Caritas Việt Nam: Ký sự nạn buôn người

Caritas Việt Nam: Ký sự nạn buôn người

Caritas Việt Nam: Ký sự nạn buôn người

Caritas Việt Nam (12.1.2021) – Đứng trước thực trạng của nạn buôn người đang diễn ra với nhiều hình thức và trá hình khác nhau: như hứa hẹn việc làm có thu nhập cao; rủ đi làm ăn xa rồi buôn bán qua biên giới; môi giới hôn nhân với người nước ngoài; môi giới xuất khẩu lao động lương cao; hẹn hò qua Facebook, trang mạng XH, giả vờ yêu thương, rủ đi du lịch rồi lừa bán; rủ đi chơi rồi đánh thuốc mê đưa sang biên giới; sinh hộ với giá cao và cho mượn nợ để nạn nhân rơi vào tình thế bị phụ thuộc… rất nhiều người do không có công ăn việc làm, nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức về nạn buôn người, đặc biệt mong muốn thay đổi tương lai… đã rơi vào bẫy của bọn buôn người.

Sự việc 39 người đa số ở Miền Trung Việt Nam chết thảm trong Container ở nước Anh vào tháng 11 năm 2020 đã nói lên tất cả về thân phận của một con người dường như không có lối thoát, đến nỗi bất chấp tất cả kể cả mạng sống để đánh đổi cuộc đời mình. Bởi có lẽ trong nỗi cùng cực, họ luôn mơ ước đến tương lai, viễn cảnh tốt đẹp; bởi lẽ chỉ vì nghèo đói, họ mong một ngày nào đó có tương lai tốt đẹp, bản thân hy sinh một chút nhưng cứu vớt được cả gia đình.

Không thể kể hết những hậu quả mà những nạn nhân phải gánh chịu, họ bị ép làm nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động nhưng không được trả công, bị bỏ đói, bị đánh đập, ức hiếp, bị đối xử tệ bạc, bị lấy nội tạng, nói tóm lại họ không được đối xử như một con người. Tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 13.000 nạn nhân của Việt Nam đa số là phụ nữ và trẻ em đang chịu cảnh lầm than cơ cực, chịu cuộc sống địa ngục trần gian, bị chôn vùi tuổi xuân từ vấn nạn buôn người vô nhân đạo. (Caritas Hà Tĩnh)

“Công đồng Vatican II, Thánh Gioan Phaolô II, và giáo hoàng Benedict XVI đã mạnh mẽ lên tiếng và kiên quyết chống lại nạn buôn người ô nhục và lợi nhuận đang lan rộng kích thích tình trạng bóc lột nhân phẩm và nhân quyền có hệ thống này.” 

Xã hội hôm nay, tình trạng buôn người ở mức độ quá tinh vi và nghiêm trọng hơn. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra hành động cụ thể “lên một mức độ khác” trong các bài giáo huấn của ngài. Cụ thể, việc tố cáo nạn buôn người được nói đến trong các thông điệp và tông huấn, trong các diễn văn và thư cổ vũ hòa bình, qua việc thúc đẩy nhiều hội nghị ở Vatican và nhiều nơi khác. {Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề này.”}

Trước vấn nạn buôn người, cũng như hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo Hội, Caritas Việt Nam đã và đang thực hiện những buổi truyền thông đến cộng đồng dân cư, nhằm giúp cho thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh cũng như các nhân viên chuyên trách những kỹ năng và kiến thức cơ bản để họ có thể biết cảnh giác cao độ và lo cho bản thân mình. Tính đến nay đã có rất nhiều khoá truyền thông cho các Caritas giáo phận, các giáo xứ, trường học đặc biệt những nơi có nhiều người di dân, giáp biên giới, hoặc vùng nông thôn.

Điển hình, Caritas Việt Nam: tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người” cho các chuyên trách các Caritas giáo phận được tổ chức tại Giáo phận Vinh. (Ngày 31/12/2019). Khoá học nhằm giúp cho các tham dự viên hiểu rõ hơn về luật bảo vệ con người, quyền của con người và vấn đề di cư. Bởi các chuyên trách cần phải hiểu trước khi truyền thông cho người dân kiến thức phòng và ngừa những rủi ro, cần trang bị gì cho bản thân và con em mình khi đi ra ngoài xã hội hoặc di cư đến những vùng đất mới.

Riêng người dân tộc là những đối tượng rất dễ bị dụ đi làm ăn xa, với lời hứa hẹn có thu nhập cao mà công việc lại nhàn hạ, và có thể lập gia đình với người nước ngoài để được “đổi đời”. Caritas Phan Thiết đã tổ chức ba (03) buổi truyền thông về Phòng chống buôn người cho bà con- người đồng bào tại Giáo xứ Đa tro (25 người), Giáo xứ Đagury (106 người) và thôn Bôn-thóp xã Phan Sơn (15 người) vào tháng 6/2020. Người đồng bào quanh năm “chân lấm tay bùn”, bản thân các bậc cha mẹ đã không được học hành, nhiều người còn không biết đọc- biết viết. Bây giờ đến lượt con cái của họ cũng không khá hơn là bao, đa số các em phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm sống. Nội dung truyền thông xoay quanh việc quan tâm giáo dục con cái và cung cấp cho họ những kiến thức liên quan đến phòng tránh mua bán người, giúp họ cảnh giác trước những mánh khóe của kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó cũng nói cho họ biết sự cần thiết của học vấn và nên thúc đẩy con cái tiếp tục học tập.

Caritas Phú Cường có chương trình truyền thông cho toàn giáo phận, từ các giáo hạt đến các giáo xứ. Đề tài: “Di cư an toàn - ổn định cuộc sống” được truyền thông cho các nhóm và 21 Giáo xứ, có khoảng 14,000 người. Kiến thức và kỹ năng về phòng chống buôn người là yếu tố cần thiết để nhân viên Caritas có thể truyền thông và giúp các bạn trẻ đang có ý định sống và làm việc tại các môi trường di dân, hay nước ngoài để thận trọng và biết tự bảo vệ chính mình.

Phụ nữ và trẻ em là đối tượng chính của những tay buôn người, vì thế Caritas Phú Cường đã tập huấn với đề tài phòng tránh xâm hại tình dục và mua bán phụ nữ-trẻ em cho các em thanh thiếu niên và phụ huynh. Trong khóa tập huấn, các em được tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; khái niệm và các hình thức xâm hại tình dục; cách tự vệ và phòng tránh những nguy cơ bị mua bán, bắt cóc và xâm hại tình dục.

Ngoài ra Caritas Phú Cường còn truyền thông Phòng tránh Buôn người cho Người Khuyết tật. Bởi theo báo cáo tình hình buôn người năm 2019 của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, trẻ em lang thang và người khuyết tật đang là đối tượng của bọn buôn người bằng việc cưỡng bức lao động. Người khuyết tật thường có học vấn không cao, tay nghề thấp và đa số phải mưu sinh trên các đường phố, nên rất dễ bị kẻ buôn người tiếp cận và lừa lọc.

Còn rất nhiều buổi tập huấn đã và đang được Caritas Phú Cường thực hiện nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cho các chuyên trách cũng như các em thiếu niên, các bậc phụ huynh để họ có thể tự bảo vệ chính mình, biết cảnh giác cao độ trước bọn buôn người.

Ngoài Caritas Phú Cường, Caritas Hà Tĩnh cũng rất quan tâm đến hiện tượng buôn bán người, bởi nơi đây rất nhiều bạn trẻ đã đi nước ngoài hợp tác lao động, rất nhiều người rơi vào tay bọn buôn người. Ngoài những buổi truyền thông, Caritas Hà Tĩnh còn thực hiện vở kịch “Thức Tỉnh” để giúp cho người dân cảnh giác cũng như hiểu được những cạm bẫy trước những lời ngon ngọt, hứa hẹn của những người môi giới.

Việt Nam nằm trong một trong những nước có tỷ lệ người bị buôn bán nhất. Chính phủ Việt Nam cũng báo động về tình trạng buôn bán người. Cả 64 tỉnh thành đều có nạn buôn người. Chính vì thế, việc truyền thông để cung cấp kiến thức cho người dân hiểu được những thủ đoạn của bọn buôn người và tránh rơi vào tình trạng bị buôn bán người là rất cần thiết và cấp bách. Caritas Việt Nam kết hợp với Caritas các Giáo phận phần nào đang gióng lên "tiếng hô" cho cộng đồng cùng nhau ý thức đặc biệt là tầng lớp giới trẻ để giúp giảm đi tình trạng bị buôn bán, bóc lột do thiếu thông tin dẫn đến bị lừa đảo.

Nguồn: caritasvietnam.org 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top