Bài giảng của ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trong Thánh lễ Tạ ơn Bế mạc cuộc Hội thảo “Bạn trẻ và Đức tin”

Bài giảng của ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trong Thánh lễ Tạ ơn Bế mạc cuộc Hội thảo “Bạn trẻ và Đức tin”

Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trong Thánh lễ Tạ ơn Bế mạc cuộc Hội thảo “Bạn trẻ và Đức tin” tại nhà thờ Chính Tòa Hải Phòng

Muối cho đời

Các bạn trẻ thân mến,

Cuộc họp mặt, quy tụ của các bạn hôm nay quả thực là niềm vui lớn lao của Hội Thánh và cụ thể hơn là của Hội Thánh Việt Nam.

Thật vậy, như chúng ta đều biết, theo nguyên nghĩa, Hội Thánh không gì khác hơn là đoàn người được Lời Thiên Chúa quy tụ nên một. Vì thế, có thể nói, hôm nay các bạn chính là Hội Thánh theo nghĩa đẹp nhất, Hội Thánh của những con người trẻ trung, vì Lời Chúa kêu gọi mà đến với nhau, hợp nhất với nhau trong cùng một lòng tin, một tình yêu và một niềm hy vọng.

Đàng khác, cuộc hội tụ của chúng ta lại diễn ra trong bầu khí Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, năm đánh dấu bước trưởng thành của Giáo Hội, của cộng đồng Kitô hữu trên quê hương Việt Nam của chúng ta. Các bạn quả thực là dấu chứng rõ ràng và có sức thuyết phục về sức sống của Hội Thánh trên mảnh đất thân yêu này, mảnh đất được tưới thắm bởi dòng máu của biết bao nhiêu anh hùng tử đạo, mảnh đất vùi sâu vô vàn hạt giống và có khi như vùi dập mọi niềm hy vọng thì nay lại trổ sinh những mầm sống mạnh mẽ, tốt tươi.

Các bạn thân mến, chính vì những ý nghĩa đặc biệt đó mà giờ phút này, tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn một vài tâm tình, khởi từ Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, với ước mong Lời Chúa sẽ trở thành Nguồn Sáng và Nguồi Sức Sống giúp chúng ta trở nên những con người thực sự mạnh mẽ và trưởng thành trong đời sống đức tin, những con người giữ mãi được nét tươi trẻ của Tin Mừng và sẵn sàng dấn thân cho tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa muốn dành cho nhân loại, cho mọi con người trong cuộc sống hôm nay.

1. Lý tưởng sống của người Kitô hữu.

“Anh em là muối cho đời... Anh em là ánh sáng cho trần gian”. Lời Chúa thật đơn sơ, giản dị nhưng lại nói với chúng ta thật nhiều điều. Quả vậy, kiểu nói “sống cho” trước hết nói đến một cuộc sống có mục đích, và là mục đích hết sức cao đẹp. Con người “sống cho đời”, “sống cho trần gian” là con người có lý tưởng sống thực sự, và là một lý tưởng lôi cuốn người đó ra khỏi vòng chật hẹp của những lợi ích hay tham vọng cho riêng mình. Sống cho đời, sống cho trần gian nói cho cùng là sống cho nhân loại, cho mọi người hay ít nhất là sống cho điều gì đó lớn lao hơn cuộc sống đời mình, lớn lao hơn sự nghiệp hay lợi ích của riêng mình. Tất cả cuộc đời Ngài là gì nếu không phải là trọn vẹn “sống cho” Thiên Chúa và cho cả trần gian này.

Các bạn trẻ rất thân mến, sống có mục đích, có lý tưởng và hơn nữa sống cho một Ơn Gọi là yếu tố nền tảng tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời người Kitô hữu. Kitô hữu không thể chỉ là người sống cho mình, hay cho những gì thuộc về mình mà thôi. Thực ra ngay cả việc sống cho ra người cũng thế: phải sống cho ra sống, nghĩa là phải sống có mục đích, có lý tưởng tốt đẹp để vươn tới. Thế nhưng, trong thực tế của chúng ta hôm nay, không phải ai cũng có ý thức được điều đó, thậm chí một trong những nguy cơ chính đe dọa đến sự tồn tại cũng như sự phát triển của xã hội hiện đại của chúng ta, đó là việc thế hệ trẻ dần dần đánh mất ý thức về mục đích cũng như lý tưởng tốt đẹp của cuộc sống. làm sao có thể hy vọng ở tương lại của một gia đình, một cộng đồng, nếu chính tuổi trẻ và thế hệ trẻ sống buông thả, bất cần, sống mà không còn biết mình sống để làm gì, không biết mình đi đâu, về đâu…

2. Phẩm chất đời sống kitô hữu.

Thứ đến, Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta về “phẩm chất đời sống người kitô hữu”. “Anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi…thì nó thành vô dụng”. Quả thực đây là điều đụng chạm trực tiếp hơn đến ơn gọi cũng như ý nghĩa cuộc sống kitô hữu chúng ta. Muối thì phải mặn mà, và hơn nữa phải có sức tan hòa và thẩm thấu vào môi trường chung quanh. Nói như thế cũng có nghĩa là, đời sống kitô hữu phải là đời sống có phẩm chất và có sức tác động tích cực trong cuộc sống với mọi người.

Về phẩm chất đời sống đức tin, chắc chắn chúng ta có rất nhiều điều để suy nghĩ, nhưng ở đây và trong giờ phút này, kinh nghiệm của tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I có lẽ đã đủ để chúng ta đào sâu một khía cạnh cốt yếu, mang tính chất quyết định đối với phẩm chất đời sống người tín hữu: đó là hoán cải.

Thật vậy Giêrêmia nghe theo tiếng gọi của Chúa để thực hiện sứ mạng liên hệ đến cả dân tộc của mình. Nhưng để làm được điều đó trước hết ông phải trải qua một cuộc hoán cải tận căn và hết sức đau đớn. Giêrêmia phải từ bỏ cuộc sống riêng, con người riêng, cái nhìn riêng của mình để mang lấy cái nhìn của Chúa, nói lời của Chúa và thực hiện sứ mạng Chúa giao phó, cho dù những điều đó đã khiến ông đau khổ đến mức cảm thấy Chúa như lừa dối mình… tưởng Lời Chúa là ngon ngọt mà rốt cuộc hết sức cay đắng!

Các bạn trẻ thân mến, tất cả chúng ta đều mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình, cũng như cho cả xã hội mà chúng ta đang sống. Chỉ có điều, con đường mà chúng ta muốn đi không phải là con đường mà Giêrêmia đã chấp nhận ra đi, con đường của muối đất, của men bột, con đường hoán cải chính mình, vùi sâu con người riêng của mình, để ý của Chúa và ơn cứu độ được thực hiện. Chúng ta muốn thay đổi ngay những gì bên ngoài, và hơn nữa thay đổi theo cái nhìn của mình, theo mong muốn của mình mà quên đi việc thay đổi bản thân, hoán cải con người mình trong ánh sáng của Chúa. Chính các môn đệ của Chúa Giêsu cũng từng rơi vào cám dỗ như thế: họ muốn lửa từ trời đốt cháy tất cả những ai không đón nhận mình hay nghe theo sứ điệp của mình; muốn nhổ ngay đám cỏ lùng thay vì đi theo con đường của tình yêu thương kiên nhẫn và khiêm hạ, con đường hy sinh thầm lặng của Thập Giá. Vấn đề phẩm chất đời sống kitô hữu cũng giống như vấn đề thừa ruộng. Một thửa ruộng tốt trước hết phải là thửa ruộng được khai phá, dọn quang, cày xới trước khi có thể gieo vãi, cấy trồng.

3. Chứng tá bằng đời sống.

Con đường của thập giá, con đường của một tình yêu dám ra khỏi chính mình, dám quên mình, con đường hy sinh phục vụ trong thầm lặng cũng chính là con đường chứng tá bằng đời sống.

“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Cũng như muối đất, ánh sáng của ngọn đèn là thứ ánh sáng chiếu tỏa từ bên trong, hay nói đúng hơn, sức thẩm thấu của muối cũng như sức chiếu sáng của ngọn đèn là phát xuất từ sự tiêu hao chính mình, hay có thể nói mạnh hơn, nhờ đốt cháy chính mình mà ngọn đèn mang lại ánh sáng và hơi ấm cho môi trường chung quanh. Nói như thế cũng có nghĩa là, sự phát triển và sức tác động của Tin Mừng tiên vàn phải xuất phát từ chính đời sống người Kitô hữu. Cũng thế, sự phát triển và trưởng thành của Giáo Hội trước hết là sự phát triển và trưởng thành về phẩm chất đời sống Kitô hữu, trưởng thành về lòng tin, về lòng cậy trông và yêu mến, chứ không chỉ là sự phát triển về những tổ chức hay hình thức bên ngoài.

Phải nhìn nhận rằng, chúng ta thường dễ nghiêng theo con đường dễ dãi: sống đức tin qua những tổ chức, hoạt động bên ngoài hơn là tìm cách thăng tiến liên đới với tha nhân. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, bằng các phương tiện bên ngoài không bằng nỗ lực nâng cao phẩm chất đời sống kitô hữu để đời sống chúng ta có thể nói lên điều gì đó tốt đẹp, làm vinh danh Thiên Chúa, như lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng.

Kết luận

Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn kết thúc những tâm tình chia sẻ này với tiếng kêu thống thiết của thánh Phaolô, một tiếng kêu như thể nói với chính mình hơn là nói với bất cứ ai khác: “khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” Hẳn tất cả chúng ta đều cảm thấy nơi tiếng kêu đó một xác tín mãnh liệt, phát xuất từ niềm say mê Tin Mừng, một tâm hồn tha thiết, phát xuất từ lòng mến đối với Chúa Giêsu và lòng nhiệt thành cháy bỏng, như thiêu như đốt, đối với ơn cứu độ cho mọi con người trong Đức Giêsu Kitô.

Chính tình yêu mãnh liệt đối với Đức Giêsu, với Tin Mừng của Đức Giêsu đã giữ cho tâm hồn của thánh Phaolô luôn tươi trẻ và mạnh mẽ ngay cả trong hoàn cảnh đen tối nhất, tuyệt vọng nhất. Và có lẽ chỉ có một tình yêu như thế mới giúp chúng ta hiểu cách đầy đủ nhất, sâu xa thế nào là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Bởi lẽ, nói cho cùng, chỉ có tình yêu mới có sức tỏa sáng, mới mặn mà, chứa chan! 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top