Chúa nhật 32 Thường Niên C

Chúa nhật 32 Thường Niên C

32nd Sunday in Ordinary Time
Reading I: 2 Maccabees 7:1-2,9-14 II: 2 Thessalonians 2:16-3:5

Chúa Nhật 32 Thường Niên
Bài Đọc I: 2 Mcb 7:1-2,9-14 II: 2 Tx 2:16-3:5

Gospel
Luke 20:27-38

27 There came to him some Sadducees, those who say that there is no resurrection,

28 and they asked him a question, saying, "Teacher, Moses wrote for us that if a man's brother dies, having a wife but no children, the man must take the wife and raise up children for his brother.

29 Now there were seven brothers; the first took a wife, and died without children;

30 and the second

31 and the third took her, and likewise all seven left no children and died.

32 Afterward the woman also died.

33 In the resurrection, therefore, whose wife will the woman be? For the seven had her as wife."

34 And Jesus said to them, "The sons of this age marry and are given in marriage;

35 but those who are accounted worthy to attain to that age and to the resurrection from the dead neither marry nor are given in marriage,

36 for they cannot die any more, because they are equal to angels and are sons of God, being sons of the resurrection.

37 But that the dead are raised, even Moses showed, in the passage about the bush, where he calls the Lord the God of Abraham and the God of Isaac and the God of Jacob.

38 Now he is not God of the dead, but of the living; for all live to him."

Phúc Âm
Luca 20:27-38

27 Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.

28 Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình.

29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.

30 Người thứ hai,

31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.

32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.

33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?"

34 Đức Giêsu đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,

35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.

36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.

37 Còn về vấn để kẻ chết sống lại, thì chính ông Môsê cũng đã cho thầy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phục Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp.

38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống".

Interesting Details

• The Sadducees were quite different from the Pharisees. Small in number, but very wealthy, they were the governing class. To protect their wealth, they tended to collaborate with Rome.

• The Saducees did not believe in the resurrection of the dead; they did not believe in the existence of spirits, or in a life ordered by God, but believed in unrestricted free will. They posed the question of who would be the husband in heaven of a woman who married seven different men as a way to show how absurd the doctrine of resurrection was.

• The law of Moses on marriage (Deuteronomy 25:5) was that if a man died childless, his brother must marry the widow. This was so that there would be children to carry on the family's name, and the family's property would be protected.

• Jesus pointed out that their question exposed their ignorance. Life in God was different from life defined by men. The resurrected life was immortal; there would be no need for marriage and procreation.

• (vv.34-36) Jesus spoke of "the age to come", but his phrasing implied that the age of the resurrection (the immortal life) had already begun.

• (v.38) Luke's phrase "for to God all of them are alive" is an allusion to Maccabees 7:19 which says "that to God they do not die, as our patriarchs Abraham, Isaac, and Jacob died not, but live to God."

Chi Tiết Hay

• Những người thuộc nhóm Xa-đốc khác với những người Pharisêu. Họ tuy ít hơn, nhưng họ thuộc gia cấp lãnh đạo và giàu có hơn. Họ thường cộng tác với Đế quốc La Mã để mong bảo vệ cuả cải của họ.

• Người Xa-đốc không tin vào sự sống lại; họ không tin thần linh, nhưng họ tin vào sức mạnh của ý chí. Họ đặt câu hỏi ai là người chồng của người phụ nữ đó dể chứng minh không có sự sống lại ở đời sau.

• Theo luật Luật Môi sen về cưới hỏi (Đệ Nhị Luật 25:5) nếu người đàn ông qua đời mà không có con, thì người em phải cưới lấy vợ của anh mình. Như thế sẽ có con mang tên dòng họ nối nghiệp, và gia sản được bảo vệ.

• Chúa Giêsu cho thấy câu hỏi của những người Xa-đốc chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của họ. Sự sống trong Thiên Chúa khác với sự sống do loài người định nghiã. Sự sống lại đời sau thì vĩnh cữu; không cần phải lấy vợ lấy chồng và sinh sản.

• (cc.34-36) Chúa Giêsu nói "những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau", nhưng lời Ngài ngụ ý nói sự sống lại đã bắt đầu ngay từ bây giờ cho những ai đáng được hưởng.

One Main Point

"God is not the God of the dead but of the living." Life in God is different from life defined by men.

Một Điểm Chính

"Thiên Chúa không phải là Chúa của sự chết nhưng là của sự sống". Sự sống trong Thiên Chúa khác với sự sống theo lối loài người."

Reflections

1. How do I define being alive, and being dead? Do I use my rules to define a good and successful life (physical attraction, material possessions, popularity, fitting in with the crowd, winning arguments...) or do I use God's rules?

2. I pray, with his apostle Paul (2 Thessalonians 3:5), that the Lord rule my heart in the love of God and the constancy of Christ.

Suy Niệm

1. Tôi định nghiã sự sống ra saỏ, sự chết? Tôi có đang dùng những tiêu chuẩn của tôi để định nghiã một cuộc sống thàng công (nhan sắc, tiền của, danh vọng ...) hoặc là tôi dùng những luật lệ của Thiên Chúa?

2. Tôi cầu xin, theo thánh Phaolô (2 Thessalonica 3:5), để Thiên Chúa ngự trị trái tim tôi để tôi trung thành yêu mến Chúa.

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN - C
Lời Chúa: 2Mcb. 7, 1-2.9-14; 2Tx. 2,16–3,5; Lc. 20, 27-38

MỤC LỤC

1. Sống lại 
2. Sống lại - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt. 
3. Nhìn cái chết của chúng ta qua cái chết của Đức Giêsu 
4. Một mầu nhiệm lớn hơn chúng ta biết 
5. Đời này, đời sau 
6. Mất hết cả đời người! 
7. Can đảm - McCarthy 
8. Vĩnh cửu - McCarthy 
9. Suy niệm của William Barclay 

SUY NIỆM

1. Sống lại

“Mặt trận phía tây hoàn toàn yên tĩnh”, đó là tựa đề của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Cuốn tiểu thuyết này kể lại một câu chuyện thật cảm động:

Trong cuộc giao tranh giữa Đức và Pháp, một chú lính trẻ người Đức đang ngồi dưới hầm để tránh đạn, thì bất ngờ, một người lính Pháp lạc bước cũng nhảy xuống. Trước khi người lính Pháp nhận ra kẻ địch dưới hầm, thì anh đã bị chú lính Đức đâm cho mấy nhát, khiến anh ngã quỵ. Anh nằm thoi thóp chờ chết. Chú lính Đức chăm chú nhìn vào cặp mắt sợ hãi của người lính Pháp. Chú thấy miệng của người lính này há hốc với đôi môi nứt nẻ. Chú ta liền động lòng thương, rút chai nước của mình và cho người lính thù địch ấy uống. Khi người lính ấy qua đời, chú ta cảm thấy ân hận thấm thía.

Trông thấy chiếc ví, chú ta liền mở ra xem, trong đó có bức ảnh chụp một người đàn bà và một bé gái. Chú ta bỗng nhận thấy người lính đã chết kia không còn phải là kẻ thù nữa, nhưng là một người chồng, một người cha, một người biết yêu thương như chú ta. Và điều gì đã xảy ra dưới hầm nơi chú lính Đức đối diện với người mà chú mới giết chết?
Phải chăng chú bất ngờ nhận ra bổn phận phải yêu thương đồng loại? Không phải vậy. Chú chợt nhìn thấy người từng bị xem là kẻ thù của chú bằng một ánh sáng hoàn toàn mới. Chính nhờ ánh sáng này mà chú đã thay đổi thái độ đối với người lính Pháp.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Như chúng ta đã biết: Nhóm Sađốc gồm những kẻ không tin có sự sống lại. Họ đã dựa vào đoạn sách Đệ Nhị Luật để đưa ra vấn nạn với Chúa Giêsu. Sách Đệ Nhị Luật viết: Khi anh em ruột ở chung với nhau mà một người chết không con, thì vợ của người ấy không được thuộc về người chồng khác ngoài nhà. Một người anh em của chồng sẽ lấy nàng làm vợ. Và đứa con trai đầu lòng sinh ra sẽ lưu danh người anh em đã chết. Với vấn nạn này nhóm Sađốc đòi Chúa Giêsu phải có một lập trường dứt khoát. Nếu Ngài không tin có sự sống lại thì họ được thêm một đồng minh. Còn nếu Ngài tin, thì làm sao giải quyết vụ hôn nhân cho người vợ goá với bảy người anh em ruột làm chồng mình.

Dựa vào lời của Chúa, chúng ta thấy: nhóm Sađốc hiểu sai về việc sống lại, cũng như về cuộc sống mai sau. Với họ sống lại là phục hồi những điều kiện vật chất của người quá cố. Trong khi đó Chúa Giêsu lại bảo: Người sống lại sẽ giống như các thiên thần, nên không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đối với chúng ta, vấn đề chỉ được thực sự giải quyết qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để rồi chúng ta luôn tuyên xưng: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta đi tới hai kết luận. Kết luận thứ nhất đó là hãy biết yêu thương giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những người thân yêu trong gia đình, như ông bà cha mẹ, anh chị em ngay từ bây giờ, lúc họ còn sống, kẻo khi sự chết đến thì đã quá muộn.

Kết luận thứ hai đó là hãy biết chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết là một tâm hồn trong sạch, không bị hoen ố bởi tội lỗi và đôi bàn tay chất đầy công nghiệp, bằng những hành động bác ái yêu thương chúng ta đã thực hiện được, nhờ đó trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được Chúa đón nhận vào cuộc sống vĩnh cửu.

2. Sống lại - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.

Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:

1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết. Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.

Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại. Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23) Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.

2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.

Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.

Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một. Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.

Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?
2) Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?
3) Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?


3. Nhìn cái chết của chúng ta qua cái chết của Đức Giêsu (Suy niệm của Achille Degeest)

Đức Giêsu nhắc nhở mạnh mẽ rằng Thiên Chúa của người tin không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, Người là Thiên Chúa của người sống vì chính Người là Thiên Chúa hằng sống, yêu mến sự sống. Với sự xác định như thế, Đức Giêsu nâng cuộc tranh luận lên tầm cao sự thật vượt trên những cuộc bàn cãi vô bổ. Chúa đưa những người Sađốc (giáo phái chủ trương không có sự sống lại) vào thế lố bịch trong khi họ muốn chế giễu Chúa. Câu vấn nạn tiêu biểu cho xảo thuật biện chứng mà một số người xa lạ với đức tin ưa dùng. Từ chối thảo luận toàn bộ mầu nhiệm, họ tách riêng nhân tố này hoặc nhân tố khác của mầu nhiệm, họ tự hào mình thông thái, thừa sức lý luận để bác bỏ từng nhân tố một. Đức Giêsu cho ta hiểu, muốn tranh luận với hạng người ấy thì phải đứng ngoài lãnh vực sở trường của họ. Phải đơn giản xác định đức tin trong tầm mức đức tin, nói về những dữ kiện đức tin thì phải ở chính cao độ của đức tin. Đức Giêsu xác định kẻ chết sẽ sống lại, nhưng Chúa loại bỏ cách nhìn quá giản lược cho rằng sống lại là trở lại đời sống thế gian như hiện nay. Chúng ta có thể nêu ra hai câu hỏi:

1) Chết là gì? Thật vậy, trước khi nói về sự sống lại, nên nói rõ về ý nghĩa sự chết. Chết là một sự kiện tàn khốc. Xét bề ngoài, một người chết là một người hết sinh tồn. Nhưng thật sự việc gì đã xảy ra? Sự chết đã chẳng bắt đầu cùng lúc với sự sống ư? Nghĩa là đời sống con người, trong thân phận hiện tại của mình, chẳng mang dấu vết sự chết đó sao? Sự chết được kiểm chứng chẳng biểu lộ một sự mất mát thê thảm, mất đi một trạng thái in hằn lên con người suốt cuộc đời dưới thế ư? Tội lỗi đã biến đổi chúng ta, chúng ta không còn là những con người phù hợp với quan niệm của Thiên Chúa trong ngày đầu sáng tạo. Do ân huệ Thiên Chúa, sự sống phải chăng là sự hoàn trả về nguyên trạng theo thánh ý Thiên Chúa quan niệm, muốn như thế và thương mến vô cùng? Trạng thái phục sinh sẽ như thế nào? Về điểm này, Đức Giêsu dạy chúng ta hãy gạt đi tất cả những ảo tưởng của xác phàm. Chúng ta sẽ sống lại trong trạng thái ‘con Thiên Chúa’ cả hồn lẫn xác, trong toàn bộ bản thể chúng ta. Đức Giêsu không muốn nói thêm. Nhưng nghĩ cho cùng, còn có gì hơn chức vị làm ‘con Thiên Chúa’ mà phải băn khoăn muốn biết thêm!

2) Đức Giêsu nghĩ về sự chết của chúng ta thế nào? Qua những lời phán dạy của Chúa, chúng ta cảm thấy Chúa nhìn cái chết của chúng ta qua cái chết của Người. Chúa phán, chúng ta sẽ là con Thiên Chúa. Chúa liên kết chúng ta với phẩm tước ‘Con Thiên Chúa’ của Người. Chúa nói thêm: “Hết thảy sẽ sống cho Thiên Chúa”. Đức Giêsu liên kết chúng ta với lịch sử Người, với mục đích tối hậu lịch sử Người, là đời sống của Chúa cho Thiên Chúa. Chúa biết sẽ vượt qua cái chết, để liên kết chúng ta với cuộc vượt qua của Chúa tiến lên đời sống trường sinh. Khi nói về cái chết của chúng ta, Chúa liên tưởng đến sự sống lại của Người. Đứng trước viễn ảnh đó, câu hỏi bẫy của phái Sađốc nó nhỏ mọn thiển cận làm sao! Không bao giờ người tín đồ của Đức Kitô phấn khởi đúng mức về niềm hy vọng do Thiên Chúa hằng sống biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô ban cho?

4. Một mầu nhiệm lớn hơn chúng ta biết (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)

Những mầu nhiệm là một phần của cuộc sống, những mầu nhiệm đó đã xảy ra trong hành tinh của chúng ta, đã được xoay vần với những khoảng cách chính xác của mặt trời, nếu không như thế một là chúng ta bị tiêu hủy trong ngọn lửa hoặc sẽ đông cứng thành băng? Vì sao trời đã mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái? Và điều gì đã làm nên công việc tuyệt diệu ấy? Những điều kỳ diệu đó tâm trí con người chúng ta có thể miêu tả nhưng không thể hiểu hoặc cắt nghĩa. Một trong những điều kỳ diệu là nòi giống con người. Chúng ta là một sự kỳ diệu lớn nhất và là mầu nhiệm sâu xa nhất trong vũ trụ.

Chúng ta bắt đầu sự hiện hữu của mình trong thân xác mẹ của chúng ta như một phòng đơn độc nhỏ xíu có vẻ tầm thường, đã bám vào trong nhau của mẹ như một đặc ân quý giá của đời sống, đang tìm kiếm sự an toàn cư trú trong dạ của mẹ chúng ta. Chúng ta lớn lên và phát triển mỗi ngày rõ ràng hơn, thành một tạo vật mà Thánh Vịnh đoạn 8 đã miêu tả là nhỏ hơn các thiên thần một chút. Không phải những sự kỳ diệu này đã có thể trình bày những điều kỳ diệu lớn hơn chăng? Không phải những người Pharisiêu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay không tin vào sự Phục Sinh từ cõi chết. Họ nghĩ rằng họ đã đánh bẫy Chúa Giêsu và đặt một câu hỏi cho có vẻ giống như sự Phục Sinh thì không thể có. Một người đàn bà đã kết hôn với bảy người chồng hành sự. Một câu hỏi đặt ra là người đàn bà đó là vợ của ai sau khi sống lại. Cái sai lầm của họ là nghĩ về giáo lý của sự Phục Sinh có nghĩa là những người sống lại sẽ sống một đời sống xác thịt như đã được sở hữu trước khi họ chết. Chúa Giêsu trong một vài từ đã sửa chữa những sai lầm của họ bằng bài giáo huấn này, mặc dầu trước khi Phục Sinh chúng ta có nhỏ hơn thiên thần một chút nhưng sau khi Phục Sinh chúng ta sẽ giống như các thiên thần. Chúng ta sẽ có một sự thay đổi. Chúng ta sẽ qua một sự phát triển mà không giống như việc chúng ta ở trong dạ mẹ để sửa soạn cho ngày sinh của chúng ta. Sự phát triển của chúng ta đang diễn ra ngay bây giờ, đặc biệt là qua sự tiếp nhận Thánh Thể. Chúng ta lãnh nhận Thân Mình và Máu của Chúa, Đấng đã chết và sống lại. Đó là Chúa của sự sống lại vinh quang, Đấng đã nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta, duy trì và làm phong phú ân sủng cho đời sống của chúng ta. Khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể chúng ta hãy nhớ rằng, lời hứa đã được củng cố bởi Lời của Chúa Giêsu: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho chúng sống lại vào ngày sau hết”. Chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng và vui mừng việc đến để cứu thoát chúng ta, và chúng ta sẽ nói với Người những lời đáp ca trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa khi vinh quang Ngài xuất hiện, niềm vui của chúng con được tràn đầy”. Niềm tin của sự Phục Sinh đã đem lại niềm hy vọng và can đảm cho những người đi trước chúng ta. Những người sốt sắng, giống như bảy anh em trong bài đọc đầu tiên hôm nay đã sẵn sàng đi đến cái chết để giữ vững đức tin của họ. Thật là kinh ngạc khi chính mẹ của họ van xin họ hãy chấp nhận cái chế. Tất cả những điều này đã xảy ra bởi Thiên Chúa đã ban cho niềm tin và hy vọng phục hồi viên mãn sự sống trong sự Phục Sinh vào ngày sau hết.

Chúng ta bị thách đố không phải để chết cho đức tin nhưng là để sóng theo đức tin của chúng ta. Thật sự, sự Phục Sinh của chúng ta diễn ra như một mầu nhiệm được ẩn giấu trong Thiên Chúa, khi chúng ta có thể bảo đảm rằng điều đó sẽ là một điều kỳ diệu lớn lao bởi vì chúng ta sẽ thông dự vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

5. Đời này, đời sau

Suy Niệm

Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết. Một triết gia Đức bảo con người sinh ra để chết.

Cái chết là số phận của mỗi người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống. Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi. Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.

Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.

Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống.

Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vĩnh cửu của ta. Không có một cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế phải sống hết mình cho dời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.

Đời sau mãi mãi là một mầu nhiệm.

Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục. Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này. Đời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ. Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ. Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống.

Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng đời sau là sự kéo dài của đời này. Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc. Đức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau. Đời sau khác hẳn đời này. Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.
Đời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết. Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn. Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau.

Cái chết dạy tôi biết cách sống.

Đời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm. Tôi đang đi về đời sau để gặp Đấng mà tôi đã tin yêu suốt đời.

Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội.
Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa, và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Bạn nghĩ gì về cái chết? Cái chết của một người bạn hay một người thân có khi nào gây âm vang trong lòng bạn không?
• Có khi nào bạn hình dung thiên đàng trong trí bạn không? Thiên đàng có hấp dẫn bạn không? Phải chăng thiên đàng chỉ có ý nghĩa khi bạn đã nếm được hương vị của tình bạn đối với Thiên Chúa ngay từ đời này?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, khi ra thăm nghĩa địa, khi vào viếng phòng hài cốt, con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao mới dám nghĩ một ngày nào đó những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.
Con người trở về bụi tro, nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người, vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trần gian này quá đẹp khiến con mải mê, quên mình là lữ khách. Thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con. Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân, như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất. Xin khơi dậy nơi con niềm khát khao những điều cao cả. Xin đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường.

Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao, khi con quên mình để sống cho anh em trên mặt đất.

6. Mất hết cả đời người!

Chiều hôm ấy, một nhà bác học đứng trên bãi biển thấy nước phẳng lặng, trời trong veo, ông liền gọi một ngư phủ lấy thuyền chèo đưa ông ra khơi. Hai người cùng trò chuyện: Nhà bác học hỏi người chèo thuyền có biết đọc không? Người chèo thuyền trả lời: “Không”. Nhà bác học nói: “Vậy thì anh mất hết nửa đời người rồi, uổng quá! Vì biết đọc sách, người ta sẽ tiếp thu được biết bao điều hay, học thêm được bao nhiêu điều mới lạ”.

Rồi ông bắt đầu kể cho người ngư phủ: nào là lòng sâu của biển cả, nào là tuổi đời cũng như độ bơi của bao nhiêu loài cá. Người ngư phủ thích thú lắng tai nghe. Nhưng kìa, trên vòm trời xanh thấy điểm nhiều mây đen từ đâu bay đến, rồi từng cơn gió mạnh quấy động mặt nước, biển nổi sóng. Gió càng thổi mạnh, mây càng hạ thấp. Người ngư phủ đâm ra lo sợ và báo cho nhà bác học hay một cơn giông tố sắp xảy đến. Nói chưa dứt thì một làn sóng mạnh đã lật úp chiếc thuyền nan của hai người. Người ngư phủ lớn tiếng hỏi nhà bác học:

- “Thưa ông, ông có biết bơi không?”

- “Tôi không biết bơi”, nhà bác học trả lời.

- “Thưa ông, thế thì ông mất hết cả đời người rồi!”

Người ngư phủ lại hỏi thêm:

- “Thưa ông, ông có tin đời sau không?”

Nhà bác học vừa lặn hụp chóng chọi dưới làn sóng vừa trả lời:

- “Đời sau là cái gì. Im đi! Để ta chết!”

Nhưng người ngư phủ lại nói thêm: “Thưa ông, thế thì ông chẳng những mất cả đời nầy mà còn mất cả đời sau nữa. Thật vô phúc cho ông!” Một cơn sóng lớn đã cuốn hút nhà bác học vào lòng sâu biển cả.

Thưa anh chị em,
Đời như ví như cuộc vượt biển trùng khơi: có khi phẳng lặng, có khi đầy sóng gió. Trong cuộc đời ấy, có người tin rằng: sau cuộc đời dương thế còn có cuộc đời mai sau. Nhà bác học trong câu chuyện trên đây cũng như những người theo pháo Sađốc trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho hạng người không tin có cuộc sống đời sau. Còn người ngư phủ đại diện cho hạng người tin có cuộc sống bên kia cái chết, trong đó có chúng ta.

Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là tột đỉnh của niềmhy vọng mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta. Vì nếu không có sự sống lại và cuộc sống đời sau thì tất cả đời người đều vô nghĩa.

Hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng: chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết sẽ được đưa sang một thế giới khác, hoặc được dẫn đến một nơi khác để tiếp tục sống. Nhưng đời sau, đối với họ, là đêm tối, buồn thảm và không có gì hấp dẫn cả. Lý do là vì đó là thế giới của sự chết, của âm phủ.

Các tôn giáo khác có thể tin có sự sống đời sau, nhưng không có tôn giáo nào nói đến sự phục sinh của người chết như kitô giáo. Ngay cả Do Thái giáo, niềm tin vào sự phục sinh của người chết cũng không dứt khoát rõ ràng. Bài đọc I hôm nay trích sách Maccabêô đã nói lên niềm tin nầy: Anh em Maccabêô đã thưa với nhà vua đang định giết hại họ: “Vua chỉ cất mạng sống chúng tôi ở đời nầy, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi là những kẻ đã chết vì lề luật của Ngài, được sống lại trong cuộc sống đời đời ”. Vào thời Chúa Giêsu, người Biệt phái cũng tin như vậy. Nhưng những người thuộc phái Sađốc lại không tin có sự sống lại. Chẳng những không tin mà họ còn chế nhạo những ai tin thân xác con người ngày sau sẽ sống lại. Vì vậy, hôm nay họ kéo đến chất vấn Chúa Giêsu để “chọc quê” Ngài. Vì nếu có sự sống lại của kẻ chết thì sau này một người đàn bàn đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu đã giải đáp bằng cách cho họ biết rằng cuộc sống sau phục sinh không phải là một sự tái diễn của cuộc sống trên trần gian. Thân xác phục sinh sẽ là một thân xác được biến đổi, không còn đau ốm bệnh tật, không còn già cả và chết chóc nữa. Những người phục sinh sẽ giống như các thiên thần, không còn cần phải cưới vợ lấy chồng để có con cái nối dõi tông đường nữa.

Chúa Giêsu còn dựa vào Ngũ Thư để chứng minh rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Chúa của kẻ sống. Nếu Thiên Chúa đã là Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop thì các Tổ phục là những người đang sống với Chúa, đang có sự sống lại. Ở đây, Chúa Giêsu đã không tả rõ sự sống lại như thế nào. Điều ngài muốn khẳng định ở đây, đó là “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”. Và trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu qua những lời giảng dạy và nhất là qua thái độ của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho người ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, Đấng làm cho sống. Và ngay cả những người tội lỗi, Ngài cũng không muốn họ phải hư mất, trái lại, muốn họ hối cải để được sống và sốn một cách dồi dào. Những phép lạ chữa bênh hay làm cho kẻ chết sống lại của Chúa Giêsu là những dấu chỉ về một Thiên Chúa yêu chuộng sự sống. Và khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết trên thập giá, đó cũng là để toàn thắng cái chết, và để trả lại cho loài người sự sống đời đời. Chỉ có căn cứ vào những gì chúng ta biết về Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta mới thấy rõ về cuộc sống của chúng ta sau khi chết. Chúng ta sẽ được sống lại với Ngài.

Chính vì Chúa Kitô đã sống lại mà chúng ta xác tín vào sự phục sinh của những người đã chết. “Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop là Thiên Chúa của kẻ sống”. Những người mà chúng ta gọi là đã chết là những người đang sống và sẽ sống đời đời với Thiên Chúa hằng sống. Chối bỏ sự sống lại của những người đã chết là chối bỏ Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Một lời đầy an ủi cho tất cả chúng ta. Đừng thất vọng trước cái chết của một người Kitô hữu, của những người thân yêu chúng ta. Sự chia ly chỉ có trong một thời gian và tất cả sẽ gặp lại nhau. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy một tình trạng mới của những người con Chúa là được giống như các thiên thần và nhất là nên giống Chúa Kitô trong vinh quang phục sinh.

Còn sống trên trần gian, chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa hằng sống. Ngài luôn yêu thương chúng ta và muốn cho tất cả chúng ta, ngày sau sẽ được sống với Ngài mãi mãi. Ngay bây giờ, hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng một đời sống tốt đẹp hơn, tin tưởng và hy vọng vào Đấng sẽ phục sinh chúng ta trong cuộc sống hạnh phúc đời đời.
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Amen.

7. Can đảm - McCarthy

Có hai loại can đảm. Loại thứ nhất ồn ào, giận dữ và quyết đoán và liên kết với những nơi như bãi chiến trường. Loại thứ hai im lặng, trong sáng và không quyết đoán. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không khuất phục và không để nghiêng ngả theo những lời mua chuộc nào cũng như những lời đe dọa khủng khiếp nhất.

Chúng ta thấy một gương sáng của loại can đảm thứ hai trong câu chuyện người mẹ và bảy người con trai. Nhưng có những ví dụ gần với thời đại của chúng ta. Biến cố sau đây đã xảy ra trong một khu Do thái ở Đông Âu trong thế chiến thứ hai.

Nhà cầm quyền Đức chỉ định một người có tên là Ephraim vào chức vụ chủ tịch Hội đồng Do thái. Một ngày kia, họ yêu cầu Ephraim ra đi và suy nghĩ về điều ấy. Cuối cùng, ông trở lại và trình một danh sách cho nhà cầm quyền Đức. Khi họ xem xét danh sách, thay vì thấy ba mươi tên người, họ thấy một tên người nhưng viết làm ba mươi lần. Đó chính là cái tên Ephraim.

Ephraim biết rằng khi làm điều đó, ông đã ký án tử hình cho mình. Tuy nhiên ông đã từ chối phản bội bất kỳ anh chị em nào của mình, trước sự can đảm như thế người ta cảm thấy nghèo nàn.

Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng sợ hãi và can đảm loại trừ nhau. Nhưng không phải thế. Lòng can đảm không phải là luôn luôn không sợ hãi. Nó sợ hãi và vượt qua sợ hãi, hoặc tiến hành bất chấp sợ hãi. Nelson Mandella nói: “Tôi học được ý nghĩa của lòng can đảm từ các bạn của tôi trong chiến đấu. Nhiều lần, tôi đã thấy những người đàn ông và đàn bà chứng tỏ một sức mạnh và sự hồi phục thách thức trí tưởng tượng. Tôi đã hiểu rằng lòng can đảm không phải là sự vắng mặt nỗi sợ hãi mà là chiến thắng nó. Người can đảm không phải là người không cảm thấy sợ hãi, nhưng là người thắng nỗi sợ hãi ấy”.

Xác tín mình đang làm điều phải sẽ cho chúng ta một sức mạnh to lớn. Chúng ta hành động vì điều thiện hảo sâu xa nhất ở trong chúng ta – vì hình ảnh của Thiên Chúa trong lòng chúng ta.

Như thế, lòng can đảm là một nhân đức quan trọng bởi vì không có nó, bạn không thể kiên trì thực hành một nhân đức nào khác. Tuy nhiên, thế giới không cần có quá nhiều điều này trong đời sống mỗi ngày của nhiều người khi chúng ta nghĩ đến những nỗi đau khổ mà họ chịu đựng và những nhọc nhằn mà họ gánh vác. Lòng can đảm không to tát như khi leo núi cho bằng khi chấp nhận thất bại mà không mất tinh thần.

Mỗi Chúa nhật, chúng ta kết thúc kinh tin kính với những lời: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Tin vào đời sau là một trong những niềm tin quan trọng nhất của Kitô chúng ta. Không có đời sau, đời sống chúng ta trên trần gian này là một cuộc hành trình không dẫn đến một nơi nào cả. Với đời sau, đời sống chúng ta trên trần gian là một cuộc hành trình đến miền đất hứa của đời sống vĩnh cửu.

Hy vọng là một phần quan trọng của đời sống. Nếu cơ thể cần có lương thực, thì tinh thần cần có hy vọng. Chúng ta dành phần lớn cuộc đời mình để chờ mong, hy vọng và khát khao một điều này hoặc điều khác. Nhưng chúng ta biết rằng thế gian này không bao giờ có thể làm đầy những hy vọng và khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được điều ấy.

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải để chết mà để sống đời đời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Viễn cảnh rực rỡ của sự sống vĩnh cửu phải làm cho chúng ta có thể sống vui vẻ mầu nhiệm thân phận mỏng giòn của con người vì nó nằm lơ lửng giữa đất và trời, giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa hư vô và vô tận.

8. Vĩnh cửu - McCarthy

Chúng ta có thể dùng lý trí để biện luận rằng có đời sau. Nhưng những người đã làm chứng không phải bằng lời mà bằng công nghiệp và một đôi khi bằng cuộc sống của họ là những luận cứ tốt nhất. Đó là những vị tử đạo, bằng việc làm cho Thần Khí các ngài đã chứng tỏ rằng sự sống mạnh mẽ hơn sức mạnh của cái chết. Chúng ta nghĩ đến bà mẹ và bảy con trai của bà (Bài đọc 1). Nhưng có những tấm gương gần với thời đại chúng ta hơn.

Vào tháng 5 năm 1992, báo Observer đăng lại câu chuyện sau đây. Ba mươi nữ tu của Giáo Hội chính thống Nga bị Stalin giam giữ năm 1929 trong một nơi trước kia là tu viện của đảo Solovetsky trên bờ biển bắc của nước Nga. Như mọi tù nhân của các trại giam, người ta buộc các nữ tu phải lao động. Nhưng các nữ tu ấy cương quyết từ chối làm lao động và giải thích rằng họ không thể đồng ý “lao động cho những nhân viên của tên chống Kitô” (Antichrist).

Ban quản lý trại giam đã phản ứng nghiêm khắc. Nếu người ta không được y tế xác nhận không có khả năng lao động thì người từ chối lao động sẽ bị đánh đập và bị đưa đến một hòn đảo trừng trị mà không một ai còn sống để trở về.

Tuy nhiên, thật lạ lùng chính quyền trại giam dường như không muốn áp dụng sự trừng phạt ấy cho các nữ tu. Người đứng đầu bệnh xá của trại giam bối rối trước thái độ của các nữ tu. Dưới mắt ông, họ là những “tù nhân khó khăn”. Tuy nhiên thái độ của họ không giống những “tù nhân khó khăn” mà ông vẫn gặp. Thay vì kêu gào, la hét, các nữ tu chỉ bày tỏ sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân từ.

Cảm thấy tiếc xót cho các chị ông yêu cầu một bác sĩ xác nhận các nữ tu không có khả năng lao động. Bác sĩ cũng là một tù nhân rất cảm kích trước các nữ tu, các chị bình tĩnh và tự chủ, ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ. Khuôn mặt các chị tỏa ra một sự thanh khiết của tinh thần khiến người ta ngạc nhiên và sinh ra lòng tôn trọng sâu xa.

Bác sĩ cố thuyết phục các chị lao động, ông kể ra những gương lao động của các Kitô hữu khác. Khi thấy các chị không bị lay chuyển, ông nói ông sẽ nghĩ ra một bệnh nào đó cho các chị và tuyên bố các chị không có khả năng lao động. “Chúng tôi xin lỗi,”một nữ tu ngắt lời, “điều đó không đúng, chúng tôi mạnh khỏe. Chúng tôi có thể lao động. Nhưng chúng tôi không muốn lao động cho kẻ chống Kitô “.

Bác sĩ đã giải thích rằng các chị sẽ bị tra tấn và giết chết. “Thiên Chúa cũng sẽ giúp đỡ chúng tôi chịu đựng sự tra tấn,” một chị nữ tu bình thản đáp lại. Nhiều năm về sau, người bác sĩ ấy viết: “Nước mắt tôi trào ra. Tôi cúi đầu nhượng bộ các chị trong sự im lặng. Tôi đã muốn hôn bàn chân các chị”.

Ít lâu sau, các chị đồng ý may mền bông cho bệnh xá vì người ta cho phép các chị hát thánh thi nho nhỏ trong lúc làm việc. Tuy nhiên, một linh mục đến trại và nói với các chị rằng làm bất cứ việc gì cho các “nhân viên của kẻ chống Chúa” là sai lầm. Vì thế các chị từ chối lao động. Người ta lôi vị linh mục ra ngoài và bắn chết. Không bao lâu sau, các nữ tu cũng chịu chung một số phận.

Các nữ tu tỏ ra không lưỡng lự hoặc hoài nghi hoặc dao động. Nhưng điều đó không có nghĩa việc các chị làm là dễ. Mọi người đều thích sống. Các chị cũng thích sống nhưng không có nghĩa là bám lấy nó bằng mọi giá. Đối với họ, sự sống thật là sự sống muôn đời. Đức tin vào sự sống vĩnh cửu làm cho họ có thể hy sinh đời sống trần gian vì Đức Kitô.

Các nữ tu ấy, tín thác vào Thiên Chúa. Bà mẹ và bảy người con trai cũng đã làm thế. Chúng ta không làm gì hơn là noi gương tín thác Thiên Chúa của họ. Phaolô nói rằng chúng ta có niềm hy vọng chắc chắn. Niềm hy vọng này không bởi chính chúng ta mà bởi Thiên Chúa. Người là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta là con cái Người. Người tạo dựng chúng ta để sống ở đây và sau này. Viễn cảnh rực rỡ ấy làm chúng ta có thể trân trọng sự sống mà không bám lấy nó. Và nó khuyến khích chúng ta sống một đời sống ngay lành.

9. Suy niệm của William Barclay

Chúa Giêsu đã đánh bại các kinh sư và các thầy tư tế khi họ tìm cách gài bẫy Ngài về chuyện nộp thuế, bây giờ đến lượt một nhóm người Xa đốc, một đảng thế lực trong hàng các thượng tế tấn công Ngài. Họ không tin sự bất tử của linh hồn, không tin sự sống lại của người chết, không tin có các thiên sứ và các thần linh. Về Kinh Thánh họ chỉ công nhận bộ luật thành văn của Cựu ước, và trong Cựu ước họ chỉ coi trọng luật Môsê.

Dựa vào luật hôn nhân kế tục Lêvi (Đnl 25,5): Khi một người đàn ông chết không con nối dõi, em trai (hay anh trai) người này phải cưới người vợ góa đó và sinh con để nối dòng cho người thân quá cố. Có lẽ vào thời Chúa Giêsu, luật đó không còn thi hành nữa, nhưng nó đã có trong bộ luật Môsê, vì thế người Xa đốc coi luật đó còn hiệu lực. Vậy người Xa đốc đã đến vớ câu hỏi rằng ai sẽ là chồng trên trời của người vợ đã gả cho bảy người đàn ông khác nhau. Họ cho đó là một câu hỏi làm cho niềm tin vào sự sống lại thành ra lố bịch. Họ hy vọng Chúa Giêsu sẽ chối tín lý cổ truyền về sự sống lại hay sẽ nói một câu chống lại luật pháp Môsê quy định về luật hôn phối kế tục. Nhưng Chúa Giêsu đã đưa ra một câu trả lời hàm chứa một chân lý vĩnh cửu. Ngài nói chúng ta không nên hiểu về trời theo cách hiểu dưới đất này. Sự sống ở đó sẽ hoàn toàn khác bởi chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Cuộc sống phục sinh sẽ được điều hành bởi những quy luật khác hơn những quy luật hiện nay. Những kẻ dự phần vinh hiển trong thời đại đó, từng kinh nghiệm các phước hạnh của sự sống lại từ kẻ chết sẽ trở nên bất diệt về linh hồn cũng như về thân thể. Hôn nhân cần thiết cho sự lan truyền dòng giống ngày nay, lúc ấy sẽ không còn tồn tại nữa. Những tương quan trong cuộc sống ấy sẽ cao hơn, cả những tương quan thiêng liêng nhất của cuộc sống hiện tại. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”

Chúng ta cần lưu ý, nhiều tín lý ngày nay có vẻ khôi hài và mâu thuẫn với những quy luật chính xác của khoa học thực nghiệm một ngày kia sẽ trở nên sáng tỏ nhờ khám phá ra những quy luật cao hơn những quy luật hiện nay. Chúng ta sẽ tránh được nhiều sai lầm nếu ta đừng tiếp tục tưởng tượng một cõi trời như thế nào (theo ý chúng ta) cứ trao trọn vẹn mọi sự cho tình yêu của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa. Như chúng ta đã biết, người Xa đốc không tin sự sống lại của cơ thể. Họ tuyên bố rằng, họ không thể tin điều đó vì không có lời nào, càng không có chứng cớ nào về điều đó được tìm thấy trong các sách luật mà Môsê là tác giả. Vả lại không có rabi nào có thể giải đáp thỏa mãn cho họ, nhưng việc này Chúa Giêsu đã làm. Ngài chỉ cho họ biết chính Môsê đã được nghe Thiên Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Gia cóp.” (Xh 3,1-6) và không thể nào Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ chết, cho nên Ápraham, Isaac, Giacop vẫn đang sống. Ý Ngài muốn xác định sự trường tồn của kẻ chết, nhưng chẳng phải chỉ có bấy nhiêu đó, Ngài còn chứng minh được sự sống lại của kẻ chết. Đó chính là vấn đề đang bàn cãi. Chữ “kẻ sống” của Chúa dùng, là chỉ những kẻ sống một cuộc sống thường, không phải của những sinh linh không có thân thể, mà của những linh hồn bất tử được khoác bằng một thân thể bất tử. Do đó, Chúa thêm rằng: “Vì đối với Chúa tất cả đều đang sống”. Ý muốn và mục đích của Thiên Chúa là đem mọi người ra từ kẻ chết để hưởng đầy đủ những phước hạnh của sự sống lại.

Căn cứ vào tương quan của ta hiện nay mà ta biết mình sẽ đến tương lai đó hay không. Nếu Ngài thật là Thiên Chúa của chúng ta vì ta là dân Ngài, thì sự chết sẽ không làm hại ta, một ngày kia ta sẽ đạt đến sự bất tử vinh quang thân thể lẫn linh hồn.

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đnl 12,2) “Ai đã làm điều lành, thì sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án”.

Qua việc sống lại, Thiên Chúa hoàn tất việc cứu độ chúng ta, không phải với thân xác được chắp vá lại, nhưng thân xác mới, thích ứng với con người mới. Qua việc tái sinh và nên một thân thể mới để thích ứng. Thân thể mới liên kết nhưng khác biệt với thân xác cũ giống như cây liên kết với hạt (nhưng khác biệt) từ đó chúng đã mọc lên (Cf 1 Cr 15,35-44). Thân xác hiện tại của tôi mà Phanxicô Assisi muốn gọi bằng “anh lừa” cũng giống như chiếc xe cọc cạch của chàng sinh viên dù tôi chăm sóc mấy đi nữa vẫn chạy tạm thời không khi nào suôn sẻ, lại thường khiến tôi và ông chủ của tôi thất vọng não nề. Nhưng thân thể mới của tôi sẽ cảm thấy và hoạt động như một chiếc Rolls Royce, và khi ấy công tác phục vụ của tôi không còn bị hỏng hóc nữa.

Chắc chắn, ai trong chúng ta, cũng yêu quý thân thể của mình vì nó là một phần của chúng ta nhiều lúc cũng khó chịu vì nó hạn chế ta. Thật rất tốt khi biết Thiên Chúa ban cho chúng ta một bộ khung hạng nhì giúp ta chuẩn bị quản lý thân thể tốt hơn. Sau này: có người đã nói rằng: “Người ta giao cho bạn một con ngựa tầm thường là để bạn tập cưỡi, và chỉ khi nào bạn sẵn sàng rồi, bạn mới được giao cưỡi con ngựa biết phi nước đại và phóng qua chướng ngại vật. Một người lùn đã khóc vì vui sướng khi nghĩ đến cái thân thể Chúa dành sẵn cho mình trong ngày sống lại. Khi nghĩ đến những người ta quen thân mà về mặt này mặt khác, thân thể không được toàn vẹn, vì tật bệnh, suy nhược… Thật vui khi nghĩ đến hạnh phúc của họ. Muốn được thế, ta phải nên giống Chúa Giêsu.

Top