Chúa nhật 26 Thường Niên C

Chúa nhật 26 Thường Niên C

26th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Amos 6:1,4-7 II: 1 Timothy 6:11-16

Chúa Nhật 26 Thường Niên
Bài Đọc I: Amos 6:1,4-7 II: 1 Timothy 6:11-16
,

Gospel Luke 16:19-31

19 "There was a rich man, who was clothed in purple and fine linen and who feasted sumptuously every day.

20 And at his gate lay a poor man named Laz'arus, full of sores,

21 who desired to be fed with what fell from the rich man's table; moreover the dogs came and licked his sores.

22 The poor man died and was carried by the angels to Abraham's bosom. The rich man also died and was buried;

23 and in Hades, being in torment, he lifted up his eyes, and saw Abraham far off and Laz'arus in his bosom.

24 And he called out, 'Father Abraham, have mercy upon me, and send Laz'arus to dip the end of his finger in water and cool my tongue; for I am in anguish in this flame.'

25 But Abraham said, 'Son, remember that you in your lifetime received your good things, and Laz'arus in like manner evil things; but now he is comforted here, and you are in anguish.

26 And besides all this, between us and you a great chasm has been fixed, in order that those who would pass from here to you may not be able, and none may cross from there to us.'

27 And he said, 'Then I beg you, father, to send him to my father's house,

28 for I have five brothers, so that he may warn them, lest they also come into this place of torment.'

29 But Abraham said, 'They have Moses and the prophets; let them hear them.'

30 And he said, 'No, father Abraham; but if some one goes to them from the dead, they will repent.'

31 He said to him, 'If they do not hear Moses and the prophets, neither will they be convinced if some one should rise from the dead.'"

Phúc Âm
Luca 16:19-31

19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.

20 Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,

21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ.

24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!"

25 Ông Ápraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn phải chịu khốn khổ.

26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được".

27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con,

28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!"

29 Ông Ápraham đáp: "Chúng đã có ông Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó".

30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối".

31 Ông Ápraham đáp: "Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu".

Interesting Details

In last Sunday's Gospel, Jesus told the parable of the unjust manager and drew the conclusion from it that one cannot serve both God and money. "The Pharisees, who loved money, heard all these things and laughed at Him" (16:14). They seem to think that their possessions are a sure sign of God's favor. So, here Jesus tells another parable of the rich man and Lazarus to condemn the pride of these people and gives them the answer.

(v.19) The rich man is nameless while the poor man's name is given as if to reverse the world's opinion. The parable is rather a conventional reversal of fortune. Those who are well off in this life trade places with the poor in the next life. It echoes the blessings and woes in the Sermon on the Plain (6:20,24).

(v.24) "father Abraham": Mere words do not make one a child of Abraham and an assurance of salvation. John the Baptizer had already indicated that it was not enough to claim "we have Abraham as our father" (Lk 3:8); but one must "produce deeds appropriate to conversion".

"have mercy on me": The irony of the story is that the rich man now requests "mercy" who did not show mercy in almsgiving to the poor man.

(v.29) The word of God revealed through Moses and the Prophets makes God's will clear to anyone who seeks it. Jesus has not abolished the Law (16:17), thus the Law about almsgiving is still valid. The rich are not privileged in God's sight. They have the obligation to care for the needy.

(v.31) Even something as astounding as the resurrection from the dead will not convince those whose minds are closed to God's truth. Addressed to the Pharisees, Jesus' parable is a message of rejection. The obstinate Pharisees would continue on their merry way to perdition, as did the rich man in this story. If the teachings of the Law are shrugged off as unimportant, even the teachings of the risen Lord will have no impact.

Chi Tiết Hay

Trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia bất lương và kết luận rằng không ai được làm tôi hai chủ. "Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy thì cười nhạo Đức Giêsu" (16:14). Họ nghĩ rằng của cải là dấu chỉ được Chúa đặc biệt hậu đãi. Vì thế, Đức Giêsu đã kể thêm một dụ ngôn khác về người giầu có và Lazarô để lên án thái độ tự mãn của họ.

(c.19) Người giầu có thì không được nêu danh tính trong khi người ăn xin thì được nêu rõ tên như có ý muốn đảo ngược lại quan niệm thông thường. Người giầu có ở đời này đổi ngược lại số phận với người ăn xin ở đời sau. Sự kiện này như nhắc lại những điều được chúc phúc và bị nguyền rủa ở trong bài giảng Các Mối Phúc Thật (6:20,24).

(c.24) Không phải cứ kêu lên: "cha Abraham", là đủ để làm cho người ta trở nên con cái của ông và được hưởng ơn cứu chuộc. Gioan Tẩy Giả đã nói "Đừng vội nghĩ bụng rằng 'Chúng ta đã có tổ phụ Abraham' thì đã đủ để được cứu chuộc" (Lk 3:8); nhưng phải "sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối".

"Xin thương xót tôi": Điều oái ăm là bây giờ người giầu có lại trở thành kẻ ăn xin.

(c.29) Lời của Thiên Chúa qua Môi sen và các ngôn sứ chính là thánh ý của Thiên Chúa cho những ai tìm kiếm. Đức Giêsu đã cho hiểu rằng Ngài không phá hủy Lề Luật (16:17), vì thế luật buộc phải bố thí cho người nghèo vẫn có giá trị. Người giầu có không phải là người được Thiên Chúa đặc biệt hậu đãi. Nhưng họ có bổn phận phải chia sẻ cho người nghèo theo luật buộc.

(c.31) Đối với những người đã có lòng chai đá thì dù cho có người về từ cõi chết cũng sẽ không thuyết phục được họ. Dụ ngôn Chúa kể cho những người Pharisêu, đã như là một sự khước từ. Họ cứng đầu tiếp tục con đường hư vong giống như người giầu có đã đi. Nếu họ đã coi thường Lề Luật, thì lời giáo huấn của Chúa chẳng thay đổi gì được họ.

One Main Point

Use our possessions wisely, they are on loan from God and have to be used to help the poor.

Một Điểm Chính

Hãy dùng của cải một cách khôn ngoan, vì của cải chỉ là những gì Thiên Chúa cho chúng ta tạm giữ để giúp đỡ người nghèo khổ.

Reflections

How do you feel when you see a street person?

How is the Gospel situation true of the present time? In what ways do you identify with the rich person? In what ways do you identify with the poor person in the Gospel?

Suy Niệm

Bạn cảm thấy thế nào mỗi khi gặp người hành khất ngoài đường?

Những điều kể trong Phúc Âm có vẫn còn đang xảy ra ngày hôm nay chăng? Bạn thấy mình có những điều gì giống người giầu có?, và có những gì giống người nghèo khó trong đoạn Phúc Âm hôm nay?

MỤC LỤC

1. Tiền bạc
2. Liên đới – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Có một vực thẳm
4. Hai khuôn mặt trái ngược nhau
5. Môi trường đức tin
6. Lazarô sẽ không bao giờ tự mãn
7. Giàu có và nghèo khó - McCarthy
8. Bác ái bắt đầu từ nhà mình - McCarthy

SUY NIỆM

1. Tiền bạc

Tại sao ông phú hộ lại bị trầm luân trong hoả ngục?

Câu trả lời thật đơn sơ: sở dĩ như vậy vì con tim ông đã trở thành chai đá. Mặc dù sống trên nhung lụa, ăn sang mặc quý, thế mà ông lại không hề biết ra tay giúp đỡ cho Lagiarô, là kẻ bần cùng, luôn ngồi trước cửa nhà ông, để trông mong một chút của bố thí dư thừa.

Xem thế, chúng ta thấy: tiền bạc cũng như vật chất là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng trước hết là để bảo đảm một cuộc sống ấm no, xứng đáng với phẩm giá con người, cho chính bản thân, cũng như những người thân yêu. Thế nhưng ngoài mục đích đó ra chúng ta còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bần hàn túng thiếu, như người xưa đã bảo: Hữu lộc bất khả hưởng tận. Có tiền bạc không nên hưởng một mình. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ có một giá trị vô song vì khi chúng ta thương giúp người khác là chúng ta thương giúp cho chính Chúa. Khi chúng ta làm phúc bố thì là chúng ta hành động một cách khôn ngoan, tạo cho mình một kho tàng ở đời sau.

Để giúp chúng ta hiểu điều đó, tôi xin kể lại một câu chuyện. Ý nghĩa của câu chuyện này, là hãy biết dùng tiền bạc vật chất để tạo cho mình những bè bạn, sẽ bênh vực và giúp đỡ chúng ta bước vào quê trời:

Ông chủ một thửa vườn chôm chôm nọ, sáng hôm ấy thấy hai em nhỏ đứng ngoài cổng, đưa mắt nhìn vào những trái chôm chôm chín đỏ mà thèm thuồng. Ông là một người yêu thích trẻ nhỏ, nên cho gọi hai em lại và bảo: Hai em cứ việc vô vườn mà ăn, nhưng không được đem trái nào đi. Trước khi hai em ấy về, ông đã khám qua các túi và hài lòng vì không thấy một trái chôm chôm nào. Nhưng sau đó ông lấy làm lạ vì thấy hai em cứ đi dọc theo hàng rào, rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống lượm một cái gì đó. Đoán được cái mẹo vặt của hai em, ông cho gọi hai em lại và vặn hỏi. Hai em đành phải thú nhận rằng mình có ném mấy quả ra ngoài hàng rào, để rồi sau đó sẽ lượm và đem về cho em. Ông chủ khen hai em đã hành động khôn ngoan và cho phép hai em được mang những quả chôm chôm ấy đi.

Hai em nhỏ là mỗi người chúng ta. Ông chủ là Thiên Chúa. Còn thửa vườn là thế gian, nơi chúng ta đang sống. Những trái chôm chôm là những sự tốt lành chúng ta có được, chẳng hạn như tiền bạc, cơm gạo, áo quần. Những sự tốt lành ấy chúng ta không thể đem theo khi giã từ cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta có một phương cách hành động, để ném vào đời sau những cái chúng ta đang có, đó là chúng ta hãy biết chia sẻ phần tiền bạc vật chất ấy cho những người nghèo khổ và giúp đỡ cho những người túng thiếu...

Điều này Chúa không cấm mà còn khuyến khích chúng ta nữa, bởi vì trong ngày phán xét Chúa sẽ nói với chúng ta: Khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn; khi Ta khát các ngươi đã cho uống; khi Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; khi ta đau yếu và bị cầm tù, các ngươi đã viếng thăm… Nếu hành động khôn ngoan như thế, chúng ta sẽ xứng đáng là những người con cái Chúa và chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng bội hậu. Bởi vì giúp đỡ người khác chính là cách thức chúng ta đầu tư cho cuộc sống mai sau.

2. Liên đới – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Toàn cầu hóa đã giúp nhân loại phát triển tình liên đới. Nhân loại trở nên một cộng đồng sinh mệnh. Sự an nguy không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Cứu người chính là cứu mình. Vì một thảm họa nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ mau chóng lan tràn khắp thế giới. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Nó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân trên hành tinh. Biết sống liên đới, nhân loại đang đi vào con đường Phúc Âm.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến tình liên đới. Phải liên đới vì mọi người đều là anh em với nhau. Phải liên đới vì đó là điều kiện vào Nước Trời.

Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy điều đó. Có lẽ khi đọc bài dụ ngôn này, có nhiều người bất mãn tự hỏi: “Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?”.

Vâng, giàu có đâu phải là một tội. Tuần trước Chúa Giêsu đã cho ta thấy giá trị tích cực của tiền bạc khi dạy ta hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu để họ đưa ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Tiền bạc, nếu biết sử dụng, sẽ có giá trị tích cực. Nhưng nếu không biết sử dụng, sẽ trở thành nguy cơ.

Nguy cơ thứ nhất là: tiền bạc có thể mê hoặc tâm hồn.

Khi đó tiền bạc sẽ trở thành sợi dây trói buộc. Tâm hồn mê tiền bạc giống như con chim bị cột, không cất cánh bay cao, bay xa được. Đó là trường hợp chàng thanh niên đạo đức trong Phúc Âm. Anh đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời. Anh muốn vươn lên, muốn tiến bộ trên đường đức hạnh. Nhưng tiền bạc đã ngăn cản bước tiến của anh. Chúa Giêsu cất tiếng gọi anh. Nhưng tiền bạc đã trói buộc bước chân. Và anh bỏ cuộc quay về. Đành cam chịu với nếp sống tầm thường xưa cũ.

Nguy cơ thứ hai là: tiền bạc dễ làm cho trái tim thành xơ cứng, chai đá.

Người có nhiều tiền bạc dễ rơi vào tình trạng tự mãn. Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Phúc Âm hôm nay. Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác. Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy. Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô. Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới.

Nguy cơ lớn nhất mà tiền bạc có thể dẫn tới: đó là làm cho ta mất hạnh phúc đời đời.

Hạnh phúc trên Nước Trời là một cuộc sống hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Cho đi tất cả để nhận lãnh được tất cả. Những người ích kỷ không biết cho đi, không biết chia sẻ, không thể tham dự vào sự sống hiệp thông này. Vì thế, người ích kỷ là người tự chọn con đường xuống hỏa ngục. Kẻ khép cửa lòng trước nỗi khốn cùng của tha nhân, là người tự đào huyệt chôn mình. Người sống thiếu tình liên đới là người tự trục xuất mình ra khỏi Nước Trời.

Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao ông nhà giàu lại bị đày đọa trong hỏa ngục. Ông nhà giàu không có tội gì. Ông chỉ có tội thiếu sót: thiếu sót tình liên đới, thiếu sót sự chia sẻ. Trước đây ông đóng kín cửa để tự ngăn mình với Ladarô. Nay cánh cửa đó biến thành vực sâu thăm thẳm chia cắt hai người. Trước kia ông chỉ cần xoay nắm mở cửa là gặp được Ladarô. Nay ông không tài nào vượt qua được vực thẳm ngăn cách. Trước kia ông nghĩ sẽ không bao giờ cần tới Ladarô. Nay ông biết mình cần Ladarô cho mình một giọt nước thì đã trễ. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.

Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác. Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau. Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được. Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình. Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày. Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh. Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh con. Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Tôi có quan tâm đến những người sống chung quanh tôi, đặc biệt những người nghèo khổ không?

2) Đời sống tôi cần đến người khác cả về phương diện tự nhiên lẫn phương diện siêu nhiên. Tôi có ý thức điều đó không?

3) Một đời sống quá đầy đủ có thể là nguy cơ cho đời sống thiêng liêng. Tôi làm cách nào để tránh rơi vào nguy cơ này?

4) Tại sao ông nhà giàu phải vào hỏa ngục?

3. Có một vực thẳm

Suy Niệm

Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.

Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian dài.

Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô, chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.

Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị, giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.

Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc. Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày, vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.

Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô, nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời. Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín. Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng. Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.

Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em. Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.

Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được. Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.

Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do chính con người đã tạo ra từ đời này.

Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai, nhưng vì ông không bị sốc chút nào trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.

Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.

Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo, nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.

Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công, và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.

Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều, nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.

Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.

Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.

Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm: Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ, bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.

Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác: giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng, giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.

Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.

Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.

Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải, để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm... Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, đâu là những nguyên nhân đưa đến sự chênh lệch lớn lao giữa kẻ giàu người nghèo? Có cách nào làm giảm bớt sự chênh lệch đó không?

Nếu bạn là Bill Gates, với tài sản 50 tỉ đô la, bạn có muốn làm gì cho người nghèo trên thế giới không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

4. Hai khuôn mặt trái ngược nhau

Suy Niệm

Dụ ngôn cho ta thấy hai khuôn mặt trái ngược nhau: một ông nhà giàu dư ăn dư mặc, một anh nhà nghèo bệnh tật nằm đói lả, không đủ sức xua đuổi những con chó đến quấy rầy.

Hai người ở gần nhau, chỉ cách nhau một cái cổng vẫn thường khép, nhưng lại thật xa nhau.

Ông nhà giàu biết mặt, biết tên anh nhà nghèo, nhưng ông chẳng mảy may quan tâm, vì ông bận tổ chức tiệc tùng và mời quan khách.

Ladarô đã chết trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Ông nhà giàu cũng chết.

Cái chết đồng đều cho mọi người, nhưng số phận sau cái chết lại khác nhau.

Không phải chỉ vì giàu mà ông nhà giàu bị phạt, nhưng vì ông đã khép cửa và khép lòng, đã ung dung hưởng thụ quyền sở hữu “hợp pháp”, đã không chấp nhận chia sẻ điều mình có dư thừa.

Ông nhà giàu hẳn đã thấy Ladarô, nhưng đã sống như thể không có anh ta, vì ông loay hoay vun quén cho hạnh phúc của mình.

Không phải chỉ vì nghèo mà anh nhà nghèo được thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Abraham, nhưng vì anh chấp nhận số phận hẩm hiu của mình, và trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Thế giới văn minh lại càng đào sâu hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo, giữa thiểu số người giàu và đa số người nghèo.

Chính tôi cũng giàu về một mặt nào đó: giàu trí tuệ, giàu bạn bè, giàu thế lực, giàu chỗ đứng trong xã hội, giàu đời sống thiêng liêng.

Hố sâu chỉ được lấp đầy bằng cách mở tung cánh cửa yêu thương và chia sẻ, nhìn nhận tài nguyên thế giới là của mọi người, nhìn nhận quyền sống của từng người, sống như một nhân vị, sống như con cái Thiên Chúa, sống như anh chị em tôi.

Mỗi người chúng ta đều có một Ladarô chờ ngoài cửa, nếu chúng ta mở cửa và mời người đó đồng bàn, thì chúng ta sẽ trở nên người giàu có thực sự, và trưởng thành viên mãn trong nhân cách.

Dù người chết hiện về, dù kẻ chết sống lại cũng chẳng làm chúng ta hết chai đá.

Chỉ Lời Chúa mới khiến chúng ta sám hối ăn năn, mở lòng trước tha nhân và Thiên Chúa (x. 1Ga 3,17).

Gợi Ý Chia Sẻ

Con người chỉ trưởng thành khi biết quên mình và quảng đại hiến mình phục vụ tha nhân. Bạn có đo được sự trưởng thành của mình dựa trên nguyên tắc đó không?

Ai cũng giàu có về một phương diện nào đó. Bạn thấy mình giàu có về mặt nào? Bạn có nghĩ rằng cho đi sẽ làm bạn thêm giàu có không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy những người nghèo ở quanh con, ở trong gia đình con, đang cần đến con.

Bất cứ ai đang cần đến con đều là người nghèo, xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng cả người giàu cũng nghèo, nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

Dần dần con chấp nhận rằng cả bản thân mình cũng nghèo và cần đến người khác.

Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt, một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con ai cũng nghèo về một mặt nào đó và ai cũng cần đến người khác. Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo, vì Chúa rất cần đến chúng con để hoàn thành công trình cứu độ.

Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.

5. Môi trường đức tin

Phần đầu dụ ngôn người phú hộ xấu trình bày dưới một hình thức bóng bảy lời giảng dạy mà các ngôn sứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhờ thế chúng ta biết rõ hình phạt cuối cùng nào chờ đợi những kẻ sống trong xa hoa mà tuyệt nhiên không động lòng bố thí cho kẻ cùng khổ nằm dưới mái hiên nhà mình. Dụ ngôn nhấn thêm vào khía cạnh thảm hại một cuộc sống ích kỷ vật chất, vào sự bất lực không mở rộng được tâm hồn đón nhận đức tin. Đó là phần kết của dụ ngôn. Đức Kitô dạy rằng cuộc sống vĩnh cửu được chuẩn bị ngay từ đời này. Nếu cách sinh hoạt ở thế gian khiến cho tâm hồn khép kín đối với đức tin, thì mai ngày sẽ không thể đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu. Vấn đề nghiêm trọng nhất bây giờ là có sẵn sàng đón nhận đức tin hay không –chắc hẳn dụ ngôn muốn chúng ta quan tâm đến việc ấy. Đức tin nảy rễ trong những tâm hồn tự do, khiêm hạ, khao khát yêu thương.

1) Tự do của tâm hồn.

Đây là sự tự do quyết định thái độ trước những cơ hội hưởng thụ dễ dàng mà thế gian và tiền bạc hiến cho một số người. Khi tiền bạc từ địa vị kẻ tôi tớ nhảy lên địa vị chủ nhân ông, nó trở nên ám ảnh người ta không lúc nào ngơi. Cái hại căn bản của tiền bạc là nó ngăn chặn chuyển động của tâm hồn đi tìm Nước Thiên Chúa trước hết mọi sự. Tiền bạc là công cụ cho hưởng thụ, uy quyền và chiếm đoạt; tiền bạc làm đồi bại những tâm hồn nào không biết tự vệ, chịu để nó sai khiến. Khi con người buông mình theo sức cuốn hút của tiền bạc, con người đâm ra mù quáng về hai diện. Trước hết, mất ý niệm về Thiên Chúa và không nghe thấy tiếng gọi của đức tin –mất luôn cả ý niệm về chính mình và không nghe thấy những đòi hỏi của đức công bằng. Trong một thế giới đóng kính như thế, nếu có những lúc thấy vắng thiếu Thiên Chúa, thấy anh em đau khổ thì cũng thản nhiên cho là thường, chẳng đáng bận tâm. Sa đoạ tới mức ấy chính vì đã mất hết quyền tự do làm một con người thật sự, mất quyền tự do cao quý để có thể chấp nhận đức tin.

2) Tâm hồn khiêm hạ dễ chấp nhận.

Sự thể tiến trình mặc khải phải qua những trung gian nhân loại. Một số người xử sự như mấy người Do thái xưa kia đối với Đức Kitô, họ muốn Thiên Chúa tỏ mình ra cho họ trong ánh hào quang chói loà của một quang cảnh hiển linh không ai chối cãi được. Họ chẳng hiểu gì hết. Trước nhất, chẳng ai thấy được Thiên Chúa mà không chết vì thế. Tiếp đến, nhìn thấy sự thật hiển nhiên, người ta vẫn có thể không tin. Rất nhiều người Do thái chứng kiến Đức Giêsu làm phép lạ cho con bà goá ở Naim và ông Ladarô ở Bêtania sống lại. Vậy mà tất cả đám đông ấy có tin vào Đức Kitô không? Tại sao họ vẫn cứng lòng? Họ không tin vì tâm hồn họ không có đức khiêm hạ, họ không đầu hàng sự thật trước mắt. Tâm hồn khiêm hạ thì chấp nhận những định chế nhân loại (ví dụ Giáo Hội) do Đức Kitô lập ra để truyền thông đức tin.

3) Đức tin sống động thì có tình yêu thương.

Luật truyền lớn nhất của Đức Kitô là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu kẻ khác vì Thiên Chúa. Nếu chẳng may tâm hồn sa đoạ, trở nên khô cằn, thậm chí khả năng yêu thương bị tê bại, thì làm sao có thể đón nhận một đức tin đồng thời cũng là một tình yêu? Thửa đất cơ bản thiết yếu cho đức tin bám rễ và lớn mạnh chính là môi trường của một tâm hồn trong sạch tươi mát, vì chỉ những tâm hồn như thế mới có khả năng thật sự yêu thương.

6. Lazarô sẽ không bao giờ tự mãn

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)

Trong suốt Thánh Lễ, chúng ta thường nghe Chúa Giêsu dạy về ý nghĩa của những dụ ngôn. Điều đó có thể đã giúp cho chúng ta tự hỏi: “Tôi là ai trong dụ ngôn đó?”. Chúa Nhật này, Chúa Giêsu nói môt câu chuyện rất mạnh mẽ về người giàu có không hề chú ý đến người ngheo trước cửa nhà mình. Người phú hộ trong câu chuyện không có tên (ông ta có biệt danh là “Dives” từ này trong từ Latinh có nghĩa là giàu có). Có lẽ việc thiếu tên là một dấu hiệu để cho chúng ta suy nghị xem chúng ta là người nào và người đó là người tự mãn, thỏa mãn với những gì mình đang có và vì thế mà ông ta đã không chú ý tới Lazarô nơi cổng nhà mình, ngay khi Lazarô bị ốm rất nặng, mình bao bọc đầy những mụn, rất đói và ông ta thèm huồng nhìn những miếng bánh vụn rơi từ bàn người phú hộ xuống đất nhưng không có mà ăn.

Cũng có một cách khác để thấy chúng ta trong dụ ngôn ngày hôm nay. Trước đây chúng ta đồng ý rằng chúng ta được cảnh báo để nhìn thấy và chăm sóc những người có những nhu cầu khẩn thiết, chúng ta có thể làm tốt hơn để nhận biết rằng tất cả chúng ta là Lazarô. Hay chính xác hơn chúng ta có thể là như thế trong phạm trù thiêng liêng chứ không theo một cách thể lý.

Không có sự cứu chuộc bởi Đức Kitô thì chúng ta tồi tàn hơn Lazarô. Chúng ta không có những mụn nhọt bên ngoài nhưng bên trong chúng ta thì đầy tội lỗi. Chúng ta đã thiếu những của ăn không chỉ là những bánh vụn nhưng là Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa. Chúng ta ở ngoài cổng của Giáo Hội, nếu không có Đức Kitô chúng ta sẽ không bao giờ bước qua ngưỡng cửa nhà của Người ở trên mặt đất này, để một ngày kia chúng ta bước vào ngôi nhà đời đời ở trên trời.

Thiên Chúa đã thương xót chúng ta. Người đã gửi Con của Người là Thượng Tế tối cao, là Đấng trung gian của chúng ta, Đấng đã băng qua khoảng cách lớn lao của vực thẳm tội lỗi mà Abraham đã nói với người giàu có khi bị tách riêng ra khỏi Thiên đàng. Thiên Chúa đã cho chúng ta đức tin để tin vào quyền năng cứu chuộc của sự chết Đức Kitô, và để âu yếm chân lý về sự Phục Sinh của Ngài và sự Phục Sinh đó là nguồn mạch bảo đảm cho niềm hy vọng vững chắc của chúng ta. Thiên Chúa đã trao cho chúng ta sự khôn ngoan để trân trọng và yêu mến Thánh Thể như là Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa đã hiến thân vì chúng ta, Máu quý giá của Ngài đã đổ ra vì chúng ta.

Cách thiêng liêng chúng ta có thể giống như Lazarô trong sự khốn khổ thể lý của ông nhưng chúng ta đã trở thành giống ông khi ông được nâng lên bởi các thiên thần. Chúng ta là những kẻ đã được chúc phúc thật sự vì Chúa Giêsu đã không đối xử với chúng ta như là người phú hộ đối xử với Lazarô. Để thực hành ứng dụng mà Chúa Giêsu đã giới thiệu trong dụ ngôn, hãy để chúng ta tưởng tượng rằng Lazarô trở lại trên mặt đất này. Thế bạn có nghĩ rằng ông ta sẽ chểnh mảng như người phú hộ, người đàn ông giàu có đó không? Thế bạn có nghĩ rằng ông sẽ lờ đi với những người bây giờ có hoàn cảnh khốn khổ như ông ta không? Các bạn có tin rằng Lazarô sẽ làm bất cứ điều gì để thương xót người khác hơn là những kẻ chỉ có thể cho những người ăn xin những miếng bánh vụn từ bàn của ông rơi xuống không?

Nhưng không cần chúng ta tưởng tượng Lazarô đã trở về từ cõi chết. Chúng ta là những Lazarô, tất cả mọi người chúng ta đều làm như thế. Tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta sẽ là sự thúc đẩy cho chúng ta trở nên quảng đại đối với những kẻ có nhu cầu, tử tế với những người không có sự an ủi và yêu thương hướng đến mọi người như Thiên Chúa đã hướng đến chúng ta. Trong kinh tiền tụng của Thánh Lễ, vị linh mục đã tuyên bố nhân danh chúng ta: “Lạy Cha, chúng con xưng tụng Cha ở mọi nơi, dâng lên Cha lời cảm tạ”. Lời kinh phụng vụ tạ ơn của chúng ta sẽ thúc đẩy chúng ta luôn luôn và ở mọi nơi, để cư xử với mọi người bằng tình yêu quảng đại mà Thiên Chúa đã trình bày cho chúng ta trong người Con của Người, vị Tư Tế và là vị Cứu Chuộc chúng ta.

7. Giàu có và nghèo khó - McCarthy

Ông phú hộ và Ladarô sống trong những thế giới khác nhau. Ông phú hộ mặc áo dài tía; Ladarô mặc áo quần rách rưới. Ông phú hộ ăn cao lương mỹ vị mỗi ngày, Ladarô không có gì để ăn. Ông phú hộ mạnh khỏe, Ladarô mình đầy mụn nhọt. Ông phú hộ sống trong lâu đài, Ladarô sống trước cổng ông nhà giàu.

Thật vậy, nói rằng họ sống trong những thế giới khác nhau là một cách nói giảm nhẹ. Họ sống trong một thế giới trái ngược nhau. Ông phú hộ sống trong một khu vườn; Ladarô sống trong một sa mạc. Ông phú hộ sống trong một thiên đàng trần gian; Ladarô sống trong một địa ngục loài người. Và dù thế giới riêng của họ khác nhau như ngày và đêm, chúng lại ở cạnh nhau.

Ladarô sống ở bên lề thế giới của ông phú hộ. Và vì anh ở ngoài cổng nhà ông phú hộ nên mỗi ngày anh nhìn vào thiên đàng mà anh đã bị trục xuất. Dù anh ao ước được đi vào thế giới của ông, anh cũng không dám ấp ủ hy vọng được ngồi vào bàn. Anh sẽ sung sướng biết bao khi được làm đầy bụng bằng những mảnh vụn thức ăn từ bàn của ông phú hộ rơi xuống. Nhưng anh không có được, không phải vì không thể làm được việc đó mà chỉ vì không ai muốn làm việc đó cho anh.

Dĩ nhiên, người ở vị trí tốt nhất để giúp đỡ anh Ladarô là ông phú hộ. Ông có thể dễ dàng bước vào thế giới cô độc và tuyệt vọng của Ladarô để tiếp xúc với anh. Nhưng ông đã không làm. Ông khép kín, không chỉ lâu đài mà cả tâm trí và tâm hồn ông lại.

Ladarô thuộc vào hạng người nghèo nhất. Thế nhưng trong một ý nghĩa nào đó, ông phú hộ còn nghèo hơn. Thế nghĩa là thế nào? Câu chuyện nhỏ sau đây sẽ cho chúng ta hiểu điều đó.
Một nhà doanh nghiệp đậu chiếc xe đời mới của ông vào lề đường và đi làm một vài công việc. Khi ông trở lại chiếc xe, ông thấy một cậu bé nghèo khoảng mười một tuổi đang quan sát chiếc xe với đôi mắt đầy vẻ thán phục và thèm muốn.

- Thưa ông, có phải chiếc xe này của ông? Cậu bé hỏi.

- Phải. Ông ta đáp.

- Nó đẹp quá. Ông phải trả bao nhiêu tiền để mua nó?

- Nói thật với chú bé là tôi không biết.

- Ông muốn nói ông mua nó và không thể nhớ đã trả bao nhiêu?

- Này chú bé, tôi không nói tôi mua nó. Đây là một món quà mà bạn tôi cho tôi.

- Ông muốn nói bạn ông cho ông và ông không mất một xu nào để mua?

- Đúng thế!

- Tôi ước gì tôi…

Nhà doanh nghiệp tin chắc rằng cậu bé sẽ nói tiếp “Tôi ước gì tôi có một người bạn như thế”. Nhưng cậu bé lại nói: “Tôi ước gì tôi có thể là một người bạn như thế”.

Và ông ta kết luận: “Đây là mình trong bộ áo quần lòe loẹt với chùm chìa khóa và một chiếc xe đời mới trong tay. Còn kia là cậu bé áo quần rách rưới. Tuy nhiên tâm hồn cậu có nhiều tình yêu thương hơn mình. Và trong ý nghĩa đó, cậu giàu sang hơn mình… Tôi thật sự xúc động đến nỗi lấy xe chở cậu và người bạn của cậu bị chứng sốt tê liệt lúc còn nhỏ làm chân tay co rút lại, cho cả hai đi một vòng với chiếc xe của tôi. Đó là những giờ hạnh phúc nhất của đời tôi”.

Ông phú hộ phải chịu thứ nghèo nàn tệ hại nhất, đó là sự nghèo nàn của tâm hồn. Tâm hồn ông ta trống rỗng lòng thương xót và yêu thương.

Ông không muốn cho Ladarô dù là những mảnh vụn thức ăn trên bàn của ông. Cả những con chó hoang ngoài phố còn tử tế với Ladarô hơn ông ta.

Người giàu có bị của cải làm tổn thương cũng như người nghèo bị cái nghèo của họ làm tổn thương. “Cái xấu lớn nhất trong thế giới ngày nay là thiếu vắng tình yêu – sự thờ ơ khủng khiếp đối với người lân cận ngày càng phổ biến” (Mẹ Têrêxa).

Khoảng cách giữa ông phú hộ và Ladarô đang phát triển thành một vực thẳm khổng lồ. Những đứa trẻ trong thế giới thứ ba biết viễn cảnh nào đang chờ đợi chúng. Một phóng viên hỏi một thiếu niên: “Cháu muốn làm gì với cuộc đời mình?”. “Cháu muốn sống để nhìn thấy tuổi hai mươi”. Câu trả lời là như thế.

8. Bác ái bắt đầu từ nhà mình - McCarthy

Một tối nọ, một người giàu có nằm mộng và thấy một giấc mơ khó chịu. Trong giấc mơ, ông thấy một đám đông người nghèo, bị bệnh tật dày vò, những người đói lả kêu cầu ông giúp đỡ. Khi ông thức dậy sáng hôm sau, nhớ lại giấc mơ của mình, ông quyết định bắt đầu dấn thân vào một chiến dịch làm điều thiện. Ngay sáng hôm đó, không bỏ phí thời gian, ông ngồi vào chiếc xe Mercedes để đi xem cần phải giúp cho người nghèo cái gì.

Vừa mới đi qua cổng chính của tòa nhà thì ông thấy một người ăn mày ngồi trên mặt đất, hai tay đưa ra để cầu xin bố thí. Ông nhà giàu rất bối rối khi nhìn thấy hoàn cảnh khốn khổ của người ăn mày. Ông lưỡng lự một lúc rồi ra lệnh cho tài xế nhấn ga chạy tiếp. Ông không muốn dừng xe lại để chỉ gặp một người ăn mày dù hoàn cảnh của người ăn mày này có khốn khổ đến đâu.

Ông đi dọc ngang khắp thành phố và nhận thấy rằng vấn đề to lớn hơn và nhu cầu thì nhiều hơn ông nghĩ. Khi ông quay về nhà lúc chiều tối, đầu óc ông đầy ắp những kế hoạch, lược đồ, dự án. Vấn đề duy nhất là phải bắt đầu ở chỗ nào. Phải chăng ông sẽ bắt đầu với một bệnh viện, một trường học, một xí nghiệp hoặc một nơi nào đó?

Khi về đến cổng tòa nhà, ông nhận thấy người ăn mày vẫn còn ở đó, ngay tại vị trí lúc ban sáng. “Chỉ cần tưởng tượng con người nghèo khổ này ngồi đây suốt ngày trong cái nắng cháy da!”, ông tự nhủ. Một lần nữa ông cảm thấy động lòng trắc ẩn nhưng một lần nữa, ông lại đi qua không dừng lại.

Tối hôm đó ông có một giấc mơ khác. Ông lại nghe thấy những tiếng kêu cứu khác. Nhưng lần này không phải từ một đám đông, nhưng từ một cá nhân. Cá nhân này là người ăn mày mà ông đã thấy ở cổng nhà ông. Sáng hôm sau khi thức dậy ông biết rõ mình phải bắt đầu ở chỗ nào.

Mẹ Têrêxa nói: “Tôi luôn luôn nói rằng yêu thương bắt đầu từ nhà mình: trước hết ở nhà bạn rồi đến thị trấn hoặc thành phố của bạn. Yêu thương một người ở xa thì dễ, nhưng không dễ khi yêu thương những người sống với chúng ta hoặc ở gần chúng ta. Tôi không đồng ý với cách thức to lớn để thực hiện các công việc – yêu thương bắt đầu với một cá nhân. Để yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc và trở nên gần gũi với người ấy. Bạn phải đến tiếp xúc với người nghèo. Khi bạn làm điều đó, bạn vượt qua con nước to lớn ấy. Không còn những “triệu” người ấy mà một vài người bạn hiện đang tiếp xúc, gần gũi”.

Mẹ Têrêxa kể lại câu chuyện sau đây: “Một lần nọ ở Bombay có một hội nghị lớn về tình trạng nghèo khổ. Khi tôi đến nơi, ngay trước cửa của địa điểm trong đó hàng trăm người đang nói về lương thực và cái đói, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà chúng tôi dành cho người hấp hối. Người ấy chết ở đó. Người ấy chết vì đói. Trong lúc những người ở bên trong nói về việc làm thế nào để trong mười lăm năm, chúng ta sẽ có thật nhiều lương thực và thế này thế kia – còn người đàn ông đó thì đã chết.

“Tôi không bao giờ coi các đám đông là trách nhiệm của tôi. Tôi nhìn vào cá nhân. Tôi chỉ có thể yêu thương một người ở mỗi lúc. Tôi chỉ có thể nuôi sống một người ở mỗi lúc. Tôi nhặt một người. Có lẽ nếu tôi không nhặt một người, tôi sẽ không thể nhặt đến 42.000 người. Toàn bộ công việc chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không đặt giọt nước ấy vào, hẳn đại dương sẽ ít đi một giọt. Đối với bạn, cũng giống thế. Trong gia đình bạn, cũng giống thế”.

Người giàu có không mong cứu vớt thế giới. Nhưng ông ta có thể giúp đỡ người ăn mày trước cổng nhà mình.

CÂU CHUYỆN KHÁC

Một tu sĩ lang thang đến một ngôi làng. Ông đang định nghỉ qua đêm dưới một gốc cây thì một dân làng chạy đến gặp ông và nói: “Xin thầy cho con viên ngọc quý”.

- Anh định nói về viên ngọc nào? Người tu sĩ khẽ hỏi.

- Tối qua con có một giấc mơ: nếu con đi ra bên ngoài làng lúc chạng vạng tối, con sẽ gặp được một tu sĩ và vị này sẽ cho con một viên đá quý, làm con trở nên giàu có mãi”.

Tu sĩ lục lọi trong túi xách, tìm thấy một viên ngọc và lấy ra. “Đây có lẽ là viên ngọc mà anh nói đến”, ông nói và đưa nó cho người dân làng. “Tôi tìm thấy nó trong rừng, cách đây mấy ngày. Anh hãy nhận lấy nó”.

Người đàn ông cầm viên ngọc và ngắm nghía với vẻ thán phục. Nó là một viên kim cương, viên lớn nhất mà anh ta chưa bao giờ thấy. Anh ta đem nó về nhà. Nhưng suốt đêm, anh ta trằn trọc trên giường, không thể ngủ được. Sáng sớm hôm sau anh ta trở lại gặp vị tu sĩ và nói: “Suốt đêm qua, con đã suy nghĩ nhiều. Thầy hãy lấy lại viên kim cương này. Thay vào đó, hãy cho con sự giàu có nào làm thầy cho đi viên kim cương ấy dễ dàng đến thế”.

Người giàu có sống bằng đời sống tinh thần bên trong, người bình thường sống bằng đời sống bên ngoài – điều mà người kém cỏi lại thấy cần và mong muốn.

Top