Ý thức - Vai trò - Tầm quan trọng của công cuộc Loan báo Tin Mừng
Chúa nhật 29 Thường Niên (21.10.2018) - Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo, tại Giáo xứ Truyền Tin - Giáo phận Thái Bình, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long - Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hoá - Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của HĐGMVN đã có bài chia sẻ về Ý thức - Vai trò - Tầm quan trọng của công cuộc Loan báo Tin Mừng.
Nhân dịp Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi hân hạnh được đức cha giáo phận của anh chị em mời tham dự, và cho tôi được chia sẻ. Tôi xin trình bày hai điểm sau đây :
I. Nhận định về sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam hiện nay:
- Ai cũng biết đây là sứ mạng quan trọng nhất Chúa trao cho Giáo Hội trước khi về trời : “Các con hãy đi khắp tứ phương, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa thì được cứu độ, ai không tin thì sẽ bị luận phạt. Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mc 16,15-16).
- Ngay sau khi Chúa về trời, các tông đồ đã ra đi thi hành lệnh truyền này. Sách Tông đồ Công vụ kể lại nhiệt huyết của cộng đoàn tín hữu, nhờ đó đạo Chúa lan rộng khắp đế quốc La Mã, sang cả vùng Tiểu Á, Hy Lạp. Các cuộc bách hại tại đế quốc La Mã suốt 3 thế kỷ đầu công nguyên không ngăn cản được sự tồn tại và phát triển của đạo Công giáo; ngược lại, các cuộc bách hại còn làm cớ cho đạo bành trướng. Xuyên suốt 20 thế kỷ, đạo Công giáo lan rộng khắp thế giới. Giáo Hội Việt Nam được đón nhận hạt giống Tin Mừng từ thế kỷ XVII (1615), và ngay sau đó chịu bách hại khốc liệt cũng suốt 3 thế kỷ, có hơn 100.000 vị tử đạo. Chưa kể là hiện tại, cuộc bách hại vẫn còn, Giáo Hội như một cây vẫn bị vùi dập dưới giông tố, nhưng lời Chúa vẫn mạnh mẽ : “Giữa thế gian, các con sẽ bị bách hại, nhưng hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Trong nhiều thập niên của thế kỷ XX, chỉ nói riêng miền Bắc Việt Nam, đạo Công giáo đã gặp biết bao thử thách, có khi khốc liệt như thời các thánh Tử Đạo xưa. Đan cử : giáo phận Hưng Hóa hơn 11 năm không có giám mục, có lúc cả giáo phận rộng lớn 10 tỉnh chỉ có 17 linh mục. Nhiều nơi trong hơn nửa thế kỷ không nhà thờ, không linh mục, không cộng đoàn, không bí tích… ; Bắc Ninh có lúc chỉ còn 1 linh mục, Lạng Sơn cũng thế. Thánh Gioan Vianney bảo rằng nếu để một giáo xứ 30 năm không có linh mục, thì ở đó thay vì thờ Chúa, người ta sẽ thờ bò ! Thế nhưng đạo Công giáo vẫn không bị tiêu diệt. Hiện nay, Lạng Sơn đã có hơn 30 linh mục, Hưng Hóa 130 linh mục, Bắc Ninh hơn 100 linh mục, con số giáo dân cũng tăng lên.
- Trên đây là nhận định khách quan, tích cực. Chứ ở góc độ chủ quan, tiêu cực thì không khỏi có bóng mờ, thậm chí bóng tối. Tinh thần đạo đức, đức tin xuống dốc, nhiều người, rất nhiều người đã bỏ đạo, mất đức tin hay đức tin bị tê liệt, lu mờ, hấp hối. Tại Hưng Hóa, con số người gốc đạo nhưng lơ là, nguội lạnh không phải là ít, có nơi lên đến 50%, trung bình thì 30%. Công cuộc tái loan báo Tin Mừng, tân Phúc-Âm hóa cũng cấp thiết như công cuộc Phúc Âm hóa cho anh em lương dân.
- Giáo dân Việt Nam giữ đạo rất tốt, nhưng mới chỉ giữ cho mình, chưa ý thức thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, chia sẻ niềm hạnh phúc làm con Chúa cho người khác. Con số tín hữu công giáo tại Việt Nam nhiều năm qua cứ giữ nguyên ở tỷ lệ 6-7% trong tổng số hơn 90 triệu dân. Những người có gốc đạo mà lơ là vẫn thản nhiên sống như vậy từ bao lâu nay, còn những người giữ đạo thì dửng dưng, mặc kệ họ. Có thêm tình trạng này là những người làm việc cho chính quyền trong công sở tự cho phép mình được nghỉ đạo, đến khi về hưu an toàn rồi mới quay trở lại giữ đạo. Làm như thế là không đúng. (Câu chuyện một chị không xin rửa tội cho con, viện cớ để lớn lên có việc làm ; hay một bà về hưu xin cha cho giữ đạo lại, còn chồng thì chờ vài năm nữa nghỉ hưu sẽ giữ!). Nhận định chung về sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam hiện nay không khả quan lắm.
- Trong khi đó, nếu chúng ta nhìn vào các anh em Tin Lành, thì sẽ thấy họ rất nhiệt huyết loan báo Tin Mừng, từ người giáo dân bình thường, kể cả người Hmong, chứ không nói các nhà truyền đạo hay mục sư… Ở Điện Biên, trong khi Công giáo chỉ có 2.000 người, thì Tin Lành có 100.000 người. Ở huyện Nậm Pồ, ông chủ tịch huyện cho biết dân số 40.000 người thì 20.000 là Tin Lành, còn Công giáo chỉ có 1.000 người. Ở Lai Châu, trong khi Công giáo có 15 giáo điểm hay giáo họ, thì Tin Lành có 200 điểm nhóm. Vấn đề là tại chúng ta thiếu nhiệt huyết đó thôi, chứ chúng ta không thiếu phương cách để truyền giáo, không thiếu nhân sự, vật lực, điều kiện…
II. Vài việc thực hành để cộng tác vào sứ mạng truyền giáo:
Những nhận định trên không khỏi làm chúng ta trăn trở, và mời gọi chúng ta dấn thân vào sứ mạng quan trọng này. Tôi xin gợi lên vài việc thực hành.
- Trước hết là cầu nguyện, như Chúa Giêsu dạy : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,3). Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng cho công cuộc truyền giáo, cầu nguyện tha thiết, thật lòng, chứ không chỉ cầu nguyện ngày hôm nay thôi. Mỗi tháng, Đức Thánh Cha đưa ra ý chỉ cầu nguyện cho toàn Giáo Hội, đặc biệt cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Ví dụ tháng 10 năm nay, Đức Thánh Cha gợi ý như sau : “Xin cho các tu sĩ nam nữ biết đổi mới nhiệt tình tông đồ, và biết tìm gặp gỡ những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người thấp cổ bé miệng”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa đốt lên trong chúng ta hồn tông đồ, lửa truyền giáo, như Chúa Giêsu ngày xưa : “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Phàm làm gì, nếu thiếu nhiệt huyết thì đều thất bại, không kết quả.
- Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, đó là phương cách thông thường, như thư Rôma 10,14-15 : “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng!”.Nhưng phần đông chúng ta không dễ có dịp nói, hoặc không tự tin đủ để mạnh dạn nói về Chúa.
- Có một cách khác là rao giảng bằng đời sống, bằng gương sáng.Thánh giáo hoàng Phaolô VI nói : “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
- Sống chân thật, không giả dối, tự nó cũng là một cách thức rao giảng Tin Mừng, rao giảng Đức Kitô là Đường, là Sự Thật, và Sự Sống. Chứng tá của Kitô hữu phải là chứng thật, bằng đời sống chân thật, không lừa dối, lường gạt người khác. Xã hội Việt Nam hôm nay đầy dẫy những sự giả trá: văn bằng giả, thuốc tây giả, tiền giả, hàng giả…
- Chứng tá qua cách sống hiền hòa, chịu thiệt thòi, bất công : “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,15).
- Rao giảng Tin Mừng cách vui tươi. Phúc Âm, Lời Chúa được gọi là Tin Mừng mà. Không thể giới thiệu Chúa với vẻ mặt ủ dột buồn bã như đi đám tang hay sống mùa Chay, như Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng đã nói.
- Sống yêu thương, đó là cốt tủy của đạo Công giáo. Yêu thương những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, ngoại đạo, người đang dửng dưng với Chúa, chống báng Chúa. Yêu thương thể hiện qua sự lưu tâm, gần gũi, thăm viếng, giúp đỡ ; yêu thương qua sự nhịn nhục, tha thứ, chịu đựng, không oán thù... Sống thế nào để mỗi người là hiện thân của Chúa Kitô.
- ĐTC Phanxico viết trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (số 14) : «Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng 'sức thu hút' !» Chúng ta không mong số tín đồ công giáo gia tăng nhiều cho bằng tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào mọi nơi, mọi người Việt Nam. Đó là ý nghĩa của từ Phúc Âm hóa, nghĩa là làm cho Phúc Âm hay Tin Mừng thấm nhập vào cuộc sống con người và xã hội, để mọi người sống yêu thương, chân thật, hiền hòa, tha thứ, quảng đại, chấp nhận mọi nẻo đường của Tám Mối Phúc.
Được đức cha Phêrô cho biết những nỗ lực loan báo Tin Mừng trong giáo phận Thái Bình, tôi rất cảm kích về những hoạt động này, từ huấn luyện, họp hội và nhất là « lên đường » thực hiện sứ mạng. Tôi cầu chúc những hoạt động của giáo phận mang lại nhiều hoa trái. Ước mong mỗi người công giáo anh chị em trong đời mình mang về cho Chúa và Giáo Hội ít là một linh hồn.
Thái Bình, ngày 21 tháng 10 năm 2018
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
(Nguồn: TT Gp. Thái Bình)
bài liên quan mới nhất
- Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện
-
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I -
Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên thăm và sẻ chia cùng người dân vùng lũ
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô