Chúa nhật 14 Thường Niên A

Chúa nhật 14 Thường Niên A

 

 

 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: Dcr. 9, 9-10; Rm. 8, 9.11-13; Mt. 11, 25-30

MỤC LỤC

1. Hiền lành
2. Ách của Tôi êm ái
3. Khiêm nhường – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Gió và mặt trời
5. Suy niệm của Lm. Trần Ngà
6. Khiêm nhường
7. Mạc khải cho kẻ bé mọn – R. Veritas
8. Gánh nặng của Chúa Giêsu
9. Ai là người mở mắt?
10. Thiên Chúa của chúng ta khiêm hạ thế nào

SUY NIỆM

1. Hiền lành

Mặt trời và gió luôn tranh cãi xem ai mạnh hơn ai. Hôm đó, có một người mặc áo choàng đi trên con đường vắng. Mặt trời nói với gió:

- Ai làm cho người ấy cởi bỏ chiếc áo choàng mau hơn thì sẽ thắng cuộc.

Gió đồng ý và ra tay trước. Chàng ta càng thổi thì người kia lại càng giữ chặt lấy chiếc áo. Cuối cùng chàng gió kiệt sức và đành chịu thua.

Lúc đó mặt trời mới ra tay. Bác ta toả xuống những tia nắng khiến người kia cảm thấy nóng bức. Và thế là người ấy phải cởi áo ra.

Tác giả câu chuyện trên đã kết luận như sau: Bạn có thể thành công nhờ sự hiền lành dễ thương hơn là nhờ bạo lực.

Ngày nay sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao như trước, bởi vì ngày nay bạo lực được phổ biến và có mặt khắp nơi, trên báo chí cũng như trên phim ảnh và truyền hình.

Thật khác xa với lời Chúa dạy: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Tiên tri Isaia đã nói trước về sự hiền lành của Đức Kitô như sau: Ngài không la hét, không to tiếng hoặc ăn nói ồn ào ngoài đường phố. Người không bẻ gẫy cây sậy bị giập, không thổi tắt ngọn đèn còn leo loét.

Một thí dụ tuyệt hảo về sự hiền lành dễ thương của Chúa là cách thức Ngài xử lư đối với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài chẳng những dễ thương đối với người phụ nữ, mà còn dễ thương với cả những kẻ tố cáo chị ta, vốn tự cho mình là công chính. Chúa Giêsu không la hét, không quát mắng, nhưng Ngài chỉ cúi xuống và viết trên cát.

Ngài khuyên chúng ta bắt chước người mục tử hiền lành trong dụ ngôn con chiên lạc. Người ấy không hề đánh đập hay lôi kéo con chiên về nhà, trái lại đã vác nó trên vai. Ngài cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Ông ta đã không quở mắng đánh đập, trái lại đã ôm hôn cậu và mở tiệc ăn mừng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay chứa đứng một lời mời gọi quan trọng, đó là hãy noi gương bắt chước Chúa sống hiền lành và khiêm nhường. Cố gắng đối xử với mọi người bằng sự nồng thắm chân tình. Tiếp đến là hãy đối xử với những kẻ làm hại chúng ta theo cách đối xử của Chúa đối với người phụ nữ ngoại tình, của người cha đối với đứa con hoang đàng, của người mục tử đối với con chiên lạc. Nghĩa là hãy cảm thông hơn là kết án.

Và sau cùng là hãy đối xử với những người đang phải mang lấy gánh nặng của khổ đau, của bất hạnh một cách khéo léo và tế nhị, hầu đem lại cho họ sự an ủi và khích lệ. Tóm lại, chúng ta hãy thực thi lời khuyên nhủ của Chúa: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

2. Ách của Tôi êm ái

Suy Niệm

Khi quy hoạch thành phố tương lai, người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc. Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.

Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
• Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
• Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.

Đức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
• Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ
• Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại
• Gánh nặng phải mang vì người khác...

Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu, chán chường và mệt mỏi. Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi. Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.

Hãy mang lấy ách của tôi.
Đức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài mà những kẻ đến với Ngài phải mang.

Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc, về con đường hẹp mà ít người muốn đi, về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.

Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Đó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương, vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.

Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ, thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.

Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
"Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả; mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó" (thánh Âutinh)

Hãy học với tôi.

- Đức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
- Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
- Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: "Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu."
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.

Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Theo ý bạn, đâu là những gánh nặng mà con người hôm nay phải mang vác? Đâu là gánh nặng của người nghèo và của người giàu? Đâu là nỗi vất vả và gánh nặng của người trẻ hôm nay?

• Bạn thấy theo đạo có phải là một gánh nặng không? Giữ đạo nặng nề ở điểm nào? Có cách nào làm cho nó nhẹ nhàng hơn không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhở đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ.
- Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
- Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc và được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

3. Khiêm nhường – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.

Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.

Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.

Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.

Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Những dấu nào cho thấy sự khiêm nhường của Chúa?
2. Có quyền ăn nói, nhưng im lặng nhường lời cho người khác. Có vị thế cao, nhưng ẩn mình nhường chỗ cho người khác. Có dễ không?
3. Sức mạnh bùng nổ trên người khác. Và sức mạnh chế ngự chính mình. Đàng nào mạnh hơn?
4. Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường. Khám phá này có tác động gì trên bạn không?

4. Gió và mặt trời (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong tập “Những ngụ ngôn của Ê-xốp”có một câu chuyện ngụ ngôn kể về cuộc tranh cãi giữa mặt trời và gió. Hai nguồn năng lượng này cãi nhau xem ai mạnh hơn ai.

Ngày nọ, một cơ hội xảy đến giúp cả hai dàn xếp được cuộc tranh cãi. Hôm đó, có một người mặc áo choàng đang đi trên một con đường quê hoang vắng. Mặt trời liền thách thức với gió: “Ai làm cho người ấy cởi bỏ chiếc áo choàng ra mau hơn thì người ấy là người thắng cuộc”. Gió ta chẳng những đồng ý mà con quyết định ra tay trước. Chàng gió bèn thổi tới tập, nhưng càng thổi thì người kia càng giữ chặt lấy chiếc áo choàng, sợ nó tung bay mất. Cuối cùng, kiệt sức, gió ta đành phải chịu thua. Lúc đó mặt trời mới ra tay. Ông mặt trời chiếu toả hết vinh quang của mình ra. Chỉ trong mấy phút, người nọ nóng quá phải cởi bỏ chiếc áo choàng ra.

Cuối câu chuyện ngụ ngôn, Ê-xốp bàn luận: “Bạn có thể thành công nhờ sự dịu hiền dễ thương hơn là nhờ bạo lực”.

Anh chị em thân mến,
Trong một thế giới mà những quy luật “mạnh được yếu thua”, “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, hoặc “được làm vua thua làm giặc”, gần như là tất yếu và phổ biến, thì lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đức hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó được chấp nhận và xác tín, nếu không muốn nói là chướng tai và ngược đời.

Hôm nay, Lời Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh thập giá.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu còn cho biết: những người có tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường là những người được Chúa yêu thương đặc biệt và được Chúa tỏ ra cho biết những Mầu nhiệm Nước Trời. Vì chỉ những ai có tâm hồn bé nhỏ mới có tinh thần và trái tim rộng mở đón nhận Lời Chúa. trong lời cảm tạ Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, Con ngợi khen Cha vì đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, mà lại mạc khải cho người bé mọn”.

Nhưng ai là những kẻ bé mọn?
Theo Tin Mừng Thánh Matthêu, những kẻ bé mọn là những người nghèo khổ, những người yếu thế, những kẻ đang vất vả và phải mang gánh nặng. Trong Do Thái giáo, cái ách hay là gánh nặng thường là hình ảnh của những luật lệ. Các thầy thông luật tự cho mình là khôn ngoan thông thái, thường hay bày vẽ ra đủ thứ luật lệ mà những kẻ đơn sơ, bé mọn dù cố gắng đến đâu cũng chẳng thể nào tuân giữ trọn vẹn được. Làm sao đầu óc đơn sơ chất phác của họ phân biệt nổi cái gì chính yếu, cái gì thứ yếu trong những luật lệ chi li lắt léo mà đầu óc mấy ông Pharisêu, những kẻ có tinh thần nệ luật, chỉ biết sống nô lệ, như cái máy, đã chỉ có khả năng là giăng lưới gài bẫy, khiến những kẻ đơn sơ chất phác không thể nào lọt vào được bên trong cái thế giới thánh thiêng cao cả mà họ đã dựng lên. Chúa Giêsu không thể chấp nhận một thứ vương quốc của Thiên Chúa chỉ dành riêng cho những kẻ khôn ngoan thông thái và những kẻ đạo đức giả chỉ biết cậy vào thành tích giữ luật của mình. Ngài đã đến như một người nghèo sống giữa người nghèo và loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Nước Trời mà Ngài loan báo là một vương quốc mở ra cho những người bé mọn, nghèo hèn, nghèo về thể chất đã đành, nhưng cũng nghèo về tinh thần nữa, nghĩa là những người tội lỗi.

Nhưng Chúa Giêsu không phải là người chủ trương vô luật lệ. Ngài cũng có những đòi hỏi của Ngài. Nhưng luật lệ của Ngài là “cái ách êm ái”, “cái gánh nhẹ nhàng”. Vì ách đó, gánh đó chính là lòng yêu thương. Lòng yêu thương này Ngài mời gọi chúng ta cùng chia sẻ với Ngài. Nhưng để có thể yêu thương, con người phải biết sống hiền từ và khiêm tốn. Bởi vì kẻ kiêu ngạo không thể biết yêu thương: họ chỉ biết chiếm đoạt và thống trị. Họ cũng không thể hiền từ với tha nhân, trái lại, luôn luôn là những kẻ độc ác.

Thưa anh chị em,
Cuộc đời của Chúa Giêsu thật đơn sơ giản dị. Ngài sống giữa loài người như một người anh em nhỏ bé nghèo hèn, không thích giàu sang, chẳng muốn dùng quyền để thống trị và cũng chẳng tỏ ra khinh khi chê ghét một người nào, cho dù là kẻ tội lỗi. Trái lại Ngài đã đặc biệt ưu ái những người này, tới mức bị thiên hạ dị nghị, coi Ngài là bạn thân của những người tội lỗi. Sở dĩ như thế là vì chân lý Ngài mặc khải không phải là thứ chân lý trừu tượng cao siêu mà những bậc khôn ngoan thông thái của trần gian ưa suy luận, nhưng chân lý của Chúa là chân lý của tình thương mà tình thương là ngôn ngữ mà cả trẻ thơ măng sữa cũng hiểu được.

Nhân loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học, những nhà hiền triết thông hiểu những điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để mặc khải chân lý của Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài. Mà đã không biết Thiên Chúa thì làm thế nào có thể rao giảng hay làm chứng về Ngài được?

Là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy lấy tình thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau, thay vì tàn nhẫn, xâu xé lẫn nhau. Hãy khiêm tốn phục vụ nhau, thay vì tự tôn, tự phụ mà đè đầu cỡi cổ người khác. Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm tốn. Cũng chính tình yêu làm cho con người sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho người khác, hơn làm khổ cho người mình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài.

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng sự dịu hiền của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài cuối cùng sẽ thắng được bạo lực và áp bức.

5. Suy niệm của Lm. Trần Ngà

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học rất quý báu. Xét về mặt tâm linh hay tu đức thì đây là một bài học có tác dụng giúp ta có những phẩm chất đạo đức đáng quý; xét về mặt đối nhân xử thế thì bài học nầy cống hiến cho ta bí quyết thu phục nhân tâm.

Bài học nầy được Chúa Giêsu rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống của Ngài và truyền dạy lại cho chúng ta, đó là:
"Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng."
Người dịu hiền khiêm nhường là người nhận ra thân phận mình vốn thấp hèn yếu đuối nên biết hạ mình xuống thấp.

Nước lúc nào cũng chảy về chỗ trũng; cũng thế, tình thương và ân sủng của Thiên Chúa cùng với tình thương và lòng quý mến của mọi người thường tuôn về với những người có đức tính dịu hiền và khiêm nhượng.

Vậy ai học được tâm tình dịu hiền và khiêm nhượng như Chúa Giêsu, người ấy sẽ được đón nhận tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa cũng như của mọi người chung quanh. Ay là người thành đạt nhất, hạnh phúc nhất.

Tôi xin mượn lại hai câu chuyện sau đây để làm sáng tỏ chân lý nầy.

Chuyện ngụ ngôn của Esop: gió và mặt trời.
Ngày nọ, thần gió gặp thần Mặt Trời và hai bên muốn so tài hơn thua. Mặt trời nói với gió:
- Ai trong chúng ta lột được áo choàng của người bộ hành đang đi kia được là người chiến thắng.
Gió chấp nhận ngay cuộc so tài và đòi ra tay trước. Nó thổi tới tấp, cát bụi tung bay mịt mù, nhưng càng thổi mạnh bao nhiêu thì người bộ hành càng ghì chặt chiếc áo choàng của mình bấy nhiêu. Cuối cùng gió kiệt sức và nhường lại cho Mặt Trời thi thố tài năng.

Mặt trời từ từ chiếu dọi ánh sáng của nó xuống, cách nhẹ nhàng nhưng tạo nên sức nóng hầm hập, khiến người bộ hành không chịu nổi hơi nóng đành phải cởi áo khoác ra.

Thế là mặc dù Gió hung bạo mạnh mẽ nhưng đành thua cuộc; còn Mặt Trời dùng đường lối êm dịu nhẹ nhàng mà dành được chiến thắng.

Đó mới là chuyện ngụ ngôn tây phương, có tính cách sáng tạo để răn đời, còn đây mới là chuyện thực, vào đời chiến quốc bên Trung quốc.

Liêm Pha và Lạn Tương Như
Vua Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có công hơn mà lại đứng dưới nên tức giận, hăm hễ gặp mặt Lạn Tương Như là giết.

Tương Như nghe nói thế thì tìm cách lánh mặt Liêm Pha mãi.
Một hôm, Tương Như ra đường, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội bảo tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra.

Bọn xa nhân thấy thế tức giận, bèn họp nhau hỏi Tương Như:
"Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc trượng phu nên yêu mến mà đi theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm tướng quân doạ ngài, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá thể vậy? Chúng tôi thật lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi, không ở nữa."
Tương Như nói: "Các ngươi xem Liêm tướng quân có hơn được vua Tần không?"
Bọn xa nhân thưa: "Không".

Tương Như nói: "Lấy như cái oai của vua Tần, thiên hạ không ai dám chống, Tương Như nầy một mình dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm Tướng Quân ư? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì ngại có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, tất không cùng sống. Tần mà nghe tin ấy tất thừa cơ đánh Trịêu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là vì coi việc nước là trọng mà thù riêng là nhẹ vậy thôi".

Bọn xa nhân quỳ mọp tâu rằng: "Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao độ nổi đại chí của tướng công".

Liêm Pha hay được tin nầy, cả thẹn than rằng: "Ta thật còn kém Lạn Tương Như nhiều lắm", bèn trần vai áo đến trước cửa Tương Như tạ tội: "Tính tôi thô bạo, đội ân tương quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá!"

Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết bạn sống chết có nhau.
(Trích lại của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, trong cuốn: ‘Thuật xử thế của người xưa’)

Thế là bằng đường lối nhịn nhục, hiền lành và khiêm nhượng, Lạn Tương Như hoàn toàn chiến thắng và chinh phục được cả con người lẫn tâm hồn Liêm Pha.

Đúng như Pascal nhận xét: "Người ta chỉ thực sự vĩ đại khi biết quỳ gối xuống...."
Người tự cao tự đại cho mình là giỏi, cho mình là đúng, không cần học ai, nên không bao giờ giỏi, không bao giờ thành công trên đường đời; trái lại chỉ thu tích thêm căm ghét của người khác.

Người khiêm tốn là người thấy được mình còn nhiều mặt yếu kém, nên sẵn sàng nghe người khác chỉ giáo cho và nhờ đó sẽ trở thành người khôn ngoan và giành được thắng lợi.

Nhưng nói cho cùng, cái thắng lợi lớn nhất đời người là được mọi người chung quanh yêu thương quý mến và chỉ có những ai có tâm hồn dịu hiền khiêm nhượng mới đón nhận được diễm phúc nầy.

6. Khiêm nhường

Nếu phải kể ra những điều chúng ta cần học hỏi nơi Chúa Giêsu, thì hẳn là nhiều lắm. Tuy nhiên, cái khó là phải bắt đầu từ đâu? May thay chính Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho chúng ta bài học đầu tiên và cần thiết nhất, đó là lòng khiêm tốn, đức từ bi và nhân hậu. Chính Người đã nói: Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

Khi xây một căn nhà, thì trước hết chúng ta phải làm nền, phải xuống móng. Nền móng càng sâu, càng chắc thì ngôi nhà càng có thể xây lên cao. Nền móng đâu có phải được làm bằng những vật liệu quí giá và đẹp đẽ, nó chỉ là đá cát, đôi khi cả xà bần, gạch vụn được nện sâu và nện thật chắc. Nó là cái phải không phải để khoe khoang, nhưng luôn bị chôn vùi, bị che đậy và bị người ta chà đạp lên trên. Quả thế, khi chúng ta bước vào bên trong một tòa lâu đài, một hoàng cung hay một ngôi nhà tầm thường nào cũng vậy, chẳng ai để ý đến cái nền, chẳng ai thắc mắ xem nó được làm bằng gì, và chứa đựng những cái chi ở bên trong, nhưng chúng ta sẽ dẫm bước lên nó mà đi.

Con người xét về phương diện cá nhân cũng như tập thể, cũng là một công trình xây dựng, mà nền móng phải là lòng khiêm tốn. Không có nền móng này, không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ bị sụp đổ, bởi vì ai nâng mình lên, thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xống, thì sẽ được nâng lên. Hơn thế nữa, trong lời kinh Ngợi Khen, Mẹ Maria đã xác quyết: Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhau.

Lão Tử ngày xưa cũng đã nói: Giàu sang mà kiêu căng là tự rước lấy họa vào thân. Kẻ tự cao tự đại giống như kẻ nhón gót chân để cao hơn người, xoạc chân ra để lớn hơn người. Như vậy sẽ chẳng thể đứng vững và tiến bước. Trái lại bậc thánh nhân cho đến ngày cùng, vẫn không cho mình là lớn, nên mới thành được việc to.

Lịch sử cho chúng ta đầy rẫy những mẫu gương về những cá nhân cũng những tập thể, đặc biệt là những đế quốc hùng mạnh, nhưng kiêu căng, đã bị sụp đổ như thế nào. Những con người như Néron, Napoléon, Hitler…Nhưng đế quốc như Rôma, Mông Cổ…ngày xưa đã thảm bại ra sao, thì ai cũng đều biết. Sự tự cao tự đại thường đi đôi với lòng tạn bạo và bất nhân. Bởi vì kẻ kiêu căng thường bắt mọi người phải khuất phục mình, làm nô lệ cho mình và không ngần ngại dùng bạo lực để đàn áp, chế ngự và tiêu diệt những ai không chịu khuất phục.

Thế nhưng, Chúa Giêsu thì khác. Người đã dạy chúng ta: Ai muốn làm đầu, thì phải trở nên rốt hết và hầu hạ mọi người. Chính Người, trong suốt cả cuộc đời, đã sống khiêm nhu và trong giờ từ biệt các môn đệ, để ra đi chịu chết, Người đã không ngần ngại quì xuống rửa chân cho các ông, để nêu gương khiêm nhường, dồng thời kèm theo đó là bài học bác ái yêu thương, như lời Người đã phán: Con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Xưa nay trong Hội Thánh vãn có thói quen đề cao đức khiêm nhường. Nhưng đức khiêm nhường ấy thường được ghép đôi với sự vâng phục. Như vậy xem ra khiêm nhường chỉ là nhân đức của kẻ bề dưới. Trong khi đó, Chúa Giêsu đã liên kết đức khiêm nhương với lòng bác ái và tinh thần phục vụ. Người coi đó là đức tính của người lãnh đạo, của bậc bề trên. Bởi vì chỉ kẻ khiêm nhường mới có khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ kẻ yêu thương thực sự mới thích phục vụ người khác.
Như thế, khiêm nhương không phải là thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình.

7. Mạc khải cho kẻ bé mọn – R. Veritas (Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Bài Phúc Âm của Chúa nhật XIV Mùa thường niên hôm nay được trích trong một đoạn văn hay nhất của thánh Matthêu, người ta gọi đoạn văn này là “Hạt Ngọc Quý Nhất” của Thánh Matthêu. Dòng tư tưởng của đoạn Phúc Âm này thật cao siêu và êm dịu, chúng ta thấy ngay về sự bay bổng và suy tư về Nước Trời. Có lẽ lời cầu nguyện này được thốt ra khi Chúa Giêsu nghe các Tông đồ đi truyền giáo trở về và kể lại cho Chúa các điều họ đã thực hiện, các mối liên lạc giữa Chúa và Chúa Cha về sứ mệnh cứu rỗi làm trung gian, và mời gọi mọi người đến với Ngài. Điều ấy là các mầu nhiệm Nước Trời.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được mạc khải này cho chính mình và cho các Tông đồ: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng…” Theo mạch văn và ý muốn của Chúa mà chúng ta hiểu, đây là những người Do thái đang bị đè nặng bởi lề luật và các truyền thống của những biệt phái. Chúa Giêsu đã giải thoát họ khỏi ách lề luật và đem họ đến chỗ thảnh thơi. Vì từ nay những ai đến với Chúa phải đến với tất cả tâm hồn, phải được ghi khắc lề luật mới là luật của Thánh Thần ở bên trong và tự nguyện.

Đoạn văn này rất súc tích tư tưởng, không bao giờ khám phá ra hết, song ít ra chúng ta có thể nhận thấy chính những tư tưởng sau:

Trước hết là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chúc tụng Cha Ngài trên trời vì đã mạc khải những điều này cho các trẻ nhỏ, mà lại không cho những kẻ thông thái và quân tử biết. Những nhà thông thái tự cao tự đại thường cho rằng mình biết tất cả. Lòng tự ái tự cao làm cho họ không nhận ra Lời Chúa, còn những bậc quân tử thì lại tự mãn về lối sống của mình, tự cho mình là chân chính và không cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa, không cần ơn cứu rỗi của Ngài. Trái lại những kẻ bé mọn lại biết rằng mình dốt nát trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ thấy mình bé nhỏ khốn nạn, và sẵn sàng đón nhận với lòng biết ơn về những hồng ân của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận ơn cứu rỗi, cảm thấy cần Chúa: “Chúa hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và nâng người hèn mọn lên”.

Chúa Giêsu tự mạc khải Ngài: “Sự thực đã được Cha trao phó cho Ta và không ai biết Cha trừ ra Ta, và cũng không ai biết Ta trừ ra Cha” (Mt 11,27). Lời đó mạc khải về Chúa Giêsu, Ngài đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Một mình Cha biết đầy đủ về Con, vì Cha đã sinh ra Con trong trí và do sự hoàn toàn sung mãn của Ngài. Và chỉ có Con mới biết đầy đủ về Cha và hình ảnh của Con là sự trung thực nhất, là tư tưởng, ý nghĩ của Cha. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa. Đây là một mạc khải vô cùng quí báu cho chúng ta. Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, song không phải hoàn toàn như chúng ta: “Mọi sự đã được Chúa Cha trao, không ai biết Con trừ ra Cha, và kẻ nào Con muốn mạc khải cho”.

Một tư tưởng nữa của Phúc Âm hôm nay đó là lời kêu gọi những kẻ đói khát, những ai mệt nhọc hãy đến với Ngài: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những kẻ khó nhọc gánh nặng, Ta sẽ bổ sức lại cho”.

Lời kêu gọi đầy lòng nhân hậu và giàu lòng thương xót mà Chúa hứa cho những ai đói khát, những ai mệt nhọc, Chúa sẽ nâng đỡ và Chúa luôn luôn trung thành giữ lời hứa của Ngài. Qua mọi thời đại, tất cả những ai đói khát công chính đều no nê, những ai nặng trĩu tội lỗi đến với Ngài đều được nhẹ nhõm, được bổ sức và được tha thứ. Chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: “Tội con đã được tha thứ” (Mt 9,2), và chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: “Đừng sợ, Ta đã thắng thế gian”, (Ga 16,33) và “Ách Ta thì êm ái, gánh Ta thì nhẹ nhàng”, (Mt 11,30).

Chúng ta hết thảy đều phải mang gánh nặng và vất vả, nhưng ở đây chúng ta không có ý nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai của mình. Như khốn nỗi, chính trong lãnh vực của tâem linh, thường thì chúng ta cũng phải vất vả nặng nề, xác thịt đè nặng, các ham muốn của tình dục, nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần con người, và sức nặng nào đó đã cản trở con người cũ, không chịu buông tha cuộc đời chúng ta để chúng ta được đi theo Chúa một cách an vui.

Hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy đến với Ngài, Ngài muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Đúng hơn, Ngài muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác êm ái hơn, Ngài đến để phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Ngài đã nói: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và các ngươi sẽ tìm ra được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn”.(Mt 11, 29-30).

Vậy chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa, để tìm được nguồn an vui và sự bình an trong tâm hồn. Amen.

8. Gánh nặng của Chúa Giêsu

Chưa bao giờ Chúa Giêsu nói về Cha Ngài một cách long trọng như vậy: “Lạy Cha là Chúa trời đất”. Đây là một trong những lúc mãnh liệt nhất của Tin Mừng. Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài biết rõ vị Chúa tể trời đất đến nỗi chúng ta ngạc nhiên về những ánh sáng đầu tiên của mầu nhiệm khôn lường này: nơi Thiên Chuá duy nhất có những động thái tình yêu, những mối “quan hệ” mà chúng ta trình bày bằng những tiếng: Cha, Con và Thánh Thần. Tôi nghĩ rằng phải dành ra một lúc để chiêm ngắm và cảm tạ vì những ánh sáng đã không thể đến với chúng ta được: “Con chúc tụng Ngài, lạy Cha, Đấng mạc khải cho những kẻ bé mọn”. Có lúc chúng ta nghĩ rằng chúng ta không là gì cả. Điều này không đúng. Thiên Chúa không yêu thương cái không là gì cả. Chúng ta là một cái gì đó và thậm chí vĩ đại bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Đến sống cuộc sống của chúng ta và biết rõ cuộc sống đó, nhất là cuộc sống của những người bé mọn, Ngài nói với chúng ta: “Hãy đến cùng Ta, hỡi tất cả những ai mỏi mệt và gánh nặng”.

Gánh nặng nào? Gánh nặng của cuộc đời hết sức khó khăn và đôi khi người ta còn chất thêm luật lệ tôn giáo quá đáng hay được chỉ dẫn không đúng. Thế là người ta cảm thấy sợ hãi không thể tuân giữ các giới răn, không bao giờ có thể làm vui lòng Chúa. Điều đó lấy mất tự do nội tâm và niềm vui của chúng ta, tước mất Thiên Chúa khỏi chúng ta. Nếu Ngài là Đấng làm cuộc sống chúng ta nặng nề, thế thì Ngài đâu phải là Thiên Chúa Tình yêu?

Chúa Giêsu đã mạnh mẽ tố giác những kẻ làm gương xấu cho những người bé mọn: “Các luật sĩ và Pharisêu nói mà không làm: họ đặt những gánh nặng lên vai những người khác trong khi họ không muốn đụng ngón tay vào: *Mt 23,3-4).

có lẽ chúng ta đã bị chấn thương do những kẻ ra sức làm cho chúng ta trở thành những người luôn luôn có mặc cảm tội lỗi. Thật rất khó mà thoát ra được một sự giáo dục vụng về. Tôi chỉ biết có mỗi một cách là không ngừng đến với Chúa Giêsu, chiêm ngắm Ngài, lắng nghe Ngài, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài là Đấng đã nói: “Ta, Ta có thể cho người nghỉ ngơi an bình cùng với Chúa”.

Đó không phải là một an bình với một Thiên Chúa giả hiệu là Đấng luôn luôn bằng lòng với chúng ta theo giá rẻ mạt, Chúa Giêsu nói: “Hãy mang lấy ách của Ta”. Đây thật là một cái ách bởi vì đây là một điều luật. Không ai có thể bỏ qua điều luật, và luật của Chúa Giêsu, tức luật tình yêu, cho dầu bó buộc nhất, vẫn là một sự đòi hỏi vô cùng. Nhưng đây là một sự nghịch lý được Chúa Giêsu khẳng định nếu không thì chúng ta khó mà chấp nhận: “Ách ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng”. Luật của Chúa Giêsu duy trì chúng ta trong sự cố gắng nhưng để cho chúng ta được an bình. Nếu một gánh nặng làm tê liệt chúng ta và làm cho chúng ta buồn khổ thì chắc hẳn đó không phải là gánh nặng của Chúa Giêsu.

9. Ai là người mở mắt?

Ba chương 11, 12 và 13 của thánh Matthêu xoay chung quanh các chủ đề ‘dấu kín’ và ‘tỏ bày’. Chúa tỏ bày một giáo huấn và tự tỏ bày chính mình. Giáo huấn không phải là hoàn toàn mới lạ vì dân Do thái đã được Thiên Chúa dậy dỗ nhiều. Nhưng Đức Kitô mở những viễn ảnh mới cho những chân lý cũ và có được điều ấy là vì Ngài liên kết những chân lý ấy với con người của Ngài. Mục đích của Ngài là hướng dẫn các tâm trí khám ra bản tính con Thiên Chúa của Ngài. Vì vậy ở đây chân lý không phải là sự khám phá của trí khôn sau những cố gắng học hỏi cho bằng là một cuộc gặp gỡ của toàn thể con người đáp lại một sự sẵn sàng thâm sâu. Chúa Giêsu chúc tụng Cha Ngài vì Chân Lý được tỏ ra như một cuộc gặp gỡ cho những ai có tâm trí không chất chứa và tấm lòng sẵn sàng đón nhận. Đáng lẽ những kẻ đầu tiên đón nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa phải là các vị tiến sĩ luật pháp, vì Lề Luật và các tiên tri loan báo Đức Kitô. Rủi thay, cái học tinh thần quá họ chất chứa nặng nề những lý luận tinh tế, những ý niệm trí thức, những tranh luận diễn giải. Mọi thứ ấy sinh ra tri thức tự mãn và bởi nó sinh ra kiêu ngạo. Vô tình họ đã dựng nên trước tâm trí một bức màn chắn. Trên đó họ thích thú nhìn ngắm hình dáng chính mình và do đó không còn có thể nhận ra lối Chúa đi qua, ở bên kia bức màn. Ý thích của Chúa Cha không phải là muốn các người khôn ngoan và tài khéo dựng nên một màn chắn trước họ, điều này thật tai hại, nhưng là muốn cho các người hèn kém và nhỏ bé có khả năng nhận diện Đấng yêu mến và giải thoát họ.

1) Cho người ‘nhỏ bé’ Chúa ban khả năng nhận biết Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Qua các lời nói, việc làm và con người Chúa Giêsu, họ thấy được rằng giữa Đấng tỏ lộ trước mắt họ và Thiên Chúa có một tương quan đặc biệt tạo bằng gắn bó mật thiết và sanh thành như Cha với Con. Tư tưởng Do thái không quan niệm Thiên Chúa như là Cha, nhưng chỉ theo nghĩa Thiên Chúa tốt lành, chăm sóc và tạo thành. Quan niệm Thiên Chúa là Cha đến mức độ con người mang tên Giêsu lại là con đồng bản tính với Ngài, quả thật quá đáng và phạm thượng. Thực ra, mặc khải một việc như thế vượt quá những khả năng nhân loại, đó là một ơn Thiên Chúa ban. Những kẻ được lãnh nhận ơn ấy là các tâm trí hèn kém, đơn giản, cởi mở, ‘nhỏ bé’.

2) Đức Giêsu mà Chúa Cha dùng làm trung gian để tự biểu lộ, Người là ai? Người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Chúa Giêsu sống tận cùng mầu nhiệm nhập thể. Đến chia sẻ thân phận làm người. Người muốn xuống tận kinh nghiệm nhân loại của kẻ hèn kém, nhỏ bé nhất và kẻ ấy phải có được một lối đi đến Người. Hơn nữa, vì những kẻ sẵn sàng đón nhận Chân lý, nhất là những tâm trí giản đơn và tình nguyện, vì những kẻ dễ dàng cảm nhận nhu cầu đến Chúa Cha nhiều nhất (ngay cả qua những thái độ phản kháng tiêu cực) là những kẻ nhỏ bé và nghèo hèn nhất, cho nên Chúa Giêsu thích mặc khải Chúa Cha cho những kẻ nhỏ bé và nghèo hèn.

10. Thiên Chúa của chúng ta khiêm hạ thế nào

Mọi tôn giáo trên thế giới đều đòi hỏi những tín hữu phải tự hạ trước vị thần linh của họ, nhưng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo duy nhất mà Con Thiên Chúa đã tự hạ trước dân của Người.

Chúa Cha đã sống với Chúa Con trong tình âu yếm của Chúa Thánh Thần tự đời đời. Đời sống của Thiên Chúa là một đời sống vinh quang và hoàn hảo, nhưng đến khi thời gian viên mãn Thiên Chúa đã sai Con của Người làm Đấng Cứu Độ chúng ta, làm con người giống như chúng ta mọi đàng ngoại từ tội lỗi. Một lời kinh của Giáo hội đã dâng lên Chúa Giêsu: “Khi Người trở nên con người để giải thoát chúng ta, Người đã không khinh chê lòng dạ của Đức Nữ Trinh” (Te Deum). Sự Nhập Thể là một hành động cao cả của sự khiêm nhượng.

Một số người nói rằng nếu chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể với tất cả sự rực rỡ vinh quang thần tính của Người, chúng ta sẽ sấp mình thờ lạy trong sự sợ hãi, không dám đưa mắt nhìn lên vẻ mặt huy hoàng của Người. Nhưng đó không phải là mối quan hệ mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có với Người. Chúa Giêsu hiến tặng cho chúng ta một sự mời gọi nồng ấm, hãy sống thân mật với Người trong tin tưởng và yêu mến mà không có sợ hãi. Người đã không thể nói thẳng cách rõ ràng hơn. Người nói: “Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Kể từ khi chúng ta không còn sợ hãi Chúa Giêsu, nhưng là thân mật với Người. Chúng ta đừng bao giờ ngần ngại mang đến cho Người những gánh nặng của chúng ta để Người nâng đỡ cho. Chúa Giêsu đã nói về ách của Người. Ách là một cái cày bằng gỗ nặng, nó được đóng để đặt lên cổ của đôi bò, để giữ chúng lại và để chúng kéo xe. Có lẽ khi còn nhỏ, Chúa Giêsu đã thấy thánh Giuse đóng những cái ách như vậy và đã biết nó nặng như thế nào rồi. Người quyết định sẽ dạy cho mọi người biết tôn giáo của Người không giống như cái ách nặng nề bằng gỗ đó. Đó là lý do vì sao Người phán: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Tiên tri Zacaria, được linh ứng bởi Thánh Thần đã thấy một hình ảnh Đấng Mêsia ngự đến. Ông tuyên bố với toàn dân: “Hãy nhìn xem Vua ngươi đang đến”. Và vụ Vua này không đến với hoàng bào vương giả và không cỡi trên một con ngựa chiến. Đúng hơn Người hiền lành, cỡi trên một con lừa non nớt, con lừa con của lừa mẹ. Người đã đến không phải cỡi trên mình ngựa như một vị vua oai nghi tiến vào cuộc chiến nhưng trên một con vật chậm chạp mà người nông dân dùng để dọn đất.

Chúa Giêsu đã làm viên mãn hình ảnh này bằng việc Người tiến vào thành phố Giêrusalem vào Chúa Nhật Lễ Lá. Nơi đó, Người đã trải qua hành vi lớn lao nhất của sự khiêm nhượng: ấy là cuộc thương khó và cái chết của Người trên thánh giá để cứu chuộc chúng ta. Ý tưởng về một Thiên Chúa khiêm hạ như vậy khiến cho không một trí tưởng tượng của con người nào có thể nghĩ tới. Chỉ khi Thiên Chúa mạc khải, tư tưởng chúng ta mới có thể nghĩ tới và tình yêu của người dành cho chúng ta trở thành một thực tại trong đời sống của chúng ta.

Trong mỗi thánh lễ chúng ta lắng nghe trong lòng chúng ta lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả và gánh nặng, Ta sẽ đến bổ sức cho các ngươi”. Khi đi đến với Chúa Giêsu là chúng ta xếp hàng đi hướng về vị chủ tế để rước lễ, vị chủ tế hành sự như Chúa Giêsu, giới thiệu với chúng ta Mình và Máu Thánh của Người, làm của nuôi thiêng liêng bổ sức thần linh cho chúng ta. Chúng ta đến với Chúa Giêsu bởi vì Người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Trong Người, linh hồn của chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi vì ách của Người thì êm ái và gánh của Người thì nhẹ nhàng.

Top