Chúa nhật 22 Thường niên năm B (+video)

Chúa nhật 22 Thường niên năm B (+video)

Chúa nhật 22 Thường niên năm B (+video)

Mc 7,1-8a.14-15.21-23
“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm”.
(Mc 7, 8)

Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một câu chuyện nhỏ, chuyện những người Biệt Phái và luật sĩ thắc mắc về việc các môn đệ của Chúa không rửa tay theo tập tục của tiền nhân trước khi ăn. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu rằng cuộc sống có những việc còn quan trọng hơn những việc có tính cách tập tục và chỉ có giá trị bên ngoài. Và cũng nhân câu chuyện này, Chúa còn nói thêm về việc phải sống như thế nào cho đẹp lòng Chúa cũng như mang lại cho cuộc sống đó nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta tự hỏi Chúa muốn cuộc sống phải như thế nào?

1. Điều Chúa muốn chắc chắn không phải là cuộc sống giả tạo, cuộc sống không có sự ăn khớp giữa bên ngoài với bên trong của một con người.

Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của những phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy cực ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.

Chợt có một phóng viên nhìn thấy trên cổ của cô có đeo một sợi dây chuyền vàng với một cây Thánh Giá thật đẹp, anh ta liền thay đổi đề tài. Anh ta hỏi cô: “Tôi thấy cô đeo Thánh Giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo”.

Khán giả thấy rõ sự bối rối xuất hiện trên khuôn mặt cô, vì đây là vấn đề mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”.

Người phóng viên hỏi dồn: “Vậy tại sao cô lại mang Thánh Giá trên người cô?”.

Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời: “Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi”.

Một con người không còn tin Chúa nhưng vẫn đeo Thánh Giá của Chúa. Rõ ràng đó là việc không hợp lý tí nào. Cuộc sống như thế là cuộc sống giả hình.

2. Vậy phải sống làm sao cho Chúa vui?

Ngày hôm nay chúng ta thấy người ta nói nhiều tới căn bệnh thành tích, căn bệnh phát sinh từ cuộc sống hình thức giả tạo mà ra. Sống như thế có khác gì ngày xưa và nếu cứ sống mãi như vậy thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ không thể tốt đẹp, mà ngược lại nó sẽ là một cuộc sống gây nên nhiều đau khổ.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh. Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết, nhưng không được quên điều cốt tủy của luật Chúa là yêu thương.

Nhà thần học William Barclay có thuật lại một câu chuyện mà ông đã biết rất rõ. Theo ông thì hồi ấy có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ tới khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước.

Báo cáo của y sĩ làm cho các sĩ quan cai ngục vô cùng bối rối. Họ không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ ấy một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước người ta cung cấp cho ông ta mỗi ngày. Cuối cùng, họ đã khám phá ra bí mật. Thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế, ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.

Hãy can đảm bỏ đi những gì không phù hợp với giới răn yêu thương để sống một cuộc sống mới.

Năm 1914, một cuộc hỏa hoạn đã làm tiêu tan sản nghiệp của Thomas Edison. Chỉ trong một phút chốc bao nhiêu thiết bị và các tài liệu phát minh của ông đã trở thành may khói.

Khi cơn hỏa hoạn vừa bộc phát, cậu con trai của ông là Charles đã vội chạy đi tìm Cha và đã nhìn thấy ông đang đăm chiêu trước ngọn lửa

Tuy nhiên khi vừa trông thấy con, Edison đã gọi: “Charles, mẹ con đâu? Con hãy đi kiếm mẹ con đến đây vì mẹ con sẽ chẳng còn bao giờ còn được thấy cảnh như thế này nữa trong cuộc đời của bà.”

Ngày hôm sau khi rảo quanh đống tro tàn của biết bao mơ ước và hy vọng, cụ già trên 60 tuổi đã thốt lên những lời rất cảm động như sau: “Cơn hỏa hoạn này thật là giá trị: Tất cả lỗi lầm của chúng ta đã được đốt sạch. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta có dịp để bắt đầu làm lại.” Ba tuần sau ông cho ra đời chiếc dĩa hát đầu tiên.

Một sự dứt khoát với những gì đã qua, không thể lấy lại, thật đáng nể phục.

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết can đảm dứt bỏ với những gì cần phải dứt bỏ, để mỗi ngày chúng ta làm cho cuộc sống của chúng ta có nhiều tinh thần của Chúa hơn. Amen.

Top