Chúa nhật 2 Thường niên năm B (Ga 1,35-42) - Đến mà xem

Chúa nhật 2 Thường niên năm B (Ga 1,35-42) - Đến mà xem

Chúa nhật 2 Thường niên năm B (Ga 1,35-42) - Đến mà xem

Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an,
anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
(Ga 1,42)

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 3, 3b-10. 19

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe’“. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. - Đáp.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. - Đáp.

3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Đáp.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20

“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.

Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao ? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao ? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 1, 35-42

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?”

39 Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô).

42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).


Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 2 Thường niên năm B

 

WHĐ (12.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 462, 516, 2568, 2824: Ý Cha được thực hiện trong Đức Kitô

Số 543-546: Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu

Số 873-874: Đức Kitô là nguồn mạch của ơn gọi Kitô hữu

Số 364, 1004: Phẩm giá của thân xác

Số 1656, 2226: Giúp trẻ em khám phá ơn gọi của mình

Bài Ðọc I: 1Sm 3, 3b-10. 19

Bài Ðọc II: 1Cr 6, 13c-15a, 17-20

Phúc Âm: Ga 1, 35-42

Số 462, 516, 2568, 2824: Ý Cha được thực hiện trong Đức Kitô

462. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói về mầu nhiệm ấy như sau:

“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7, trích Tv 40,7-9, bản LXX).

516. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga l4,9), và Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý của Chúa Cha[1], nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta[2].

2568. Mạc khải về cầu nguyện trong Cựu Ước diễn ra giữa việc con người sa ngã và được nâng dậy, giữa tiếng đau thương của Thiên Chúa gọi những đứa con đầu tiên của Ngài: “Ngươi ở đâu?… Ngươi đã làm gì?” (St 3,9.13), và lời đáp lại của Người Con độc nhất lúc Người bước vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[3]. Như vậy, việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử loài người; cầu nguyện là tương quan với Thiên Chúa trong những biến cố của lịch sử.

2824. Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[4]. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42)[5]. Vì vậy, Chúa Giêsu “đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10,10).

 

Số 543-546: Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu

543. Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo cho con cái Israel[6], nhưng hướng đến việc đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc[7]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:

“Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[8].

544. Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18)[9]. Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[10]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu đói[11], chịu khát[12], chịu thiếu thốn[13]. Hơn thế nữa, Người tự đồng hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người[14].

545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[15]. Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[16], và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người[17]. Qua các dụ ngôn, Người mời vào dự tiệc Nước Trời[18], nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[19]; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm[20]. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mau mỡ?[21] Họ làm gì với những nén bạc đã nhận?[22] Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[23].

 

Số 873-874: Đức Kitô là nguồn mạch của ơn gọi Kitô hữu

873. Chính những khác biệt Chúa đã muốn đặt giữa các chi thể của Thân Thể Người, phục vụ cho sự hợp nhất và cho sứ vụ của Thân Thể Người. “Bởi vì trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ vụ. Nhiệm vụ được Đức Kitô trao phó cho các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài là nhân danh Người và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn các giáo dân, những người được tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô, chu toàn những phần việc của mình trong sứ vụ của toàn dân Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong trần gian”[24]. Cuối cùng, “trong cả hai thành phần này [phẩm trật và giáo dân], có những Kitô hữu, qua việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm…, được thánh hiến cách đặc biệt cho Thiên Chúa, và làm ích cho sứ vụ cứu độ của Hội Thánh”[25].

874. Chính Đức Kitô là nguồn mạch của thừa tác vụ trong Hội Thánh. Chính Người đã thiết lập thừa tác vụ, và trao ban thẩm quyền, sứ vụ, phương hướng và mục đích cho thừa tác vụ trong Hội Thánh:

“Để dân Thiên Chúa được chăn dắt và luôn được tăng trưởng, Chúa Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh của Người hầu mưu ích cho toàn thân. Thật vậy, các thừa tác viên, những người sử dụng quyền thánh chức, phục vụ các anh chị em mình, để mọi người thuộc dân Thiên Chúa … đạt tới ơn cứu độ”[26].

 

Số 364, 1004: Phẩm giá của thân xác

364. Thân xác của con người được dự phần vào phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa”: nó là thân xác nhân linh (corpus humanum) chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động, và toàn bộ nhân vị được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Đức Kitô[27].

“Là một thực thể có xác có hồn, con người, nhờ chính điều kiện có xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên, nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Vì vậy con người không được khinh miệt sự sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết”[28].

1004. Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Kitô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó phải chịu đau đớn:

“Thân xác … phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? … Anh em đâu còn thuộc về mình nữa…. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6,13-15.19-20).

 

Số 1656, 2226: Giúp trẻ em khám phá ơn gọi của mình

1656. Ngày nay, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin, gia đình các tín hữu là hết sức quan trọng, với tính cách là những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II dùng một thuật ngữ cổ xưa, gọi gia đình là Hội Thánh tại gia (Ecclesia domestica)[29]. Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái mình, bằng lời nói và gương sáng, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi thánh thiêng”[30].

2226Việc giáo dục đức tin cho con cái phải được cha mẹ bắt đầu ngay từ tuổi ấu thơ của chúng. Việc giáo dục này đã khởi đầu, khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú các hình thức khác của việc giáo dục đức tin. Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa[31]. Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cho con cái và cho cha mẹ chúng.

 

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 2 Thường niên năm B

Đức Phanxicô:

17.01.2021 – Không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ với Chúa

14.01.2018 – Hành trình đức tin

Đức Bênêđictô XVI:

15.01.2012 – Vai trò hướng dẫn thiêng liêng

 

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Qua lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ của ông đã đi theo Ðức Giêsu. Anrê, một trong hai vị tiên khởi, sau khi đã gặp được Ðức Giêsu rồi lại giới thiệu cho em mình là Simon Phêrô. Philíp cũng giới thiệu cho Natanaen sau khi ông đã đi theo Chúa.

Ðộng lực thúc đẩy người môn đệ đi làm chứng là tình yêu Ðức Giêsu, sau khi đã gặp được Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, lời Ngài truyền cho chúng con: hãy làm chứng nhân cho Thầy. Chúa ơi, làm sao có thể chúng con thực thi được mệnh lệnh này nếu chúng con chưa một lần gặp Chúa ? Làm chứng cho Chúa không phải chỉ bằng lời nói vô nghĩa, nhưng phải có nội dung nơi chính tâm hồn đã cảm nghiệm. Xin Ðấng Phục Sinh tỏ mình ra cho chúng con để chúng con có thể giới thiệu về Ngài. Amen.

Ghi nhớ: “Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Tường thuật ơn gọi của 3 môn đệ đầu tiên là Gioan, Anrê và Simon Phêrô. Có vài điều đáng lưu ý:

a/ Tin mừng Gioan khác với Tin mừng nhất lãm:

- Trong Tin mừng nhất lãm, những môn đệ đầu tiên là Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan; còn trong Tin mừng Ga, đó là Gioan, Anrê và Simon (tiếp đó sẽ là Philipphê và Natanaen: x,cc43-51)

- Tin mừng nhất lãm nhấn mạnh đến sự từ bỏ dứt khoát của họ (“Lập tức họ bỏ chài lưới(hoặc bỏ cha và những người làm công) mà theo Ngài “: x.Mc 1, 18-20). Tin mừng Ga thì tường thuật hành trình ơn gọi.

b/ Ơn gọi được khơi lên từ một người giới thiệu: Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu cho Gioan và Anrê; Anrê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho Simon Phêrô.

- Hành trình qua những chặng đi theo, tìm hiểu, và lưu lại (câu 37-39: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại thấy các ông thì hỏi “Các anh làm gì thế ?”. Họ đáp “Thưa Rabbi, Thầy ở đâu ?”. Ngài bảo họ “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và lưu lại với Ngài).

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ mình với cái giá là sự mất mát: hai môn đệ ấy đã bỏ Ngài mà theo Chúa Giêsu.

2. Sau khi gặp được Chúa Giêsu, Anrê vui mừng qúa nên giới thiệu Ngài cho em mình là Simon Phêrô (“Chúng tôi đã gặp được Đấng Messia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu”): khi nào ta thực sự vui mừng vì biết Chúa thì ta sẽ hăng hái giới thiệu Chúa cho người khác. Được có đức tin là một niềm vui. Tại sao ta không chia xẻ niềm vui ấy cho người khác ?

3. Bạn có một món đồ, tôi có một món đồ. Chúng ta trao đổi cho nhau. Bây giờ mỗi người chúng ta có hai ý tưởng. Cả hai chúng ta đều lời. Bởi vì cái bạn cho đi bạn vẫn còn, và cái tôi nhận được bạn cũng không bị mất. (Good Housekeeping).

4. Khi Thánh Gioan viết đoạn Tin mừng này thì khoảng 60 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên Ngài gặp được Chúa Giêsu, thế mà Ngài vẫn nhớ rõ “Khi đó vào khoảng giờ thứ mười”. Đúng là “Cái phút ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm nào dễ đã mau quên”. Do đâu ? Do Gioan đã “lưu lại” trong tình nghĩa với Chúa Giêsu.

5. “Ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa”(Ga 1,35)

Tôi lụng bụng giận dỗi: “Con không ăn nữa đâu, mẹ khỏi phải để phần, trễ học rồi còn gì…”và tôi xách xe đi thẳng.

Tôi vô tâm quá phải không ? Tôi đã quen sống như thế, luôn đòi cho được cái tôi cần và cái tôi muốn, cái người khác phải làm cho tôi, chứ không phải ngược lại. Tôi có lỗi với mẹ vì đạo làm con, có lỗi với người vì nghĩa làm người, và lỗi phạm đến Chúa, Đấng dựng nên tôi trong tình yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cần đến Chúa, Đấng gánh tội trần gian, để quên đi qúa khứ lỗi lầm, mà tự do bay bổng lên cao. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

ĐẾN, XEM VÀ Ở LẠI

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện Đức Giêsu

gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em ruột.

Để đáp lại, họ phải bỏ nghề đánh cá, bỏ lưới và thuyền,

bỏ cha mẹ, bỏ gia đình thân yêu.

Đó là những điều cao quý và thân thương đối với họ.

Họ chấp nhận bỏ để theo Đức Giêsu,

bước vào cuộc sống mới, bấp bênh hơn, phiêu lưu hơn.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể chuyện Đức Giêsu

gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51).

Không thấy nói đến chuyện họ bỏ gia đình hay nghề nghiệp,

nhưng hai môn đệ đầu tiên đã phải bỏ một điều khác.

Họ đã bỏ vị thầy cũ của họ là Gioan Tẩy giả

để đi theo vị thầy mới là Đức Giêsu.

Con đường đến với Thầy Giêsu gồm nhiều bước.

Các bước này xâu thành một chuỗi, gắn kết với nhau.

Bước trước chuẩn bị cho bước sau.

Bước sau lại chuẩn bị cho bước kế tiếp.

Lỡ một bước là làm hỏng cả hành trình,

vì mỗi bước đều có tầm quan trọng như nhau.

Hai môn đệ của Gioan Tẩy giả đã mở lòng để dấn bước.

Và Đức Giêsu cũng mở lòng để mời gọi hai ông.

Như một sự tình cờ, Đức Giêsu đi ngang qua chỗ Gioan

và hai môn đệ của ông đang đứng.

Bước một bắt đầu bằng lời giới thiệu của Gioan.

Lời này không dễ hiểu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).

Trước đây Gioan đã từng làm chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa,

đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Dù chưa hiểu tại sao thầy mình gọi vị này là Chiên Thiên Chúa,

nhưng hai môn đệ vẫn nghe và tin vào lời của thầy.

Họ đã đáp lại bằng hành động đi theo Đức Giêsu: đó là bước hai.

Đi theo có thể coi là bắt đầu hành trình làm môn đệ.

Đức Giêsu đi trước, hai môn đệ đi sau (Ga 1,37).

Không rõ họ đi như vậy bao lâu, chẳng ai nói một câu.

Hai ông ngần ngại, nhút nhát không dám lên tiếng trước.

Đức Giêsu có biết rằng hai người này đang đi theo mình không,

hay đơn giản chỉ là tình cờ đi chung đường ?

Có. Ngài biết rõ hai ông cố ý đi theo mình.

Và Ngài đã quay lại, đã nói câu nói đầu tiên: “Các anh tìm gì ?”

Đây là bước thứ ba, bước của Đức Giêsu (Ga 1,38).

Các anh theo tôi để tìm gì ? Các anh nghĩ tôi có thể cho cái gì ?

Câu hỏi của Đức Giêsu bắt người ta đi vào lòng mình

để nhận ra đâu là khao khát sâu thẳm của trái tim.

Đức Giêsu đã mở lời, bắt đầu cuộc đối thoại.

Câu hỏi của Ngài đã được trả lời bằng một câu hỏi khác:

“Thưa Rabbi, Thầy ở đâu ?” (Ga 1,38):

đó là bước thứ tư, biểu lộ lòng khao khát.

Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn thăm nhà Thầy.

Muốn biết nhà Thầy vì chúng con muốn biết chính Thầy.

Muốn biết rõ một người thì chỉ mong đến nhà người ấy.

“Các anh hãy đến mà xem”: đó là bước thứ năm (Ga 1,39).

Lời mời của Đức Giêsu đáp lại lòng mong mỏi của họ.

Ngài mời họ đến nhà để vén mở cho họ thấy thế giới của mình.

Hai ông vui sướng đáp lại ngay, đó là bước thứ sáu (Ga 1,39).

Họ đã đến, đã xem thấy nơi ở, và đã ở lại với Đức Giêsu.

Có thể họ đã ở lại cả đêm để trò chuyện với vị Thầy mới.

Ngây ngất và hạnh phúc như người khám phá ra kho tàng,

Anrê nhận ra vị Thầy này chính là Đấng Mêsia (Ga 1,41).

Bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Gioan Tẩy giả.

Và bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Anrê.

Ông đã hưởng niềm vui quá lớn đến độ vào hôm sau

ông đã lập tức đi tìm người em là Simôn (Ga 1,41-42),

rối rít khoe với em về khám phá mới,

và không cần nhiều bước, ông dẫn em đến ngay với Đức Giêsu.

Philipphê cũng sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho Nathanaen (Ga 1,45).

Chuyện giới thiệu Đức Giêsu sẽ còn kéo dài đến tận thế.

Nói chung rao giảng Tin Mừng là tiếp tục giới thiệu.

Không ai có thể giới thiệu Đức Giêsu

nếu đã không đích thân gặp Ngài và tin Ngài.

Không ai thực sự gặp Đức Giêsu và tin Ngài

mà lại không muốn giới thiệu Ngài cho người khác.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa,

xin hãy đi trước con và làm thầy dẫn lối.

Con xin đi theo Ngài từng bước thôi.

Xin hãy đi sau con và làm người bảo vệ.

Con sẽ đưa Ngài đến thăm tệ xá của lòng con.

Xin hãy đi bên con và làm người bạn đường.

Con sẽ trò chuyện với Ngài suốt đường đi.

(gợi hứng từ Saint Exupéry)

 

4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CHÚA GỌI CON NGƯỜI HỢP TÁC
+++

A. DẪN NHẬP

Các bài đọc hôm nay đều nói đến ơn gọi. Chúa kêu gọi mọi người và từng người một: Chúa đã gọi Samuel làm tiên tri, Chúa đã gọi các Tông đồ đi theo Chúa để rao giảng Tin mừng, và qua lời khuyên nhủ của thánh Phaolô tông đồ, Chúa kêu gọi mọi tín hữu hãy tránh xa thói dâm ô, hãy giữ thân xác cho trong sạch để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải đáp trả lại tiếng Chúa gọi như Samuel đã mau mắn thưa lại với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”, và tìm gặp Chúa: “Hãy đến mà xem” để theo Chúa: “Hãy theo Ta”. Sau khi đã theo Chúa, chúng ta còn có bổn phận phải giới thiệu Chúa cho những người khác như ông Anrê đã làm.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 1Sm 3,3b-10.19

Theo tác giả sách này, Samuel được Thiên Chúa gọi làm tiên tri ngay từ nhỏ và thuộc loại tiên tri đầu tiên. Lúc ấy Samuel là cậu bé giúp lễ, hầu việc Chúa tại đền thờ Silô bên cạnh thầy cả Hêli già nua, và chính cậu sẽ thay thế vai trò của Hêli.

Bài đọc 1 cho biết: một đêm cậu Samuel đang ngủ bên cạnh hòm Giao ước thì Thiên Chúa đã gọi cậu 3 lần. Lần nào cậu cũng tưởng thầy Hêli gọi và đã đến trình diện. Nhưng sau cùng, thầy Hêli cho biết đó là tiếng Chúa gọi và Samuel đã mau mắn thưa lại với Chúa như thầy Hêli đã dạy: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Thế là Chúa gọi Samuel làm thủ lãnh dân Do thái thay thế cho thầy cả Hêli.

+ Bài đọc 2: 1 Cr 6,13-15, 17-20

Côrintô là một đô thị hỗn tạp. Nằm trên trục lộ giao thông, nó là nơi tấp nập để trao đổi hàng hoá, tư tưởng và cả thân xác nữa... Cuộc sống phóng túng, sắc dục được coi như là tự do và tự nhiên. Vì thế, thánh Phaolô cảnh giác những độc giả của Ngài. Ngài dạy họ rằng đối với những Kitô hữu đã trở nên thân thể của Chúa Kitô do phép rửa tội, họ không được làm ô uế thân thể họ, vì họ đã được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Những lời căn dặn của thánh Phaolô vẫn không mất tính cách thời sự của nó:

- Thân xác con người là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

- Thân xác đã được cứu chuộc bằng máu của Đức Kitô.

- Vì thế, chúng ta không được dùng thân xác để phạm tội dâm ô, nhưng phải dùng nó để tôn vinh Thiên Chúa.

+ Bài Tin mừng: Ga 1,35-42

Khi Gioan Tẩy giả đang đứng ở bờ sông Giođan giảng đạo và làm phép rửa, trông thấy Đức Giêsu đi qua, ông đã chỉ tay vào Chúa Giêsu giới thiệu cho hai môn đệ của ông là Anrê và Gioan: “Đây là con chiên Thiên Chúa”, kiểu nói đó có nghĩa Đức Giêsu là Đấng Messia. Nghe nói thế, Anrê và Gioan đã đi theo Đức Giêsu, đến xem chỗ ở của Ngài và ở lại đàm đạo với Ngài một ngày. Thế là từ môn đệ của Gioan, hai ông đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu.

Sau đó, Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho em mình là Simon. Chúa cũng đã nhận Simon làm môn đệ và còn đổi tên ông là Kêpha, nghĩa là đá, cho ta đoán được trước vai trò tương lai của ông.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lời gọi và đáp trả

I. LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA GỌI

1. Phải biết lắng nghe

Thiên Chúa luôn kêu gọi chúng ta mọi nơi mọi lúc, vì thế tâm trí chúng ta cần phải tập trung mới nghe được tiếng nói của Chúa. Ngài nói với chúng ta trong sự thinh lặng, trong sự kín đáo, trong tâm hồn tĩnh lặng không để cho ngoại cảnh làm xáo trộn tâm hồn.

Chúa đã gọi Samuel trong đêm thanh vắng và Samuel đã nghe ra được tiếng Chúa, nên đã mau mắn thưa: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Nếu ta đang bận rộn về những nỗi lo vật chất, si mê những của phù du, đầy những dục vọng, thì ta sẽ không nghe được tiếng Chúa gọi. Tiếng nói của chúng lớn quá làm át cả tiếng Chúa vì Chúa nói nhỏ nhẹ, âm thầm, phải có đôi tai thính của tâm hồn mới có thể nghe thấy.

Truyện: Dòng suối vọng từ xa

Một nhà thám hiểm nọ, lạc mất giữa sa mạc, đi từ đụn cát này sang cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu cũng chỉ thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ, chân ông vấp phải một cây khô, ông vấp ngã và nằm vùi trên gốc cây, ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và ông cũng không còn chút hy vọng sống sót nào.

Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc: bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình, ông ngẩng đầu lên, trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận thức: đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng lại. Như sống lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối, rồi dùng nguồn năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối (Cử hành phụng vụ Chúa nhật, tr 109).

Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa. Có thinh lặng từ cõi lòng chúng ta mới nghe được tiếng mời gọi thì thầm của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống.

2. Phải tìm gặp gỡ Chúa

Chúng ta tin rằng Chúa ở khắp nơi mà chẳng ở nơi nào cả, nhưng nếu chúng ta tìm thì sẽ gặp được Ngài. Thực ra, Ngài đang ở giữa chúng ta, cùng đi với chúng ta, nhưng chỉ có người thiện chí mới nhận ra sự hiện diện của Ngài.

Hãy tìm gặp gỡ Chúa như ba Tông đồ Anrê, Gioan và Phêrô. Rõ ràng đây là cuộc gặp gỡ tuyệt vời bởi vì rất nhiều năm sau, khi Gioan viết Tin mừng, ông vẫn còn nhớ chính xác thời giờ lúc đó: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (nghĩa là khoảng 4 giờ chiều). Ngày nay chúng ta không thể gặp Ngài một cách cụ thể như ba Tông đồ xưa, nhưng chúng ta có thể tìm gặp Ngài trong các biến cố xảy ra từng ngày: lời khuyên của một người bạn, của một người khôn ngoan, của một đoạn Thánh kinh, một sự thử thách, một sự thất bại, một tư tưởng đột xuất nào đó, đều là những dấu chỉ của Thiên Chúa, lời kêu gọi của Chúa Kitô.

Truyện: Thánh Phanxicô Borgia

Phanxicô Borgia (1510-1572) được cắt cử tháp tùng thi hài của hoàng hậu Isabelle, một mỹ nhân sắc nước hương trời, đến chỗ an táng của hoàng tộc. Trước khi hạ huyệt, quan tài được mở ra để được xác nhận. Cảnh tượng đã làm đảo lộn cuộc đời chàng. Phanxicô từ biệt triều đình, vào dòng Tên, trở nên vị thánh, tổng quyền thứ ba của dòng. Ngài nói: “Từ nay mọi danh vọng và lạc thú trần gian chẳng dính dáng gì đến Phanxicô nữa!” Phanxicô Borgia đã nghe một tiếng gọi từ bên trong.

Ngày hôm nay, trên khắp mọi nẻo đường trần gian, chúng ta vẫn có thể giáp mặt với Đức Giêsu khi Ngài đi ngang qua giữa chúng ta, như xưa Ngài đã “đi ngang qua” giữa các môn đệ bên bờ sông Giođan.

Đức Giêsu không bao giờ ép uổng, không bao giờ giăng bẫy rình bắt ai. Ngài chẳng hề làm áp lực, cũng không tìm cách mê hoặc dụ dỗ người nào. Người ta vẫn có thể đi sát bên Ngài mà không hay biết, vẫn có thể thấy Ngài mà không buồn nhìn theo. Có khi chúng ta phải cần đến cái nhìn hay lời khuyên của một ai khác, của ai đó thì thầm bên tai “Đây là chiên Thiên Chúa”. Tuy nhiên chỉ có người nào biết tìm kiếm và khát khao chân lý và tình yêu thật mới có thể nắm bắt, mới có thể lay động và lắng nghe (Fiches dominicales B, tr 66).

II. ĐÁP TRẢ TIẾNG CHÚA GỌI

Trong đêm tối, Chúa đã gọi Samuel và muốn ông làm tiên tri và thay thế vai trò của thầy cả Hêli, Samuel đã mau mắn đáp trả lời mời gọi ấy: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Đáp lại tiếng gọi của Chúa đòi phải có sự can đảm và liều mạng vì nhiều lúc Chúa trao cho ta sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh, đau khổ, gian nan thử thách, có khi phải hy sinh cả mạng sống nữa. Sự đáp trả lại tiếng gọi của Chúa nơi Abraham đã nói lên đức tin của ông và nói lên ông đã tỏ ra can đảm thế nào trước tiếng gọi của Chúa.

Truyện: Thomas Merton

Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi, năm 20 tuổi ông trở thành đảng viên cộng sản, ông hoàn toàn không tin gì về những sự siêu nhiên và sống một nếp sống chạy theo vật chất, nhục lạc. Một đêm kia, khi đang ở trong một khách sạn, tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng và cũng quá nhầy nhụa, đến nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm gì khác, Thomas Merton quỳ gối xuống và cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ trước tới nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay không. Nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy nhụa của đời tôi hiện tại”. Đêm hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện. Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi mãi gắn bó với Chúa. Sau đó, ông đi tu dòng Trappe, một dòng khổ tu và chiêm niệm. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp Chúa.

Phải có thiện chí đi tìm Chúa trong cuộc sống. Mặc dầu Thiên Chúa là Đấng quyền phép vô cùng, muốn làm gì cũng được, nhưng Ngài không thích làm một mình, mà muốn kêu mời con người chúng ta cùng làm với Ngài.

Thánh Augustinô đã viết: “Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con. Khi muốn thánh hoá con, Chúa cần sự hợp tác của con”. Cứ nỗ lực tìm Chúa thì sẽ gặp được Ngài vì Chúa đã nói: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy”. Vậy nếu ta đi tìm Chúa mà Chúa lại không muốn cho chúng ta gặp được Ngài sao ? Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn. Và khi đã gặp được Ngài ta phải tin theo.

`Truyện: Phim Ben Hur

Nhiều người đã được xem cuốn phim Ben Hur, một cuốn phim hoành tráng. Nội dung câu chuyện rút trong tiểu thuyết nhan đề Ben Hur của đại tướng Lew Wallace.

Cuốn sách thành hình có lẽ do một sự ngẫu nhiên. Hai sĩ quan cao cấp, là bạn thân với nhau gặp nhau trên một chuyến xe lửa. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, hai ông cùng giống nhau trong quan niệm vô thần. Đó là đại tướng Lew Wallace và đại tá Robert Ingersoll. Nhất là đại tá Robert Ingersoll người vô thần nổi tiếng ở Mỹ quốc.

Trong câu chuyện hai ông đề cập đến vấn đề tôn giáo, vấn đề vai trò Chúa Giêsu trong tôn giáo. Một người nói: Tôi rất bất bình khi người ta dị đoan mê tín mà đem thần thánh hoá con người Giêsu lịch sử, và coi như là con của Thượng Đế.

Rốt cuộc, vị đại tướng đề nghị: Tôi thấy nên có một người nào đứng ra viết một bộ tiểu thuyết về con người Giêsu bằng xương bằng thịt thực sự. - Thưa đại tướng, tôi rất tán thành ý kiến ấy và đại tướng nên đảm nhận việc này.

Đại tướng ưng nhận và bắt đầu tìm tài liệu nghiên cứu. Ông bỏ ra khá nhiều thì giờ và công phu để nghiên cứu kỹ lưỡng về đời sống Chúa Giêsu. Ông cố gắng chứng minh Chúa Giêsu chỉ là người, chứ không phải thần thánh hay con Thượng Đế gì hết.

Sau cùng, bộ tiểu thuyết được tung ra cho dân chúng, sách bán chạy như tôm tươi, vào số cuốn sách bán chạy nhất. Người ta đã đem câu chuyện đóng thành phim và cuốn phim thu hút nhiều khán giả nhất.

Nhưng một điều đặc biệt đáng chú ý là trong khi lao công khổ cực để khám phá sự thật thì đại tướng Wallace đã tìm thấy chân lý. Chân lý đảo lộn quan niệm cả cuộc đời của vị đại tướng đó là: Chúa Giêsu không phải chỉ là người không mà Ngài còn là Con Thiên Chúa nữa.

Đại tướng Wallace đã trở thành môn đệ của Chúa vậy.

Wallace đã thành tâm tìm hiểu Chúa nên đã tìm thấy sự thật. Đây cũng là thiện chí tối thiểu Chúa đòi để gặp được Chúa vậy (Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật năm B, tr 139).

III. GIỚI THIỆU CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC

Chúng ta đã được hân hạnh biết Chúa và tin theo Chúa. Đây là một hồng ân Chúa ban nhưng không cho chúng ta. Nếu Chúa Giêsu đã dạy: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” thì chúng ta cũng phải chia sẻ hồng ân ấy cho người khác để họ tin theo Chúa mà được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Hôm nay Anrê giới thiệu Phêrô em mình cho Chúa Giêsu: “Chúng tôi đã gặp Đức Messia” (Ga 1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê là người luôn đứng ra giới thiệu người khác cho Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, ba lần nhắc đến Anrê, là ba lần ông dẫn người khác đến với Chúa Giêsu: ở đây ông dẫn Phêrô đến với Chúa, thứ đến ông dẫn em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, cuối cùng ông đưa những người Hy lạp thắc mắc đến với Chúa. Anrê rất vui đưa được người khác đến với Chúa. Ông nổi bật như là một người chỉ có mong muốn là chia sẻ vinh quang, ông là người có tâm tình truyền giáo. Sau khi chính mình đã được ở gần Chúa, ông dành trọn đời mình để dẫn đưa người khác bước vào tình yêu thương đó.

Khi Anrê đưa Phêrô đến với Chúa Giêsu, Ngài nhìn ông, đó là một cái nhìn tập trung chăm chú, chẳng những thấy mặt bên ngoài mà còn đọc được cả tâm trí bên trong nữa. Khi nhìn Simon, tên của ông lúc bấy giờ, Ngài bảo: “Ngươi là Simon, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” (nghĩa là đá). Khi một người có mối liên hệ mới đối với Chúa, cuộc đời người ấy như được bắt đầu lại, trở thành một người mới, nên cần một tên mới...

Nếu Anrê không giới thiệu Phêrô với Chúa Giêsu thì có lẽ chẳng bao giờ có tông đồ Phêrô đá tảng của Hội thánh. Nếu Anrê không giới thiệu cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, thì có lẽ chẳng có phép lạ đầy ngoạn mục hứng khởi trong sách Tin mừng: làm cho bánh hoá nhiều.

Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta xem xét kỹ lưỡng lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác ? Nếu chúng ta tin Phúc âm là Tin mừng và nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những kẻ mà chúng ta biết đang tìm kiếm một niềm tin ?

Chúng ta có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Nhưng giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống gương mẫu, đời sống tốt đẹp của chúng ta. Thực tế đã chứng minh: nhiều người trở lại tin Chúa vì thấy đời sống gương mẫu, bác ái của các tín hữu. Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta là một tấm gương trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn nhiều bài giảng hùng hồn.

Người ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, chính cái hình ảnh tốt đẹp in sâu vào tâm hồn người ta, khiến họ phải suy nghĩ và có một sức lôi kéo mãnh liệt khiến họ không thể chống lại được. Vì thế, người ta cũng thường nói:

Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo.

Truyện: Gương sáng của một linh mục

Chuyện kể rằng: một hôm, trên đường trở về nhà xứ, một linh mục kia vừa đi vừa cầm trí đọc kinh. Có hai thanh niên cùng về chung đường. Khi đã đi cách linh mục kia một đoạn khá xa, họ gặp một người hành khất ngồi bên lề đường giơ tay xin họ. Một anh cho ông ấy mấy đồng lẻ trong khi anh kia nảy ra một ý tưởng, anh nói với bạn:

- Ông cha hồi nãy thế nào cũng đi qua đây. Tôi cá với anh là ông ta chẳng bố thí cho người ăn mày này đâu, chúng ta thử rình xem.

Cả hai trốn vào bụi cây gần đó. Ít phút sau, vị linh mục kia đi tới. Ngài đứng lại nhìn người ăn mày, đưa tay lục hết túi trên túi dưới, rồi nói với người ăn mày:

- Ông bạn đáng thương ơi, rất tiếc tôi chẳng có đồng nào giúp ông.

Hai thanh niên nghe thấy thế thì khúc khích cười nói:

- Anh thấy chưa, tôi nói có sai đâu.

Lúc ấy người ăn mày lại tiếp tục nài xin. Vị linh mục nhìn người ăn mày rồi bảo ông ta:

- Ông đợi tôi một chút.

Ngài nhìn trước nhìn sau, rồi chui vào bụi cây gần đó, loay hoay một hồi rồi bước ra, tay cầm một chiếc quần dài đã cuộn gọn lại. Ngài đưa cho người ăn mày và ân cần nói:

- Đây, ông bạn cầm đỡ chiếc quần này, tuy nó hơi cũ lại đang mặc dở dang, nhưng có lẽ nó cũng giúp phần nào cho ông bạn. Nhớ đừng kể cho ai nghe đấy. Thôi tôi đi nhé.

Hôm sau, có hai người khách lạ đến bấm chuông nhà xứ rất sớm và xin xưng tội. Vị Linh mục nhận ngồi toà giải tội ngay. Và tất cả đầu đuôi câu chuyện đã được hai thanh niên thuật lại, lòng hối hận, dạ chân thành ăn năn. Vị Linh mục ngẩn ngơ thốt lên:

- Ôi Thiên Chúa nhân lành, chỉ với một chiếc quần cũ thôi, mà Ngài đã đem về cho con những hai linh hồn. Tạ ơn Chúa.

Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa:

Lạy Chúa, xin dạy cho mỗi người trong chúng con biết rằng ngay ở đây, trên trái đất này, Chúa chỉ biết nhờ bàn tay chúng con để giúp đỡ những người thiếu thốn; Chúa chỉ biết dùng trái tim chúng con để ôm ấp những kẻ cô đơn; Chúa chỉ nhờ giọng nói của chúng con để chia sẻ sứ điệp loan báo cuộc sống, nỗi khổ đau và cái chết Chúa đã chịu vì chúng con”.       

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết rằng ở nơi đây, trên trái đất này, chúng con là đôi tay của Chúa, chúng con là tiếng nói của Chúa, và chúng con là trái tim của Chúa” (M. Link).

Top