Chủ đề & những suy tư của Tuần lễ cầu cho sự Hiệp nhất Kitô hữu 2020

Chủ đề & những suy tư của Tuần lễ cầu cho sự Hiệp nhất Kitô hữu 2020

Chủ đề & những suy tư của Tuần lễ cầu cho sự Hiệp nhất Kitô hữu 2020

WGPSG -- Khi những cử hành phụng vụ cho năm 2019 vừa kết thúc, thì các văn bản của Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô giáo năm 2020 cũng đã được phổ biến trực tuyến.

Các văn bản này được soạn thảo bởi các Giáo hội Kitô giáo của Malta và Gozo, cùng với một Ủy ban quốc tế bao gồm các đại diện của Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ cho sự Hiệp nhất Kitô giáo và Ủy ban Đức tin và Quy chế của Hội đồng Giáo hội Thế giới.

Đưa ra chủ đề “Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28,2), các văn bản trên đã dựa vào đoạn Kinh thánh mô tả vụ đắm tàu của Thánh Phaolô ở Malta (Cv 27,18 - 28,10). Đoạn Kinh Thánh này diễn tả Thánh Phaolô tín thác vào sự quan phòng của Chúa, đồng thời cũng cho thấy lòng hiếu khách bao hàm những nét đại kết.

Dựa vào đó, trong cử hành phụng vụ và suy tư của Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất 2020, các chủ đề sau đây cần được nhấn mạnh: hòa giải, phân định, hy vọng, tin tưởng, sức mạnh, hiếu khách, hoán cải và quảng đại.  (x. Christianunity)

Như vậy, Tuần lễ Hiệp Nhất năm 2020 có CHỦ ĐỀ CHÍNH là: “Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có.” (Cv 28, 2).

Các CHỦ ĐỀ NHỎ trong tám ngày là:

• Ngày 1: Hòa giải: Vứt bỏ hàng hóa quá tải

• Ngày 2: Khai sáng: Tìm kiếm và thể hiện ánh sáng của Chúa Kitô

• Ngày 3: Hy vọng: Nằm trong lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô

• Ngày 4: Tin tưởng: Đừng sợ, hãy tin tưởng

• Ngày 5: Sức mạnh: Việc bẻ bánh chia sẻ trong cuộc hành trình

• Ngày 6: Lòng hiếu khách: Thể hiện lòng tốt khác thường

• Ngày 7: Hoán cải: Thay đổi trái tim và tâm trí

• Ngày 8: Sự hào phóng: Nhận và Cho (x. sj-cluny, hdgmvietnam)

Tất cả dựa trên VĂN BẢN KINH THÁNH: Cv 27,18 – 28,10

Chúng tôi vẫn bị bão dữ dội, nên hôm sau thuỷ thủ ném hàng hoá xuống biển,  và hôm sau nữa họ tự tay quăng đồ trang bị của tàu đi.  Đã từ nhiều ngày, chẳng thấy mặt trời hay một vì sao nào xuất hiện, còn bão vẫn thổi mạnh, nên chúng tôi mất dần hy vọng được cứu.

Từ lâu không ai ăn uống gì ; bấy giờ ông Phao-lô đứng giữa họ mà nói : "Thưa các bạn, phải chi các bạn đã nghe tôi không rời đảo Cơ-rê-ta, thì đã tránh được những thiệt hại mất mát này.  Nhưng giờ đây tôi khuyên các bạn cứ can đảm, vì không ai trong các bạn phải mất mạng đâu, chỉ mất tàu thôi.  Thật vậy, đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo : 'Này ông Phao-lô, đừng sợ ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Xê-da ; vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống.' Vì thế, thưa các bạn, hãy can đảm lên ! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa : sự việc sẽ xảy ra đúng như lời đã phán với tôi.  Nhưng chúng ta sẽ phải mắc cạn ở một hòn đảo."

Đến đêm thứ mười bốn, chúng tôi đang trôi giạt trên biển Át-ri-a, thì vào quãng nửa đêm, các thuỷ thủ có cảm giác như đang tới gần đất.  Thả dây dò đáy biển, họ thấy sâu hai mươi sải ; cách một quãng, họ lại thả dây dò lần nữa, thì thấy còn mười lăm sải.  Sợ rằng tàu chúng tôi có thể đụng phải đá ngầm, họ thả bốn chiếc neo ở đằng lái và cầu mong cho trời mau sáng.  Nhưng các thuỷ thủ tìm cách bỏ tàu mà trốn : họ hạ chiếc xuồng xuống biển, lấy cớ là để thả neo đằng mũi.  Ông Phao-lô mới bảo viên đại đội trưởng và binh sĩ : "Nếu những người này không ở lại trên tàu, thì các ông không thể được cứu đâu!" Lính bèn cắt đứt dây xuồng, cho nó trôi đi.

Trong khi đợi trời sáng, ông Phao-lô khuyên mọi người nên ăn uống ; ông nói : "Cho đến hôm nay là mười bốn ngày, các bạn nhịn đói chờ đợi, không ăn gì cả.  Vậy tôi khuyên các bạn nên ăn uống, vì có thế các bạn mới được cứu. Không ai trong các bạn sẽ mất một sợi tóc trên đầu." 

Nói thế rồi, ông cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước mặt mọi người, bẻ ra và bắt đầu ăn.  Mọi người lấy lại được can đảm và họ cũng ăn uống.  Chúng tôi ở trên tàu tất cả là hai trăm bảy mươi sáu người.  Sau khi ăn no, họ đổ lúa mì xuống biển cho tàu nhẹ bớt.

Đến sáng, họ không nhận ra được đó là đất nào, nhưng thấy rõ một vùng có bãi cát, và tính chuyện cho tàu chạy vào, nếu có thể.  Họ mới gỡ các neo, bỏ lại dưới biển, đồng thời tháo những thừng cột bánh lái ra ; rồi căng buồm đằng mũi lên cho gió thổi, hướng thẳng vào bãi.  Nhưng họ đụng phải bãi cát ngầm, nên cho tàu mắc cạn ở đó. Mũi tàu đâm vào cát, không nhúc nhích được, còn đằng lái thì bị sóng mạnh đánh vỡ tan.

Bấy giờ binh sĩ nẩy ra ý muốn giết các người tù, vì sợ có người bơi được mà trốn mất.  Nhưng viên đại đội trưởng muốn cứu ông Phao-lô nên ngăn cản họ thực hiện ý định. Ông ra lệnh cho những ai biết bơi thì nhảy xuống trước bơi vào bờ ;  còn những người khác thì bám vào ván hoặc mảnh tàu vỡ mà vào. Thế là mọi người vào được bờ và được cứu.

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Man-ta.  Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh.  Ông Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông.  Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau : "Chắc chắn người này là một tên sát nhân : hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống."  Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì.  Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết ; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púp-li-ô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púp-li-ô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phao-lô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành.  Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.

WTGPSG  tổng hợp

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top