Các bài suy niệm Lễ Hiển Linh

Các bài suy niệm Lễ Hiển Linh

 

Các bài suy niệm LỄ HIỂN LINH - Năm C
Lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

MỤC LỤC
1. Lễ Hiển Linh
2. Hành trình đức tin
3. Tìm gặp Chúa
4. Ánh sao đạo đức
5. Bước theo ngôi sao

 

1. Lễ Hiển Linh

Phân tích

Đoạn này được viết theo văn thể Midrash, tức là vận dụng nhiều chi tiết (kể cả những chi tiết hoang đường) để giúp người đọc (nhất là độc giả bình dân) hiểu được ý nghĩa sâu sắc của một đoạn hay một câu Sách Thánh.

Thánh Matthêu đã dùng hình ảnh ngôi sao lạ mọc lên phía trời Tây (phía Tây của miền Lưỡng Hà Địa ngoại giáo), và cuộc hành trình tìm kiếm của các đạo sĩ phương Đông, để trình bày Chúa Giêsu chính là ngôi sao cứu tinh của nhân loại, theo lời tiên báo của Balaam trong sách Dân Số: “Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ nhà Israel” (Ds 24,17)

Suy gẫm

1. Mặc dù thánh Matthêu viết Tin Mừng cho độc giả do thái, nhưng ngay từ đầu tác phẩm, ngài đã trình bày Chúa Giêsu là Đấng Cứu tinh cho muôn dân, Ngài đã tỏ mình ra cho lương dân.

2. Các đạo sĩ đại diện cho những người thành tâm thiện chí: họ đang theo một tín ngưỡng khác, họ mê tín (đạo sĩ), nhưng họ vẫn luôn kiếm tìm (nhìn ngắm sao trời), khi thấy dấu lạ, họ đã kiên trì đi theo, họ dọ hỏi, cuối cùng họ đã gặp được Chúa Giêsu và họ dâng cho Ngài những thứ quý giá nhất.

3. Một chủ đề khác cũng được Mt ngầm trình bày trong đoạn này là: ngay từ khi Chúa Giêsu mới sinh ra, Ngài đã bị dân mình từ chối: “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”. Chữ “xôn xao” có ngữ căn là chữ “seismos”, một chữ được Thánh Kinh dùng cho những thế lực chống đối Chúa Giêsu.

4. Hành trình tìm kiếm Chúa của lương dân gặp nhiều khó khăn, ngăn trở và kể cả hiểm nguy (đường xa, đất lạ, bị Hêrôđê gạt gẫm, sinh mạng bị đe dọa). Nhưng họ được trợ lực và hướng dẫn bởi một ngôi sao. Thánh Phaolô, vị tông đồ truyền giáo, đã hiểu ngôi sao ấy là cuộc sống tốt đẹp của Kitô hữu “Giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philipphê 2,15)

5. Huyền thoại về cây nến nhỏ: Một buổi tối, một người cầm cây nến nhỏ leo lên một chiếc cầu thang.
- Chúng ta đi đâu thế? Cây nến nhỏ hỏi.
- Ta lên sân thượng để soi đường cho thuyền bè vào bến.
- Nhưng tôi quá nhỏ bé, thuyền bè nào mà thấy được ánh sáng của tôi?
- Chỉ cần ngươi cố gắng chiếu sáng. Mọi việc khác để ta liệu.

Khi họ đã leo lên sân thượng thì thấy ở đó có sẵn một chiếc đèn lồng lớn. Người ấy cầm ngọn nến châm vào ngọn đèn. Một luồng sáng lớn bùng lên, tỏa rộng chung quanh, ánh sáng lan đến tận biển khơi.

Chúng ta là những cây nến nhỏ trong tay Chúa. Sứ mạng của ta chỉ là chiếu sáng. Còn kết quả thế nào là hoàn toàn tùy Ngài. (Purnell Bailey).

6. “Trông thấy ngôi sao, các nhà chiêm tinh mừng rỡ vô cùng” (Mt 2,10)
Đêm trước lễ Noel, một cô bé nghèo muốn dành hết số tiền ít ỏi của mình để mua cho chị một chuỗi ngọc lam quý giá. Số tiền quá ít, không đủ, nhưng tình yêu của cô bé thật tuyệt vời! Nó như một ánh sao làm bừng lên niềm tin yêu cuộc sống cho anh bán hàng đang tuyệt vọng khổ đau.

Noel năm nay, tôi ước ao rằng mãi về sau, trên máng cỏ đời mình vẫn luôn có một ngôi sao lấp lánh.

Chúa Hài đồng ơi. Xin lớn lên trong lòng con, để cả cuộc đời con ngời lên như ánh sao của Chúa. (Epphata)

2. Hành trình đức tin

Khao khát niềm tin

Thời Chúa Giêsu giáng sinh, trong khi mọi người xa gần đều lãnh đạm, mải miết với công việc của mình thì chỉ có các đạo sĩ có lòng khao khát và chờ đợi Đấng Cứu thế. Họ nghe ngóng dư luận, tra cứu sách vở, đợi chờ tín hiệu. Và qua ánh sao lạ họ đã thực sự bắt được tín hiệu. Lòng khao khát của họ đã được đáp ứng.

Thái độ của các đạo sĩ trái ngược hẳn với thái độ của Hêrôđê. Ông này mải mê theo đuổi giàu sang và quyền lực. Đấng Cứu thế sinh ra cách Giêrusalem không xa, nhưng ông chẳng hay biết gì. Trong Sách thánh có lời sấm về Đâng Cứu thế, nhưng ông không đọc. Đến khi sự việc xảy ra thì ông mới vội triệu tập các giáo trưởng và luật sĩ để dò hỏi.

Bài học đầu tiên có thể rút ra là: Không khao khát thì không bao giờ được đáp ứng, không tìm thì không bao giờ thấy.

Lên đường thực hiện cuộc tìm kiếm

Nguyên khao khát chưa đủ. Khao khát mà ngồi yên để chờ thì không phải là khao khát thật. Các đạo sĩ không ngồi chờ thụ động. Thấy ánh sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Đối với họ lên đường không phải là đơn giản. Dấn thân vào xứ lạ, đi nhưng chưa biết chắc địa chỉ mình đến, mà đã lên đường tìm kiếm thì phải ngưng công ăn việc làm, bỏ dở nhiều dự định. Ngoài ra hành trình vượt sa mạc mênh mông, khô cằn là một thử thách không nhỏ.

Trái lại các giáo trưởng và các luật sĩ biết rất rõ lời sấm, biết cả địa điểm Đấng Cứu tinh sẽ sinh ra, ở gần kề nhưng đâu có lên đường.

Sự tương phản giữa hai thái độ trên cho thấy đức tin không phải là một ước mơ lãng mạn, một nhận thức suông. Trái lại tin là hành động, là thực hiện.

Không bỏ cuộc khi gặp thử thách

Trong suốt hành trình các đạo sĩ đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn. Nhưng thử thách lớn nhất đối với họ xảy ra khi ngôi sao dẫn đường biến mất. Dầu vậy họ đã không nản lòng, cứ tiếp tục lên đường và lòng kiên trì đã đưa họ tới đích.

Như vậy con đường đức tin đòi hỏi sự trung kiên. Ai bỏ cuộc thì không thế gặp Chúa. Ai đi tới cùng mới gặp được Ngài.

Nhận ra Thiên Chúa quan tấm màn che lấp Ngài

Khi tới bên máng cỏ các đạo sĩ chỉ thấy một trẻ sơ sinh. Họ đi tìm một Thiên Chúa vinh quang nhưng chỉ gặp một hài nhi nghèo hèn. Nhưng được Thánh Thần soi sáng họ đã nhận ra đó chính là Con Thiên Chúa. Họ quỳ xuống, thờ lạy và dâng lễ vật.

Đây chính là thực chất của đức tin. Tin không phải là nhìn thấy bằng con mắt thế xác, nhưng bằng đôi mắt tâm hồn. Đôi mắt của người tin cũng giống như đôi mắt của nghệ sĩ. Người nghệ sĩ nhìn thấy cái đẹp, giá trị thẩm mỹ của những sự vật, ở những nơi mà đôi mắt thường không thấy.

Để cho cuộc đời biến đổi

Sau khi ở Bêlem về các đạo sĩ đã sống một cuộc đời mới. Đời họ đã chuyển sang một hướng khác. Cuộc gặp gỡ với Hài nhi ở Bêlem đã đánh dấu một khúc quặt vừa bất ngờ vừa triệt để

Điều này không khó hiểu, bởi vì ai đã gặp Thiên Chúa thật, dầu chỉ một lần, thì không thế sống như trước nữa. Thiên Chúa sẽ chỉ cho một hướng đại khác, một chân trời khác. Vì ơn Chúa thôi thúc, tự nhiên mình cảm thấy nhu cầu phải đổi mới cách sống, bắt đầu một giai đoạn mới.

Nếu không có cuộc đổi đời kèm theo cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa thì tin chỉ là một thái độ tài tử, một chuyện huyền hoặc, chứ không phải là một niềm xác tín đưa tới phó thác và dấn thân.

Những thái độ nói trên không thế thiếu nơi người có đức tin và sống đức tin. Chúng xác nhận niềm tin của người tín hữu. Chúng là những tạiêu chuẩn chính xác giúp mỗi người kiểm tra lại và đánh giá đức tin của mình.

3. Tìm gặp Chúa

Với lễ Giáng sinh, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta để chúng ta có thể gặp gỡ Ngài. Gặp gỡ Ngài không phải chỉ ở trong đền thờ nguy nga, mà còn gặp gỡ Ngài nơi những con người bình thường. Ngài đó, một Hài nhi bé nhỏ, nằm trong máng cỏ ngoài đồng vắng Bêlem. Đồng thời, không phải chỉ có một hạng người nào đó mới có quyền được gặp gỡ Ngài, mà ngay cả những kẻ tầm thường như những trẻ mục đồng cũng có thể gặp gỡ Ngài.

Để niềm vui của Chúa Giêsu được trọn vẹn, lễ Hiển Linh hôm nay đã gợi lên cho chúng ta một xác tín mới: Thiên Chúa không phải chỉ đến với dân Do Thái, mà còn đến với cả những người từ phương Đông, nghĩa là những người không thuộc về dân riêng của Chúa, những người vẫn bị liệt vào hàng dân ngoại.

Xác tín này đã được thánh Phaolô diễn tả một cách rõ ràng trong bức thư gởi tín hữu Ephêsô: Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, cùng một thân thể và cùng thông phần với lời hứa của Ngài trong Đức Giêsu Kitô.

Với lễ Hiển Linh, Thiên Chúa đã đến với tất cả mọi người, Ngài phá đổ những hàng rào tạo nên sự kỳ thị: Kỳ thị tôn giáo, kỳ thị giai cấp, kỳ thị màu da, kỳ thị tiếng nói. Thực sự thì đó chỉ là những hàng rào do chính con người dựng lên để bảo vệ những quyền lợi cho riêng mình.

Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của tất cả, và điều Ngài ước mơ vẫn là tập hợp muôn dân nước dưới ánh sáng của Ngài. Ngài đã đến với chúng ta, nhưng điều quan trọng đó là chúng ta có tiến tới để gặp gỡ Ngài hay không? Bàn tay Ngài đã giơ ra, nhưng điều quan trọng đó là chúng ta có nắm lấy để được cứu vớt hay không, bởi vì như lời thánh Augustinô đã nói:

Khi tạo dựng nên chúng ta Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta Ngài đòi chúng ta phải ưng thuận và cộng tác với Ngài.

Sự thực đã cho chúng ta thấy: Ánh sáng đã chiếu trong u tối, nhưng u tối lại không tiếp nhận ánh sáng. Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng những người thân thuộc đã không tiếp nhận Ngài.

Thực vậy, Ngài đã đến nhưng không phải tất cả mọi người đều tới gặp gỡ Ngài. Một Hêrôđê cũng đã ngỏ ý muốn đến triều bái Ngài nhưng với một âm mưu thâm độc, ông muốn giết hại Ngài để được ngồi mãi mãi trên chiếc ngai vàng của ông. Các luật sĩ và tư tế thì lại thoả mãn với những hiểu biết của mình, để rồi chẳng biết lên đường tìm gặp Ngài? Còn dân thành Giêrusalem thì lại ngại đổi thay và chuyển biến.

Để đến với Chúa, chúng ta cần phải lên đường như ba nhà đạo sĩ phương Đông, không phải trong tối tăm mò mẫm, bởi vì chúng ta luôn có ánh sao lạ, đó là Tin Mừng, thập giá và sự phục sinh của Ngài soi đường dẫn lối.

Lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh chính là một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến với con người và con người nhận biết Ngài nơi hài nhi Giêsu.Như các nhà đạo sĩ phương Đông, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi lên đường đến với hài nhi Giêsu. Lên đường ở đây có nghĩa là từ bỏ những bảo đảm để tiến tới phía trước. Ngài đến trong những cái bất ngờ của những sự kiện diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên chúng ta có sẵn sàng lên đường, đi theo ánh sao là Tin Mừng của Chúa hay không?

4. Ánh sao đạo đức

Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.

Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.

Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.

Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.

Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.

Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.

5. Bước theo ngôi sao

Tháng 12 năm 1968, ba nhà du hành vũ trụ đã xếp đặt chương trình cho chuyến bay đầu tiên vòng quanh mặt trăng. Cả thế giới chờ đợi. Vài tuần lễ trước khi chuyến bay được thực hiện. Hiệp hội các nhà thiên văn Anh đã đưa ra những lời tiên đoán ảm đạm. Họ tiên báo là chuyến bay sẽ thất bại. Tại sao? Vì hành tinh Jupiter và Uranus đang tiến gần nhau, gây ra thay đổi cá tính nơi các phi hành gia. Như tất cả chúng ta đã biết: chuyến bay Apollo 8 thành công. Các nhà bói theo ngôi sao đã lầm.

Bảng liệt kê những sai lầm của những người tự nhận là có thể nói trước về tương lai thì thật là vô cùng. Tuy nhiên, có trên 10 triệu người Mỹ nghĩ là tương lai của họ được ghi trên những ngôi sao. Vô vàn nhật báo và tạp chí đăng lá số tử vi nói về những điều lành và điều dữ sẽ xảy ra cho người ta vào một ngày nào đó.

Đây là vài dữ kiện về điều vô nghĩa và tai hại này:

1. Không có bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của các ngôi sao đối với đời sống chúng ta.

2. Những lời báo trước ở tạo chí rất phổ quát, có thể áp dụng cho bất cứ người nào.

Mỗi ngày, mỗi người đếu có kinh nghiệm về một vài điều tốt, điều xấu, thành công, thất bại, một vài thắng lợi, một vài mất mát.

3. Có một số người tài xế phí tiền bạc vào cái ngón bịp bợm này. Năm 1974, người ta xài phí cả 100 triệu dôla vào chuyện vô nghĩa lý này.

4. Nếu có điều gì đó, thì tại sao những người đọc được ngôi sao này không vào chợ mà làm một chuyến lãi vớ bở ? Tại sao họ không đi đua ngựa mà làm giàu cho mau?

5. Một số lớn người học phất phơ về những ngôi sao chỉ để làm trò cười, nhưng nếu người ta chăm chú vào đó là họ phá vỡ lề luật đầu tiên của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ không có thần nào trứơc mặt Ta”. Khi chúng ta dành cho tạo vật - như một ngôi sao - quyền năng chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa là chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa.

Nhưng các đạo sĩ đã đi theo ngôi sao có phải không? Thưa phải. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã dùng ánh sáng khác thường. Lạ lùng, hay một ngôi sao để dẫn đưa các đạo sĩ tới máng cỏ Con Ngài. Hơn nữa, họ đã theo lời tiên tri của các sứ giả Thiên Chúa. Những lời này chắc chắn và xác thực.

Trong ngày lễ Hiển Linh, chúng ta thường gợi nhắc rằng: tất cả chúng ta theo ngôi sao đã dẫn Ba Vua đế thờ kính Chúa Hài đồng. Hôm nay tôi để nghị là chúng ta theo một ngôi sao trên trời, và ngôi sao đó sẽ dẫn chúng ta đến máng cỏ Chúa Hài Đồng. Ban đêm đầy sao trên trời. Bạn hãy nhìn lên và chọn lấy một ngôi sao, bất cứ ngôi sao nào, dù nó nhỏ bé. Nếu nó đang lấp lánh thì càng tốt.

Ai đã trưng bày những viên kim cương nhỏ bé lên những tấm nhung xanh tuyệt vời đó ? Một thượng trí quyền năng phải không ? Bạn hãy gọi Đấng này hay quyền năng này như bạn muốn. Còn chúng tôi, chúng tôi gọi Ngài là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tạo dựng hàng tỷ kim cương lấp lánh. Thiên Chúa tạo dựng ngôi sao chúng ta đang nhìn thấy Thiên Chúa gởi con của Ngài đến cứu độ chúng ta. Ngôi sao đó, hay bất cứ ngôi sao nào, có thể dẫn chúng ta đi tìm con của Ngài. Ước gì ngôi sao ấy, hay bất cứ một ngôi sao nào, dẫn chúng ta tới bàn thờ này, dẫn chúng ta lên rước lễ, dẫn chúng ta mang của lễ của việc phục vụ và tình yêu chúng ta dành cho Đấng Cứu Thế nhỏ bé sinh ra ở đây trong mỗi Thánh lễ.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top