Bài giảng Đức Thánh Cha - Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI (15/8)
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8).
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2023) - Mẫu gương phục vụ và ngợi khen
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, lễ trọng Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời, chúng ta cùng chiêm ngắm Mẹ, Đấng lên Trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang. Bài Tin Mừng hôm nay cũng trình bày cho chúng ta điều đó khi Mẹ đi lên, nhưng lần này Mẹ đi lên một “vùng núi” (Lc 1,39); tại sao Mẹ lên núi? Để giúp đỡ người chị họ Elizabeth, và ở đó Mẹ đã công bố bài ca Magnificat. Mẹ Maria đi lên và Lời Chúa mạc khải cho chúng ta những nét đặc trưng của Mẹ khi Mẹ đi lên. Đặc trưng gì? Đó là phục vụ người lân cận và ngợi khen Chúa: cả hai. Mẹ Maria là người nữ phục vụ tha nhân và Mẹ Maria là người nữ ngợi khen Thiên Chúa, hơn nữa, thánh sử Luca thuật lại chính cuộc đời Chúa Kitô như một cuộc đi lên, tức là hướng về Giêrusalem, nơi Người tự hiến trên Thập Giá, đồng thời cũng mô tả cuộc hành trình của Mẹ Maria. Chúa Giêsu và Mẹ Maria cùng đi trên một con đường: hai cuộc đời lên cao, tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, Đấng hiến mạng sống vì chúng ta, để chúng ta được nên công chính; Mẹ Maria như người tôi tớ ra đi phục vụ: cả hai cuộc đời chiến thắng sự chết, và sống lại; bí mật của hai cuộc đời là phục vụ và ngợi khen. Chúng ta cùng dừng lại hai khía cạnh này: phục vụ và ngợi khen.
Phục vụ là khi chúng ta hạ mình phục vụ anh chị em, chúng ta đi lên: chính tình yêu nâng cuộc sống lên cao. Chúng ta ra đi phục vụ anh chị em của chúng ta và với việc phục vụ này, chúng ta đi lên cao. Nhưng việc phục vụ không hề dễ dàng: Đức Mẹ, người vừa mới mang thai, từ Nazareth đã đi gần 150 cây số để đến nhà bà Elizabeth. Giúp đỡ có cái giá của nó, đối với tất cả chúng ta! Giúp đỡ luôn có cái giá của nó! Chúng ta luôn trải nghiệm điều đó, việc chăm sóc người khác đòi hỏi những vất vả, kiên nhẫn và lo lắng. Ví dụ, chúng ta nghĩ đến nhiều người hằng ngày phải di chuyển hàng cây số để đi làm và trở về, và thực hiện nhiều nhiệm vụ vì lợi ích của người khác; hay chúng ta nghĩ đến những hy sinh thời giờ và giấc ngủ để chăm sóc một trẻ sơ sinh hoặc một người già; và dấn thân phục vụ những người không có gì để trả lại, trong Giáo hội cũng như trong việc tình nguyện. Tôi ngưỡng mộ các hoạt động tình nguyện. Điều này thật sự vất vả, nhưng đó là đi lên, hướng đến Thiên đàng! Đây là việc phục vụ thực sự.
Tuy nhiên, sự phục vụ có nguy cơ trở nên vô ích nếu không ngợi khen Thiên Chúa. Thật vậy, khi Đức Maria vào nhà người chị họ, Mẹ đã ngợi khen Thiên Chúa. Mẹ không nói về sự mệt mỏi của mình sau chuyến đi, nhưng Mẹ công bố một bài ca vui mừng xuất phát từ trái tim. Vì ai yêu mến Thiên Chúa thì biết ngợi khen. Và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy “dòng thác chảy những lời ngợi khen”: hài nhi nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét (x. Lc 1:44), người đã loan báo những lời chúc lành và công bố “mối phúc đầu tiên”: “Em thật có phúc vì đã tin” (Lc 1,45); Có phúc vì đã tin; và mọi sự đạt tới đỉnh điểm nơi Đức Maria, người đã công bố lời kinh Magnificat (x. Lc 1:46-55). Ngợi khen làm tăng niềm vui. Lời ngợi khen giống như một cái thang: nó đưa trái tim lên cao. Khen ngợi nâng tâm hồn lên và vượt qua cám dỗ bỏ cuộc. Anh chị em có thấy rằng những người buồn chán, những người hay ngồi lê đôi mách không có khả năng khen ngợi không? Hãy tự hỏi: tôi có khả năng khen ngợi không? Thật tốt biết bao khi ngợi khen Chúa mỗi ngày và khen ngợi những người khác nữa! Thật tốt khi sống với lòng biết ơn và chúc phúc thay vì tiếc nuối và phàn nàn, nhìn lên thay vì xệ mặt! Càm ràm: có những người phàn nàn mỗi ngày. Nhưng hãy thấy rằng Chúa ở gần bạn, hãy thấy rằng Người đã tạo dựng nên bạn, hãy thấy những điều Người đã ban cho bạn. Hãy ngợi khen! Và đây là sức khỏe thiêng liêng.
Phục vụ và khen ngợi. Chúng ta hãy thử tự hỏi mình xem: tôi sống công việc và những bận tâm hằng ngày với tinh thần phục vụ hay ích kỷ? Tôi có cống hiến cho ai đó một cách vô vị lợi mà không tìm kiếm lợi lộc trước mắt không? Tôi có lấy việc phục vụ làm “bàn đạp” của đời mình không? Và nghĩ đến lời ngợi khen: tôi có giống Mẹ Maria, vui mừng trong Chúa không (x. Lc 1,47)? Tôi có cầu nguyện chúc tụng Chúa không? Và, sau khi ngợi khen Chúa, tôi có lan tỏa niềm vui của Người cho những người tôi gặp không? Mỗi người cố gắng trả lời những câu hỏi này.
Xin Mẹ của chúng ta, Đấng Hồn Xác Lên Trời, giúp chúng ta vươn cao hơn mỗi ngày qua việc phục vụ và ngợi khen.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2022) - Thiên Đàng ở trong tầm tay
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, Lễ Trọng Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Mẹ và người chị họ Êlisabét. Khi Mẹ Maria vào nhà và chào bà Êlisabét, bà nói với Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42). Những lời này, tràn đầy niềm tin, niềm vui và sự ngạc nhiên, đã trở thành một phần của “Kinh Kính Mừng”. Mỗi khi đọc lời cầu nguyện rất đẹp và quen thuộc này, chúng ta cũng làm như bà Êlisabét: chúng ta chào Mẹ Maria và ca tụng Mẹ, vì Mẹ mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta.
Mẹ Maria đón nhận lời chúc phúc của bà Êlisabét và đáp lại bằng bài ca, một món quà cho chúng ta và cho toàn bộ lịch sử: bài ca Magnificat. Đây là bài ca ngợi khen mà chúng ta có thể định nghĩa là “bài ca của hy vọng”. Đó là một bài thánh ca ngợi khen và vui mừng vì những điều lớn lao Chúa đã làm nơi Mẹ, nhưng Mẹ Maria còn đi xa hơn: Mẹ chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử của dân tộc Mẹ. Chẳng hạn, nói rằng “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (câu 52-53). Nghe những lời này, chúng ta có thể tự hỏi: liệu Đức Trinh Nữ có một chút phóng đại, mô tả về một thế giới không tồn tại không? Thật vậy, những gì Mẹ nói dường như không tương ứng với thực tế; đang lúc Mẹ nói thì quyền lực thời đó vẫn chưa bị lật đổ: chẳng hạn như vua Hêrôđê đáng sợ vẫn đang vững vàng trên ngai báu của mình. Và ngay cả người nghèo và người đói vẫn như vậy, trong khi người giàu lại tiếp tục thịnh vượng.
Ý nghĩa bài ca của Đức Maria là gì? Mẹ không muốn thuật lại lịch sử - Mẹ không phải là nhà báo, nhưng Mẹ muốn nói với chúng ta một điều quan trọng hơn nhiều: rằng Thiên Chúa, ngang qua Mẹ, đã mở đầu một bước ngoặt lịch sử, đã thiết lập một cách dứt khoát một trật tự mới của mọi thứ. Mẹ Maria, nhỏ bé và khiêm tốn, đã được nâng lên và - chúng ta mừng lễ hôm nay - được về vinh quang Thiên quốc, trong khi quyền lực thế gian lại phải về tay trắng. Hãy nghĩ về dụ ngôn người phú hộ giàu có và người hành khất Lazzaro. Ông ta kết thúc thế nào? Về tay trắng. Nói cách khác, Đức Mẹ loan báo một sự thay đổi tận căn, một sự đảo ngược các giá trị. Khi Mẹ nói với bà Êlisabét, Mẹ đang cưu mang Chúa Giê-su trong lòng, Mẹ nói trước về những gì Con Mẹ sẽ nói, khi Người sẽ công bố phúc cho những người nghèo khó và khiêm nhường; và cảnh báo về những người giàu có và những người tự cho mình là đủ. Do đó, Đức Trinh Nữ đã nói tiên tri với bài ca này, với lời cầu nguyện này. Mẹ nói tiên tri rằng không phải quyền lực, sự thành công và tiền bạc sẽ được tính, mà là sự phục vụ, sự khiêm tốn và tình yêu thương. Ngắm nhìn Mẹ trong vinh quang, chúng ta hiểu rằng quyền lực thực sự là sự phục vụ, không được quên điều này quyền lực thực sự là sự phục vụ, và rằng trị vì nghĩa là yêu thương. Và đây là con đường dẫn đến Thiên đàng.
Vì vậy, chúng ta có thể nhìn vào mình và tự hỏi: sự đảo ngược mang tính ngôn sứ mà Đức Maria đã công bố có ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi không? Tôi có tin rằng yêu thương là trị vì và phục vụ là quyền lực không? Tôi có tin rằng mục đích cuộc đời tôi là Nước Trời, là Thiên đàng không? Hay tôi chỉ quan tâm đến những thứ vật chất, trần thế? Tuy nhiên, quan sát các sự kiện của thế giới, liệu tôi có để mình bị mắc kẹt bởi chủ nghĩa bi quan hay giống như Đức Trinh Nữ, tôi có thể nhìn thấy công việc của Thiên Chúa, Đấng, qua sự hiền lành và nhỏ bé, đã đạt được những điều vĩ đại?
Anh chị em thân mến, hôm nay Đức Maria hát lên bài ca hy vọng và thắp lại niềm hy vọng trong chúng ta: nơi Mẹ, chúng ta nhìn thấy mục tiêu của cuộc hành trình: Mẹ là thụ tạo đầu tiên, trong sự trọn vẹn cả thể xác và linh hồn, đã đạt được đích đến là Thiên đàng. Mẹ cho chúng ta thấy rằng Thiên đàng có thể đạt được trong tầm tay. Làm thế nào được? Vâng, Thiên đàng ở trong tầm tay, nếu chúng ta không nhượng bộ tội lỗi, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa trong sự khiêm nhường và quảng đại phục vụ tha nhân. Đừng nhượng bộ tội lỗi. Nhưng, ai đó có thể nói: “Nhưng thưa cha, con yếu đuối” - “Nhưng Chúa luôn ở gần con, vì Người giàu lòng thương xót”. Đừng quên phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Thiên Chúa luôn gần chúng ta với phong cách của Người.
Xin Mẹ của chúng ta nắm lấy tay chúng ta, đồng hành với chúng ta đến vinh quang, mời gọi chúng ta vui mừng khi nghĩ đến thiên đàng. Chúng ta hãy ca tụng Mẹ Maria bằng lời cầu nguyện của chúng ta và xin Mẹ ban cho chúng ta một cái nhìn, có thể nhìn thấy Thiên đàng trên mặt đất này.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2021) - Khiêm nhường là bí quyết dẫn lên Thiên Đàng
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, trong phụng vụ vang lên bài kinh Magnificat. Bài thánh thi ngợi khen này giống như một “bức ảnh” của Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria “vui mừng trong Thiên Chúa vì Người đã nhìn đến sự khiêm nhường của nữ tỳ của Người” (x Lc 1, 47-48).
Bí quyết của Mẹ Maria là sự khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường của Mẹ đã thu hút ánh nhìn của Thiên Chúa hướng về Mẹ. Đôi mắt của con người tìm kiếm sự hùng vĩ và để cho mình bị lóa mắt bởi những gì hào nhoáng. Ngược lại, Thiên Chúa không nhìn vào vẻ bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng (xem 1 Sm 16, 7) và bị lôi cuốn bởi sự khiêm nhường. Sự khiêm nhường của tâm hồn quyến rũ Thiên Chúa.
Hôm nay, khi nhìn Mẹ Maria được lên trời, chúng ta có thể thấy rằng sự khiêm nhường là con đường đưa Mẹ lên Thiên đàng. Từ “khiêm nhường” bắt nguồn từ từ humus trong tiếng Latinh, có nghĩa là “đất”. Thật là nghịch lý: để lên đến Trời, điều cần thiết là phải ở dưới thấp, như đất! Chúa Giêsu dạy thế này: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). Thiên Chúa không nâng chúng ta lên cao vì những món quà của chúng ta, vì sự giàu có hay cách chúng ta làm việc tốt, nhưng vì sự khiêm nhường. Chúa nâng cao kẻ thấp hèn, những người phục vụ. Thật vậy, Đức Maria không gán cho mình một “tước vị” nào khác, ngoại trừ tước vị nữ tỳ: tức là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Mẹ không nói gì khác về bản thân, Mẹ không tìm kiếm gì khác cho chính mình.
Vậy thì hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi tự thâm tâm mình: tôi đang khiêm tốn thế nào? Tôi có tìm kiếm để được người khác công nhận, để khẳng định bản thân và được khen ngợi, hay tôi nghĩ về việc phục vụ? Tôi có biết cách lắng nghe, giống như Mẹ Maria, hay tôi chỉ muốn nói và nhận được sự chú ý? Tôi có biết cách giữ im lặng, như Mẹ Maria, hay nói luôn miệng? Tôi có biết cách lùi lại một bước, xoa dịu những cuộc cãi vã và tranh luận, hay tôi luôn muốn trở nên nổi trội?
Trong sự nhỏ bé của mình, Mẹ Maria chiếm được Thiên đàng trước hết. Bí quyết thành công của Mẹ chính ở chỗ Mẹ nhận ra sự thấp hèn, nhu cầu của mình. Đối với Thiên Chúa, chỉ những ai nhận ra mình không có gì mới có thể nhận được tất cả. Chỉ ai dành chỗ trống nơi mình mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Và Mẹ Marria là Đấng “đầy ân phúc” (câu 28) chính nhờ sự khiêm nhường của Mẹ. Đối với chúng ta cũng vậy, khiêm tốn là điểm xuất phát, là khởi đầu để chúng ta có đức tin. Điều cơ bản là tinh thần nghèo khó, đó là cần đến Chúa. Những ai tự làm cho lòng mình đầy tràn thì không có chỗ cho Chúa, nhưng những ai vẫn khiêm nhường thì cho phép Chúa hoàn thành những việc lớn lao (xem c. 49).
Nhà thơ Dante gọi Đức Trinh Nữ Maria, “người khiêm nhường và cao quý hơn bất kỳ thụ tạo nào” (Paradise, XXXIII, 2). Thật tuyệt khi nghĩ rằng sinh vật khiêm tốn nhất và cao cả nhất trong lịch sử, người đầu tiên giành được Thiên đàng với toàn bộ con người của mình, cả linh hồn và thân xác, đã sống cuộc sống của mình phần lớn trong bốn bức tường của ngôi nhà, một cách bình thường. Những ngày của Đấng đầy ân sủng không có gì nổi bật. Ngày này sang ngày khác, thường giống hệt nhau, trong im lặng: bên ngoài, không có gì khác thường. Nhưng ánh mắt của Thiên Chúa luôn hướng về Mẹ, ngưỡng mộ sự khiêm nhường của Mẹ, sự sẵn sàng của Mẹ, vẻ đẹp của trái tim Mẹ không bao giờ bị vấy bẩn bởi tội lỗi.
Đó là một thông điệp hy vọng rất lớn cho chúng ta; cho anh chị em những người mà những ngày sống luôn giống nhau, mệt mỏi và thường khó khăn. Hôm nay, Mẹ Maria nhắc nhở anh chị em rằng Thiên Chúa cũng kêu gọi anh chị em đến cùng đích vinh quang này. Đây không phải là những lời hoa mỹ. Đó không phải là một kết thúc đẹp đẽ được trau chuốt kỹ lưỡng, một ảo tưởng đạo đức hay một sự an ủi sai lầm. Không, đó là thực tế thuần túy, sống động và chân thực như những gì Đức Mẹ đã được hưởng trên Thiên đàng. Hôm nay chúng ta hãy mừng lễ với tình yêu con thảo, vui mừng nhưng khiêm nhường, được truyền động lực bởi hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được ở với Mẹ trên Thiên đàng!
Và bây giờ chúng ta hãy cầu xin Mẹ đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình dẫn từ Trái đất đến Thiên đàng. Xin Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng bí quyết của cuộc hành trình được chứa đựng trong từ khiêm tốn. Đừng quên từ này và xin Mẹ luôn nhắc nhở chúng ta. Và sự thấp kém và phục vụ đó là bí quyết để đạt được mục tiêu.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2020) - Mẹ lên trời là bước nhảy vọt của nhân loại
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Khi con người đặt chân lên mặt trăng, có một câu nói đã trở nên nổi tiếng “Một bước tiến nhỏ đối với một người, một bước nhảy vọt cho nhân loại”. Thực tế, nhân loại đã đạt đến một cột mốc lịch sử. Nhưng hôm nay, trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta cử hành một sự chinh phục vĩ đại hơn nhiều. Đức Mẹ đã đặt chân lên thiên đàng: Mẹ đến đó không chỉ bằng tinh thần, mà còn bằng thể xác, với tất cả con người của Mẹ. Bước đi của Trinh nữ thành Nazareth nhỏ bé này là bước nhảy vọt của nhân loại. Chúng ta khó đặt chân lên thiên đàng nếu trên Mặt đất chúng ta không sống như anh chị em. Nhưng một người trong chúng ta sống trên Thiên đàng cùng với thân xác mang lại cho chúng ta hy vọng: chúng ta hiểu rằng chúng ta là quý giá, được dành riêng hướng tới phục sinh. Thiên Chúa sẽ không để thân xác chúng ta tan biến. Với Chúa sẽ không có gì bị mất! Nơi Đức Maria, mục tiêu đã đạt được và chúng ta có lý do để bước đi: không phải để có được những điều ở dưới thế này, những thứ tiêu tan, mà là quê hương trên trời. Và Đức Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta. Như Công đồng dạy: “Mẹ chiếu sáng như một dấu chỉ niềm hy vọng vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa trong cuộc lữ hành” (Lumen gentium, 68).
Đức Mẹ khuyên chúng ta điều gì? “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1,46). Chúng ta thường nghe những lời này, có lẽ chúng ta không còn để ý đến ý nghĩa của những lời này nữa. Ngợi khen có nghĩa là “làm điều tuyệt vời”, làm điều vĩ đại. Đức Maria “ngợi khen Chúa”: không phải là trong cuộc sống của Mẹ không vấn đề, nhưng Mẹ ngợi khen vì Thiên Chúa. Chúng ta thì ngược lại, chúng ta để cho mình bị ngã quỵ trước khó khăn và sợ hãi! Đức Mẹ thì không phải như vậy, vì Mẹ đặt Chúa là Đấng vĩ đại đầu tiên của cuộc đời. Từ đây, khơi nguồn Ngợi Khen, từ đây niềm vui phát sinh: không phải từ việc không có vấn đề, điều này sớm hay muộn sẽ đến, mà là từ sự hiện diện của Chúa. Bởi vì Chúa vĩ đại. Và nhìn đến những người bé nhỏ.
Thật vậy, Mẹ Maria tự nhận mình nhỏ bé và tán dương những điều cao cả (c. 49) Chúa đã làm cho Mẹ”. Điều cao cả đó là gì? Trước hết đó là món quà bất ngờ của sự sống: Đức Maria là một trinh nữ và mang thai; và Elizabeth, người đã già, đang mong có một đứa con. Chúa làm việc kỳ diệu với những người nhỏ bé, với những người không tin mình là vĩ đại nhưng trong cuộc sống lại dành không gian rộng lớn cho Chúa. Ngài mở lòng thương xót đối với những ai tin cậy nơi Ngài và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Đức Maria ngợi khen Chúa về điều này.
Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta có nhớ ngợi khen Chúa không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta không? Những điều mà mỗi ngày Ngài ban cho chúng ta, vì Ngài luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta, vì sự dịu dàng của Ngài? Ngoài ra, vì đã ban cho chúng ta Mẹ của Ngài, cho những anh chị em mà Ngài đặt trên bước đường của chúng ta, và vì Ngài đã mở Thiên đàng cho chúng ta? Chúng ta có cảm tạ Chúa, ngợi khen Chúa vì những điều này không? Nếu chúng ta quên những điều tốt đẹp, lòng chúng ta sẽ thu hẹp lại. Nhưng nếu, giống như Đức Maria, chúng ta nhớ đến những điều vĩ đại mà Chúa làm, nếu ít nhất một lần mỗi ngày chúng ta “ngợi khen” Ngài, thì chúng ta sẽ tiến một bước dài về phía trước. Một lần trong ngày để nói: “Con ngợi khen Chúa”, để nói, “Con chúc tụng Chúa”, đó là một lời cầu nguyện ngợi khen ngắn gọn. Đây là lời ngợi khen Chúa. Với lời cầu nguyện ngắn gọn này, lòng chúng ta sẽ mở rộng, niềm vui sẽ tăng lên.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ là cửa Thiên đàng và bắt đầu mỗi ngày bằng cách ngước nhìn lên trời, hướng về Thiên Chúa, để thưa với Người: “Tạ ơn Chúa!”.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2019) - Ngợi khen và hoan hỉ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng hôm nay, lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Đức Trinh Nữ cầu nguyện: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần khí tôi hoan hỉ trong Chúa Đấng cứu độ tôi" (Lc 1, 46-47). Chúng ta hãy chú ý đến các động từ của lời cầu nguyện này: ngợi khen và hoan hỉ. Người ta hoan hỉ khi có một điều gì thật đẹp, đến mức không chỉ vui bên trong, trong tâm hồn, nhưng muốn biểu lộ niềm hạnh phúc với toàn thể con người. Đức Mẹ hoan hỉ vì Chúa. Có khi nào chúng ta hoan hỉ vì Chúa chưa? Chúng ta hoan hỉ vì nhận được một tin tức tốt lành, nhưng hôm nay Đức Mẹ dạy chúng ta vui mừng vì Chúa, vì Ngài làm "những điều kỳ diệu" (câu 49).
Những điều kỳ diệu được gọi bằng một động từ khác: ngợi khen. Trong thực tế ngợi khen có nghĩa là ca ngợi, tán tụng một điều vì sự cao cả, nét đẹp của nó ... Đức Maria tán tụng sự cao cả của Chúa.Trong cuộc sống, điều quan trọng là tìm kiếm những điều cao cả. Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy, nếu chúng ta muốn sống hạnh phúc, Chúa phải được đặt lên trên hết, bởi vì chỉ một mình Ngài là cao cả. Trái lại, biết bao lần, chúng ta sống theo đuổi những thứ không mấy quan trọng: định kiến, oán giận, ganh đua, ghen tỵ, của cải vật chất dư thừa... Bao nhiêu điều vụn vặt trong cuộc sống! Hôm nay, Mẹ Maria mời chúng ta ngước mắt nhìn "những điều kỳ diệu" mà Chúa đã hoàn thành nơi Mẹ.
Đây là những "điều kỳ diệu" mà chúng ta mừng hôm nay. Đức Maria lên trời: nhỏ bé và khiêm nhường, Mẹ là người trước tiên nhận vinh quang cao quý. Mẹ là một thụ tạo, một người trong chúng ta, linh hồn và thể xác được hưởng phúc đời đời. Và ở đó Mẹ đang đợi chúng ta, như một người mẹ đang chờ những đứa con trở về nhà. Trong thực tế, dân Chúa cầu khẩn Mẹ như "cửa thiên đàng". Chúng ta đang trên đường, những người lữ hành hướng về ngôi nhà trên đó. Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Mẹ và chúng ta thấy đích đến. Chúng ta thấy một thụ tạo được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô sống lại, và thụ tạo đó chỉ có thể là Mẹ, Mẹ Đấng Cứu Thế. Chúng ta thấy trên thiên đàng, cùng với Đức Kitô, Adam mới, cũng có Mẹ, Eva mới và điều này cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng trong cuộc hành hương dưới thế này.
Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là một nhắc nhở cho tất cả chúng ta, đặc biệt là cho những người đang sầu não, buồn phiền, nghi ngờ, và sống với đôi mắt nhìn xuống. Chúng ta hãy hướng nhìn lên cao, bầu trời rộng mở; nó không làm chúng ta sợ hãi, không còn xa vời nữa, vì ngay ngưỡng cửa có một người mẹ đang chờ chúng ta. Mẹ là Nữ Vương thiên đường, là mẹ chúng ta. Mẹ yêu thương chúng ta, Mẹ mỉm cười và trợ giúp chúng ta với sự ân cần. Như mọi bà mẹ đều muốn điều tốt nhất cho con mình và nói với chúng ta: "Các con thật quý giá trước mắt Chúa; các con không được tạo dựng cho những điều bé nhỏ của thế giới, mà cho những niềm vui cao cả thiên đàng”. Vâng, vì Thiên Chúa là niềm vui, Ngài không phải là sự nhàm chán. Chúng ta hãy để Mẹ nắm lấy bàn tay. Mỗi khi chúng ta cầm chuỗi Mân côi trong tay và cầu nguyện với Mẹ, chúng ta tiến tới một bước đạt mục đích lớn lao của cuộc đời.
Chúng ta hãy để vẽ đẹp thực sự thu hút chúng ta, đừng bị lôi cuốn vào những điều bé nhỏ của cuộc sống, trái lại hãy chọn điều cao cả trên trời. Xin Đức Trinh Nữ, Cửa Thiên đàng, giúp chúng ta ngước nhìn với niềm tin và vui tươi mỗi ngày về ngôi nhà thực sự của chúng ta trên trời.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/2018) - Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong ngày lễ trọng Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria hồn xác lên Trời hôm nay, dân thánh trung thành của Thiên Chúa tươi vui diễn tả lòng sùng kính của mình đối với Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa. Dân Chúa làm điều đó trong phụng vụ chung và cả với hàng ngàn hình thức đạo đức khác nhau. Và như thế, lời ngôn sứ của chính Đức Maria trở thành sự thật: “Mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc” (Lc 1,48), vì Chúa đã nâng lên cao nữ tỳ khiêm hạ của Ngài. Việc lên Trời cả hồn lẫn xác là một đặc ân được ban cho Mẹ Thánh của Thiên Chúa vì sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu. Đây là một sự hiệp nhất thân xác và tinh thần, đã bắt đầu với biến cố Truyền Tin và chín mùi trong toàn cuộc sống của Đức Maria qua sự tham dự đặc biệt của Mẹ vào mầu nhiệm của Con Mẹ. Mẹ Maria luôn đi cùng Con Mẹ: Mẹ đi theo Chúa Giêsu và do đó chúng ta nói Mẹ là người môn đệ đầu tiên.
Bề ngoài cuộc sống của Đức Mẹ diễn ra như cuộc sống của một phụ nữ bình thường thời đó: cầu nguyện, quán xuyến gia đình và nhà cửa, đi đến hội đường… Nhưng mỗi một hành động thường ngày luôn luôn được chu toàn trong sự hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu. Và trên Núi Sọ sự kết hiệp ấy đạt tột đỉnh, trong tình yêu, trong sự cảm thương và khổ đau của con tim. Vì thế Thiên Chúa đã ban cho Mẹ một sự tham dự tràn đầy vào cả sự sống lại của Chúa Giêsu nữa. Thân xác Mẹ đã được giữ gìn khỏi sự hư nát, như thân xác của Con Mẹ. Đó là điều Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ hôm nay công bố: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã không muốn cho Đấng đã sinh ra Chúa của sự sống biết tới sự hư nát của mồ chôn”.
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này: nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác. Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác mà Ngài đã nhận lãnh từ Mẹ Maria và đã lên với Thiên Chúa Cha, với nhân tính được biến đổi của Ngài. Việc lên trời của Đức Maria, thụ tạo, trao ban cho chúng ta sự xác nhận số phận vinh quang của chúng ta. Các triết gia hy lạp xưa đã hiểu rằng linh hồn con người được chỉ định cho hạnh phúc sau cái chết. Tuy nhiên, họ dã khinh rẻ thân xác - coi nó là nhà tù của linh hồn – và không quan niệm rằng Thiên Chúa đã đặt định cả thân xác của con người cũng hiệp nhất với linh hồn trong hạnh phúc trên trời nữa. Điều này – “sự sống lại của thịt xác” – là một yếu tố riêng của mạc khải kitô, một điểm nền tảng đức tin của chúng ta.
Thực tại tuyệt vời của biến cố hồn xác lên trời của Đức Maria biểu lộ và xác nhận sự hiệp nhất của bản vị con người, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta được mời gọi phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa với toàn con người mình, hồn và xác. Chỉ phục vụ Thiên Chúa với thân xác không thôi sẽ là một hành động của nô lệ; chỉ phục vụ Thiên Chúa với linh hồn không thôi sẽ trái nghịch với bản tính nhân loại của chúng ta. Một Giáo phụ lớn của Giáo Hội là thánh Ireneo đã khẳng định rằng ”vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động, và cuộc sống của con người là nơi việc trông thấy Thiên Chúa” (Chống các lạc giáo, IV, 20,7). Nếu chúng ta đã sống như thế trong việc tươi vui phục vụ Thiên Chúa, cũng được diễn tả ra trong việc phục vụ các anh em khác, thì số phận của chúng ta, trong ngày sống lại, sẽ giống như số phận của Mẹ thiên quốc của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được lời khích lệ của thánh tông đồ Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1 Cr 6.20), và chúng ta sẽ vinh danh Ngài luôn mãi trên trời.
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, giúp chúng ta sống con đường cuộc sống thường ngày trong niềm hy vọng hoạt động để một ngày kia có thể đạt được nó cùng với các Thánh và các người thân của chúng ta trên thiên đàng.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ
-
Năm Thánh 2025: 34 chương trình sự kiện đầu tiên được công bố trực tuyến -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa -
Cử hành Thánh Thể: Bài 44 - Mời gọi rước lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 43 - Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa -
Thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024