Bài giảng lễ Truyền Dầu 2011 của ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên

Bài giảng lễ Truyền Dầu 2011 của ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên

Linh mục, con người mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ
Bài giảng lễ Truyền Dầu 2011 của Đức Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên, giáo phận Cần Thơ
Sóc Trăng, 19-4-2011

 

Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh

và anh chị em giáo dân thân mến,

1. Thánh lễ Truyền Dầu thường được truyền thống phụng vụ nối kết với Thánh Lễ Tiệc Ly để làm nổi bật hình ảnh Giáo Hội là một Dân Tư Tế, Dân Thánh của Thiên Chúa, Dân được thánh hóa bởi các bí tích, và được sai đi khắp thế gian để “làm cho sự nhận biết Đức Kitô, như hương thơm, lan tỏa khắp nơi” (2 Cr 2,14).

Sự hiện diện đông đảo của đủ mọi thành phần Dân Chúa trong thánh lễ Truyền Dầu hôm nay quả thực là một hình ảnh rất đẹp và thật sống động của một Giáo Hội mầu nhiệm, sứ vụ và hiệp thông, hiệp thông với chính Thiên Chúa Ba Ngôi, với các thánh trên Thiên đàng, với các linh hồn trong Luyện ngục và giữa các thành phần Dân Chúa với nhau. Chính trong mối dây hiệp thông đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, giáo phận chúng ta đã có định hướng mục vụ với “Chương trình ba năm Thăng Tiến Dân Chúa”. Năm nay chúng ta dành cho việc thăng tiến các linh mục. Nhờ việc thăng tiến này “Ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là những người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh …”

2. Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại lời công bố của Đức Giêsu trong hội đường Nagiarét vào ngày Ngài khởi đầu đời rao giảng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh mà tai của quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Qua đó Đức Giêsu cũng xác nhận mình chính là Đấng Messia mà tiên tri Isaia đã tiên báo: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong và sai đi loan báo Tin mừng” (Is 61,1). Trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu luôn ý thức mình được chính Chúa Cha sai đến và luôn nhắc đi nhắc lại sứ mệnh cao quí và đặc biệt này. Điều làm Đức Giêsu tự hào là Ngài đã luôn tận tâm và tận lực sống và thực hiện chu đáo mọi công việc Chúa Cha trao phó. Trong suốt cuộc đời trần thế, không bao giờ Đức Giêsu tự “dùng quyền lực của chính mình”, để làm gì cho mình hay tìm vinh quang cho riêng mình. Ngài đã từng tuyên bố: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đức vâng phục không chỉ bùng sáng chốc lát, nhưng luôn tỏa sáng trong cuộc sống tại thế của Đức Giêsu, vì Ngài luôn đặt mình dưới quyền sai khiến của Chúa Cha, trong sự lệ thuộc trọn vẹn và tuyệt đối vào Chúa Cha. Đó không phải là sự vâng phục từng hồi, từng lúc, nhưng trọn vẹn trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong những lúc đau thương và khốn khổ nhất (x. Lc 22,42). Chính trong sự vâng phục này, Đức Giêsu đã tìm thấy sức mạnh, niềm vui và sự tự do để hoàn thành sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Trời cao.

3. Khi được Thánh Thần xức dầu thánh hiến và biến đổi, linh mục đã trở nên “sự hiện diện sống động và trong suốt của Đức Kitô, vị Mục tử duy nhất và tối cao” (xem PDV 48). Vì thế noi theo lối sống vâng phục Thánh ý của Đức Giêsu phải là niềm thao thức của mọi linh mục. Dù trong cương vị nào, với công việc gì, ở tại địa sở nào, chúng ta luôn ý thức mình phải cố gắng để mỗi ngày trở nên giống Thầy chí thánh của mình, Đấng đã “vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2, 8).

Như vậy sống và làm theo thánh ý Chúa là biết từ bỏ ý riêng, không làm theo ý riêng, không để cho ý riêng lấn át ý Chúa. Khi sống và làm theo thánh ý Chúa, chúng ta sẽ trở thành những người quản lý các mầu nhiệm thánh (x. 1Cr 4,1-2) cách khôn ngoan và trung tín; đó cũng là phương cách hữu hiệu nhất để tâm hồn được bình an và đưa dẫn chúng ta tới nguồn hạnh phúc thật. Khi sống và làm theo thánh ý Chúa, chúng ta sẽ luôn có Chúa là sức mạnh và là chỗ dựa vững chắc nhất giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ. Ngoài ra, khi ý thức mình chỉ là một thứ “bình sành dễ vỡ” (2 Cr 4,7), linh mục sẽ khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình, luôn quan tâm lắng nghe tiếng Chúa, qua Lời Ngài, qua Giáo hội của Ngài, qua các biến cố buồn vui thành bại trong đời phục vụ và qua cả những góp ý xây dựng chân thành của các anh em linh mục, của bà con giáo dân... Nhờ siêng năng xét mình và thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải, linh mục liên tục “làm mới lại hồng ân thánh chức” (x. 1Tm 1,6), giúp cho mình ngày càng nên giống Đức Giêsu hơn trong mầu nhiệm thập giá, quyết tâm sống hy sinh, phục vụ đến quên mình, sẵn sàng hiến mạng vì đoàn chiên (x. PDV 48), như lời nhắn nhủ của giám mục trong nghi thức phong chức linh mục: “hãy uốn mình cho phù hợp với mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô”. Vì thế ĐGH Gioan Phaolô II đã gọi “linh mục chính là mầu nhiệm”.

4. Linh mục còn là con người hiệp thông vì linh mục phải sống hiệp thông với Đức Giêsu mục tử trong mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể phải chiếm một chỗ trung tâm trong đời sống thiêng liêng cũng như trong mọi họat động thừa tác của linh mục. Thư mục vụ của HĐGM Việt Nam năm 2004 có ngỏ lời với các linh mục rằng: “anh em phải nên chứng tá đặc biệt về đức tin, lòng sùng kính và yêu mến đối với Mầu nhiệm cực trọng này. Điều đó phải biểu lộ rõ nét khi anh em cử hành Thánh lễ, cầu nguyện trước Thánh Thể và đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân” (số 11).

Linh mục không chỉ hiệp thông với Đức Giêsu trong mầu nhiệm Thánh Thể mà còn hiệp thông với Giáo Hội của Đức Giêsu nữa. Trong lễ Truyền Dầu hôm nay, các linh mục chúng tôi cùng lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận thánh chức. Giáo phận chúng ta cũng vừa thành lập Hội Đồng Linh Mục. Đây là một tổ chức gồm những linh mục đại diện cho linh mục đoàn, cộng tác với Giám mục như những trợ tá và cố vấn cần thiết, để giúp ngài điều hành giáo phận, trong tình hiệp thông phẩm trật. Do đó Hội Đồng Linh Mục luôn đồng trách nhiệm với Giám mục giáo phận trong việc tìm và thực thi ý Chúa theo mô hình của Công đồng Giêrusalem “Thánh Thần và chúng tôi quyết định …” (Cv 15,28).

5. Khi sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, sống kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, gắn bó với Giáo Hội và với mọi Kitô hữu, linh mục sẽ có được sức mạnh, lòng kiên nhẫn và sự cần mẫn để hăng hái thi hành sứ vụ được ủy thác, đó là làm sao để Tin Mừng với những giá trị cao đẹp như bình đẳng, yêu thương, phục vụ, hy sinh, chia sẻ, liên đới … được thấm nhiễm vào đời sống người dân Việt, để văn hóa Việt Nam dần dà mang đậm nét Tin Mừng của Chúa Kitô, như ĐGH đương nhiệm đã nhắc nhở cho Giáo hội Việt Nam chúng ta rằng: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Trong giáo phận chúng ta, hiện nay vẫn còn nhiều người chưa tin nhận Chúa, nhiều người còn xa lìa Chúa, xa lìa Giáo hội, không đi lễ ngày Chúa nhật, không giữ mùa Phục sinh … đây là những trở ngại lớn cho việc “Đến Với Muôn Dân”.

6. Để xây dựng một Giáo Hội mầu nhiệm, đầy tình hiệp thông và cùng nhau thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, Giáo phận chúng ta rất cần có những linh mục thánh thiện, có lòng yêu mến Chúa sâu xa, được bộc lộ bằng nhiệt tình phục vụ Giáo Hội và một đam mê nóng bỏng đối với con người, ưu tiên dành cho người nghèo, bất hạnh, và cùng khổ nhất. Xin được kết thúc bằng lời của Cha A. Chevrier: “Xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới... Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những linh mục thánh thiện. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc”.

Xin chúc cộng đoàn gia đình giáo phận tham dự Tam Nhật Vượt Qua thật sốt sắng và hưởng trọn vẹn niềm vui Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top