôi nghĩ và cảm nhận những gì Chúa Giêsu nói và làm?

- Tôi có tin rằng nước Chúa cao trọng, cao trọng nhất?

- Cao trọng ở khía cạnh nào?

- Tôi có nghe và thấy nước Chúa cao trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày không?

- Tôi có phải là người nghèo đón nhận tin mừng không?

- Tôi có thể nào tin rằng tin mừng của Chúa Giêsu là cho kẻ nghèo khó không?

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG A
Lời Chúa: Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

MỤC LỤC

1. Đấng sẽ đến 
2. Dung mạo Đức Kitô – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 
3. Mùa Vọng: Mùa màu hồng – ĐGM. Vũ Duy Thống
4. Còn phải đợi ai? 
5. Đấng phải đến 
6. Chú giải của William Barclay 
7. Chú giải của Noel Quesson 
8. Chú giải của Fiches Dominicales 
9. Đấng phải đến 
10. Phi thường 
11. Một đức tin luôn luôn đứng vững 
12. Mùa Vọng của đức tin 

SUY NIỆM

1. Đấng sẽ đến

Thầy có phải là Đấng sẽ đến hay không?

Như chúng ta đã biết, Gioan Tiền Hô vì lên tiếng chỉ trích Hêrôđê nên đã bị tống vào ngục. Từ thế giới tù đày, ông đã sai hai môn đệ thân tín đến gặp Chúa Giêsu và đưa ra câu hỏi: Thầy có phải là Đấng sẽ đến, hay là chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?

Câu hỏi này thoạt xem ra thì có vẻ vô lý và mâu thuẫn với sứ mạng tiền hô, với sứ mạng dọn đường của Gioan. Phải chăng ông đã chẳng long trọng giới thiệu Chúa Giêsu: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian đó sao? Phải chăng bên bờ sông Giođan ông đã chẳng xác quyết: Ngài phải rửa cho tôi chứ không phải là tôi rửa cho Ngài. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài? Rồi với những sự kiện lạ lùng sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, với sự tỏ lộ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ông đã tin chắc Chúa Giêsu người Nadarét chính là Đấng Cứu thế được loan báo từ những thế kỷ về trước. Vậy thì tại sao bây giờ ông lại nghi ngờ và phản lại những lời đã xác quyết? Theo tôi nghĩ vấn đề được đặt ra thật quan trọng. Quan trọng không phải cho bản thân của Gioan vì ông không hề nghi ngờ chi nữa, nhưng quan trọng cho các môn đệ của ông, bởi vì họ còn đang phân vân, lưỡng lự và chưa dứt khoát được lập lập trường đối với Chúa Giêsu. Ông tin chắc câu trả lời và những lý chứng của Chúa Giêsu sẽ là một thứ ánh sáng phán tan mọi thứ nghi ngờ còn đọng lại trong cõi lòng của họ. Thực vậy, những phép lạ Ngài làm là một lý chứng hùng hồn nhất về sứ mạng cứu thế của Ngài: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người chết sống lại và những kẻ nghèo túng được loan báo Tin Mừng. Và sau đó Chúa Giêsu đã lên tiếng ca tụng Gioan Tiền hô.

Người Do Thái luôn trông chờ một Đấng Cứu thế. Còn chúng ta thì khác, chúng ta đã tin tưởng chắc chắn Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế được loan báo từ muôn ngàn thuở trước và chúng ta là những người đã Ngài được cứu chuộc. Ngài là Đấng chúng ta đặt trọn vẹn niềm cậy trông. Hãy kiên nhẫn trông đợi ngày Ngài trở lại. Không vội vàng, không hấp tấp. Hãy tin tưởng vào thời gian và sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa trên những nẻo đường chúng ta đi.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII thường nói: Chúng ta hãy tin tưởng vào thời gian bởi vì thời gian sẽ sắp đặt mọi sự. Nó sẽ giúp chúng ta nhìn rõ bàn tay yêu thương của Chúa, cũng như giúp chúng ta gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Chân lý này đã được thực hiện trong chính cuộc đời của ngài. Với tính tình hiền hoà và đôn hậu người ta tưởng rằng ngài sẽ chẳng làm được những việc phi thường trên ngôi giáo hoàng. Thế nhưng Chúa đã dùng ngài để hướng dẫn Giáo Hội. Chính ngài đã quyết định triệu tập Công đồng Vatican II và đã thổi vào Giáo Hội một tinh thần, một luồng sinh khí mới.

Thánh Giacôbê tông đồ cũng đã khuyên nhủ chúng ta: Anh em hãy kiên nhẫn trông chờ ngày Chúa đến. Như người nông phu kiên nhẫn trông chờ những giọt nước mưa, và hoa màu của đồng ruộng. Anh em cũng hãy bền chí và vững tâm vì Chúa đã gần đến.

Thánh Vincentê luôn cảnh giác chúng ta: Đừng hấp tấp vội vã vì đó là mưu mô của ma quỷ, lừa dối những người thiện chí để rồi cuối cùng chẳng làm được gì cả. Để kết luận chúng ta hãy nhớ tới lời Chúa: Ai kiên tâm và bền chí đến cùng thì sẽ được cứu thoát.

2. Dung mạo Đức Kitô – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Thánh Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte. Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu. Hôm nay thánh nhân sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?”.

Thật lạ lùng đến khó hiểu. Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu. Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô. Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang. Đức tin của ngài chao đảo. Nửa tin nửa ngờ.

Sự hoang mang của thánh Gioan Tiền Hô đến do hai nguyên nhân sau:

1) Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo.

Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi loan báo ấy đã gây xôn xao sợ hãi. Thế mà khi Chúa Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa”. “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang.

2) Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.

Ông bị ngược đãi, tất nhiên. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.

Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.
Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi tỉnh ngộ. Chúa Giêsu đã cho tôi một hình ảnh trung thực về dung mạo Đấng Cứu Thế. Qua câu trả lời đó, Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi rằng: Nếu con muốn Giáo Hội là hình ảnh đích thực nguyên tuyền của Thày, con hãy xây dựng một Giáo Hội không quyền lực, không tiền bạc, không phô trương. Hãy làm cho Giáo Hội mang dung mạo của Thày: một dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ. Nếu con muốn tiếp tục sứ mạng của Thày, hãy chạy trốn quyền lực, hãy sợ hãi tiền bạc, hãy tránh thói phô trương. Hãy yêu thích những việc âm thầm bé nhỏ. Trước hết hãy đến với những người nghèo hèn. Hãy bắt đầu bằng tình thương. Vì chỉ có tình thương mới cứu được thế giới.

Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Đức Thánh Cha đã khiêm nhường xin lỗi Trung Quốc. Bạn nghĩ sao về cử chỉ này? Cử chỉ của Đức Thánh Cha có làm tổn thương đến uy tín của Giáo Hội không?

2) Bạn muốn một Giáo Hội yêu thương phục vụ hay một Giáo Hội cai trị quyền uy?

3) Bạn nghĩ gì về những lầm lỗi trong Giáo Hội?

4) Bạn phải làm gì để làm chứng cho Chúa. Bằng những việc lớn lao hay bằng những việc nhỏ bé hằng ngày?

3. Mùa Vọng: Mùa màu hồng – ĐGM. Vũ Duy Thống (Trích trong ‘Nút Vòng Xoay’ – trg. 19)

Nếu khởi đầu Mùa Vọng là một màu xanh của những tâm hồn biết rằng Thiên Chúa hằng hy vọng vào mình và hành trình Mùa Vọng là một màu tím của những cuộc đời sám hối, thì ở giữa lòng Mùa Vọng, đời người đã được đặt vào một vận hành mới với một năng lực mới cho một cuộc đời mới. Những cái mới ấy Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả bằng một niềm vui và lễ phục minh họa bằng một tông màu bất ngờ tươi sáng để cùng với Giáo Hội, Chúa Nhật hôm nay xin được gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng.

Vâng! Màu hồng. Nhưng không phải là một thứ ửng hồng e lệ của tình yêu buổi đầu gặp gỡ, cũng không phải là thứ bột hồng điểm trang của hương phấn trong ngày lễ hội, mà chính là màu hồng của niềm vui chan hòa và những chí bền chiến đấu đã làm nên sức sống và sức mạnh không ngừng gieo hưng phấn trên hành trình đức tin.

Qua cách gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng, xin được gợi ý về hiệu quả của niềm hy vọng.

1) Niềm hy vọng đem lại cho đời tín hữu một niềm vui chan hòa.

Không phải vô cớ mà thánh Phaolô năm xưa đã kêu gọi các tín hữu của mình “Hãy vui lên!” cũng chẳng phải tình cờ khi Phụng Vụ gọi Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng là Chúa Nhật của niềm vui, mà tất cả đã là một hữu ý dàn dựng để làm nổi bật lên nỗi vui mừng và niềm hy vọng không phải như hai nỗi niềm đặt cận kề nhau, mà như hai yếu tố tương tại vào nhau của cùng một nỗi niềm duy nhất kết nên đời sống Kitô hữu. Có hy vọng là có niềm vui.

Bởi có hy vọng nên đời tín hữu cũng có một vũ trụ quan tươi vui: Họ không chấp nhận cuộc đời theo kiểu “cũng liều nhắm mắt đưa chân” trôi nổi vật vờ theo dòng nước cuốn, mà là đón nhận cuộc đời bằng một phong thái thanh thản vui tươi. Họ không chấp nhận nhìn môi trường mình đang sống như những sự kiện bên lề mà biết nhận ra đó chính là nơi mình được kêu gọi đến để thể hiện ơn gọi làm người và làm con Chúa. Cho dẫu cuộc đời có thế nào cũng vẫn có đó niềm hy vọng vươn cao. “Trong khi chưa có được điều mình thích, hãy bắt đầu bằng cách thích những điều mình đang có”. Tôi muốn một cuộc đời rộng đẹp nhưng trước mắt tôi vẫn chỉ là những mảnh đời chật hẹp thì trong niềm hy vọng, tôi phải bắt đầu bằng cách nới rộng đời mình ra.

Bởi có niềm hy vọng nên đời tín hữu cũng có một nhân sinh quan chan hòa. Trong đại dương không ai là một hòn đảo. Trong chuyến đi cuộc đời chẳng ai là người lữ khách cô đơn. Thế nên, trong tinh thần liên đới, tín hữu là những kẻ đồng hành và đồng hành cũng có nghĩa là biết cho đi và nhận về. Cũng giống như tình yêu, hy vọng là rộng mở, là biết cho đi. Trong đổi chác, không ai có thể cho cái mình không có, nhưng trong niềm hy vọng, không ai có thể có được điều mà mình không biết cho đi. Bởi lẽ bạc tiền cho đi sẽ có lúc vơi cạn, nhưng niềm hy vọng biết cho đi thì ngược lại, bỗng trở nên phong phú lạ thường. Nỗi vui cho đi sẽ thành nỗi vui lớn hơn của kẻ cho và người nhận gộp lại, và niềm hy vọng biết cho đi sẽ nên niềm hy vọng vĩ đại của một sự sống triển nở sinh sôi.

Rõ ràng là với niềm hy vọng, cuộc sống đã biến thành niềm vui, cho dẫu niềm vui ấy chưa ở độ tinh ròng mà vẫn còn đan xen với những nỗi niềm riêng tư hay nỗi lo đại cuộc, nhưng đã hồng hào lên một sức sống tươi trẻ vì đó chính là thành quả của niềm hy vọng.

Chắc cộng đoàn còn nhớ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I. Triều đại Giáo Hoàng của ngài chỉ có ba mươi ba ngày nhưng hình ảnh của ngài thì thế giới khó mà quên. Đó là hình ảnh của một Giáo Hoàng với nụ cười thật tươi, nụ cười trong hồn và nụ cười ngoài miệng. Chính ngài là người đã lập lại quan điểm của thánh Tôma để chủ trương: vui vẻ là một nhân đức. Và Mẹ Têrêsa Calcutta, một trong mười phụ nữ được xếp vào hàng vĩ nhân hiện đại, khi người ta hỏi Mẹ xem phải làm gì cho cuộc sống tốt hơn, Mẹ bảo: “Hãy mỉm cười. Cười là thông điệp hòa bình. Cười là nếm cảm thực tại Thiên Chúa”.

2) Niềm hy vọng đem lại cho đời tín hữu một chí bền chiến đấu.

Những lúc an bình, niềm hy vọng mở ra một cuộc sống tươi vui nhưng khi gặp phải thử thách, niềm hy vọng lại trở nên sức mạnh kiên cường. Chính vì thế, hy vọng không chỉ được xem là nhân đức của nụ cười mà còn được khẳng định là nhân đức của sự chiến đấu trước những thách đố không thiếu trong đời.

Có những thách đố đến từ những nghịch lý trong đời sống đức tin thể hiện qua những câu hỏi “tại sao?” khó mà trả lời nếu không có niềm hy vọng. Như câu hỏi tại sao của Cựu Ước: “Tại sao kẻ lành thường gặp hoạn nạn còn kẻ dữ lại cứ phây phây?”. Như câu hỏi của thánh Phaolô: “Tại sao điều tốt muốn làm tôi lại chẳng làm, còn điều xấu muốn tránh tôi lại hay vấp phải?”. Như câu hỏi về Giáo Hội: “Tại sao Giáo Hội bản chất là duy nhất mà trong lịch sử vẫn cứ mãi ghi dấu bằng những cuộc phân ly?”. Như câu hỏi của các bạn trẻ Tây Ban Nha đặt ra cho Đức Gioan Phaolô II năm 1982: “Tại sao Thiên Chúa tốt lành mà trong tạo thành của Ngài lại có quá nhiều tội ác?”. Như câu hỏi của báo chí: “Tại sao người ta cứ phải lo đề phòng đối phó mà không biết yêu thương nhau?”. Hay như câu hỏi mỗi người thường đặt ra với lòng mình: “Tại sao nhân đức như lúa tốt chăm hoài vẫn khó mọc còn nết xấu như cỏ dại nhổ mãi vẫn cứ còn?” Những câu hỏi ấy được đặt ra và còn được đặt ra mãi mãi. Sẽ là hoang mang chao đảo nếu không tìm được giải đáp; nhưng sẽ không có câu trả lời đích thực nếu không nại đến niềm hy vọng vào điều toàn bích vốn chỉ có nơi Thiên Chúa và trong cuộc sống mai sau.

Có những thách đố đến từ những nghịch biến trong lối sống đạo như sự ly thân giữa giáo lý tốt lành của đạo với đời sống kèn cựa của người tín hữu, như cách sống thực dụng của một số thành phần có đạo, như xu hướng tục hóa đang có nguy cơ tràn lan, và phổ biến nhất vẫn là thái độ “mackeno” dửng dưng với đạo của một số kẻ tự nhận là có đạo mà thực tế chẳng tốt hơn ai. Sẽ là dị ứng co cụm nếu chỉ thở dài thất vọng, nhưng sẽ là bản lĩnh hy vọng nếu biết vươn lên khẳng định niềm tin.

Và cũng có những thách đố đến từ những nghịch cảnh trong cuộc đời như tai nạn bất ưng, như sức khỏe yếu kém, như hoàn cảnh không thuận lợi cho ngành nghề, như những thất bại nhiều mặt. Sẽ là thất vọng nếu cúi gập trên nỗi đau của mình, nhưng sẽ là hy vọng nếu biết vươn lên, cho dẫu hoàn cảnh có tuyệt vọng đi nữa thì ở đó vẫn cứ sáng rỡ một niềm cậy trông.

Trọn trang Tin Mừng hôm nay là một thách đố không nhỏ mà Gioan Tẩy Giả đã gặp phải: rao giảng về một sự trừng phạt đến cận kề nhưng lại gặp phải sự chậm trễ; loan báo về Đấng Cứu Thế như một vị Chúa oai phong đáng sợ nhưng lại thấy Chúa Giêsu chan hòa nhân ái; công bố về thời mở cửa cứu độ nhưng chính mình lại bị cầm tù vào giữa lúc mọi người xôn xao hạnh phúc. Đã có lúc nóng lòng chờ đợi như việc gửi môn đệ đến chất vấn Chúa Giêsu qua đoạn Phúc Âm hôm nay, nhưng từ những thách đố ấy, nơi Gioan Tẩy Giả đã chứng minh một niềm hy vọng kiên cường: ông không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẽ cậy trông.

Niềm hy vọng chính là sức mạnh hồng hào giúp Gioan Tẩy Giả và tất cả những ai đang gặp thách đố biết kiên vững kinh qua tất cả.

Tóm lại, với hiệu quả của niềm hy vọng là niềm vui chan hòa và chí bền chiến đấu, đời sống của tín hữu đã được đặt vào một vận hành mới vươn tới một điều còn lớn lao hơn cả chính nỗi niềm của mình. Đó không chỉ là chân lý cho trí ta đong đầy, không chỉ là thiện hảo cho lòng ta mê thích, cũng không chỉ là nét đẹp cho mắt nhìn no thỏa mà chính là một Đấng, Đấng ấy là Thiên Chúa hằng hy vọng vào ta.

Và như thế, thiết tưởng đã đến lúc đặt ra vấn đề: liệu ta có niềm hy vọng ấy chưa?

Bài đọc thứ nhất nhắc nhở “Đừng sợ”. Đừng sợ không có niềm hy vọng vì trước khi ta có thể hy vọng thì Chúa đã hy vọng vào ta. Đó là một hồng ân. Cũng đừng sợ mình mất niềm hy vọng như thể ta sống có một mình. Có một Đấng cùng sống với ta và Đấng ấy không dễ gì để mất ta đâu. Cũng đừng sợ niềm hy vọng của ta sao quá nhạt nhòa, bởi hy vọng là một công trình cả đời. Điều đáng sợ đáng ngại và đáng đau khổ nhất là “thấy Thiên Chúa bị bóp chết trong một đời người”, nghĩa là người ta khước từ hy vọng, bóp nghẹt hy vọng nhân danh sự tự do hoặc danh lợi thú.

Bài đọc thứ hai khuyến khích “Hãy vui lên!” Vui vì ta là niềm hy vọng trong mắt nhìn cứu độ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là niềm hy vọng thắp sáng cho anh em mình nữa, để không chỉ gây thắc mắc “nghĩ gì vui thế mà cười một mình” như Trần Tiến trong ca khúc “Thành phố trẻ”, mà còn để chuyển tải đến môi trường xung quanh một niềm vui chan hòa và chí bền chiến đấu.

Ai đã coi cuốn phim “Cuộc đời Chúa Cứu Thế” chắc còn nhớ lúc kết, sau khi đã có biến cố lên trời và lời trao sứ vụ đến với muôn dân, người ta cho xuất hiện trên màn ảnh một chân dung của Chúa Giêsu thật lớn tươi cười với chiếc răng khểnh đàng hoàng. Không biết dụng ý của đạo diễn thế nào, nhưng phải nói là có tác dụng phấn khích, vừa đem lại nét tươi tắn cho cuốn phim, vừa đem đến niềm vui chan hòa hy vọng.

Mong rằng nụ cười thật lạ ấy cũng trở thành niềm vui cho ta trên nẻo sống đức tin và thể hiện niềm hy vọng. Được như thế, Chúa Nhật hôm nay đích thực là Chúa Nhật của niềm vui, và Mùa Vọng cũng thêm sáng nghĩa là mùa màu hồng hy vọng thật đẹp thật tươi thật nhiều nụ cười cho người người hạnh phúc.

4. Còn phải đợi ai? (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

"Anh em ra xem gì trong hoang địa?" Đức Giêsu đã ba lần đặt câu hỏi như thế. Hẳn không phải để xem một cây sậy bị gió lay, vì Gioan chẳng phải là người dễ lung lay, khuất phục. Cũng không phải để xem người mặc lụa là gấm vóc, vì Gioan chỉ có áo lông lạc đà và dây lưng da. Nhưng để gặp một vị ngôn sứ cao trọng hơn cả, vì ông ở đỉnh cao kết thúc Cựu Ước, đồng thời ông là người giới thiệu Đức Kitô cho dân Israel.

Đối với ông, Đức Kitô là Đấng mạnh mẽ. Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3,11). Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái và quăng vào lửa (x. Mt 3,10). Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3,12), thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho. Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3,11).

Quả thực Ngài là vị thẩm phán đáng sợ. Ngài trừng phạt tội nhân bằng ngọn lửa không hề tắt.

Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Đức Giêsu làm. Thật chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo. Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài.

Đức Giêsu kín đáo cho thấy Ngài thật là Đức Kitô, vì Ngài làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo. Ngài không phải là một Mêsia đoán phạt, báo thù, nhưng là một Mêsia xót thương cúi xuống người đau khổ.

Gioan đứng trước một thách đố. Ông có chịu đổi quan niệm của mình về Đấng Mêsia không? Nếu không đổi, ông chẳng thể nào đón nhận Đức Giêsu, Đấng mà ông đã giới thiệu là Kitô, là Mêsia. "Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

Phêrô cũng đã vấp ngã sau khi tuyên xưng đức tin. Ông không thể nào chấp nhận một Đấng Mêsia chịu đau khổ. Giona cũng nổi giận, vì Thiên Chúa không phạt dân Ninivê như lời ông loan báo (x. Ga 3,4; 4,1). Như thế cả Giona, Gioan hay Phêrô đều phải mở ra để đón lấy Thiên Chúa bất ngờ. Ngài không như điều ta tưởng, thậm chí có khi Ngài ngược với điều ta rao giảng.

Gioan đã vượt qua chính mình khi nói: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30). Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Đức Giêsu. Nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa, khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của mình về Đấng Mêsia.

Mùa vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến.

Ta nghĩ Chúa đến một cách ồn ào, oai phong lẫm liệt, thì Ngài lại đến cách âm thầm lặng lẽ.

Ta tưởng Chúa đến qua những đại lộ thênh thang, thì Ngài lại đến qua ngõ hẹp tăm tối.

Ta chờ Ngài những câu trả lời, còn Ngài lại đặt câu hỏi!

Xin cho chúng ta đừng đi tìm Ngài, khi Ngài đang ở kề bên.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thiên Chúa thích chơi ú tim với con người. Ta tưởng Ngài ở đây, thì Ngài lại ở kia. Ngài luôn vượt quá điều ta nghĩ về Ngài. Vậy theo ý bạn, làm sao gặp được Ngài?

Đức Giêsu đã kể ra những việc Ngài làm để cho thấy Ngài thật là Đức Kitô (x. Mt 11,5). Theo ý bạn, đâu là những việc bạn phải làm để cho thấy bạn là Kitô hữu thật sự?

Cầu Nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Nguời là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

5. Đấng phải đến (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Gioan Tẩy Giả là một nhân vật quan trọng của Mùa Vọng. Trong Tin Mừng Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe Gioan Tẩy Giả loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến là một Thẩm Phán chí công, thưởng phạt nghiêm minh. Ngày Đấng Cứu Thế đến sẽ là một ngày kinh hoàng đối với những người gian ác, tội lỗi, không chịu hối cải.

Nhưng rồi, khi Chúa Giêsu đến, Gioan Tẩy Giả đã thất vọng, vì ông chẳng thấy có gì là kinh hoàng như ông đã loan báo trước. Đang lúc đó chính Gioan Tẩy Giả lại phải ngồi tù, vì đã ăn ngay nói thẳng. Thật là trớ trêu!

- Gioan Tẩy Giả đã loan báo sai chăng?

- Hay là Chúa Giêsu chưa phải là Đấng Cứu Thế thực sự phải đến mà còn phải chờ đợi ai khác nữa?

Gioan sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một lần cho rõ: Xin Thầy nói thật cho chúng tôi: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa?”.

Để trả lời Gioan và các môn đệ, Chúa Giêsu đã mượn lời Ngôn sứ Isaia loan báo về Đấng Cứu Thế: “Người mù được thấy, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại…”.

Thì ra Chúa Cứu Thế đến “không phải để xét xử luận phạt, nhưng để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư hỏng”. “Ngài đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sinh hoạt ăn năn”. “Ngài đến để cho con người được sống và được sống dồi dào”. “Và Ngài còn đến không phải để được người ta hầu hạ phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống cứu chuộc loài người”.

Bao lâu còn quan niệm như Gioan Tẩy Giả, còn chờ mong Chúa đến can thiệp kiểu vua chúa trần gian để áp đặt một quyền lực, chúng ta sẽ mãi mãi ảo vọng. Trong khi Gioan Tẩy Giả và dân Do Thái mong một Đấng Cứu Thế đến tái lập uy quyền và vinh quang Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại chỉ mãi lo cho vinh quang của con người, ưu tiên cho những con người bị coi rẻ nhất: người mù, người què, người điếc, là những hạng người phải ăn mày để sống, ăn mày sự sống với những người quyền thế giàu có vẫn coi thường khinh bỉ họ, và nắm quyền sinh tử trên họ. Ngài coi đó là trả lại sự sống cho hạng người sống mà như chết dở, những người cùi hủi, những người bị khinh tởm, bị xua đuổi khỏi xã hội, chỉ được sống trong những nấm mồ hoang giữa người chết.

Ngày xưa, khi Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, các luật sĩ và cả vua Hêrôđê và dân thành Giêrusalem đã không nhận ra Chúa Cứu Thế, vì họ quan niệm Chúa Cứu Thế phải đến trong oai phong lẫm liệt, phải sinh ra ở lầu son gác tía, chứ không phải ở chuồng bò.

Chúa Cứu Thế phải xuất hiện trong cung cách như thế đó. Chúng ta ngày nay phải hết sức tỉnh táo mới khỏi đón hụt mất Chúa Cứu Thế. Bởi vì, vẫn như ngày nào, Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta; không ồn ào giữa hàng lũ người tuỳ tùng hầu hạ kiểu vua chúa phong kiến, mà ẩn mình trong thân phận những con người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật… Vẫn như ngày nào và sẽ mãi mãi cho đến tận thế. Ngài không dạy chúng ta đón nhận Ngài bằng bất cứ một hình thức nào khác hơn là đón nhận chính con người anh em, những người bé nhỏ, đói khát, mình trần thân trụi, không nhà không cửa, ốm đau bệnh tật, tù đày… Vì vậy, nếu không hết sức tỉnh táo, chúng ta sẽ đón hụt mất Ngài.

Anh chị em thân mến,
Hai ngàn năm rồi, Chúa đã đến, nhưng cũng còn những người vãn đang mong chờ một Chúa Cứu Thế khác sẽ đến, chứ Ông Giêsu này không phải là Chúa Cứu Thế. Thậm chí có cả những người Công Giáo cũng nghi ngờ Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế của họ. Bởi vì, tại sao Chúa cứ bắt tôi phải đói khổ, bệnh tật? Tại sao Chúa không trừng trị địch thù, những bọn gian ác? Chúng tôi phải chờ một Đấng Cứu Thế khác. Ngài sẽ đến thanh trừng với bạo lực, thống trị với quyền năng hiển hách như lời các ngôn sứ loan báo.

Chúa Giêsu Kitô chính là “Đấng phải đến”. Ngài đã đến rồi. Đó là niềm tin của chúng ta hôm nay như đã là niềm tin của Thánh Phêrô. Ngài nói: “Ngoài Đức Giêsu ra, dưới bầu trời này, ơn cứu độ chúng ta không có ở một người nào khác, không có một ai khác có khả năng cứu độ chúng ta” (Cv 4,12).
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã đến, đã chết để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và đang sống ở giữa chúng ta. Ng đã giải phóng chúng ta và bao nhiêu con người khác đang bị giam cầm trong tội lỗi. Chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta đã được Ngài cứu độ và được sống trong Ngài. Chúng ta không phải chờ đợi một ai khác nữa.


6. Chú giải của William Barclay GIỌNG NÓI CHÚA GIÊSU (11,1-6)

Sứ vụ Gioan Tẩy Giả kết thúc trong nỗi đớn đau khốc liệt. Gioan chẳng có thói quen gia giảm chân lý cho vừa ý người khác, cũng không thể nào thấy điều gian ác mà không quở trách. Gioan đã nói rất mạnh dạn thẳng thắn đến luỵ cả bản thân.

Trong chuyến du lịch từ Galilê đến Rôma thăm em trai, vua Hêrôđê Antipa đã quyến rũ vợ của em mình. Khi trở về xứ, ông bỏ vợ chính thức để cưới em dâu mà ông đã dụ dỗ. Gioan công khai và nghiêm khắc quở trách Hêrôđê. Dám chỉ trích một vị vua phương Đông thì không bao giờ được yên thân. Hêrôđê đã trả thù: Gioan bị quăng vào ngục Machaerus, trong vùng núi gần Biển Chết.

Đối với người bình thường số phận đó là rất khủng khiếp; riêng đối với Gioan thì càng kinh khủng bội phần. Ông là đứa con của hoang địa, cả đời sống ngoài trời bao la, với gió thoảng mây ngàn, thế mà bây giờ phải chôn chân trong bốn bức tường chật hẹp dưới mặt đất. Với Gioan, một người có lẽ chưa hề sống tù túng dưới một mái nhà nào, điều này quả là một nỗi thống khổ không lường được.

Trong lâu đài Carlisle có một phòng giam nhỏ. Ngày xưa có lần người ta tống giam một sĩ quan biên phòng vào đó trong mấy năm liền. Phòng giam đó có một cửa sổ nhỏ trên cao, người đứng dưới đất không thể nhìn ra ngoài được. Sau này người ta thấy trên vách đá bên mép cửa sổ có hai dấu lõm vào. Đó là dấu tay của người sĩ quan biên phòng ngày ngày đu mình lên đó để được nhìn ra giải thung lũng xanh rờn, nơi ông ta không bao giờ còn hy vọng trở lại nữa.

Chắc Gioan cũng mang một tâm trạng như thế cho nên không có gì đáng ngạc nhiên hoặc đáng chỉ trích khi ta thấy những thắc mắc bắt đầu thành hình trong trí ông. Ông đã tin Chúa Giêsu là Đấng phải đến, là Đấng Mêsia mà dân Do Thái nóng lòng mong đợi (Mc 11,9; Lc 13,35; Dt 10,37; Tv 118,26). Một người sắp chết thì không thể nào để cho lòng mình vương vấn chút ngờ vực nào. Ông cần phải biết thật chắc nên ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng? Hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?”. Câu hỏi đó có thể có nhiều lý do:

1. Một số người cho rằng câu đó không phải là câu hỏi cho Gioan mà là cho các môn đệ của ông. Có thể khi Gioan đàm đạo với môn đệ mình trong tù, họ hỏi ông Chúa Giêsu có thất là Đấng phải đến không, Gioan bảo họ: “Nếu các ngươi nghi ngờ, chưa rõ Giêsu là ai thì hãy đi xem Ngài đang làm gì, và có thể làm được những gì, lúc đó các ngươi sẽ hết nghi ngờ ngay”. Nếu có ai cãi lý với chúng ta về Chúa Giêsu và thắc mắc về quyền năng tối thượng của Ngài, câu trả lời hay nhất không phải là dùng lý luận chống lại lý luận, nhưng là: “Anh đã giao phó đời sống anh cho Ngài thì sẽ thấy quyền năng hành động của Ngài”. Cách tranh biện tốt nhất cho Chúa không phải là dùng lý lẽ tri thức nhưng là đưa ra kinh nghiệm về quyền năng biến cải của Ngài.

2. Có thể câu hỏi của Gioan là do thiếu kiên nhẫn. Sứ điệp của Gioan là sứ điệp về nhận xét (Mt 3,7-12). Cái búa đã để kề gốc cây, việc sàng sảy đã khởi sự, lửa phán xét thanh tẩy của Chúa đã bắt đầu chay. Có thể lúc đó Gioan nghĩ rằng: “Khi nào Chúa Giêsu mới bắt đầu hành động? Khi nào Ngài mới bắt đầu tiêu diệt kẻ thù, thiêu huỷ cái ác? Khi nào ngày huỷ diệt thánh của Chúa mới khởi sự?”. Có thể Gioan đã mất kiên nhẫn vì Chúa Giêsu đã không hành động như ông mong đợi. Một điều chắc chắn là người nào chờ đợi Chúa Giêsu giáng cơn giận bạo tàn, sẽ luôn luôn bất mãn về Ngài, nhưng ai tìm kiếm tình yêu nơi Ngài sẽ không bao giờ thất vọng.

3. Một số người cho rằng câu hỏi của Gioan phát xuất từ niềm vui và hy vọng đang vươn lên. Ông đã thấy Chúa lúc Ngài chịu phép rửa, bây giờ ở trong tù ông càng nghĩ nhiều hơn về Ngài. Càng suy nghĩ, ông càng tin chắc Ngài là Đấng phải đến. Và bây giờ ông đặt tất cả hy vọng của mình vào câu hỏi trắc nghiệm này. Có thể đây không phải là câu hỏi của một người thất vọng và thiếu kiên nhẫn mà là câu hỏi của một người mà ánh mắt đang sáng ngời hy vọng, một người hỏi chỉ cốt để xác minh hy vọng của mình.

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi đó với giọng đầy tin tưởng: “Hãy về đừng thuật lại cho Gioan những điều Ta nói, nhưng hãy thuật lại những điều Ta làm. Đừng thuật lạ cho Gioan những gì Ta cao rao, nhưng hãy thuật lại cho Gioan những điều xảy ra”. Chúa Giêsu bảo người ta hãy dùng những trắc nghiệm gay go nhất để thử Ngài, trắc nghiệm về hành động và kết quả. Chúa Giêsu là người duy nhất có thể thách thức người ta phê phán những việc Ngài làm không cần giới hạn, không cần điều kiện. Lời thách thức của Ngài vẫn không đổi thay. Ngài không kêu gào: “Hãy nghe những điều Ta phán đây”, nhưng Ngài nói: “Hãy nhìn xem những điều Ta có thể làm cho các ngươi cùng những điều Ta đã làm cho nhiều người khác”.

Những điều Chúa Giêsu làm ở xứ Galilê thì Ngài vẫn còn làm ngày nay. Trong Ngài, những ai đui mù không thấy được sự thật về chính mình, về người khác và về Thiên Chúa, đều được sáng mắt. Trong Ngài, những ai có đôi chân yếu ớt, không đủ sức đứng vững trong đường ngay nẻo chính đều được mạnh mẽ. Trong Ngài, những ai bị tì ố vì tội lỗi đều được thanh tẩy. Trong Ngài, ai không nghe được tiếng nói của lương tâm và của Chúa đều bắt đầu nghe được. Trong Ngài, những kẻ chết và bất lực trong tội lỗi đều bắt đầu sống lại cuộc đời mới và thánh thiện. Trong Ngài, những người nghèo được hưởng tình yêu sung mãn của Thiên Chúa.

Nhưng cuối cùng là lời cảnh cáo: “Phúc thay người người nào không vấp ngã vì Tôi”. Chúa phán điều này với Gioan vì Gioan chỉ nắm có phân nửa chân lý. Gioan rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện, với sự huỷ diệt từ trời, Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện, với tình yêu từ trời. Vì vậy Chúa Giêsu nói với Gioan rằng: “Có thể Ta không làm điều ngươi trông đợi Ta, nhưng những quyền lực tà ác đang bị đánh bại, bị đánh bại không phải bởi sức mạnh vô địch mà bởi tình yêu vô hạn”. Đôi khi người ta bị vấp phạm vì Chúa Giêsu bởi Ngài cắt ngang quan điểm của họ về tôn giáo, Ngài không làm theo đúng suy diễn của họ về tôn giáo.

GIỌNG TÁN TỤNG (11,7-11)

Ít người được Chúa Giêsu ca ngợi nhiều như Gioan Tẩy Giả. Mở đầu cho câu chuyện, Ngài hỏi dân chúng là họ đi xem gì trong hoang địa khi họ đổ xô đi xem Gioan.

1. Có phải họ đi xem cây sậy trong gió rung không? Điều này có thể mang một trong hai ý nghĩa:

a. Dọc bờ sông Giođan có những cây sậy dài và cây sậy bị gió rung là một thành ngữ để chỉ những cảnh thông thường nhất. Khi dân chúng đổ xô đi xem Gioan, phải chăng họ đi xem một cái gì bình thường, bình thường như những cây sậy vẫn bị gió rung bên bờ sông Giođan?

b. Cây sậy bị gió rung có thể chỉ “một người mềm yếu” một người không thể đứng vững trước những ngọn gió thử thách hiểm nguy như cây sậy bên bờ sông không thể đứng thẳng khi gió thổi qua.

Dù dân có đổ vào hoang địa để xem gì đi nữa, chắc chắn họ cũng không đi tìm xem một người bình thường. Sự kiện dân chúng đổ xô đi xem, cho thấy Gioan là người hết sức khác thường, vì không ai lại băng ngàn lội suối vào tận hoang địa để xem một người bình thường như mọi người mình gặp hằng ngày. Dù có đi xem chăng nữa, họ cũng không xem một người chao đảo hèn yếu. Hạng người khom lòng cúi gập mình chẳng bao giờ có thể trở thành người tử đạo. Gioan không phải là một người bình thường cũng không phải là người hèn yếu như cây sậy bị xiêu đổ dưới cơn gió.

2. Có phải họ đi xem một người mặc áo đẹp chăng? Một người như thế phải ở trong cung điện nhà vua và chắc chắn Gioan không phải là một người trong cung điện. Ông không biết tí gì về nghệ thuật lấy lòng vua. Trái lại ông theo đuổi nghề bạc bẽo hiểm nguy của một kẻ can gián vua. Gioan sứ giả của Chúa chứ không phải là triều thần của vua Hêrôđê.

3. Có phải họ đi xem một ngôn sứ không? Ngôn sứ là người rao truyền chân lý của Chúa, là người được Chúa tin tưởng: “Cũng vậy, Chúa chẳng có làm việc gì mà Ngài chưa tỏ sự tín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài là các ngôn sứ” (Am 3,7). Có hai điều về ngôn sứ: đó là người mang sứ điệp của Chúa và là người can đảm nói ra sứ điệp đó. Ngôn sứ là người có sự khôn ngoan của Chúa trong tâm trí, có chân lý của Chúa trong miệng và có sự can đảm của Chúa trong lòng, đó là điều chắc chắn Gioan có.

4. Nhưng Gioan có điểm vượt xa hơn một ngôn sứ. Người Do Thái đã và vẫn tin rằng trước khi Đấng Mêsia đến, Êlia trở lại để loan báo việc Ngài đến. Cho đến ngày nay, khi cử hành Lễ Vượt Qua, người Do Thái vẫn còn chừa một ghế trống cho Êlia “Nầy Ta sẽ sai ngôn sứ Êlia đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Chúa sẽ đến” (Ml 4,5). Vì vậy Chúa Giêsu nói Gioan chính là vị sứ giả từ trời, là nhà tiên phong của Chúa, có nhiệm vụ và đặc quyền loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Gioan là một sứ giả của Chúa và không một người nào có công tác lớn hơn công tác đó.

5. Chúa Giêsu dành cho Gioan những lời ca ngợi chí tình như thế này, Ngài nói về con người đó bằng giọng tán tụng. Trong suốt lịch sử không hề có ai được tôn trọng hơn Gioan, nhưng tiếp đó là một câu bất ngờ “Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.

Đây là một chân lý chung cho mọi đời. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đem đến cho thế gian này một cái gì mới mẻ. Các ngôn sứ là những người vĩ đại và sứ điệp của họ rất quý báu, nhưng sự xuất hiện của Chúa Giêsu làm nổi bật lên một cái gì vĩ đại hơn, một sứ điệp tuyệt diệu hơn. Ông C.G. Monterfiore, một người Do Thái không tin Chúa, viết: “Kitô giáo đánh dấu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử tôn giáo và văn minh nhân loại. Những điều thế giới nhận được từ Chúa Giêsu và Phaolô thật lớn lao. Sự vật và tư tưởng con người không thể nào giữ y nguyên như trước khi hai vĩ nhân này xuất hiện”. Ngay cả một người không tin Chúa cũng phải vô tư thừa nhận rặng mọi việc bây giờ không thể nào giống như trước khi Chúa Giêsu đến.

Nhưng Gioan đã thiếu điều gì? Cái gì người Kitô hữu có nhưng Gioan không bao giờ có thể có? Câu trả lời rất đơn giản và cũng rất căn bản: Gioan chưa hề thấy Thập giá. Vì thế Gioan không thể nào biết được sự mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa. Ông có thể biết về sự thánh thiện của Chúa, có thể nói về sự công chính của Ngài, nhưng ông không bao giờ có thể biết về tình yêu đầy tràn của Thiên Chúa. Nghe sứ điệp của Gioan và đối chiếu với sứ điệp của Chúa Giêsu, không ai có thể gọi sứ điệp của Gioan là Phúc Âm, là Tin Mừng. Ta thấy cái ý trong sứ điệp của Gioan là đe doạ, huỷ diệt; còn Chúa Giêsu thì Thập Giá của Ngài bày tỏ cho người ta thấy chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Điều ngạc nhiên là một Kitô hữu bình thường cũng có thể biết về Chúa nhiều hơn Đấng ngôn sứ thời Cựu Ước. Chúng ta có thể biết nhiều về tấm lòng của Chúa hơn ngôn sứ Isaia, Giêrêmia hoặc các ngôn sứ khác. Người nào thấy được Thập Giá là thấy được cả tấm lòng của Chúa, theo một cách mà không ai sống trước Thập Giá lại có thể thấy được. Chỉ trong Thập Giá của Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, quả thật kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời thì lớn hơn bất cứ người nào trước đó.

Gioan đã phải chịu một thân phận hẩm hiu như một số người là ông chỉ dẫn cho người ta đi đến một chân trời xán lạn mà chính mình lại chưa được đến. Một số người được dùng làm bảng chỉ đường của Chúa, họ chỉ cho người ta đến một lý tưởng mới, một tầm cao mới để người khác bước vào, còn họ thì chưa vào được. Những người đại cải cách có tên tuổi gắn liền với các cuộc cải cách trong lịch sử thường không phải là những người đầu tiên lao thân khổ trí vì những cuộc cải cách đó. Trước khi ông ta xuất hiện trên sân khấu lịch sử, đã có nhiều người đi trước. Những người này không nhìn thấy vinh quang của cuộc cải cách nhưng đã đổ công sức, đôi khi đã chết vì nó. Có một người kể lại quang cảnh mà ông ta thường thấy qua cửa sổ nhà ông ta mỗi tối. Đêm nào ông cũng chờ mong người thắp đèn đi dọc theo con đường để đốt những ngọn đèn, nhưng người đốt đèn lại là người mù. Ông ta mang ánh sáng đến cho mọi người mà chính ông ta lại không bao giờ thấy được.

Đừng ai thất vọng (dù trong Hội Thánh hay trong bất cử nẻo đường nào của cuộc đời), nếu những điều mơ ước và theo đuổi không thực hiện được trước buổi xế chiều của đời mình. Thiên Chúa cần Gioan, cần những người làm dấu chỉ đường để cho người khác biết đường, mặc dầu chính họ không đạt đến đích. Chỉ có người khác một mục tiêu, dù chính mình chưa đạt đến mục tiêu đó, là một phận sự lớn lao trong đời sống.

7. Chú giải của Noel Quesson

Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm.

Trong diễn biến của Tin Mừng của ông, Matthêu bốn lần nói về Gioan Tẩy Giả... và luôn có liên quan với Đức Giêsu.

Mt 3,1-7 Gioan Tẩy Giả rao giảng "Nước Thiên Chúa" và làm phép rửa cho Đức Giêsu …

Mt 4,12 Việc bắt giữ Gioan Tẩy Giả, người định đoạt cho Đức Giêsu “khởi đầu”…

Mt 11,2-18 Gioan từ trong ngục, đặt những câu hỏi về Đức Giêsu và Đức Giêsu đặt những câu hỏi về Gioan cho đám đông. Đó là đoạn chúng ta đọc hôm nay:

Mt 14,1-13 Cái chết của Gioan, loan báo phần thứ hai của sứ vụ của Đức Kitô.

Ông liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?"

Chính với lòng nhiệt thành mà Gioan trông đợi Đấng Mêsia. Chúa nhật trước chúng ta đã thấy sự sôi sục của quần chúng đã được khơi dậy do tiếng "kêu' của ông, do “Tin Mừng” của ông: "Nước Trời đã gần kề!".

Thế mà này đây là Gioan, bây giờ do dự, nao núng. Có lẽ ông ta sẽ không lầm lẫn chăng? Cái "hoài nghi” này có gây xúc động như thế ư? Và chúng ta cố đặt vào địa vị của Gioan. ông đang ở trong ngục, trong cái chiến lũy Macheronte, một cái pháo đài, khiếp đảm và kiên cố của Hêrôđê xây dựng chắc chắn vào một mỏm núi đá của hoang mạc Mô-áp, phía đông Biển Chết. ông ta có giờ để suy nghĩ. Đó là một tù nhân bị giam trong bốn bức tường. Đây là cái thử thách khủng khiếp nhất: "đức tin" bị nao núng... Một thứ tiếng kêu phá hoại khơi gợi ông ta: "tất cả chuyện gì anh tin cho tôi giờ, đều sai lầm cả... Giêsu của anh đâu phải Đấng Mêsia, ông ta không có khả năng giải thoát mi ra khỏi ngục.

Vâng, Gioan Tẩy Giả, vừa nghĩ đến những dòng dõi cứu thế thời mình, vữa chờ một Mêsia chiến chúng: một Đức Ki tô của dòng Đa-vít, Đấng được Xức Dầu của Thiên Chúa, Đấng có lẽ giải phóng Do Thái khỏi tay quân thù... một Đức Kitô siêu việt, Con người mà Đanien loan báo, đến từ đám mây trời để phán xét tất cả những kẻ dữ của hơi thở từ miệng người". Và dó chính lâ Mêsia mà Gioa đã loan báo những đám người ở hoang mạc: viên quan xét đã có sẵn chiếc rìu trong tay để chặt hết tất cả cây nào không sinh trái, người xay lúa cầm sẵn cái nia để rê trấu khỏi lúa mì.

Sự thất vọng? Đức Giêsu đang làm thất vọng. Thiên Chúa đang làm thất vọng. Thiên Chúa cũng hay làm thất vọng chúng ta. Người không phải như chúng ta tưởng tượng. Thiên Chúa làm cho Người ta chưng bứng. Và như Gioan Tẩy Giả, chúng ta cứ tiếp tục mong ước rằng Thiên Chúa làm theo "ý muốn của chúng ta" và giống như hình ảnh mà chúng ta tạo ra về Người. Bạn hãy nói cho tôi biết tại sao Thiên Chúa lại để cho vị tiên báo của Người vào tù? Tại sao Thiên Chúa không bênh vực các bạn hữu của Người? Tại sao Thiên Chúa lại, không giải thoát cho không người bị tù tội vì Người? Tại sao dường như Thiên Chúa luôn luôn bị những kẻ thù của mình chiến thắng? Tại sao, Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ của Thiên Chúa lại bị Hêrôđê khóa miệng lại? Tại sao Lời Chúa lại "quá lặng lẽ thế?

Tại sao Chúa ơi, Chúa yên lặng, khi có biết bao người đang cáo giác người? Tại sao có biết bao điều xấu, biết bao đau khổ, biết bao chết chóc trong vạn vật thụ tạo? Lạy Chúa, hôm nay, xin Chúa trả lời cho chúng con hay Chúa có phải là Đấng đem đến cho chúng coi mềm vui, sự sống và hạnh phúc không hay chúng con lại phải đợi một người khác?

Chúng con có phải tiếp tục tin vào Chúa không, hay chúng con phải khước từ Chúa để chúng con hiến mình cho những người khác? Khủng hoảng đức tin. Những nhà lao tối tăm ở Macheronte. Đêm tăm tối của Gioan Tây Giả.

Đức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi đặt ra. Người không nói "Tôi là Người phải đến". Người không cho một giải pháp có sẵn. Người gợi cho người chất vấn phải tự mình tìm câu trả lời cho vấn đề mình đặt ra.

Đức Giêsu, Đấng Mêsia làm cho người ta chưng hửng, dẫn lại những đoạn Kinh Thánh, lấy trong ngôn sứ Isaia (Is 26,19; 29,18; 35,5; 61,1). Khi đắn đo kể những đoạn này, hơn là các đoạn khác, Đức Giêsu cho thấy Người đã chọn là "loại Mêsia nào": Thiên Chúa Đấng đã sai Người đến không tỏ mình ra qua những cử chỉ của quan xét và của người hiếu thắng, nhưng bằng những cử chỉ tốt lành đối với những người thất thế và người đau khổ: mù lòa, què quặt, phong cùi, điếc lác... Và ý nghĩa sâu xa của hành động chữa lành này được thấy rõ trong hai việc lành sau cùng được nói lên: ‘cái chết’ bị đánh bại... người nghèo được rao giảng Tin Mừng... Đấy chính là niềm vui mới!

Những câu hỏi mà chúng ta đặt ra về Gioan Tẩy Giả, những hoài nghi mà chúng ta có về Chúa, thì bây giờ chính chúng tại đem ta trở lại với "chính ta": bạn đã cáo giác Chúa, bạn làm gì trên thế gian này để giúp đỡ những người đau khổ, để giải phóng những người bị đè nén, để làm cho số phận của các anh chị em ta trở nên tốt hơn?

Dấu hiệu đích thực là Thiên Chúa ở đó, và Nước Người đã bắt đầu, chính khi có tình yêu! Chúng ta ‘không phải đợi một ai khác nữa’.

Câu trả lời của Đức Giêsu cho Gioan Tẩy Giả phải trở nên một câu hỏi khẩn thiết đối với mỗi Ki tô hữu, và đối với Giáo Hội nói chung: Giáo Hội hôm nay, Người có là cộng đoàn tình yêu của Đức Giêsu và của "Tin Mừng của Người cho người nghèo không hay chúng tôi phải chờ đợi một Giáo Hội khác nữa? Và bạn, bạn có tự hiến thân cho những người thấy bạn sống những dấu chỉ của Đức Giêsu không? Đón tiếp, ủi an, cứu vớt, yêu thương.

Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi

Bản văn Hy Lạp nói ở đây: "Phúc cho ai không bị làm gương mù vì tôi”. Tiếng "skandalon" là hình ảnh gợi ra viên đá trên đường mà người nào cũng dẵm lên. Đức Giêsu, nhờ những dấu chỉ bất ngờ Người đưa ra, có thể trở nên một cơ hội "vấp ngã" đối với chính Gioan Tẩy Giả. Điều nghịch lý. Người rao giảng, hôm Chúa nhật trước, đã mời các đám đông người sám hối ở trên bờ sông Giođan, bây giờ được mời để tự Sám hối. Vâng, Gioan Tẩy Gỉa được mời đi tới một đức tin sâu xa hơn. Vị tiền hô được mời để tin vào Thiên Chúa, ngay trong cảnh tù đầy, bằng cách chấp nhận như một lối thoát khỏi cảnh tù đày này mà không phải là sự cứu thoát bởi một Thiên Chúa toàn năng... những cái chết của mình, hiệp thông với cái chết, chẳng bao lâu nữa, của Đấng Mêsia trên thập giá. Lòng tin của chúng ta cũng thế, không phải là một "sự vật" chiếm hữu lấy một lần thay cho tất cả. Thật là tốt cho chúng ta biết mấy khi thấy một người khổ tu, một vị thánh, "ngôn sứ vĩ đại nhất"... được mời để làm cho đức tin lớn lên, được mời để không bị "vấp phạm" vì Đức Giêsu.

Họ đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

Đức Giêsu bây giờ khen ngợi Gioan Tẩy Giả.

“Giêsu, ông là ai? Đức Giêsu hỏi đám đông. Đám đông không trả lời chi cả. Yên lặng. Dẫu vậy câu hỏi của Đức Giêsu trở nên sống động, tiến lên từng nấc, nhắc lại ba lần: một cây sậy? một ông hoàng? một ngôn sứ? A không! Người không phải là cây sậy bị cơn gió nào cũng làm lung lay, người đàn ông chốn hoang địa này đáng phải vào tù vì thái độ cương nghị của ông: đó là một người can đảm (Gr 1,10-17). A, không, ông không phải là người tinh tế, có khả năng sống trong sự dễ dãi, người đàn ông này mặc áo da súc vật như Êlia (2 V 1,8). Đức Giêsu nói: Đó là một ngôn sứ, và còn hơn là một ngôn sứ.

Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến

Như trong phần thứ nhất, để xác định căn tính của Đấng Mêsia ở đây Đức Giêsu dẫn một lời Kinh Thánh để xác định căn tính của Gioan. Và đó là đoạn sách Malakhi (3,1). Nhưng Đức Giêsu đã sửa nguyên văn của Cựu ước, và điều này rất có ý nghĩa Malakhi đã viết: "Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta". Trong đoạn này chỉ có hai nhân vật: Thiên Chúa và sứ giả của Người.

Đức Giêsu -khi giải thích đoạn trích dẫn, đặt vấn đề ba nhân vật: Thiên Chúa, sứ giả đi dọn đường, và Đấng sẽ đến”; tức là Đấng mà Thiên Chúa xưng là cha con: “trước mặt Con!". Khi Đức Giêsu dẫn Kinh Thánh, người cho mình như Đấng Mêsia đã được loan báo. Và vì thế, Người đi dọn chỗ dùng kỹ xảo với nguyên bản: Malakhi tập trung vào người sứ giả Đức Kitô chú trọng đến "Đấng chuẩn bị sứ giả". Như thế bằng cách bày tỏ cho đám đông hiểu căn tính sâu xa của Gioan Tẩy Giả, thì Đức Giêsu còn tỏ cả căn tính của mình.

Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

Chúng ta lặn ngụp, một lần nữa, vào trong ý thứ mà Đức Giêsu có về bản thể sâu xa, và vai trò của Người trong lịch sử Đức Giêsu có ý thức khơi động một thay đổi lịch sử thật sự. Có "trước" người và "sau' người. Lịch sử thế giới đang ở một bước ngoặt. Nếu Đức Giêsu Nagiarét này chỉ là một anh dân làng nhỏ bé kiêu kỳ, thì cuộc phiêu lưu của Người sẽ không kéo dài. Điều đó có lẽ không đúng, nhưng cuộc phiêu lưu lại kéo dài liên miên. Đức Giêsu đã dứt khoát và thực sự chia cắt lịch sử làm hai. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với Người. Và Đức Giêsu có thể nói thực sự rằng con người thánh thiện nhất, vĩ đại nhất của Cựu ước, còn là người bé nhỏ hơn người Kitô hữu hèn mọn nhất của kỷ nguyên mới bắt đầu... Một cách nghịch lý chúng ta đi vào thời đại của "những người bé mọn": tự khi Thiên Chúa nhập thể làm "đầy tớ", thì sự vĩ đại quyền lực, chính là trở nên "bé mọn". Trong khi chịu thử thách, Gioan đã học được điều đó.

8. Chú giải của Fiches Dominicales 

HÃY THUẬT LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ NGHE

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Vào một khúc quanh quyết định, một cuộc đối thoại kỳ lạ:

Phúc âm Chúa nhặt vừa qua trích dẫn thời gian đầu của sứ vụ của Gioan Tiền Hô, chương thứ bốn Phúc âm thánh Matthêu. Ông loan báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Đấng đến sau tôi thì quyển thế hơn tôi. Đốt giai đoạn, sách bài đọc hôm nay đưa chúng ta đến chương thứ 11 của thánh Matthêu, nơi diễn ra cuộc đối thoại kỳ lạ giữa vị tiên tri vùng hoang địa và Đức Giêsu. -Thực ra Gioan đang ở trong tù (xem 4,12). Trong khi chờ đợi trả giá sự can đảm bằng chính mạng sống mình, ông đành mất tự do vì đã tố cáo phẩm hạnh xấu của Hêrôđê Antipas, con của Hêrôđê Cả (ông ta sống với nàng Hêrôđiađê, là vợ của Philipphe, anh ông ta: 14,4-5). Về phương diện thể xác, ông từ từ tự xoá mình đi trước Đấng mà ông đã nhận lãnh sứ mạng loan báo đang đến. Còn Đức Giêsu, sau nhiệt tình ban đầu của cuộc đời công khai, Ngài đã có kinh nghiệm đau đớn về tính hay thay đổi của những đám đông xứ Galilê. Lời giảng dạy của Ngài, thôi thúc thính giả phải chọn lựa, phải quyết định, đã gây chia rẽ về con người của Ngài. "những công trình" của Ngài không phải là những việc mà cách chung người ta chờ đợi nơi Đấng Cứu Thế! Và sự đối lập căng thẳng sẽ buộc Ngài phải khôn ngoan rút lui. Chính ở khúc ngoặt quyết định này, đối với Đức Giêsu, cũng như với Gioan Tiền Hô, mà tác giả Phúc âm đã đặt cuộc đối thoại kỳ lạ, qua trung gian những người được sai đến.

2. Câu hỏi của một tiên tri bị hoang mang:

Như chúng ta thấy trong Chúa nhật vừa qua, Gioan Tiền Hô không ngừng loan báo việc Đấng Cứu Thế sẽ đến, "sức mạnh của Ngài giáng xuống" như sấm sét. Nhưng thái độ của Đức Giêsu rất không phù hợp với những lời khuyên bảo nghiêm khắc của ông. Không hề có ý định tiêu diệt những người tội lỗi, Ngài đi từ làng này sang làng khác, mở rộng đôi tay đón nhận tất cả những cảnh khốn khổ cùng quẫn của con người, chữa lành bệnh nhân (8 và 9), tha thứ tội lỗi (9,l-8), kêu gọi một người thu thuế bước theo Ngài (9,9), đồng bàn với những người tội lỗi (9,10). Khác xa với vị quan toà đáng sợ mà Gioan đã loan báo, Đức Giêsu xuất hiện như người tôi tớ kín đáo, người ta không nghe tiếng Ngài trên quảng trường, Ngài không bẻ gãy cây sậy bị giập nát và không làm tắt tim đèn còn bốc khói (12,19-20). Ở đây Gioan đối đầu với cớ vấp phạm (scadale), nghĩa là đối đầu với một chướng ngại có nguy cơ làm ông sụp ngả. Một Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, khiêm nhường và đau khổ, khác xa với Đấng mà ông đã loan báo. Đó là thử thách đức tin của ông: đang chờ đợi một sự biểu lộ công bình, thì ông lại gặp lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, từ trong tù ngục Machéronte, từ đáy sâu suy tư mà hoàn cảnh đã nhận chìm ông vào, Gioan, vị tiên tri bị hoang mang, đã sai các môn đệ đến đặt cho Đức Giêsu câu hỏi từ lâu thiêu đốt tâm hồn và môi miệng ông: ông có phải là Đấng phải đến (một sự chỉ định Kitô-giáo về Đấng Cứu Thế, lấy từ Thánh vịnh 118,26), hay chúng tôi còn phải chờ đợi "một Đấng khác?”

3. Câu trả lời của một Đấng Cứu Thế gây hoang mang.

Đức Giêsu trả lời trong hai hồi. Trước hết là nói với chính Gioan. Sau đó, là nói về Gioan. Trong hồi thứ nhất, Đức Giêsu gởi gắm một sứ điệp cho những người được Gioan phái đến: "Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được loan báo Tin mừng. Một sứ điệp diễn tả những hoạt động từ thiện của Đức Giêsu ưu ái dành cho đám đông. Một sứ điệp thực sự đưa Gioan Tiền Hô về lại với những lời loan báo tiên tri của sách Isaia; đặc biệt là Is.35 của bài đọc thứ nhất Chúa nhật hôm nay: "Bấy giờ "mắt người mù sẽ mở ra và tai người điếc..., và Is.61: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi Ngài sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó”. Như A.Marchadour giải thích điều đó rõ ràng trong một tác phẩm mới xuất bản: "Trong kinh nghiệm của dân Israel, phép lạ được định vị chủ yếu trong thời gian cuộc Xuất Hành... Dân Israel hy vọng rằng, những dấu lạ này sẽ lại đến trong thời gian sau hết, khi Thiên Chúa còn gần gũi với dân Ngài và sẽ bày tỏ điều đó ra bằng những dấu chỉ: "Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, và tai người điếc sẽ nghe được. Bấy giờ người què sẽ nhảy lên như nai, và lưỡi người câm sẽ kêu lên vui mừng! Bởi vì, nước sẽ chảy vọt ra trong hoang địa và thác sẽ trào dâng trong thảo nguyên (Is 35,5-6). Đó là điều mà Đức Giêsu và Giáo Hội kế tiếp Ngài sẽ hiểu (xem 7,18,23). Chỗ đứng quan trọng của các phép lạ thời Đức Giêsu (và cũng một phần trong thời Giáo Hội sơ khai) là sự hoàn thành của thời gian sau hết (Les Evangiles au feu de la critique", Bayard Editions, Centurion 1995, trang 120-121).

Như vậy thời gian viên mãn đã đến; Đấng Cứu Thế được mong đợi đã đến. Nhưng còn phải phân định những dấu chỉ của sự hiện diện của vương quốc, và, như vậy là, như J.Radermarkers dã viết: chấp nhận được kể vào số những người mù được nhìn thấy, người câm điếc được nghe, người nghèo được Phúc âm hoá (‘Au fil de l’évangile selon saint Mathieu’ trang 154). Sau cùng, Đức Giêsu nói với Gioan: "Phúc cho ai không vấp phạm vì Ta. Nói khác đi, phúc cho ai sẽ vượt qua chướng ngại, sẽ phá vỡ cạm bẫy được giương ra, sẽ không vấp ngã? Ngoài Gioan, một thứ phúc thật có thể được áp dụng cho tất cả các tín hữu, cho mỗi người chúng ta.

- Sau khi các sứ giả trở về trại giam (pháo đài) Machéronte, sang hồi thứ hai, Đức Giêsu, đối chiếu sứ vụ của Gioan với sự vụ của mình, đã khen ngợi Gioan Tẩy giả. Nếu những nhân chứng tuốn về phía con người của sa mạc.

• Không phải là đến để xem "cây sậy phất phơ trước gió" trên bờ sông Giođan, một con người nhu nhược ngả nghiêng trước gió: can đảm trong việc giảng thuyết, Gioan đã tỏ ra không nao núng trong nghịch cảnh và cơn bách hại.

• Cũng không phải là để đi xem. "một người mặc y phục sang trọng", một nhân vật trần thế: nhà khổ hạnh của sa mạc mặc y phục của tiên tri Êlia, vị tiên tri được mong đợi trong thời sau hết, kẻ phải đến trước Đấng Cứu Thế;

• Chính là để đi đến với "một vị tiên tri", và Đức Giêsu khẳng định: "còn hơn một vị tiên tri nữa": ông là "vị sứ giả" cuối cùng, được tiên tri Malachia loan báo (3,1), "kẻ dọn đường", Đấng tiền hô. Theo nghĩa đó, ông là vi tiên tri lớn nhất trong các tiên tri, bởi vì ở nơi ông, tất cả sự trông đợi được diễn tả qua truyền thống các tiên tri đã đạt đến đích điểm: Đức Giêsu long trọng tuyên bố: "Giữa con cái loài người, không ai lớn hơn Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, ngay lập tức Ngài nói thêm một cách ngược đời: "người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông ta". Cl. Tassin diễn giải: "Theo lịch sử nhân loại, không có ai lớn hơn ông. Thế nhưng, người bé nhỏ nhất, trong các Kitô hữu lại vượt qua ông trong phẩm cách, với tư cách là thành viên của một vương quốc đảo ngược những tiêu chuẩn nhân loại và ưu đãi những người bé mọn" (“L'evangile de Matthieu, Centurion, trang l22).

BÀI ĐỌC THÊM

1.”Những dấu chỉ của sự hiện diện nước Thiên Chúa không có ly kỳ"

Người ta chờ đợi một người làm sáng tỏ công lý không biết thương xót và ở đây lại là một vị chuyên chữa thân xác, một lương y của các tâm hồn. Người ta đã loan báo sự báo oán của Thiên Chúa, thế mà ở đây lại là lòng thương xót được trao ban với sự dịu hiền và khiêm nhường. Một nhà giải phóng kỳ lạ và rất khác biệt với dung mạo được tiên báo!... "ông có phải là Đấng phải đến hay là chúng tôi còn phải đợi một người khác. Đấng tiền hô sẽ thoả mãn với những dấu chỉ và bằng chứng. Thế nhưng ở đây, không phải là vinh quang rực rỡ, cũng không phải là sự báo oán thẳng tay. Cũng không là một lời giải đáp cho những hy vọng chính trị, tôn giáo, ái quốc của một số đông. Đấng Cứu Thế đang ở đó sự giải phóng đã bắt đầu. Nước Thiên Chúa đã khai mào. Một cách khác. Bất thình lình. Không ngờ. Đức Kitô thực sự không đáp ứng dễ dàng những tiêu chuẩn tự nhiên, những cái nhìn quá chật hẹp và quá khô cứng bởi những lợi lộc vật chất trần tục của chúng ta. Nếu Gioan đã có thể hồ nghi, điều này cũng dễ hiểu, thì những người khác đã hiểu ngay tức khắc, dù Thiên Chúa thinh lặng: những người được chữa lành, những người được thanh tẩy, những người được biến đổi và đám đông những người nghèo hèn này sau cùng được nhìn với sự yêu thương, được xem như là những con người được hoàn toàn ưu ái, con cái của vương quốc, những người thừa kế thực sự. Có thể là họ không biết tất cả những sắc thái của các lời tiên tri, không biết đến cả ngàn thứ quy định của Lề Luật, dù là thuộc về giáo thuyết phụng vụ hay luân lý. Họ không có kiến thức khoa học, không quyền bính, không tiền bạc và không cả sự kính trọng. Phúc cho "những con người bé nhỏ này", nghèo túng rất nhiều thứ, nhưng lại giàu sự hiểu biết của con tim. Họ hiểu biết mà không xét nét, và đã trở nên bằng chứng sống động của sự thâm nhập của một thế giới khác. Những nhân chứng đầu tiên còn lớn hơn cả Đấng tiền hô nữa.

Những dấu chỉ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và của Đấng Cứu Tinh không cố gì là ly kỳ cả. Trái lại, kín đáo và ẩn giấu trong khối bột của đời sống thường ngày, chúng dễ dàng lướt qua, không ai để ý. Những bằng chứng về tính đích thực không bị đông cứng lại trong những tuyên bố những nguyên tắc, những đe doạ và những vạ tuyệt thông ầm ĩ, cũng không có trong sự rõ ràng của những tín điều được công bố. Chính Đức Giêsu từ chối trả lời cho đấng tiền hô qua việc giới thiệu những danh hiệu của Ngài, cho những thái độ khiêu khích gây kinh ngạc, đụng chạm và chia rẽ của Ngài. Những bằng chứng ư? Những cử chỉ yêu thương và tha thứ, bằng chứng của một tinh thần rộng mở và luôn luôn niềm nở, một trái tim không biên giới, một sự hoàn toàn kính trọng tất cả mọi người, một sự say mê chân lý và công bình, một sự trung thành không ngừng bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa và của con người. Thiên Chúa và con người không thể tách rời nhau.

2. “Mở mắt mở tai… tâm hồn”

Tìm kiếm sự phi thường, kỳ diệu luôn luôn là một cám dỗ; còn tế nhị hơn nữa, tìm kiếm sự thành công, sự kính trọng, lòng khao khát lôi cuốn sự chú ý, thủ đắc uy tín xã hội cho chúng ta hay cho Giáo Hội. Chúng ta muốn gây một ấn tượng tốt, nếu có thể gây nên cảm giác, muốn giới thiệu nhưng dấu chỉ như là những thư giới thiệu. Thế nhưng, những dấu chỉ đích thực của Đấng Thiên Sai lại chiếu cố đến những người bé mọn, những người bệnh tật, nhưng người nghèo. Vì thế, dấu chỉ của ơn cứu độ thường được giấu kín, không hiểu thấu được. Để có thể thấy được, phải tìm kiếm, phải chú ý, lắng nghe và nhìn xem: "Hãy đi báo cho Gioan những gì các ông nghe và thấy”. Đang ở trong tù, Gioan vẫn theo dõi những gì người ta nói về Đức Giêsu: ông sai các môn đệ đến với Đức Giêsu để phỏng vấn Ngài: Cũng phải mở rộng con tim để hiểu: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Chính những dấu chỉ phải đương đầu với sự mâu thuẫn. Quả thật người ta có thể bỏ qua, quả thật người ta có thể thấy chúng "không có gì đáng kể", hay người ta có thể lầm lạc khi tìm kiếm những việc phi thường. Để nhận ra Đức Kitô, phải mở mắt, mở tai... và mở con tim nữa.

3. “Phép lạ, dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người"

"Không được cô lập phép lạ ra khỏi toàn bộ Phúc âm. Đó là phần chính yếu của sứ mạng Đức Giêsu. Có nghĩa là, ơn cứu độ do Đức Giêsu đem đến không phải chỉ là Tin Mừng suông, một sự hiểu biết giúp thoát khỏi sự tối tăm ngu dốt, và chuyền thông một kiến thức mới về Thiên Chúa; nhưng đó cũng là một sự giải phóng thân xác, một sự khôi phục toàn diện cho những người què quặt cho những người sống bên lề, cho những người bị đánh mất chính mình (bị ám ảnh bởi một người khác), cho những ngườibị loại trừ ra khỏi xã hội. Phép lạ tượng trưng cho một chương trình cứu độ, chịu trách nhiệm về những thực tại thân xác, vật lý, thiêng liêng và xã hội của con người. Phép lạ luôn luôn xuất hiện như một sự phản kháng, chống lại một trạng thái nào đó của những sự vật một sự từ chối chống lại tai ương, dù là sinh vật học, thiên nhiên hay xã hội. Người có ơn đoàn sủng là người vượt qua những ranh giới và giúp cho người khác vượt qua những ranh giới đó. Có thể chúng ta chạm ngón tay vào một nét lớn của phép lạ, là phải nắm giừ lại khi chúng ta tự hỏi về tính thời sự của phép lạ. Ngày nay, chúng ta ít thấy những phép lạ thuộc loại sinh vật học; tuy nhiên, phải tự hỏi về những vươn lên, những vượt qua các giới hạn mà chúng ta được mời gọi. Phép lạ giả thuyết hai người nghèo túng: người thứ nhất là Đức Giêsu, "Ngài là Đấng vốn giàu có đã tự trở nên nghèo hèn vì anh em" (2Cr 8,9). Người thứ hai là người đón nhận dấu chỉ của Đức Giêsu, là người khốn quẫn đến nỗi đã để cho sức mạnh của Đức Giêsu hành động trên chính mình và qua chính mình".

9. Đấng phải đến

Ngài có phải là Đấng sẽ đến. Câu hỏi của Gioan làm cho chúng ta ngạc nhiên và phân vân hay là chính Gioan cũng nghi ngờ không biết Đức Kitô có phải là Đấng Thiên sai hay không? Chắc hẳn không phải là như vậy, chúng ta hãy nhìn vào con người và cuộc đời của Gioan sẽ rõ.

Ngày sinh của ngài đầy những việc lạ lùng nói lên sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Cuộc sống nơi hoang địa đầy những khắc khổ mặc áo da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng. Người ta đến để nghe Gioan, thì ông đã không đem lại một sự khen ngợi ủi an, lời lẽ của ông thì ngăn đe và cảnh cáo: Hỡi nòi rắn độc. Cái rìu đã đặt dưới gốc, cây nào không sinh trái sẽ bị chặt và quăng vào lửa.

Ông đã miễn cưỡng ban phép rửa cho Chúa Giêsu vì ông nghĩ rằng mình không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Ông đã giới thiệu Đức Kitô là con chiên Thiên Chúa sẽ xóa bỏ tội lỗi trần gian.

Qua những sự kiện ấy, nếu ông nghi ngờ Đức Kitô thì đó là điều không thể nào chấp nhận được. Ông đã được Chúa Giêsu khen ngợi là người cao trọng nhất trong số những con cái của người nữ sinh ra. Chẳng lẽ ông lại là một kẻ đa nghi và thiếu lòng tin tưởng? Sự thật là như thế này: Gioan có một lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa Giêsu, nhưng còn các môn đệ của ông thì chưa được xác tín cho lắm, vì thế ông muốn soi dẫn và tạo hoàn cảnh để họ nhìn rõ, nghe kỹ và tự nhận ra Ngài là Đấng Thiên sai đã được tiên báo từ hàng trăm năm về trước.

Đức Kitô đã hiểu được ý nghĩ thâm sâu của Gioan và Ngài muốn tế nhị chứng thực điều đó. Tiên vàn Ngài đã chữa lành các bệnh tật trước sự quan sát của những người được sai đến, rồi Ngài nói với họ: Các ngươi hãy đi thuật lại cho Gioan biết những điều đã nghe và đã thấy: người mù được xem, kẻ què được đi, người phong hủi được lành sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và Tin Mừng được rao giảng cho những người nghèo khó.

Đó chính là dấu chỉ của vị Thiên Sai mà các tiên tri, nhất là Isaia đã đề cập đến. Thực vậy, Ngài đã làm các phép lạ, để biểu lộ quyền năng và sứ mạng của Ngài xuất phát từ Thiên Chúa. Từ trước đến nay chưa một ai có thể chữa lành bệnh cùi và cho người chết sống lại. Hơn thế nữa, tiên tri Isaia cũng bảo Tin Mừng được rao giảng cho người nghèo khó, Đức Kitô đã giảng dạy cho mọi người không trừ một ai, từ những người giàu sang quyền thế, đến những kẻ túng cực và bất hạnh, Ngài đã đặc biệt lưu ý tới hạng người thứ hai này, vì nhiều lần Ngài đã phán: Tất cả những gì các con làm cho một trong số những kẻ bé mọn nhất là các con đã làm cho Ta.

Ngài đã hướng dẫn dân chúng tới những chân lý cao siêu bằng những ngôn từ đơn sơ, rõ ràng, bằng những hình ảnh sống động và cụ thể… Chính nhờ đó mà các môn đệ của Chúa không còn nghi ngờ gì nữa. Con người này, Đức Kitô thành Nagiarét chính là Đấng Cứu Thế thiên hạ đợi trông. Khi các người được Gioan sai đến đã trở về. Chúa Giêsu nói với dân chúng: Các ngươi vào sa mạc để làm gì? Để tìm gặp một vị tiên tri.

Vị tiên tri ấy chính là Gioan, ông đã can đảm nói lên sự thật, đã trình bày cho mỗi người biết bổn phận của mình, và bây giờ ông đang bị tù tội. Ông còn cao trọng hơn một vị tiên tri nữa vì Kinh Thánh đã nói về ông. Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con để dọn đường cho con. Gioan chính là người đã được Chúa sai đi dọn đường trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Ông được đặc ân chiêm ngưỡng Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người. Hãy lắng nghe và thi hành sứ điệp mà Gioan gửi đến, để nhờ đó chúng ta cũng nhận biết Chúa trong mùa Giáng Sinh này.

10. Phi thường

Tể tướng lưng gù là một câu chuyện huyền thoại về một vị tể tướng có hình thể dị dạng bị gù lưng, nhưng rất anh minh trong việc trị nước.

Chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh: Lưu Dung là con của một thầy giáo, sở học và thú đánh cờ đều giỏi như nhau. Tiểu thư Hà là con gái của vị tể tướng trong triều vừa xinh đẹp, vừa cao thủ cờ tướng, được rất nhiều người yêu mến, trong đó có cả nhà vua. Tiểu thư lá ngọc cành vàng ấy chỉ lấy làm chồng người nào vô địch trong cuộc tỉ thí cờ do cô mở ra. Đúng lúc Lưu Dung về kinh thi trạng nguyên và chàng đã lấy được người đẹp. Sau đó lại thi đỗ trạng nguyên, được làm tể tướng.

Tuy hình thù dị dạng nhưng tể tướng họ Lưu là một người coi trọng công bằng và chính nghĩa. Ông đã lật tẩy nhiều thói hư tật xấu của bọn tham quan, hương lý. Ông trở thành vị cứu tinh của dân nghèo, những người bị hà hiếp và bị đàn áp. Tuy ở địa vị tể tướng nhưng ông lại dùng mưu lược nhiều hơn là vũ lực để đối nhân xử thế, nên ông được dân chúng đặt trọn niềm tin.

Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một Gioan Tẩy giả có cuộc sống rất dị thường nhưng lại làm được những việc phi thường: Ông chỉ mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng. Con người khổ hạnh ấy lại kiên quyết ngăn cản vua Hêrôđê không được lấy chị dâu là nàng Hêrôđia làm vợ. Chính vì lòng can đảm thi hành vai trò ngôn sứ ấy, mà ông đã bị bạo chúa Hêrôđê bắt giam trong tù.

Hôm nay, từ chốn lao tù ông đã sai các môn đệ của mình còn ngờ vực về sứ mạng Thiên Sai của Đức Giêsu, để hỏi Người rằng: “Thầy có đúng là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” (Mt 11,3). Đức Giêsu không muốn chứng minh sứ mạng của mình bằng lời nói, nhưng Người đã trả lời bằng việc làm, mà chính việc làm này đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về Đấng Thiên Sai: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được loan báo Tin Mừng”.

Đây chính là một cuộc hành trình đức tin của Gioan, của các môn đệ ông, và cũng là của mỗi người chúng ta. Con đường đến với đức tin không phải là con đường tơ lụa, mà là con đường đau khổ. Con đường ấy đi từ vùng tối tăm tới miền ánh sáng, từ dấu chỉ hữu hình đến thực tại vô hình, từ các phép lạ đến quyền năng siêu việt của Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu. Con đường không dẫn người ta đến Rôma vinh hiển, Athêna thông thái, Babylon kiều diễm, hay Giêrusalem thành thánh… Nhưng đưa họ đến một góc nhỏ của thôn nghèo Nadarét, để thấy một con người khiêm hạ, một cuộc đời ẩn dật, một trái tim yêu thương, và một cái chết ô nhục trên thập giá: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

Trước dáng vẻ bề ngoài xem ra tầm thường đó, có một con người không những chẳng hề vấp phạm; trái lại, can đảm bất khuất đóng xuất sắc vai trò tiền hô cho Người: “Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,10). Đó chính là Gioan Tẩy Giả, người được Đức Giêsu khen ngợi: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ chưa từng có ai cao trọng hơn ông” (Mt 11,11a).

Ông cao trọng vì ông là ngôn sứ chuẩn bị gần nhất cho Tân Ước, vì ông đã được nhìn thấy Đấng Cứu Thế và tin vào các việc Người làm, và nhất là vì ông mang một sứ mạng cao cả. Tuy nhiên, Gioan vẫn còn ở bên bờ của Cựu Ước, nên Đức Giêsu mới nói tiếp: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11b). Đây chính là một niềm vinh hạnh cho chúng ta, những người sống trong thời Tân Ước, vì Cựu ước chỉ là thời chuẩn bị, còn Tân Ước mới là lúc ban ơn cứu độ.

Được may mắn sống trong thời cứu độ của Tân Ước cũng có nghĩa là chúng ta đang mang trên vai sứ mạng cứu rỗi.

Nếu Đấng Cứu Thế đã đến với chúng ta trước để cứu độ chúng ta, lẽ nào chúng ta lại không tận tình cứu giúp anh em.
Nếu Đấng Cứu Thế đã muốn xây dựng thế giới này thành một cộng đoàn yêu thương, lẽ nào chúng ta lại sống trong hận thù ganh ghét.

Nếu Đấng Cứu Thế đã luôn ở với chúng ta mặc dù chúng ta không luôn luôn sống với Người, lẽ nào chúng ta lại không sống thuận hòa với nhau.

Sống Mùa Vọng có nghĩa là trong trí ta phải thấy một rừng lửa rực cháy yêu thương, và trong tim ta phải vang lên một tiếng gọi lên đường.

11. Một đức tin luôn luôn đứng vững (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Gioan Tẩy Giả biết mình là sứ giả đi trước Đấng Cứu Thế và vào thời ngài còn làm phép rửa tự do trong giòng sông Giorđanô, ngài đã tuyên bố Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa. Nay ở trong tù dường như ngài có một thoáng hồ nghi. Ngài biết số phận mình lệ thuộc ở lòng thù hiềm của một người đàn bà muốn ngài phải chết. Có thể là ngài bị cám dỗ ngã lòng, trong đêm lâm nạn. Điều đó càng dễ hiểu, vì các môn đệ ngài còn bối rối hơn ngài nữa. Những giờ phút trong sáng khi ngài và Chúa Giêsu gặp nhau bên giòng sông Giorđanô, bây giờ dường như đã chìm sâu trong đêm đen của cơn thử thách. Cần phải hỏi Chúa Giêsu. Chúa trả lời bằng cách trích dẫn tiên tri Isaia về những người bệnh tật được chữa lành. Chúa Giêsu biết ý nghĩa mà Gioan sẽ gán cho dấu hiệu đó; và Chúa chắc vị Tiền Hô sẽ được an ủi. Nhưng rồi Chúa Giêsu nói lên hai câu khiến ta phải suy nghĩ:

1) “Phúc cho người không phải vấp ngã vì Ta!”

Người ta có thể vì Đức Kitô mà vấp ngã được không? Đức Kitô có thể làm cớ cho ai vấp ngã chăng? Vấp ngã nói đây là thứ nào? Đối với Gioan Tẩy Giả, hiểm họa vấp ngã là hiểm họa hết tin vào Chúa Giêsu. Sự vấp ngã trước cơn thử thách của đức tin, trước những khó khăn làm sao kiên trì được trong đức tin khi mà ta sống trong một hoàn cảnh đau đớn cùng cực dường như bị Chúa bỏ quên, sự vấp ngã đó chính là một mối nguy mà Chúa nhắc tới. Và Chúa nói rằng hạnh phúc cho kẻ nào vượt qua khỏi mối nguy ấy. Thánh Gioan ở trong một hoàn cảnh nhục nhã và phi lý khiến mạng sống ngài bị đe dọa. Vì thế con người tự nhiên trong Gioan thắc mắc. Câu nói của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là: Phúc cho Gioan vì đã không hết tin. Nhưng lời của Người cũng nhắn nhủ chính chúng ta nữa. Hạnh phúc cho ta nếu trên đường thử thách gian truân, đức tin ta luôn vẫn đứng vững. Như Gioan, chúng ta cần chạy tới Chúa Giêsu, truy vấn Người. Ở đâu? Thưa trong Hội Thánh Người, trong cuộc gặp gỡ thân mật của lời cầu nguyện và các bí tích, nhất là Thánh Thể.

2) “Người nhỏ hơn trong Nước Trời lại lớn hơn ông”

Chúa nói như thế về Gioan sau khi tuyên bố rằng trong những kẻ bởi người nữ sinh ra chẳng ai lớn hơn Gioan. Câu nói của Đức Kitô cho biết rằng vai trò của Gioan nằm ở bình diện của lời hứa và công cuộc chuẩn bị. Trên bình diện ấy không ai hơn Gioan. Nhưng khi Nước Trời bắt đầu được thực hiện, sau công cuộc cứu độ, thì kẻ nhỏ nhất giữa đám tín dân cũng vượt quá vị tiên tri lớn nhất, xét về lợi lộc ân sủng. Ta có thể rút ra bài học cho hoạt động tông đồ của ta. Hoạt động tông đồ bao gồm khía cạnh chuẩn bị con người gặp gỡ Đức Kitô. Trên bình diện chuẩn bị này, người ta có thể hoạt động một cách hết sức đắc lực, nhưng hoạt động cần phải tổ chức thế nào để kết thúc nơi Đức Kitô. Hành vi đức tin vào Đức Kitô, dù nhỏ nhất, miễn là đích thật, vẫn đem lại giá trị thật cho tất cả những gì đã chuẩn bị nó.

12. Mùa Vọng của đức tin

Gioan Tẩy Giả là nhân vật nổi bật của Mùa Vọng. Ông thể hiện tính cách rất khớp với Mùa Vọng của chúng ta. Đời sống chúng ta há không phải là một Mùa Vọng đó sao – Mùa Vọng của đức tin, của niềm mong đợi, của lòng kiên nhẫn và của nỗi khắc khoải về điều mình chưa nhìn thấy? Đời Kitô hữu dựa trên cái gì nếu không phải là dựa trên cái mà mình tin và hy vọng? Làm Kitô hữu đích thực là chấp nhận sự điên rồ của Thiên Chúa để dám liều mất con chim trong tay mình hôm nay nhằm có thể bắt được hai con chim khác trong bụi rậm trên trời. Làm Kitô hữu đích thực là dám hy sinh những mối lợi tiền bạc, những khoái lạc thân xác; là không khư khư cố bám các quyền lợi của mình, vì Nước Trời. Nước Trời ấy, hỡi ôi, chưa từng mắt nào nhìn thấy được.

Gioan Tẩy Giả của bài Tin Mừng hôm nay thuộc về một Mùa Vọng như thế: Mùa Vọng của nỗi mong chờ điều vẫn còn đang đến. Ông quả là mẫu người mà chúng ta phải trở nên trong Mùa Vọng suốt đời người. Con người ấy đã bị bỏ tù. Con người ấy đã điên rồ đến nỗi dám nói lên “sự thật mất lòng” ngay cả với nhà vua. Có ai hành động khờ khạo về chính trị như thế không? Ông ngồi đó, trong bóng tối ngục tù. Thật đáng đời ông. Không ai cứu ông ra. Các bạn hữu ông không phát động một cuộc cách mạng. Họ làm gì có khả năng đó. Họ chỉ thao thức với thần học và hoàn toàn ngu ngơ trong đời sống thực tiễn - hay ít ra là có vẻ như thế.

Và cả Thiên Chúa nữa, cũng bỏ mặc vị ngôn sứ rao giảng sám hối của Người. Cả Thiên Chúa cũng dường như đứng về phía thế lực hùng mạnh của nhà vua. Thiên Chúa đang thực hiện các phép lạ nơi Con của Người. Nhưng, bi kịch hay hài kịch đây, khi mà những phép lạ ấy chỉ cứu chữa có vài kẻ bất hạnh xem ra chẳng giữ tầm quan trọng nào đối với Nước Thiên Chúa. Những phép lạ ấy đã không giải thoát vị ngôn sứ thánh – là người có liên hệ máu huyết và là vị sứ giả mở đường chính thức cho Đấng đang thực hiện các phép lạ ấy. Gioan vẫn bị giam cầm trong ngục tối cho đến ngày bị chém đầu!

Đối với một ngôn sứ, thật không gì khó chịu cho bằng phải ngồi trong tù chờ chết, bị xem là hết thời, song lại phải quan tâm đến những phép lạ chẳng chút ích lợi gì cho mình.

Nhưng Gioan không phải là một cây sậy ngả nghiêng trước gió. Ông vẫn tin, bất chấp mọi sự. Ông là sứ giả dọn đường cho Chúa, trước hết bằng chính đời sống và tâm hồn ông. Ông dọn đường cho Chúa, Đấng chần chừ mãi một cách bất nhẫn trước khi đến, và Người thậm chí chẳng tỏ vẻ hối hả gì khi vị ngôn sứ của Người đang lâm nạn: Vị Thiên Chúa dường như bao giờ cũng chỉ nghĩ đến khi đã quá muộn màng! Song Gioan Tẩy Giả biết rằng Thiên Chúa luôn luôn có lý của Người, rằng Người chiến thắng bằng cách nhận chịu thất bại, rằng Người sống và thông ban sự sống bằng cách trao nộp mình chịu chết, rằng Người là tương lai đích thực cuối cùng của mọi thứ tương lai.

Tắt một lời, Gioan Tẩy Giả chỉ biết tin và tin. Và điều đó đối với ông thật không dễ. Lòng ông đắng cay và bầu trời thì mù mịt. Nỗi khắc khoải cào cứa trong ông: “Có phải Người là Đấng phải đến?”. Có phải là chuyện tình cờ, khi câu hỏi ấy được đặt ra với đúng đối tượng – tức vị Thiên Chúa làm người. Trong cầu nguyện, người ta có thể trang trải ngay cả một cõi lòng đầy xao động với Thiên Chúa, một cõi lòng mà trong thực tiễn chẳng còn điểm tựa và cũng không biết nghị lực mình sẽ còn cầm cự được bao lâu. Bao lâu một tâm hồn còn là một tâm hồn cầu nguyện, bấy lâu tâm hồn ấy vẫn còn đức tin và sẽ nhận được một câu trả lời thỏa đáng: “Hãy đi và nói với Gioan những gì các anh xem thấy… và phúc cho kẻ không đối đầu với Ta”. Gioan đã nhận được tiếng trả lời của Chúa dẫu là ông đang ngồi trong ngục tối!

Cả cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng, vì Kitô hữu là những người mong đợi một Đấng sẽ đến. Và chỉ khi Đấng ấy đến, chúng ta mới được chứng minh là đúng đắn. Bao lâu còn phải đợi trông, bấy lâu ta còn thấy dường như thế gian mới đúng. Thế gian sẽ vui cười, còn anh em sẽ khóc lóc. Thầy Chí Thánh đã từng nói thế. Chúng ta cũng đang ngồi trong một ngục tù, ngục tù của sự chết, của những câu hỏi còn bỏ ngỏ, của sự yếu đuối nơi mình, của tính ích kỷ hẹp hòi của mình, của những cam go và những bi kịch trong cuộc sống.

Nhưng mỗi ngày, bằng đức tin và lời cầu nguyện của mình, chúng ta sẽ gửi các sứ giả của chúng ta đến với Đấng sẽ đến xét xử người sống và kẻ chết. Và các sứ giả Mùa Vọng này sẽ trở lại với câu trả lời: “Ta đang đến đây, phúc cho kẻ không đối đầu với Ta”.

Top