Ủy Ban Thánh Nhạc: Hội thảo toàn quốc lần thứ 38

Ủy Ban Thánh Nhạc: Hội thảo toàn quốc lần thứ 38

WGPSG -- “Diễn tấu theo tinh thần Bình ca” là đề tài do linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo, OFM trình bày trong buổi Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 38 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, tổ chức vào ngày 12.4.2016 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận TP.HCM.

Buổi Hội thảo được Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Chủ tịch UBTN - khai mạc lúc 08g15. Đến tham dự có sự hiện diện linh mục Roco Nguyễn Duy - Thư ký UBTN, linh mục nhạc sư Phêrô Kim Long - nguyên phó Chủ tịch UBTN, cùng trên 100 tham dự viên gồm các ủy viên thường vụ UBTN, các linh mục trưởng ban Thánh nhạc các giáo phận, các linh mục đặc trách Thánh nhạc các Đại chủng viện và dòng tu, các linh mục, tu sĩ, nhạc sĩ, giảng viên thanh nhạc và các ca trưởng.

Thuyết trình

“Diễn tấu theo tinh thần Bình ca” là đề tài nối tiếp 3 đề tài liên quan đến Bình Ca, đã được nhạc sư Phêrô Kim Long trình bày, gồm:

- Mấy cảm nghiệm Bình ca khi sáng tác Thánh ca.

- Tiết tấu Bình ca.

- Phác họa tiết tấu bài Thánh ca thông thường.

Mở đầu, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo nhắc lại các nguyên tắc để xác định đầu bước (phách tiết tấu), xác định arsis_bước tiến (phách tt Khởi) hoặc thesis_bước lui/ngưng (phách tt Tới)... Qua đó, nhạc sĩ triển khai đề tài với 3 nội dung sau:

1/ Vai trò chủ yếu của cường độ trong việc Nói/Đọc/Đàn/Hát diễn cảm.

Theo nhạc sĩ Xuân Thảo, ngoài điều kiện bài hát có lời và nhạc hay, được chuyển tải đến tai người nghe bằng cả tâm tình, với giọng hát rõ lời, truyền cảm... vẫn cần một yếu tố quan trọng nữa để diễn cảm bài hát, là giọng điệu phù hợp với các yếu tố sau:

- Cường độ diễn cảm (mạnh nhẹ, to nhỏ) (dynamics).

- Nhịp độ phừ hợp (tốc độ nhanh chậm) (Tempo).

- Âm sắc phù hợp (trong đục, sáng tối, trầm ấm, hú gắt, mộc mạc, réo rắt...)

- Diễn âm.

Trong đó cường độ - độ mạnh nhẹ khác nhau của âm thanh - là yếu tố quan trọng nhất tạo nên giọng điệu phù hợp. Cần phân biệt 2 loại cường độ:

- Cường độ cố định: Phách đầu ô nhịp là mạnh, các phách khác mạnh vừa hoặc nhẹ. Nó tạo sự rộn ràng, đều đặn, có khi phấn khởi nhưng dễ bị nhàm chán, máy móc, không hồn.

- Cường độ diễn cảm: Diễn tả mạnh nhẹ tùy theo ý nghĩa lời ca và dòng nhạc, nhằm gây cảm xúc, đánh động con tim người nghe. Các ký hiệu ghi cường độ đều được qui định thống nhất nhưng ít được tác giả ghi ra, nhất là cho cả bài hát. Vì thế, đòi hỏi người ca trưởng, người hát cần khéo léo định đoạt nên hát mạnh nhẹ như thế nào, nằm nơi cách diễn tấu Bình ca. Do đó, những nguyên tắc định bước tiến (α, arsis) và bước ngưng (θ, thesis) của Bình ca giúp rất nhiều cho người trình tấu.

Nói đến vai trò của người đệm đàn, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo nhắc nhở: “Tiếng đàn phải ôm lấy tiếng hát. Tiếng đàn không thể át hoặc đối đầu với tiếng hát”.

2/ Diễn tấu Bình ca

Trình bày về diễn tấu Bình ca, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo nhắc nhở người ca trưởng cũng như ca viên và nhạc công phải:

a/ Xác định được đâu là đầu một phách tiết tấu, tức là đầu phách kép 2 hoặc kép 3 / đầu bước. Đồng thời cần phải tuân thủ thứ tự ưu tiên sau:

- Ưu tiên 1: dành ictus cho dấu nhạc đã ghi sẵn ictus.

- Ưu tiên 2: dành ictus cho dấu vuông chấm.

- Ưu tiên 3: dành ictus cho nhóm Pressus.

- Ưu tiên 4: dành ictus cho dấu đi trước dấu răng cưa.

- Ưu tiên 5: dành ictus cho dấu đầu của các hội dấu.

b/ Định đoạt cho mỗi bước đi/phách kép, đó là arsis (bước tiến/bước khởi) hoặc thesis (bước ngưng/bưới tới) theo nguyên tắc sau:

- Đầu bài, đầu câu: arsis.

- Cuối bài, cuối câu, cuối chi nhạc, cuối mạch nhạc (tiết nhạc): thesis (θ)

- Giữa bài, giữa câu, giữa chi/mạch nhạc: Dòng nhạc vươn lên, co hơn: arsis; dòng nhạc đi xuống, thấp hơn: thesis; Tùy thuộc lời ca (dấu nhấn hay vần cuối của từ ngữ).

Ngoài ra, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo còn đưa ra một số lưu ý quan trọng về mặt diễn tấu để các ca trưởng quan tâm.

3/ Diễn tấu Thánh ca khác theo tinh thần Bình ca

Theo linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo, các nguyên tắc để định đoạt xem nên điều chế cường độ như thế nào trong Bình ca bằng tiếng La-tinh là những nguyên tắc vàng có thể dùng cho những bài tân nhạc, kể các các bài Thánh ca dùng tiết tấu chia đều, phân nhịp.

Kết luận: Nhạc sĩ Xuân Thảo phân tích sự khác nhau sự khác nhau giữa Bình ca và tân nhạc, đó là giai điệu sử dụng 8 thể nhạc tính cách khác nhau, với một loại tiết tấu khoáng đạt, cả hai phô diễn, bám sát lấy lời ca. Ngoài ra, một nét đặc biệt khác nữa là điều khiển trình tấu bằng việc Phác họa Tiết tấu. Đáng quý hơn là các nguyên tắc điều chế cường độ, giúp cho người đàn hát diễn tấu truyền cảm, không phải chỉ những bài Bình ca bằng tiếng La-tinh, mà cả những bài tân nhạc, nhất là Thánh ca dùng tiết tấu chia đều, phân nhịp.

Giải đáp thắc mắc:

Sau giờ giải lao, lúc 10g00 các tham dự viên đã thảo luận về đề tài “Diễn tấu theo tinh thần Bình ca”, đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động thánh nhạc như: xin imprimatur đối với những sáng tác mới; tuyển chọn các bài hát nên giao về cho các giáo phận (nếu giáo phận có đủ nhân sự).

Trong phần đúc kết, Đức cha Vinh Sơn dự kiến sẽ mở lớp (có chương trình huấn luyện thống nhất) để nâng cao hiểu biết phụng vụ và thánh nhạc cho nhiều đối tượng sáng tác ở 3 miền đất nước. Đồng thời, ngài thông báo Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 39 sẽ được tổ chức tại TTMV TGP TPHCM vào ngày 11.10.2016 với chủ điểm là cùng nhau góp ý và tổng hợp các ý kiến của mọi thành phần dân Chúa để hoàn chỉnh văn kiện HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC sau 3 năm thử nghiệm ngõ hầu kịp trình cho HĐGMVN cho phép chính thức áp dụng.

Linh mục nhạc sư Phêrô Kim Long góp ý: “Việc huấn luyện nếu được tổ chức ở 3 miền sẽ thuận lợi cho người học và phù hợp với địa phương hơn”.

Buổi Hội thảo kết thúc lúc 11g15 cùng ngày với bài hát “Hồng ân Thiên Chúa bao la”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top