Các bài suy niệm Lễ Thánh Gia
Các bài suy niệm LỄ THÁNH GIA - Năm C
Lời Chúa: Hc 3,3-7.14-17a (hay 1Sm 1,20-22.24-28); Cl 3,12-21
(hay 1Ga 3,1-2.21-24); Lc 2,41-52
MỤC LỤC
1. Con có bổn phận
2. Thánh Gia
3. Thưa vâng với Thiên Chúa mỗi ngày
4. Con đường hạnh phúc
5. Lễ Thánh Gia Thất
6. Để đảm bảo hạnh phúc cho gia đình
7. Gia đình thánh thiện
8. Tài sản
9. Thánh Gia
10. Tìm thấy
11. Suy niệm
12. Gia đình
13. Hy sinh
Suy Niệm
Mầu nhiệm Nhập Thể bắt đầu từ tiếng Xin Vâng ở Nadarét.
Nadarét là nơi Ngôi Lời làm người sống phần lớn thời gian. Mái ấm Nadarét thật khác thường, và rất đỗi bình thường. Đây là một gia đình có bầu khí yêu thương, đạo hạnh.
Nadarét là trường học đầu tiên huấn luyện Đức Giêsu, chuẩn bị Ngài gánh vác sứ mạng Cha giao sau này. Nadarét là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác.
Đức Giêsu đã vâng phục kỷ luật của trường này. Ngài đã chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ, và Ngài đã lớn lên, chững chạc, trưởng thành, quân bình cả về thân xác, trí tuệ lẫn tâm linh.
Con Thiên Chúa đã tập làm người ở Nadarét, và nền giáo dục ở Nadarét đã thành công khi trao cho ta một Giêsu khôn ngoan, đạo đức và nhân hậu, ở tuổi ngoài 30.
Nền giáo dục gia đình được coi là tốt khi giúp con cái mở ra trước những đòi hỏi của Thiên Chúa và tha nhân. "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà CHA con sao?" - Từ năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã ý thức mình là Con của Thiên Chúa, Đấng mà cậu trìu mến gọi là Cha. Cậu đã sống mối tương quan thân tình độc đáo này và cậu cảm thấy điều đó kéo theo những bổn phận: ở lại trong nhà Cha hay lo việc của Cha.
Càng lúc Đức Giêsu càng ý thức về mình, trong tương quan với Cha và trong sự thúc bách của sứ mạng. Con Thiên Chúa cần mẹ cha, cần một mái ấm để lớn lên, nhưng cả mối dây thân thương tự nhiên ấy cũng có lúc phải chịu hy sinh, nếu nó cản trở sứ mạng Cha trao phó. Ta không rõ tại sao cậu Giêsu rất mực khôn ngoan đã ở lại Đền Thờ mà không báo cho cha mẹ. Nhưng chắc chắn sau này cậu sẽ phải chia tay với Mẹ Maria.
Đức Giêsu không chỉ là người con hiếu thảo với mẹ cha, nhưng trên hết và trước hết, Ngài là Con vâng phục CHA. CHA trên trời là ưu tiên vượt trên mọi ưu tiên khác. Đức Maria không hiểu câu trả lời của Con mình. Dù Mẹ đã nghe bao mạc khải về Con từ Gabrien, Simêon, nhưng những biến cố đời thường vẫn làm Mẹ ngỡ ngàng.
Con vẫn là một mầu nhiệm vừa gần, vừa xa đối với Mẹ. Mẹ không hiểu nổi, không hiểu hết hay không hiểu ngay, nên Mẹ vẫn cung kính đứng trước mầu nhiệm bằng thái độ vâng phục của lòng tin và nghiền ngẫm mãi.
Mẹ chẳng giữ Con lại trong vòng tay của mình. Mẹ để Con lên đường, Mẹ dâng Con trên Núi Sọ. Chỉ biến cố Phục Sinh mới làm Mẹ thật hiểu Con. Cha mẹ vừa đùm bọc ấp ủ, vữa tiễn con mình vào đời. Gia đình cung ứng những công dân tốt và tín hữu nhiệt thành. Mỗi đứa con là một mầu nhiệm cần tôn trọng. Giáo dục là giúp con sống cuộc đời rất riêng của nó. Ước gì mọi bà mẹ đều như Maria, sinh các con như Giêsu.
Cầu Nguyện
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng con. Amen.
2. Thánh Gia
Khi xuống thế làm người, Đức Kitô đã sống trong một gia đình, có cha có mẹ và tình yêu không hề thiếu vắng dưới mái nhà Nadarét. Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia, nhưng qua Phúc Âm chúng ta thấy thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu luôn gắn bó và ở bên nhau trong mọi biến cố vui buồn.
Thực vậy, chính thánh Giuse đã đưa Mẹ Maria xuống Bêlem để đăng ký hộ khẩu, giữa lúc ngày sinh đã tới gần. Rồi thánh Giuse cũng đã đưa Mẹ Maria lên đền thờ cùng với hài nhi Giêsu để chu toàn những điều luật định. Chúng ta cũng không quên việc thánh Giuse đưa Mẹ Maria và hài nhi Giêsu trốn sang Ai Cập, sau đó trở về Nadarét và sinh sống tại đó.
Một kỷ niệm khó quên khác nữa đó là lần Chúa Giêsu ở lại đền thờ khi lên 12 tuổi khiến cho thánh Giuse và Mẹ Maria phải lo âu tìm kiếm.
Cuộc sống của Thánh Gia không phải lúc nào cũng phẳng lặng, trái lại có những lúc tưởng chừng như muốn tan vỡ. Mặc dầu gắn bó mật thiết với Chúa, nhưng Thánh Gia cũng đã gặp phải những khó khăn và khổ đau, nhất là đối với Mẹ Maria. Nỗi bất hạnh lớn nhất của đời Mẹ đó là phải chứng kiến cảnh tượng con mình bị treo trên thập giá.
Cuộc sống gia đình của chúng ta cũng không thể tránh khỏi những hy sinh và mất mát, những lo âu và buồn phiền. Điều quan trọng là phải biến nắm lấy tay nhau và cùng nhau nắm lấy tay Chúa để có được những nghị lực cần thiết, nhờ đó mà vượt qua những gian nan thử thách, những sống gió cuộc đời.
Nhìn vào đời sống của Mẹ Maria, chúng ta thấy ngoài việc nội trợ hằng ngày, thì một việc khác quan trọng hơn Mẹ đã thực hiện, đó là cầu nguyện. Phúc Âm thường viết về Mẹ như sau: Mẹ ghi nhớ những sự việc ấy và suy niệm trong lòng.
Còn thánh Giuse thì sao? Ngài là người đứng mũi chịu sào cho cuộc sống của cả gia đình. Nói đến cuộc sống là nói đến cái ăn cái mặc và những nhu cầu cần thiết khác. Thời nào cũng có những khó khăn của nó. Thánh Giuse đã phải vất vả lo sao cho gia đình đủ sống. Lao động để phục vụ gia đình, phải chăng đó là con đường nên thánh của Giuse?
Và như thế, bầu khí của mái nhà Nadarét là bầu khí của yêu thương, cầu nguyện và lao động. Đức Kitô không phải là một thần đồng, cũng không phải là một Phù đổng Thiên vương, Ngài chỉ là một con người bình thường như chúng ta, đã từ từ lớn lên trong thời gian với bầu khí thân thương ấy.
Thời gian là ánh mặt trời làm cho trái xanh được chín. Không hấp tấp cũng không dậm chân tại chỗ. Chúa Giêsu đã đi một chặng đường dài hơn 30 năm để được trưởng thành và sẵn sàng thi hành sứ mạng cứu thế của mình.
Còn gia đình chúng ta thì sao? Có yêu thương? Có cầu nguyện và có lao động như Thánh Gia hay không?
3. Thưa vâng với Thiên Chúa mỗi ngày
Trên bình diện thuần tuý nhân loại, đây là một lối giới thiệu kỳ lạ. Đấng là khuôn mẫu đời sống của mọi Kitô hữu trọn lành, được mô tả trong hoạt cảnh bỏ nhà ra đi! Nói đúng ra, thánh chép sử mời gọi chúng ta hãy vượt qua cái bề ngoài, chỉ nên chú ý tới nội dung câu chuyện. Trước hết chẳng có gì là bi thảm, chúng ta để sang một bên nỗi lo âu nhất thời của hai ông bà. Sau nữa chúng ta học được ba thái độ đạo đức căn bản:
1. Thiên Chúa không cho chúng ta biết trước tình tiết cuộc đời chúng ta sẽ như thế nào. Đức Maria và thánh Giuse biết rõ con trẻ Giêsu là Ai. Tuy nhiên hai ông bà không hiểu biết theo lối chúng ta hiểu biết ngày nay nhờ thần học và giáo lý. Mỗi ngày một chút, hai ông bà phát hiện thêm sự thật của mầu nhiệm bao phủ cuộc đời mình và tầm mức bao la của số mệnh Chúa. Đối với Đức Maria và thánh Giuse, mỗi giai đoạn tăng trưởng của Chúa, là một khám phá, luôn luôn đòi hỏi hai ông bà phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa, mỗi ngày phải đáp ứng bằng một tiếng vâng. Ngày này qua ngày khác, hai ông bà lúc nào cũng phải hành động, quyết định, suy xét và nhiều phen chẳng hiểu tại sao, luôn luôn phải thích ứng với những đoạn đường Chúa thúc đẩy phải tiến tới. Chúng ta chẳng khác gì Đức Maria và thánh Giuse. Sau khi thưa vâng với Thiên Chúa để chấp nhận số mệnh mình, chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi hãy suy xét và hành động ngày này qua ngày khác, để mỗi ngày lại thưa vâng với Người. Trước hết Thiên Chúa đòi chúng ta gia nhập có tính cách chi tiết hơn và đặt giá cho sự gia nhập từng ngày trên đuờng định mệnh mình.
2. Công việc của Thiên Chúa phải đặt trước mọi sự, chúng ta phải hiểu như vậy khi đọc lên câu trả lời của Đức Giêsu: “Ông bà không biết rằng tôi phải làm công việc của Cha tôi sao?”. Câu đáp đối với chúng ta có đôi chút sỗ sàng. Chúng ta cần giữ lại điều này: Thiên Chúa đáng chúng ta dành cho Người một sự ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa là trên hết và trước hết trong đời ta, điều đó có nghĩa là không được suy tôn bản ngã của chúng ta lên bằng Thiên Chúa. Bởi lẽ chúng ta có được hạnh phúc là nhờ ơn Thiên Chúa chứ không nhờ khả năng của “cái ta”.
3. Chúng ta phải tìm Đức Giêsu ở nơi chốn Người đang ngự. Sự giải thích cổ xưa nhất về lời đáp của Chúa Giêsu làm nổi rõ sự việc Người ở trong Đền Thờ, trong nhà Cha Người, là điều tất nhiên, và muốn tìm Người thì phải đến Đền Thờ mà gặp Người. Khi nào chúng ta có ấn tượng đã mất Chúa, tất nhiên chúng ta hãy đến thánh đường cầu nguyện dưới chân nhà tạm, nếu có thể được.
4. Con đường hạnh phúc
Những tranh ảnh về Thánh Gia thường diễn tả một gia đình ấm êm hạnh phúc. Thánh Giuse làm thợ mộc trong nhà. Đức Mẹ ngồi may vá. Đức Giêsu phụ giúp Thánh Giuse. Phải chăng Thánh Gia luôn sống trong êm đềm thư thái, không hề biết đến khổ đau? Phải chăng cuộc sống gia đình thánh cứ phẳng lặng trôi như mặt nước mùa thu không gợn sóng gió? Không phải, trái lại Thánh Gia đã biết đến rất nhiều sóng gió, thử thách.
Còn thử thách nào lớn hơn cảnh nghèo. Vì nghèo mà biết bao gia đình sinh ra bất hoà, ấy thế mà Thánh Gia đã phải trải qua những kinh nghiệm đớn đau của kiếp nghèo. Bị xua đuổi, bị hất hủi đến nỗi phải trú ngụ trong chuồng bò lừa. Thê thảm hơn nữa, phải sinh con giữa bầy súc vật, không giường chiếu chăn màn.
Còn gì buồn hơn là bị thù ghét, bị săn đuổi? Thánh Gia sống hiền lành khiêm nhường, thế mà phải chịu đựng sự thù ghét của Hêrôđê. Vừa sinh ra, còn non nớt đã phải bồng bế nhau chạy trốn, xa quê hương đất nước.
Còn cảnh nào bi đát bằng cảnh vợ chồng hiểu lầm nhau? Thế mà Thánh Giuse đã hiểu lầm Đức Mẹ khi Đức Mẹ thụ thai bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Ai đã trải qua cảnh nghi ngờ bị phản bội sẽ hiểu Thánh Giuse đã bị dày vò đau đớn đến mức nào.
Còn gì khiến cha me buồn hơn khi thấy con cái không ngoan ngoãn vâng lời, bỏ nhà ra đi? Vậy mà Thánh Giuse và Đức Mẹ đã phải chứng kiến cảnh đứa con ngoan ngoãn của mình tự động ở lại Đền Thờ mà không xin phép cha mẹ. Các ngài vất vả lo âu tìm kiếm thì ít, nhưng buồn phiền đau khổ thì nhiều. Làm sao các ngài tránh khỏi buồn phiền khi nghĩ rằng người con mà các ngài rất mực yêu quý đã cãi lời cha mẹ?
Những sóng gió mà Thánh Gia đã phải đương đầu như thế có lẽ nhiều và nặng nề hơn những gia đình bình thường. Thế nhưng các ngài vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ bí quyết nào các ngài đã vượt qua được biết bao cơn sóng gió như thế?
Trước hết các ngài luôn tìm thánh ý Chúa. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, các ngài không tìm ý riêng mình, cũng không tìm ý thích của người đời, nhưng luôn đi tìm ý Thiên Chúa. Tìm ý Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, qua các biến cố xảy đến. Tâm sự với Chúa trong giờ cầu nguyện. Hỏi ý kiến Chúa nơi các vị đại diện.
Khi biết được thánh ý Chúa, các ngài lập tức mau mắn vâng lời. Đức Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền”. Thánh Giuse đang muốn bỏ đi, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người ở lại, Người đã vâng lời ngay không ngần ngại.
Sau cùng, các ngài luôn quên mình vì hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Thánh Giuse tuy là gia trưởng, nhưng đã hết tình phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng lại trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình.
Ngày nay, nhiều gia đình gặp khủng hoảng, lâm vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vì đã không biết áp dụng những bí quyết của Thánh Gia. Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì cầu nguyện, đọc Phúc Âm để tìm ý Chúa thì lại đi tìm ý kiến ở những nơi mê tín dị đoan. Thay vì vâng lời Chúa qua các vị bề trên thì lại chỉ tìm ý riêng mình. Thay vì khiêm nhường quên mình thì lại kiêu ngạo tự ái, bắt người khác phải phục vụ mình.
Hôm nay, gia đình chúng ta hãy biết noi gương Thánh Gia: Bỏ ý riêng để tìm thánh ý Thiên Chúa; mau mắn vâng lời Chúa; và hạ mình khiêm nhường, quên mình để phục vụ người khác. Có như thế chúng ta mới hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn ngày càng nhiều trong đời sống hiện nay.
Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con. Amen.
Sau biến cố năm mười hai tuổi, Chúa Giêsu cùng cha mẹ lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua và Ngài tự ý ở lại ba ngày. Đức Giêsu đã trở về Nadaret, thực hiện đúng lời Em-ma-nu-en- Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta đã được tiên tri loan báo. Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa đang dự phần vào những công việc thân thiết quen thuộc nhất trong gia đình, đây là Thiên Chúa đang tự mặc lấy hình người, đang sống cuộc đời chúng ta. Sự thật là như vậy, và chúng ta có thể nói nhiều điều quý báu về Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa đã bước vào một căn nhà tầm thường và gia đình tầm thường.
Ai cũng nghĩ rằng nếu Thiên Chúa đến thế gian, chắc Ngài phải đến với tư cách một nhà vua, đến sống trong cung điện nguy nga của bậc đế vương đầy thế lực, quyền quý, sang trọng. Nhưng ở Nadaret Chúa Giêsu đã sống như mọi người khác, nhà Ngài ở và cách Ngài ăn mặc cũng giống như người đương thời (Lc 8,44), Ngài ăn uống như người đồng hương (mt 9,19). Ngài dùng tiếng nói nơi Ngài ở, trong Phúc Âm, không ai tìm được một danh từ chuyên môn nào, Ngài trình bày những mầu nhiệm tôn giáo cao siêu bằng những từ ngữ thông thường của nơi Ngài sống, Ngài dùng cách diễn tả tư tưởng cùa người đồng thời và lối văn họ quen dùng. Ngài biết những bận tâm, những nhu cầu của họ và không ngạc nhiên khi nghe họ nói: “Chúng ta sẽ ăn gì? Chúng ta sẽ mặc gì?” Ngài dùng những thành ngữ của họ, dầu có nhiều khuyết điểm và thiếu văn hoa. Tỷ như để định vị trí cho một người không những không nghe theo những lời khuyên nhủ kín đáo nhưng cả những cảnh cáo của Giáo Hội, Ngài dùng diễn ngữ này: “Ngươi hãy coi nó như một dân ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17). Trong mọi sự Chúa Giêsu không có gì tỏ ra xa lạ với những người đến để được cứu rỗi. Ngài thật sự ở giữa chúng ta, chung sống với chúng ta, nên giống chúng ta hoàn toàn ngoại trừ tội lỗi. Như vậy, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thánh hoá một lần đủ cả việc con người được sinh ra, thánh hoá mái gia đình khiêm nhượng của giới bình dân và thánh hoá toàn thể tuổi ấu thơ.
2. Thiên Chúa đã bằng lòng làm công việc của loài người mà không xấu hổ.
Suốt ba mươi năm trường, Ngài đã không làm một điều gì ngoại thường, Ngài âm thầm sống như một người dân thường, học nghề nơi cha nuôi và tự tay làm việc nuôi sống bản thân và gia đình. Ngài hoàn toàn giống mọi người dân làng đến nỗi họ ngạc nhiên khi Ngài bắt đầu giảng dạy: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria, anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxep, Simon và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,54-56). Thiên Chúa trong Chúa Giêsu đã đến thế gian như một công nhân. Chẳng bao giờ chúng ta nhận thức đầy đủ sự kiện Thiên Chúa thấu hiểu công việc hằng ngày của chúng ta tới mức độ nào. Ngài biết nỗi khó nhọc để kiếm đủ sống của chúng ta; Ngài biết nỗi khó khăn khi gặp khách hàng khó tính hay khách hàng không chịu trả tiền. Ngài biết tất cả những khó khăn trong cuộc sống chung trong một gia đình, và Ngài biết từng vấn đề chúng ta thường gặp hằng ngày. Theo Cựu Ước, lời rủa sả sau khi loài người phạm tội trong vườn Địa đàng: “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có đủ mà ăn” (St 3,19), nhưng theo Tân Ước, sự làm việc thông thường được khoác lên một ánh hào quang khi có bàn tay Thiên Chúa chạm vào.
3. Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy một Thiên Chúa yêu thương.
Lúc tình yêu thương bước vào đời sống thì đau đớn cũng vào theo, nếu chúng ta có thể sống hoàn toàn tách biệt mọi người, có thể thu xếp cuộc đời thế nào cho mình dửng dưng được với hết mọi sự, mọi người, thì cũng sẽ không còn đau đớn, buồn khổ, lo lắng. Nhưng trong Chúa Giêsu chúng ta thấy Thiên Chúa đang hết sức chăm sóc cho loài người và tha thiết với loài người. Ngài cảm thấy đau đớn cho loài người và với loài người. Thật ra, chính tình yêu là khởi điểm của sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi chúng ta. Chính vì Ngài yêu chúng ta nên Chúa Cha ban Ngài cho chúng ta. Thật vậy, như lời Thánh Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và cùng chính vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã xả diệt thân mình “trở nên hoàn toàn giống anh em Ngài” vì Ngài “không lấy làm xấu hổ gọi chúng ta là anh em Ngài” (Dt 2,17.11). Tình yêu đòi phải nên giồng. Vì Ngài quá yêu anh em của Ngài sống trong thế gian nên có thể nói dĩ nhiên Ngài đẩy mạnh đến cùng mức độ nên giống họ (Ga 13,13).
Cécil Northcott trong quyển “Chúa hiển hiện đời nay” thuật lại một cuộc thảo luận trong trại hè dành cho thanh thiếu niên đại diện nhiều quốc gia trên thế giới: “Một đêm mưa khi các trại sinh thảo luận về nhiều phương cách khác nhau làm sao nói cho người khác biết về Chúa Giêsu. Họ hỏi một nữ trại sinh Phi châu: “Maria, ở nước cô thì cô làm thế nào?” Maria trả lời: “Chúng tôi không có hội truyền giáo, cũng không phát truyền đơn về đạo. Chúng tôi chỉ sai một hoặc hai gia đình tín hữu đến sống, làm việc trong làng. Khi dân làng thấy cuộc sống Kitô như thế nào, họ đều muốn trở thành Kitô hữu”.
4. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa sống trong trắng và thánh thiện giữa loài người.
Nếu sau này Ngài có thể quả quyết: “Ai thấy Ta là thấy Cha” thì trong thời gian sống tại Nadaret, Ngài cũng vẫn luôn mang đặc tính ấy mặc dầu nhiều người không nhận ra. Ngài quả thật có nên giống chúng ta trong mọi sự, nhưng không trong tội lỗi. Không những suốt đời Ngài không hề có một khuyết điểm nào, nhưng qua cuộc sống, Ngài đã biểu lộ thiên tính. Không bao giờ Ngài thông đồn, dù bằng lời nói hay bằng việc làm, bằng cử chỉ với những tội lỗi nơi người đồng hương, vì Ngài thấy ở đó khởi đầu để đồng bào Ngài ghét Ngài.
6. Để đảm bảo hạnh phúc cho gia đình
Suy Niệm:
Cổ tích vùng Bretagne, mạn Tây Bắc nước Pháp, kể lại câu chuyện sau đây: "Có một gia dình gồm cha mẹ và một người con sống rất hiệp nhất yêu thương nhau. Nhưng một đêm kia, đang lúc mọi người say ngủ thì một trận giông bão chưa từng thấy xảy ra, chỉ trong mấy giờ đồng hồ cả vùng bị lụt lớn, nhà cửa sập cả, thây người và vật trôi lềnh bềnh. Người cha của gia đình cõng vợ trên vai mình và bà vợ tay bồng đứa con. Nước càng lúc càng lên cao, chẳng bao lâu ngập đầu của hai vợ chồng. Dần dần ngập thở và vô cùng mệt mỏi bà vợ cố giữ lấy hai cánh tay đưa con lên cao quá khỏi mực nước cho đứa bé khỏi chết ngộp. Hai vợ chồng sẵn sàng chờ chết chỉ mong có ai cứu được đứa bé. Vừa lúc đó có một thiên thần bay ngang qua trông thấy cái đầu đứa bé nổi khỏi mặt nước, vội cầm lấy kéo lên và dính chùm nhau cả cha mẹ lẫn đứa con. Thế là nhờ yêu thương hiệp nhất mà cả gia đình được cứu sống".
Có lẽ chưa bao giờ cuộc sống gia đình lại bị khủng hoảng trầm trọng như trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay. Rất nhiều gia đình trong xã hội chúng ta là những gia đình què quặt, những gia đình tan nát vì nạn ly thân, ly dị và phá thai; những gia đình phân tán, chia ly vì chiến tranh, bạo lực và áp bức; những gia đình bất hòa vì nạn thất nghiệp, với đời sống vật chất kinh tế khó khăn eo hẹp hay vì nạn cờ bạc, rượi chè, ma túy thuốc phiện và ham mê buông thả tình dục...
Và những người phải trả giá mắc nhất do hậu quả của các khủng hoảng nặng nề là trẻ em. Là giới trẻ, làm sao con người có thể hạnh phúc tươi vui khi phải sống trong gia đình như thế? Làm sao thế giới có thể an bình thịnh vượng khi các gia đình, tế bào nòng cốt của xã hội bệnh hoạn như thế?
Trong ngày lễ Thánh Gia, Giáo Hội kêu mời chúng ta suy tư nghiêm chỉnh, trở lại ý nghĩa cuộc sống gia đình và đề nghị với chúng ta một mẫu gương. Đó là mẫu gương tổ ấm yêu thương của gia đình Nagiarét, gia đình của Chúa Giêsu với Mẹ Maria và thánh Giuse.
Chương 3 sách Huấn Ca đã nhắc lại điều răn thứ tư của Mười điều răn, dạy con cái phải tin yêu và thảo hiếu với cha mẹ và những lý do luân lý tự nhiên với câu ca dao Việt Nam:
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Sách Huấn Ca còn nhấn mạnh đến lý do tôn giáo của thái độ hiếu kính cha mẹ, những người đã dày công mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục chúng ta, có giá trị đền bù tội lỗi chúng ta đã vấp phạm. Thiên Chúa sẽ nghe lời những người con hiếu thảo khi họ kêu khẩn lên Ngài.
Suy tư trên đây là một ví dụ điển hình cho thấy để sống đạo, người đạo đức như tác giả sách Huấn Ca đã biết nhìn ra ý nghĩa sâu thẳm của nhân loại nằm trong chính cái tầm thường trong cuộc sống mỗi ngày. Thiên Chúa không xa vời, Người hiện diện trong cái tầm thường mỗi ngày của cuộc sống chúng ta, bởi vì Người đã sống giữa con cái loài người, đồng hành với con người và chia sẻ mọi niềm vui, mọi âu lo, khó nhọc của cuộc sống con người. Khi biết nhìn thực tại với đôi mắt của lòng tin, thì mọi sự trong thế giới hữu hình đều được biến đôi mắt của lòng tin, thì mọi sự trong thế giới hữu hình đều được biến đổi là điều nói lên sứ điệp Thiên Chúa muốn nhắn gởi chúng ta. Một gia đình trong đó mọi thành phần biết kính sợ Thiên Chúa, biết yêu thương tôn trọng nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau và sống vì nhau sẽ là một gia đình được tràn đầy phúc lành và sức sống thiêng linh của Thiên Chúa.
Sự thật này được nêu bật trong thánh vịnh 128. Đây là bí quyết tạo dựng hạnh phúc cho gia đình, nhưng rất tiếc, cũng là điều rất thiếu sót trong các gia đình của xã hội chúng ta ngày nay. Làm sao gia đình có thể hài hòa hạnh phúc nếu mỗi thành phần chỉ ích kỷ sống và tìm hưởng thụ cho riêng mình mà không muốn yêu thương, không muốn chia sẻ, không muốn dâng hiến, trao ban, quí trọng và lo lắng cho những người khác.
Tình yêu đích thực bao giờ cũng sinh hoa kết trái và gia đình chỉ là gia đình khi có cha, có mẹ, có con cái. Một tình yêu không sinh hoa trái là một thứ tình yêu cằn cỗi, què quặt và bất bình thường. Một gia đình không có con cái là một gia đình buồn bã và không trọn vẹn. Dĩ nhiên, vì những lý do ngoài ý muốn, gia đình có thể thiếu vắng thành phần này hay thành phần kia, nhưng tình yêu là nhân tố nòng cốt không thể thiếu được. Một cuộc hôn nhân không tình yêu là một cuộc hôn nhân lầm lẫn, bởi vì chỉ có tình yêu chân thành sâu đậm được chăm bón, vun xới mỗi ngày mới khiến cho gia đình trở thành tổ ấm hạnh phúc. Lấy nhau vì tiền, vì lợi lộc, vì chức tước và địa vị, sẽ không bao giờ tạo dựng hạnh phúc cho con người và hôn nhân sẽ đi đến chỗ đổ bể. Nhưng tình yêu chân thành không thôi cũng chưa đủ để đảm bảo hạnh phúc cho gia đình, cần phải có các nhân đức Kitô và nhân đức xã hội tự nhiên nữa.
Trong chương 3 thơ gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô khuyên các tín hữu chu toàn các đòi buộc của lòng tin trong cuộc sống thường ngày, trước khi đề cập các bổn phận của các thành phần khác trong gia đình. Thánh Phaolô nhắc cho mọi người biết một số bổn phận căn bản phát xuất từ lòng tin Kitô. Là những người được Thiên Chúa chọn làm con cái Ngài, thành phần sống động của Giáo Hội và là công dân của Nước Trời, hơn ai hết, Kitô hữu phải noi gương Chúa Giêsu Kitô sống tình yêu thương bác ái, trọn vẹn cao độ đến sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác. Bởi vì chính tình yêu thương là thái độ sống nền tảng khiến cho người Kitô hữu thật sự giống Thiên Chúa và là nền tảng của mọi nhân đức khác, đặc biệt là các nhân đức xã hội. Và do đó thánh Phaolô thôi thúc chúng ta hằng ngày mặc lấy các tâm tình của lòng thương xót nhân từ, khiêm tốn, hiền hậu và kiên nhẫn. Tất cả các nhân đức này đều giúp chúng ta duy trì được bầu không khí hài hòa trong nội tâm, trong gia đình và giữa cộng đoàn. Bởi vì khi có lòng xót thương và nhân từ, chúng ta sẽ dễ cảm thông với những lỗi lầm thiếu sót và yếu đuối của nhau, và dễ tha thứ cho nhau hơn, bắt đầu bằng chính các thành phần trong gia đình mình, giữa vợ chồng con cái, họ hàng bạn bè với nhau.
Khi khiêm tốn, chúng ta cũng biết nhận ra các tội lỗi, những khuyết điểm, những yếu hèn và thiếu sót của chúng ta, chớ không luôn luôn cho mình là hay, là giỏi, là nhất, hung hăng chỉ trích lên án và kết tội người khác. Khi khiêm tốn chúng ta dễ châm chước cho người khác, vì biết rằng mình cũng như họ thôi, có khi còn tệ hơn họ nhiều. Chúng ta sẵn sàng xin lỗi, sẵn sàng làm hòa, sẵn sàng đền bồi sửa chữa. Khi hiền dịu và kiên nhẫn, chúng ta không nóng giận, gay gắt với người khác, biết chịu đựng mọi thiếu sót sơ suất của họ, đồng thời ý thức được rằng người khác cũng đang phải kiên nhẫn chịu đựng mọi thiếu sót và sai quấy của ta. Lời Chúa mà chúng ta tâm niệm và ơn ban cho mỗi ngày sẽ giúp chúng ta tập được các nhân đức trọn lành này.
Sau khi khuyến khích mọi người, mỗi ngày hãy mặc lấy các tâm tình và tìm sống các nhân đức trên đây, thánh Phaolô đưa ra một nguyên tắc xem ra đơn sơ nhưng thực hiện cho đúng thật là không dễ. Đó là mỗi thành phần trong gia đình hãy cố gắng sống bổn phận riêng trong cương vị của mình một cách phù hợp với ý Chúa muốn. Vợ hãy phục tùng chồng và chồng hãy yêu thương vợ, đừng gắt gỏng với nàng. Còn con cái phải thảo kính cha mẹ và vâng phục các ngài. Cha mẹ thì phải biết khoa sư phạm và tính tâm lý trong việc dạy dỗ, đối xử với con cái, đừng quá khắt khe đòi hỏi để chúng chán nản ngã lòng. Có người coi các tôn ti trật tự trong các cuộc sống gia đình như thánh Phaolô trình bày là bất công, tùy tiện, lỗi thời trong xã hội nam nữ bình quyền ngày nay, đặc biệt là trong liên hệ giữa chồng và vợ. Nhưng nếu chúng ta để ý nguyên tắc lấy tình yêu thương làm nền tảng cho cuộc sống hằng ngày như thánh Phaolô đã nêu bật, thì sẽ không có vấn đề nữa. Bởi vì trong yêu thương, thì tất cả mọi người đều yêu thương nhau không có phân chia ngôi vị. Nói như thế không có nghĩa là trong cuộc sống gia đình sẽ không bao giờ gặp khó khăn, khủng hoảng, nhưng có nghĩa là cho dầu có khủng hoảng và khó khăn trầm trọng đến thế nào đi nữa, nếu mỗi thành phần gia đình đều có tình yêu thương đích thật và biết sống tình yêu thương đó cụ thể, thì sóng gió nào rồi cũng sẽ yên và con thuyền tổ ấm gia đình vẫn tiếp tục tiến tới.
Sống yêu thương, chân thành, quảng đại và vô vị lợi không phải là dễ, nhưng là điều có thể làm được và cần phải làm nếu chúng ta muốn tạo dựng hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Sự thật này được minh chứng trong bài Phúc Âm thánh Luca. Sự thường, 12 tuổi vẫn còn là lứa tuổi thiên thần dễ thương và dễ mến nhất. Nhân dịp lễ, gia đình Thánh Gia hành hương lên Giêrusalem. Năm ấy đã khiến cho thánh Giuse và Mẹ Maria một lần phải rụng rời tay chân, khi trẻ Giêsu ở lại trong đền thờ mà không nói gì với hai người. Sau ba ngày đêm hớt hải kiếm tìm và hỏi han khắp nơi, thì hai ông bà thấy trẻ Giêsu đang đối chất với các tiến sĩ luật trong đền thờ. Cái im lặng của thánh Giuse thật vô cùng ý nghĩa, nó vừa diễn tả nỗi lo âu thầm kín, vừa cho thấy thái độ của thánh nhân tôn trọng sự tự do của Chúa Giêsu và chấp nhận sự kiện không thể giải thích được. Bởi vì thánh nhân biết chắc phải có lý do bí ẩn nào đó, khiến cho người con ngoan ngoãn tuyệt diệu như Chúa Giêsu có thái độ hành sử này. Câu trả lời lạ lùng của Chúa Giêsu giải thích cho hành động bất thường ấy, đồng thời nó minh chứng cho thấy tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Chúa Giêsu đã ý thức được sứ mạng và nguồn gốc của mình. Chúa Giêsu thuộc về một thế giới khác và qua sứ mạng phải chu toàn mà ít người có thể hiểu nổi kể cả Mẹ Maria và thánh Giuse. Tuy không hiểu được câu trả lời của con, nhưng Mẹ Maria ghi nhớ kỹ mọi sự và suy gẫm trong lòng. Cuộc suy gẫm ấy phải lâu dài và đau đớn. Và Mẹ chỉ tìm hiểu được mầu nhiệm đó khi đứng dưới chân thánh giá của người con yêu, trong ngày Chúa Giêsu tử nạn vì yêu thương. Sau biến cố kể trên, Chúa Giêsu lại theo cha mẹ về Nagiarét, lớn lên trong khôn ngoan tràn đầy ơn thánh và sống yêu thương vâng phục các ngài cho tới ngày công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Nếu muốn tìm một gia đình hạnh phúc nhất trần gian, chắc chắn chúng ta phải tìm nơi thánh gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Vậy đâu là bí quyết dẫn đến hạnh phúc?
Tôi xin thưa:
- Đó là sự thánh thiện, bởi vì chính đoạn Tin mừng hôm nay đã đem lại cho chúng ta lời giải đáp ấy.
Thực vậy, chúng ta thường hay nghĩ rằng:
- Những con người đặc biệt thì được miễn trừ nhiều việc, kể cả việc tuân giữ lề luật.
Trái lại, bài Phúc âm hôm nay cho thấy thái độ của thánh gia là sẵn sàng vâng phục Thiên Chúa bằng cách tuân giữ những lề luật của Ngài.
Chúa Giêsu thì chịu phép cắt bì. Mẹ Maria thì chu toàn nghi lễ thanh tẩy. Còn thánh Giuse thì nộp tiền chuộc theo như lề luật đã qui định. Và hơn thế nữa, thánh Giuse cùng với Mẹ Maria hàng năm vốn thường dẫn Chúa Giêsu lên đền thờ, đặc biệt là năm Chúa mười hai tuổi, lứa tuổi chưa bị lề luật đòi buộc. Từ đó chúng ta ghi nhận: cha mẹ đạo đức bao giờ cũng muốn giáo dục con cái mình trở thành những người đạo đức như vậy.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có thể không cần phải tuân giữ luật cắt bì và lên đền thời, bởi vì chính Ngài là đền thờ mà con người phải tôn kính. Mẹ Maria cũng chẳng cần phải chu toàn nghi lễ tẩy uế, bởi vì Mẹ được thu thai và sinh con bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, chứ không theo cách thức thông thường.
Thế nhưng, các Ngài đã tuân giữ lề luật, đã phục vụ Thiên Chúa một cách khiêm nhường trong tin yêu. Việc dâng Chúa trong đền thờ không phải là điều luật buộc, nhưng là một sáng kiến tự nguyện của Mẹ Maria. Mẹ lợi dụng cơ hội chu toàn nghi lệ tẩy uế để dâng con mình cho Thiên Chúa.
Việc thánh Giuse cùng đi nhằm mục đích giúp đỡ hai mẹ con, bởi vì tiền chuộc có thể nộp ở bất cứ chỗ nào. Điều đó cho thấy Mẹ Maria và thánh Giuse luôn ở bên nhau để che chở cho hài nhi Giêsu, nhờ đó tạo nên một mái gia đình đầm ấm, đồng thời còn biểu lộ tinh thần trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ.
Tiếp đến là những năm tháng dài tại Nagiarét. Cuộc sống của gia đình này không có gì là giàu sang, bởi vì các Ngài cũng đã phải lao động vất vả mới có được chén cơm manh áo, nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc, đầm ấm và thánh thiện, bởi vì giữa Mẹ Maria và thánh Giuse luôn có một chiếc gạch nối là Chúa Giêsu. Ngài chính là trọng tâm của gia đình.
Có năm chàng thanh niên sang Mỹ tìm vàng. Lúc trở về thì bốn người đã trở nên cộc cằn và hung dữ, vì ảnh hưởng của những thiếu thốn và cực nhọc đã phải gánh chịu. Riêng người thứ năm thì vẫn bình thường, vui vẻ và lạc quan. Người ta hỏi:
- Tại sao anh lại giữ vững được tinh thần như vậy?
Anh ta trả lời:
- Sở dĩ như vậy là vì một hình ảnh tôi đã mang theo. Dĩ nhiên không phải là hình ảnh của một cô bạn gái, nhưng là hình ảnh của gia đình tôi vào buổi tối trước khi tôi lên đường. Tối hôm ấy, mọi người đã cầu nguyện và cha tôi đã chúc lành cho tôi. Chính hình ảnh này đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình đầy gian khổ.
Noi theo mẫu gương của Thánh gia: chúng ta hãy tuân giữ lề luật của Thiên Chúa và thực tình giúp đỡ lẫn nhau để gia đình của chúng ta sẽ mãi mãi là một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.
8. Tài sản
Chúng ta mới cử hành ngày sinh của Hài Nhi Giêsu. Hôm nay, chúng ta mừng toàn thể gia đình của Ngài. Một gia đình mà Giáo Hội muốn đề cao như gương mẫu cho mọi gia đình chúng ta. Khi nhìn vào gia đình của Chúa Giêsu này và so sánh với các gia đình hôm nay, ta có thể tự nhủ: “Ôi khác biệt quá! Gia đình Chúa Giêsu dồi dào sức khỏe, còn các gia đình hôm nay bệnh hoạn, rất bệnh hoạn!”
Đúng vậy. Các gia đình hiện nay đang đối diện với vô số vấn đề: cha mẹ ly thân, ly dị, tái giá… Những gia đình chỉ có cha hay mẹ mà thôi… Uy tín của người cha hay người mẹ giảm sút kinh khủng… Aûnh hưởng bên ngoài của xã hội mạnh hơn ảnh hưởng từ chính bên trong gia đình. Giới trẻ hầu như không còn tin tưởng gì nữa… Những người trẻ rời gia đình rất sớm…
Bao nhiêu cha mẹ than vãn về tình trạng hiện nay! Bao nhiêu người cha người mẹ thất vọng vì những gì đã xảy đến trong chính gia đình của họ. Bao nhiêu cha mẹ không còn biết phải nghĩ sao nữa! Quá nhiều lần ta đã nghe nói: “Nếu có thể làm lại được, tôi sẽ không lập gia đình, tôi sẽ không có con, như thế tôi sẽ không phải làm việc cựu nhọc để nuôi nấng một gia đình. Thật quá vất vả, quá bạc bẽo, quá đau đớn! Phải đổ ra biết bao nhiêu là nước mắt!”
Phải làm gì khi tình trạng xấu đi? Khi tình trạng xấu đến thế? Bao giờ cũng thế, vẫn có hai con đường để chọn lựa: người ta có thể buông trôi hết hoặc cố gắng chấn chỉnh mọi sự; người ta có thể bỏ cuộc hoặc làm lại; người ta có thể chiều theo tính thờ ơ và vỡ mộng chán chường hoặc lăn xả vào việc tái thiết; người ta có thể để cho tình hình xuống cấp hơn nữa hoặc tự trang bị bằng lòng can đảm để làm cho tình hình biến chuyển khá hơn.
Hai con đường để lựa chọn, nhưng lẽ ra chúng ta không nên mất thì giờ để xét xem phải chọn con đường nào. Chỉ có một giải pháp có giá trị thôi: đó là quyết tâm chữa trị gia đình khỏi bệnh tật, dù khó khăn trắc trở vẫn không ngừng nỗ lực làm cho gia đình trở thành nơi chốn mà người ta học biết làm người có trách nhiệm; nơi mà người ta tập nhận ra sự tự lập và giá trị của kẻ khác; nơi mà người ta được rèn luyện để biết sống tập thể, biết kính trọng và yêu thương kẻ khác, biết giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ bản thân mình, cùng với những gì mình có và những gì mình sống.
Để đào tạo con người về tất cả những điều này, người ta chưa tìm ra được môi trường nào tốt hơn gia đình và người ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra được nơi nào tốt hơn. Gần đây, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Hôn nhân và gia đình là một trong những tài sản quí báu nhất của nhân loại” (Tông thư Familiaris consortio, số 1). Người ta không thể để cho tiêu tan một trong những tài sản quí báu nhất của nhân loại, người ta phải làm đủ cách để bảo vệ nó. Nếu nó ốm đau, người ta phải tìm mọi phương dược để chữa lành nó.
Từ miệng một linh mục, một người độc thân, những khẳng định này có thể làm cho một số người mỉm cười hay làm thất vọng một số người khác. Họ sẽ nói: “Nếu ngài biết! Nếu ngài đã từng trải qua cuộc sống gia đình, ngài sẽ nói khác”. Tuy nhiên, những lời mời gọi của linh mục là những lời mời gọi của Giáo Hội, là tiếng vọng lại từ chính những lời kêu gọi của Thiên Chúa. Theo kế hoạch của Ngài thì người nam và người nữ kết hợp với nhau, có con cái, mang trách nhiệm về gia đình mà họ cố gắng làm cho nên giống gia đình của thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
Để làm điều đó không phải là không đau đớn, không vất vả, không gặp khó khăn trầm trọng. Đoạn Tin mừng được loan báo hôm nay mang đầy ý nghĩa về điểm này. Mẹ Maria và thánh Giuse lo lắng đau khổ: “Con ơi tại sao con làm cho cha mẹ như vậy? Con xem, cha mẹ đã phải đau đớn tìm kiếm con…” Có biết bao nhiêu cha mẹ phải thốt lên những lời tương tự như thế.
Tuy nhiên Mẹ Maria và thánh Giuse không nản lòng. Biết rằng cuộc sống gia đình sẽ vất vả, các Ngài vẫn tiếp tục thương yêu và sống trước nhan Thiên Chúa bằng cách chu toàn tốt nhất những gì Chúa chờ đợi nơi các Ngài. Nơi điều này, các Ngài là gương mẫu của tất cả mọi cha mẹ trên thế giới. Và quá hiển nhiên, Chúa Giêsu con của các Ngài là gương mẫu cho tất cả các con cái trên thế giới.
9. Thánh Gia
Chỉ cách đây mấy ngày, chúng ta đã mừng sinh nhật của Đức Giêsu Kitô, hang đá vẽ cho chúng ta một cảnh gia đình đầm ấm của Thánh Gia với tượng Chúa Giêsu đặt ở giữa. Lễ Thánh Gia hôm nay giúp chúng ta đào sâu thêm một điểm nòng cốt khác của gia đình, để gia đình Kitô có thể thực sự là một tổ ấm, mà trong đó mọi phần tử trong gia đình luôn giúp nhau tìm kiếm và thực hành thánh ý Chúa.
Ước gì thánh lễ hôm nay giúp mọi thành phầm trong gia đình Kitô ý thức, đóng góp cho xã hội trong việc cố gắng sống trọn bí tích hôn nhân để chung tay xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc theo mẫu gương của Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Bởi lẽ gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới an vui phồn thịnh.
Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe và được nuôi dưỡng bởi Lời và bởi Mình Máu Thánh Chúa bằng cách nhìn nhận những lỗi lầm chúng ta đã vấp phạm trong những ngày qua, nhất là những lỗi lầm đối với cha mẹ, vợ chồng và anh chị em trong gia đình.
Trong những ngày lễ Giáng sinh linh thiêng vừa qua, thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta đã một lần đến quì trước máng cỏ để nhìn ngắm Chúa Giêsu Hài đồng, được tình yêu của Đức Maria và thánh Giuse âu yếm bảo bọc, nâng niu, cộng với khung cảnh tuy đơn sơ nghèo nàn nhưng an bình thư thái của những gia súc, chiên, bò, lừa quây quần bên máng cỏ, chúng ta dễ dàng để ý tưởng tượng vẽ ra hình ảnh gia đình đầm ấm, trên dưới thuận hòa, mọi người yêu thương đùm bọc, hy sinh nâng đỡ nhau.
Nhưng bài Phúc âm dành cho lễ Thánh Gia hôm nay có lẽ dẫn chúng ta ra khỏi bầu khí ấm cúng của tổ ấm gia đình để trở về với thực tế của những sinh hoạt hằng ngày, nơi cả trong gia đình cũng có thể xảy ra những mâu thuẫn, những vấn đề, những hiểu lầm, những ngày tháng dường như cha mẹ con cái lạc mất nhau.
Thực tế nhiều khi phũ phàng nhưng nó vẫn là sự thật. Sự thật của cuộc sống ngày hôm nay là gia đình dễ dàng gặp những cơn khủng hoảng, đời sống kinh tế của hầu hết các gia đình chúng ta ngày nay đều khó khăn, sinh hoạt trong xã hội ngày nay tăng vận tốc, bắt mọi người ai nấy phải sống hối hả, sống vội vàng. Và vì kế sinh nhai khó khăn vất vả, theo họ dầu muốn dầu không cũng thiếu thốn vật chất và tinh thần để giáo dục con cái cũng trở nên trong những việc xa xỉ phẩm. Cộng vào đấy là sự đánh mất những giá trị cổ truyền trong gia đình, thí dụ như lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự kính trên nhường dưới giữa anh chị em, tinh thần hy sinh, nhịn nhục… đã bị các trào lưu tân tiến và nhất là đã bị ý thức hệ phủ nhận, những nền tảng gia đình bị phá vỡ mà không đề ra những giá trị mới thay thế vào.
Trên bình diện của niềm tin, nền tảng của gia đình cũng bị lung lay tận gốc rễ, vì thiếu đất đai màu mỡ của một đức tin có chiều sâu, thiếu phân bón của buổi đọc kinh chung trong gia đình, thiếu cả nước với những cố gắng sống với thực tại và những bổn phận do các Bí tích Thanh tẩy, Thêm sức và nhất là bí tích Hôn phối đòi hỏi. Đó là một trong những khó khăn mà các gia đình Kitô giáo Việt Nam ngày nay đang chạm trán.
Lễ Thánh Gia thất hôm nay mời gọi mọi người, mời gọi bạn và tôi đặt câu vấn nạn: “Có phải gia đình chúng ta lạc mất Chúa Giêsu rồi không?”, đồng thời lễ Thánh Gia thất hôm nay cũng mời gọi mọi người, mời gọi bạn và tôi noi gương và nối gót Đức Maria và thánh Giuse lên đường tìm lại Chúa. Chúng ta phải ý thức rằng: đây không phải là một con đường bằng phẳng dễ đi, vì hai Ngài đã phải trải qua những giây phút hớt hả tìm kiếm, trải qua những đêm trằn trọc mất ngủ, trải qua những lo lắng bồn chồn để khi gặp lại Con phải nghe câu trả lời khó hiểu: “Tại sao cha mẹ lại tìm Con. Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con sao?”.
Đức Maria là người đã ghi nhớ những việc đó trong lòng, chắc hẳn đã phải dần dần tìm hiểu ý nghĩa câu trả lời của Đức Giêsu trong suốt khoảng thời gian ẩn dật của Chúa, để cuối cùng dưới chân thập giá mới hiểu nòng cốt của niềm tin Kitô, nòng cốt của người Kitô là tìm hiểu sống trọn thánh ý Thiên Chúa, và nòng cốt của gia đình Kitô là giúp nhau tìm hiểu và thực hành thánh ý của Ngài.
Đức Giêsu lên 12 tuổi đây là thời gian mà Người phải thực hiện những quy định của lề luật. Như vậy, Đức Maria và thánh Giuse đưa Người lên Giêrusalem, để cử hành lễ Vượt Qua. Các bậc cha mẹ có nhiệm vụ từng bước một đưa con trẻ hội nhập vào cộng đồng rộng lớn hơn, và dạy dỗ cho con trẻ những truyền thống của cộng đồng. Những đứa trẻ cũng cần phải được chỉ dạy con đường đi tới giếng nước thiêng liêng; nếu không, chúng sẽ luôn luôn bị khát nước. Nhưng khi Đức Maria và thánh Giuse thực hiện cuộc hành trình trở về, thì Đức Giêsu vẫn còn ở lại, và mãi cho đến hết ngày đầu tiên, các ngài mới phát hiện ra rằng Người bị thất lạc. Đó không phải là một chuyện đùa – một đứa trẻ còn nhỏ, đã bị thất lạc trong một thành phố rộng lớn. Tuy nhiên, không ai đáng trách cả. Đây chỉ là do hiểu lầm mà thôi. Sự hiểu lầm vẫn có thể xảy ra, ngay cả trong những gia đình tốt lành nhất.
Các ngài bắt đầu lo lắng tìm kiếm Người. Khi không tìm được Người trong số những khách hàng quen biết, các ngài liền quay trở lại thành phố để tiếp tục tìm kiếm Người. Các ngài không thể hiểu nổi tại sao Người lại gây ra cho mình nỗi lo lắng đến thế. Nhưng khi một đứa con gây ra cho bạn nỗi lo lắng, thì nó vẫn là con của bạn, và bạn vẫn là cha mẹ của nó. Thật dễ dàng yêu thương con cái khi chúng còn nhỏ dại, khi tất cả những điều mà chúng cần đến là sự quan tâm chăm sóc và những nụ cười. Nhưng không dễ dàng yêu thương con cái, khi chúng bắt đầu khẳng định ý riêng của chúng.
Khi một đứa trẻ hay quanh quẩn bên cha mẹ nó, thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều có có nghĩa là đứa trẻ này được an toàn. Có khi một đứa trẻ tin tưởng chắc chắn vào tình yêu thương của cha mẹ, nó có thể quên mất cha mẹ, và đi ra ngoài để khám phá thế giới. Đây là trường hợp của Đức Giêsu. Người không thực sự bị thất lạc, mà đang có một cuộc mạo hiểm. Người đang nhận biết mình ở đâu. Người đang ở trong nhà của Thiên Chúa.
Cuối cùng, khi tìm thấy Đức Giêsu, câu hỏi đầu tiên của Đức Maria và thánh Giuse rất dễ hiểu: “Con ơi, sao con lại cư xử với cha mẹ như vậy?”. Và Người trả lời “Cha mẹ không biết rằng con có bổn phận phải ở nhà của Cha con sao?”. Mặc dù không hiểu được lời giải thích của Đức Giêsu, nhưng các ngài vẫn không trách mắng Người. Khi làm như vậy, các ngài có thể tước đoạt của Ngài những thành quả của những cảm nghiệm tuyệt vời. Đôi khi, các bậc cha mẹ không biết được cách làm thế nào để khích lệ con cái, ngay cả khi họ chú ý đến những điều đáng giá. Nhưng Đức Maria ghi nhớ những lời nói của Đức Giêsu, và suy niệm trong lòng. Lắng nghe là một phần rất quan trọng của vai trò làm cha mẹ. Chúng ta phải lắng nghe những lời con cái nói. Trái ngược lại với cách tìm kiếm những nguyên nhân để kết án, lắng nghe có nghĩa là tìm kiếm những lý do thực sự, phía sau những vấn đề. Mặc dù sự kiện xảy ra là một điều gây đau lòng, thì sự kiện đó vẫn có thể mang lại hiệu quả là đưa người ta đến với nhau hơn. Đức Giêsu đánh giá được sự quan tâm mà Đức Maria và thánh Giuse dành cho mình nhiều đến như thế nào, nên Người đã vui vẻ vâng phục các ngài. Đức Maria và thánh Giuse đã nhận ra rằng Đức Giêsu là một đứa trẻ thật đặc biệt. Các ngài bắt đầu dành cho Người cơ hội để phát triển, mặc dù điều này có nghĩa là Người đang bắt đầu xa rời khỏi các ngài.
Bài học mà Đức Maria và thánh Giuse học được, chính là bài học mà tất cả các bậc cha mẹ cần phải bắt chước. Mỗi ngày qua đi, con cái chúng ta dần dần bớt thuộc về chúng ta, và trở nên con người của chúng nhiều hơn. Ngày sinh con cái trên đời chính là ngày mà cha mẹ bắt đầu đi vào cuộc chia tay lớn lao với chúng. Khi đã mang sự sống đến cho con cái, các bậc cha mẹ không được lấy lại cuộc sống đó. Nếu họ muốn có quyền sở hữu đối với con cái, thì họ sẽ không bao giờ biết được tình yêu thực sự của con cái họ.
Khi chúng ta nói rằng đứa trẻ nào là một đứa con “ngoan”, hiếm khi chúng ta có ý muốn nói rằng đứa trẻ đó nhạy cảm về mặt luân lý hoặc một cách phong phú. Nhưng chúng ta có ý muốn nói rằng đứa trẻ đó dễ bảo và biết vâng lời. Nhưng sự vâng lời không phải là một đức tính cao đẹp nhất.
Đức Giêsu không bị thất lạc tại Đền thờ. Nói đúng hơn, Người bắt đầu tìm thấy chính mình tại nơi đó, và phát hiện được căn tính đích thực của mình với tư cách là Con Thiên Chúa. Về phương diện này, gia đình Kitô hữu có thể giúp chúng ta rất nhiều.
11. Suy niệm
Cuối bài Tin Mừng hôm nay, có một câu nói rất gây ấn tượng. Đó là “Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. Và sau cuộc thăm viếng của các mục đồng tại máng cỏ, chúng ta nhận thấy cũng có một câu tương tự như vậy. Thánh Luca nói rằng “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đức Maria ghi nhớ những sự kiện này trong tâm hồn của Mẹ, với quan niệm là để nhận thức được ý nghĩa ẩn giấu phía sau những sự kiện tuyệt vời đó.
Rõ ràng Đức Maria đã không ngay tức khắc thấu hiểu được ý nghĩa của những gì xảy ra với mình, và điều mà Thiên Chúa đang đòi hỏi nơi mình. Nhưng những sự kiện luôn luôn diễn ra theo cách thế đó. Những kinh nghiệm sâu xa lúc nào cũng bắt đầu bằng sự phức tạp. Vào một lúc nào đó, chúng ta không bao giờ nhận biết được điều gì đang xảy ra cho chúng ta. Chỉ sau đó, có lẽ rất lâu, đôi mắt của chúng ta mới mở ra, và chúng ta bắt đầu hiểu được. Do đó, điều qaun trọng là phải biết suy niệm.
Hơn một lần, chúng ta đọc được trong các bài đọc. Tin Mừng kể rằng Đức Maria đã từng bối rối. Lúc đó, Mẹ làm gì? Mẹ ngẫm nghĩ, suy niệm và cầu nguyện, tìm cách hiểu được điều gì đang xảy ra cho bản thân Mẹ và cho con Mẹ. Cách ngẫm nghĩ này không tránh khỏi sự bất an và lo lắng.
Đức Maria là một con người âm thầm, hay suy nghĩ. Trong suốt cuộc đời của mình, Mẹ luôn suy nghĩ và cầu nguyện về cách thức Thiên Chúa đối xử với mình. Khi không hiểu được điều gì, thì Mẹ ngẫm nghĩ trong tâm hồn, cho đến khi thấu hiểu được mục đích của Thiên Chúa qua những sự kiện đó. Bằng cách này, Mẹ đã đạt được sự thấu hiểu và khôn ngoan.
Emerson nói: “Cuộc sống ở phía sau chúng ta, giống như một cái mộ đá, mà từ đó, chúng ta khai thác đá và gạch ngói, dành cho người thợ nề ngày nay”. Chỉ bằng cách suy niệm, chúng ta mới thấu hiểu được những sự kiện diễn ra. Chúng ta có thể có được những sự kiện, nhưng thiếu mất ý nghĩa của những sự kiện đó, bởi vì chúng ta không biết suy nghĩ về chúng. Nhưng bằng cách suy niệm, thì chúng ta có thể rút ra được những hiểu biết quí giá từ các sự kiện đó.
Khi muốn nhớ lại những sự kiện thú vị, đó là một điều thật dễ dàng. Nhưng không hề dễ dàng chút nào, khi nhớ đến những sự kiện đau lòng. Chúng ta có khuynh hướng hay đè nén những ký ức đau thương. Ngay cả khi làm như vậy, chúng vẫn có thể ảnh hưởng trên chúng ta. Chúng ta có thể nhỏ một giọt chất độc vào tâm hồn chúng ta. Chúng ta cũng cần phải nhớ lại những sự kiện đau lòng nhưng cách thức chúng ta nhớ lại những sự kiện đó mới là vấn đề. Chúng ta có thể cung cấp những chất liệu sống để rồi từ đó, chúng ta hiểu biết được lòng thương xót và sự khôn ngoan. Sự kiện Đức Giêsu bị thất lạc ở Giêrusalem là một sự kiện đau lòng đối với Đức Maria. Tuy nhiên, Mẹ ghi nhớ sự kiện đó trong tâm hồn, và bằng cách làm như vậy, Mẹ đã học hỏi được từ sự kiện đó.
Thật đáng buồn, có những người dường như không hề học hỏi được gì từ các sự kiện xảy ra. Nhưng đối với những người khác, thì sự kiện là một trường học đích thực. Không ai có thể trở thành con người khôn ngoan, nếu chỉ trong một ngày, hoặc thậm chí trong một năm. Khôn ngoan là thành quả của sự suy nghĩ lâu dài.
Các bậc cha mẹ cần có rất nhiều sự khôn ngoan. Những điều mà Đức Maria học hỏi được từ việc cầu nguyện và suy nghĩ, Mẹ đã chuyển sang cho con Mẹ, Đấng học hỏi được từ việc cầu nguyện và suy nghĩ, Mẹ đã chuyển sang cho con Mẹ, Đấng mà thánh Luca kể cho chúng ta rằng “ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”. Đức Giêsu đã được dạy dỗ, nuôi dưỡng và đào tạo do một người phụ nữ khôn ngoan, kính yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim và linh hồn.
Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế nói: chỗ này không phải chỗ con ta ở. Rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế lại nói: chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.
Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở đây”.
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế”. Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao!”. Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.
Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?
- Thánh gia thất là mẫu gương giáo dục tuyệt vời cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng tu viện.
- Thánh gia thất là trường huấn luyện cho Chúa Giêsu, chuẩn bị ngày lãnh nhận sứ mạng Chúa Cha giao phó.
- Thánh gia thất là chuẩn mực chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình.
Giuse đích thực là một người cha: Sáng ngời trong đức tin mạnh mẽû, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nagiarét.
Maria chính là người mẹ: Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.
Chúa Giêsu là người con thảo hiếu: “Hằng vâng phục cha mẹ” Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc “bổn phận ở nhà Cha”.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có thuận hòa, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh gia chính là lễ của mọi gia đình. Noi gương Thánh gia thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.
Con Thiên Chúa chỉ ra giảng đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nagiarét suốt ba mươi năm. Nagiarét là trường dạy cầu nguyện, dạy lao động, dạy yêu thương. Nagiarét là một vùng quê hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm Nagiarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng lại rất khác thường.
• Một mái ấm luôn chan hòa bầu khí yêu thương và đạo hạnh.
• Một mái ấm luôn ngập tràn tiếng cười vui vì hạnh phúc.
• Một mái ấm mà các thành viên luôn để ý quan tâm cho nhau.
• Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.
Mái ấm Nagiarét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa Giuse và Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều mời được Chúa đến ở trong gia đình thì chính Người sẽ là dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.
Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng hãy thương yêu vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Vì đó là đẹp lòng Chúa”.
13. Hy sinh
Có câu nói “Một người mẹ có thể chăm sóc cho 10 đứa con. Nhưng 10 đứa con không chăm sóc nổi một người mẹ”. Chúng ta hãy suy nghĩ xem câu nói này đúng không.
Một con chim mẹ có một con chim con. Chim mẹ thương yêu chim con vô cùng. Mùa đông đến, các loài chim phải rời xứ lạnh để bay đến những xứ ấm áp hơn. Chim mẹ biết chim con còn yếu không bay xa nổi nên cõng con trên lưng. Ban đầu chim mẹ còn khỏe nên bay khá nhanh. Nhưng sau một đoạn đường dài, chim mẹ mệt và cảm thấy đứa con trên lưng mình ngày càng nặng, nhưng vẫn cố bay. Tuy nhiên một ngày kia chim mẹ đuối sức nên đành phải đáp xuống nghỉ. Trong lúc nghỉ ngơi, chim mẹ hỏi chim con: “Con ơi, hãy nói thật cho mẹ nghe nhé. Sau này khi mẹ đã già, không còn sức bay về phía nam ngang qua những đại dương bao la thì con có cõng mẹ trên lưng như mẹ đang làm cho con bây giờ không?” Chim con trả lời: “Con e rằng không mẹ ạ!”. Chim mẹ ngạc nhiên hỏi tiếp: “Sao vậy?”. Chim con lại đáp: “Vì khi đó, con phải cõng con của con”.
Câu trả lời của chim con gợi cho ta thấy hai điều:
a/ Một sự thật phũ phàng: cha mẹ nào cũng hết lòng thương con và hy sinh tất cả vì con. Nhưng con cái thì đáp lại không được bao nhiêu. Ca dao Việt Nam có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
b/ Một qui luật tự nhiên: Cũng có câu “Nước luôn chảy xuống”. Cũng như dòng nước luôn chảy xuống thấp chứ không chảy lên cao. Chảy xuống là chảy xuôi, còn chảy lên là chảy ngược. Cha mẹ yêu thương con cái và hết lòng chăm sóc con cái là qui luật tự nhiên.
Trước hai điều hiển nhiên trên, chúng ta phải làm sao? Một mặt, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được để đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ; và mặt khác chúng ta hãy hết lòng chăm sóc con cái chúng ta. Hết lòng chăm sóc con cái mình cũng là một cách để đền đáp công ơn cha mẹ trước đây đã hết lòng chăm sóc mình vậy.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024