Uỷ ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp đầu năm học 2017-2018

Uỷ ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp đầu năm học 2017-2018

 
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
_________________________________________________
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
Email: uybangiaoduc@gmail.com; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483
 
THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
DỊP ĐẦU NĂM HỌC 2017 - 2018
 
Các con rất thân mến,
 
Năm học mới 2017 – 2018 vừa bắt đầu. Khi các con tựu trường, mọi người thân, nhất là cha mẹ của các con đều thầm mong các con học giỏi, đạt nhiều kết quả để cuối năm thi đậu cao, hoặc mãn trường tìm được việc làm tốt, lương cao. Cha cầu mong cho cha mẹ các con và chính các con được toại nguyện. Phần Cha, Cha muốn gửi đến các con lời cầu chúc năm học mới được an lành, được Thiên Chúa chúc phúc. Ngoài ra, Cha cũng cầu mong cho các con luôn là những sinh viên, học sinh đáng kính trọng vì là những con người trung thực, biết khiêm nhường nhận lỗi và can đảm lãnh trách nhiệm về hậu quả do lỗi lầm của mình gây ra.
 
Giữa tháng 11 năm 2016 vừa qua, báo chí mạng đăng chuyện một em học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP. Hải Phòng, vô tình làm vỡ kính một chiếc xe hơi, đã để lại lời xin lỗi dán trên kính xe như sau: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ… Liên hệ với cháu qua số điện thoại để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai”. Dưới mấy hàng chữ xin lỗi là số điện thoại di động của em.
 
Hành động của em học sinh lớp 11 này, dám nhận trách nhiệm về lỗi phạm – dù không ai biết – đã lôi kéo sự chú ý của rất nhiều người, tất cả đều khen ngợi và cảm phục em. Một trong những lời khen ngợi viết như sau: “Không thể không cảm phục sự chân thành, trung thực và trách nhiệm của một cậu học trò lớp 11.”
 
Người ta đã để ý đến hành động của em học sinh này và tỏ lòng cảm phục vì đây là một đức tính đáng quý, đáng trọng và có lẽ cũng vì hành động như thế không có nhiều trong xã hội ngày nay. Mặc dù vẫn còn rất nhiều người chân thành, trung thực, nhưng ý tưởng thường gắn liền với cụm từ “xã hội Việt Nam”, “học sinh, sinh viên Việt Nam” là sự gian dối, lừa đảo, vô trách nhiệm, chạy tội, đổ tội… Có lẽ đó là lý do vì sao câu chuyện em học sinh lớp 11 nói trên đã là chuyện “hot” trong một thời gian khá dài trên mạng lưới xã hội. Người ta khao khát được thấy, được gặp những con người chân thành, trung thực, có thể tin tưởng được, nhưng lại hay gặp phải những con người giả dối, ích kỷ, lừa đảo, ném đá giấu tay, vu khống làm hại người khác để tranh giành ảnh hưởng, để kiếm lợi cho bản thân, cho gia đình, cho phe nhóm; đồ giả mà giới thiệu là đồ thật; công trình hư hỏng mà không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy, người ta luôn nghi ngờ, đề phòng. Cuộc khủng hoảng lớn lao của xã hội ngày nay là cuộc khủng hoảng của lòng tin tưởng. Người ta không dám tin nhau và hơn nữa còn không tin tưởng là người khác có thể tốt hơn!
 
Đứng trước tình trạng này, người thì phẫn nộ nguyền rủa, gây thêm thù hận, làm cho xã hội đã tăm tối ra tối tăm hơn. Người khác thì chán nản, chấp nhận tình trạng này như chuyện dĩ nhiên, hay có khi còn chạy theo sự giả dối và trốn tránh trách nhiệm của mình. Các con là sinh viên, học sinh Công giáo, các con phải khác. Chắc chắn các con đã thuộc lòng câu nói: “Hãy thắp lên một ngọn nến, thay vì nguyền rủa bóng tối!” Nếu tất cả sinh viên, học sinh Công giáo trên khắp ba miền Đất Nước cùng nhau thắp lên, mỗi người, một ngọn nến của lòng trung thực, của tinh thần trách nhiệm về các hành vi của mình, các con sẽ thay đổi xã hội và làm cho những môi trường tối tăm, u buồn trở thành nơi tươi sáng, hân hoan! Em học sinh lớp 11 trên đây, với sự trung thực, nhìn nhận và chịu trách nhiệm về hành vi lỡ lầm của mình, đã khơi lên trong lòng nhiều người ánh sáng của niềm hy vọng, của lòng ao ước sự chân thành!
 
Vì vậy, Cha muốn gửi đến các con lời mời gọi như một thách đố: “Các con hãy làm cho xã hội nên tốt hơn bằng lòng trung thực, bằng tinh thần khiêm nhường nhìn nhận lỗi lầm và can đảm nhận trách nhiệm về những hậu quả do sự sai lầm mình gây ra.”
 
Để được như vậy, các con hãy sống theo lời Chúa dạy: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37). Nhớ rằng, “sự thật không có thời điểm riêng nào, nó là ngay lúc này và luôn luôn” (Albert Schweitzer). Các con phải mạnh mẽ chiến đấu với chính mình, ngay trong tâm hồn các con, để chống lại khuynh hướng chạy tội, đổ tội, nói dối để được lợi, nhất là các con phải nhậy bén với tiếng lương tâm để biết phân biệt phải trái và nhận ra phần trách nhiệm của mình. Cha muốn kể lại cho các con câu chuyện “Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân?” mà Cha đã viết cho các con trong lá thư đầu năm học 2016 - 2017.
 
Câu chuyện kể về một anh lái xe, vì xe hỏng nên xuống lấy hai hòn đá chặn hai bánh sau để sửa xe. Sửa xe xong, anh lên xe đi, để lại hai hòn đá trên đường. Mặc dù được một cụ già nhắc bảo, anh vẫn rồ máy cho xe chạy. Đến trạm kiểm soát, anh thấy mất ví tiền, trong đó có giấy phép lái xe. Trở lại chỗ sửa xe để tìm, anh không thấy ví tiền, nhưng thấy một mảnh giấy yêu cầu anh vác hòn đá lên đồi để tìm ví tiền. Theo hướng chỉ dẫn, anh lên tới đỉnh đồi nơi có một nấm mộ mà trên đó anh thấy đặt ví tiền và một tờ giấy. Giấy phép lái xe và tiền đầy đủ không thiếu một đồng. Còn tờ giấy thì viết như sau: “Cái ví này là do tôi nhặt được… Đây là mộ của con trai tôi. Hai năm trước, vào một đêm, nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý: “Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm”.
 
Để có lòng trung thực, có tinh thần khiêm nhường và để có thể gìn giữ lương tâm luôn ngay thẳng, các con phải coi trọng và năng tìm gặp Chúa, nhất là gặp Chúa trong bí tích Hòa Giải. Đó là giây phút các con dám sống thực với chính mình và nhờ sức mạnh của ơn tha tội Chúa ban qua bí tích Hòa Giải, các con sẽ thay đổi chính mình. Từ đó các con có thể biến đổi xã hội nên tốt hơn mỗi ngày.
 
Sau cùng, nhân dịp đầu năm học, xin cho Cha gửi lời chào thăm các Thầy Cô và các bạn học của các con.
 
Với lòng thương mến, Cha nguyện xin Chúa chúc lành cho các con và xin Đức Mẹ mở rộng vòng tay Hiền Mẫu che chở và gìn giữ các con.
 
Cha thân ái chào các con!
Ngày 15 tháng 9 năm 2017
(đã ký)
 
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Chủ tịch UB Giáo dục Công Giáo

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top