Chờ mong Chúa lại đến
TGPSG - Mùa Vọng là mùa của chờ mong, chờ mong Đấng Cứu Thế đến với mỗi người chúng ta. Có bao giờ ta tự hỏi: “Tại sao Đấng Cứu Thế đã đến rồi nhưng ta vẫn chờ mong?” “Sự chờ mong mang lại ý nghĩa gì cho ta?”
Có hai đặc tính của Mùa Vọng: là mùa để chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất và vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu chờ mong Chúa đến lần thứ hai (Chúa đến trong ngày tận thế). [1]
Nhiều người trong chúng ta thường ao ước để chờ mong Chúa Giáng Sinh mà thôi bởi vì ngày Giáng Sinh là ngày của niềm vui, tiếng cười và đầy ánh sáng; còn ít ai lại nghĩ đến ngày Chúa đến lần thứ hai để chờ mong cả!
Chúng ta đã nghĩ đến ngày tận thế như một ngày kinh hoàng của chết chóc và đau thương nên có lẽ nhiều người sẽ không bao giờ dám chờ mong ngày đó. Ấy thế mà Giáo Hội lại hướng về ý nghĩa của ngày này trong Mùa Vọng và thậm chí qua dịp lễ Giáng Sinh, người Kitô hữu còn được dạy để hướng đến ngày cánh chung cuối cùng này.
Giữa một thế giới tân tiến với biết bao đèn điện màu sắc sặc sỡ, dường như người ta thích gán cho Chúa với thứ ánh sáng hiện đại huy hoàng hơn là thứ ánh sáng ẩn kín từ hang đá Bêlem thấp hèn. Dường như người ta thích sự ồn ào, náo nhiệt của âm thanh cực lớn để gán cho Chúa hơn là tìm nơi Ngài sự âm thầm, lặng lẽ; và dường như người ta cũng thích để chờ mong Chúa đến lần thứ nhất thôi chứ không mong gì ngày Chúa đến lần thứ hai. Chính vì con người cứ muốn chờ mong và đi tìm Chúa theo kiểu như thế mà thế giới ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu câu chuyện thê lương, bất hoà diễn ra nhan nhản qua nhiều mùa Giáng Sinh trôi qua.
Chắc chắn rằng, Chúa đã đến lần thứ nhất. Con người chúng ta sẽ không cần phải chờ đợi ngày “đã đến” đó nữa. Thế nhưng ngày “đã đến” đó lại là dấu chứng để cho mọi người trên thế giới này tin rằng Thiên Chúa yêu thương con người tột cùng và Ngài sẽ lại đến với con người một lần nữa trong tương lai.
Có lẽ Mùa Vọng để làm cho ý nghĩa mong chờ Chúa đến lần thứ hai phải được nổi bật hơn nữa. Vì chắc chắn một điều rằng, Chúa đã đến với con người lần đầu tiên để mang ơn cứu độ cho con người nhưng ơn cứu độ vẫn chưa hoàn tất cho đến ngày Chúa lại đến trong vinh quang.
Ơn cứu độ đó chưa hoàn tất nếu như con người chúng ta vẫn không nhận ra ơn cứu độ của Chúa, vẫn chưa tin rằng có một Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ vì con người. Ơn cứu độ đó cũng vẫn chưa hoàn tất nếu như Nước Chúa, Tình Yêu chưa trị đến trên thế gian này. Ơn cứu độ vẫn chưa hoàn tất khi con người vẫn chưa nhận ra Thiên Chúa là Đấng luôn ở với con người và chỉ có Chúa mới là Đấng Cứu Độ con người mà thôi. Lịch sử của con người giờ đây đã trở nên lịch sử cứu độ do Thiên Chúa và con người cùng nhau xây dựng.
Mùa Vọng để gợi nhắc chúng ta về sự chờ mong nhưng không phải là một sự chờ mong thụ động, miễn cưỡng cho bằng là cả một chờ mong với cả con người nhiệt huyết, dấn thân, và làm tất cả để Nước Chúa trị đến. Chờ mong bằng cách để cho chiếc đèn tâm hồn của ta luôn luôn háo hức, hăng hái với những công việc tông đồ dành cho Chúa và cho mọi người. Chờ mong bằng cách xây dựng tình yêu thương, hoà bình, hiệp nhất trong gia đình, trong khu xóm. Chính khi đó, Chúa Giêsu, Đấng đã đến với con người chúng ta lần thứ nhất thì cũng sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang cũng sẽ là Đấng lấp đầy trái tim ta với hạnh phúc và bình an của Người.
Ai trong chúng ta cũng sẽ mong chờ một mùa Giáng Sinh an lành và bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sẽ rất vô nghĩa khi con người chúng ta chỉ dừng lại ở một ngày lễ hội Giáng Sinh mà không nhận ra được ý nghĩa đích thực của việc Chúa đến lần thứ nhất. Sẽ rất vô nghĩa nếu sự chờ mong của chúng ta không hướng đến ngày Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang. Và sẽ vô nghĩa nếu Mùa Vọng của chúng ta trôi qua với sự mong chờ thụ động, miễn cưỡng mà không phải là một sự dấn thân, yêu thương và nỗ lực xây dựng Nước Trời.
Trong phần giới thiệu sách có tựa đề Thông điệp về hòa bình ở Ukraina, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: “Đối với chiến tranh, tất cả chúng ta đều bị đánh bại. Ngay cả những người không tham tham gia hoặc những người thờ ơ hèn nhát, chỉ đứng nhìn sự khủng khiếp của cuộc chiến, không can thiệp để mang lại hoà bình cũng đều bị đánh bại. Tất cả chúng ta, ở bất cứ vai trò nào đều có nghĩa vụ trở thành người của hoà bình.”[2] Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy cùng mang tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô để cầu nguyện và xây dựng cho hoà bình trên thế giới. Mùa Vọng này cũng là thời gian thật ý nghĩa để con người dám thực hiện một quyết định cho sự hoà bình; và đó cũng là sự chờ mong thiết thực nhất, ý nghĩa nhất.
Đaminh Trường Sơn, SDB (TGPSG)
[1] Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, 39
[2] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-12/dtc-khong-hoa-binh-tat-ca-bi-danh-bai.html
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024