Cảm nhận về Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân
WGPSG -- Lúc 5g30 sáng thứ Bảy, 11.02.2012, tại ngôi Nhà nguyện Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, số 6 Tôn Đức Thắng, Q.1, Tp. HCM, 136 anh em chủng sinh thuộc 4 giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho, Phú Cường và Phan Thiết, cùng với quý cha trong Ban Giáo sư, đã tham dự Thánh lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Mẹ là người luôn thấu hiểu, luôn yêu thương và chia sẻ với mọi nỗi đau của bệnh nhân. Vì thế, phụng vụ Giáo hội hôm nay mời gọi người Kitô hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho những bệnh nhân. Vì thế, trong bầu khí tĩnh lặng, linh thiêng và ấm áp tình Chúa, tình người, Thánh lễ sáng hôm đó đã đọng lại nhiều suy nghĩ trong tâm hồn mỗi anh em chúng tôi.
Mở đầu Thánh lễ, cha chủ tế mời gọi chúng tôi hướng về Chúa và hướng về nhau trong tình yêu thương nâng đỡ, để cầu nguyện cho người thân, cho quý cha, cho tất cả anh em, và cho tất cả những bệnh nhân đang sống với biết bao khó khăn, thử thách và đau khổ do bệnh tật mang lại. Trong bài chia sẻ sau Tin Mừng, cha chủ tế nhận định: “Kinh nghiệm về bệnh tật sẽ giúp mỗi người chúng ta có được những kinh nghiệm về tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa.” Những lời chia sẻ tâm tình như thế thật sâu sắc và ý nghĩa, bởi vì bệnh tật sẽ giúp chúng ta nhận ra những giới hạn của thân phận con người, nhận ra được Chúa yêu thương mỗi người chúng ta ngay chính trong những giới hạn, bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.
Thật vậy, hôm nay sẽ là một ngày ý nghĩa cho các bệnh nhân và cho nhiều người Kitô hữu chúng ta. Hôm nay, có lẽ sẽ có rất đông những khách hành hương tìm đến Lộ Đức, để cầu nguyện với Đức Mẹ về những bệnh tật và những hoàn cảnh đau khổ của mỗi người. Hôm nay, có lẽ cũng có rất đông những bệnh nhân đến nhà thờ Chí Hòa, giáo phận Sài Gòn, để cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ, để xin ơn chữa lành biết bao bệnh tật cho bản thân, người thân. Hôm nay, nếu có một ai đó đi đến bệnh viện, có lẽ họ sẽ thấy rằng bệnh viện nào cũng chật kín bệnh nhân. Nơi đây, có rất đông những con người, với nhiều hoàn cảnh khác nhau về quê hương, nghề nghiệp, tuổi tác, gia đình. Tuy nhiên, tựu trung lại họ đều là những mảnh đời thật đáng thương vì mang trong mình với nhiều thứ bệnh khác nhau.
Mới đây, anh em chúng tôi biết được hoàn cảnh thật đáng thương của một bạn nam 21 tuổi, sống ở một giáo xứ vùng sâu vùng xa: em mang trong mình một chứng bệnh khá nặng (u nang ở ruột), vừa phẫu thuật xong, nhưng đang trong giai đoạn cũng rất hiểm nguy, e rằng không qua khỏi. Gia đình của em nghèo: cha của em hiền lành, chạy xe ôm, mẹ đi làm mướn, cả gia đình chỉ có mấy công ruộng. Hơn cả một tháng trời, em sống trong bệnh viện, cùng với sự chăm sóc của mẹ cha. Vì vậy, tết năm nay em không được lì xì, đi chơi, không được tận hưởng biết bao niềm vui mùa xuân Nhâm Thìn 2012 như những người bạn trẻ cùng trang lứa. Nếu một ai đó hiểu được hoàn cảnh và bệnh tình của em thì có lẽ sẽ không khỏi cảm động và nghẹn ngào. Quả thật, khi đến bệnh viện, khi chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương của những mảnh đời trong bệnh viện, chúng ta mới nhận ra cuộc đời này vốn tồn tại biết bao đau khổ: gia đình nào cũng có cái khổ, người nào cũng có nỗi khổ của riêng mình. Vì vậy, con người rất cần tình yêu thương, chia sẻ và cảm thông dành cho nhau, nhất là cho những người anh em đang đau đớn vì bệnh tật, và đang bất hạnh hơn chúng ta. Phải chăng những nghĩa cử chia sẻ và yêu thương cho tha nhân sẽ giúp mỗi người chúng ta cảm nhận được Chúa, cảm nhận được biết bao điều ý nghĩa trong cuộc đời này? Quả thật, cuộc sống của mỗi người chúng ta rất cần sự nâng đỡ của Chúa và cần sự nâng đỡ của nhau.
Cuối cùng, Thánh lễ Misa sáng nay khác hơn thường lệ bởi vì có phần lời nguyện chung. Anh em chúng tôi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho biết bao bệnh nhân đang sống giữa lòng thế giới hôm nay. Vì vậy, không gian ngôi nhà nguyện của Đại Chủng viện tuy không rộng, nhưng có lẽ tâm hồn và tấm lòng mỗi anh em chúng tôi sẽ trải rộng đến những mảnh đời đang sống ở nhiều nơi trên mặt đất này. Thiết nghĩ, đây là những động lực tình yêu dấn thân rất ý nghĩa cho lý tưởng đời linh mục của mỗi anh em chúng tôi sau này, như lời của một người anh em đã chia sẻ chân thành với một linh mục như sau: “Nơi bệnh viện, con cảm nhận được những điều rất thật và đáng thương của tha nhân. Nơi bệnh nhân, con cảm nhận thì ra có những người còn khổ hơn mình gấp bội. Con rất muốn ở lại bệnh viện để chứng kiến và suy nghĩ, để chia sẻ và an ủi với biết bao hoàn cảnh đáng thương của những bệnh nhân đang phải chấp nhận những nghiệt ngã của kiếp người khổ đau.”
Ước gì, những lời cầu nguyện của anh em chúng tôi và của tất cả mọi người trong Thánh lễ hôm nay, sẽ là những lời ước nguyện đẹp lòng Chúa, để Ngài ban xuống muôn ơn lành hồn xác cho mọi bệnh nhân. Ước gì ngày hôm nay, sẽ có những tấm lòng của những mạnh thường quân, biết mở rộng vòng tay, để yêu thương và chia sẻ, để xoa dịu phần nào những đau khổ mà những người bệnh, gia đình, người thân của bệnh nhân đang phải gánh chịu từng ngày, từng giờ trong vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc sống này.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024